Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác

Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do người chưa thành niên thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi: Tình hình, nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa

Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do người chưa thành niên thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi: Tình hình, nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa

1. Tính cấp thiết của đề tài

Người chưa thành niên phạm tội là một vấn đề quan ngại, bức xúc hiện nay của xã hội; không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự, an toàn xã hội, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến quá trình phát triển toàn diện của người chưa thành niên nói riêng và thế hệ tương lai của đất nước nói chung. Do đó, việc xây dựng giải pháp phòng ngừa và ngăn chặn NCTN phạm tội là một trong những vấn đề cấp thiết hiện nay, mang tính nhân văn sâu sắc; vừa góp phần giảm bớt tỷ lệ tội phạm ở nước ta, vừa đảm bảo thực thi các quyền trẻ em theo quy định của Công ước Quốc tế và pháp luật Việt Nam.

Những năm gần đây, tình hình kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi có những bước phát triển nhanh chóng, đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, tình hình ANTT cơ bản giữ vững ổn định. Tuy nhiên, tình hình tội phạm xâm phạm ANTT, trong đó đáng chú ý là tội phạm CYGTT hoạt động ngày càng manh động, liều lĩnh như tình trạng đòi nợ thuê dẫn đến đâm thuê, chém mướn, gây thương tích theo kiểu côn đồ, băng nhóm, tội phạm có xu hướng trẻ hóa, xuất hiện cả trong lứa tuổi chưa thành niên và học sinh, sinh viên. Mặc dù lực lượng Công an tỉnh Quảng Ngãi cùng với các ngành, các cấp đã thực hiện nhiều biện pháp để phòng ngừa và điều tra khám phá tội phạm CYGTT nói chung, tội phạm CYGTT do NCTN thực hiện nói riêng, nhưng vẫn chưa chặn đứng, đẩy lùi được tội phạm CYGTT do NCTN thực hiện; số lượng và tỷ lệ các vụ án của loại tội phạm này do NCTN thực hiện vẫn chiếm tỷ lệ cao, có chiều hướng diễn biến phức tạp, gây ra những hậu quả nặng nề cho xã hội. Vậy, đâu là nguyên nhân của vấn đề, rất cần có nghiên cứu để lý giải những nguyên nhân, điều kiện phát sinh tội phạm CYGTT do NCTN thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi; đánh giá lại hiệu quả phòng ngừa, ngăn chặn, chỉ ra những hạn chế, thiếu sót; từ đó đưa ra những giải pháp thích hợp, hiệu quả trong phòng ngừa, ngăn chặn đối với tội phạm này.

Cho đến nay, đã có những công trình nghiên cứu về tình hình và công tác phòng ngừa tội phạm CYGTT trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi; phòng ngừa và ngăn chặn NCTN phạm tội; nhưng chưa có công trình nào đi sâu nghiên cứu về tình hình và công tác phòng ngừa tội phạm CYGTT do NCTN thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi một cách toàn diện, có hệ thống dưới góc độ tội phạm học

Xuất phát từ cơ sở thực tiễn và lý luận nêu trên, tác giả chọn đề tài: “Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do người chưa thành niên thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi: Tình hình, nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa” làm đề tài Luận văn thạc sĩ luật học của mình.

2. Tình hình nghiên cứu của đề tài

3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

3.1. Mục đích nghiên cứu

Trên cơ sở nghiên cứu tình hình tội phạm CYGTT do NCTN thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi; tìm ra nguyên nhân và điều kiện làm nẩy sinh tội CYGTT do NCTN thực hiện; từ đó đề ra giải pháp phòng ngừa ngăn chặn NCTN phạm tội CYGTT trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

Một là, xây dựng khái niệm về THTP CYGTT do NCTN thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi; từ đó, thống kê, nghiên cứu, phân tích, đánh giá THTP CYGTT do NCTN thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, cả về phần hiện và phần ẩn của tội phạm.

Hai là, làm rõ những nguyên nhân, điều kiện nảy sinh tội phạm CYGTT do NCTN thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi: Nguyên nhân và điều kiện về kinh tế; nguyên nhân và điều kiện về xã hội; nguyên nhân và điều kiện về văn hóa, giáo dục; nguyên nhân và điều kiện về quản lý xã hội; nguyên nhân và điều kiện về pháp luật; nguyên nhân và điều kiện về môi trường sống; nguyên nhân và điều kiện về người phạm tội.

Ba là, dự báo THTP CYGTT do NCTN thực hiện và đề xuất hệ thống giải pháp phòng ngừa tội phạm CYGTT do NCTN thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, cụ thể là các gải pháp về kinh tế; giải pháp về xã hội; giải pháp về văn hóa, giáo dục; giải pháp về quản lý xã hội; giải pháp về pháp luật; giải pháp về môi trường sống; giải pháp về người phạm tội.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

4.1. Đối tượng nghiên cứu

Tình hình tội CYGTT do NCTN thực hiện; mối liên hệ về các nguyên nhân và điều kiện làm nẩy sinh tình hình tội CYGTT do NCTN thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

4.2. Phạm vi nghiên cứu

Tình hình tội CYGTT do NCTN thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, từ năm 2010 đến năm 2014, dưới góc độ tội phạm học.

5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu

5.1. Phương pháp luận

Đề tài được nghiên cứu dựa trên phương pháp luận của Chủ nghĩa Mác – Lênin là chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử và tư tưởng Hồ Chí Minh; các quan điểm, đường lối, chính sách của Đảng, các quy định pháp luật của Nhà nước về chăm sóc, giáo dục, bảo vệ thanh thiếu niên và đấu tranh phòng, chống NCTN phạm tội.

5.2. Phương pháp nghiên cứu

Đề tài nghiên cứu bằng các phương pháp: Thống kê hình sự; phương pháp nghiên cứu tội phạm học chọn lọc (sử dụng phương pháp nhóm lại lần thứ hai các số liệu đã thu thập được đã phản ánh trong các biểu mẫu thống kê theo các kết quả của việc quan sát toàn bộ; đồng thời, tiến hành nghiên cứu một bộ phận của cái tổng thể); phương pháp xã hội học (phỏng vấn, nghiên cứu các vụ án hình sự và các tài liệu khác).

6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn

6.1. Ý nghĩa lý luận

Góp phần làm rõ thêm và bổ sung, hoàn thiện hệ thống lý luận về hoạt động phòng ngừa tội CYGTT do NCTN thực hiện.

Có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo, nghiên cứu phục vụ cho công tác phòng ngừa tội phạm nói chung và tội phạm do NCTN thực hiện của các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

6.2. Ý nghĩa thực tiễn

Các cấp chính quyền, các Hội, đoàn thể, lực lượng chuyên trách trong công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm của tỉnh có thể khai thác sử dụng và áp dụng những giải pháp trong thực tiễn công tác phòng ngừa tội CYGTT do NCTN thực hiện nói riêng; trong phòng ngừa tội phạm do NCTN thực hiện nói chung. Đồng thời, khắc phục những tồn tại, thiếu sót, từng bước nâng cao hiệu quả hoạt động phòng ngừa loại tội phạm này trong giai đoạn hiện nay.

7. Kết cấu của luận văn

Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, nội dung chính của luận văn được kết cấu gồm 3 chương:

Chương 1: Tình hình tội phạm cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do người chưa thành niên thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Chương 2: Nguyên nhân và điều kiện của tình hình tội phạm cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do người chưa thành niên thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Chương 3: Giải pháp phòng ngừa tội phạm cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do người chưa thành niên thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Chương 1

TÌNH HÌNH TỘI PHẠM CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH HOẶC GÂY TỔN HẠI CHO SỨC KHỎE CỦA NGƯỜI KHÁC DO NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN THỰC HIỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI

1.1. Khái niệm về tình hình tội phạm CYGTT do NCTN thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

Tình hình tội phạm CYGTT do NCTN thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi là một loại tình hình tội phạm cụ thể; là một hiện tượng xã hội, pháp lý – hình sự được thay đổi về mặt lịch sử, mang tính giai cấp, bao gồm tổng thể các hành vi phạm tội CYGTT đã xảy ra cùng những NCTN thực hiện hành vi đó trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, ở một khoảng thời gian nhất định.

1.2. Phần hiện của THTP CYGTT do NCTN thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

1.2.1. Thực trạng (mức độ) của THTP CYGTT do NCTN thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

Thực trạng (mức độ) của THTP CYGTT do NCTN thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian 05 năm (từ năm 2010 đến 2014) là 55 vụ, với tổng số 89 bị cáo là NCTN và tổng quan trung bình năm là 11 vụ, với 17,8 bị cáo là NCTN; chiếm 11,54% tổng số vụ CYGTT (442 vụ) và chiếm 13,05% tổng số bị cáo phạm tội CYGTT (659 bị cáo); chiếm 27,13% số vụ án hình sự do NCTN thực hiện (188 vụ), chiếm 29,66% số bị cáo là NCTN (290 bị cáo); chiếm tỷ lệ cao trong THTP CYGTT; THTP do NCTN thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi và cao hơn 02 lần so với toàn quốc; cao hơn các tỉnh lân cận ở miền Trung (Quảng Nam, Bình Định) cả về số vụ và số bị cáo. Trong tổng số 89 bị cáo là NCTN bị xét xử sơ thẩm về tội CYGTT ở tỉnh Quảng Ngãi, từ năm 2010 đến năm 2014 có 81 người phạm tội lần đầu, 08 người tái phạm; tỷ lệ tái phạm là 8,99%. Tỷ lệ này là cao so với THTP tái phạm nói chung trong cùng giai đoạn (7,1%).

1.2.2. Động thái (diễn biến) của THTP CYGTT do NCTN thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

So sánh với năm 2010 (năm định gốc) chỉ có năm 2013 tăng 27,27% số vụ và 14,28% số bị cáo, còn các năm khác đều giảm cả về số vụ, số bị cáo; giảm nhiều nhất là năm 2011 (giảm 27,28% số vụ, 52,39% số bị cáo). So sánh liền kề các năm thì số vụ, số bị cáo có tăng, có giảm, tức là không rõ xu hướng của tội phạm. Nếu đặt các năm 2012, 2013, 2014 thành một giai đoạn 03 năm để so sánh với 03 năm liền kề trước đó, tức là năm 2010, 2011, 2012 thì xu hướng tăng rõ ràng cả về số vụ, số bị cáo (36/31 vụ tăng 16,12% và 58/51 bị cáo tăng 13,72%); điều này thể hiện tính nguy hiểm, ẩn chứa nhiều nguy cơ gia tăng tội phạm này và bộc lộ các biện pháp phòng ngừa đã áp dụng chưa đem lại kết quả vững chắc, ổn định.

1.2.3. Cơ cấu của THTP CYGTT do NCTN thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, từ năm 2010 đến năm 2014

1.2.3.1. Cơ cấu của THTP xét theo đơn vị hành chínhi

Cơ cấu THTP CYGTT do NCTN thực hiện theo đơn vị hành chính không đều; tập trung tại địa bàn Thành phố Quảng Ngãi và các huyện đồng bằng: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Tư Nghĩa, Mộ Đức, Đức Phổ, Nghĩa Hành. Các huyện miền núi, hải đảo có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn, người đồng bào dân tộc chiếm đa số, nhưng trong 05 năm (từ 2010 đến 2014) không xét xử vụ nào về tội CYGTT do NCTN thực hiện.

Nếu kết hợp yếu tố dân cư và diện tích làm cơ sở đánh giá; thì Thành phố Quảng Ngãi xếp vị trí thứ nhất về cấp độ nguy hiểm của THTP CYGTT do NCTN; huyện Sơn Tịnh và huyện Nghĩa Hành cùng ở vị trí thứ 2; huyện Đức Phổ xếp vị trí thứ 3; huyện Bình Sơn và huyện Tư Nghĩa cùng xếp thứ 4; huyện Mộ Đức có cấp độ nguy hiểm thấp nhất.

Đường phố là địa điểm chủ yếu xảy ra tội phạm; tiếp đến là nhà hàng, quán ăn và nhà riêng phòng trọ của nạn nhân; không có vụ án nào xảy ra trong trường học, bệnh viện, cơ quan.

Tội CYGTT do NCTN thực hiện xảy ra ở tất cả thời gian trong ngày; nhưng chủ yếu là từ 18 giờ đến 23 giờ (34 vụ, chiếm 61,81 %), từ 12 giờ đến 17 giờ là 14 vụ (chiếm 25,45%).

1.2.3.3. Cơ cấu THTP xét theo động cơ, mục đích phạm tội

Động cơ, mục đích phạm tội nhằm giải quyết mâu thuẫn cá nhân là 29 bị cáo (chiếm 32,58% số bị cáo); giải quyết tranh chấp (tài sản, đất đai…) là 02 bị cáo (chiếm 2,24% số bị cáo); giúp người khác giải quyết mâu thuẫn là 54 bị cáo ( chiếm 60,67% số bị cáo); không có động cơ, mục đích cụ thể là 04 bị cáo (chiếm 4,49% số bị cáo).

1.2.3.4 Cơ cấu của THTP xét theo tiêu chí công cụ, phương tiện gây án

Trong 55 vụ án xét xử hình sự sơ thẩm, có 35 vụ các bị cáo sử dụng vũ khí hoặc vũ khí thô sơ để gây thương tích cho người bị hại, chiếm tỉ phần chủ yếu 63,63%; 17 vụ án sử dụng gạch, gỗ, đá… làm công cụ phạm tội, chiếm 30,9%; 03 vụ dùng tay, chân, chiếm tỉ phần 3,37%. Loại tội rất nghiêm trọng chiếm tỉ phần lớn (69,09%), kế đến là loại nghiêm trọng (21,81%), loại ít nghiêm trọng (9,09%.)

1.2.3.6. Cơ cấu của THTP xét theo hình thức phạm tội

Hình thức phạm tội đồng phạm chiếm chủ yếu trong các vụ án NCTN phạm tội CYGTT ở tỉnh Quảng Ngãi 51 vụ, chiếm tỉ lệ 95,49%. Trong đó, hình thức đồng phạm giản đơn là 43 vụ, chiếm tỉ lệ 67,41%; hình thức đồng phạm có tổ chức là 08 vụ (28,08%); hình thức phạm tội đơn lẻ chiếm tỉ lệ rất ít, 04 vụ chiếm 4,49%.

1.2.3.7. Cơ cấu của THTP xét theo vị trí, vai trò trong đồng phạm

Trong 85 bị cáo phạm tội trong các vụ án đồng phạm có 14 bị cáo giữ vai trò chủ mưu, chiếm 16, 47%; 71 bị cáo tham gia với vai trò giúp sức, chiếm tỉ lệ 83,52%. Hình thức phạm tội đồng phạm chiếm chủ yếu trong các vụ án NCTN phạm tội CYGTT ở tỉnh Quảng Ngãi, nhưng NCTN tham gia chủ yếu với vai trò giúp sức, tức là bị người khác lôi kéo, kích động phạm tội.

1.2.3.8. Cơ cấu của THTP xét theo hình phạt

Trong 89 bị cáo NCTN phạm tội CYGTT, có 03 bị cáo bị kết án cải tạo không giam giữ, chiếm tỉ lệ 3,37%; 19 bị cáo bị phạt tù nhưng cho hưởng án treo, chiếm tỉ lệ 21,34%; 43 bị cáo bị phạt tù dưới 03 năm, chiếm 48,31%; 24 bị cáo bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm, chiếm 26,96%. Điều này cũng cho thấy tính chất, mức độ và hậu quả gây ra của đa phần tội phạm CYGTT do NCTN thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi là rất lớn.

1.2.3.9. Cơ cấu của THTP xét theo đặc điểm nhân thân người bị hại

Người bị hại dưới 18 tuổi là 14 người, chiếm tỉ lệ 19,17% số người bị hại; từ 18 đến 30 là 53 người, chiếm tỉ lệ 72,60%, trên 30 tuổi là 06 người, chiếm tỉ lệ 8,21%. Như vậy, người bị hại tập trung chủ yếu từ 18 đến 30 tuổi là đối tượng mà NCTN thường muốn thể hiện để chứng tỏ vai trò, vị trí của mình.

1.2.3.10. Cơ cấu của THTP xét theo đặc điểm nhân thân người phạm tội

– Cơ cấu của THTP xét theo giới tính của người phạm tội: Nam giới: 84 bị cáo (chiếm tỉ lệ 94,38%), nữ giới: 05 bị cáo (chiếm tỉ lệ 5,61%).

– Cơ cấu của THTP xét theo trình độ học vấn của người phạm tội: Trong 89 bị cáo là NCTN phạm tội CYGTT có 66 bị cáo có trình độ dưới THCS, chiếm tỉ lệ 74,13%; 23 bị cáo có trình độ THPT.

– Cơ cấu của THTP xét theo nghề nghiệp của người phạm tội: Trong 89 bị cáo là NCTN phạm tội CYGTT có 33 bị cáo không có nghề nghiệp, chiếm 37,07%; có 06 bị cáo nghề nghiệp làm nông, chiếm 6,74%; có 36 bị cáo lao động tự do (hay có nghề nghiệp nhưng chưa ổn định), chiếm 40,44%; có 14 bị cáo là học sinh, chiếm 15,73%. Như vậy, nếu xét cơ cấu theo nghề nghiệp thì nhóm đối tượng là NCTN đã bỏ học, không có nghề nghiệp hoặc có nghề nghiệp nhưng chưa ổn định chiếm chủ yếu trong các vụ án phạm tội CYGTT; tiếp đến là học sinh.

– Cơ cấu của THTP xét theo tiêu chí dân tộc của người phạm tội: NCTN phạm tội CYGTT 100% là dân tộc Kinh.

1.2.4. Tính chất của THTP CYGTT do NCTN thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

Trước hết, mức độ nghiêm trọng rất cao; bình quân mỗi năm xảy ra 11 vụ, với 17,8 bị cáo; cao hơn 02 lần so với toàn quốc (11%) và cao hơn 02 tỉnh liền kề (Quảng Nam và Bình Định).

Hai là, xu hướng không tăng, giảm rõ ràng theo từng năm. Nhưng nếu so sánh giai đoạn 03 năm với nhau thì xu hướng tăng rõ ràng cả về số vụ, số bị cáo (36/31 vụ tăng 16,12% và 58/51 bị cáo tăng 13,72%).

Ba là, chỉ có NCTN là dân tộc Kinh mới phạm tội CYGTT, chỉ xảy ra ở địa bàn thành phố và các huyện đồng bằng.; nam giới chiếm đa số (94,38%) và đã bỏ học (chiếm tỉ lệ 84,25%). Tỉ lệ tái phạm là 8,99% cao hơn tỉ lệ tái phạm tội chung (7,1%).

Bốn là, mức độ nguy hiểm rất cao; vì chủ yếu là đồng phạm (chiếm tỉ lệ 95,49%); phạm tội nghiêm trọng và rất nghiêm trọng chiếm 90,9%; hậu quả về thương tích rất cao; khung hình phạt truy tố các bị cáo chủ yếu tại Khoản 2 và Khoản 3 – Điều 104 BLHS.

1.3. Phần ẩn của THTP CYGTT do NCTN thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

1.3.1. Tội phạm ẩn khách quan

Do người bị hại không tố giác tội phạm hoặc mong muốn giữ kín sự kiện phạm tội và từ phía người làm chứng. Bởi vì:

– Người bị hại ở đây, cũng chính là người phạm tội trong vụ án CYGTT hoặc trong vụ án gây rối trật tự công cộng; nên cả 2 bên đều không hợp tác với cơ quan bảo vệ pháp luật.

– Người bị hại có mối quan hệ huyêt thống, họ hàng, bạn bè hoặc bị mua chuộc, đe dọa dẫn đến không khai báo, từ chối giám định thương tích, không hợp tác với các cơ quan bảo vệ pháp luật.

– Người làm chứng do bị đe dọa, mua chuộc hoặc sợ liên lụy, phiền hà không dám tố giác, không hợp tác với cơ quan bảo vệ pháp luật, dẫn đến một số trường hợp trong quá trình điều tra, xác minh không thể cá thể hóa trách nhiệm cá nhân để xử lý về tội CYGTT.

1.3.2. Tội phạm ẩn chủ quan

Ở giai đoạn tiếp nhận thông tin tố giác tội phạm, do việc xử lý thông tin chậm dẫn đến không xác định được thông tin quan đến tội phạm.

Ở giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử do người bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố, dẫn đến phải đình chỉ điều tra, truy tố, xét xử vụ án.

1.3.3. Tội phạm ẩn thống kê

Do nguyên tắc “vụ án và bị cáo theo tội danh nghiêm trọng nhất và hình phạt cao nhất”, nên trong trường hợp NCTN phạm nhiều tội, trong đó có tội nghiêm trọng hơn tội CYGTT như giết người thì biểu mẫu chỉ xuất hiện vụ án với tội danh giết người. Do đó, trong trường hợp này tội CYGTT sẽ bị ẩn.

Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do người chưa thành niên thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi: Tình hình, nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa
Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do người chưa thành niên thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi: Tình hình, nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa

Chương 2

NGUYÊN NHÂN VÀ ĐIỀU KIỆN CỦA TÌNH HÌNH TỘI PHẠM CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH HOẶC GÂY TỔN HẠI CHO SỨC KHỎE CỦA NGƯỜI KHÁC DO NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN THỰC HIỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI

2.1. Quan niệm về nguyên nhân và điều kiện của THTP CYGTT do NCTN thực hiện

Là sự tác động qua lại giữ các yếu tố tiêu cực thuộc môi trường sống và các yếu tố tâm – sinh lý tiêu cực thuộc cá nhân của NCTN trong những hoàn cảnh – tình huống nhất định, làm phát sinh những hành vi nguy hiểm cho xã hội mà Luật hình sự quy định là tội CYGTT.

Việc nghiên cứu THTP CYGTT do NCTN thực hiện chỉ có thể mang lại kết quả hữu ích và khả thi khi làm rõ các yếu tố làm phát sinh tội phạm; tức là ở môi trường sống, ở ý thức cá nhân NCTN phạm tội và ở quá trình động cơ hóa hành vi, kế hoạch hóa hành vi và hiện thực hóa hành vi phạm tội CYGTT của NCTN.

2.2. Hệ thống các nguyên nhân và điều kiện của THTP CYGTT do NCTN thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

2.2.1. Nguyên nhân và điều kiện về kinh tế

Thực tế thu nhập của đại đa số nhân dân trong tỉnh thấp; công thêm việc triển khai thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế, dẫn đến nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn, không đủ điều kiện nuôi dạy, chăm sóc con cái; không có thời gian quản lý giáo dục chăm sóc con cái; nên nhiều em thường xuyên chơi bời lêu lổng, lang thang suốt ngày, giao du, kết bạn với nhiều loại đối tượng và việc nẩy sinh những mâu thuẫn, xung đột là không tránh khỏi; việc bị lôi kéo, kích động tham gia các vụ gây rối trật tự cộng cộng, đánh người gây thương tích là đương nhiên xảy ra.

2.2.2. Nguyên nhân và điều kiện về xã hội

– Một số chính sách và biện pháp hỗ trợ cho hộ nghèo chưa phù hợp, chưa tạo động lực cho người nghèo vươn lên, thậm trí còn tái nghèo trở lại; khoảng cách giàu nghèo trong xã hội ngày càng rộng, gây ra sự bất bình đẳng, bức xúc, mâu thuẫn trong xã hội, hình thành tâm lý đố kỵ, ghen ghét, không tin tưởng vào pháp luật trong tính cách của NCTN, muốn đập phá, trả thù.

– Công tác dạy nghề, tạo việc làm cho NCTN còn một số bất cập; dẫn đến NCTN bỏ học không đủ thu nhập để trang trải cuộc sống, đặc biệt là ở thành phố và các huyện đồng bằng; nên đi theo người khác để được đáp ứng nhu cầu cá nhân. Và việc bị dụ dỗ, lôi kéo, yêu cầu thực hiện một việc gì đó, kể cả gây thương tích cho người khác là không tránh khỏi.

– Đạo đức xã hội bị băng hoại và xuống cấp nghiêm trọng. Tình thương yêu, lòng vị tha đối với con người đã bị tư tưởng “tất cả vì đồng tiền”, “mạnh được, yếu thua” lấn áp; hình thành nên xu hướng dùng bạo lực, sức mạnh để thực hiện các mục đích, nhu cầu cá nhân ngày càng phổ biến trong xã hội.

 2.2.3. Nguyên nhân và điều kiện về văn hóa, giáo dục

Nhiều sản phẩm văn hoá, trò chơi có nội dung: bạo lực và tình dục, nhưng cơ chế kiểm soát còn nhiều bất cập; các sản phẩm văn hóa, game bạo lực đã tác động hình thành xu hướng sử dụng hung khí, bạo lực để giải quyết mâu thuẫn trong NCTN.

Tính cách người Quảng Ngãi thường nóng tính, khắt khe, cố chấp, cho nên trong quan hệ xã hội thường xảy ra những xung đột, mâu thuẫn; điều này trở thành nguòn gốc sâu xa trong việc hình thành xu hướng dùng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn của NCTN.

2.2.4. Nguyên nhân và điều kiện về quản lý xã hội

Công tác vận động, tập hợp, tổ chức cho quần chúng tham gia đấu tranh với loại tội phạm này chưa tốt; đa số do ngại va chạm, sợ bị liên lụy, sợ bị trả thù nên né tránh, không dám can thiệp, ngăn chặn; cá biệt có trường hợp đứng xem, cổ vũ thêm cho tội phạm. Công tác quản lý Nhà nước và việc thực hiện chức trách nhiệm vụ của các cơ quan, cá nhân có liên quan còn những hạn chế nhất định. Công tác quản lý, giáo dục, tái hòa nhập cộng đồng cho NCTN phạm tội chưa tốt, dẫn đến NCTN tái phạm tội CYGTT.

NCTN phạm tội lần đầu không bị phát hiện, răn đe, giáo dục kịp thời, dẫn đến tư tưởng coi thường pháp luật trong NCTN.

2.2.5. Nguyên nhân và điều kiện về pháp luật

Nhiều trường hợp lợi dụng quy định của Điều 105 BLTTHS năm 2003, dùng các thủ đoạn đe dọa, mua chuộc hoặc các tác động khác để người bị hại rút đơn yêu cầu khởi tố để thoát tội.

– Việc tiến hành điều tra, truy tố, xét xử đối với NCTN phạm tội vẫn còn những bất cập, chưa thực hiện tốt nhất những quy định của pháp luật có tính ưu tiên đối với NCTN, dẫn đến tạo tâm lý bi quan, tuyệt vọng, mất niềm tin, định hướng về cuộc sống của NCTN phạm tội và khả năng tái phạm tội của NCTN rất cao.

2.2.6. Nguyên nhân và điều kiện về môi trường sống

2.2.6.1. Môi trường gia đình

Phương pháp giáo dục của cha, mẹ đối với con chưa đúng gây bức xúc cho NCTN; gia đình không còn hấp dẫn, không còn là nơi “ trú ẩn” dẫn đến NCTN dễ bỏ nhà ra đi, theo các băng nhóm vì đó là thế giới riêng của trẻ mà chúng không tìm thấy khi sống ở gia đình.

NCTN trong gia đình có hoàn cảnh khiếm khuyết, rất ít, thậm chí không nhận được sự giáo dục, hướng dẫn xử lý, giải quyết khi có mâu thuẫn, tranh chấp và định hướng trong quan hệ, kết bạn; không có sự quản lý, giám sát của gia đình dẫn đến bị lôi kéo, kích động, giúp sức cho người khác trong các vụ án CYGTT. Một số NCTN sống trong môi trường gia đình hà khắc, thường xuyên xảy ra bạo lực, nên đã hình thành tính cách hung hãn, lì lợm, coi việc sử dụng bạo lực để giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp là việc đương nhiên, không thể tránh khỏi.

Ngoài ra, NCTN cảm thấy bị hụt hẫng, bản tính ngang bướng, thậm chí bất cần, khi thiếu sự quan tâm của cha mẹ; trong các quan hệ xã hội rất dễ nảy sinh mâu thuẫn, xung đột dẫn đến đánh nhau, gây thương tích.

2.2.6.2. Môi trường nhà trường

Công tác quản lý học sinh của nhà trường còn lỏng lẻo, thiếu sự phối hợp đồng bộ giữa nhà trường và gia đình trong quản lý, giáo dục học sinh.

Kỷ luật của một số nhà trường lỏng lẻo, không nghiêm, việc xử lý những mâu thuẫn xung đột trong học sinh thiếu chính xác, không triệt để; dẫn đến suy giảm, thậm chí mất niềm tin vào sự công bằng trong nhà trường. Bên cạnh đó, việc xử lý buộc thôi học đối với học sinh vi phạm kỷ luật., tạo gánh nặng cho xã hội và là nguyên nhân quan trọng đẩy NCTN đến con đường phạm tội.

Công tác giáo dục công dân chưa được chú trọng đúng mức, dẫn đến NCTN thiếu những phẩm chất đạo đức để đánh giá, phân biệt đúng sai; thiếu cách ứng xử, giải quyết khi có những xung đột, mâu thuẫn xảy ra.

Định hướng nghề nghiệp còn nhiều hạn chế; nhiều em sau khi tốt nghiệp THCS ở nhà không có việc làm hoặc có việc làm nhưng không ổn định, chơi bời, lêu lổng, dẫn đến phạm tội.

2.2.6.3. Môi trường nơi cá nhân làm việc và sinh sống

100% NCTN phạm tội CYGTT ở tỉnh Quảng Ngãi đều sống ở địa bàn thành phố và các huyện đồng bằng – nơi đang tồn tại nhiều hiện tượng tiêu cực, tệ nạn và các hành vi phạm tội, các dịch vụ và các điểm kinh doanh không lành mạnh. Chính những hiện tượng tiêu cực đã hình thành những suy nghĩ tiêu cực về ý thức chấp hành pháp luật và bị tác động, dụ dỗ, lôi kéo, kích động gây rối trật tự công cộng, đánh người gây thương tích.

2.2.7. Nguyên nhân và điều kiện thuộc về người phạm tội

Chính sự ấu trĩ về pháp luật mà khi xảy ra mâu thuẫn, xung đột, NCTN không biết phải làm như thế nào để giải quyết và đương nhiên là chửi bới, gào thét, đánh nhau, đâm chém…dẫn đến phạm tội CYGTT.

Người chưa thành niên ở nước ta hiện nay thành “người lớn” sớm hơn, tính cách thường phát triển theo khuynh hướng thích chứng tỏ “đã” là người lớn và mong muốn người xung quanh thừa nhận; thường muốn sử dụng bạo lực trong giải quyết mâu thuẫn, xung đột để chứng tỏ “người lớn” .

Với tâm lý thiếu ổn định, xốc nổi, thích độc lập, thích khẳng định mình, nhưng lại thiếu hụt về nhận thức tình cảm và thiếu hụt cả các kỹ năng ứng phó giải quyết vấn đề.

Do tinh thần tự lực, tự lập của lứa tuổi này quá cao, có khi quá trớn, khi gặp sự đối xử mang tính gia trưởng hoặc thiếu sự quan tâm của người lớn NCTN thường phản ứng lại, gây căng thẳng, xung đột với người lớn; từ đó, chúng tìm đến nguồn an ủi, thông cảm từ bạn bè; nếu gặp kẻ xấu dễ dàng sa ngã vào con đường phạm tội .

NCTN bị phân biệt đối xử, tự ti về hoàn cảnh thua kém của mình hoặc bị coi thường về kiến thức, về vật chất, về gia cảnh, sẽ dễ dàng trở nên hung hãn để đòi lại vị thế ngang bằng theo cách của họ.

Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do người chưa thành niên thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi: Tình hình, nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa
Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác do người chưa thành niên thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi: Tình hình, nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa

Chương 3

GIẢI PHÁP PHÒNG NGỪA TỘI PHẠM CỐ Ý GÂY THƯƠNG TÍCH HOẶC GÂY TỔN HẠI CHO SỨC KHỎE CỦA NGƯỜI KHÁC DO

NGƯỜI CHƯA THÀNH NIÊN THỰC HIỆN TRÊN ĐỊA BÀN

TỈNH QUẢNG NGÃI

3.1. Dự báo THTP CYGTT do NCTN thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

3.1.1. Cơ sở dự báo về THTP CYGTT do NCTN thực hiện trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

– Do những tác động tiêu cực của quá trình phát triển kinh tế: trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

– Do tác đông của những trào lưu, lối sống lai căng, văn hóa phẩm độc hại, tư tưởng, hành động lệch chuẩn mực đạo đức, bạo lực.

Do những thiếu sót, hạn chế, trong việc thực thi nhiệm vụ, chính sách, pháp luật tạo những kẽ hở và kéo theo những vấn đề xã hội tiêu cực tác động đến NCTN.

3.1.2. Nội dung dự báo về THTP CYGTT do NCTN thực hiện trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

– THTP CYGTT do NCTN vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp và chứa đựng nhiều yếu tố không ổn định. Thành phố Quảng Ngãi và các huyện đồng bằng tiếp tục gia tăng về số vụ và số NCTN phạm tội CYGTT; đặc biệt là thành phố Quảng Ngãi.

– Sẽ có sự gia tăng tỷ lệ án có nguyên nhân do tranh chấp đất đai, nhà cửa, mâu thuẫn trong làm ăn, ghen tuông tình ái… Các vụ phạm tội CYGTT với động cơ, mục đích trả thù sẽ gia tăng về số vụ và mức độ phạm tội.

– Số NCTN gây án từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi sẽ tiếp tục chiếm đa số; từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi sẽ tăng lên.

– Sử dụng nhiều ở loại công cụ, phương tiện nguy hiểm để gây án. Tỷ lệ các vụ án cố ý gây thương tích có sử dụng công cụ, phương tiện nguy hiểm sẽ tăng.

– Tội phạm được thực hiện táo bạo, côn đồ, liều lĩnh, quyết liệt, hậu quả gây ra sẽ có chiều hướng nghiêm trọng hơn.

– Thủ đoạn thực hiện tội phạm sẽ tinh vi xảo quyệt hơn; trong đó các thủ đoạn mua chuộc, đe dọa, khống chế người bị hại, người làm chứng sẽ thực hiện nhiều hơn.

3.2. Hệ thống các giải pháp phòng ngừa THTP CYGTT do NCTN thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

3.2.1. Giải pháp về kinh tế

Tiếp tục đẩy mạnh cải cách, phát triển kinh tế, nhằm tạo ra công ăn việc làm cho người lao động; tăng thu nhập, nâng cao mức sống của từng gia đình; giảm nhanh các hộ đói, nghèo.

Tạo điều kiện vật chất phù hợp để thực hiện các chính sách trợ giúp xã hội, chính sách trợ giúp trẻ em nói chung, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng; đáp ứng đầy đủ kinh phí để xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí của trẻ em; từ đó đảm bảo đời sống của trẻ em và thúc đẩy việc thực hiện quyền trẻ em.

3.2.2. Giải pháp về xã hội

Thực hiện đồng bộ các chính sách xã hội, an sinh xã hội tập trung các địa bàn đặc biệt khó khăn, người nghèo, đối tượng chính sách xã hội… Triển khai đồng bộ chương trình giảm nghèo, các Chương trình mục tiêu quốc gia, nhằm hạn chế những bất công, bất bình đẳng trong xã hội.

Kịp thời pháp hiện và giải quyết ngay những mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, xây dựng các khu dân cư an toàn về ANTT.

Mở rộng các loại hình, lớp học tình thương, lớp dạy nghề nhằm giúp đỡ dạy dỗ những em không có điều kiện đến trường nâng cao trình độ, có nghề nghiệp để kiếm sống và quan trọng hơn là cách ly các em ra khỏi môi trường xấu.

3.2.3. Giải pháp về văn hóa, giáo dục

– Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật, đạo đức, lối sống lành mạnh cho học sinh, NCTN, hình thành lối sống có trách nhiệm với xã hội, với cộng đồng, tôn trọng pháp luật, tôn trọng quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, đặc biệt là tính mạng, sức khỏe – vốn quý nhất của con người.

– Quan tâm đầu tư xây dựng, tạo ra nhiều “sân chơi lành mạnh” cho thanh, thiếu niên, để phát triển toàn diện về cả thể chất, trí tuệ, tinh thần và nhân cách.

– Đoàn thanh niên cần chủ động trong việc quản lý, tập hợp NCTN bỏ học, nghỉ học tham gia vào các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao ở địa phương, kết hợp với việc tuyên truyền phổ biến pháp luật, xây dựng phong trào “Nói lời hay làm việc tốt”, “Bạn giúp bạn tiến bộ”….

– Tăng cường kiểm tra, xử lý các loại hình dịch vụ kinh doanh ngành “nhạy cảm”. Kiểm tra xử lý nghiêm các loại văn hóa phẩm, các trò chơi điện tử, truyện tranh có nội dung bạo lực, kích động bạo lực.

– Khuyến khích việc sáng tác những tác phẩm, chương trình văn hóa, trò chơi điện tử có giá trị thẩm mỹ cao, phù hợp với thuần phong mỹ tục của người Việt Nam; góp phần đẩy lùi cái xấu, tiêu cực, tư tưởng bạo lực trong NCTN.

3.2.4. Giải pháp về quản lý xã hội

– Bằng mọi cách đưa tất cả các em (kể cả các em sống lang thang trên hè phố) vào sinh hoạt trong các tổ chức đoàn thể, tổ chức xã hội để quản lý, giáo dục.

– Phát động mạnh mẽ phong trào toàn dân tham gia phòng ngừa, ngăn chặn kịp thời các hoạt động gây rối trật tự công cộng, đánh người gây thương tích trong thanh, thiếu niên. Phát triển các nhóm, hộ, tổ dân phố, phường xã tự quản lý theo dõi giám sát các hoạt động của con cái mình; có hình thức khen thưởng và nhân rộng điển hình có thành tích xuất sắc trong phòng ngừa NCTN phạm tội.

– Xây dựng và nhân rộng các mô hình về quản lý trẻ em làm trái pháp luật; kết hợp với việc thực hiện tốt công tác quản lý, giáo dục, cảm hóa những người chưa thành niên phạm tội đã trở về tái hóa nhập cộng đồng.

– Chủ động phòng ngừa, làm tan rã các băng, nhóm thanh, thiếu niên ăn chơi đua đòi, côn đồ càn quấy, nhóm học sinh cá biệt.

– Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về trật tự xã hội, nhất là nơi công cộng, nhà hàng, dịch vụ Internet, khu vui chơi, giải trí….

– Tăng cường mối quan hệ giữa gia đình, nhà trường và chính quyền địa phương trong việc quản lý NCTN.

3.2.5. Giải pháp về pháp luật

Tiếp tục xây dựng hoàn thiện và bổ sung hệ thống pháp luật liên quan đến công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; có chính sách pháp luật cụ thể về công tác điều tra, truy tố, xét xử, quy định rõ trách nhiệm của các cấp các ngành trong xử lý tội phạm là NCTN.

– Xúc tiến thành lập tòa án chuyên trách về NCTN để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho NCTN vi phạm pháp luật nói chung; phạm tội CYGTT nói riêng.

– Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cho điều tra viên, kiểm sát viên, thẩm phán về tâm sinh lý, khoa học giáo dục NCTN.

– Người bị hại từ chối giám định, rút đơn yêu cầu (đối với tỷ lệ thương tật dưới 11%), dẫn đến không có cơ sở để khởi tố, truy tố, xét xử theo quy định của BLTTHS. Đây là quy định không phù hợp với thực tiễn đấu tranh, phòng chống tội phạm CYGTT nói chung. Do đó, cần xem xét thay đổi quy định này trong BLTTHS.

3.2.6. Giải pháp về môi trường sống

3.2.6.1. Giải pháp về gia đình

– Quan tâm nâng cao văn hóa gia đình; cha, mẹ phải là tấm gương, là điểm tựa vững chắc cho con cái noi theo. Từng thành viên trong gia đình phải làm gương, giao tiếp ứng xử đúng mực, mạnh dạn lên án và loại bỏ bạo lực ra khỏi đời sống gia đình.

– Nâng cao ý thức trách nhiệm về quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ đối với con cái. Thường xuyên, giáo dục pháp luật; đồng thời chủ động xây dựng mối quan hệ cởi mở, công bằng với con trẻ; lựa chọn những quan niệm, nội dung và phương pháp giáo dục con cái phù hợp nhất.

– Phối hợp chặt chẽ với nhà trường, chính quyền trong việc giáo dục con cái; không phó mặc con em mình cho nhà trường, cho xã hội.

3.2.6.2. Giải pháp về nhà trường

– Bồi dưỡng, nâng cao phẩm chất, đạo đức của đội ngũ thầy, cô giáo.

– Tăng cường giáo dục toàn diện cho học sinh. Bên cạnh việc đổi mới nâng cao chất lượng dạy và học; nhà trường cần tăng cường thời lượng và chất lượng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh.

– Tăng cường giáo dục pháp luật và giáo dục hình thành ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh; nhằm giúp các em hình thành ý thức tự giác phòng tránh những hành vi VPPL và luôn cố gắng thực hiện những hành vi trong khuôn khổ pháp luật cho phép đối với lứa tuổi của các em.

– Tăng cường mối liên hệ giữa nhà trường với gia đình và xã hội.

– Thực hiện tốt vai trò và chức năng quản lý của nhà trường đối với học sinh; tăng cường đối thoại với học sinh; đồng thời xử lý kỷ luật phải đảm bảo khách quan, công bằng,.

3.2.6.3. Giải pháp về môi trường cư trú, làm việc của NCTN

Đẩy mạnh cuộc vận động toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư thật sự có chất lượng; không chạy theo thành tích, số lượng mà phải xây dựng các khu dân cư thực sự có văn hóa.

Chính quyền địa phương cần nhận biết và kiểm soát các nhân tố, mầm mống ảnh hưởng đến hành vi phạm pháp của NCTN.

Vận động mọi thành phần trong cộng đồng dân cư cùng tham gia vào công tác tuyên truyền, phòng ngừa và ngăn chặn NCTN VPPL nói chung, phòng ngừa ngăn chặn NCTN phạm tội CYGTT nói riêng.

3.2.7. Giải pháp về người phạm tội

– Trước hết là tạo điều kiện nâng cao trình độ học vấn cho NCTN bỏ học, lang thang kiếm sống. Tăng cường quản lý, giám sát, chấn chỉnh đảm bảo NCTN chấp hành nghiêm chỉnh nội quy, quy chế trong nhà trường; chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật.

– Hạ độ tuổi NCTN xuống dưới 14 tuổi, để tăng cường tính răn đe và phù hợp với sự phát triển của con người Việt Nam hiện nay.

– Xây dựng lại môi trường cải tạo theo hướng có lợi cho sức khỏe tinh thần của NCTN, thúc đẩy vai trò giám hộ của gia đình và sự quan tâm của cơ quan pháp lý đối với NCTN VPPL trong thời gian các em thi hành án.

KẾT LUẬN

Tình hình tội phạm CYGTT do NCTN thực hiện ở tỉnh Quảng Ngãi rất nghiêm trọng, nguy hiểm, diễn biến phức tạp; đang là vấn đề gây bức xúc, lo ngại cho xã hội. Phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả đối với tội phạm này đang là vấn đề quan trọng, đòi hỏi cả về lý luận lẫn thực tiễn; nhưng thời gian qua vẫn chưa đề tài nghiên cứu nào đề cập một cách toàn diện, có hệ thống về vấn đề này dưới góc độ tội phạm học; do đó, tác giả đã chọn đề tài: “Tội CYGTT do NCTN thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi: tình hình, nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa” để làm luận văn thạc sỹ và giải quyết yêu cầu trên.

Với khả năng vẫn còn hạn chế, tác giả đã cố gắng nghiên cứu và đạt được một số kết quả:

1. Đề tài đã làm rõ hơn những vấn đề lý luận liên quan đến khái niệm THTP CYGTT do NCTN thực hiện; phân tích làm rõ phần hiện của THTP, với các thông số về thực trạng (mức độ), động thái (diễn biến), cơ cấu, tính chất của THTP CYGTT do NCTN thực hiện tại địa bàn tỉnh Quảng Ngãi từ năm 2010 đến năm 2014 và phần ẩn của THTP trên cả 3 mặt: tội phạm ẩn khách quan, tội phạm ẩn chủ quan, tội phạm ẩn thống kê.

2. Xây dựng quan niệm về nguyên nhân và điều kiện của THTP CYGTT do NCTN thực hiện. Đưa ra hệ thống các nguyên nhân và điều kiện phát sinh tội phạm CYGTT do NCTN thực hiện ở tỉnh Quảng Ngãi: nguyên nhân điều kiện về kinh tế; nguyên nhân điều kiện về xã hội; nguyên nhân điều kiện về văn hoá, giáo dục; nguyên nhân điều kiện về quản lý xã hội; nguyên nhân điều kiện về pháp luật; nguyên nhân điều kiện về môi trường sống; nguyên nhân điều kiện thuộc về người phạm tội.

3. Dự báo THTP CYGTT do NCTN thực hiện ở Quảng Ngãi và đề xuất hệ thống các giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng ngừa, ngăn chặn đối với tội phạm này.

Tác giả hy vọng rằng, với kết quả nghiên cứu nghiêm túc của mình sẽ góp phần bổ sung, hoàn thiện về mặt lý luận đối với hoạt động phòng ngừa tội phạm CYGTT do NCTN thực hiện nói riêng; tội phạm do NCTN thực hiện nói chung; đồng thời, đóng góp tích cực cho hoạt động phòng ngừa, ngăn chặn có hiệu quả THTP CYGTT do NCTN thực hiện ở tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian tới. Tuy nhiên, do năng lực có hạn và chưa có nhiều kinh nghiệm trong thực tiễn phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm CYGTT do NCTN thực hiện, nên luận văn không thể tránh được những khiếm khuyết, hạn chế; tác giả rất mong nhận được những ý kiến góp ý để luận văn được hoàn thiện hơn./.

LIỆN HỆ:

SĐT+ZALO: 0935568275

E:\DỮ LIỆU COP CỦA CHỊ YẾN\LUAN VAN VIEN HAN LAM\LUAT HINH SU DOT 2\TOI PHAM HOC\TRAN MINH HƯNG\SAU BAO VE

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *