Tội Trộm cắp tài sản theo pháp luật hình sự Việt Nam

Tội Trộm cắp tài sản theo pháp luật hình sự Việt Nam từ thực tiễn huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi

Tội Trộm cắp tài sản theo pháp luật hình sự Việt Nam từ thực tiễn huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi

1. Tính cấp thiết của đề tài

Huyện Sơn Tây tỉnh Quảng Ngãi, được thành lập ( tách ra từ huyện Sơn Hà) vào năm 1994, là một huyện miền núi phía tây của tỉnh Quảng Ngãi, với địa hình sông núi cách trở, trình độ dân trí nghèo nàn lạc hậu, là một trong những huyện có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn.

Những năm gần đây, được Đảng và Nhà nước quan tâm đầu tư phát triển kinh tế, nên đời sống của người dân ngày được nâng cao cả về vật chất và tinh thần …

Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực của sự phát triển kinh tế- xã hội, thì tình hình tội phạm cũng ngày càng gia tăng về số lượng cũng như tính chất mức độ phức tạp, nguy hiểm ngày càng cao. Theo thống kê tình hình tội phạm trên địa bàn huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi. Những năm đầu mới tách huyện ( từ 1994 đến ) Tội trộm cắp là không xảy ra, tình hình trật tự trị an tương đối ổn định . Mọi nhà đều không có khóa cửa, xe máy, và các tài sản khác hầu như không ai bị trộm cắp. Nhưng hiện nay tội trộm cắp trên địa bàn ngày càng phổ biến và trở nên táo bạo, tinh vi, phức tạp. [bảng số 1]

Mặt khác trong quá trình áp dụng pháp luật Hình sự, để xử lý những hành vi trộm cắp tài sản các cơ quan tố tụng nói riêng và một số cơ quan Nhà nước khác vẫn còn những quan điểm chưa thống nhất, dẫn đến hiệu quả pháp luật chưa cao, còn tùy tiện khi áp dụng. Hơn nữa theo qui định của BLHS năm 2015, được sửa đổi bổ sung năm 2017, tội trộm cắp có một số qui định mới chưa được giải thích kịp thời dẫn đến việc áp dụng chưa thống nhất.

Do vậy, việc nghiên cứu đề tài: “Tội Trộm cắp tài sản theo pháp luật hình sự Việt Nam từ thực tiễn huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi” sẽ góp phần làm rõ thêm về lý luận, những hạn chế, vướng mắc trong quá trình định tội danh và quyết định hình phạt đối với tội “Trộm cắp tài sản”. Ngoài ra, trong một chừng mực nhất định, việc nghiên cứu đề tài sẽ góp phần vào việc đề xuất hoàn thiện các quy định của PL về tội “ Trộm cắp tài sản”, đồng thời nâng cao hiệu quả trong công tác điều tra, truy tố, xét xử, phòng, chống tội phạm trên địa bàn nói riêng và cả nước nói chung.

2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài

3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

3.1. Mục đích nghiên cứu

Trên cơ sở phân tích những vấn đề lý luận, các quy định của PLHS Việt Nam, thực tiễn áp dụng quy định của Pháp luật hình sự về tội “ Trộm cắp tài sản”( định tội danh và quyết định hình phạt của Tòa án) tại huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi, luận văn đề xuất các giải pháp bảo đảm áp dụng đúng quy định của Pháp luật hình sự đối với tội “Trộm cắp tài sản” tại địa bàn nói trên.

3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

Để đạt được mục đích nghiên cứu trên đây, luận văn thực hiện các nhiệm vụ chính sau đây:

– Phân tích khái niệm và dấu hiệu pháp lý của tội “ trộm cắp tài sản”, phân biệt tội này với một số tội phạm khác có dấu hiệu tương đối giống nhau.

– Phân tích nội dung của các quy định của Pháp luật Việt Nam về tội trộm cắp tài sản.

– Phân tích thực tiễn định tội danh và quyết định hình phạt đối với tội trộm cắp tài sản ở huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi.

– Lập luận các yêu cầu và đề xuất các giải pháp đảm bảo áp dụng đúng quy định của Pháp luật hình sự về tội trộm cắp tài sản tại huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian tới.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

4.1. Đối tượng nghiên cứu

Luận văn lấy các quan điểm khoa học đã được nêu ra trong khoa học luật hình sự về tội phạm nói chung và tội trộm cắp tài sản nói riêng; các quy định của pháp luật hình sự Việt Nam qua các thời kỳ phát triển về tội trộm cắp tài sản; thực tiễn định tội danh và quyết định hình phát của Tòa án nhân dân huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi từ 2013 đến 2018 để nghiên cứu các vấn đề thuộc nôi dung nghiên cứu của đề tài.

4.2. Phạm vi nghiên cứu

Luận văn nghiên cứu đề tài dưới góc độ chuyên ngành luật hình sự và tố tụng hình sự.

Các số liệu phục vụ nghiên cứu đề tài được thu thập từ số liệu thống kê của TAND tỉnh Quảng Ngãi và VKSND tỉnh Quảng Ngãi từ năm 2013 – 2018.

Thực tiễn áp dụng quy định của pháp luật hình sự về tội trộm cắp tài sản bao gồm nhiều nội dung. Trong phạm vi luận văn thạc sĩ nầy, tác giả luận văn chỉ nghiên cứu thực tiễn định tội danh và quyết định hình phạt của Tòa án nhân dân huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian nói trên.

5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu

5.1. Phương pháp luận

Đề tài Luận văn được nghiên cứu trên cơ sở phương pháp luận của Chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, quan điểm của Đảng về Nhà nước và Pháp luật, về quyền con người, về tội phạm và hình phạt, về đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, và về cải cách tư pháp.

5.2. Phương pháp nghiên cứu

Đề tài luận văn được nghiên cứu dựa trên sự kết hợp trong một tổng thể các phương pháp nghiên cứu cụ thể như là: phương pháp phân tích, tổng hợp, so sánh, thống kê, nghiên cứu án điền hình.

6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn

6.1. Ý nghĩa lý luận

Luận văn góp phần nhận thức sâu sắc và thống nhất những vấn đề lý luận về tội phạm, về hình phạt, về định tội danh và về quyết định hình phạt đối với một tội cụ thể, nói ở đây là tội trộm cắp tài sản theo pháp luật Việt nam.

6.2. Ý nghĩa thực tiễn

Với kết quả nghiên cứu các khía cạnh lý luận, pháp luật và thực tiễn của tội trộm cắp tài sản, Luận văn là tài liệu có giá trị tham khảo cho các cấp cơ quan có thẩm quyền sữa đổi, bổ sung quy định của pháp luật về và có liên quan đến tội trộm cắp tài sản. Ngoài ra, Luận văn có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo trong khởi tố điều tra, truy tố, xét xử tội trộm cắp tài sản và trong nghiên cứu giảng dạy và học tập về Luật hình sự nói chung và về tội trộm cắp tài sản nói riêng.

7. Cơ cấu của luận văn

Ngoài phần mở đầu, danh mục tài liệu tham khảo, Luận văn gồm 3 chương như sau:

Chương 1: Những vấn đề lý luận và pháp luật hình sự Việt Nam về tội Trộm cắp tài sản

Chương 2: Áp dụng pháp luật hình sự Việt nam về tội Trộm cắp tài sản tại huyện Sơn Tây, tỉnh Quảng Ngãi.

Chương 3: Yêu cầu và các giải pháp bảo đảm áp dụng đúng pháp luật hình sự về tội Trộm cắp tài sản.

CHƯƠNG 1

NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ PHÁP LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM VỀ TỘI TRỘM CẮP TÀI SẢN

1.1. Khái niệm và dấu hiệu pháp lý đặc trưng của tội trộm cắp tài sản

1.1.1. Khái niệm tội trộm cắp tài sản

Hiện nay trong BLHS Việt Nam không quy định khái niệm tội trộm cắp tài sản là gì. Nhưng để hiểu được khái niệm tội trộm cắp tài sản là gì thì chúng ta phải phân tích và hiểu được cụm từ “ trộm cắp tài sản là gì”. Sau đó mới phân tích khái niệm “tội trộm cắp tài sản là gì”.

Trộm cắp là một hành vi mà khi nói đến mọi người đều hiểu, còn được gọi là ăn cắp, hay ăn trộm. Là một hành vi của một người hay nhóm người lén lút, bí mật chiếm đoạt một vật gì đó của người khác. Đối tượng tác động có thể là đồ vật hay không phải là vật như thông tin, dịch vụ… ví dụ là tiền, vàng, là các công cụ phương tiện thì có thể gọi là trộm cắp tài sản; nếu đối tượng không phải là tài sản như thông tin thì gọi là trộm thông tin (tin tặc),..Trộm cắp tài sản thì đối tượng của hành vi trộm cắp phải là “Tài sản”.

Theo từ điển pháp luật hình sự: “Trộm cắp tài sản” là hành vi lén lút chiếm đoạt tài sản của người khác quản lý [23, tr.283].

Chiếm đoạt, theo từ điển tiếng việt thì được hiểu là một động từ lấy của người khác làm của mình, thủ đoạn có thể bằng vũ lực, quyền thế, hoặc thủ đoạn khác. Có thể hiểu là sự tước đoạt quyền sở hữu của người khác làm của mình.

Lén lút không phải là hành vi mà là thể hiện ý thức chủ quan của người thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, là cách thức, thủ đoạn thực hiện hành vi chiếm đoạt. Có thể nói một cách khác: trộm cắp tài sản là hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác một cách lén lút.

Trộm cắp tài sản là hành vi nguy hiểm cho xã hội, nó trực tiếp xâm hại đến quan hệ sở hữu về tài sản giữa người với người trong xã hội. Tác hại của nó ảnh hưởng không nhỏ đến tình tình trật tự trị an, kinh tế xã hội… Tùy theo tính chất nguy hiểm của mỗi hành vi trộm cắp cụ thể và từng thời kỳ phát triển, mà các quốc gia trên thế giới quy định là tội phạm cần phải bị trừng trị và loại bỏ ra khỏi đời sống xã hội.

Như vậy “ tội trộm cắp tài sản” là gì. Từ những phân tích trên tác giả có Khái niệm tội trộm cắp tài sản như sau: “Tội trộm cắp tài sản là hành vi lén lút chiếm đoạt trái phép tài sản đang do người khác quản lý được quy định trong Bộ luật hình sự và bị xử lý hình sự”.

Bộ luật hình sự hiện hành quy định xử lý về tội trộm cắp tài sản tại điều 173.[5, tr.129]

1.1.2. Các dấu hiệu pháp lý của tội trộm cắp tài sản

1.1.2.1. Khách thể của tội trộm cắp tài sản

– Khách thể của tội phạm là những quan hệ xã hội được Luật hình sự bảo vệ và bị tội phạm xâm hại [37, tr.86].

Tội phạm trộm cắp tài sản chủ yếu xâm hại đến quyền sở hữu về tài sản của người khác và làm ảnh hưởng xấu đến tình hình trật tự, trị an xã hội. Điều luật quy định: “ Người nào trộm cắp tài sản của người khác…” ở đây điều luật đã thể hiện quan hệ sở hữu về tài sản giữa người và người. Quyền sở hữu về tài sản đã được Hiến pháp quy định tại điều 32 “quyền sở hữu tư nhân… được nhà nước bảo hộ” và được luật hình sự bảo vệ.

Như vậy khách thể của tội trộm cắp tài sản là: Quyền sở hữu tài sản của người khác, đây là khách thể trực tiếp và trật tự an toàn xã hội là khách thể gián tiếp. Quyền sở hữu của người khác được hiểu là không phải của chính mình, bao gồm sở hữu của Nhà nước, cơ quan, tổ chức, cá nhân. Nhưng nếu giao cho người khác quản lý mà sau đó lén lút đến chiếm đoạt thì có thể là phạm tội trộm cắp tài sản. Quyền sở hữu tài sản phải là tài sản hợp pháp. Đối với những tài sản không hợp pháp thì hành vi chiếm đoạt những tài sản đó không phải là tội trộm cắp tài sản. Trên thực tế những trường hợp trộm cắp tài sản đang do người khác quản lý một cách bất hợp pháp( ví dụ: tài sản phạm tội mà có) vẫn có quan điểm cho là phạm tội trộm cắp. Đây là vấn đề đang tranh cải cần có sự giải thích áp dụng thống nhất.

Quyền sở hữu tài sản bao gồm các quyền: Quyền chiếm hữu, quyền sử dụng và quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu theo quy định của pháp luật. [2, điều 158]

Nhưng nếu một hành vi chỉ xâm phạm đến một trong ba quyền trên của chủ sở hữu, thì không phải là hành vi trộm cắp tài sản. Bởi bản thân từ trộm cắp tài sản đã được khái niệm và hiểu là hành vi chiếm đoạt tài sản, tức là tước đoạt cả ba quyền trên của chủ sở hữu.

Để xâm phạm quyền sở hữu tài sản trong tội trộm cắp thì kẻ phạm tội phải chiếm đoạt một tài sản nào đó . Tài sản nói ở tội trộm cắp là một khái niệm chung, theo quy định của BLDS hiện hành tại điều 105 : “Tài sản là vật, tiền, giấy tờ có giá và quyền tài sản; tài sản bao gồm bất động sản và động sản” [2, tr.62].

Nhưng không phải tất cả các loại tài sản quy định tại điều 105 BLDS đều là đối tượng của tội trộm cắp. Tài sản của tội trộm cắp phải thể hiện dưới dạng tiền hay đồ vật cụ thể có trị giá và giá trị sử dụng. Quyền tài sản, bất động sản không thể là đối tượng của tội trộm cắp. Quyền tài sản không phải là vật cụ thể nên người khác không thể cầm nắm được và bất động sản thì không di chuyển dễ dàng được nên không thể lén lút chiếm đoạt, muốn chiếm đoạt thì phải dùng thủ đoạn khác. Hay nói cách khác hành vi chiếm đoạt quyền sở hữu hay bất động sản không phải là tội trộm cắp, mà là một loại tội chiếm đoạt khác. Mặt khác cũng có một số loại tài sản có tính chất đặc biệt nếu trộm cắp thì sẽ không xử lý về hành vi trộm cắp, ví dụ như vũ khí, ma túy, đất đai, …

Đối với những tài sản là di vật, cổ vật, được quy định tại điểm đ khoản 1 điều 173 đây là qui định mới cần được hiểu một cách thống nhất, có thể hiểu đó là vật mà có trị giá không lớn nhưng xét về giá trị tinh thần, giá trị văn hóa thì vô giá đối với chủ sở hữu. Theo quy định tại điều 4 Luật di sản văn hóa thì: “ Di vật là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học”; “ Cổ vật là hiện vật được lưu truyền lại, có giá trị tiêu biểu về lịch sử, văn hóa, khoa học, có từ trăm tuổi trở lên.”. Nhưng hiện nay các căn cứ để xác định di vật, cổ vật chưa được hướng dẫn cụ thể.

1.1.2.2. Mặt khách quan của tội trộm cắp tài sản

Mặt khách quan của tội phạm là những biểu hiện bên ngoài của tội phạm bao gồm: Hành vi khách quan, hậu quả nguy hiểm cho xã hội của tội phạm và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả [37, tr.99].

Đồng thời cả các biểu hiện bên ngoài khác của tội phạm như công cụ, phương tiện phạm tội, thời gian, địa điểm,…

Hành vi khách quan là hành vi nguy hiểm cho xã hội mà người thực hiện tội phạm thực hiện. Hành vi khách quan bị điều kiển chí phối bởi ý chí, nhận thức của người thực hiện hành vi và thể hiện bằng hành động hoặc không hành động. Bản chất của trộm cắp là hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác một cách lén lút, bí mật, cho nên hành vi khách quan là hành động chiếm đoạt tài sản. “ Do đặc điểm của tội trộm cắp tài sản, nên người phạm tội chỉ có một hành vi khách quan duy nhất là “chiếm đoạt”, nhưng chiếm đoạt bằng hình thức lén lút, với thủ đoạn lợi dụng sơ hở, mất cảnh giác của người quản lý tài sản, không trông coi cẩn thận hoặc lợi dụng vào hoàn cảnh khách quan khác như chen lấn, xô đẩy nhằm tiếp cận tài sản để thực hiện hành vi chiếm đoạt mà người quản lý tài sản không biết[14, tr.199].

Việc lén lút bí mật là nhằm mục đích che giấu hành vi chiếm đoạt tài sản của người phạm tội . Đây là dấu hiệu cơ bản và duy nhất để phân biệt tội trộm cắp tài sản với những tội chiếm đoạt khác. Sự lén lút, bí mật không phải là hành vi, mà là tính chất của hành vi chiếm đoạt trong tội trộm cắp tài sản, cũng là ý thức chủ quan của người phạm tội, người phạm tội muốn che giấu hành vi phạm tội của mình, không muốn chủ tài sản hay người quản lý tài sản biết hành vi chiếm đoạt của mình. Thực tế cho thấy, khi người phạm tội thực hiện hành vi trộm cắp tài sản, có thể thực hiện bằng nhiều thủ đoạn khác nhau để che giấu hành vi như: Che giấu toàn bộ hành vi (lén lút khách quan); ví dụ: Lợi dụng đêm tối lúc mọi người ngủ say, lẻn vào chiếm đoạt tài sản; hoặc che giấu một phần hành vi, hoặc che giấu tính chất của hành vi nhưng lại công khai với những người khác (lén lút chủ quan); ví dụ: Lợi dụng chủ nhà đi vắng, kẻ phạm tội công khai đến cẩu những cây kiểng có giá trị mà những người hàng xóm đều thấy.

Tài sản mà người thực hiện hành vi trộm cắp phải là tài sản đang nằm trong sự quản lý của chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lý. Những tài sản đã thoát khỏi sự quản lý của chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lý thì người chiếm đoạt những tài sản đó không phải là tội trộm cắp. Ví dụ: các trường hợp chiếm giữ tài sản bị thất lạc.

Về hậu quả trong tội trộm cắp.

Để chiếm đoạt được tài sản, người phạm tội trộm cắp tài sản phải tác động đến tài sản của chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp tài sản. Tức là đã lấy đi một loại tài sản nào đó, gây thiệt hại cho chủ sở hữu về giá trị vật chất hoặc tinh thần nhất định. Đồng thời thiệt hại này phải là đáng kể, theo BLHS hiện hành quy định thì, trị giá tài sản bị chiếm đoạt phải từ 2.000.000 đồng trở lên mới cấu thành tội phạm; còn nếu tài sản bị chiếm đoạt có trị giá dưới 2.000.000 đồng thì phải kèm theo những điều kiện cụ thể chẳng hạn như: a) đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; b) đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169,….

Tội trộm cắp tài sản có cấu thành vật chất, cho nên khi hành vi phạm tội thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu pháp lý, như hậu quả, đạt được mục đính ( chiếm đoạt được TS ) thì tội phạm mới hoàn thành. Vì vậy tội phạm hoàn thành khi người phạm tội chiếm đoạt được tài sản. Tuy nhiên, nếu người có hành vi trộm cắp chưa chiếm đoạt được tài sản do khách quan, nằm ngoài ý muốn chủ quan của họ thì vẫn cấu thành tội trộm cắp tài sản, nhưng ở giai đoạn phạm tội chưa đạt chưa hoàn thành hoặc chưa đạt đã hoàn thành. Ví dụ: A đi ngang qua tiệm vàng nhìn thấy trong tủ chưng rất nhiều dây chuyền và nhẫn màu vàng. Tối đến A lẽn vào cạy tủ lấy về đem bán thì mới biết vàng giả. Như vậy A phạm tội trộm cắp tài sản ở giai đoạn phạm tội chưa đạt đã hoàn thành.

Mặc khác tùy vào đặc điểm từng loại tài sản ( đối tượng) mà thời điểm được xem là chiếm đoạt được tài sản là khác nhau. Nếu là vật nhỏ gọn nhẹ như tiền, nhẫn vàng , đồng hồ đeo tay,.. thì chỉ cần lấy ra khỏi vị trí ban đầu thì xem như đã chiếm đoạt được. Ví dụ: A vào nhà B thấy chiếc đồng hồ đeo tay của B đang để trên bàn, lợi dụng lúc B không để ý, A lấy bọc túi. Nếu là vật cồng kềnh như xe máy, máy tính, quạt điện,.. thì phải dịch chuyển ra khỏi khu vực quản lý của chủ sở hữu như ra khỏi nhà, xưởng, công ty,..

Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả.

Đòi hỏi giữa hành vi phạm tội và hậu quả thiệt hại phải có mối quan hệ nhân quả. Hành vi trộm cắp là nguyên nhân, là cái gây ra hậu quả ( hậu quả là thiệt hại về vật chất như mất tài sản, hoặc thiệt hại về tinh thần). Theo đó, hành vi trộm cắp phải xảy ra trước hậu quả về mặt thời gian; Hậu quả mất tài sản là do hành vi trộm cắp. Nếu giữa hành vi và hậu quả không có mối quan hệ nhân quả thì không xác định được tội phạm. Ví dụ: Kẻ phạm tội A vào nhà của một người, thực hiện một hành vi trộm cắp một tài sản (tiền), nhưng chủ nhà xác định mất tài sản là xe máy không phải do hành vi trộm cắp của A. thì không thể kết luận A trộm cắp xe máy.

1.1.2.3. Chủ thể của tội trộm cắp tài sản

Trước tiên, cũng như chủ thể của các tội phạm khác, chủ thể của tội “Trộm cắp TS”cũng phải đảm bảo các yếu tố cần và đủ như đủ độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, có năng lực trách nhiệm hình sự theo quy định.

Điều 12 BLHS năm 2015 quy định: Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm, trừ những tội phạm mà Bộ luật này có quy định khác. Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng quy định tại một trong các điều 123, 134, … của Bộ luật này [5, tr.14].

Như vậy chủ thể của tội trộm cắp tài sản phải đảm bảo các dấu hiệu sau:

Thứ nhất, về độ tuổi phải là từ đủ 16 tuổi trở lên, nếu người từ đủ 14 tuổi trở lên nhưng chưa đủ 16 tuổi chỉ là chủ thể của tội trộm cắp tài sản quy định tại các khoản 3 và 4 Điều 173 BLHS”. Thứ 2, phải có đủ năng lực trách nhiệm hình sự.

Pháp nhân không phải là chủ thể của tội trộm cắp tài sản. Pháp nhân chỉ chịu TNHS các điều quy định tại điều 76 BLHS.

1.1.2.4. Mặt chủ quan của tội trộm cắp tài sản

Theo pháp luật hình sự Việt Nam mặt chủ quan của tội phạm đó là những diễn biến tâm lý bên trong của người phạm tội như ý chí, nhận thức, mong muốn,… được thể hiện qua các yếu tố: lỗi, động cơ, mục đích phạm tội. Trong đó lỗi là một yếu tố quan trọng, bắt buộc trong bất kỳ cấu thành tội phạm nào. Nếu không có lỗi thì không cấu thành tội phạm.

Lỗi được hiểu là thái độ tâm lý bên trong của chủ thể (con người) đối với hành vi của mình đã gây ra và đối với hậu quả do hành vi đó gây ra được biểu hiện dưới hình thức cố ý hoặc vô ý. Trong cấu thành tội “ Trộm cắp Tài sản”theo Điều 173 BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017). Trong mặt chủ quan thì lỗi của người phạm tội là lỗi cố ý trực tiếp và là yếu tố bắt buộc, không có trường hợp vô ý trộm cắp hay trộm cắp với lỗi cố ý gián tiếp. Về mặt lý trí người phạm tội nhận thức được tính nguy hiểm cho xã hội của hành vi của mình, thấy trước được hậu quả của hành vi đó và về ý chí thì họ mong muốn hậu quả xảy ra. Tức mong muốn lấy được tài sản. Còn nếu họ vô ý cầm nhầm hoặc sử dụng nhầm tài sản của người khác thì không phải trộm cắp .

Mục đích được hiểu là cái đích hướng đến của hành vi. Mục đích của tội phạm trộm cắp là chiếm tài sản của người khác [9, tr.314]; là kết quả trong ý thức chủ quan mà người phạm tội đặt ra phải đạt được khi thực hiện hành vi phạm tội.

Trước khi thực hiện hành vi trộm cắp tài sản thì trong đầu người phạm tội đã xuất hiện mục đích chiếm đoạt tài sản. Do vậy, có thể khẳng định mục đích chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu bắt buộc của tội trộm cắp tài sản. Tuy nhiên, cùng với mục đích chiếm đoạt thì người phạm tội còn có thể có những mục đích khác như, làm cho họ bị trở ngại, khó khăn,… nếu mục đích đó không cấu thành một tội phạm độc lập khác thì người phạm tội cũng chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội trộm cắp tài sản. Ví dụ trộm cắp các thiết bị quan trọng nhằm phá hoại các công trình an ninh quốc gia. Thì có thể bị xử lý về tội phá hoại cơ sở vật chất- kỷ thuật của nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Động cơ phạm tội đó là cái thúc đẩy người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội. Động cơ phạm tội chỉ có ở những loại tội được thực hiện bởi lỗi cố ý, nó có thể là dấu hiệu bắt buộc của một số loại tội. Trong tội trộm cắp động cơ có thể là lòng tham, là vụ lợi (là chủ yếu), có thể là để trả thù cho bỏ ghét,… Động cơ không phải là yếu tố bắt buộc của tội trộm cắp.

1.1.2.5. Dấu hiệu về hình phạt của tội trộm cắp tài sản

Tại điều 173 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 có quy định hình phạt cho tội trộm cắp tài sản, mức hình phạt được sắp xếp từ nhẹ đến nặng, tùy theo tính chất nguy hiểm của hành vi và được chia thành 4 mức, tương ứng với 4 khung hình phạt chính. Ngoài ra người phạm tội còn có thể bị áp dụng thêm hình phạt bổ sung quy định tại khoản 5 của điều luật. Cụ thể như sau:

Khung 1: Có mức hình phạt : bị cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Khung 2: Có hình phạt từ 2 năm đến 7 năm tù;

Khung 3: Có hình phạt từ 7 đến 15 năm tù;

Khung 4: Có hình phạt từ 12 năm đến 20 năm tù;

Khoản 5 của điều luật qui định người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000đồng đến 50.000.000đồng.

1.1.3. Phân biệt tội trộm cắp tài sản với một số tội khác

1.1.3.1. Phân biệt tội trộm cắp tài sản với tội công nhiên chiếm đoạt tài sản

Tội công nhiên chiếm đoạt tài sản được quy định tại Điều 172 BLHS năm 2015. Đó là hành vi công khai, ngang nhiên chiếm đoạt tài sản của người khác bằng cách công khai, trước mắt người quản lý tài sản, người phạm tội lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người khác trong việc quản lý tài sản hoặc lợi dụng trong tình trạng họ không có điều kiện để tự bảo vệ tài sản mà chiếm đoạt tài sản của họ, không dùng bất kỳ thủ đoạn nào khác như: Dùng vũ lực, Uy hiếp tinh thần…Người bị hại hoàn toàn xác định được người phạm tội. Còn ở tội trộm cắp tài sản thì hành vi khách quan chiếm đoạt một cách lén lút, bí mật, che giấu không để chủ quản lý TS biết có hành vi chiếm đoạt.

1.1.3.2. Phân biệt tội trộm cắp tài sản với tội cướp giật tài sản

Tội cướp giật tài sản được quy định tại điều 171 BLHS năm 2015. Đó là hành vi chiếm đoạt tài sản, mà người phạm tội thực hiện một cách công khai, nhanh chóng chiếm đoạt tài sản (giật) của người khác rồi nhanh chóng tẩu thoát. Về khách thể thì tội cướp giật tài sản ngoài xâm phạm quan hệ sở hữu về tài sản còn xâm phạm quan hệ nhân thân, như gây tổn hại đến sức khỏe hoặc tính mạng của người quản lý tài sản. Ví dụ: Giật tài sản của những người đi xe máy, làm họ ngã xuống đường dẫn đến thương tích hoặc chết.. Hơn nữa, trong tội trộm cắp tài sản thì trị giá tài sản tối thiểu được quy định trong CTTP để làm cơ sở truy cứu TNHS, còn ở tội cướp giật tài sản thì không quy định giá trị tài sản tối thiểu, mà chỉ quy định hành vi “ người nào cướp giật tài sản của người khác..” tức chỉ cần có hành vi cướp giật là phạm tội.

1.1.3.3. Phân biệt tội trộm cắp tài sản với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Về mặt khách quan của tội Lạm dụng tín nhiệm là là vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả; hoặc vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản. [5, Điều 175]. Còn đối với tội trộm cắp tài sản thì người thực hiện hành vi phạm tội một cách lén lút để chiếm đoạt tài sản, tức chiếm đoạt tài sản mà chủ sở hữu không hề biết ;

1.1.3.4. Phân biệt tội trộm cắp tài sản với tội sử dụng trái phép tài sản

Về khách thể là xâm phạm đến quyền sở hữu về tài sản, nhưng ở mặt khách quan của tội phạm sử dụng trái phép tài sản của người khác là thể hiện hành vi sử dụng trái phép tài sản, như khai thác công dụng của tài sản, hưởng hoa lợi, lợi tức từ tài sản của người khác một cách trái phép. Về mặt khách quan cũng có thể là lén lút, ví dụ sử dụng trái phép công quỹ,.. nhưng ý thức chủ quan là không có ý thức chiếm đoạt tài sản. Đây là dấu hiệu cơ bản để phân biệt.

1.1.3.5. Phân biệt tội trộm cắp tài sản với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hành vi chiếm đoạt tài sản của tội lừa đảo, chủ yếu dựa vào thủ đoạn gian dối, làm cho chủ tài sản tưởng giả là thật giao tài sản cho người phạm tội. Có một số trường hợp cũng có hành vi lén lút nhưng không giữ vai trò quyết định trong việc chiếm đoạt. Ví dụ: A vào tiện vàng, giả vờ mua vàng, yêu cầu cho xem vàng sau đó lén lút tráo vàng giả, chiếm đoạt vàng thật mà người chủ không biết. Hành vi này là lừa đảo chứ không phải là trộm cắp. Bởi hành vi quyết định việc chiếm đoạt được vàng thật ở đây là người phạm tội đã gian dối nói là mua vàng và sử dụng vàng giả để tráo vàng thật rồi chiếm đoạt. Cũng có lập luận cho rằng đó là hành vi trộm cắp. Vì hành vi lén lút tráo vàng để chiếm đoạt là quyết định, số vàng giả là che đậy hành vi trộm cắp.

1.1.3.6. Phân biệt tội trộm cắp tài sản với tội cướp tài sản.

Như đã nói ở trên dấu hiệu đặc trưng của tội trộm cắp tài sản là hành vi chiếm đoạt một cách lén lút, người phạm tội chỉ lợi dụng sự sơ hở của người quản lý tài sản để chiếm đoạt ( lấy cắp); Còn tội cướp tài sản, người phạm tội có hành vi dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc, hoặc có những hành vi khác làm cho người bị hại mất khả năng kháng cự để chiếm đoạt tài sản, chẳng hạn dùng thuốc mê,… Khách thể của tội cướp tài sản ngoài việc xâm hại đến quyền sở hữu tài sản còn xâm hại đến sức khỏe, tính mạng của nạn nhân.

1.1.3.7. Phân biệt tội trộm cắp tài sản với tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản.

Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (Điều 290) khác với tội trộm cắp tài sản chủ yếu ở một số dấu hiệu sau đây:

Thứ nhất: Về khách thể của tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản, ngoài xâm phạm đến tài sản của người khác còn xâm phạm đến chế độ quản lý an ninh mạng;

Thứ hai: Về mặt khách quan của tội này có các dấu hiệu sau: Người phạm tội có hành vi sử dụng thông tin về tài khoản, thẻ Ngân hàng của các cá nhân, tổ chức, hoặc làm giả thẻ ngân hàng để chiếm đoạt tiền của chủ thẻ hoặc thanh toán các hóa đơn hàng hóa, dịch vụ qua thẻ; Hoặc có hành vi sử dụng các thiết bị điện tử truy cập trái phép vào tài khoản của các cá nhân, cơ quan để chiếm đoạt; Về đối tượng tác động, không tác động trực tiếp đến tài sản, không có hành vi dịch chuyển tài sản như ở tội trộm cắp tài sản.

Tóm lại để phân biệt được tội trộm cắp tài sản với các loại tội khác chúng ta cần chú ý phân biệt được người phạm tội dùng phương thức, thủ đoạn nào để chiếm đoạt. Đối với tội trộm cắp thì chiếm đoạt một cách lén lút, tội cướp thì dùng vũ lực hoặc đeo dọa dùng vũ lực để chiếm đoạt, tội lừa đảo thì dùng thủ đoạn gian dối đưa ra các thông tin giả làm cho chủ tài sản giao tài sản rồi chiếm đoạt,…

1.2. Quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về tội trộm cắp tài sản

1.2.1. Quy định của pháp luật hình sự Việt Nam về tội trộm cắp tài sản từ năm 1945 đến trước khi có Bộ luật hình sự năm 1985

Sau cách mạng tháng 8 năm 1945. Để bảo vệ thành quả của cách mạng và duy trì sự ổn định xã hội, Nhà nước ta đã phải ban hành nhiều văn bản pháp luật để quản lý xã hội, trong đó có văn bản pháp luật quy định xử lý tội phạm, có các quy định về tội xâm phạm sở hữu nói chung và tội trộm cắp tài sản nói riêng như: Sắc lệnh số 47/SL ngày 10/10/1945 do Chủ tịch Hồ Chí Minh ký cho phép tạm thời giữ lại các luật, lệ tại miền Bắc, Trung, Nam Bộ cho đến khi ban hành các VBPL thống nhất trong toàn quốc; Sắc lệnh số 12-SL ngày 12/3/1948 quy định trừng trị các hành vi trộm cắp vật dụng nhà binh trong thời bình và thời kỳ chiến tranh; Thông tư số 11 – BK ngày 14/12/1949 của Liên Bộ nội vụ, Quốc phòng, Tư pháp ấn định phương pháp đối phó với các vụ trộm cắp tại nơi có chiến sự; Nghị định số 32 – NĐ ngày 06/4/1952 của Bộ tư pháp quy định đường lối xét xử các tội trộm cắp, lừa đảo, biển thủ tài sản. Sau đó ngày 21/10/1970, Ủy ban thường vụ Quốc hội thông qua Pháp lệnh số 149-LCT về trừng trị các tội xâm phạm tài sản XHCN và Pháp lệnh số 150-LCT về trừng trị các tội xâm phạm tài sản riêng của công dân. Theo đó tội trộm cắp tài sản được phân biệt và được quy định ở 2 pháp lệnh 149 và 150. Đồng thời trong 2 điều luật cũng đã quy định cụ thể các tình tiết định khung trong điều luật, có các khung hình phạt tương ứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của mỗi hành vi phạm tội.

1.2.2. Quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam năm 1985 về tội trộm cắp tài sản

Bộ luật hình sự năm 1985 được Quốc hội khóa VII, kỳ họp thứ 9, thông qua ngày 27/6/1985, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/1986 (BLHS năm 1985) . Đây là Bộ luật hình sự đầu tiên của Nhà nước ta quy định tất cả các hành vi nguy hiểm cho xã hội lúc bấy giờ, đồng thời thể hiện quan điểm của Nhà nước ta về đấu tranh phòng chống tội phạm. Bộ luật hình sự năm 1985 đã góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Tội trộm cắp tài sản được quy định bao gồm hai điều luật độc lập, trong đó điều 132 quy định về tội trộm cắp tài sản XHCN và điều 155 quy định về tội trộm cắp tài sản của công dân. Điều 132 có ba khoản với mức hình phạt khác nhau, khoản 1 có mức hình phạt thấp nhất là “phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm hoặc bị phạt tù từ sáu tháng đến năm năm”; khoản 3 có mức hình phạt cao nhất là “tù chung thân hoặc tử hình”. Điều 155 quy định về tội trộm cắp tài sản của công dân cũng chia thành ba khoản, khoản 1 là “phạt cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc bị phạt tù từ ba tháng đến ba năm” và khung hình phạt cao nhất ở khoản 3 là “phạt tù từ bảy năm đến hai mươi năm”. Như vậy, trong giai đoạn này, tội trộm cắp tài sản vẫn được chia thành 2 điều luật và có hình phạt khác nhau. Đối với trộm cắp tài sản XHCN thì được xem là nghiêm trọng hơn và có mức hình phạt nghiêm khắc hơn. Tuy nhiên cả 2 điều luật đều không quy định giá trị tài sản tối thiểu để làm cơ sở truy cứu TNHS.

BLHS năm 1985 ra đời đã đánh dấu một bước phát triển trong kỹ thuật lập pháp, tuy nhiên quá trình phát triển của xã hội nó đã trở nên lạc hậu, mặc dù đã trải qua bốn lần sửa đổi, bổ sung (vào các năm 1989, 1991, 1992, 1997) nhưng những lần sửa đổi, bổ sung này chủ yếu nhằm phục vụ cho cuộc đấu tranh đối với một số loại tội phạm mới nhất định, và sau các lần sửa đổi, bổ sung đó thì BLHS đã không còn là một chỉnh thể thống nhất.

1.2.3. Quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam năm 1999 (sửa đổi bổ sung năm 2009) về tội trộm cắp tài sản

Bộ luật hình sự năm 1999 được thông qua ngày 21/12/1999 tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa X và có hiệu lực từ ngày 01/7/2000 . Theo đó tội trộm cắp tài sản được quy định tại điều 138, không phân biệt là tài sản XHCN hay công dân như trước đây. Thể hiện quan điểm của Đảng ta đã có một sự nhìn nhận khách quan hơn về sự bình đẳng của các thành phần sở hữu trong các mối quan hệ xã hội nói chung và quan hệ pháp luật hình sự nói riêng. Đồng thời đã giải quyết được những bất cập khi xử lý một hành vi duy nhất nhưng tài sản bị xâm hại bao gồm nhiều hình thức sở hữu hoặc việc xác định hình thức sở hữu để định tội danh theo khách thể (Sở hữu XHCN hay sở hữu công dân)… gặp rất nhiều khó khăn trong thực tế. Mặt khác điều luật đã quy định mức giá trị tối thiểu của tài sản bị chiếm đoạt để làm cơ sở cho việc xác định tội phạm và định khung hình phạt cho thống nhất. Đến ngày 19/6/2009 Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 32/2009/QH12 về việc thi hành luật sửa đổi bổ sung một số điều của BLHS thì tội trộm cắp tài sản vẫn được giữ nguyên là 5 khoản, trong đó khoản 2 đến khoản 4 là định khung tăng nặng và khoản 5 là hình phạt bổ sung . Nhưng trị giá tài sản bị chiếm đoạt được nâng lên từ “năm trăm nghìn đồng” thành “hai triệu đồng”. Những hành vi trộm cắp tài sản có trị giá dưới hai triệu đồng không coi là tội phạm nữa. Đây là việc phi tội phạm hóa của nhà nước ta, điều chỉnh phù hợp với tình hình phát triển kinh tế, xã hội, nhằm giảm đáng kể một số lượng những vụ án trộm cắp có giá trị không lớn.

1.2.4. Tội trộm cắp tài sản trong Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017)

Ngày 27/11/2015, QH khóa XIII và ngày 20/6/2017 QH khóa XIV của nước Cộng Hòa XHCN Việt Nam đã thông qua BLHS 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) thay thế cho BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009), có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01.01.2018. Trong đó, tội “ Tội trộm cắp tài sản” được quy định tại điều 173 và đã có thay đổi bổ sung chi tiết hơn về định lượng so với trước.

Theo đó, so với điều 138 BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung 2009), Điều luật này đã sửa đổi, bổ sung một số điểm sau:

– Tại Khoản 1 Điều 173 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã quy định rõ ràng hơn, cụ thể hơn các căn cứ định tội trong trường hợp tài sản bị chiếm đoạt có trị giá dưới hai triệu đồng. Bao gồm: “đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm”; “đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các Điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm”; “gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội”; “tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ” ; “tài sản là di vật, cổ vật”.

– Tại khoản 2 Điều 173 đã bỏ tình tiết “gây hậu quả nghiêm trọng” và thay bằng tình tiết “tài sản là bảo vật quốc gia” .

– Tại Khoản 3 Điều 173 BLHS 2015 đã bỏ tình tiết định khung tăng nặng “gây hậu quả rất nghiêm trọng” thay bằng tình tiết “lợi dụng thiên tai, dịch bệnh”.

– Tại Khoản 4 Điều 173 đã bỏ tình tiết “gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” thay bằng tình tiết “lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp”.

Tuy nhiên các tình tiết mới được bổ sung trong điều luật đến nay cũng chưa có văn bản giải thích hướng dẫn cụ thể . Về hình phạt thì đã bỏ hình phạt tù chung thân.

Kết luận Chương 1

Trước tình hình các tội phạm xâm phạm sở hữu ngày một gia tăng, trong đó có tội trộm cắp tài sản đang có tính phổ biến cao, xu hướng ngày càng tinh vi, táo bạo và nghiêm trọng hơn, ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh trật tự, an toàn xã hội, xâm phạm trực tiếp đến quyền sở hữu tài sản của công dân, gây hoang mang trong đời sống xã hội. Để nhận biết rõ hơn về tội trộm cắp tài sản thì trong phạm vi Chương 1, tác giả đã đưa ra và phân tích những vấn đề lý luận và các quy định của pháp luật Việt nam về tội trộm cắp tài sản như: phân tích các dấu hiệu pháp lý trong các quy định của pháp luật Việt Nam về tội trộm cắp tài sản và tác giả đã xây dựng khái niệm về tội trộm cắp tài sản. Bên cạnh đó, phân tích về lịch sử hình thành các quy định của pháp luật liên quan đến tội phạm trộm cắp tài sản trong quá trình phát triển của đất nước trong giai đoạn từ 1945 đến nay. Quá đó giúp cho người đọc nắm chắc được những quy định của pháp luật Việt Nam về tội trộm cắp tài sản, đồng thời cho thấy sự phát triển từng bước trong quá trình lập pháp từ tư duy nhận thức đến kỷ thuật xây dựng văn bản của các nhà làm luật, của khoa học pháp lý nói chung, cũng như quan điểm của Đảng và Nhà nước ta qua từng thời kỳ. Đồng thời cũng thấy được sự phát triển của đất nước qua các quan hệ xã hội mà pháp luật đã điều chỉnh.

LIỆN HỆ:

SĐT+ZALO: 0935568275

E:\DỮ LIỆU COP CỦA CHỊ YẾN\LUAN VAN VIEN HAN LAM\VIEN HAM LAM DOT 10\HINH SU\NGUYEN BA VINH\SAU BAO VE

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *