Địa vị pháp lý của Kiểm sát viên trong xét xử sơ thẩm vụ án hình sự

Địa vị pháp lý của Kiểm sát viên trong xét xử sơ thẩm vụ án hình sự từ thực tiễn tỉnh Quảng Ngãi

Địa vị pháp lý của Kiểm sát viên trong xét xử sơ thẩm vụ án hình sự từ thực tiễn tỉnh Quảng Ngãi

1. Tính cấp thiết của đề tài

Hiện nay theo chiến lược cải cách tư pháp yêu cầu phải tăng quyền hạn, trách nhiệm tố tụng của Kiểm sát viên để họ chủ động thực thi nhiệm vụ, nâng cao tính độc lập và chịu trách nhiệm trong hoạt động tố tụng, nâng cao chất lượng công tố của Kiểm sát viên (KSV) tại phiên tòa. Thực tiễn thực hiện BLTTHS năm 2003 trong thời gian qua ngày càng khẳng định vai trò quan trọng của KSV. Bên cạnh những kết quả tích cực đã đạt được, quá trình thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, KSV còn thể hiện những hạn chế, yếu kém cần phải đưa ra giải pháp để khắc phục trong thời gian đến.

Xuất phát từ yêu cầu phải làm rõ địa vị pháp lý của KSV để tìm ra những ưu điểm, hạn chế và đề xuất hoàn thiện địa vị pháp lý của KSV trong giai đoạn xét xử sơ thẩm vụ án hình sự. Tác giả lựa chọn đề tài: “Địa vị pháp lý của Kiểm sát viên trong xét xử sơ thẩm vụ án hình sự từ thực tiễn tỉnh Quảng Ngãi” làm luận văn thạc sỹ chuyên ngành Luật hình sự – tố tụng hình sự.

2. Tình hình nghiên cứu đề tài

3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

3.1. Mục đích nghiên cứu

Trên cơ sở làm rõ một số vấn đề lý luận về địa vị pháp lý của của Kiểm sát viên trong xét xử sơ thẩm vụ án hình sự từ thực tiễn tỉnh Quảng Ngãi, luận văn đề xuất các giải pháp hoàn thiện địa vị pháp lý của KSV trong xét xử sơ thẩm vụ án hình sự để đáp ứng yêu cầu đặt ra của tiến trình cải cách tư pháp trong giai đoạn hiện nay.

3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

– Phân tích làm rõ cơ sở lý luận về địa vị pháp lý của KSV.

– Đánh giá thực trạng địa vị pháp lý của KSV trong xét xử sơ thẩm vụ án hình sự từ thực tiễn tỉnh Quảng Ngãi.

– Đề xuất các giải pháp hoàn thiện địa vị pháp lý của KSV.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

4.1. Đối tượng nghiên cứu

Luận văn tập trung nghiên cứu những vấn đề lý luận về địa vị pháp lý của KSV trong xét xử sơ thẩm vụ án hình sự, thực trạng thực hiện quyền và nghĩa vụ của KSV trong xét xử sơ thẩm từ thực tiễn tỉnh Quảng Ngãi và những giải pháp nhằm nâng cao vai trò của KSV tại phiên tòa hình sự sơ thẩm.

4.2. Phạm vi nghiên cứu

Luận văn tập trung nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn về địa vị pháp lý của KSV trong xét xử sơ thẩm vụ án hình sự tại tỉnh Quảng Ngãi từ năm 2010 đến năm 2014.

5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu

5.1. Phương pháp luận

Phương pháp luận của Chủ nghĩa Mác-Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về nhà nước và pháp luật; các quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam về tăng cường pháp chế trong đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị và Kết luận số 79-KL/TW ngày 28/7/2010 của Bộ Chính trị. Và cơ sở lý luận về khoa học luật tố tụng hình sự Việt Nam.

5.2. Phương pháp nghiên cứu

Sử dụng phương pháp thống kê, phân tích, tổng hợp, so sánh…

6. Ý nghĩa của đề tài

Làm sâu sắc hơn lý luận về địa vị pháp lý của KSV trong giai đoạn xét xử sơ thẩm từ thực tiễn tỉnh Quảng Ngãi. Vì đây là giai đoạn rất quan trọng, nếu KSV thực hiện quyền công tố tại phiên tòa sơ thẩm làm tốt vai trò của mình sẽ đảm bảo cho Hội đồng xét xử (HĐXX) tuyên bản án công minh có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật; hạn chế tình trạng bản án sơ thẩm bị kháng cáo, kháng nghị, dẫn đến việc Tòa án cấp phúc thẩm xét xử tuyên hủy, cải sửa bản án sơ thẩm…Trên cơ sở đánh giá thực trạng địa vị pháp lý của KSV trong xét xử sơ thẩm vụ án hình sự, tác giả đề xuất các giải pháp hoàn thiện pháp luật, thực tiễn về thực hiện quyền và nghĩa vụ của KSV, nâng cao chất lượng tranh tụng trong xét xử sơ thẩm vụ án hình sự, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.

7. Kết cấu luận văn

Luận văn gồm có: Phần mở đầu, 3 chương, Kết luận, và Danh mục tài liệu tham khảo:

Chương 1: Những vấn đề lý luận về địa vị và địa vị pháp lý của Kiểm sát viên trong xét xử sơ thẩm vụ án hình sự

Chương 2: Thực trạng địa vị pháp lý của Kiểm sát viên trong xét xử sơ thẩm vụ án hình sự tại tỉnh Quảng Ngãi

Chương 3: Các giải pháp nâng cao địa vị pháp lý của Kiểm sát viên trong xét xử sơ thẩm vụ án hình sự

Địa vị pháp lý của Kiểm sát viên trong xét xử sơ thẩm vụ án hình sự từ thực tiễn tỉnh Quảng Ngãi
Địa vị pháp lý của Kiểm sát viên trong xét xử sơ thẩm vụ án hình sự từ thực tiễn tỉnh Quảng Ngãi

Chương 1

NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ ĐỊA VỊ PHÁP LÝ VÀ

ĐỊA VỊ PHÁP LÝ CỦA KIỂM SÁT VIÊN TRONG

XÉT XỬ SƠ THẨM VỤ ÁN HÌNH SỰ

1.1. Khái niệm về địa vị pháp lý và địa vị pháp lý của Kiểm sát viên

– Khái niệm địa vị pháp lý

Địa vị pháp lý nói chung theo Từ điển giải thích thuật ngữ pháp lý thông dụng là: “tổng thể các điều kiện pháp lý mà pháp luật đòi hỏi để xác định cho một chủ thể có khả năng tham gia quan hệ pháp luật một cách độc lập”.

Theo từ điển Luật học thì địa vị pháp lý của chủ thể pháp luật là vị trí của chủ thể pháp luật trong mối quan hệ với chủ thể pháp luật khác trên cơ sở các quy định của pháp luật. Là sự thể hiện thành một tổng thể các quyền và nghĩa vụ pháp lý của chủ thể, qua đó xác lập cũng như giới hạn khả năng của chủ thể trong các hoạt động của mình. Thông qua địa vị pháp lý có thể phân biệt chủ thể pháp luật này với chủ thể pháp luật khác, đồng thời có thể xem xét vị trí và tầm quan trọng của chủ thể pháp luật trong các mối quan hệ pháp luật.

– Khái niệm địa vị pháp lý của KSV

Khái niệm địa vị pháp lý của Kiểm sát viên trong tố tụng hình sự là tổng thể các quy định của pháp luật về vị trí, vai trò, quyền và nghĩa vụ pháp lý của Kiểm sát viên khi tiến hành các hành vi tố tụng được pháp luật quy định.

1.1.1. Nhiệm vụ, quyền hạn thực hành quyền công tố trong giai đoạn khởi tố và điều tra vụ án hình sự

Tại khoản 1 Điều 12; Điều 13, Điều 14 Luật tổ chức VKSND năm 2002 quy định: VKSND thực hành quyền công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong việc điều tra các vụ án hình sự của các cơ quan điều tra và các cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra. VKSND có nhiệm vụ và quyền hạn là kiểm sát việc khởi tố… Theo đó, Viện trưởng VKSND phân công KSV kiểm sát việc tuân theo pháp luật của CQĐT mà cụ thể là ĐTV đã thực hiện như xác minh, phát hiện, thu thập các tài liệu chứng cứ trong quá trình giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm theo quy định tại Điều 103 BLTTHS; KSV có nhiệm vụ kiểm sát quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can theo quy định tại Điều 109, Điều 126 BLTTHS năm 2003. Đồng thời, KSV cũng xem xét đề xuất Viện trưởng phê chuẩn các trường hợp bắt, tạm giữ, quyết định tạm giam bị can, lệnh bắt tạm giam bị can khi có đủ căn cứ theo quy định của BLTTHS.

Kể từ thời điểm THQCT trong giai đoạn điều tra, KSV được phân công THQCT và kiểm sát điều tra vụ án hình sự có nhiệm vụ, quyền hạn được quy định tại Điều 112, Điều 113 BLTTHS năm 2003.

1.1.2. Nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm sát viên trong giai đoạn truy tố

Trong giai đoạn truy tố, KSV được phân công THQCT phải thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định tại các Điều 166, 167, 168, 169 BLTTHS là đề xuất lãnh đạo Viện ra một trong những quyết định sau: Truy tố bị can trước Tòa án bằng bản cáo trạng; Trả hồ sơ để điều tra bổ sung; Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ vụ án.

1.1.3. Nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm sát viên trong giai đoạn xét xử

Ở giai đoạn này, VKS có nhiệm vụ và quyền hạn THQCT và KSXXST của Tòa án. Người đại diện VKS thực hành quyền công tố trong giai đoạn này là KSV. Thể hiện cụ thể tại các Điều 16, 17, 18, 19 Luật tổ chức VKSND năm 2002 và Điều 37 BTTHS năm 2003. Cụ thể: Tại phiên tòa, KSV đọc cáo trạng, quyết định của VKS liên quan đến việc giải quyết vụ án; tiến hành xét hỏi bị cáo, người bị hại, người làm chứng; phát biểu quan điểm của VKS về việc giải quyết vụ án, đề nghị mức hình phạt đối với bị cáo; thực hiện tranh luận với người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa. Quá trình kiểm sát việc tuân theo pháp luật của HĐXX, của những người tham gia tố tụng, nếu phát hiện có trường hợp thiếu sót, vi phạm thủ tục tố tụng thì KSV có quyền đề nghị khắc phục tại phiên tòa.

Sau khi xét xử vụ án, KSV có quyền kiểm sát bản án, quyết định biên bản phiên tòa của Tòa án. Nếu phát hiện vi phạm nghiêm trọng của bản án thì KSV có quyền báo cáo đề xuất Lãnh đạo Viện kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định của Tòa án theo quy định pháp luật; kiến nghị với Tòa án cùng cấp và cấp dưới khắc phục vi phạm trong việc xét xử; kiến nghị với các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật; nếu có dấu hiệu tội phạm thì khởi tố về hình sự.

1.2. Các quy định của pháp luật về địa vị pháp lý của Kiểm sát viên trong xét xử sơ thẩm vụ án hình sự.

1.2.1. Quy định của Luật tổ chức VKSND năm 2002, Pháp lệnh Kiểm sát viên năm 2002 được sửa đổi, bổ sung năm 2011 về địa vị pháp lý của KSV trong xét xử sơ thẩm vụ án hình sự

+ Theo quy định tại Điều 1 Luật tổ chức thì VKSND THQCT và kiểm sát hoạt động tư pháp theo quy định của Hiến pháp và pháp luật. KSV là người có chức danh pháp lý để đại diện cho VKS thực hiện chức năng trên. Theo các Điều 1, 12, 13, 14 Pháp lệnh KSV quy định rõ KSV thực hiện nhiệm vụ THQCT và kiểm sát hoạt động tư pháp thuộc thẩm quyền VKS cấp mình theo sự phân công, chỉ đạo trực tiếp của Viện trưởng VKS cấp mình, sự lãnh đạo thống nhất của Viện trưởng VKSND Tối cao và chịu trách nhiệm trước Viện trưởng cấp mình.

+ Tại các Điều 16, 17, 18, 19 Luật tổ chức quy định rõ trong giai đoạn xét xử các vụ án hình sự, VKSND mà người đại diện là KSV được phân công THQCT và KSXX có trách nhiệm: Đọc cáo trạng, quyết định của VKSND liên quan đến việc giải quyết vụ án tại phiên tòa; Thực hiện việc luận tội đối với bị cáo tại phiên tòa sơ thẩm, phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa phúc thẩm; tranh luận với người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa sơ thẩm, phúc thẩm; Phát biểu quan điểm của VKSND về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa giám đốc thẩm, tái thẩm. Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử của Tòa án nhân dân, của những người tham gia tố tụng; Kiểm sát các bản án và quyết định của Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật;Yêu cầu Tòa án nhân dân cùng cấp và cấp dưới chuyển hồ sơ những vụ án hình sự để xem xét, quyết định việc kháng nghị. Có quyền kháng nghị theo thủ tục phúc thẩm, giám đốc thẩm, tái thẩm các bản án, quyết định của Tòa án nhân dân (TAND) theo quy định của pháp luật; kiến nghị với TAND cùng cấp và cấp dưới khắc phục vi phạm trong việc xét xử; kiến nghị với cơ quan, tổ chức, đơn vị hữu quan áp dụng các biện pháp phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật; nếu có dấu hiệu tội phạm thì khởi tố về hình sự.

1.2.2. Quy định của BLTTHS năm 2003 về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của KSV trong xét xử sơ thẩm vụ án hình sự

KSV được phân công THQCT và KSXX thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định tại Điều 37 BLTTHS: đọc cáo trạng, quyết định của VKS liên quan đến việc giải quyết vụ án; hỏi, đưa ra chứng cứ và thực hiện việc luận tội; phát biểu quan điểm về việc giải quyết vụ án, tranh luận với những người tham gia tố tụng tại phiên tòa; kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động xét xử của Tòa án, của những người tham gia tố tụng và kiểm sát các bản án, quyết định của Tòa án.

Những căn cứ pháp lý để KSV kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong chấp hành thủ tục chung tại phiên tòa được quy định tại các Điều 184, 185, 186, 187, 188, 190, 191, 192, 193, 196, 197, 198, 199, 200, 201, 202, 203, 204, 205 BLTTHS.

– KSV có quyền rút quyết định truy tố hoặc kết luận về tội danh nhẹ hơn theo quy định tại Điều 195 BLTTHS. KSV có quyền kiểm sát việc thực hiện giới hạn của việc xét xử của HĐXX tại phiên tòa sơ thẩm theo Điều 196 BLTTHS năm 2003. Tòa án không được xét xử người, hành vi mà VKS không truy tố. Tòa án không được xét xử bị cáo theo tội danh nặng hơn tội danh mà VKS đã truy tố.

– Theo quy định của các Điều 207, 209, 210, 211, 215 BLTTHS thì KSV tham gia xét hỏi sau khi chủ tọa phiên tòa, các hội thẩm đã hỏi xong; KSV hỏi bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án, hoặc người đại diện hợp pháp của họ, người làm chứng, người giám định.

– KSV thực hiện luận tội tại phiên tòa sơ thẩm hình sự đối với bị cáo là nhiệm vụ quan trọng theo quy định tại khoản 1 Điều 217 BLTTHS. KSV thực hiện nhiệm vụ tranh tụng, đối đáp đối với bị cáo, người bào chữa cho bị cáo, người bị hại có căn cứ, đầy đủ từng vấn đề nhằm bảo vệ tốt cáo trạng truy tố theo quy định tại Điều 218 BLTTHS.

Chương 2

THỰC TRẠNG ĐỊA VỊ PHÁP LÝ CỦA KIỂM SÁT VIÊN TRONG XÉT XỬ SƠ THẨM VỤ ÁN HÌNH SỰ

TẠI TỈNH QUẢNG NGÃI

2.1. Thực trạng thực hiện quyền và nghĩa vụ của Kiểm sát viên trong xét xử sơ thẩm vụ án hình sự từ thực tiễn tỉnh Quảng Ngãi

Theo báo cáo tổng kết của VKSND tỉnh Quảng Ngãi từ năm 2010-2014, kết quả công tác THQCT và KSXXST án hình sự đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ:

Trong 5 năm (2010-2014), VKSND hai cấp (tỉnh, huyện) đã truy tố ra trước TAND cùng cấp để xét xử sơ thẩm tổng số: 2420 vụ án/4634 bị can. VKSND hai cấp đã phân công Kiểm sát viên THQCT và KSXX tại phiên tòa xét xử sơ thẩm tổng số: 2304 vụ án/ 4975 bị cáo. Không có số vụ VKS rút quyết định truy tố hoặc thay đổi tội danh. Số vụ án Tòa trả điều tra bổ sung là 96 vụ chiếm tỷ lệ 4,1%, tình trạng Tòa án trả lại hồ sơ cho VKS để điều tra bổ sung chiếm tỷ lệ không lớn và giảm dần. Trong đó, nếu so sánh năm 2010 với năm 2014, thì thấy năm 2010 số vụ án TAND hai cấp trả hồ sơ để điều tra bổ sung cho VKSND hai cấp là 16 vụ chiếm tỷ lệ 4,40% trên tổng số vụ án Tòa xét xử, nhưng đến năm 2014 chỉ còn 14 vụ, chiếm tỷ lệ 0,52%. Tòa chấp nhận quan điểm của VKS là: 2303 vụ /2304 vụ đã xét xử, đạt 99,95 %. Số vụ có Luật sư tham gia bào chữa là 336vụ (chiếm 14, 58 % số vụ đã xét xử). Toàn tỉnh Quảng Ngãi có 30 KSV làm nhiệm vụ THQCT và KSXXST án hình sự. Từ năm 2010- 2014 các KSV đã THQCT, KSXXST 2304 vụ án hình sự.

VKSND hai cấp đã kháng nghị phúc thẩm 68 vụ án/179 bị cáo [báo cáo 5 năm công tác kháng nghị]; đã ban hành 68 Thông báo rút kinh nghiệm.

Về công tác nghiên cứu hồ sơ vụ án, đã được các KSV thực hiện đầy đủ các thao tác nghiệp vụ qui định tại Điều 13 Qui chế THQCT và KSXX các vụ án hình sự ban hành kèm theo Quyết định số 960/2007/QĐ-VKS của Viện trưởng VKSND tối cao.

– Từ những kết quả đạt được nêu trên, nhận thấy xuất phát từ việc KSV THQCT và KSXX tại phiên tòa sơ thẩm đã thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ của mình trong và sau quá trình xét xử sơ thẩm vụ án như sau: Một số trường hợp, tại phiên tòa bị cáo luôn phủ nhận hành vi phạm tội mà cáo trạng đã truy tố. Nhưng trên cơ sở nắm vững hồ sơ vụ án, các tình tiết buộc tội đối với bị cáo, KSV đã đưa ra những chứng cứ chứng minh hành vi của bị cáo phạm vào tội VKS đã truy tố là có cơ sở. Sau phiên tòa, KSV đã phát hiện kịp thời những vi phạm của HĐXX về áp dụng pháp luật khi tuyên án như tuyên xử không đúng hành vi phạm tội mà bị cáo đã thực hiện, vi phạm nghiêm trọng Điều 196 BLTTHS quy định về giới hạn của việc xét xử, Tòa chỉ được xét xử bị cáo về tội bằng hoặc nhẹ hơn tội danh mà VKS đã truy tố, nhưng HĐXX đã tuyên xử bị cáo tội danh nặng hơn tội danh VKS đã truy tố; HĐXX tuyên xử bị cáo tội danh có khung hình phạt thấp nhất là 12 năm tù (tội “Công nhiên chiếm đoạt tài sản”) nhưng lại căn cứ bị cáo có hai tình tiết giảm nhẹ theo khoản 1 Điều 46 BLHS, để áp dụng Điều 47 BLHS chuyển khung hình phạt xử phạt bị cáo 34 tháng tù là trái pháp luật. Từ những vi phạm trên của HĐXX, KSV đã kịp thời báo cáo đề xuất Lãnh đạo Viện kháng nghị phúc thẩm có căn cứ, đúng pháp luật. Điển hình cho những vi phạm trên mà KSV đã phát hiện là vụ án Nguyễn Thị Bích Loan bị VKSND tỉnh Quảng Ngãi truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo khoản 4 Điều 139 BLHS. Viện trưởng VKSND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành kháng nghị phúc thẩm đề nghị Tòa án phúc thẩm TAND Tối cao tại Đà Nẵng xử hủy bản án sơ thẩm trên. Tòa án cấp phúc thẩm đã chấp nhận kháng nghị của VKSND tỉnh Quảng Ngãi tuyên xử hủy bản án sơ thẩm trên, giao về cấp sơ thẩm để điều tra, xét xử lại, kết quả xét xử sơ thẩm lần 2 đúng với tội danh, khung hình phạt VKS truy tố. Ngoài ra còn có vụ án Nguyễn Trọng Tấn bị VKSND tỉnh Quảng Ngãi truy tố về tội: “Giết người” theo khoản 2 Điều 93 BLHS. Tại phiên tòa, KSV đã chủ động thẩm vấn bị cáo, các đối tượng có liên quan về diễn biến vụ án, quá trình thực hiện hành vi phạm tội của bị cáo, ý thức của bị cáo khi thực hiện hành vi phạm tội. Trên cơ sở kết quả xét hỏi công khai tại phiên tòa KSV nhận thấy hành vi của bị cáo chưa đủ cơ sở truy tố về tội “Giết người” theo khoản 2 Điều 93 BLHS. KSV đã chủ động thay đổi tội danh truy tố đề nghị HĐXX tuyên xử bị cáo phạm tội “Giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng” quy định tại khoản 1 Điều 96 BLHS. Đề nghị của KSV đã được HĐXX chấp nhận. Vụ án này thể hiện KSV đã nhạy bén và linh hoạt trong quá trình THQCT tại phiên tòa. Đây là những mặt tích cực thể hiện trình độ, năng lực của KSV cần phát huy, nâng cao hơn nữa nhằm đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới.

– Những mặt hạn chế về thực trạng thực hiện quyền và nghĩa vụ của KSV: Thể hiện điển hình tại vụ án “Cố ý gây thương tích” và “Bắt giữ người trái pháp luật” do VKSND thành phố Quảng Ngãi truy tố các bị can: Phan Hưng Dũng về tội: “Cố ý gây thương tích” theo khoản 2 Điều 104 BLHS; Phan Hưng Thắng và Phan Thị Thôi về tội: “Cố ý gây thương tích” theo khoản 2 Điều 104 BLHS và tội “Bắt người trái pháp luật” theo khoản 1 Điều 123 BLHS; Phan Thị Mỹ Chi về tội: “Bắt người trái pháp luật” theo khoản 1 Điều 123 BLHS; Vụ án Lê Tấn Nhì bị VKSND huyện Bình Sơn truy tố về tội: “Cố ý gây thương tích” theo quy định tại khoản 2 Điều 104 BLHS; Vụ Nguyễn Phương bị VKSND huyện Nghĩa Hành truy tố về tội “Đánh bạc” theo khoản 1 Điều 248 BLHS. Từ những vụ án này thấy rằng, một số KSV chưa thực hiện tốt công tác kiểm sát điều tra, đến giai đoạn chuẩn bị xét xử KSV thường có tâm lý chủ quan, lơ là, việc nghiên cứu hồ sơ không kỹ, không phát hiện được những mâu thuẫn về lời khai giữa bị can với người làm chứng, người bị hại; những sai sót về thủ tục tố tụng trong quá trình khám nghiệm hiện trường, thu thập vật chứng do ĐTV thực hiện trong quá trình điều tra vụ án; chưa yêu cầu CQĐT giám định tính chất thương tích, nguyên nhân gây ra thương tích, các vết thương của người bị hại có do các bị cáo bị gây nên đúng vào ngày xảy ra vụ án hay không; vụ án có nhiều đối tượng cùng tham gia có sự thống nhất về ý chí cũng như hành động nhưng lại tách từng hành vi gây thương tích đối với người bị hại dẫn đến bỏ lọt đồng phạm; chưa xác định rõ tính chất đồng phạm trong vụ án giữa các bị cáo; còn để bỏ lọt tội phạm do chưa đánh giá đầy đủ tính chất, mức độ hành vi phạm tội của các bị cáo, các đối tượng có liên quan trong vụ án, chưa có sự phân tích, so sánh, đối chiếu với lời khai người bị hại nên dẫn đến định việc định tội danh còn thiếu sót. Việc xây dựng đề cương xét hỏi chưa sát với tình tiết nội dung vụ án nên việc tham gia xét hỏi của KSV không đúng trọng tâm, giữa các câu hỏi không có mối liên hệ với nhau nên không thể làm rõ được hành vi của người phạm tội. KSV còn chưa chú ý lắng nghe, theo dõi ghi chép chưa đầy đủ những câu hỏi do HĐXX đặt ra đối với bị cáo và những người tham gia tố tụng khác. Nên phần tham gia xét hỏi của KSV lặp lại những câu hỏi đã được HĐXX xét hỏi trước đó mà đã được trả lời đầy đủ. KSV chưa tập trung xét hỏi làm rõ những nội dung còn mâu thuẫn. KSV còn mắc phải những lỗi chủ quan tại phiên tòa như: KSV chưa có khả năng diễn đạt, trình bày cũng như âm lượng giọng nói đọc Cáo trạng chưa dõng dạc. còn thiếu nhạy bén, chưa chủ động linh hoạt xử lý các tình huống phát sinh tại phiên tòa, để cùng với HĐXX làm sáng tỏ những tình tiết cần được làm rõ tại phiên tòa…

+ Một số KSV đọc bản luận tội được chuẩn bị sẵn, chưa thực sự là kết quả của phần xét hỏi công khai tại phiên tòa. Một số bản luận tội chưa đạt yêu cầu, chỉ tóm tắt nội dung vụ án mà chưa phân tích, đánh giá hay viện dẫn đầy đủ các chứng cứ để chứng minh, bảo vệ quan điểm truy tố.

+ Đa số KSV chưa đề cao công tác kiểm sát việc tuân theo pháp luật của HĐXX và những người tham gia tố tụng. Một số trường hợp HĐXX không biết vì lý do gì lại xưng hô đối với bị cáo là “chị”, bản thân bị cáo cũng tự ý xưng “tôi” với HĐXX nhưng KSV đã không chú ý kịp thời đề nghị HĐXX xưng hô đúng quy định; chủ tọa phiên tòa không giới thiệu chức vụ, nghề nghiệp của Hội thẩm nhân dân, nhưng KSV không phát hiện kịp thời để yêu cầu Chủ tọa phiên tòa thực hiện đúng quy định; Cá biệt có trường hợp vụ án có bị là người chưa thành niên phạm tội nhưng KSV không chú ý kiểm tra thành phần HĐXX phải có một Hội thẩm là giáo viên hoặc là cán bộ Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh theo quy định tại Điều 307 BLTTHS, để kịp thời kiến nghị khắc phục vi phạm tại phiên tòa.

Việc kiểm sát bản án sơ thẩm của KSV sau khi xét xử sơ thẩm đã có sự chú trọng. Có nhiều vụ án được KSV kịp thời phát hiện vi phạm của bản án sơ thẩm, đề xuất Lãnh đạo Viện ban hành kháng nghị phúc thẩm có chất lượng, được Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận. Điển hình như kháng nghị phúc thẩm vụ Nguyễn Đỗ Đình Tuyên phạm tội Hiếp dâm và vụ Trần Đức Hải cùng đồng bọn phạm tội Cố ý gây thương tích của VKSND thành phố Quảng Ngãi. Nội dung kháng nghị về những vi phạm của Toà án cấp sơ thẩm như: Toà xử khác với tội danh, khung hình phạt mà VKS truy tố; Toà áp dụng quy định tại Điều 47 BLHS để chuyển khung hình phạt liền kề nhẹ hơn cho bị cáo được hưởng hình phạt tù treo không đúng pháp luật; Toà án xét xử mức hình phạt cho bị cáo đuợc hưởng án treo đối với bị cáo quá nhẹ chưa phù hợp với tính chất nghiêm trọng của vụ án, chưa tương xứng với hành vi nguy hiểm mà bị cáo đã thực hiện; áp dụng thời gian thử thách đối với bị cáo bị phạt tù nhưng cho hưởng án treo không đúng quy định của pháp luật hình sự…

Tuy nhiên, có một số trường hợp, KSV kiểm sát bản án còn qua loa, sơ sài, do năng lực còn hạn chế, nên KSV đã chủ quan đánh giá không đúng tính chất, mức độ hành vi phạm tội của bị cáo, không nắm vững quy định của pháp luật hình sự dẫn đến truy tố bị cáo sai tội danh; Tòa án cấp sơ thẩm xét xử sai tội danh đối với bị cáo, bản án sơ thẩm có sai sót về áp dụng pháp luật, nhưng KSV đã không phát hiện để báo cáo kháng nghị phúc thẩm.

2.2. Thực trạng thực hiện vai trò tranh tụng của Kiểm sát viên tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự từ thực tiễn tỉnh Quảng Ngãi

Về ưu điểm: Trong những năm gần đây, chất lượng hoạt động tranh luận của các KSV tại phiên tòa hình sự tại tỉnh Quảng Ngãi đã được nâng lên đáng kể. Thực hiện nhiệm vụ tranh luận, về cơ bản các KSV đã hoàn thành tốt yêu cầu, nhiệm vụ là góp phần cùng Tòa án làm sáng tỏ các tình tiết của vụ án, làm cho việc giải quyết các vụ án ngày càng có chất lượng tốt hơn. Điển hình là vụ Nguyễn Tấn Cự bị VKSND tỉnh Quảng Ngãi truy tố về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” theo điểm a khoản 4 Điều 140 BLHS. Quá trình tranh tụng tại phiên tòa, KSV đã đưa ra những lập luận, lý lẽ có sức thuyết phục vận dụng căn cứ pháp luật chính xác để đối đáp, tranh luận với Luật sư bào chữa cho bị cáo, bác bỏ quan điểm không có cơ sở của Luật sư cho rằng bị cáo không phạm tội. Lập luận của KSV đã được HĐXX chấp nhận tuyên xử bị cáo phạm tội đúng tội danh VKS đề nghị truy tố.

Những hạn chế, yếu kém về hoạt động tranh tụng của KSV tại phiên tòa hình sự trong thời gian qua như sau:

Một số KSV có tâm lý ngại tranh luận hoặc tranh luận qua loa, chưa đưa ra đầy đủ những luận điểm có sức thuyết phục để đối đáp với tất cả các ý kiến của người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác đã nêu lên, nhất là những ý kiến trái ngược lại với quan điểm của KSV đã trình bày trong luận tội; KSV không ghi chép các quan điểm khác nhau về từng vấn đề cần tranh luận, đối đáp với người bào chữa, bị cáo và những người tham gia tố tụng khác nên không đối đáp hoặc đáp lại không hết các vấn đề mà quan điểm của họ khác với quan điểm của KSV. Một số KSV còn hạn chế về khả năng diễn đạt, trình bày, khi tranh luận với Luật sư lý lẽ chưa sắt bén, kém thuyết phục; Chưa có phương pháp tranh luận khoa học, không kịp thời đối đáp lại phản biện của Luật sư; KSV nổi nóng, thiếu bình tĩnh khi đối đáp, gây thiếu thiện cảm đối với HĐXX và những người có mặt tại phiên tòa. Điển hình như vụ án Nguyễn Thanh Nguyên bị VKSND thành phố Quảng Ngãi truy tố về tội “Tàng trữ trái phép chất ma túy” và tội “Mua bán trái phép chất ma túy” theo khoản 1 Điều 194 BLHS.

Địa vị pháp lý của Kiểm sát viên trong xét xử sơ thẩm vụ án hình sự từ thực tiễn tỉnh Quảng Ngãi
Địa vị pháp lý của Kiểm sát viên trong xét xử sơ thẩm vụ án hình sự từ thực tiễn tỉnh Quảng Ngãi

Chương 3

CÁC GIẢI PHÁP NÂNG CAO ĐỊA VỊ PHÁP LÝ CỦA

KIỂM SÁT VIÊN TRONG XÉT XỬ SƠ THẨM

VỤ ÁN HÌNH SỰ

3.1. Giải pháp hoàn thiện pháp luật về quyền và nghĩa vụ của Kiểm sát viên trong xét xử sơ thẩm vụ án hình sự

– Đề nghị sửa đổi, bổ sung BLTTHS năm 2003:

+ Về giới hạn của việc xét xử theo quy định của Điều 196 BLTTHS năm 2003, đề nghị sửa đổi với nội dung: “Tòa án chỉ xét xử những bị cáo và những hành vi mà Viện kiểm sát truy tố và Tòa án đã quyết định đưa ra xét xử.” Bỏ nội dung: “Toà án có thể xét xử bị cáo theo khoản khác với khoản mà Viện kiểm sát đã truy tố trong cùng một điều luật hoặc về một tội khác bằng hoặc nhẹ hơn tội mà Viện kiểm sát đã truy tố.”

+ Điều 195 BLTTHS năm 2003 quy định về việc: “…Tại phiên tòa, sau khi xét hỏi, Kiểm sát viên có thể rút một phần hay toàn bộ quyết định truy tố hoặc kết luận về tội nhẹ hơn, nhưng Hội đồng xét xử vẫn phải xét xử toàn bộ vụ án”. Quy định này hiện nay thể hiện mâu thuẫn, vì khi KSV đã rút một phần hay toàn bộ quyết định truy tố tức là sự buộc tội đối với bị cáo đã bị thay đổi hoặc không còn nữa, nhưng HĐXX vẫn xét xử toàn bộ vụ án theo quan điểm của mình thì sẽ không đảm bảo quyền năng được pháp luật giao cho Tòa án là cơ quan xét xử chứ không phải Tòa án vừa là cơ quan buộc tội, vừa là cơ quan xét xử. Do vậy, cần thiết phải sửa đổi lại quy định này theo hướng nếu tại phiên tòa KSV rút một phần quyết định truy tố thì Tòa án chỉ xét xử phần quyết định truy tố không bị rút; nếu KSV rút toàn bộ quyết định truy tố thì Tòa án đình chỉ việc xét xử và tuyên bố bị cáo không phạm tội. Trường hợp thấy việc rút quyết định truy tố không có căn cứ thì sau khi ra quyết định đình chỉ việc xét xử, Hội đồng xét xử kiến nghị với Viện trưởng VKS cùng cấp và Viện trưởng VKS cấp trên trực tiếp.

+ Về vấn đề xét hỏi tại phiên tòa hình sự: Đề nghị quy định trách nhiệm xét hỏi bị cáo để làm rõ hành vi phạm tội của bị cáo, xét hỏi để chứng minh việc buộc tội bị cáo, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo và các tình tiết khác có liên quan đến vụ án thuộc về KSV thực hành quyền công tố tại phiên tòa. HĐXX chỉ thực hiện việc điều khiển phiên tòa trong quá trình xét hỏi, nếu xét thấy KSV hỏi chưa đầy đủ thì HĐXX xét hỏi thêm để làm rõ để bác bỏ hay chấp nhận sự buộc tội hoặc gỡ tội giữa các bên.

+ Cần thiết phải đưa nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa quy định vào BLTTHS hiện hành để bảo đảm công lý trong xã hội, Tòa án chỉ phán quyết trên cơ sở tranh tụng công khai tại phiên tòa.

+ Để tăng cường hơn nữa quyền hạn và tính chủ động của KSV tại phiên tòa sơ thẩm hình sự, cần sửa đổi Điều 217 BLTTHS năm 2003 theo hướng quy định: Trên cơ sở diễn biến quá trình tranh tụng tại phiên tòa, nếu thấy đủ cơ sở thay đổi tội danh trong cáo trạng truy tố thì KSV có quyền thay đổi tội danh đề nghị truy tố đối với bị cáo và chịu trách nhiệm độc lập về kết luận của mình tại phiên tòa mà không phải đề nghị hoãn phiên tòa để xin ý kiến chỉ đạo của Viện trưởng VKS. Việc bổ sung quy định này nhằm khẳng định quyền hạn chủ động quyết định việc kết tội bị cáo tại phiên tòa và nâng cao trách nhiệm của KSV khi THQCT tại phiên tòa.

3.2. Giải pháp hoàn thiện thực tiễn thực hiện quyền và nghĩa vụ của Kiểm sát viên

Lãnh đạo VKSND các cấp cần chú trọng đẩy mạnh việc tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm. Kiểm sát viên cần nhận thức đúng đắn về ý nghĩa của phiên tòa rút kinh nghiệm và tiếp tục thực hiện tốt các phiên tòa rút kinh nghiệm.

Quán triệt cho mỗi KSV THQCT-KSXXST án hình sự về việc thực hiện tốt các phiên tòa rút kinh nghiệm, coi đây là việc học tập bổ ích trong thực tiễn. Sau mỗi phiên tòa rút kinh nghiệm Lãnh đạo VKS hai cấp phải tiến hành rút kinh nghiệm ngay, có sự tham gia đóng góp ý kiến của toàn thể KSV tham dự phiên tòa về những mặt ưu điểm mà KSV THQCT tại phiên tòa đã đạt được để học tập, đồng thời nghiêm túc chỉ ra những mặt hạn chế cần khắc phục của KSV, tránh lặp lại ở những trường hợp sau.

Đào tạo chuyên sâu về công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa cho Kiểm sát viên.

Ngành Kiểm sát nhân dân cần phải có chương trình đào tạo chuyên sâu về công tác THQCT, KSXX tại phiên tòa sơ thẩm của KSV theo từng cấp kiểm sát (sơ thẩm, phúc thẩm), theo từng lĩnh vực giải quyết án (hình sự trị an, hình sự ma túy, kinh tế, chức vụ…), theo từng nhóm tội cụ thể, chú trọng việc rèn các kỹ năng, phương pháp nghiệp vụ kiểm sát cho KSV trước và tại phiên tòa.

Sắp xếp, bố trí Kiểm sát viên có trình độ, năng lực, kinh nghiệm thực tiễn cho khâu công tác thực hành quyền công tố, kiểm sát điều tra-kiểm sát xét xử án hình sự.

Đặc biệt quan tâm chọn và bố trí những KSV có năng lực chuyên môn nghiệp vụ, có tinh thần trách nhiệm cao, có bản lĩnh chính trị vững vàng, khả năng viết, nói, linh hoạt hùng biện, xử lý nhanh nhạy với mọi tình huống phát sinh tại phiên tòa để thực hiện công tác THQCT và kiểm sát việc giải quyết án hình sự ổn định, lâu dài, đúc kết được kinh nghiệm thực tiễn, nhằm đạt hiệu quả, đạt chất lượng tốt.

VKSND các cấp cần quan tâm bố trí đủ lực lượng KSV cho công tác THQCT và KSXX án hình sự, tránh để tình trạng quá tải trong việc giải quyết án. Tăng cường KSV ở VKS huyện có án ít đến làm việc tại những VKS cấp huyện, thành phố có số lượng án nhiều để khắc phục tình trạng quá tải phải tham gia phiên tòa liên tục trong tháng.

Nâng cao chất lượng thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử án hình sự của Kiểm sát viên.

KSV phải nắm vững chức năng và thực hiện đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn của công tác THQCT và KSXX các vụ án hình sự được quy định trong Luật Tổ chức VKSND sửa đổi, bổ sung năm 2014 (có hiệu lực ngày 01/6/2015), Hiến pháp năm 2013, BLTTHS năm 2003, BLHS năm 1999 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Trong công tác kiểm sát THQCT, kiểm sát điều tra: mỗi KSV cần thực hiện đúng Quy chế kiểm sát điều tra, cần “tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra” theo chủ trương của Đảng về chiến lược cải cách tư pháp. Nâng cao trách nhiệm của KSV trong việc nghiên cứu hồ sơ vụ án trước khi THQCT tại phiên tòa và thực hiện đầy đủ các thao tác nghiệp vụ ở giai đoạn chuẩn bị xét xử theo đúng quy định của Quy chế công tác THQCT và KSXX hình sự của VKSND Tối cao.

Nâng cao chất lượng kháng nghị phúc thẩm hình sự

Đối với VKS cấp sơ thẩm: Sau khi nhận được bản án KSV phải đọc kỹ để phát hiện vi phạm, báo cáo lãnh đạo xem xét kháng nghị. Đồng thời sao gửi bản án sơ thẩm, phiếu kiểm sát bản án cho VKS cấp phúc thẩm đầy đủ, kịp thời; Thực hiện nghiêm túc chế độ thỉnh thị kháng nghị đối với những vụ án có quan điểm khác nhau về đánh giá chứng cứ và và vận dụng đường lối xử lý; Mỗi KSV phải nắm vững các quy định của pháp luật và quy chế nghiệp vụ của Ngành, bảo đảm phát hiện được các vi phạm ngay tại phiên toà, sau khi nhận bản án phải kiểm tra và đề xuất chính xác vi phạm của bản án sơ thẩm.

Đối với VKS cấp phúc thẩm: Tăng cường mối quan hệ phối hợp giữa VKS cấp trên và VKS cấp dưới, giữa VKS với Toà án trong công tác kháng nghị phúc thẩm; Làm tốt công tác hướng dẫn nghiệp vụ cho VKS cấp dưới; Hàng năm, VKS cấp phúc thẩm tổ chức kiểm tra, đánh giá rút kinh nghiệm về công tác kháng nghị phúc thẩm, để thấy được ưu điểm và hạn chế nhằm đề ra giải pháp phù hợp; Qua công tác kiểm sát xét xử phúc thẩm, VKS cấp phúc thẩm cần ban hành nhiều thông báo rút kinh nghiệm gửi các VKS cấp sơ thẩm để nghiên cứu nhằm khắc phục các vi phạm, thiếu sót, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kháng nghị phúc thẩm.

Cần nâng cao chất lượng kháng nghị phúc thẩm, đảm bảo chuẩn về hình thức cũng như nội dung kháng nghị, tránh trường hợp VKS cấp phúc thẩm phải rút kháng nghị phúc thẩm của VKS cấp dưới vì kháng nghị không đạt chất lượng, thiếu căn cứ. Tránh chạy theo tỷ lệ kháng nghị mà chất lượng kháng nghị kém, dẫn đến Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận kháng nghị.

Đẩy mạnh việc viết chuyên đề, sáng kiến nghiệp vụ về công tác THQCT – Kiểm sát điều tra – KSXX án hình sự trong toàn thể cán bộ, KSV trong ngành Kiểm sát.

Các chuyên đề, sáng kiến phải thể hiện tính khoa học, đảm bảo chất lượng, ứng dụng rộng rãi vào thực tiễn công tác, không mang tính lý luận suông. Phải tạo được động lực, khuyến khích cán bộ, KSV trong ngành nhận thức được tầm quan trọng của việc nghiên cứu khoa học để nâng cao hiệu quả công tác, là tiêu chí để mỗi người phải phấn đấu, thi đua.

Tăng cường cơ sở vật chất phục vụ nhiệm vụ chuyên môn cho Kiểm sát viên.

Cần trang bị máy tính xách tay có kết nối Internet cho KSV để kịp thời tra cứu, lưu giữ các thông tin như văn bản pháp luật, tài liệu, chứng cứ của vụ án, trích cứu nghiên cứu hồ sơ vụ án của KSV làm cơ sở cho việc tranh luận tại phiên tòa, cũng như việc xem xét, đưa ra quan điểm giải quyết vụ án. Trang bị phương tiện kỹ thuật phục vụ cho KSV THQCT tại phiên tòa như máy ghi âm, ghi hình trong trường hợp cần thiết ghi lại lời khai, ý kiến của những người tham gia tố tụng. Hiện nay chế độ bồi dưỡng phiên tòa cho KSV 50.000đồng mỗi ngày xét xử là quá thấp, cần xem xét lại để nâng mức bồi dưỡng phiên tòa đối với KSV cho phù hợp thực tế hiện nay.

3.3. Giải pháp nâng cao chất lượng tranh tụng của Kiểm sát viên trong xét xử sơ thẩm vụ án hình sự

Hoàn thiện các quy định của pháp luật nhằm đảm bảo cho hoạt động tranh tụng tại phiên toà theo đúng tinh thần cải cách tư pháp

Điều 103 Hiến pháp 2013 quy định: “Nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm”. Lần đầu tiên, tranh tụng được qui định là một nguyên tắc trong xét xử. Để thực hiện quy định này, cần thiết phải rà soát các quy định hiện hành về hoạt động tranh tụng trong BLTTHS và các văn bản pháp luật khác để kịp thời xây dựng các chế định làm rõ các nội dung, phạm vi, quyền hạn và trách nhiệm của VKS, của Luật sư, của Thẩm phán trong phiên tòa hình sự, nâng cao hơn nữa trách nhiệm của KSV trong tranh tụng tại phiên tòa, qui định rõ nguyên tắc KSV có trách nhiệm tham gia xét hỏi và tranh luận, quy định rõ các trường hợp bắt buộc KSV phải tranh luận… nhằm đảm bảo cơ chế để hoạt động tranh tụng thực sự dân chủ. BLTTTHS cần qui định cho KSV VKSND Tối cao có quyền tham gia phiên toà sơ thẩm để THQCT vụ án do VKSND Tối cao truy tố, không uỷ quyền như hiện nay.

Bên cạnh đó, các cơ quan tư pháp Trung ương tiếp tục khẩn trương ban hành hướng dẫn các quy định của BLHS, BLTTHS và các quy định còn có vướng mắc khác. Cần ghi nhận nguyên tắc trong các trường hợp qui định của pháp luật còn có vướng mắc mà chưa có hướng dẫn thì việc nhận thức và áp dụng pháp luật phải theo hướng có lợi cho bị can, bị cáo.

Tiếp tục tổ chức phiên tòa rút kinh nghiệm

Việc tổ chức các phiên toà rút kinh nghiệm là biện pháp tự đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, KSV về công tác THQCT và KSXX, trong đó nhấn mạnh nội dung rút kinh nghiệm về kỹ năng tranh tụng. VKSND các cấp cần quan tâm sơ kết rút kinh nghiệm hoạt động tranh luận của KSV, nếu có điều kiện nên tổ chức các cuộc thi về tranh luận tại phiên toà để phổ biến kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau nhằm nâng cao năng lực, kỹ năng tranh luận.

Kiểm sát viên cần tự học tập kiến thức chuyên môn, tích lũy kinh nghiệm nghiệp vụ nhằm nâng cao năng lực của mình tại phiên tòa hình sự.

Mỗi KSV phải tích cực nghiên cứu, học tập để nắm vững các quy định của pháp luật, nhất là pháp luật về hình sự, về tố tụng hình sự, các văn bản hướng dẫn áp dụng pháp luật; nắm vững các quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước về đấu tranh phòng chống tội phạm. Thường xuyên rèn luyện các kỹ năng nghiệp vụ về tham gia phiên toà hình sự sơ thẩm. KSV phải thường xuyên đánh giá lại kết quả hoạt động sau mỗi phiên toà, rút kinh nghiệm một cách nghiêm túc những thiếu sót, chú ý lắng nghe các ý kiến góp ý của dư luận, của đồng nghiệp và của công chúng với thái độ cầu thị để không ngừng hoàn thiện hơn kỹ năng nghiệp vụ.

KẾT LUẬN

Trong những năm gần đây, ngành Kiểm sát luôn quan tâm đặt vấn đề đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ KSV lên hàng đầu, nhằm đảm bảo yêu cầu cải cách tư pháp trong tình hình mới. Quán triệt tinh thần đó, VKSND tỉnh Quảng Ngãi là địa phương đã thực hiện tốt công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử sơ thẩm vụ án hình sự. Chính vì lẽ đó, qua thực tiễn công tác trong ngành Kiểm sát nhân dân, với tâm huyết nghiên cứu đề tài về Địa vị pháp lý của KSV trong xét xử sơ thẩm vụ án hình sự, tác giả đã đi sâu nghiên cứu cơ sở lý luận về địa vị pháp lý của KSV, phân tích thực trạng thực hiện quyền và nghĩa vụ của KSV trong xét xử sơ thẩm án hình sự từ thực tiễn tỉnh Quảng Ngãi, đánh giá kết quả những mặt tích cực đã đạt được và những hạn chế, yếu kém cần rút kinh nghiệm khắc phục đối với mỗi KSV. Tác giả đã đề xuất một số giải pháp cơ bản như: giải pháp hoàn thiện pháp luật về quyền và nghĩa vụ của KSV trong xét xử sơ thẩm vụ án hình sự, giải pháp hoàn thiện thực tiễn thực hiện quyền và nghĩa vụ của KSV, giải pháp nâng cao chất lượng tranh tụng của KSV tại phiên tòa sơ thẩm hình sự nhằm mục đích khẳng định hơn nữa vị thế quan trọng của KSV trong hệ thống chức danh tư pháp ở nước ta./.

LIỆN HỆ:

SĐT+ZALO: 0935568275

E:\DỮ LIỆU COP CỦA CHỊ YẾN\LUAN VAN VIEN HAN LAM\LUAT HINH SU\BUI THI THANH HIEN\LUAN VAN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *