Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo pháp luật hình sự VN

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo pháp luật hình sự Việt Nam từ thực tiễn thành phố Đà Nẵng

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo pháp luật hình sự Việt Nam từ thực tiễn thành phố Đà Nẵng

1. Tính cấp thiết của đề tài

Trong xu hướng hội nhập và phát triển kinh tế quốc tế, đất nước ta đã đạt được nhiều thành quả trên nhiều lĩnh vực về khoa học công nghệ, kinh tế xã hội có bước phát triển nhanh và mạnh, kéo theo sự thay đổi về mọi mặt trong đời sống xã hội, đưa đất nước ta vào nhóm các nước có tốc độ phát triển kinh tế cao. Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, cũng phát sinh nhiều vấn đề xã hội, tình hình tội phạm có diễn biến phức tạp về tính chất và mức độ phạm tội, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Trong đó, có tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đây là một trong những tội xâm phạm sở hữu có diễn biến phức tạp, xảy ra thường xuyên và ngày càng gia tăng với nhiều thủ đoạn khác nhau, từ chủ thể thực hiện tội phạm đến các đối tượng bị xâm hại đều rất đa dạng, tài sản bị chiếm đoạt có giá trị lên đến hàng tỷ đồng, diễn ra ở nhiều địa phương khác nhau, đặc biệt là các địa phương có tốc độ phát triển hội nhập càng cao thì tình hình tội phạm càng phức tạp, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển kinh tế – xã hội, an ninh trật tự của đất nước.

Thành phố Đà Nẵng là một cửa ngõ quốc tế, là trung tâm văn hóa, chính trị và là trung tâm kinh tế của của khu vực miền Trung, Tây Nguyên với nhiều năm liền là quán quân năng lực cạnh tranh thu hút đầu tư cả nước. Với sự phát triển kinh tế, kéo theo là tình hình lao động nhập cư tăng đột biến trong thời gian qua, làm cho tình hình an ninh trật tự xã hội bị tác động lớn, tình hình tội phạm nhóm xâm phạm sở hữu nói chung, đặc biệt là tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nói riêng tại thành phố Đà Nẵng ngày càng gia tăng cả về số vụ và mức độ hành vi cũng như giá trị tài sản.

Trong giai đoạn từ năm 2010 đến năm 2014 thành phố Đà Nẵng đã khởi tố và đưa ra xét xử hơn 200 bị cáo về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, với xu hướng năm sau cao hơn năm trước, và tính chất mức độ nguy hiểm ngày càng cao, tác động tiêu cực trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội đòi họi cần thiết phải có một nghiên cứu đánh giá nhằm nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm. Việc nghiên cứu tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới một góc nhìn từ thực tiễn tại một địa phương nhất định không chỉ có ý nghĩa quan trọng về mặt lý luận mà còn có ý nghĩa thực tiễn áp dụng của công tác định tội danh và quyết định hình phạt, hiệu quả phòng chống tội phạm và hoàn thiện hơn chế định này trong BLHS Việt Nam. Chính vì vậy, tác giả đã lựa chọn đề tài: “Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo pháp luật hình sự Việt Nam từ thực tiễn thành phố Đà Nẵng” để nghiên cứu làm đề tài luận văn của mình.

2. Tình hình nghiên cứu

3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

3.1. Mục đích nghiên cứu

Làm rõ các dấu hiệu pháp lý của tội LĐCĐTS theo quy định của BLHS, những vấn đề chung về định tội danh và quyết định hình phạt, đánh giá hoạt động định tội danh và quyết định hình phạt của cơ quan tiến hành tố tụng từ thực tiễn xét xử tại thành phố Đà Nẵng nhằm phát hiện và kiến nghị giải pháp nhằm khắc phục những hạn chế, nâng cao hiệu quả trong hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm.

3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

Để đạt được mục đích trên, tác giả đặt ra các nhiệm vụ sau đây:

Nêu và phân tích lịch sử hình thành và phát triển của các quy phạm pháp luật Hình sự Việt Nam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; Nêu và phân tích rõ khái niệm và các dấu hiệu pháp lý của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo pháp luật hình sự Việt Nam; các dấu hiệu định khung; phân biệt tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với một số tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt khác.

Nêu và phân tích những vấn đề lý luận về định tội danh và đánh giá hoạt động định tội danh đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ thực tiễn thành phố Đà Nẵng trong năm năm qua (từ năm 2010 đến năm 2014), những kiến nghị đề xuất.

Nêu và phân tích những vấn đề chung về quyết định hình phạt và đánh giá hoạt động quyết định hình phạt đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ thực tiễn thành phố Đà Nẵng trong 5 năm qua (từ năm 2010 đến năm 2014). Bên cạnh đó, tác giả cũng đưa một số hạn chế cũng như nguyên nhân của những hạn chế và các giải pháp khắc phục trong hoạt động quyết định hình phạt đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại thành phố Đà Nẵng.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

4.1. Đối tượng nghiên cứu

Luận văn nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn hoạt động định tội danh, quyết định hình phạt của các cơ quan tiến hành tố tụng đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại địa bàn thành phố Đà Nẵng.

4.2. Phạm vi nghiên cứu

Luận văn nghiên cứu tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới góc độ luật hình sự và tố tụng hình sự trong phạm vi tại địa bàn thành phố Đà Nẵng và trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến năm 2014.

5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu

5.1. Phương pháp luận

Luận văn được nghiên cứu dựa trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật; các quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về tăng cường pháp chế trong đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm xâm phạm quyền sở hữu, Quan điểm của Đảng về xây dự nhà nước pháp quyền, Quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp theo tinh thần Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị và Kết luận số 79-KL/TW ngày 28/7/2010 của Bộ Chính trị; những quan điểm trên được cụ thể hóa trong Hiến pháp 2013.

5.2. Phương pháp nghiên cứu

Dựa trên cơ sở chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử trong triết học Mác – Lê Nin, phương pháp nghiên cứu của khoa học luật hình sự, cụ thể như: Phương pháp tổng hợp, phương pháp thống kê, phương pháp lịch sử và hệ thống, phương pháp phân tích,… Tác giả đã sử dụng các phương pháp một cách linh hoạt, đan xen lẫn nhau để đạt được kết quả nghiên cứu cao nhất.

6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của đề tài

6.1. Về mặt lý luận:

Đề tài này nghiên cứu một cách toàn diện, sâu sắc với cái nhìn tổng quan nhất, đặt trong mối quan hệ biện chứng các vấn đề lý luận góp phần làm phong phú thêm lý luận nhận thức về các dấu hiệu pháp lý của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, làm tài liệu tham khảo và làm nền tảng cho các nghiên cứu sâu hơn trong tương lai.

6.2. Về mặt thực tiễn:

Đề tài này được nghiên cứu và đánh giá một cách khách quan, toàn diện qua thực tiễn hoạt động định tội danh và quyết định hình phạt của Cơ quan tiến hành tố tụng đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại địa bàn thành phố Đà Nẵng. Kết quả nghiên cứu là một sự đánh giá về thực trạng, các vấn đề tích cực cần phát huy và qua nghiên cứu phát hiện những hạn chế, tìm hiểu nguyên nhân và kiến nghị các giải pháp khắc phục nhằm góp phần nâng cao chất lượng của hoạt động tố tụng, đảm bảo các nguyên tắc cơ bản của Luật hình sự, mục đích của hình phạt; nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm.

7. Kết cấu của luận văn: Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, luận văn được cấu trúc thành 3 chương::

Chương 1: Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo pháp Luật hình sự Việt Nam.

Chương 2: Thực tiễn định tội danh tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại thành phố Đà Nẵng từ năm 2010 đến năm 2014.

Chương 3: Thực tiễn quyết định hình phạt đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại thành phố Đà Nẵng từ năm 2010 đến năm 2014.

Chương 1

TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN

THEO PHÁP LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM

1.1. Lịch sử hình thành và phát triển của các quy phạm pháp luật hình sự Việt Nam về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1.1.1. Giai đoạn từ năm 1945 đến trước năm 1985

Sau cách mạng tháng Tám thành công, Nhà nước ta đã ban hành những văn bản pháp luật hình sự quy định việc trừng trị các tội xâm phạm XHCN như:

– Sắc lệnh số 26-SL ngày 25.02.1946 về tội phá hoại công sản;

– Sắc lệnh số 223-SL ngày 27.11.1946 về tội biển thủ tiền công.

Đến năm 1970 đã ban hành Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản XHCN, Pháp lệnh trừng trị các tội xâm phạm tài sản riêng của công dân nước VNDCCH, cả hai pháp lệnh đều thể hiện được kỹ thuật lập pháp, đã hoàn chỉnh CTTP về tội LĐCĐTS với các khung hình phạt tương ứng với tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm, khung tăng nặng. Về trách nhiệm pháp lý thì vẫn có sự khác biệt về trách nhiệm khi xâm phạm tài sản XHCN và Công dân.

Năm 1976, Hội đồng Chính phủ cách mạng Lâm thời đã ban hành Sắc luật số 03-SL/76 ngày 15/3/1976. Trong đó tại Điều 4 quy định về Tội xâm phạm đến tài sản công cộng như sau: “Tài sản công cộng bao gồm tài sản của Nhà nước và của Hợp tác xã, của các tổ chức xã hội và của tập thể nhân dân.

Như vậy, đến thời điểm tháng 3/1976 đất nước ta áp dụng tới 3 văn bản khách nhau về xử lý hành vi lừa đảo.

1.1.2. Giai đoạn từ năm 1985 đến trước năm 1999

Ngày 09.7.1985, Bộ luật hình sự 1985 được ban hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 01.01.1986 quy định về tội lừa đảo chiếm doạt tài sản cũng chia làm 2 bao gồm lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN và lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Công dân. Về trách nhiệm pháp lý bỏ hình phạt tử hình trong tội LĐCĐTS XHCN và tăng mức hình phạt trong tội LĐCĐTS công dân. Năm 1990 đã sửa đổi bổ sung tình tiết “Có tổ chức hoặc có tính chất chuyên nghiệp”, đến năm 1991, sửa đổi bổ sung hình phạt tử hình vào khoản 3 Điều 134, Điều 157. Năm 1993 bổ sung thêm tình tiết định khung tăng nặng là: “Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức” và “gây hậu quả nghiêm trọng”. Năm 1997, sửa đổi bổ sung Điều 134a, Tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

1.1.3. Giai đoạn từ năm 1999 đến nay

BLHS số 15/1999/QH10 (BLHS 1999) đã được thông qua tại kỳ họp thứ VI, Quốc hội Việt Nam Khoá 10, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2000. Theo đó, tội LĐCĐTS được nhập từ 3 điều luật cũ vào một điều luật mới là điều 139. Điều luật được xây dựng các khung hình phạt theo giá trị tài sản xâm hại. Đến năm 2009 sửa lại mức giá trị và bỏ hình phạt tử hình.

1.2. Khái niệm và các dấu hiệu pháp lý của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo pháp luật hình sự Việt Nam

1.2.1. Khái niệm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Tội LĐCĐTS là một trong những tội XPSH, thủ đoạn là dùng hành vi gian dối, đưa ra thông tin sai sự thật để người khác tin và tự nguyện giao tài sản cho nhằm chiếm đoạt tài sản đó ngay khi nhận được nó.

Về cấu thành tội phạm phải có đủ 4 yếu tố gồm : Khách thể của tội phạm; mặt khách quan của tội phạm; chủ thể của tội phạm và mặt chủ quan của tội phạm. Đây là các dấu hiệu pháp lý bắt buộc phải có đủ trong CTTP, nếu thiếu một trong các dấu hiệu này thì không cấu thành tội phạm.

1.2.2. Khách thể của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Khách thể của tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là quan hệ sở hữu. Hành vi gây thiệt hại cho các quan hệ sở hữu là hành vi xâm phạm đến các quyền: quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền định đoạt tài sản của chủ sở hữu.

1.2.3. Mặt khách quan của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Mặt khách quan của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản, nó được tạo thành bởi hai hành vi đó là hành vi gian dối và hành vi chiếm đoạt. Tội phạm bằng cách đưa ra hành vi gian dối làm cho chủ sở hữu hoặc người quản lý tải sản tin đó là thật và tự nguyện giao tài sản, và kẻ phạm tội thực hiện chiếm đoạt tài sản đó.

1.2.4. Chủ thể của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Chủ thể của tội LĐCĐTS là người có năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi luật hình sự quy định – là người từ đủ 14 tuổi trở lên, có năng lực TNHS và đã thực hiện hành vi LĐCĐTS được quy định tại Điều 139 BLHS.

1.2.5. Mặt chủ quan của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Mặt chủ quan của tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản được thực hiện do lỗi cố ý trực tiếp, mục đích của người phạm tội là mong muốn chiếm đoạt được tài sản bằng thủ đoạn gian dối, người phạm tội biết hành vi của mình nguy hiểm cho xã hội nhưng vẫn cố ý thực hiện.

1.3. Các dấu hiệu định khung tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định BLHS

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản quy định tại Điều 139 BLHS, được xây dựng bốn khung hình phạt sắp xếp theo trình tự tăng dần về độ nghiêm khắc.

1.3.1 Khung hình phạt cơ bản

Khoản 1 Điều 139 BLHS, quy định chế tài lựa chọn là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc bị phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm khi thoả mãn một trong hai dấu hiệu sau: Thứ nhất, chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng. Thứ hai, chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản chưa được xoá án tích mà còn vi phạm.

1.3.2 Khung tăng nặng thứ nhất (khoản 2)

Khoản 2 Điều 139 BLHS, quy định chế tài lựa chọn từ 02 đến 07 năm tù khi thoản mãn một hoặc nhiều dấu hiệu : “Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Tái phạm nguy hiểm; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; Dùng thủ đoạn xảo quyệt; Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng; Gây hậu quả nghiêm trọng” [4].

1.3.3 Khung tăng nặng thứ hai (khoản 3)

Khoản 3 Điều 139 BLHS quy định chế tài lựa chọn từ 7 năm đến 15 năm tù khi thỏa mãn một trong các dấu hiệu : “Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; Gây hậu quả rất nghiêm trọng” [4].

1.3.4 Khung tăng nặng thứ ba (khoản 4)

Khoản 4 Điều 139 BLHS quy định chế tài lựa chọn từ 12 năm đến 20 hoặc tù chung thân, khi thỏa mãn một hoặc nhiều dấu hiệu : “Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng” [4].

1.4. Phân biệt tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với một số tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt khác

1.4.1. Phân biệt tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tội cướp giật tài sản

Cướp giật tài sản là hành vi nhanh chóng giật lấy tài sản của người khác một cách công khai rồi tìm cách tẩu thoát. Giống với tội lừa đảo về yếu tố lỗi, cả hai đều là lỗi cố ý trực tiếp; tội phạm đều do chủ thể thường, có năng lực TNHS và đạt độ tuổi luật định thực hiện. Tuy nhiên, giữa hai tội có nhiều mặt khác nhau Về khách thể , về mặt khách quan, về dấu hiệu hậu quả trong tội lừa đảo là bắt buộc, khắc cướp giật.

1.4.2. Phân biệt tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với tội trộm cắp tài sản

Trộm cắp tài sản là hành vi lén lút lấy tài sản của chủ sở hữu hoặc người có trách nhiệm quản lý tài sản mà không dùng vũ lực hoặc đe doạ dùng vũ lực hoặc bất cứ một thủ đoạn nào khác.

Cũng giống tội trộm cắp, tội LĐCĐTS đều xâm phạm khách thể là quyền sở hữu tài sản và mục đích của hành vi là chiếm đoạt tài sản.

Điểm khác nhau cơ bản của hai tội này chúng ta có thể thấy đó là về hành vi khách quan: Trộm cắp tài sản là chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn lén lút còn lừa đảo chiếm đoạt tài sản là chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn gian dối.

1.4.3. Phân biệt Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó, hoặc sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản.

So với tội LĐCĐTS thì cả hai tội có các yếu tố khách thể, mặt chủ quan, chủ thể của tội phạm là cơ bản giống nhau, chỉ khác nhau ở mặt khách quan tội Lạm dụng tiến nhiệm chiếm đoạt tài sản ban đầu người phạm tội chưa có ý định chiếm đoạt tài sản, việc ký kết hợp đồng chỉ nhằm mục đích vay, mượn, thuê… được tài sản. Người phạm tội nhận tài sản một cách ngay thẳng, hợp pháp thông qua hợp đồng đã ký trước đó và trong khi nhận tài sản không có ý thức chiếm đoạt tài sản. Do đó, việc ký kết hợp đồng hay nhận tài sản từ hợp đồng đã ký không bị coi là hành vi phạm tội. Chỉ sau đó, khi đến thời hạn nhất định hoặc thời hạn phải trả lại tài sản người phạm tội mới có ý định không trả lại hoặc sử dụng tài sản vào những mục đích bất hợp pháp dẫn đến mất khả năng chi trả hoặc bỏ trốn,… nhằm chiếm đoạt tài sản. Như vậy, mục đích chiếm đoạt nảy sinh sau khi đã nhận được tài sản trên cơ sở hợp đồng.

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo pháp luật hình sự Việt Nam từ thực tiễn thành phố Đà Nẵng
Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo pháp luật hình sự Việt Nam từ thực tiễn thành phố Đà Nẵng

Chương 2

THỰC TIỄN ĐỊNH TỘI DANH TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN TẠI THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

2.1. Khái quát tình hình tội phạm nói chung và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn thành phố Đà Nẵng từ năm 2010 đến năm 2014

Thành phố Đà Nẵng gồm 6 quận là Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, Liên Chiểu và 02 huyện (huyện đảo Hoàng Sa và Hoà Vang, với tổng diện tích 1.283,42km2.

Năm 2010 đã khởi tố 589 vụ, 991 bị can. Trong đó: nhóm tội XPSH là 321 vụ, 521 bị can, có 21 vụ, 40 bị can phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong số bị can bị khởi tối vì phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản của năm 2010, có 05 bị can là nữ.

Năm 2011 khởi tố tăng 80 vụ (669 vụ/589 vụ) và tăng 238 bị can (1221 /981). Trong đó, nhóm tội xâm phạm sở hữu đã khởi tố 342 vụ/600 bị can (tăng 22 vụ, và 79 bị can so với năm 2010) trong đó, Lừa đảo chiếm đoạt tài sản 26 vụ/47 bị can.

Năm 2012 số vụ án và tội phạm có chiều hướng gia tăng, số mới khởi tố là 669 vụ/1219 bị can, tăng 64 vụ /92 bị can so với cùng kỳ năm 2011. Trong đó, nhóm tội xâm phạm sở hữu đã khởi tố 368 vụ/ 552 bị can (tăng 22 vụ, và 79 bị can so với năm 2011) trong đó Lừa đảo chiếm đoạt tài sản 55 vụ/63 bị can, có 03 bị can là người nước ngoài phạm tội lừa đảo.

Năm 2013 tình hình tội phạm nói chung trên đia bàn có xu hướng giảm về số vụ, cụ thể khởi tố giảm 46 vụ /102 bị can so với cùng kỳ năm 2012 (687 vụ/1209 bị can so với 2011 là 733vụ/1311 bị can). Tội phạm xâm phạm sở hữu đã khởi tố 363 vụ/ 536 bị can (giảm 05 vụ và 16 bị can so với năm 2012), trong đó Lừa đảo chiếm đoạt tài sản 44 vụ/50 bị can.

Năm 2014 số vụ án mới đã khởi tố tăng 44 vụ nhưng giảm 20 bị can so với cùng kỳ năm 2013 (731vụ/1189 bị can so với 687 vụ/1209 bị can). Tội phạm xâm phạm sở hữu đã khởi tố 388 vụ/ 551 bị can (tăng 25 vụ và 15 bị can so với năm 2013) trong đó Lừa đảo chiếm đoạt tài sản 53 vụ/68 bị can.

Qua số liệu thống kê cho ta thấy số lượng các vụ án phát sinh có xu hướng tăng, năm sau cao hơn năm trước, đặc biệt số bị cáo trong các vụ án cũng có xu hướng tăng, phản ánh tình hình tội phạm diển biến rất phức tạp, và tính nguy hiểm ngày càng cao hơn thể hiện số lượng bị cáo cũng tăng.

Trong cơ cấu các nhóm tội phạm, thì nhóm tội xâm phạm sở hữu luôn chiếm số lượng lớn, cá biệt như năm 2014 chiếm tỷ trọng tới 53,1% so với tổng số các vụ án. Đây là số liệu phản ánh một thực trạng rất nguy hiểm về tình hình tội phạm đặt trong mối quan hệ với các nhóm tội khác có xu hướng giảm. Việc tìm giải pháp đấu tranh để tăng hiệu quả phòng chống tội phạm trong nhóm này là vô cùng cấp thiết.

2.2. Thực tiễn định tội danh tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo cấu thành tội phạm cơ bản (khoản 1 Điều 139 BLHS)

Định tội danh theo khách thể của tội phạm: Khách thể của tội phạm là một phần không thể thiếu trong bất kỳ một tội phạm nào. nó luôn bao gồm khách thể chung và khách thể trực tiếp. Khách thể chung giúp ta xác định một người thực hiện hành vi có bị xem là hành vi phạm tội hay không, và dựa vào đó cơ quan tiến hành tố tụng xác định khách thể trực tiếp bị xâm hại. Khách thể của Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản chính là quyền sở hữu tài sản.

Định tội danh theo mặt khách quan của tội phạm: Mặt khách quan của tội phạm bao gồm: Hành vi phạm tội, hậu quả nguy hại và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội và hậu quả xảy ra. Ngoài ra, còn có một số dấu hiệu khác cũng đặc trưng cho mặt khách quan của tội phạm đó là hoàn cảnh, thời gian, công cụ, phương tiện phạm tội. do bản chất mặt khách quan của tội phạm là mặt bên ngoài thể hiện dưới dạng hành vi phạm tội cụ thể, do một cá nhân cụ thể thực hiện và được quy định bởi Hình sự. Tất cả tính chất và mức độ nguy hiểm của tội phạm đề thể hiện thông qua mặt khách quan, nó là yếu tố quyết định đến hậu quả của tội phạm.

Định tội danh theo chủ thể của tội phạm: Các dấu hiệu pháp lý hình sự của tội phạm được xem xét trong quá trình định tội danh không nhiều, đó là: Năng lực trách nhiệm hình sự, lứa tuổi, chủ thể đặc biệt.

Định tội danh theo mặt chủ quan của tội phạm: Mặt chủ quan của tội phạm bao gồm: Lỗi, động cơ và mục đích phạm tội. Mặt chủ quan phản ánh mối liên hệ giữa ý thức và ý chí của người phạm tội đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội mà người đó thực hiện.

Như vậy, chúng ta thấy rằng, một người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại khoản 1 điều 139 phải có yếu tố cơ bản đó chính là hành vi gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản và một trong các yếu tố sau đây:

Tài sản chiếm đoạt có giá trị từ hai mươi triệu đến dưới năm mươi triệu,

Tài sản chiếm đoạt dưới hai triệu nhưng gây hậu quả nghiêm trọng,

Tài sản chiếm đoạt dưới hai triệu nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt.

Trường hợp lừa đảo chiếm đoạt tài sản có giá trị dưới hai triệu đồng nhưng đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm

Về chủ thể, bị cáo Hữu đã thỏa mãn các dấu hiệu về mặt chủ thể theo BLHS quy định như: đạt độ tuổi nhất định và có năng lực TNHS;

Về mặt khách quan, Phan Thanh Hữu đã có thủ đoạn gian dối làm vé xe giả nhằm đánh lừa Ông Hà Văn Thanh Việt để Việt tin đó là vé thật và cho Hữu lấy chiếc xe ra khỏi bãi giữ xe do Việt trông giữ, nhằm chiếm đoạt chiếc xe đó.

Về mặt chủ quan, Hữu đã nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xảy ra theo khoản 1 điều 9 BLHS, đó là lỗi cố ý trực tiếp.

2.3. Thực tiễn định tội danh tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo cấu thành tội phạm tăng nặng

2.3.1. Định tội danh tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 2 Điều 139 BLHS

Về việc định tôi danh theo Khoản 2 Điều 139 BLHS, đây hành vi có tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội cao hơn khoản 1 và mức độ hậu quả cũng lớn hơn. Vì vậy, ngoài những yếu tố CTTP cơ bản ở khoản 1 thì để định tội danh theo khoản 2 Điều 139 bắt buộc hành vi của bị cáo phải có một trong những yếu tố : Có tổ chức hoặc có tính chất chuyên nghiệp hoặc tái phạm nguy hiểm hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt hoặc chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng hoặc gây hậu quả nghiêm trọng.

Ví dụ: Trần Cảnh Toàn đã lừa đảo chiếm đoạt tổng cộng 160 triệu đồng, Toàn bỏ trốn ra Hà Nội, khi biết tin công an truy bắt Toàn về đầu thú và nộp 28 triệu khắc phục hậu quả. Trong quá trình điều tra, Cơ quan điều tra còn thu thập được từ phía Trần Cảnh Toàn hai giấy tờ trong đó có 1 tờ giấy với nội dung Trần Cảnh Toàn có vay có bà Phạm Thị Nguyện số tiền 20tr đồng và một tờ giấy nội dung Trần Cảnh Toàn có vay của Ông Trần Quyết Thắng số tiề 60tr đồng. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng nhận định “có dấu hiệu của tội làm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và vụ việc phát sinh trên địa bàn quận Hải Châu, Đà Nẵng nên đã làm công văn chuyển kèm hồ sơ vụ án cho Cơ quan Công an Quận Hải Châu.

Toàn sinh năm 1980 tại Hà Tĩnh, đã bị TAND huyện Vũ Quang, tỉnh Hà Tĩnh xử phạt 42 tháng tù trong đó có 36 tháng tù về tội “lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và 06 tháng tù về tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Bản án số 22/2014/HSST ngày 22/7/2014 Toà án nhân dân Q. Ngũ Hành Sơn tuyên bố Bị cáo Trần Cảnh Toàn phạm tội ” Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Áp dụng điểm c khoản 2 điều 139; điểm g khoản 1 điều 48; điểm b,p khoản 1 điều 46 BLHS, xử phạt bị cáo Toàn 4 năm 6 tháng tù, thời hạn từ ngày 25/4/2014.

2.3.2. Định tội danh tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 3, khoản 4 Điều 139 BLHS

Định tội theo khoản 3 Điều 139 BLHS thuộc một trong các trường hợp sau đây: “Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng; Gây hậu quả rất nghiêm trọng”.

Định tội danh theo khoản 4 Điều 139 BLHS thuộc một trong các trường hợp: “Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên; Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng”.

Trên thực tế tại thành phố Đà Nẵng, kết quả xét xử phúc thẩm các vụ án liên quan đến tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản từ năm 2010 đến năm 2014, không có vụ án nào bị kháng nghị thay đổi tội danh mà Tòa án cấp sơ thẩm đã quyết định.

Trong nhóm tội xâm phạm sở hữu thì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại thành phố Đà Nẵng có số vụ và bị cáo cao hơn so với các tội khác trong cùng nhóm và chỉ thấp hơn so với tội trộm cắp tài sản. Song, trong thời gian qua tại thành phố Đà Nẵng không có tình trạng định tội danh sai hoặc bỏ lọt tội phạm. Các bản án về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có kháng cáo phần lớn là xin giảm nhẹ hình phạt. Hoạt động định tội danh tại thành phố Đà Nẵng được các cơ quan THTT thực hiện một cách nghiêm túc, đúng luật.

Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo pháp luật hình sự Việt Nam từ thực tiễn thành phố Đà Nẵng
Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo pháp luật hình sự Việt Nam từ thực tiễn thành phố Đà Nẵng

Chương 3

THỰC TIỄN QUYẾT ĐỊNH HÌNH PHẠT ĐỐI VỚI TỘI LỪA ĐẢO CHIẾM ĐOẠT TÀI SẢN TẠI THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

3.1 Thực tiễn quyết định hình phạt theo điều 139 BLHS

Quyết định hình phạt là một giai đoạn, một nội dung của áp dụng pháp luật hình sự thể hiện ở việc Tòa án lựa chọn loại và mức hình phạt cụ thể được quy định trong điều luật (khoản điều luật) theo một thủ tục nhất định để áp dụng đối với người phạm tội thể hiện trong bản án buộc tội. Theo đó, quyết định hình phạt đối với người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hoạt động của Toà Án lựa chọn hình phạt đối với người phạm tội, dựa trên các nguyên tắc cơ bản của BLHS, quy định cụ thể của bộ luật hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại điều 139 BLHS, sau khi đã cân nhắc tính chất mức độ nguy hiểm do hành vi nguy hiểm của người phạm tội gây ra, cân nhắc yếu tố nhân thân người phạm tội, các tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Trong 5 năm qua (2010-2014), thành phố Đà Nẵng đã giải quyết tổng cộng 3.536 vụ/6.255 bị cáo. Trong đó, có 1.782 vụ/2.760 bị cáo phạm nhóm tội xâm phạm sở hữu và 200 vụ/268 bị cáo phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, số lớn các vụ án và bị cáo bị xét xử và quyết định theo khung hình phạt cơ bản.

Điều 139 BLHS đã chia thành bốn khung hình phạt dựa trên giá trị tài sản bị chiếm đoạt :

Khung 1 – Chiếm đoạt tài sản từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng;

Khung 2 – Chiếm đoạt tài sản từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng;

Khung 3 – Chiếm đoạt tài sản từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng;

Khung 4 – Chiếm đoạt tài sản từ 500 triệu đồng trở lên.

3.1.1 Quyết định hình phạt đối với người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 1 Điều 139 BLHS

Thực tế xét xử tại thành phố Đà Nẵng, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản số bị cáo bị kết án tại khoản 1 trong 5 năm từ năm 2010 đến năm 2014 là 268 bị cáo, chiếm tỷ lệ 67,2%, mức hình phạt áp dụng theo khoản này chủ yếu là từ 6 tháng đến 3 năm tù, một số ít được hưởng án treo.

Ví dụ 1: Tại bản án số 33/2013/HSST ngày 23/7/2013 Toà Án nhân dân Quận Ngũ Hành Sơn tuyên bố bị cáo Nhân phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, áp dụng khoản 1 điều 139. điểm h,p khoản 1, khoản 2 điều 46 xử phạt Nguyễn Nhân 9 tháng tù kể từ ngày bắt tạm giam thi hành án.

Ví dụ 2: Tại bản án số 01/2012/HSST ngày 15/02/2012 của Toà án nhân dân quận Ngũ Hành Sơn đã quyết định áp dụng khoản 1 Điều 139; điểm b, h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46 BLHS. xử phạt Nguyễn Hữu Minh 15 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt giam thi hành án.

Ngày 21/02/2012, Nguyễn Hữu Minh có đơn kháng cáo xin đựơc hưởng án treo.

Ngày 18/4/2012, Toà án nhân dân thành phố Đà Nẵng đã mở phiên toà xét xử phúc thẩm và quyết định chấp nhận kháng cáo của bị cáo Nguyễn Hữu Minh, sửa án sơ thẩm, áp dụng khoản 1 Điều 139; điểm b, h, p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 60 BLHS, xử phạt Nguyễn Hữu Minh 15 tháng tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” nhưng cho hưởng án treo, thời gian thử thách là 30 tháng, tính từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Quan điểm của tác giả về vụ án trong ví dụ 2 rất cần phải xem xét đến yếu tố đồng phạm (phạm tội có tổ chức) đồng thời nếu so sánh với vụ án trong ví dụ 1 thì chúng ta thấy rất rõ các chi tiết của vụ án về tình tiết giảm nhẹ không có sự khác biệt nhưng Toà cấp phúc thẩm đã xem xét chấp nhận kháng cáo cho Bị cáo Minh hưởng án treo là chưa đủ sức răn đe và không công bằng.

3.1.2. Quyết định hình phạt đối với người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 2 Điều 139 BLHS

Khoản 2 Điều 139 BLHS quy định chế tài lựa chọn từ 2 đến 7 năm tù khi thỏa mãn một hoặc nhiều dấu hiệu sau: a) “Có tổ chức; b) Có tính chất chuyên nghiệp; c) Tái phạm nguy hiểm; d) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức; đ) Dùng thủ đoạn xảo quyệt; e) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng; g) Gây hậu quả nghiêm trọng” [4].

Thực tế xét xử tại thành phố Đà Nẵng theo số liệu thống kê của Toà Án về quyết định hình phạt đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong 05 năm 2010-2014 theo khoản 2 Điều 139 là 52 bị cáo, chiếm 18,4%.

Qua khảo sát thực tế tại thành phố Đà Nẵng, khi QĐHP Tòa án đã căn cứ vào các quy định của BLHS, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng TNHS cũng như các căn cứ pháp lý khác để đưa ra hình phạt hợp lý phù hợp với từng hành vi tội phạm.

3.1.3. Quyết định hình phạt đối với người phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 3, 4 Điều 139 BLHS

Khoản 3 Điều 139 BLHS quy định chế tài lựa chọn từ 7 đến 15 năm tù khi thoả mãn một trong các dấu hiệu sau đây: a. “Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 200 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng; b. Gây hậu quả rất nghiêm trọng”.

Trên thực tế, tại thành phố Đà Nẵng số bị cáo phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có khung hình phạt tại khoản 3 là 32 bị cáo, chiếm 10,9% , đây là số vụ án chiếm tỷ trọng thấp trong tội lừa đảo chiếm doạt tài sản.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 139 BLHS người phạm tội sẽ bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm, đây là loại tội phạm rất nghiêm trọng.

Qua khảo sát tại thành phố Đà Nẵng, khi quyết định hình phạt Toà án đã căn cứ vào quy định của BLHS, cân nhắc tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, nhân thân người phạm tội, các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng TNHS cũng như các căn cứ pháp lý khác để đưa ra hình phạt hợp lý. Một số trường hợp Toà án áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới 7 năm) nhưng không dưới 2 năm tù khi xét thấy người phạm tội có từ 2 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên quy định tại khoản 1 Điều 46 BLHS, không có tình tiết tăng nặng hoặc tuy có tình tiết tăng nặng nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, người phạm tội có nhân thân tốt, không có tiền án tiền sự, không phải là người tổ chức, đáng được khoan hồng.

3.2. Một số hạn chế trong việc quyết định hình phạt đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại thành phố Đà Nẵng

Còn một số trường hợp quyết định hình phạt chưa tương xứng với mức độ nguy hiểm của hành vi.

Còn những vụ án mà Toà bỏ qua chi tiết đồng phạm, vẫn còn tư tưởng nhận thức phạm tội có tổ chức trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản dứt khoát phải là hình thức đồng phạm phức tạp, tức là phải có sự phân công vai trò giữa những người cùng thực hiện tội phạm là chưa phù hợp.

Khi QĐHP trong trường hợp phạm tội lừa đảo tài sản có tổ chức, thường phổ biến ở các dạng: Bỏ sót hoặc vận dụng không đúng một số tình tiết tăng nặng hoặc giảm nhẹ TNHS hoặc không vận dụng đúng khoản 2 Điều 46 BLHS.

Một số Tòa án khi quyết định hình phạt cân nhắc chưa đúng nhân thân người phạm tội, điều này thường do nghiên cứu chưa kỹ hồ sơ vụ án dẫn đến bỏ sót một số tình tiết thuộc về nhân thân có ý nghĩa giảm nhẹ hoặc tăng nặng hình phạt cho bị cáo.

Cũng còn những vụ án mà Toà án đã sử dụng tính chất “mở” của các tình tiết giảm nhẹ để làm căn cứ giảm trách nhiệm hình sự khi có kháng cáo. Điều này cho thấy cấp sơ thẩm chưa xem xét thấu đáo để quyết định hình phạt, hoặc cấp phúc thẩm quá “dễ dãi” để giảm hình phạt cho người phạm tội.

3.3 Những nguyên nhân và các giải pháp khắc phục hạn chế trong việc quyết định hình phạt đối với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản tại thành phố Đà Nẵng

3.3.1 Về nguyên nhân của những hạn chế trong quyết định hình phạt

Nguyên nhân chủ quan:

Có thể do Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác, không thực hiện đúng các yêu cầu của pháp luật khi xét xử. Những nguyên nhân này xuất phát từ sự hạn chế về trình độ, chuyên môn nghiệp vụ, từ sự thiếu trách nhiệm hoặc từ sự cố tình áp dụng những quy định pháp luật không đúng hoặc không đầy đủ vì lý do chủ quan của bản thân người thực hiện.

Hoạt động xét xử còn mang nặng tính thẩm vấn, các ý kiến của Luật sư tham gia phiên toà chưa được Hội đồng xét xử xem trọng, mà thẩm phán chú trọng nhiều hơn đến nội dung có tại hồ sơ, vì vậy các tình tiết trong diễn biến phiên toà chưa được quan tâm thực sự dẫn đến hạn chế của hoạt động QĐHP.

Nguyên nhân khách quan:

Áp lực giải quyết theo tiến độ các vụ án đối với thẩm phán trong tình hình tội phạm ngày càng tăng. Việc chạy theo tiến độ trong suốt quá trình tố tụng của các cơ quan tiến hành tố tụng đã anh hưởng tới chất lượng giải quyết vụ án, kéo theo quyết định hình phạt còn hạn chế.

Đối với các vụ án có đồng phạm, do nhận thức chung về vấn đề đồng phạm còn chung chung, thiếu quy định mang tính chất phân hóa, TNHS đối với quy định về quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm nói chung và phạm tội có tổ chức; Vướng mắc trong việc xác định các giai đoạn thực hiện tội phạm của những người đồng phạm nói chung và phạm tội có tổ chức nói riêng;

Khung hình phạt quá rộng, dẫn đến việc nhìn về lý luận lập pháp thì thấy chặt chẽ nhưng bản chất lại rất tuỳ nghi, Thẩm phán xét xử có quyền quyết định mức hình phạt mặc dù vẫn nằm trong khung nhưng chênh lệch lớn về trách nhiệm, vì vậy dẫn tới việc quyết định hình phạt khi thì quá nhẹ, khi thì quá nặng.

Thẩm quyền xét xử của Tòa án trong một số trường hợp chưa được BLHS điều chỉnh chi tiết, đặc biệt trong tình huống một bị can/ bị cáo thực hiện tội phạm ở nhiều địa phương khác nhau, việc chuyển/tách vụ án vừa kéo dài thời gian, vừa tốn kém chi phí đồng thời đó là nguyên nhân dẫn đến sai sót khi quyết định khung hình phạt, mặc dù về mặt khoa học thì không hợp lý nhưng thực tiễn áp dụng thủ tục lại cũng không sai.

3.3.2. Kiến nghị các giải pháp khắc phục hạn chế trong quyết định hình phạt

Nâng cao chất lượng Thẩm phán trên cơ sở nâng cao chất lượng hoạt động xét xử, phải xem hoạt động xét xử làm trung tâm, phải thường xuyên luân chuyển cán bộ, đảm bảo đủ biên chế đáp ứng yêu cầu công tác trước mắt cũng như lâu dài, đảm bảo tính liên tục, kế thừa, tính đồng đều về chuyên môn nghiệp vụ;

Tổ chức kiểm tra, sát hạch định kỳ đội ngũ Thẩm phán về trình độ chuyên môn, phân hoá đội ngũ, làm cơ sở lập kế hoạch và tiến hành đào tạo để nâng cao chất lượng Thẩm phán.

Tăng cường công tác rèn luyện phẩm chất chính trị, bản lĩnh tư tưởng cho người Thẩm phán, để hướng đến chất lượng xét xử không bị ảnh hưởng bởi các yếu tố chủ quan cá nhân.

Tăng cường công tác quản lý cán bộ, thanh tra, kiểm tra, kiểm sát hoạt động xét xử của Thẩm phán; Tăng cường, mở rộng cơ chế giám sát của nhân dân đối với hoạt động xét xử của Toà án, phải tạo điều kiện và lắng nghe ý kiến phản biện xã hội của người dân để đảm bảo đưa pháp luật vào cuộc sống được người dân ủng hộ.

Đẩy nhanh tư tưởng chuyển hướng từ phiên toà thẩm vấn sang mô hình phiên toà tranh tụng, phải đảm bảo tất cả các tình tiết vụ án, các nội dung liên quan đến vụ án của các bên đưa ra tại phiên toà, đặc biệt là ý kiến của Luật sư góp phần làm sáng tỏ vụ án cần phải được xem trọng, làm cơ sở để đánh giá tổng quát trước khi đưa ra quyết định hình phạt đối với người phạm tội.

Rà soát và bổ sung kịp thời Thẩm phán để đáp ứng nhân sự giải quyết án phát sinh, tạo điều kiện cho Thẩm phán nghiên cứu vụ án một cách sâu sắc, toàn diện.

Nâng cao năng lực, chất lượng đội ngũ Hội thẩm nhân dân; Đổi mới quy định tiêu chuẩn tuyển chọn Hội thẩm nhân dân..

Đầu tư thoả đáng cơ sở vật chất, phương tiện làm việc của Toà án các cấp nhất là Toà án cấp huyện.

KẾT LUẬN

Trong những năm gần đây, thành phố Đà Nẵng “trái tim của miền Trung” có tốc độ phát triển kinh tế nhanh, có tầm ảnh hưởng lớn về thu hút đầu tư so với các tỉnh thành khác trong cả nước về chỉ số cạnh tranh cấp tỉnh. Cùng với sự phát triển đó kéo theo các vấn đề tội phạm ngày càng diễn biến phức tạp, gia tăng cả về số lượng và tính chất, mức độ nguy hiểm, trong đó có tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Việc nghiên cứu đề tài có ý nghĩa to lớn và cấp bách làm nền tảng cho việc áp dụng pháp luật, để phát luật phát huy hết bản chất của nó đó là nó đi ra từ cuộc sống xã hội và quay trở tại tác động tích cực lên đời sống xã hội.

Bằng việc nghiên cứu lịch sử hình thành của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản trong giai đoạn từ năm 1945 đến nay, phân tích khái niệm và các dấu hiệu pháp lý, các tình tiết định tội, định khung, của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản làm phong phú thêm các vần đề lý luận cùng với việc phân biệt tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với một số tội xâm phạm sở hữu có tính chất chiếm đoạt khác làm tài liệu tham khảo, nghiên cứu, học tập.

Bên cạnh việc nghiên cứu các vấn đề lý luận về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tác giả đi sâu phân tích những vấn đề lý luận chung về định tội danh và quyết định hình phạt về tội lừa đảo, dựa trên số liệu nghiên cứu thực tiễn hoạt động định tội danh và quyết định hình phạt trong năm năm từ 2010 đến 2014 tại thành phố Đà Nẵng, phát hiện những tích cực, hạn chế trong hoạt động này của cơ quan tiến hành tố tụng. Nghiên cứu nguyên nhân và kiến nghị các giải pháp khắc phục những hạn chế đó nhằm nâng cao chất lượng áp dụng pháp luật trên địa bàn.

Với những kiến nghị được thể hiện trong luận văn chủ yếu tập trung vào phần quyết định hình phạn, vừa phản ánh những tồn tại cần khắc phục, vừa thể hiện mong muốn đóng góp ý kiến nhằm nâng cao chất lượng hoạt động tố tụng, góp phần nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đảm bảo công bằng xã hội, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

LIỆN HỆ:

SĐT+ZALO: 0935568275

E:\DỮ LIỆU COP CỦA CHỊ YẾN\LUAN VAN VIEN HAN LAM\LUAT HINH SU DOT 2\TOI PHAM HOC\TRAN VAN TUNG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *