Tội phạm trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn Nguyên nhân và giải pháp

Tội phạm trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng: Tình hình, nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa

Tội phạm trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵn: Tình hình, nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa

1. Tính cấp thiết của đề tài

Quận Ngũ hành Sơn. Khi mới thành lập, Quận có diện tích tự nhiên là 36,7Km2; có số dân là 43.080 nhân khẩu và là Quận nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại và dịch vụ nhỏ lẻ; chiếm tỉ trọng thấp trong nền kinh tế TP. Đà Nẵng. Đến nay dân số quận tăng lên đến 79448 nhân khẩu. Những năm gần đây được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư phát triển về cơ sở hạ tầng, công nghiệp, du lịch và làng nghề truyền thống phát triển; địa phương lại biết khai thác lợi thế về văn hóa-du lịch nên đã kêu gọi các nhà đầu tư triển khai các dự án dịch vụ du lịch cao cấp ven biển. Từ đó đã thu hút du khách trong và ngoài nước ngày càng đông. Cùng với việc phát triển kinh tế thì các vấn đề xã hội cũng phát sinh rất nhiều những vấn đề cần phải quan tâm, như: những biến động dân cư, đặc biệt là người nhập cư; sự gia tăng các loại hình dịch vụ kinh doanh gồm dịch vụ cầm đồ; quán bar; karoke; khách sạn, nhà nghỉ và các dịch vụ vui chơi giải trí khác. Tất cả những yếu tố đó đặt ra thách thức mới cho công tác quản lý nhà nước của chính quyền địa phương trong việc đảm bảo an ninh trật tự, đặc biệt là công tác phòng, chống tội phạm. Trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn trước đây một số loại tội phạm chưa từng xảy ra thì trong những năm gần đây đã phát sinh như: Tội giết người; Cướp tài sản; Tội tàng trữ, vận chuyển mua bán trái phép chất ma túy……, đặc biệt tội trộm cắp tài sản xảy ra nhiều, chiếm số lượng cao trong cơ cấu của tình hình tội phạm (THTP). Theo số liệu thống kê xét xử sơ thẩm hình sự thì THTP phát sinh trong 5 năm qua (từ năm 2010 đến 2014) xảy ra 272 vụ/389 bị cáo, trung bình mỗi năm có trên 54 vụ/78 bị cáo.

Để ngăn chặn và dần loại trừ tội phạm ra khỏi đời sống xã hội thì không thể chỉ dừng lại ở mức độ kinh nghiệm phòng ngừa tội phạm mà vấn đề này cần thiết được nghiên cứu trên cơ sở của một khoa học chuyên ngành tội phạm học, đặc biệt là đi sâu vào “ tính địa lý học của tội phạm”

Với cách nhìn nhận như vây, đề tài: “Tội phạm trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng: Tình hình, nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa” đã được lựa chọn làm luận văn thạc sỹ luật học.

2. Tình hình nghiên cứu có liên quan đến đề tài

3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài

Trên cơ sở khoa học phân tích khái niệm và các dấu hiệu pháp lý của tội phạm theo pháp luật hình sự Việt Nam; phân tích tình hình tội phạm trên địa quận Ngũ Hành Sơn từ năm 2010 – 2014, những nguyên nhân và điều kiện phát sinh tội phạm, kết quả dự báo, luận văn sẽ đề xuất các giải pháp phòng ngừa tội phạm trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn trong thời gian tới.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Trên cơ sở xem tình hình tội phạm trên địa bàn quận NHS -TP. Đà Nẵng là một hiện tượng xã hội tiêu cực, trong phạm vi luận văn, muốn tìm hiểu xem hiện tượng này có mối liên hệ với các hiện tượng, quá trình kinh tế – xã hội khác như thế nào, từ đó thấy được quy luật của của tội phạm phát sinh trên địa bàn quận.

Luận văn nghiên cứu dưới góc độ tội phạm học, sử dụng các báo cáo, số liệu thống kê, đặc biệt là thống kê của Tòa án nhân dân quận Ngũ Hành Sơn và TAND TP. Đà Nẵng từ năm 2010 – 2014.

5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu

Luận văn được thực hiện trên cơ sở của phương pháp luận duy vật biện chứng và lịch sử của Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng Cộng Sản Việt Nam và chính sách, pháp luật của Nhà nước về đấu tranh phòng, chống tội phạm.

6. Ý nghĩa của việc nghiên cứu

6.1. Ý nghĩa về mặt khoa học

Luận văn là công trình khoa học đầu tiên nghiên cứu THTP dưới góc độ tội phạm học trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn. Kết quả nghiên cứu của Luận văn có thể được sử dụng làm tài liệu học tập và nghiên cứu tội phạm học.

6.2. Ý nghĩa về mặt thực tiễn

Kết quả nghiên cứu của luận văn có giá trị như một tài liệu hướng dẫn thực tế cho hoạt động phòng ngừa tội phạm nói chung và phòng ngừa tội phạm trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn nói riêng.

7. Kết cấu của Luận văn

Ngoài phần mở đầu và danh mục tài liệu tham khảo, luận văn gồm ba chương. Cụ thể là:

Chương 1: Tình hình tội phạm trên địa bàn quận ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2010 – 2014 và thực trạng công tác phòng ngừa tội phạm trên địa bàn Quận.

Chương 2: Nguyên nhân và điều kiện của tình hình tội phạm trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng từ năm 2010 đến năm 2014.

Chương 3: Dự báo tình hình tội phạm trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn và hoàn thiện hệ thống các biện pháp phòng ngừa tội phạm trên địa bàn quận.

CHƯƠNG 1

TÌNH HÌNH TỘI PHẠM TRÊN ĐỊA BÀN QUẬN NHS- TP. ĐÀ NẴNG TỪ NĂM 2010 ĐẾN NĂM 2014 VÀ THỰC TRẠNG CÔNG TÁC PHÒNG NGỪA TỘI PHẠM TRÊN ĐỊA BÀN QUẬN

1.1. Tình hình tội phạm trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2010 – 2014

Trong tội phạm học Việt nam [8;24;33;36;37], tình hình tội phạm (THTP) được xem là một chỉnh thể gồm hai mặt, mặt bản chất và mặt biểu hiện của bản chất đó. Đây là cách tiếp thu có kế thừa thành quả của lịch sử phát triển tội phạm học ở nước ta và trên thế giới, trong đó, mặt bản chất của THTP là quy luật và nguyên lý nên không thay đổi, còn mặt biểu hiện của bản chất lại có tính lịch sử cụ thể, tức là phụ thuộc vào hoàn cảnh, điều kiện môi trường, xã hội cụ thể, cái cần phải được thay đổi để hạn chế và loại trừ sự phát tác của quy luật – quy luật của sự phạm tội. Vì thế, mặt biểu hiện ra của bản chất cần phải được ghi nhận và nghiên cứu thường xuyên. Mặt biểu hiện ra này của THTP là có thể nhận thức được và tội phạm học Việt nam cũng đã chỉ rõ là nhận thức thông qua đặc điểm định lượng và định tính của THTP với các thông số của nó gồm: Mức độ; Diễn biến; Cơ cấu và tính chất của THTP.

1.1.1. Phần hiện của tình hình tội phạm trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn

1.1.1.1. Mức độ của tình hình tội phạm trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng từ 2010 đến 2014

Đó là số lượng các tội phạm đã xảy ra và những người thực hiện tội phạm đó trên địa bàn Q.NHS – TP. Đà Nẵng từ 2010 đến 2014, bao gồm mức độ tổng quan, mức độ nhóm và mức độ hành vi.

  1. Mức độ tổng quan

a.1. Mức độ tổng quan tuyệt đối của THTP ở quận NHS

Mức độ tổng quan tuyệt đối là số nguyên và là số liệu cơ bản về lượng của THTP trên địa bàn Q. NHS, thể hiện ở 272 vụ với 389 bị cáo đã đưa ra xét xử HSST trong giai đoạn 2010 – 2014, tức là trung bình mỗi năm có 54 vụ với 78 bị cáo. Cụ thể, tỷ lệ này là 8,54% về số vụ và 6,97% về số bị cáo.

a.2. Mức độ tổng quan tương đối của THTP ở quận NHS

Tính toán cơ số tội phạm hàng năm ở quận NHS, TP. Đà Nẵng:

Cơ số tội phạm là chỉ số khái quát nhất về mức độ của tình hình tội phạm đối với một đơn vị hành chính, trong một đơn vị thời gian nhất định là 1 năm và được tính bằng số tội phạm hoặc số người phạm tội trên 100.000 dân hoặc trên 10.000 dân.

Từ số liệu thống kê trên cho thấy, trên địa bàn quận NHS cơ số tội phạm thấp tức là mức độ tội phạm phổ biến trong dân cư thấp, cứ trong 10.000 dân thì năm 2010 có 7,89 vụ/12,51 bị cáo; năm 2011 có 6,76 vụ/8,91 bị cáo; năm 2012 có 7,05 vụ/8,57 bị cáo; năm 2013 có 8,76 vụ/14,34 bị cáo; năm 2014 có 6,92 vụ/9,1 bị cáo.

– Tỷ lệ giữa số bị cáo và số vụ: Mức độ tổng quan của THTP trên địa bàn quận NHS còn được làm rõ hơn qua việc tính toán tỷ lệ giữa số bị cáo với số vụ. Trên địa bàn quận NHS – TP Đà Nẵng bình quân tỷ lệ chênh lệch giữa số bị cáo với số vụ án trong 05 năm từ 2010 đến 2014 là: 1,43, tức là cứ trung bình 01 vụ án có 1,43 bị cáo. Tỷ lệ này giảm dần từ 2010 đến 2012 và tăng lên năm 2013 rồi lại giảm năm 2014 là 1,33 (cứ 01 vụ án có 1,33 bị cáo)

Mức độ nhóm (14 nhóm – chương)

Thực tế trên địa bàn Q. NHS-TP. Đà Nẵng trong 5 năm qua chỉ có 7 nhóm tội danh có đời sống thực tế nghĩa là có phát sinh tội phạm trong nhóm, trong mỗi nhóm có phát sinh số tội phạm khác nhau, cụ thể như sau:

– Nhóm tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người (C12) gồm có 05 tội danh;

– Nhóm các tội xâm phạm quyền tự do, dân chủ của công dân (C13) có 01 tội danh;

– Nhóm các tội xâm phạm sở hữu (C14) có 06 tội danh;

– Nhóm tội phạm về ma túy (C18) có 02 tội danh;

– Nhóm các tội xâm phạm an toàn, trật tự công cộng (C19) có 06 tội danh;

– Nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính (C20) có 02 tội danh;

– Nhóm các tội xâm phạm hoạt động tư pháp (C22) có 01 tội danh.

Xét tỷ lệ số bị cáo mà TAND quận Ngũ Hành Sơn đã xét xử hình sự sơ thẩm từ 2010 đến 2014 chia theo nhóm tội là: Nhóm nhiều nhất là C14 có 230 bị cáo, chiếm 59,12%, kế tiếp thứ tự là các nhóm: C19 có 53 bị cáo, chiếm 13,62%; C18 có 48 bị cáo, chiếm 12,34%; C12 có 45 bị cáo chiếm 11,57%; C20 có 07 bị cáo chiếm 1,80%; C13 có 05 bị cáo chiếm 1,28%; C22 có 01 bị cáo chiếm 0,26%.

Tội phạm trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵn: Tình hình, nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa
Tội phạm trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵn: Tình hình, nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa

c) Mức độ hành vi

1.2.1.1. Mức độ hành vi

Mức độ của THTP còn phải được làm rõ thêm một bước tiếp theo là mức độ hành vi phạm tội, mức độ chi tiết nhất.

Kết quả nghiên cứu cụ thể cho thấy, trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn từ 2010 đến 2014 có 23 tội danh có đời sống thực tế, tức là 23 tội phạm khác nhau đã xẩy ra và đã được xét xử, trong đó có 10 tội danh có mức độ phạm tội cao hơn cả (được ấn định từ 02 con số trở lên) và trong đó thể hiện tập trung ở 5 tội danh có mức độ phạm tội cao nhất. Cụ thể là:

– Tội trộm cắp tài sản: 120 vụ/166 bị cáo chiếm 44,12% số vụ/42,67% số bị cáo;

– Tội phạm về ma túy: Tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy (điều 194): 34 vụ /48 bị cáo chiếm 12,50% số vụ/12,34 số bị cáo;

– Tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác: 22 vụ/31 bị cáo chiếm 8,09% số vụ/7,97% số bị cáo;

– Tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ: 22vụ/22 bị cáo chiếm 8,09% số vụ/5,65% số bị cáo;

– Tội Cướp giật tài sản: 12 vụ/18 bị cáo chiếm 4,41% số vụ/4,63% số bị cáo.

1.1.1.2. Diễn biến của tình hình tội phạm trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng

Để làm rõ xu hướng của THTP ở quận Ngũ Hành Sơn thời gian qua, tức là xem cái mức độ tổng quan tuyệt đối của THTP vận động thế nào, phương pháp so sánh định gốc theo năm và theo giai đoạn 3 năm đã được áp dụng bằng phương pháp so sánh định gốc theo năm, thì thấy động thái (diễn biến) của tình hình tội phạm trong các năm này có sự tăng lên và giảm đi không tịnh tiến. Song áp dụng cũng phương pháp này, nhưng theo giai đoạn 3 năm, thì xu hướng tăng là khẳng định và mức tăng là 13,90% về số vụ, 16,82% về số bị cáo.

Nguyên nhân của sự tăng lên, giảm đi những thông số: vụ án và bị cáo của tình hình tội phạm trên địa bàn quận NHS là do nhiều nguyên nhân, trong đó chủ yếu do những nguyên nhân về điều kiện kinh tế, xã hội.

1.1.1.3. Cơ cấu của tình hình tội phạm trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng

a) Cơ cấu tình hình tội phạm trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn trong các năm 2010 – 2014 xét trên cơ sở tổng số dân trong sự so sánh với các địa bàn cùng cấp.

Cơ cấu về mức độ tình hình tội phạm theo dân số trong sự so sánh với các địa bàn cùng cấp trong thành phố cho thấy số dân/01 bị cáo càng nhỏ thì mức độ tội phạm càng cao, theo bảng 1. 7 quận NHS xếp thứ 5, cứ 207 người dân có 01 bị cáo.

b) Cơ cấu tình hình tội phạm trên địa bàn quận ngũ Hành Sơn trong các năm 2010- 2014 trên cơ sở diện tích trong sự so sánh với các địa bàn cùng cấp.

Cơ cấu tình hình tội phạm trên địa bàn Q. NHS trên đơn vị diện tích so với các địa bàn cùng cấp thì thấy địa bàn quận NHS hệ số tiêu cực xếp thứ 5, có số bị cáo phạm tội thấp với 10,08 bị cáo/01 km2

c) Cơ cấu tình hình tội phạm trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn trong các năm 2010 – 2014 được tính trên cơ sở kết hợp yếu tố dân cư, diện tích trong sự so sánh với các địa bàn cùng cấp.

Cấp độ nguy hiểm được hình thành trên cơ sở hệ số tiêu cực, nếu hệ số tiêu cực càng nhỏ thì mức độ nguy hiểm càng lớn, theo đó quận Thanh Khê có cấp độ tình hình tội phạm nguy hiểm cao nhất, tiếp theo thứ tự là các quận, huyện: quận Hải Châu, Sơn Trà, Cẩm Lệ, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn và cấp độ tình hình tội phạm nguy hiểm ở mức thấp nhất là huyện Hòa Vang.

d) Cơ cấu tình hình tội phạm trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn trong các năm 2010 – 2014 xét theo phương thức thực hiện tội phạm.

* Cơ cấu xét theo các bước của phương thức thực hiện tội phạm.

Qua nguyên cứu phân tích 200 vụ án trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn trong 5 năm 2010 – 2014 cho thấy: có 52 vụ (chiếm 26 %) đối tượng có sự chuẩn bị để thực hiện tội phạm, có 148 vụ (chiếm 74 %) đối tượng không có sự chuẩn bị trước.

* Cơ cấu theo tiêu chí thời gian phạm tội

Thời gian thường xảy ra các vụ án trên địa bàn quận NHS nhiều nhất là khoảng thời gian từ 12h đến 22h, chiếm tỉ lệ 64,8%; từ sau 22h đến 5h chiếm 23,7%; từ sau 5h đến 11h chiếm 11,5%.

* Cơ cấu theo địa điểm phạm tội

Qua nghiên cứu 200 bản án hình sự sơ thẩm về tội phạm trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn từ năm 2010 đến 2014, cho thấy số vụ án diễn ra nhiều nhất ở địa điểm là nơi ở của nạn nhân 68 vụ (chiếm 34%), nơi công cộng 127 vụ (chiếm 63,5%), các địa điểm vui chơi giải trí, Karaoke, quán nhậu 5 vụ (chiếm 2,5 %).

* Cơ cấu theo công cụ, phương tiện, đối tượng tác động hành vi phạm tội

Nghiên cứu 200 vụ án cho thấy có hai nhóm đối tượng:

Nhóm người phạm tội không dùng hung khí, chỉ dùng sức mạnh thể lực đấm đá, xô ngã nạn nhân rất ít, chiếm 5,8%;

Nhóm người phạm tội dùng hung khí chiếm đa số, chiếm 94,2%;

đ) Cơ cấu tình hình tội phạm trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn từ năm 2010 – 2014 xét theo hình phạt đã áp dụng

Theo số liệu thống kê tại Bảng 1.11 cho thấy, TAND quận NHS đã xét xử sơ thẩm với tổng số 389 bị cáo. Trong đó có 306 bị cáo đã áp dụng mức hình phạt dưới 7 năm tù giam là chủ yếu, chiếm 78,15%; 14 bị cáo bị áp dụng mức phạt trên 7 năm tù chiếm 3,60%; áp dụng hình phạt tù cho hưởng án treo là 69 bị cáo, chiếm 17,74%; áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ có 02 bị cáo, chiếm 0,51%.

e) Cơ cấu tình hình tội phạm trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn trong các năm 2010 – 2014 xét theo đặc điểm nhân thân của người phạm tội

* Cơ cấu tình hình tội phạm trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn trong các năm 2010 – 2014 được xác định theo giới tính của người phạm tội

Thực tế tình hình tội phạm trên địa bàn quận NHS nói riêng cũng như trong mọi xã hội thì tỷ lệ phạm tội của nam giới luôn cao hơn nữ giới, chiếm 92,03%.

* Cơ cấu tình hình tội phạm trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn trong các năm 2010- 2014 xét theo độ tuổi của người phạm tội

Từ kết quả thống kê tại bảng 1.13 cho thấy trên địa bàn quận NHS, tội phạm do nhóm người từ 18 đến dưới 30 tuổi chiếm tỷ lệ cao nhất, sau đó là nhóm từ 30 đến 45 tuổi, tiếp theo những người chưa thành niên, riêng nhóm bị cáo phạm tội từ 45 tuổi trở lên có tỷ lệ thấp nhất.

* Cơ cấu tình hình tội phạm trên địa bàn quận NHS trong các năm 2010- 2014 xét theo trình độ học vấn của người phạm tội.

Từ thực tế số liệu thống kê tội phạm trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn trong các năm từ 2010 đến 2014 theo trình độ học vấn – Bảng 1.14 chỉ ra rằng những người có học vấn thấp (Mù chữ hoặc có học vấn thấp; từ lớp 1 đến lớp 9/12) thường chiếm tỷ lệ cao hơn trong cơ cấu tình hình tội phạm có 202 bị cáo, chiếm 51,93%, tiếp đến những người có học vấn từ lớp 10 đến 12 có 165 bị cáo, chiếm 42,41% và có trình độ cao đẳng, đại học có 22 bị cáo, chiếm 5,66%.

* Cơ cấu tình hình tội phạm trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn trong các năm 2010- 2014 xét theo nghề nghiệp của người phạm tội.

Qua bảng tổng hợp thống kê người phạm tội trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn theo nghề nghiệp của người phạm tội thì thấy những người không có nghề nghiệp hoặc có nghề nhưng là lao động phổ thông, công việc làm không ổn định như: thợ xây, thợ sơn, thợ đục đá, lái xe, buôn bán, xe ôm, ….. thường có tỷ lệ phạm tội cao hơn so với người có nghề nghiệp, công việc làm ổn định.

* Cơ cấu tình hình tội phạm trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn trong các năm 2010 – 2014 xét theo tiền án, tiền sự của người phạm tội.

Theo số liệu tổng hợp thống kê tình hình tội phạm trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn trong các năm 2010 – 2014 xác định theo tiền án, tiền sự của người phạm tội tại bảng 1.16 thì thấy tỷ lệ số người phạm tội có tiền án, tiền sự tương đối cao, chiếm 23,39% trong tổng số người phạm tội, trong đó riêng số tái phạm nguy hiểm có 16 bị cáo, chiếm 17,58%.

* Cơ cấu tình hình tội phạm trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn trong các năm 2010 – 2014 xét theo hoàn cảnh gia đình của người phạm tội.

Nhân thân của bị cáo, xét theo hoàn cảnh gia đình trong 5 năm từ 2010 đến 2014. Có 101/389 bị cáo có hoàn cảnh gia đình không cha, mẹ; không rõ cha hoặc mẹ; cha, mẹ chết; cha chết, mẹ sống; cha sống, mẹ chết (chiếm tỉ lệ 25,96%). Có 15/389 bị cáo có hoàn cảnh gia đình vợ chồng bị cáo ly hôn; không chồng có con; không vợ có con (chiếm 3,86%). Có 66/389 bị cáo hoàn cảnh gia đình có từ 02 con trở lên, trong đó có 02 trường hợp bị cáo có 05 con (chiếm 17%).

1.1.1.4. Đánh giá tính chất của tình hình tội phạm từ năm 2010 – 2014 trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng

* Tính chất của tình hình tội phạm xét theo mức độ

– THTP diễn ra phức tạp và theo xu hướng tăng;

– Mức độ đồng phạm đơn tội trong THTP ở Q.NHS cao hơn ở TP. Đà Nẵng;

– Theo mức độ nhóm, các tội xâm phạm sở hữu; nhóm các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng; nhóm tội phạm về ma túy; nhóm các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người là chủ yếu; các nhóm còn lại chiếm tỷ lệ ít hơn;

– Theo mức độ hành vi, các tội có mức độ cao nhất xếp trong 5 tội danh từ cao đến thấp, các tội: tội trộm cắp tài sản; tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy; tội cố ý gây thương tích; tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ, tội cướp giật tài sản;

– THTP ngày càng nguy hiểm thể hiện ở hành vi phạm tội có tính chất côn đồ, hung hãn, có sử dụng bạo lực diễn ra trắng trợn, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt hơn, có sự chuẩn bị trước, có tổ chức hoặc có sự cấu kết thành băng, ổ, nhóm ngày càng thể hiện đậm nét, nhất là trong các loại tội như: tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma túy; cướp; cướp giật; cố ý gây thương tích, đã dần dần xuất hiện và nhen nhóm có khả năng hình thành và hoạt động theo kiểu xã hội đen,..

* Tính chất của tình hình tội phạm xét theo cơ cấu của THTP

– Độ tuổi của tội phạm trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn từ 2010 đến năm 2014 chủ yếu từ 18 đến 45 tuổi chiếm tỉ lệ 90,75%, độ tuổi chưa thành niên chiếm tỉ lệ 5,91% đó là vì lứa tuổi này đang có sự thay đổi mạnh mẽ về tâm, sinh lý muốn tự khẳng định mình, không muốn phụ thuộc; dễ bị tác động, rủ rê, lôi kéo của các đối tượng xấu,..;

– Số bị cáo phạm tội mù chử, có trình độ học vấn bậc tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông trở xuống chiếm 94,34% rất cao, số bị cáo không nghề nghiệp 28,28% hoặc lao động tự do, lao động phổ thông, chiếm 60,67%, những đối tượng này có hiểu biết và nhận thức pháp luật còn hạn chế nên dễ dẫn đến vi phạm và phạm tội;

– Mặt trái của nền kinh tế thị trường ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển của giới trẻ, tình trạng thanh niên mới lớn phạm tội gia tăng là do kinh tế – xã hội quận đang có bước chuyển mình mạnh mẽ nên lối sống đã bị rối loạn; dẫn đến những hành động thiếu suy nghĩ như không tôn trọng người khác, cư xử thô bạo người quen, người thân là nguyên nhân thúc đẩy phạm tội;

– Bị cáo nam chiếm tỷ lệ cao gần như tuyệt đối chiếm 92,03%,

– Các công cụ, phương tiện gây án chủ yếu là: mã tấu, dao Thái Lan, ống tuýp sắt, gạch, chai bia, cây gỗ…

– Thời gian và địa điểm gây án: Thời gian phạm tội thường xảy ra từ 12 giờ đến 22 chiếm 64,8%; Địa điểm: nơi công cộng chiếm 63,5%, là do khoảng thời gian này là thời điểm sơ hở mất cảnh giác, kết thúc ngày lao động và học tập, cơ thể đã mệt mỏi, thần kinh ức chế và hay diễn ra các hoạt động ăn uống, vui chơi dẫn đến đối tượng sẽ sử dụng rượu bia, các chất kính thích khác.

1.1.2. Đánh giá phần ẩn của tình hình hình tội phạm trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn từ năm 2010 đến 2014

+ Tội phạm ẩn khách quan: bao hàm tất cả những tội phạm đã xảy ra trong thực tế, song các cơ quan có thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự không có thông tin về chúng.

+ Tội phạm ẩn chủ quan: là tội phạm có lý do ẩn xuất phát từ các chủ thể mà pháp luật đã quy định cho nhiệm vụ trực tiếp đấu tranh chống tội phạm, kể từ khâu trực tiếp phát hiện dấu hiệu của tội phạm hoặc tiếp nhận tố giác và tin báo về tội phạm cho đến khâu xét xử vụ án hình sự.

+ Tội phạm ẩn thống kê: là loại tội phạm ẩn tồn tại trong phạm vi công tác thống kê tội phạm, song không phải nằm ở chủ thể tiến hành công việc thống kê, không phải ở phương tiện kỹ thuật – công nghệ áp dụng cho công tác thống kê lạc hậu hay hiện đại, mà nằm ở những quy định có tính chất pháp lý đối với công tác thống kê tội phạm.

1.2. Thực trạng công tác phòng ngừa tội phạm trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn những năm qua

Thực hiện công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới, hàng năm Công an Quận tham mưu cho Quận ủy, UBND tập trung xây dựng ban hành Chỉ thị, các Kế hoạch về việc tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên địa bàn quận. Các cấp uỷ, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể từ quận đến cơ sở đã có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo cán bộ, đảng viên, nhân dân thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, ngăn ngừa và phòng chống tội phạm, đẩy lùi các tệ nạn xã hội, góp phần giữ vững ổn định chính trị – trật tự an toàn xã hội trên địa bàn quận. Tình hình phạm pháp hình sự trên địa bàn giảm; Công tác điều tra, khám phá án đạt tỷ lệ cao trên (85%); Tỷ lệ điều tra khám phá trọng án đạt 100%; Công tác phòng ngừa, trấn áp tội phạm và những biểu hiện vi phạm pháp luật được thực hiện kịp thời, hiệu quả không để hình thành các băng ổ nhóm tội phạm, tệ nạn xã hội hoạt động; công tác cải cách hành chính được quan tâm chỉ đạo, tập trung giải quyết kịp thời những nhu cầu bức xúc, chính đáng của nhân dân.

CHƯƠNG 2

NGUYÊN NHÂN VÀ ĐIỀU KIỆN CỦA THTP TRÊN ĐỊA BÀN QUẬN NGŨ HÀNH SƠN, THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

2.1. Nguyên nhân và điều kiện thuộc môi trường sống ở quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng

2.1.1. Nguyên nhân và điều kiện thuộc môi trường gia đình

Thứ nhất, do cha mẹ làm sai, con làm theo, trong gia đình có người thiếu văn hóa, thiếu đạo đức, có hành vi phạm tội, bố mẹ, anh chị đánh nhau, mất đoàn kết…dẫn đến việc các em dễ học những cái xấu, dễ phạm tội.

Thứ hai, do bị bạo lực từ nhỏ, bị đối xử hà khắc, cha mẹ thiếu hiểu biết, thường xuyên hành hạ, đánh đập con cái dẫn đến nhiều em bị khủng hoảng tâm lý, nhiều trường hợp trở nên hung hãn, coi thường pháp luật, căm ghét gia đình, các em dễ bị kẻ xấu lợi dụng, lôi kéo.

Thứ ba, do thiếu tình cảm của cha mẹ, không chú ý chăm lo đến vật , bất cần, dễ phạm tội.

Thứ tư, do bố mẹ quá nuông chiều, thỏa mãn mọi nhu cầu cua con cái, tạo nên thói quen ỷ lại, dựa dẫm, ích kỷ, lười nhác, thiếu trách nhiệm, dễ bị bạn be lôi kéo đi bụi và phạm tôi.

2.1.2. Nguyên nhân và điều kiện thuộc môi trường nhà trường

Như đã phân tích, số bị cáo phạm tội trên địa bàn quận NHS -TP Đà Nẵng từ năm 2010 đến 2014 đa số có trình độ văn hóa rất thấp dưới lớp 12 có 282/389 bị cáo chiếm 72,49%, nhiều bị cáo có trình độ cấp tiểu học, trung học cơ sở, thậm chí không biết chữ; điều đó thể hiện việc quản lý giáo dục quan hệ phối hợp quản lý giữa nhà trường – gia đình – chính quyền và việc giáo dục trong nhà trường về văn hóa và đạo đức cho các em còn rất nhiều sơ hở, bất cập.

2.1.3. Nguyên nhân và điều kiện thuộc môi trường xã hội với nhà nước là chủ thể quản lý

2.1.3.1. Những nguyên nhân và điều kiện khách quan (đối với Nhà nước là chủ thể)

– Di hại của xã hội củ (trước 1975)

– Sự thù địch và chống phá của nhiều thế lực ngoài nước và trong nước

– THTP trước năm 1945 trên phạm vi cả nước và trước năm 1975 ở miền Nam

– Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai

2.1.3.2.Những nguyên nhân và điều kiện chủ quan

a)Trong lĩnh vực kinh tế

– Tác động từ hệ quả của nền kinh tế thị trường

Trong 5 năm qua, tuy số lượng tội phạm về kinh tế xảy ra ít; song bên cạnh đó theo báo cáo về tình trạng có rất nhiều doanh nghiệp phải phá sản và chay ì nợ thuế,..và đây là những nguy cơ tiềm tàng về tội phạm về kinh tế trên địa bàn quận.

-Tác động từ tình trạng thất nghiệp:

Trong 05 năm qua, TP Đà Nẵng nói chung, quận NHS nói riêng tỷ lệ thất nghiệp tuy có giảm nhưng vẫn còn ở mức độ cao. Từ sự tác động này mà có cơ hội cho nhiều loại tội phạm phát sinh như: Trộm cắp, cướp giật.

-Tác động của sự phân hóa giàu nghèo:

Hội nhập kinh tế quốc tế đã mang lại nhiều cơ hội mới, đời sống đại bộ phận nhân dân được nâng cao. Thế nhưng phía sau những thành tựu của tăng trưởng, những cơ hội mới mà hòa nhập mang lại, củng có một bộ phận người dân đang đối mặt với cơ hội giảm dần: họ nghèo hơn, sinh kế ngày một khó khăn hơn. So sánh quy định mức chuẩn nghèo thì hiện nay trên địa bàn quận số hộ nghèo vẫn ở mức khá cao. Nghèo là nguy cơ sinh ra các hành vi phạm tội.

b)Trong lĩnh vực văn hóa, giáo dục

Phân tích tình hình tội phạm trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng cho thấy số tội phạm phát sinh có nguyên nhân trực tiếp từ sự sai lệnh trong nhận thức, chuẩn mực văn hóa tuy không nhiều nhưng những ảnh hưởng của sự xuống cấp đạo đức lại là nguyên nhân của nhiều loại tội phạm thực tế đã phát sinh trên địa bàn.

c)Trong lĩnh vực an ninh, trật tự

Nghiên cứu tội phạm ẩn trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn cũng cho thấy, nguyên nhân một phần là do trong công tác này chưa được quan tâm, đầu tư; có nơi, có lúc còn buông lỏng; chưa có các biện pháp hữu hiệu trong phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, các tệ nạn xã hội và các hành vi vi phạm pháp luật.

Việc quản lý nhân khẩu, hộ khẩu của cơ quan chức năng gặp nhiều khó khăn vì địa bàn quận giáp ranh với nhiều địa bàn quận, huyện khác nhau.

d) Trong lĩnh vực xử lý tội phạm

Đối với hoạt động truy tố của Cơ quan Kiểm sát, có nhiều vụ án xảy ra lâu mới được ra xét xử; xác định tội danh, khung hình phạt còn hạn chế thiếu chính xác, một số vụ án truy tố bị cáo ra tòa còn chậm làm ảnh hưởng tính nghiêm minh của pháp luật và làm tác dụng răn đe đối với người phạm tội.

Đối hoạt động xét xử, nhiều vụ án xâm phạm nhân thân ở địa phương, cơ quan Tòa án có thẩm quyền xử lý chưa nghiêm, hoặc áp dụng chưa công bằng dẫn đến phản ứng tiêu cực từ chính các đối tượng có liên quan khác.

2.2. Nguyên nhân và điều kiện thuộc chủ thể hành vi phạm tội – Nhân thân người phạm tội trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng

2.2.1. Những sai lệch của ý thức cá nhân

  1. Những sai lệch thuộc về nhận thức

Nghiên cứu đặc điểm cá nhân của người phạm tội trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng trong 5 năm qua cho thấy người thực hiện hành vi phạm tội phần lớn đều thiếu hiểu biết pháp luật hoặc nhận thức về pháp luật kém. Họ sống trong môi trường mà ở đó ít có người giám sát, nhắc nhở, giáo dục họ về ý thức hiểu biết, tuân thủ pháp luật. Từ thực tế này dẫn đến đa số thanh niên lớn lên nhưng không ý thức được nghĩa vụ, trách nhiệm của mình đối với bản thân, gia đình, xã hội nên vi phạm pháp luật

b) Những sai lệch thuộc về thái độ – tâm lý

Để dẫn đến hành vi phạm tội, người phạm tội thường có lối sống, sinh hoạt đi ngược lại chuẩn mực đạo đức xã hội, buông thả trong lối sống, sa vào các tệ nạn xã hội như cờ bạc, ma túy hoặc ăn chơi đua đòi, tiêu xài vượt quá thu nhập chính đáng của cá nhân hoặc khả năng cung cấp của gia đình. Bên cạnh đó đạo đức xã hội xuống cấp, cái xấu, bất công, vi phạm pháp luật, giá trị đạo đức còn phổ biến, tình trạng lợi dụng kẽ hở pháp luật, chính sách để trục lợi, đem lại phần hơn cho mình. Từ đó trong một bộ phận người dân bị ảnh hưởng bởi lối sống này, lĩnh hội những sản phẩm tiêu cực trong xã hội, từ đó trong nhận thức, hành động dễ dẫn đến vi phạm pháp luật.

2.2.2. Nguyên nhân và điều kiện thuộc quá trình động cơ hóa hành vi phạm tội

– Một là, cơ chế hành vi có hai quá trình: Quá trình một là quá trình tương tác nhập tâm; Quá trình hai là quá trình tương tác xuất tâm.

– Hai là, quá trình tương tác nhập tâm là quá trình con người chuyển từ phía môi trường sống vào bản thân mình những quy luật bản chất của thế giới để tạo thành tâm lý, ý thức, nhân cách của bản thân, bằng cách chiếm lĩnh thế giới.

– Ba là, quá trình tương tác xuất tâm là quá trình bộc lộ tâm lý, ý thức, đặc biệt là ý thức pháp luật, ra bên ngoài thông qua hoạt động kế hoạch hóa và hiện thực hóa hành vi.

– Bốn là, quá trình động cơ hóa hành vi người là một bộ phận của quá trình tương tác nhập tâm, là đoạn kết của quá trình tương tác giữa môi trường sống và chủ thể hành vi kéo dài từ khi sinh ra cho đến khi chủ thể hành vi có động cơ tư tưởng về một hành vi nhất định, trong đó có hành vi phạm tội.

– Năm là, động cơ hóa hành vi

– Sáu là, khi tội phạm xảy ra.

Những luận điểm lý luận nêu trên áp dụng vào THTP trên địa bàn Q.NHS cho phép rút ra những nhận xét về quá trình động cơ hóa hành vi phạm tội như sau:

Thứ nhất, động cơ hóa hành vi phạm tội chính là đoạn kết của quá trình tương tác nhập tâm, cái chuẩn bị cho quá trình tương tác xuất tâm. Nó luôn luôn hiện hữu trong mọi trường hợp, mọi vụ án do NCTN đã thực hiện.

Thứ hai, đứng trước cùng một “ tình huống có xung đột” có người ứng xử theo đạo đức, theo pháp luật, có người không.

Thứ ba, NCTN chọn cách ứng xử phạm tội, tức là quá trình nhập tâm có khiếm khuyết, có sai lệch.

Như vậy, từ sự phân tích lý luận về quá trình động cơ hóa hành vi, kết hợp với thực tế của THTP do NCTN thực hiện trên địa bàn quận NHS thời gian qua cho thấy, muốn kéo giảm THTP, thì những biện pháp phòng ngừa cần tập trung tác động vào quá trình tương tác nhập tâm với hai cung bậc của mục đích:

Một là, làm giảm tình huống có xung đột, tình huống dễ gây cảm hứng phạm tội ở NCTN.

Hai là, tăng cường khả năng kiềm chế, khả năng ứng xử theo pháp luật của NCTN. Đây cũng là công việc của quá trình tương tác nhập tâm. Điều này đặc biệt quan trọng đối với NCTN.

Đây là những yếu tố tâm lý – xã hội mà bản thân chúng không phải là động cơ. Nhưng trong những điều kiện xã hội và hoàn cảnh sống cụ thể, đối với cá nhân con người cụ thể nhất định, chúng đều có thể trở thành động lực thúc đẩy con người thực hiện hành vi phạm tội.

– Sai lệch về nhu cầu

Nhu cầu là một hiện tượng tâm lý của con người, là mong muốn, đòi hỏi, nguyện vọng của con người về vật chất và tinh thần để tồn tại và phát triển. Nhu cầu có ba mức độ khác nhau gồm lòng ham muốn, tham và đam mê.

– Sai lệch về phương pháp thỏa mãn nhu cầu

Phương pháp thỏa mãn nhu cầu là cách thức hành động chủ thể để đạt được mong muốn, đòi hỏi, nguyện vọng của mình.

– Sai lệch về sở thích

Sở thích là những hoạt động thường xuyên hoặc theo thói quen để đem lại cho chủ thể niềm vui, sự phấn khởi trong khoảng thời gian thư giãn; sở thích còn chỉ sự hứng thú, thái độ ham thích của chủ thể đối với một đối tượng nhất định.

2.2.3. Nguyên nhân và điều kiện trong quá trình kế hoạch hóa và hiện thực hóa hành vi phạm tội

Như đã làm rõ ở chương 1, trong cơ cấu THTP ở quận NHS cho thấy có 57/200 vụ án (chiếm 28,5%) được nghiên cứu đối tượng phạm tội có sự chuẩn bị để thực hiện tội phạm.

* Từ những phân tích trên, có thể đưa ra một số kết luận sau:

Thứ nhất, tuy mang ý nghĩa tiêu cực đối với xã hội, song hành vi phạm tội cũng chỉ là một dạng của hành vi người (do con người thực hiện).

Thứ hai, sự khác nhau giữa hành vi phạm tội và các hành vi xã hội khác của con người không phải ở cơ chế chung.

Tội phạm trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵn: Tình hình, nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa
Tội phạm trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵn: Tình hình, nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa

CHƯƠNG 3

DỰ BÁO TÌNH HÌNH TỘI PHẠM VÀ HOÀN THIỆN HỆ THỐNG CÁC BIỆN PHÁP PHÒNG NGỪA TỘI PHẠM TRÊN ĐỊA BÀN QUẬN NGŨ HÀNH SƠN, THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

3.1. Dự báo tình hình tội phạm trong những năm tới trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, TP. Đà Nẵng.

THTP trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn trong thời gian tới còn tiếp tục diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng, tính chất nguy hiểm hơn, với nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt; có thể nhận định:

Thứ nhất, về số lượng vụ án và số bị cáo có thể dự đoán trong thời gian tới sẽ tiếp tục gia tăng;

Thứ hai, cơ số hành vi phạm tội có khả năng nhiều hơn hiện nay, tức là nhiều hơn 23 tội danh (có “đời sống” thực tế);

Thứ ba, người phạm tội có xu hướng trẻ hóa;

Thứ tư, về phương thức thực hiện hành vi phạm tội, ngày một tinh vi, xảo quyệt hơn;

Thứ năm, địa bàn phạm tội vẫn chủ yếu là những tuyến đường giao thông huyết mạch như tuyến đường Ngũ Hành Sơn – Lê Văn Hiến – Trần Đại Nghĩa; tuyến đường Trường Sa,….địa bàn nơi tập trung đông người, khu dân cư thường xuyên đi làm vắng nhà (khu công chức); khu vực giáp ranh trên địa bàn quận, có sự kết hợp giữa các đối tượng trên địa bàn quận với các đối tượng ở các quận, huyện khác trong thành phố hoặc các tỉnh khác.

Thứ sáu, về tội phạm ẩn, vẫn chiếm tỉ phần cao nhất định ở một số tội, đặc biệt là những tội chưa thấy xuất hiện trong THTP hiện nay ở quận Ngũ Hành Sơn.

3.2. Hoàn thiện các biện pháp phòng ngừa tội phạm trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn

3.2.1. Các biện pháp ngăn chặn tội phạm

a. Những giải pháp không cho tội phạm xảy ra

Xây dựng và thực hiện cơ chế phát huy sức mạnh tổng hợp của toàn bộ hệ thống chính trị của quận, đẩy mạnh phong trào cách mạng của toàn dân, nâng cao trách nhiệm, vai trò chủ động của các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội và các tầng lớp nhân dân tham gia ngăn chặn các loại tội phạm, tệ nạn xã hội. Vai trò chủ chốt là Quận ủy Ủy ban nhân dân, vai trò đặc biệt là các cơ quan bảo vệ pháp luật như: Công an, Viện kiểm sát, TAND và các cơ quan hữu quan khác.

b. Những giải pháp ngăn chặn tội phạm đang xảy ra

Trong thực tế phát sinh tội phạm ở mỗi hành vi phạm tội là khác nhau, có những hành vi phạm tội bột phát, nhưng cũng có những tội phạm xảy ra mà hành vi phạm tội được xác định rõ có ba giai đoạn là động cơ hóa, kế hoạch hóa và hiện thực hóa hành vi phạm tội.

c. Những giải pháp ngăn chặn tái phạm

Tội phạm phải được phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh theo đúng pháp luật, đảm bảo công tác thi hành án có hiệu quả, làm cho nhận thức của người phạm tội chuyển hóa tích cực, đó là biện pháp hữu hiệu để ngăn chặn không cho tái phạm. Tăng cường quản lý những đối tượng có tiền án, tiền sự, côn đồ, hung hãn trên địa bàn, triển khai các nội dung giáo dục những đối tượng này một cách cụ thể, có hiệu quả nhằm ngăn chặn các đối tượng này tái phạm hoặc kết lập băng ổ nhóm tội phạm.

3.2.2. Các biện pháp loại trừ tội phạm

a. Những biện pháp về mặt chính trị

Việc tiếp tục duy trì sự ổn định chính trị luôn là mục tiêu hàng đầu và được ưu tiên thực hiện nhằm xây dựng tốt mối quan hệ giữa các giai cấp, dân tộc, tôn giáo trong xã hội, tạo môi trường lành mạnh để xây dựng đất nước.

b. Những biện pháp về mặt kinh tế

Từ thực tiễn đã chỉ ra rằng, vấn đề quan trọng nhất đối với công tác phòng ngừa tội phạm là không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, vì vậy tất cả những biện pháp nhằm phát triển kinh tế, giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo trong nhân dân được Đảng, Nhà nước tiến hành đều là những biện pháp quyết định để giải quyết vấn đề tội phạm trong xã hội. Ngược lại, những sai lầm trong chủ trương, chính sách phát triển kinh tế xã hội của Đảng, Nhà nước cũng sẽ gây ra hậu quả tiêu cực đối với đời sống xã hội, làm cho tình hình tội phạm diễn biến xấu hơn.

c. Những biện pháp về mặt pháp luật

Pháp luật, với vai trò điều chỉnh hành vi, điều chỉnh quan hệ xã hội do vậy nó có ý nghĩa quyết định đối với công tác phòng ngừa tội phạm. Để pháp luật thực thi và giữ vững được vai trò phòng ngừa tội phạm đòi hỏi nó phải đi trước một bước, mang tính dự liệu và hoạch định tốt để hoàn thành chức năng phòng ngừa của pháp luật.

d. Những biện pháp về mặt văn hóa – giáo dục

Ngày nay, văn hóa được xác định là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự phát triển. Đảng ta chủ trương xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiên, đậm đà bản sắc dân tộc…

Từ những viện dẫn trên khẳng định văn hóa, giáo dục luôn là một trong những biện pháp phòng ngừa tội phạm hiệu quả, mang tính lâu dài.

e. Những biện pháp về mặt tổ chức – quản lý

Nhà nước quản lý xã hội thông qua các cơ quan đại diện của mình trong các lĩnh vực. Nhà nước quản lý xã hội càng chặt chẽ, khoa học, công bằng thì hạn chế các mâu thuẩn trong xã hội và nếu có mâu thuẩn trong xã hội xã ra thì phát hiện và can thiệp kịp thời. Chính vì vậy cần quy định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan tư pháp hình sự cũng như có cơ chế giám sát các cơ quan đó.

f. Những biện pháp dân sự – xã hội

Nếu các biện pháp chính trị – kinh tế – pháp luật – văn hóa – giáo dục có chức năng loại trừ tội phạm thì biện pháp về mặt dân sự – xã hội mà cơ sở của nó phải là sự thỏa mãn một cách tốt nhất những nhu cầu của con người, những nhu cầu cần thiết, chính đáng, phổ biến, được xã hội thừa nhận và pháp luật ghi nhận. Nói cách khác, thực hiện đầy đủ, đồng bộ và tốt nhất các quyền con người chính là một hệ thống các biện pháp loại trừ tội phạm khỏi đời sống xã hội một cách hiệu quả nhất, sâu sắc nhất.

 

KẾT LUẬN

Phòng ngừa tội phạm là trách nhiệm chung của toàn xã hội; là mục tiêu quan trọng nhất trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm của Đảng và Nhà nước ta. Tuy nhiên tội phạm và THTP trên địa bàn quận NHS – TP. Đà Nẵng trong thời gian tới. Đây vừa là những giải pháp mang tính tính chung nhất, đồng thời luận văn cũng đề xuất những giải pháp phòng ngừa THTP mang tính đặc thù của địa phương, từ đó tác giả mong muốn đề tài sẽ được áp dụng trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn-TP Đà Nẵng.

Luận văn được tác giải nghiên cứu nghiêm túc, có sự giúp đỡ của giảng viên Học viện khoa học xã hội – Viện Hàn lâm khoa học Việt Nam, của người hướng dẫn khoa học.

Trong quá trình nghiên cứu làm luận văn không tránh khỏi những khuyết điểm, hạn chế nhất nên tác giả rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến chân thành từ phía các nhà khoa học để luận văn được hoàn thiện hơn.

 

LIỆN HỆ:

SĐT+ZALO: 0935568275

E:\DỮ LIỆU COP CỦA CHỊ YẾN\LUAN VAN VIEN HAN LAM\LUAT HINH SU DOT 2\TOI PHAM HOC\LE TUAN HA\SAU BAO VE

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *