Giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số từ thực tiễn

Giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số từ thực tiễn tỉnh Quảng Nam

Giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số từ thực tiễn tỉnh Quảng Nam

1. Tính cấp thiết của đề tài nghiên cứu

Công tác giáo dục pháp luật (GDPL) luôn giữ một vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống xã hội, nhất là trong công cuộc đổi mới, xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân thì công tác này càng có vai trò quan trọng về nhiều mặt. Chính vì vậy, sau khi Đảng ta đề ra chủ trương đổi mới đất nước, phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN) thì công tác GDPL nói chung và công tác GDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) nói riêng ngày càng được quan tâm và được coi là nhiệm vụ quan trọng góp phần nâng cao hiểu biết pháp luật, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân. Mỗi cán bộ, mỗi người dân có nắm vững kiến thức pháp luật thì mới phát huy được tinh thần làm chủ của bản thân, góp phần quản lý xã hội bằng pháp luật.

Thực tiễn vừa qua, công tác GDPL cho đồng bào DTTS ở tỉnh Quảng Nam chưa đáp ứng được yêu cầu của sự nghiệp đổi mới. Ý thức pháp luật và tình hình thực hiện pháp luật của một bộ phận không nhỏ người dân vùng DTTS còn nhiều hạn chế. Các điều kiện để tiếp nhận thông tin pháp lý, nhất là các văn bản pháp luật của Nhà nước đối với đồng bào dân tộc bị hạn chế so với nhân dân ở thành thị và nông thôn đồng bằng, một số trường hợp người dân vi phạm pháp luật do không hiểu biết pháp luật vẫn còn xảy ra. Pháp luật trong một số lĩnh vực hầu như “vắng bóng” trong cộng đồng. Hệ thống luật tục (cả tích cực và lạc hậu) của đồng bào dân tộc vốn đã được sử dụng từ xưa đến nay càng có điều kiện chi phối, điều chỉnh các quan hệ xã hội ở thôn, bản. Vì vậy, vấn đề đặt ra hiện nay là phải tăng cường GDPL cho đồng bào DTTS, để người dân hiểu và làm theo pháp luật, giảm bớt những hủ tục lạc hậu, những vụ vi phạm pháp luật; qua đó nâng cao đời sống vật chất và văn hoá tinh thần, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự ở địa phương.

Xuất phát từ tình hình trên, tôi nhận thấy công tác GDPL cho đồng bào DTTS là một yêu cầu khách quan, nhiệm vụ cấp thiết trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN hiện nay; từ những nhận thức, suy nghĩ và trăn trở đó, tôi mạnh dạn lựa chọn đề tài “Giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số từ thực tiễn tỉnh Quảng Nam” làm đề tài luận văn tốt nghiệp, nhằm góp phần nhỏ bé vào công tác GDPL nói chung và GDPL cho đồng bào DTTS ở Quảng Nam nói riêng; bởi đây là vấn đề cấp thiết cả về lý luận và thực tiễn ở tỉnh Quảng Nam hiện nay.

2. Tình hình nghiên cứu đề tài

3. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu

Mục đích nghiên cứu: Trên cơ sở phân tích lý luận và đánh giá thực trạng GDPL cho đồng bào DTTS ở Quảng Nam, đề xuất những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác GDPL cho đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Quảng Nam hiện nay.

Nhiệm vụ nghiên cứu: Làm sáng tỏ những vấn đề lý luận cơ bản về GDPL nói chung và GDPL cho đồng bào DTTS nói riêng. Luận văn cũng đi sâu phân tích, làm rõ về thực trạng GDPL cho đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở phân tích nhu cầu, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác GDPL cho đồng bào DTTS ở tỉnh Quảng Nam trong giai đoạn hiện nay.

4. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của luận văn là GDPL cho đồng bào DTTS và những người sinh sống, công tác ở vùng đồng bào DTTS, vùng miền núi, biên giới trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Phạm vi nghiên cứu về không gian là địa bàn tỉnh Quảng Nam. Thời gian nghiên cứu từ năm 2009 đến nay.

5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu

Luận văn được xây dựng trên cơ sở lý luận chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước và pháp luật. Luận văn sử dụng các phương pháp phân tích, tổng hợp, so sánh để nghiên cứu các vấn đề lý luận ở chương 1; sử dụng phương pháp khảo sát thực tế, thống kê để thu thập thông tin, số liệu thực tế phục vụ cho việc phân tích, đánh giá thực trạng, nguyên nhân của vấn đề nghiên cứu ở chương 2 và luận chứng tính khả thi của các giải pháp đề xuất ở chương 3.

6. Ý nghĩa lý luận, thực tiễn của đề tài

Luận văn góp phần làm rõ tính đặc thù của công tác GDPL cho đồng bào DTTS ở tỉnh Quảng Nam, từ đó nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền trong việc GDPL đối với đồng bào DTTS. Các giải pháp được đề ra trong Luận văn có thể được áp dụng trong việc xây dựng chương trình GDPL cho đồng bào DTTS nói chung và tại tỉnh Quảng Nam nói riêng. Luận văn cũng là tài liệu tham khảo trong việc nghiên cứu, giảng dạy về phổ biến, GDPL.

7. Kết cấu luận văn

Ngoài phần mở đầu, kết luận, phụ lục và danh mục tài liệu tham khảo, Luận văn được kết cấu thành 3 chương:

Chương 1: Cơ sở lý luận về GDPL cho đồng bào DTTS

Chương 2: Thực trạng GDPL cho đồng bào DTTS ở tỉnh Quảng Nam

Chương 3: Nhu cầu, giải pháp tăng cường GDPL cho đồng bào DTTS

Chương 1

CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ GIÁO DỤC PHÁP LUẬT

CHO ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ

1.1. Khái quát về giáo dục pháp luật

1.1.1. Khái niệm, mục đích giáo dục pháp luật

1.1.1.1. Khái niệm giáo dục pháp luật

Ở nước ta hiện nay, khái niệm về GDPL còn có nhiều quan điểm, cách hiểu khác nhau nhưng về cơ bản khái niệm GDPL có thể được hiểu là một dạng hoạt động có tổ chức, có mục đích, có tính định hướng tác động lên các đối tượng giáo dục nhằm làm hình thành ở họ tri thức pháp luật, tình cảm đối với pháp luật và hành vi xử sự phù hợp với pháp luật hiện hành.

1.1.1.2. Mục đích của giáo dục pháp luật

Cũng như các dạng hoạt động giáo dục khác, GDPL có mục đích riêng. GDPL có đạt chất lượng tốt hay không tuỳ thuộc nhiều vào việc xác định đúng mục đích của GDPL. Theo quan điểm chung của nhiều nhà khoa học và trong thực tiễn, có thể thấy GDPL có những mục đích cơ bản sau:

Mục đích nhận thức: Hình thành, làm sâu sắc và từng bước nâng cao nhận thức về pháp luật cho đối tượng được giáo dục.

Mục đích cảm xúc: Hình thành tình cảm lòng tin của con người đối với pháp luật.

Mục đích hành vi: Hình thành động cơ và và hành vi xử sự theo yêu cầu của pháp luật.

1.1.2. Mối quan hệ giữa giáo dục pháp luật với các lĩnh vực giáo dục khác

1.1.2.1. Mối quan hệ giữa giáo dục pháp luật và giáo dục chính trị tư tưởng

Pháp luật là sự cụ thể hóa, thể chế hóa tư tưởng đường lối của Đảng cầm quyền. Khi GDPL cũng hình thành nên ở đối tượng lập trường giai cấp và ý thức chính trị. GDPL tạo khả năng cho việc giáo dục chính trị tư tưởng, GDPL tốt sẽ củng cố quan điểm chính trị cho đối tượng được giáo dục.

1.1.2.2. Mối quan hệ giữa giáo dục pháp luật và giáo dục đạo đức

GDPL và giáo dục đạo đức có mối quan hệ qua lại, chặt chẽ, thống nhất, tương tác lẫn nhau. Do đó, nếu giáo dục đạo đức tốt thì sẽ tạo tiền đề cho GDPL tốt; GDPL tốt sẽ củng cố lòng tin của con người đối với các giá trị xã hội của pháp luật, khi có lòng tin, con người sẽ tự giác tuân thủ theo pháp luật.

1.1.2.3. Mối quan hệ giữa giáo dục pháp luật và giáo dục tri thức kinh tế

Mối quan hệ giữa GDPL và giáo dục tri thức kinh tế xuất phát từ mối quan hệ giữa pháp luật và kinh tế. Pháp luật được xây dựng dựa trên cơ sở của kinh tế, phù hợp với trình độ phát triển của kinh tế.

1.2. Giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số

1.2.1. Đặc điểm giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số

GDPL cho đồng bào DTTS là hình thức giáo dục đặc thù, ngoài những đặc điểm chung của GDPL, còn có những đặc điểm riêng; đặc điểm riêng đó được phản ánh qua đặc điểm chủ thể, đối tượng GDPL.

1.2.2. Những yêu cầu của công tác giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số

Một là, GDPL cho đồng bào DTTS phải được thực hiện theo chương trình, kế hoạch cụ thể, có trọng tâm, thiết thực và thường xuyên.

Hai là, công tác phổ biến GDPL cho đồng bào DTTS cần hướng vào việc vận động người dân chấp hành pháp luật. Đây có thể nói vừa là yêu cầu vừa là biện pháp thực hiện công tác GDPL.

Ba là, việc tuyên truyền phổ biến GDPL cho đồng bào DTTS phải xuất phát từ nhu cầu và đời sống thực tế của đồng bào.

Bốn là, GDPL cho đồng bào DTTS phải hướng cho đồng bào phát huy những truyền thống tốt đẹp của dân tộc, truyền thống cố kết cộng đồng, đồng thời hạn chế và tiến tới xóa bỏ các luật tục lạc hậu, góp phần xây dựng đời sống văn hóa mới hiện nay.

Năm là, GDPL cho đồng bào DTTS cần kết hợp lồng ghép với thông tin về việc xử lý kịp thời, nghiêm minh các vi phạm pháp luật, biểu dương gương người tốt, việc tốt trong thi hành, chấp hành pháp luật.

1.2.3. Nội dung giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số

Đối với đồng bào DTTS với những đặc điểm đặc thù về đối tượng bởi vậy nội dung GDPL phải phù hợp với trình độ nhận thức và nhu cầu của người dân, chủ yếu gồm các nội dung cơ bản sau:

Thứ nhất, nghĩa vụ công dân trong việc thực hiện nghiêm chỉnh, triệt để và đúng đắn pháp luật của Nhà nước cũng như các quy tắc sinh hoạt trong cộng đồng dân cư. Các văn bản pháp luật hiện hành, đặc biệt là những văn bản liên quan trực tiếp, thiết thân đến quyền và nghĩa vụ pháp lý của công dân trên các lĩnh vực.

Thứ hai, cùng với việc phổ biến giáo dục nội dung đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước cần hướng dẫn cho đồng bào thực hiện các chính sách về đoàn kết các dân tộc, phát huy các tập quán sinh hoạt tốt đẹp, luật tục phù hợp với pháp luật của Nhà nước, đồng thời phải chỉ ra cho họ thấy được những hủ tục lạc hậu, nặng nề trái với lợi ích cộng đồng, trái với pháp luật của Nhà nước cần phải loại bỏ trong điều kiện đổi mới hiện nay.

1.2.4. Phương pháp, hình thức giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số

1.2.4.1. Hình thức của giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số

Hình thức GDPL là các dạng hoạt động cụ thể, có phối hợp giữa chủ thể GDPL và đối tượng GDPL để thể hiện nội dung GDPL và đạt mục đích GDPL. Qua lý luận cũng như thực tiễn, các nhà nghiên cứu GDPL đã chia các hình thức GDPL thành hai loại: các hình thức giáo dục mang tính phổ biến truyền thống của giáo dục chính trị, tư tưởng và các hình thức mang tính đặc thù của GDPL. Việc GDPL cho đồng bào DTTS được thể hiện dưới các hình thức chủ yếu như: GDPL qua hoạt động tuyên truyền miệng của đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật; qua các phương tiện thông tin đại chúng, truyền thanh cơ sở; qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật; thông qua việc dạy và học pháp luật trong các trường chuyên ngành và các trường khác trong hệ thống giáo dục; tập huấn chuyên đề về Nhà nước và pháp luật hoặc kết hợp GDPL trong các lớp tập huấn, các hội nghị chuyên đề khác; thông qua hoạt động tư vấn pháp luật và trợ giúp pháp lý lưu động; thông qua công tác hòa giải cơ sở; biên soạn và cung cấp tài liệu hỏi – đáp về pháp luật, tờ gấp, tờ rơi bằng tiếng dân tộc cho đồng bào; lồng ghép phổ biến, GDPL trong các hoạt động sinh hoạt văn hóa truyền thống, lễ hội của của đồng bào dân tộc; trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, thực hiện qui chế dân chủ ở cơ sở, qui ước của làng xã …

1.2.4.2. Phương pháp giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số

Phương pháp GDPL cho đồng bào DTTS là hệ thống các cách thức mà chủ thể GDPL sử dụng để tiến hành hoạt động GDPL cho đồng bào DTTS. Đó là cách thức, biện pháp giúp đồng bào DTTS tiếp cận thông tin pháp luật, cách giải thích làm rõ các tư tưởng chính trị pháp lý, các nguyên tắc, các quy phạm pháp luật… Một nguyên tắc chung nhất khi sử dụng các phương pháp GDPL cho đồng bào DTTS đó là kết hợp lý luận với thực tiễn thi hành pháp luật (thông qua việc xử lý tình huống).

Giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số từ thực tiễn tỉnh Quảng Nam
Giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số từ thực tiễn tỉnh Quảng Nam

1.3. Quan điểm chỉ đạo của Đảng và cơ sở pháp lý của giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số

Công tác phổ biến, GDPL được Đảng ta xác định là một bộ phận của công tác giáo dục chính trị, tư tưởng và là nhiệm vụ của toàn bộ hệ thống chính trị đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng. Vì vậy, trong những năm qua, đặc biệt trong thời kỳ đổi mới đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, chú trọng công tác này, Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI, VII, VIII, IX, XI và các nghị quyết, chỉ thị của Bộ Chính trị, Ban Bí thư đều xác định vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác GDPL và trách nhiệm của các cơ quan Đảng, Nhà nước và và cả hệ thống chính trị trong việc phổ biến, GDPL. Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI nhấn mạnh nhiệm vụ “Nâng cao ý thức về quyền và nghĩa vụ công dân, năng lực làm chủ, tham gia quản lý xã hội của nhân dân”.

Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, GDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân; ngày 09/12/2003 Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 32-CT/TW. Và gần đây nhất, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa XI) đã ban hành Kết luận số 04-KL/TW ngày 19/4/2011 về kết quả thực hiện Chỉ thị số 32-CT/TW ngày 9/12/2003 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khoá IX).

Trên cơ sở quan điểm của Đảng về công tác GDPL, Nhà nước ta đã thể chế hóa bằng các văn bản pháp luật, nhằm tạo cơ sở pháp lý để thực hiện tốt công tác phổ biến, GDPL. Việc thể chế hóa đó được thể hiện trong Hiến pháp, luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác của Nhà nước.

Hiến pháp năm 2013 quy định: “Công dân có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp và pháp luật; tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và chấp hành những quy tắc sinh hoạt công cộng”.

Ngày 20/6/2012, Luật phổ biến, GDPL được Quốc hội ban hành đã khẳng định sự cần thiết, vai trò quan trọng của công tác GDPL cho toàn dân trong tình hình mới.

Trên cơ sở đường lối của Đảng, các văn bản pháp luật của Nhà nước, để cụ thể hóa hơn công tác phổ biến, GDPL trong giai đoạn mới, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ đã ban hành các văn bản quan trọng như:

– Chỉ thị số 02/1998/CT-TTg ngày 17/1/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường công tác phổ biến, GDPL trong giai đoạn hiện nay;

– Nghị quyết số 61/2007/NQ-CP ngày 07/12/2007 của Chính phủ về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 32/CT-TW của Ban Bí thư ngày 9/12/2003 về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, GDPL, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân;

– Quyết định số 37/2008/QĐ-TTg ngày 12/03/2008 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình phổ biến GDPL từ năm 2008 – 2012;

– Quyết định số 554/QĐ-TTg ngày 04/5/2009 của Thủ tướng Chính phủvề banhành Đề án tuyên truyền phổ biến pháp luật cho người dân nông thôn và đồng bào DTTS;

– Quyết định số 52/2010/QĐ-TTg ngày 18/8/2010 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ pháp lý nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người nghèo, đồng bào DTTS tại các huyện nghèo giai đoạn 2011 – 2020;

– Quyết định số 409/QĐ-TTg ngày 9/4/2012 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Đề án “Củng cố, kiện toàn và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong công tác phổ biến, GDPL đáp ứng yêu cầu đổi mới, phát triển của đất nước giai đoạn 2013 – 2016”;

– Quyết định số 59/2012/QĐ-TTg ngày 24/12/2012 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách trợ giúp pháp lý cho người nghèo, đồng bào DTTS tại các xã nghèo giai đoạn 2013 – 2020;

– Quyết định 09/2013/QĐ-TTg 24/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ về ban hành Quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở;

– Nghị định 28/2013/NĐ-CP 04/04/2013 của Chính phủ về Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phổ biến, GDPL;

– Thông tư liên tịch 14/2014/TTLT-BTC-BTP 27/01/2014 của Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp về quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, GDPL và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở.

Các văn bản trên đã nêu ra một cách khá cụ thể mục tiêu, yêu cầu, nội dung, hình thức và kế hoạch triển khai công tác phổ biến, GDPL, đó là cơ sở pháp lý quan trọng để các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các ban ngành, Mặt trận và các hội đoàn thể tỉnh Quảng Nam cụ thể hóa thành các giải pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh công tác phổ biến, GDPL nói chung và GDPL cho đồng bào DTTS nói riêng trên địa bàn tỉnh.

Chương 2

THỰC TRẠNG GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO

ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ Ở TỈNH QUẢNG NAM

2.1. Đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Nam

2.1.1. Đặc điểm về vị trí địa lý, tự nhiên

Quảng Nam là tỉnh một tỉnh đồng bằng vùng duyên hải Nam Trung bộ, có 16 huyện và 02 thành phố, trong đó, có 9 huyện miền núi. Tổng diện tích tự nhiên toàn tỉnh: 1.043.837 ha, trong đó, địa bàn miền núi chiếm 74,34% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, là địa bàn cư trú tập trung, lâu đời của các thành phần DTTS bản địa Cơ Tu, Xơ đăng, Gié – Triêng, Cor và một số DTTS Tày, Nùng, Mường…di cư từ phía Bắc vào. Dân số toàn tỉnh có trên 1,5 triệu người; trong đó đồng bào DTTS có 129.618 người, chiếm 7,52% dân số toàn tỉnh và chiếm 42% dân số miền núi.

2.1.2. Đặc điểm kinh tế – xã hội

Đồng bào DTTS ở Quảng Nam chủ yếu sống bằng nghề chính là nông nghiệp. Tuy tình hình kinh tế – xã hội của đồng bào DTTS trong những năm gần đây phát triển khá hơn nhưng nhìn chung vẫn còn nhiều khó khăn. Trình độ dân trí của đồng bào các DTTS còn thấp. Một số tập quán cũ có hại trong sản xuất và đời sống chưa được xóa bỏ triệt để. Đây chính là những khó khăn đặt ra cho công tác GDPL đối với đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh.

2.1.3. Đặc điểm về văn hóa

Đồng bào DTTS ở Quảng Nam có đời sống văn hóa phong phú, đa dạng, mỗi dân tộc có văn hóa và bản sắc dân tộc riêng. Trong đời sống, luật tục đang chi phối mạnh mẽ đến đời sống sinh hoạt của đồng bào các DTTS. Bên cạnh những mặt tích cực, tiến bộ, có một số luật tục trái với đạo đức và pháp luật của Nhà nước cần phải được xoá bỏ như: mẹ sinh con chết thì phải chôn con theo mẹ, quan niệm cái “chết xấu”, tục tảo hôn…

2.2. Thực trạng giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Nam

2.2.1. Tình hình ban hành văn bản quản lý của tỉnh Quảng Nam về giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số

Để lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện có hiệu quả công tác GDPL cho cán bộ, nhân dân nói chung và đồng bào DTTS nói riêng ở địa bàn tỉnh; trên cơ sở các văn kiện của Đảng và các văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ở Trung ương ban hành, cũng như tình hình thực tế tại địa phương; trong những năm qua, tỉnh Quảng Nam đã ban hành nhiều văn bản triển khai công tác GDPL ở các cấp, các ngành trong tỉnh. Ngoài các kế hoạch chung cho cả giai đoạn, hằng năm UBND tỉnh còn ban hành các kế hoạch cụ thể và một số văn bản khác để chỉ đạo, hướng dẫn các sở, ban, ngành và UBND các huyện của tỉnh tổ chức thực hiện công tác phổ biến, GDPL theo sát yêu cầu thực tế của địa phương. Trong 05 năm, từ 2009 đến 2014, UBND tỉnh đã ban hành 18 quyết định, 08 kế hoạch và 15 văn bản liên quan khác; Hội đồng phối hợp tỉnh đã ban hành 12 kế hoạch và 25 văn bản khác để chỉ đạo, hướng dẫn công tác phổ biến, GDPL. Hội đồng phối hợp các huyện, thành phố và các sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh đã ban hành 140 kế hoạch, cùng với 245 văn bản chỉ đạo.

2.2.2. Tổ chức bộ máy, nhân lực thực hiện giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Nam

Để công tác phổ biến, GDPL trên địa bàn tỉnh đạt hiệu quả, Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, GDPL được thành lập từ năm 1998, theo cấp chính quyền từ tỉnh đến xã và thường xuyên được kiện toàn, củng cố phù hợp yêu cầu nhiệm vụ của địa phương trong từng giai đoạn cụ thể. Hiện nay, Hội đồng phối hợp phổ biến GDPL của tỉnh gồm 32 thành viên. Bên cạnh đó, 18/18 huyện, thành phố của tỉnh, 85/85 xã của các huyện miền núi của tỉnh có đồng bào DTTS đã thành lập Hội đồng phối hợp của cấp mình với 2.356 thành viên, trong đó có 186 thành viên là người DTTS.

Về đội ngũ báo cáo viên pháp luật, năm 2003, đội ngũ báo cáo viên cấp tỉnh chỉ có 13 người, cấp huyện có 90 người; đến năm 2009, cấp tỉnh có 90 người, cấp huyện có 326 người; đến nay đội ngũ này ở cấp tỉnh là 99 người và cấp huyện là 359 người, trong đó có 25 báo cáo viên cấp huyện là người DTTS.

Đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở cũng được củng cố, kiện toàn. Trước năm 2009, đội ngũ tuyên truyền viên toàn tỉnh chỉ hơn 1.500 người; đến nay toàn tỉnh đã có 2.478 người, trong đó có trên 350 tuyên truyền viên cơ sở là người DTTS; 663 người có trình độ đại học hoặc trung cấp luật; 1.388 người có trình độ đại học hoặc trung cấp khác; và 427 người chưa qua đào tạo.

Cùng với đội ngũ tuyên truyền viên pháp luật, ở cấp xã còn đội ngũ hòa giải viên cơ sở. Tính đến tháng 01/2015, toàn tỉnh có 1.728 tổ hòa giải với 10.819 hòa giải viên (tăng hơn 2000 hòa giải viên so với năm 2009), trong đó có trên 500 hòa giải viên cơ sở là người DTTS. Tổng số câu lạc bộ trợ giúp pháp lý hiện có trên địa bàn tỉnh là 163 câu lạc bộ, trong đó 9 huyện miền núi của tỉnh có đồng bào DTTS sinh sống có 91 câu lạc bộ. Ngoài các lực lượng kể trên, hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 386 người có uy tín trong đồng bào DTTS theo Quyết định 18/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

2.2.3. Tổ chức thực hiện giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Nam

2.2.3.1. Hình thức tuyên truyền miệng pháp luật

Trong 5 năm qua (2009 – 2014), toàn tỉnh đã tổ chức được 2.250 buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho cán bộ cơ sở và đồng bào ở vùng DTTS với hơn 30.000 lượt người tham gia.

2.2.3.2. Về hoạt động giáo dục pháp luật của các cơ quan thông tin đại chúng và hệ thống loa truyền thanh cơ sở

Báo Quảng Nam, Đài Phát thanh – Truyền hình Quảng Nam đã mở các chuyên trang, chuyên mục: Pháp luật và đời sống”,Hộp thư bạn nghe đài”, “Hộp thư truyền hình”… phát thường kỳ mỗi tuần một lần trên báo và sóng đài tỉnh. Đặc biệt, Đài Phát thanh và Truyền hình Quảng Nam đã phát sóng chương trình truyền hình bằng tiếng dân tộc Cơ Tu vào tối thứ 6 và sáng thứ 7 hằng tuần với thời lượng 15-17 phút/buổi có lồng ghép các nội dung pháp luật. Việc tuyên truyền, GDPL qua hệ thống hệ thống loa truyền thanh là hình thức được các địa phương sử dụng có hiệu quả.

2.2.3.3. Biên soạn, phát hành tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật

Trong 5 năm (2009 – 2014), các địa phương, cơ quan, đơn vị trong tỉnh đã in và cấp phát hơn 10.000 tờ gấp, 1.000 đề cương luật, 5.000 tài liệu sách hỏi đáp, hướng dẫn nghiệp vụ; in, sao hơn 1.000 đĩa CD có nội dung là tiểu phẩm tuyên truyền pháp luật cấp phát cho cán bộ và nhân dân vùng đồng bào DTTS.

2.2.3.4. Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các hội thi, cuộc thi tìm hiểu pháp luật

Nhiều cuộc thi tìm hiểu pháp luật bằng hình thức sân khấu hoá dành cho đồng bào DTTS phù hợp với trình độ dân trí, phong tục, tập quán của đồng bào được tổ chức thu hút đông đảo người dân tham gia như hội thi “tuyên truyên viên giỏi”,hòa giải viên giỏi“, “cán bộ chi hội giỏi“, thi tìm hiểu về “Luật Hôn nhân và gia đình” và các cuộc thi viết tìm hiểu pháp luật khác.

2.2.3.5. Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua các hoạt động trợ giúp pháp lý

Trong 5 năm (2009 -2014) Trung tâm trợ giúp pháp lý tỉnh đã tổ chức 51 đợt trợ giúp pháp lý lưu động tại 49 xã nghèo và 21 thôn đặc biệt khó khăn các huyện miền núi của tỉnh có đồng bào DTTS sinh sống với tổng số lượt người tham dự là 6781 người với 2033 vụ việc.

2.2.3.6. Phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua tủ sách pháp luật, hoạt động của các câu lạc bộ

Hiện nay, 18/18 huyện, thành phố và 85/85 xã, thị trấn có đồng bào DTTS sinh sống đã có tủ sách pháp luật, phục vụ nhu cầu tra cứu, tìm hiểu pháp luật của cán bộ, nhân dân tại địa phương. Ngoài ra, toàn tỉnh có hơn 500 loại hình câu lạc bộ thu hút gần 30.000 hội viên tham gia, trong đó các huyện vùng núi cao và vùng đồng bào DTTS có 163 câu lạc bộ pháp luật; số lượng người DTTS là thành viên của các câu lạc bộ chiếm hơn 10

2.2.3.7. Giáo dục pháp luật thông qua công tác hòa giải ở cơ sở

Phổ biến, GDPL qua hoạt động hoà giải ở cơ sở là một trong các hình thức tuyên truyền, đơn giản, thiết thực và hiệu quả. Đến nay gần 100% thôn xã trong toàn tỉnh đã có tổ hòa giải với 1.728 tổ, 10.819 hòa giải viên; trong đó có 620 hòa giải viên cơ sở là người DTTS.

2.2.3.8. Việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Công tác bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ phổ biến, GDPL cho những người thực hiện công tác phổ biến, GDPL được được chú trọng. Trong 5 năm (2009 – 2014), Sở Tư pháp, Ban Dân tộc tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với các địa phương tổ chức hàng chục lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ phổ biến pháp luật, kỹ năng nghiệp tuyên truyền miệng, kỹ năng hòa giải ở cơ sở và bổ sung kiến thức pháp luật chuyên sâu cho công chức Tư pháp – Hộ tịch cấp xã, Tổ trưởng tổ hòa giải, báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật và hòa giải viên cơ sở, cán bộ ở địa phương và người có uy tín trong đồng bào DTTS.

2.2.3.9. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ người dân tộc thiểu số

Trong những năm qua, việc thực hiện chính sách pháp luật trong việc tuyển dụng, sử dụng, đào tạo, bồi dưỡng đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức người DTTS có nhiều bước chuyển biến rõ rệt. Tỉnh đã cử 1.958 cán bộ, công chức là người DTTS đi đào tạo chuyên môn; 920 cán bộ, công chức là người DTTS đi đào tạo lý luận chính trị từ Trung cấp trở lên.

2.2.3.10. Về nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số ở Quảng Nam

Do đặc thù về điều kiện tự nhiên, kinh tế, văn hóa – xã hội, ngoài nội dung pháp luật cần thiết phải thông tin, phổ biến giáo dục cho người dân nói chung, đồng bào DTTS ở Quảng Nam còn được quan tâm thông tin phổ biến các quy định pháp luật gắn trực tiếp với cuộc sống của đồng bào như quy định pháp luật về đất đai, bảo vệ phát triển rừng, khiếu nại, tố cáo, phòng, chống ma túy, hôn nhân và gia đình, đăng ký hộ tịch, pháp luật về hình sự, dân sự, bình đẳng giới; Luật hòa giải ở cơ sở, pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, bảo vệ môi trường; vệ sinh an toàn thực phẩm, các quy định về thực hiện quy chế dân chủ cơ sở…

2.2.3.11. Bố trí kinh phí thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

Hàng năm UBND tỉnh đã cấp kinh phí cho cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, GDPL tỉnh trung bình 120 triệu đồng/năm. Ở cấp huyện bố trí kinh phí mỗi năm từ 50 triệu đồng trở lên. Một số địa phương bố trí kinh phí từ 100 triệu đồng đến 300 triệu đồng. Ở cấp xã, kinh phí hằng năm bố trí cho công tác phổ biến, GDPL phổ biến từ 03 đến 05 triệu đồng.

2.3. Đánh giá công tác giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số ở tỉnh Quảng Nam

2.3.1. Những kết quả đạt được và nguyên nhân

2.3.1.1. Những kết quả đạt được

Thứ nhất, các chủ trương của Đảng và Nhà nước về công tác phổ biến, GDPL được các cấp uỷ Đảng, chính quyền tỉnh Quảng Nam cụ thể hóa bằng các văn bản chỉ đạo, quản lý cụ thể, tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc triển khai các hoạt động phổ biến GDPL.

Thứ hai, cơ cấu tổ chức, bộ máy, đội ngũ cán bộ thực hiện công tác phổ biến GDPL được xây dựng, củng cố, kiện toàn.

Thứ ba, các hình thức phổ biến, GDPL được sử dụng khá đa dạng và không ngừng được đổi mới phù hợp từng nhóm đối tượng, thiết thực với người dân hơn.

Thứ tư, nhiều nội dung pháp luật đã đi vào cuộc sống đã tạo điều kiện để đồng bào DTTS sử dụng pháp luật làm phương tiện, công cụ bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, của Nhà nước và của xã hội.

Thứ năm, công tác phổ biến, GDPL đã từng bước gắn với công tác giáo dục chính trị, tư tưởng phần nào làm giảm bớt đơn thư khiếu kiện vượt cấp, giảm thiểu các vi phạm pháp luật trên các lĩnh vực hình sự, dân sự, giao thông …

Thứ sáu, nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, GDPL nên tình trạng bạo lực gia đình, tảo hôn, vi phạm pháp luật đã giảm hẳn; đồng bào DTTS ngày càng thực hiện tốt hơn nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; hạn chế việc người dân vi phạm pháp luật vì không hiểu biết pháp luật.

2.3.1.2. Nguyên nhân của những kết quả đạt được

Một là, sự quan tâm của UBND tỉnh Quảng Nam trong việc chỉ đạo thành lập Hội đồng phối hợp phổ biến, GDPL từ tỉnh đến các xã, thị trấn; đồng thời chú trọng xây dựng đội ngũ báo cáo viên pháp luật và tuyên truyền viên ở cơ sở.

Hai là, hằng năm, UBND tỉnh xây dựng kế hoạch phổ biến, GDPL theo yêu cầu của từng giai đoạn, từng nhóm đối tượng. Nhờ vậy, công tác GDPL cho đồng bào DTTS được thực hiện một cách chủ động.

Ba là, sự phối hợp chặt chẽ giữa Sở Tư pháp tỉnh, Phòng Tư pháp các huyện với các cơ quan, ban, ngành và địa phương trong việc phổ biến, GDPL.

2.3.2. Những hạn chế, tồn tại và nguyên nhân

2.3.2.1. Những hạn chế, tồn tại

Thứ nhất, nhận thức về công tác tuyên truyền phổ biến, GDPL của một số cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương chưa đúng mức, từ trước đến nay, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Nam chưa có văn bản lãnh đạo, chỉ đạo công tác phổ biến, GDPL nói chung và phổ biến, GDPL cho đồng bào DTTS nói riêng.

Thứ hai, đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác GDPL cho đồng bào DTTS (chủ thể GDPL) ở Quảng Nam còn rất mỏng, đặc biệt là cán bộ người dân tộc, cán bộ biết tiếng dân tộc.

Thứ ba, hình thức GDPL tuy có đổi mới nhưng chủ yếu là các hình thức truyền thống. Việc tuyên truyền, GDPL thông qua hình thức sân khấu hoá chưa nhiều.

Thứ tư, một bộ phận người dân vùng DTTS vẫn còn thiếu hiểu biết hiểu biết và nhận thức pháp luật, khó có điều kiện tiếp nhận thông tin pháp luật.

Thứ năm, việc bố trí kinh phí cho công tác phổ biến, GDPL ở một số địa phương, đặc biệt là ở cấp cơ sở chưa được quan tâm đúng mức.

2.3.2.2. Nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém

* Nguyên nhân khách quan

Thứ nhất, hệ thống pháp luật nước ta chưa đồng bộ; tính ổn định của hệ thống pháp luật chưa cao, các văn bản pháp luật được ban hành hàng năm quá nhiều, lại thường xuyên sửa đổi, bổ sung. Thứ hai, một bộ phận người dân vùng đồng bào DTTS có trình độ dân trí còn thấp.

* Nguyên nhân chủ quan

Một là, công tác lãnh đạo, chỉ đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh chưa thật sự kiên quyết và chưa quan tâm đầu tư đúng mức cho công tác này.

Hai là, công tác tham mưu về tuyên truyền, phổ biến, GDPL của cơ quan tư pháp và cơ quan chuyên môn đôi khi chưa chủ động, kịp thời. Sự phối hợp giữa các cấp, các ngành, đoàn thể thiếu chặt chẽ và chưa đồng bộ. Hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến GDPL còn nhiều hạn chế.

Ba là, nội dung tuyên truyền, phổ biến GDPL cho người dân vùng DTTS còn nghèo nàn, đơn điệu, chưa có phương pháp tuyên truyền thực sự hấp dẫn, thu hút, lôi cuốn được đối tượng GDPL.

Bốn là, đội ngũ cán bộ chuyên trách GDPL còn ít, chưa thu hút là các tuyên truyền viên, cộng tác viên là người DTTS, người biết tiếng và hiểu tâm lý, phong tục, tập quán của dân tộc vào công tác phổ biến, GDPL cho đồng bào DTTS.

Năm là, việc đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào DTTS của các địa phương chưa được quan tâm đúng mức.

Giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số từ thực tiễn tỉnh Quảng Nam
Giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số từ thực tiễn tỉnh Quảng Nam

Chương 3

NHU CẦU, GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG GIÁO DỤC PHÁP LUẬT CHO ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ

3.1. Nhu cầu tăng cường công tác giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số

3.1.1. Nhu cầu phát triển kinh tế – xã hội

3.1.2. Nhu cầu bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân

3.1.3. Nhu cầu nâng cao ý thức pháp luật

3.2. Giải pháp tăng cường giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số

3.2.1. Bảo đảm tính hiện thực của chương trình, kế hoạch giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số

Đề nghị các cấp, các ngành, các địa phương tỉnh Quảng Nam cần phải cụ thể hoá các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về GDPL cho đồng bào DTTS thành các kế hoạch, chương trình cụ thể trong từng giai đoạn và có các giải pháp tổ chức thực hiện phù hợp; trong đó ngành Tư pháp đóng vai trò nòng cốt. Khi xây dựng kế hoạch, chương trình GDPL cho đồng bào DTTS phải đảm bảo phù hợp về nội dung, thời gian, địa điểm … để huy động được đông đảo đồng bào DTTS tham gia.

3.2.2. Đa dạng hóa hình thức giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số

3.2.2.1. Tăng cường hình thức tuyên truyền miệng và các phương tiện thông tin đại chúng

3.2.2.2. Tăng cường hơn nữa công tác hoà giải ở cơ sở

Đề nghị các cấp ủy Đảng và chính quyền địa phương cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sát sao kịp thời công tác hoà giải ở cơ sở.

3.2.2.3 Lồng ghép giáo dục pháp luật trong các hoạt động văn hóa, lễ hội truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số

Đề nghị quan tâm hơn nữa công tác tuyên truyền và GDPL cho đồng bào DTTS thông qua các lễ hội, sinh hoạt văn hóa dân gian. Bởi lẽ trong những năm qua tỉnh Quảng Nam chưa được phát huy tốt hình thức này trong việc GDPL cho đồng bào DTTS.

3.2.2.4. Kết hợp giáo dục pháp luật thông qua hoạt động xét xử của Toà án và hoạt động của các luật sư, luật gia, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật

3.2.3. Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật

3.2.4. Những giải pháp riêng cho Quảng Nam

3.2.4.1. Đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất công tác giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số trong tỉnh

Thứ nhất, đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Nam ban hành văn bản để lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác phổ biến, GDPL nói chung và đối với đồng bào DTTS nói riêng trên địa bàn tỉnh.

Thứ hai, đề nghị HĐND tỉnh Quảng Nam ban hành nghị quyết chuyên đề riêng về tăng cường công tác phổ biến, GDPL nói chung, trong đó ưu tiên một số cơ chế, chính sách đặc thù đối với đồng bào DTTS.

Thứ ba, đề nghị các cơ quan hành chính nhà nước địa phương xây dựng và thực hiện tốt kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, GDPL nói chung và GDPL cho đồng bào DTTS nói riêng ở cấp mình, ngành mình. Khen thưởng, động viên kịp thời các cơ quan, đơn vị cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phổ biến, GDPL.

Thứ tư, các đoàn thể quần chúng tích cực tuyên truyền GDPL cho hội viên, đoàn viên thông qua các hoạt động mang tính phong trào như: tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, các câu lạc bộ pháp luật, các hoạt động văn hóa, văn nghệ với nội dung GDPL theo từng chủ đề…

3.2.4.2. Tăng cường giáo dục pháp luật phải gắn với chăm lo phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao dân trí cho đồng bào dân tộc thiểu số

Cùng với việc chăm lo phát triển kinh tế – xã hội, cần nâng cao trình độ dân trí cho đồng bào DTTS. Kinh tế – xã hội phát triển, trình độ dân trí của đồng bào DTTS được nâng lên sẽ thúc đẩy hàng loạt các vấn đề khác, trong đó việc GDPL cho đồng bào DTTS cũng sẽ có hiệu quả hơn.

3.2.4.3 Giải quyết tốt vấn đề xung đột giữa luật tục của đồng bào dân tộc thiểu số và pháp luật của Nhà nước

Trong hệ thống các qui định của luật tục đồng bào DTTS có rất nhiều các qui định tiến bộ phù hợp với pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, cần kế thừa và phát huy những tinh hoa trong các luật tục này để vận dụng vào công tác tuyên truyền GDPL. Tuy nhiên, cũng có những luật tục, những nghi lễ tín ngưỡng lạc hậu, trái với quy định của pháp luật, đề nghị các cấp, các ngành, địa phương vận động đồng bào bỏ dần và tiến đến bỏ hẳn.

3.2.4.4. Bảo đảm kinh phí trong công tác GDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh

Đề nghị các ngành, các cấp cần bố trí hợp lý kinh phí, cơ sở vật chất cho công tác PBGDPL theo quy định của Luật phổ biến, GDPL và Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP của liên Bộ Tài chính và Bộ Tư pháp. Đề nghị tỉnh Quảng Nam tăng mức kinh phí phân bổ cho các huyện miền núi của tỉnh để đảm bảo thực hiện tốt công tác công tác GDPL cho đồng bào DTTS; hỗ trợ kinh phí nhiều hơn cho đối tượng tham gia các hội nghị tập huấn, tuyên truyền pháp luật; hỗ trợ kinh phí đầu tư nâng cấp hệ thống loa truyền thanh cơ sở.

KẾT LUẬN

Công tác phổ biến, GDPL là khâu đầu tiên của hoạt động thực thi pháp luật, là cầu nối để chuyển tải pháp luật vào đời sống. Vì vậy, trong công cuộc đổi mới hiện nay, công tác phổ biến, GDPL có vai trò quan trọng về nhiều mặt. Mục tiêu của công tác này là làm cho mỗi cá nhân nói riêng, cộng đồng xã hội nói chung không chỉ nắm vững pháp luật mà phải hiểu và làm theo pháp luật.

Những năm gần đây, công tác GDPL cho đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đạt được những kết quả đáng kể. Tuy nhiên, so với yêu cầu của công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội trong giai đoạn mới ở địa phương thì công tác này vẫn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu. Vì vậy, làm thế nào để công tác GDPL cho đồng bào DTTS ở Quảng Nam đạt được hiệu quả cao. Đó là mục đích và cũng là nội dung cơ bản của luận văn này.

Qua khảo sát, nghiên cứu, đánh giá thực trạng công tác GDPL cho đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; chương 2 của luận văn đã nêu ra thực trạng tình hình phổ biến, GDPL cho đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh với những kết quả đạt được và những tồn tại, hạn chế. Đồng thời chỉ ra những nguyên nhân khách quan và chủ quan. Từ phân tích và đánh giá đó, tác giả làm cơ sở cùng với lý luận tại chương 1 để từ đó đưa ra những giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác GDPL cho đồng bào DTTS ở Quảng Nam.

Việc nâng cao hiệu quả công tác GDPL cho đồng bào DTTS ở tỉnh Quảng Nam là một nhu cầu khách quan trong giai đoạn hiện nay, do đặc điểm riêng về kinh tế, văn hoá và xã hội của tỉnh Quảng Nam. Trong những năm qua, kinh tế – xã hội ở vùng miền núi của tỉnh nhìn chung phát triển còn chậm, đời sống của đồng bào DTTS còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, những luật tục lạc hậu vẫn giữ vai trò quan trọng trong đời sống cộng đồng, thiết chế xã hội truyền thống trong một số lĩnh vực được vận hành chủ yếu nhờ luật tục. Bởi vậy, để khắc phục những hạn chế đó cần áp dụng đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó tuyên truyền GDPL cho đồng bào DTTS là một tất yếu khách quan, có ý nghĩa quan trọng. Nếu người dân vùng DTTS hiểu biết pháp luật tốt, có ý thức tôn trọng và bảo vệ pháp luật thì hoạt động quản lý nhà nước, quản lý xã hội sẽ đạt hiệu quả cao. Ngược lại, nếu đồng bào có ý thức pháp luật hạn chế, có hành vi vi phạm pháp luật sẽ có tác động xấu đến xã hội, nên việc gương mẫu chấp hành pháp luật, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật của người dân phải được đặt lên hàng đầu.

Các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, GDPL cho đồng bào DTTS được đưa ra gồm các giải pháp chung như: bảo đảm tính hiện thực của chương trình, kế hoạch GDPL cho đồng bào DTTS; đa dạng hóa hình thức GDPL cho đồng bào DTTS và kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ thực hiện công tác phổ biến, GDPL. Bên cạnh đó, các giải pháp riêng cho Quảng Nam gồm: Đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất công tác GDPL cho đồng bào DTTS trong tỉnh; Tăng cường GDPL phải gắn với chăm lo phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao dân trí cho đồng bào DTTS; Giải quyết tốt vấn đề xung đột giữa luật tục của đồng bào DTTS và pháp luật của Nhà nước và bảo đảm kinh phí trong công tác GDPL cho đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh. Những giải pháp trên, có những giải pháp mang tính lâu dài, có những giải pháp cần giải quyết kịp thời trong tổ chức thực hiện. Do đó, việc nghiên cứu về đề tài này vừa có tính lý luận và tính thực tiễn, vừa giải quyết những vấn đề nội tại và định hướng một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả công tác GDPL cho đồng bào DTTS ở tỉnh Quảng Nam trong giai đoạn hiện nay.

LIỆN HỆ:

SĐT+ZALO: 0935568275

E:\DỮ LIỆU COP CỦA CHỊ YẾN\LUAN VAN VIEN HAN LAM\LUAT HANH CHINH\VO THI NGOC ANH\SAU BAO VE

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *