Tội phạm trên địa bàn quận Cẩm Lệ thành phố Đà Nẵng

Tội phạm trên địa bàn quận Cẩm Lệ thành phố Đà Nẵng

Tội phạm trên địa bàn quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng: Tình hình, nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa

1. Tính cấp thiết của đề tài

Đà Nẵng nằm trong vùng duyên hải Nam Trung Bộ, có diện tích 1.256,53 km² gồm 06 quận (Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Cẩm Lệ) và 02 huyện Hòa Vang, huyện đảo Hoàng Sa, là trung tâm kinh tế, chính trị, du lịch, giáo dục – đào tạo, khoa học – công nghệ của cả nước. Đà Nẵng nằm ở vị trí trọng yếu cả về kinh tế – xã hội và quốc phòng – an ninh của cả nước; là đầu mối giao thông rất quan trọng, được đánh giá là thành phố đáng sống nhất Việt Nam. Vì vây, Đà Nẵng luôn nhận được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong việc phát triển kinh tế – xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng. Xuất phát từ đặc thù về vị trí địa lý và tiềm năng sẵn có, đã đưa thành phố này trở thành một trong số các thành phố phát triển mạnh về loại hình du lịch và các dịch vụ đi kèm, hàng năm thu hút đông đảo khách thăm quan du lịch từ trong và ngoài ngưới, từ đó thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh sự phát triển kinh tế thì điều đáng lo ngại là vấn đề tội phạm và trật tự xã hội trên địa bàn, cùng với tình hình phức tạp của tội phạm trong cả nước, tình hình tội phạm trên địa bàn thành phố đang là vấn đề đáng lo ngại, tội phạm có chiều hướng gia tăng về số lượng, xuất hiện nhiều tội phạm mới và có diễn biến phức tạp, đặc biệt là tội phạm liên quan người nước ngoài. Quận Cẩm Lệ được thành lập ngày 05/8/2005 từ phường Khuê Trung của quận Hải Châu và 03 xã (xã Hoà Thọ, Hoà Phát, Hoà Xuân) của huyện Hoà Vang, hiện nay quận Cẩm Lệ có 06 phường, bao gồm: phường Khuê Trung, Hoà Thọ Đông, Hoà Thọ Tây, Hoà Phát, Hoà An và Hoà Xuân. Với diện tích 33,76 km², chiếm 2,63% diện tích toàn thành phố, dân số hiện nay là 159.295 người, chiếm 9,6% số dân toàn thành phố, mật độ dân số đạt 4.224 người/km², là quận nội thành duy nhất của thành phố Đà Nẵng không tiếp giáp với biển. Qua hơn 14 năm đi vào hoạt động, tình hình kinh tế – xã hội của Quận đã đạt được những kết quả đáng khích lệ, mức sống trung bình của người dân tăng lên đáng kể, quốc phòng – an ninh được giữ vững. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được thì điều đáng lo ngại là vấn đề tình hình tội phạm và trật tự xã hội trên địa bàn. Cùng với tình hình phức tạp về tội phạm của cả nước, tình hình tội phạm trên địa bàn quận Cẩm Lệ cũng đang có xu hướng tăng và diễn biến phức tạp đặc biệt là tội phạm về ma túy, lừa đảo chiếm đoạt tài sản do người nước ngoài thực hiện.

Đứng trước thực tế về tình hình tội phạm trên địa bàn, Chính quyền quận Cẩm Lệ đã chú trọng thực hiện đầy đủ chủ trương chung của Đảng và Nhà nước cũng như tăng cường các hoạt động nhằm khuyến khích người dân tăng cường đấu tranh phòng chống tội phạm trên địa bàn Quận. Tuy vậy, thực tế tình hình tội phạm trên địa bàn vẫn diễn biến phức tạp, số bị cáo bị xét xử mới tăng, tính chất nguy hiểm của tội phạm ngày càng nghiêm trọng hơn. Trước tình hình tội phạm ngày càng gia tăng về số vụ, số người phạm tội và tính chất nghiêm trọng, cho thấy cần tìm ra nguyên nhân của tình hình tội phạm, từ đó có chính sách và giải pháp phù hợp trong việc đấu tranh phòng ngừa tình hình tội phạm đang là vấn đề cần được quan tâm nghiên cứu.

Chính vì lẽ đó, tác giả lựa chọn đề tài: “Tội phạm trên địa bàn quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng: Tình hình, nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa” để làm luận văn thạc sỹ luật học.

2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài

3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

3.1. Mục đích nghiên cứu

Trên cơ sở làm rõ những vấn đề lý luận về tình hình tội phạm; thực tiễn tình hình tội phạm trên địa bàn quận Cẩm Lệ từ năm 2015 đến năm 2019; lý luận và thực tiễn nguyên nhân và điều kiện của tình hình tội phạm cũng như lý luận và thực trạng phòng ngừa tình hình tội phạm trên địa bàn Quận trong thời gian nói trên, luận văn đề xuất các giải pháp tăng cường phòng ngừa tình hình tội phạm trên địa bàn quận Cẩm Lệ trong thời gian tới.

3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

Để đạt được mục đích trên đây, luận văn thực hiện các nhiệm vụ:

– Phân tích khái quát những vấn đề lý luận về tình hình tội phạm;

– Phân tích thực tiễn tình hình tội phạm trên địa bàn quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng trong thời gian từ năm 2015 đến năm 2019;

– Phân tích những vấn đề lý luận về nguyên nhân và điều kiện của tình hình tội phạm;

– Nhận diện, đánh giá thực trạng nguyên nhân và điều kiện của tình hình tội phạm trên địa bàn quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng từ năm 2015 đến năm 2019;

– Phân tích những vấn đề lý luận về phòng ngừa tình hình tội phạm;

– Phân tích thực tiễn phòng ngừa tình hình tội phạm trên địa bàn quận Cẩm Lê, thành phố Đà Nẵng;

– Lập luận và đề xuất giải pháp tăng cường phòng ngừa tình hình tội phạm trên địa bàn quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng trong thời gian tới.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

4.1. Đối tượng nghiên cứu

Luận văn lấy các quan điểm khoa học đã được nêu ra trong tội phạm học Việt Nam về tình hình tội phạm, nguyên nhân và điều kiện của tình hình tội phạm; thực tiễn tình hình tội phạm, nguyên nhân và điều kiện của tình hình tội phạm và thực trạng phòng ngừa tình hình tội phạm trên địa bàn quận Cẩm Lệ, Tp. Đà Nẵng để nghiên cứu các vấn đề thuộc nội dung nghiên cứu của đề tài.

4.2. Phạm vi nghiên cứu

– Phạm vi chuyên ngành: Luận văn nghiên cứu dưới góc độ tội phạm học và phòng ngừa tội phạm;

– Phạm vi không gian và thời gian: Đề tài luận văn được nghiên cứu gắn với địa bàn quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng. Luận văn sử dụng các báo cáo, số liệu thống kê, đặc biệt là thống kê của Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng từ năm 2015 đến năm 2019.

5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu

5.1. Phương pháp luận

Luận văn được thực hiện trên cơ sở của phương pháp luận duy vật biện chứng và lịch sử của Chủ nghĩa Mác – Lênin; Tư tưởng Hồ Chí Minh; Đường lối, chủ trương của Đảng Cộng Sản Việt Nam và chính sách, pháp luật của Nhà nước về đấu tranh phòng, chống tội phạm.

5.2. Phương pháp nghiên cứu

Trong quá trình nghiên cứu, có sử dụng các phương pháp nghiên cứu cụ thể như: phương pháp hệ thống, thống kê, tổng hợp, phân tích, so sánh, quy nạp, diễn dịch và nghiên cứu hồ sơ từng vụ án cụ thể.

6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn

6.1. Ý nghĩa lý luận

Luận văn góp phần nhận thức đúng, đầy đủ và sâu sắc những vấn đề lý luận về tình hình tội phạm, về nguyên nhân, điều kiện của tình hình tội phạm và về phòng ngừa tình hình tội phạm, qua đó góp phần làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của việc xây dựng các giải pháp phòng ngừa tình hình tội phạm có hiệu quả trên địa bàn quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng.

6.2. Ý nghĩa thực tiễn

Luận văn có thể sử dụng làm tài liệu tham khảo cho hoạt động phòng ngừa tình hình tội phạm, nghiên cứu, giảng dạy, học tập tội phạm học tại các cơ sở đào tạo Luật ở nước ta.

7. Cơ cấu của Luận văn

Ngoài phần mở đầu và danh mục tài liệu tham khảo, luận văn gồm ba chương. Cụ thể là:

Chương 1: Tình hình tội phạm trên địa bàn quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng.

Chương 2: Nguyên nhân và điều kiện của tình hình tội phạm trên địa bàn quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng.

Chương 3: Các giải pháp tăng cường phòng ngừa tình hình tội phạm trên địa bàn quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng.

CHƯƠNG 1

TÌNH HÌNH TỘI PHẠM

TRÊN ĐỊA BÀN QUẬN CẨM LỆ, THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

    1. 1.1. Khái quát lý luận về tình hình tội phạm

1.1.1. Khái niệm, đặc điểm của tình hình tội phạm

Theo Đại từ Điển Tiếng Việt thì: “tình hình” được hiểu là “ trạng thái, xu thế phát triển của sự vật, hiện tượng với tất cả những sự kiện diễn ra, biến đổi trong đó” [51]. Dưới góc độ luật hình sự, tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm quyền con người, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa mà theo quy định của Bộ luật này phải bị xử lý hình sự [21].

Tình hình tội phạm là khái niệm (phạm trù) quan trọng của tội phạm học, bởi nghiên cứu các vấn đề về nguyên nhân và điều kiện cũng như các giải pháp phòng ngừa tình hình tội phạm phải bắt đầu từ việc nghiên cứu làm sáng tỏ thế nào là tình hình tội phạm. Hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau về tình hình tội phạm. Chẳng hạn có quan điểm cho rằng: Tình hình tội phạm là trạng thái, xu thế vận động của các tội phạm (nhóm tội phạm hoặc loại tội phạm) đã xảy ra trong đơn vị không gian và đơn vị thời gian xác định

Theo một quan điểm khác thì: Tình hình tội phạm là toàn bộ tình hình, cơ cấu, động thái, diễn biến của các loại tội phạm hay từng loại tội phạm trong một giai đoạn nhất định xảy ra trong một lĩnh vực, một địa phương, trong phạm vi quốc gia, khu vực hoặc toàn thế giới trong một khoảng thời gian nhất định [52].

Tội phạm trên địa bàn quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng: Tình hình, nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa
Tội phạm trên địa bàn quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng: Tình hình, nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa

Cũng có quan điểm cho rằng: Tình hình tội phạm là hiện tượng xã hội tiêu cực, thường xuyên thay đổi, giai cấp, pháp luật hình sự và được phản ánh bằng toàn bộ tình hình, cơ cấu, diễn biến của tổng thể các loại hoặc của một loại tội phạm đã xảy ra trong khoảng thời gian và trong một phạm vi nhất định [38].

Như vậy, đúng là hiện nay có nhiều quan điểm khác nhau về tình hình tội phạm. Tuy nhiên, xét trên nhiều phương diện, chúng tôi chia sẻ với quan điểm cho rằng “Tình hình tội phạm là một hiện tượng xã hội, pháp lý – hình sự, được thay đổi về mặt lịch sử, mang tính chất giai cấp, bao gồm tổng thể thống nhất (hệ thống) các tội phạm thực hiện trong một xã hội (quốc gia) nhất định và trong khoảng thời gian nhất định” [48, tr.54].

Từ khái niệm nêu trên có thể thấy tình hình tội phạm có đặc điểm:

Thứ nhất, Tình hình tội phạm là hiện tượng xã hội: Đây là thuộc tính quan trọng và căn bản nhất của tình hình tội phạm, xuất phát từ việc tình hình tội phạm được hình thành từ những hành vi xã hội được luật hình sự xem là tội phạm và do những cá nhân sống trong xã hội thực hiện dưới tác động qua lại của nhiều mối quan hệ xã hội. Mặt khác, tình hình tội phạm có tác động tiêu cực đến đời sống xã hội, xâm hại đến các quan hệ xã hội, phá vỡ những trật tự và giá trị vốn có của xã hội và khi tình hình xã hội thay đổi thì tình hình tội phạm cũng sẽ thay đổi theo.

Thứ hai, Tình hình tội phạm là hiện tượng pháp lý hình sự: Tội phạm là khái niệm được ghi nhận trong Bộ luật hình sự, nhiều hành vi phạm tội sẽ tạo nên tình hình tội phạm trong xã hội nhất định, đó là những hành vi bị luật hình sự cấm đoán thực hiện nên chế tài cho những hành vi đó được luật quy định chi tiết và đảm bảo thực thi bằng biện pháp cưỡng chế của Nhà Nước, đó gọi là hình phạt. Thuộc tính này thể hiện rõ nhất thông qua sự thay đổi của pháp luật hình sự trong cách ghi nhận hành vi nguy hiểm nào bị xem là tội phạm, theo đó việc thu hẹp hay mở rộng phạm vi trừng trị sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các thông số cơ bản của tình hình tội phạm trên thực tế.

Thứ ba, tình hình tội phạm là hiện tượng mang tính giai cấp: Bộ luật Hình sự là sản phẩm của giai cấp thống trị trong xã hội có giai cấp, tính giai cấp của tình hình tội phạm được thể hiện ở các nội dung: Tình hình tội phạm không phải là hiện tượng có trong mọi xã hội loài người mà nó chỉ ra đời cùng với sự xuất hiện tư hữu, có sự phân chia xã hội thành các giai cấp đối kháng, sự ra đời của nhà nước và khi có những mâu thuẫn giai cấp không thể điều hòa được, do đó tình hình tội phạm mất đi khi những mâu thuẫn giữa các giai cấp trong xã hội được giải quyết. Theo đó, giai cấp thống trị quy định hành vi nguy hiểm nào bị xem là tội phạm và từ đó xây dựng hệ thống các biện pháp trừng trị hành vi phạm tội, khi tương quan về lực lượng giữa các giai cấp trong xã hội thay đổi thì tình hình tội phạm cũng có sự thay đổi.

Thứ tư, tình hình tội phạm mang tính lịch sử: Tình hình tội phạm không phải là hiện tượng bất biến trong xã hội mà nó hình thành, thay đổi và mất đi trong những điều kiện lịch sử nhất định. Tình hình tội phạm thay đổi tùy thuộc vào sự phát triển của các hình thái kinh tế xã hội khác nhau trong lịch sử và ngay trong cùng một hình thái kinh tế xã hội nếu có sự thay đổi về cơ cấu kinh tế, cơ cấu xã hội, cơ cấu giai cấp thì tình hình tội phạm cũng có sự thay đổi. Ngoài ra, số lượng các hành vi bị coi là tội phạm trong những giai đọan lịch sử khác nhau là khác nhau.

Thứ năm, tình hình tội phạm là hiện tượng tiêu cực và nguy hiểm cho xã hội: So với các hiện tượng tiêu cực khác trong xã hội thì tình hình tội phạm vừa mang tính tiêu cực vừa thể hiện sự nguy hiểm cao nhất cho xã hội vì tội phạm gây ra những thiệt hại về mọi mặt cho đời sống xã hội, như: Thiệt hại về tài sản; thiệt hại về thể chất (tính mạng, sức khỏe); thiệt hại về tinh thần.

Thứ sáu, tình hình tội phạm được hình thành từ một thể thống nhất của các tội phạm cụ thể: Thể hiện sự thống nhất biện chứng giữa lượng và chất, giữa tình hình tội phạm và các tội phạm cụ thể cũng như tác động qua lại của chúng. Tình hình tội phạm được nhận thức ở mức độ chung khái quát và biện chứng từ những hành vi phạm tội cụ thể. Sự biến đổi của một tội phạm cụ thể sẽ kéo theo sự thay đổi của nhóm tội và tình hình tội phạm nói chung trong xã hội, như khi tội phạm ma túy tăng thì sẽ kéo theo sự gia tăng của nhóm tội xâm phạm quyền sở hữu, xâm phạm tính mạng sức khỏe.

Thứ bảy, tình hình tội phạm là hiện tượng mang tính không gian và thời gian xác định vì tình hình tội phạm xuất hiện gắn bó chặt chẽ với các phạm vi không gian nhất định như: Toàn quốc, phạm vi vùng, phạm vi địa phương hoặc phạm vi nghành, lĩnh vực. Phạm vi thời gian có thể là 10 năm hay 5 năm.

Tình hình tội phạm là một hiện tượng xã hội, pháp lý xảy ra trên thực tế, cho dù hành vi phạm tội có bị phát hiện và xử lý bằng chế tài hình sự hay không thì sau khi xảy ra, hành vi đã gây ảnh hưỡng xấu đến đời sống của xã hội. Tuy nhiên, do tính chất phức tạp của tội phạm nên không phải tất cả các tội phạm đều đã bị phát hiện và xử lý mà trong số đó có nhiều hành vi phạm tội đã xảy ra nhưng không bị phát hiện và trừng trị. Hay nói cách khác dưới góc độ nhận thức thì tình hình tội phạm được tạo nên từ phần hiện và phần ẩn của tình hình tội phạm, trong đó, phần hiện của tình hình tội phạm được hiểu là toàn bộ những hành vi phạm tội đã xảy ra và chủ thể của những hành vi đó đã bị xử lý hình sự. Còn phần ẩn của tình hình tội phạm là bộ phận của tình hình tội phạm bao gồm những tội phạm đã xảy ra do nhiều nguyên nhân khác nhau mà không bị phát hiện hoặc không bị xử lý về hình sự hoặc bị xử lý về hình sự mà không có trong thống kê hình sự.

1.1.2. Phần hiện của tình hình tội phạm

1.1.2.1. Các chỉ số (thông số) về lượng của tình hình tội phạm

  1. Mức độ (thực trạng) của tình hình tội phạm

Mức độ của tình hình tội phạm là số lượng các tội phạm đã được thực hiện và những người thực hiện các tội phạm đó trong một phạm vi địa lý và khoảng thời gian nhất định. Thông thường mức độ của tình hình tội phạm thường được khảo sát trên các phương diện như mức độ tổng quan, mức độ nhóm và mức độ hành vi.

Mức độ tổng quan: Được xác định bằng tổng số vụ án và tổng số bị cáo đã được đưa ra xét xử trong một đơn vị hành chính nhất định và trong một khoảng thời gian nhất định. Mức độ tổng quan thể hiện qua chỉ số tội phạm và cơ số hành vi phạm tội. Trong đó, chỉ số tội phạm được tính bằng tổng số vụ phạm tội trên 10.000 dân trong một năm. Cơ số hành vi phạm tội được tính bằng số hành vi phạm tội (số bị cáo) trên 10.000 dân trong một năm. Căn cứ vào các chỉ số, bằng thực tiễn nghiên cứu người ta phân chia thành các mức độ nào là bình thường, mức độ nào là nguy hiểm, đáng báo động. Thông qua đối chiếu với chỉ số của tình hình tội phạm có thể đánh giá tính chất của tình hình tội phạm tại một đơn vị hành chính, từ đó xác định khu vực nào có tình hình tội phạm nghiêm trọng hơn.

Mức độ nhóm: Là tổng số vụ phạm tội của một nhóm tội phạm nào đó trong tổng số vụ án đã xảy ra. Mức độ tội phạm cụ thể là tổng số vụ phạm tội của một tội phạm cụ thể nào đó trong tổng số vụ án đã xảy ra.

Mức độ hành vi: Mức độ hành vi phạm tội ở một tội danh là số lần tội danh đó được Tòa án áp dụng để tuyên các bị cáo phạm tội trên một phạm vi trong khoảng thời gian nhất định.

  1. Động thái (diễn biến) của tình hình tội phạm

Động thái (diễn biến) của tình hình tội phạm là sự phản ánh xu hướng tăng, giảm, ổn định tương đối của tình hình tội phạm nói chung (hoặc một nhóm tội phạm hoặc một tội phạm) trên một địa bàn cụ thể, trong một khoảng thời gian nhất định. Thông thường để khảo sát được diễn biến của tình hình tội phạm trên một địa bàn trong một chu kỳ nhất định, người ta chọn năm thứ nhất của chu kỳ là năm gốc, số liệu về tổng số vụ và số người phạm tội trong năm đó được tính là 100%. Sau đó ta lấy số liệu về tổng số vụ phạm tội và người phạm tội của các năm tiếp theo đối chiếu với số liệu của năm gốc để tìm ra xu thế tăng hay giảm của các năm tiếp theo (tính theo tỷ lệ %). Qua đó, không những giúp đánh giá được xu hướng tăng, giảm hay ổn định tương đối của một chu kỳ mà còn giúp cho việc dự đoán có cơ sở về xu hướng vận động của tình hình tội phạm trong những năm tiếp theo, từ đó giúp xây dựng và áp dụng các biện pháp phòng ngừa tình hình tội phạm sát với thực tế.

Diễn biến của tình hình tội phạm trên thực tế thường bị tác động bởi các yếu tố sau:

Một là, các yếu tố xã hội: Sự phát triển hay suy thoái của nền kinh tế, vấn đề việc làm, tỷ lệ thất nghiệp, nhập cư, gia tăng dân số, khoảng cách giàu nghèo, hay sự suy thoái về mặt đạo đức trong xã hội. Khi điều kiện xã hội thay đổi sẽ tác động đến diễn biến của nhóm tội và tội phạm cụ thể.

Hai là, các yếu tố pháp lý: Khi các yếu tố pháp lý, đặc biệt là pháp luật hình sự thay đổi thì sẽ dẫn đến sự thay đổi của diễn biến của tình hình tội phạm, như: Sự nghiêm khắc của chế tài hình sự, hay việc quy định hành vi nào là tội phạm, không phải là tội phạm.

1.1.2.2. Các chỉ số (thông số) về chất của tình hình tội phạm

a) Cơ cấu của tình hình tội phạm

Cơ cấu của tình hình tội phạm là tỷ trọng và mối tương quan của các loại tội phạm khác nhau trong số lượng chung của chúng trên một địa bàn trong một khoảng thời gian nhất định.

Hiện nay, có nhiều quan điểm khác nhau về cách phân chia cơ cấu của tình hình tội phạm phụ thuộc vào sự khác nhau về mục đích nghiên cứu. Tuy nhiên, về cơ bản có thể phân chia như sau:

Cơ cấu theo nhóm tội: Cơ cấu này được tính theo tỷ trọng giữa các tội đã xảy ra trong cùng một nhóm được quy định trong Bộ luật Hình sự với tổng số các tội phạm đã xảy ra. Nghĩa là nếu coi tổng số các tội phạm đã xảy ra trong một thời gian nhất định trên một địa bàn là 100%, ta phải xác định các nhóm tội phạm đã xảy ra chiếm bao nhiêu % trong tổng số đó.

Cơ cấu theo tội danh cụ thể: Loại cơ cấu này được tính bằng tỷ trọng giữa tội danh cụ thể đã xảy ra với tổng số tội phạm đã xảy ra của một nhóm tội trên một địa bàn trong một thời gian nhất định. Thông qua việc xác định theo cơ cấu từng tội danh cụ thể để biết được tỷ trọng từng tội trong nhóm tội và làm rõ tội nào là nổi cộm nhất để tập trung tìm ra nguyên nhân, điều kiện và định hướng phòng ngừa.

Cơ cấu theo hình thức phạm tội: Theo đó cơ cấu nhóm này được xác định dưới hình thức là đơn lẻ hay đồng phạm trong đó có tội phạm có tổ chức. Loại cơ cấu này xác định tỷ lệ phần trăm của từng hình thức phạm tội đó chiếm bao nhiêu trong tổng số tội phạm đã xảy ra trên một địa bàn trong khoảng thời gian nhất định.

Cơ cấu theo địa bàn phạm tội: Loại cơ cấu này xác định tỷ lệ tội phạm đã xảy ra theo địa bàn hành chính tỉnh so với toàn quốc, hay huyện, xã đã xảy ra so với tổng số tội phạm trên địa bàn tỉnh. Cơ cấu theo địa bàn phạm tội có ý nghĩa trong việc xác định nguyên nhân điều kiện gắn với địa bàn cụ thể, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp với từng địa bàn.

Cơ cấu theo đặc điểm nhân thân của người phạm tội: Mỗi cá nhân người phạm tội có đặc điểm nhân thân khác nhau tác động đến việc thực hiện hành vi phạm tội. Theo đó, cơ cấu theo đặc điểm nhân thân bao gồm tập hợp của nhiều cơ cấu bởi vì mỗi đặc điểm nhân thân lại được đặc trưng bởi một cơ cấu như: Cơ cấu tội phạm theo độ tuổi, theo giới tính, tôn giáo,… Tùy thuộc vào mục đích nghiên cứu để lựa chọn loại cơ cấu cụ thể nghiên cứu.

Cơ cấu theo loại hình phạt được quy định trong Bộ luật Hình sự: Theo quy định của Bộ luật Hình sự thì hình phạt bao gồm hình phạt chính và hình phạt bổ sung. Trong đó, hình phạt chính gồm: Cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, trục xuất, tù có thời hạn, tù chung thân, tử hình. Hình phạt bổ sung gồm: Cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định; cấm cư trú; quản chế; tước một số quyền công dân; tịch thu tài sản; phạt tiền; trục xuất. Cơ cấu này xác định tỷ lệ áp dụng của từng loại hình phạt trong tổng số tội phạm đã xảy ra.

Ngoài ra, bên cạnh những cơ cấu đã trình bày trên, tình hình tội phạm còn có thể được nghiên cứu theo các dạng cơ cấu khác, như: Cơ cấu theo hình thức lỗi; cơ cấu theo đặc điểm công cụ, phương tiện phạm tội, thời gian phạm tội; cơ cấu theo đặc điểm mối quan hệ của nạn nhân với người phạm tội, cơ cấu theo động cơ phạm tội.

Từ việc nghiên cứu về cơ cấu của tình hình tội phạm theo những tiêu chí khác nhau, người nghiên cứu có thể rút ra những đặc điểm đặc trưng có tính nổi bật của tình hình tội phạm và những đặc điểm này được gọi là tính chất của tình hình tội phạm. Việc đánh giá tính chất của tình hình tội phạm có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng các biện pháp phòng ngừa tình hình tội phạm. Biện pháp phòng ngừa trước hết phải xuất phát từ các nguyên nhân, điều kiện của tình hình tội phạm sau đó phải căn cứ vào tính chất của tình hình tội phạm. Chỉ như vậy thì các giải pháp phòng ngừa mới có phát huy tính khả thi và hiệu quả trên thực tế. Nghiên cứu cơ cấu của tình hình tội phạm thực chất là tìm hiểu nội dung bên trong của tình hình tội phạm, tìm ra những điểm riêng biệt của nó.

b) Chỉ số (Thông số) về tính chất của tình hình tội phạm

Thông qua việc đánh giá các chỉ số về lượng như trình bày ở trên thấy được tính nguy hiểm, tính nghiêm trọng cũng như xu hướng của tình hình tội phạm…Mặt khác ẩn sâu trong những số liệu cụ thể về tình hình tội phạm là chỉ số về chất của tình hình tội phạm. Trong số những chỉ số về chất của tình hình tội phạm ngoài chỉ số về cơ cấu của tình tình hình tội phạm như đã khái quát trên đây, còn có chỉ số về tính chất của tình hình tội phạm, thể hiện thông qua các số liệu như sau:

Một là, thể hiện ở số liệu các tội phạm nguy hiểm nhất cho xã hội, các đặc điểm của nhân thân người phạm tội trong cơ cấu của tình hình tội phạm.

Hai là, Các chỉ số về sự thiệt hại của tình hình tội phạm: Trên thực tế trong nhiều trường hợp cần phải xem xét chỉ số về sự thiệt hại để đánh giá được tính nguy hiểm của tình hình tội phạm. Cụ thể bao gồm: Chỉ số thiệt hại về vật chất như: tài sản bị hư hỏng, mất mát; Chỉ số nạn nhân do tội phạm gây ra như: số người bị chết, bị thương; Chỉ số về chi phí cho việc khắc phục hậu quả do tội phạm gây ra; chỉ số cho các chi phí của cơ quan bảo vệ pháp luật đấu tranh phòng chống tội phạm; Chỉ số về các chi phí khác mà nhà nước phải chi vì hậu quả của tội phạm như: chi phí nuôi trẻ mồ côi, chi phí xử lý ô nhiễm môi trường; Chỉ số không tính được bằng tiền như uy tín của Đảng và Nhà nước.

Như vậy, chỉ số về chất của tình hình tội phạm phản ánh mức độ nguy hiểm khác nhau, mức độ nghiêm trọng khác nhau ở từng khu vực trong những khoảng thời gian khác nhau thông qua tương quan và tỷ lệ giữa các thành phần tạo nên cấu thành của tình hình tội phạm như tỷ lệ giữa tội nghiêm trọng và tội ít nghiêm trọng, tỷ lệ giữa tội phạm do người trẻ thực hiện và người trưởng thành thực hiện, giữa tội cố ý và tội vô ý.

1.1.3. Phần ẩn của tình hình tội phạm

Tình hình tội phạm được tạo nên bởi tội phạm rõ (hiện) và tội phạm ẩn. Bởi vậy việc nghiên cứu về khái niệm, đặc điểm và nguyên nhân của tội phạm ẩn có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng các biện pháp đấu tranh phòng ngừa. Tội phạm ẩn là các tội phạm đã xảy ra trên thực tế nhưng trong thống kê tội phạm lại không có thông tin ghi nhận, nguyên nhân có thể do những tội phạm này không bị phát hiện và xử lý về hình sự, hoặc tuy đã được phát hiện nhưng không được xử lý về hình sự, hoặc có thể các tội phạm đã được xử lý về hình sự nhưng chưa có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật, hoặc có thể vì không được đưa vào thống kê tội phạm. Qua đó có thể thấy được tội phạm ẩn có thể bắt nguồn từ cả nguyên nhân khách quan và nguyên nhân chủ quan từ phía các nhà thực thi pháp luật. Tình hình tội phạm ẩn có thể xuất phát từ các nguyên nhân cụ thể như sau: Xuất phát từ phía nạn nhân của tội phạm: Theo đó trong nhiều trường hợp nạn nhân không tố cáo hành vi phạm tội, việc không tố cáo có thể do lo sợ bị trả thù hay do không tin tưởng vào cơ quan bảo vệ pháp luật; Nguyên nhân xuất phát từ phía người phạm tội: Trong trường hợp này tội phạm bị ẩn do người phạm tội thực hiện hành vi tinh vi, xảo quyệt nhằm che dấu hành vi phạm tội, từ đó các cơ quan tiến hành tố tụng không thể phát hiện ra tội phạm; Nguyên nhân xuất phát từ phía các cơ quan chức năng: Thực tế cho thấy trong nhiều trường hợp người tiến hành tố tụng do có quen biết nên cố tình bao che tội phạm hay nhiều trường hợp vì thiếu trách nhiệm nên không phát hiện ra hành vi phạm tội từ đó dẫn đến việc tội phạm không bị xử lý và thống kê theo quy định.

Hiện nay, khi nói về tội phạm ẩn có thể chia làm 03 loại gồm: Tội phạm ẩn tự nhiên, tội phạm ẩn nhân tạo và tội phạm ẩn do thống kê.

Tội phạm ẩn tự nhiên: Được hiểu là tất cả những tội phạm đã xảy ra trên thực tế nhưng các cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án) không phát hiện ra do không có thông tin về tội phạm. Loại tội phạm ẩn này chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số tội phạm ẩn, xuất phát từ sự tinh vi xảo quyệt của đối tượng khi thực hiện hành vi phạm tội cũng như việc họ sử dụng công nghệ, phương tiện kỹ thuật mà với năng lực hiện tại của các cơ quan tiến hành tố tụng không thể phát hiện và xử lý. Bên cạnh đó cũng có thể xuất phát từ việc người bị hại hay những người làm chứng mặc dù biết được hành vi phạm tội nhưng đã không tố giác đến các cơ quan có thẩm quyền để thụ lý và giải quyết theo quy định của pháp luật.

Tội phạm ẩn nhân tạo: Nếu như tội phạm ẩn tự nhiên là do các cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tư pháp không phát hiện dẫn đến hành vi phạm tội không bị trừng trị theo quy định của pháp luật thì tội phạm ẩn nhân tạo xuất phát từ lỗi của các cá nhân, cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử. Hay nói cách khác, những tội phạm đó xã xảy ra trên thực tế, các cơ quan có thẩm quyền đã biết được thông tin, tuy nhiên vì nhiều lý do mà hành vi phạm tội đó không bị xử lý và trừng trị theo quy định của pháp luật, những lý do này có thể xảy ra trong giai đoạn tiếp nhận nguồn tin, tiến hành xác minh nguồn tin, điều tra vụ án hay giai đoạn truy tố và thậm chí là xét xử vụ án.

Tội phạm ẩn thống kê: là trường hợp có hành vi phạm tội xảy ra trên thực tế, người thực hiện hành vi đã bị xử lý bằng chế tài hình sự nhưng lại không được đưa vào thống kê. Để xảy ra tình trạng như vậy có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó việc không thống nhất về thời điểm bắt đầu và thời điểm kết thúc của năm số liệu cũng là một vấn đề.

Phương pháp xác định tội phạm ẩn: Để xác định tội phạm ẩn, hiện nay có một số các phương pháp sau:

Một là, Phương pháp điều tra về tội phạm tự tường thuật: Phương pháp này đòi hỏi cần phải bảo đảm an toàn, đồng thời phải cam kết bảo vệ bí mật danh tính của người tham gia tự tường thuật về tội phạm mà họ đã thực hiện, nhằm để họ không phải lo lắng về những điều mà mình đã khai ra với cơ quan điều tra cũng như sợ hãi về việc họ sẽ bị bắt giữ và bị xử lý về hình sự do đã thực hiện tội phạm. Đối tượng các nhà điều tra hướng tới thường là những người trẻ tuổi, bởi họ là nhóm có nguy cơ phạm tội cao.

Hai là, Phương pháp điều tra về nạn nhân của tội phạm: Nạn nhân là các đối tượng đặc biệt, họ bị tổn thất về sức khỏe, tinh thần và vật chất do hành vi phạm tội gây ra. Khác với phương pháp điều tra về tội phạm tự tường thuật, điều tra về nạn nhân của tội phạm cũng có cách thức điều tra khác biệt. Qua đó bức tranh về tình hình tội phạm sẽ đầy đủ hơn và giúp cho công tác phòng ngừa tội phạm đạt được kết quả tốt hơn.

Ngoài ra hai phương pháp trên, trong một số trường hợp có thể sử dụng phương pháp khác như thăm dò xã hội.

Qua đó có thể nhận định là tội phạm ẩn có thể tồn tại ở mọi nhóm tội khác nhau và xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên, cho dù xuất phát từ nguyên nhân nào đi nữa thì việc tồn tại tội phạm ẩn đã dẫn đến việc đánh giá tình hình tội phạm khó khăn hơn, từ đó các biện pháp đấu tranh phòng ngừa tình hình tội phạm sẽ khó để phát huy hết giá trị trên thực tế.

    1. 1.2. Tình hình tội phạm trên địa bàn quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng

1.2.1. Phần hiện của tình hình tội phạm trên địa bàn quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng

1.2.1.1. Mức độ (thực trạng) của tình hình tội phạm trên địa bàn quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng

Mức độ (thực trạng) của tình hình tội phạm trên địa bàn quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng được nghiên cứu trong luận văn là số lượng các tội phạm đã được thực hiện và những bị cáo đã bị xét xử về tội phạm đó trong phạm vi quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng trong khoản thời gian từ năm 2015 đến năm 2019.

Tất cả số liệu về thực trạng tình hình tội phạm trên điạ bàn quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Năng đã được tác giả thu thập từ các báo cáo tổng kết tại Cơ quan cảnh sát điều tra Công an quận Cẩm Lệ, Viện kiểm sát nhân dân quận Cẩm Lệ, Tòa án nhân dân quận Cẩm Lệ, Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng trong thời gian từ năm 2015 đến năm 2019.

  1. Mức độ tổng quan tuyệt đối

Theo số liệu thống kê của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng được mô tả tại Bảng 1.1 (Phần phụ lục) cho thấy mức độ tổng quan tuyệt đối của tình hình tội phạm trên địa bàn quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng trong 05 năm qua (từ năm 2015 đến năm 2019) là 256 vụ án/295 bị cáo bị xét xử, ngoài ra có thể thấy số vụ phạm tội và số bị cáo trên địa bàn Quận có xu hướng tăng từ 44 vụ/52 bị cáo vào năm 2015 lên 65 vụ/74 bị cáo vào năm 2019.

b. Mức độ tổng quan so sánh

Khi đánh giá về mức độ tổng quan của tình hình tội phạm trên địa bàn quận Cẩm Lệ, thành phố Đà Nẵng so với toàn thành phố Đà Nẵng trong thời gian 05 năm từ năm 2015 đến năm 2019, tác giả đã khái quát chung lại trên cơ sở tổng số vụ/số bị cáo phải xét xử sơ thẩm ở quận Cẩm Lệ so với tổng số vụ/số bị cáo phải xét xử sơ thẩm trên toàn thành phố Đà Nẵng (nội dung này được mô tả tại Bảng 1.2 phần phụ lục) .

Xem xét về tỷ lệ số vụ án đã xét xử trên địa bàn quận Cẩm Lệ trên tổng số vụ án đã xét xử trên toàn thành phố Đà Nẵng được mô tả tại Bảng 1.2 (Phần phụ lục) có thể thấy tỷ lệ qua các năm từ năm 2015 đến năm 2019 xu hướng tăng về số vụ phạm tội được nhìn thấy ở cả trên địa bàn quận Cẩm Lệ và toàn thành phố, tuy nhiên khi so với sự gia tăng của toàn thành phố Đà Nẵng có thể thấy là tỷ lệ số vụ phạm tội của quận Cẩm Lệ tăng từ đầu thời kỳ đến cuối thời kỳ đánh giá. Cụ thể số vụ án được đưa ra xét xử ở quận Cẩm Lệ so với thành phố Đà Nẵng qua các năm như sau:

– Năm 2015 số vụ là 44/615 – chiếm tỷ lệ 7,15%;

– Năm 2016 số vụ là 45/632 – chiếm tỷ lệ 7,12%;

– Năm 2017 số vụ là 44/644 – chiếm tỷ lệ 6,83%;

– Năm 2018 số vụ là 58/665 – chiếm tỷ lệ 8,72%;

– Năm 2019 số vụ là 65/712 – chiếm tỷ lệ 9,13%.

Xem xét về tỷ lệ số bị cáo bị xét xử ở TAND quận Cẩm Lệ so với toàn thành phố được mô tả tại Bảng 1.2 (Phần phụ lục) cho thấy so với tỷ lệ của năm 2015 (4.99%) thì có sự giao động theo hướng tăng trong các năm từ 2016, 2019 (tỷ lệ lần lượt là 5.48% và 5.64%) và giảm vào các năm 2017, 2018 (tỷ lệ lần lượt là 4.55% và 4.98%), điều này chứng tỏ mức độ phức tạp của tình hình tội phạm ngày càng gia tăng, mỗi vụ án không đơn thuần chỉ có một bị cáo mà có thể có nhiều bị cáo phạm tội có tổ chức phát sinh trên địa bàn Quận. Nhìn chung, số lượng bị cáo trên địa bàn quận Cẩm Lệ và toàn thành phố đều tăng trong suốt thời kỳ khảo sát, chỉ duy nhất giảm vào năm 2017 với chỉ 51 bị cáo ở quận Cẩm Lệ. Số liệu này cho thấy công tác phòng ngừa tội phạm trên địa bàn quận Cẩm Lệ chưa mang lại hiệu quả cao, mức độ tăng về số vụ và số lượng bị cáo so vơi toàn thành phố còn nhiều.

Đánh giá xu hướng của tình hình tội phạm trên địa bàn quận Cẩm Lệ, Tp. Đà Nẵng: Với những nhận định trên cơ sở số liệu thống kê xét xử hình sự của TAND quận Cẩm Lệ và TAND Tp. Đà Nẵng trong thời gian từ năm 2015 đến năm 2019 như đã phân tích trên, cho phép đánh giá xu hướng của tình hình tội phạm như sau: Trước hết tình hình tội phạm luôn biến động, có thể có phát sinh tăng hoặc giảm nhưng mức độ biến động tăng không lớn, cụ thể biến động ít nhất là năm 2015, 2016 và 2017, theo đó trong 03 năm này, số vụ chỉ chênh lệnh nhau 01 vụ, tuy nhiên sau đó chứng kiến sự biến động tăng cao nhất vào năm 2018 tăng 14 vụ so với năm 2017 (từ 44 vụ lên 58 vụ, tăng 31,82%), tiếp tục tăng vào năm 2019 (từ 58 vụ lên 65 vụ, tăng 12,07%). Trong những năm tới chính quyền địa phương đang tăng cường kiểm soát tình hình tội phạm, nên số vụ án và tỷ lệ vụ án so với toàn thành phố Đà Nẵng được kỳ vọng sẽ giảm. Tuy nhiên, điều này phụ thuộc ở những yếu tố kinh tế xã hội và hiệu quả thực tế của công tác phòng ngừa tình hình tội phạm trên địa bàn Quận cũng như địa bàn toàn thành phố trong thời gian tới.

Để nghiên cứu mức độ của tình hình tội phạm trên một địa bàn trong khoảng thời gian nhất định, cần nghiên cứu cả cơ số tội phạm, bởi cơ số tội phạm là chỉ số khái quát nhất về mức độ của tình hình tội phạm đối với một đơn vị hành chính, trong một đơn vị thời gian nhất định là 1 năm và được tính bằng số tội phạm hoặc số người phạm tội trên 100.000 dân hoặc trên 10.000 dân (Bảng 1.3 phần phụ lục).

Theo số liệu của cục thống kê thành phố Đà Nẵng, dân số quận Cẩm Lệ lần lượt trong các năm từ 2015 đến 2019 là: 108.704 người, 111.468 người, 114.270 người, 133.813 người, 159.295 người. Trên cơ sở dân số của quận Cẩm Lệ và thành phố Đà Nẵng kết hợp với số liệu vụ án và bị cáo xét xử sơ thẩm ở quận Cẩm Lệ trong 05 năm từ năm 2015 đến năm 2019 ta sẽ xây dựng được cơ số phạm tội trên địa bàn quận Cẩm Lệ theo Bảng 1.3 (Phần phụ lục).

Từ số liệu thống kê trên cho thấy, trên địa bàn quận Cẩm Lệ có cơ số tội phạm thấp, tức là mức độ tội phạm phổ biến trong dân cư thấp, cứ trong 10.000 dân thì năm 2015 có 4,05vụ/4,78 bị cáo; năm 2016 có 4,04 vụ/5,02 bị cáo; năm 2017 có 3,85 vụ/4,46 bị cáo; năm 2018 có 4,33 vụ/4,63 bị cáo; năm 2019 có 4,08 vụ/4,65 bị cáo. Biến động về cơ số tội phạm trên địa bàn tương đối đều trong thời gian từ năm 2015 đến 2019 về cả số vụ và số bị cáo, trong đó về số vụ thì có sự tăng nhẹ ở cuối kỳ so với đầu kỳ, tuy nhiên điều đặc biệt là ghi nhận một sự giảm mạnh vào năm 2017 với tỷ lệ thấp nhất về số vụ/10.000 dân (chỉ 3,85 vụ/10.000 dân), về số lượng bị cáo thì ghi nhận sự giảm nhẹ ở cuối kỳ so với đầu kỳ, tuy nhiên có sự tăng lớn về số lượng bị cáo vào năm 2016 với tỷ lệ 5,02 bị cáo/10.000 dân. Số liệu này cho thấy tính trên 10.000 dân thì số vụ phạm tội tuy không giảm mạnh nhưng mức tăng tương đối thấp, còn số bị cáo thì có xu hướng giảm, cho thấy chính quyền đã đảm bảo kiểm soát và khống chế tốt tình hình tội phạm tuy nhiên cơ số bị cáo đã xét xử không giảm tương ứng, điều này phản ánh mức độ nguy hiểm, tính chất phức tạp của mỗi tội phạm ngày càng tăng.

Tỷ lệ giữa số bị cáo và số vụ: Mức độ tổng quan của tình hình tội phạm trên địa bàn quận Cẩm Lệ còn được làm rõ hơn qua việc tính toán tỷ lệ giữa số bị cáo với số vụ. Trên địa bàn quận Cẩm Lệ bình quân tỷ lệ chênh lệch giữa số bị cáo với số vụ án trong 05 năm từ năm 2015 đến năm 2019 là: 1,16, tức là cứ trung bình 01 vụ án có 1,16 bị cáo. Tỷ lệ này có sự biến động qua các năm từ năm 2015 đến năm 2019, cụ thể: từ tỷ lệ 1,18 vào năm 2015, tăng lên 1,24 vào năm 2016, rồi lại giảm xuống 1,16 vào năm 2017 và đạt mức thấp nhất là 1,07 vào 2018, sau đó lại tăng lên 1,14 vào năm 2019. Tính toán trên toàn thành phố thì tỷ lệ chênh lệch giữa số bị cáo với số vụ án cũng có những biến động tăng giảm qua mỗi năm, cụ thể: từ 1,69 vào năm 2015, giảm xuống và đạt mức thấp nhất là 1,62 vào năm 2016, sau lại tăng lên là 1,74 vào 2017 và 1,87 vào 2018, tỷ lệ này giảm xuống còn 1,84 ở năm 2019 (bảng 1.4 phần phụ lục).

Với tỷ lệ số bị cáo đã xét xử ở Tòa án nhân dân quận Cẩm Lệ nói riêng và thành phố Đà Nẵng nói chung có sự biến động nhẹ từ năm 2015 đến năm 2019, trong đó khi xét trên điạ bàn quận Cẩm Lệ thì tỷ lệ cuối kỳ thấp hơn so với đầu kỳ, điều này cho thấy số vụ phạm tội đơn nhất xảy ra trên địa bàn có xu hướng ngày càng tăng lên, còn tội phạm có tổ chức có xu hướng giảm xuống. Còn khi xét trên phạm vi toàn thành phố thì qua số liệu thấy có sự tăng vào cuối kỳ, điều này cho thấy mức độ nguy hiểm, phức tạp của tội phạm trên địa bàn toàn thành phố; số vụ phạm tội đơn nhất ngày càng ít đi, thay vào đó số vụ phạm tội có đồng phạm, có tổ chức ngày càng nhiều hơn.

  1. Mức độ nhóm: Như đã trình bày ở trên, thực trạng của tình hình tội phạm tính theo nhóm là tổng số vụ phạm tội của một nhóm tội phạm nào đó trong tổng số vụ án đã xảy ra. Chính vì vậy, khi nghiên cứu cơ cấu và động thái của tình hình tội phạm cần xem xét chia tội phạm theo từng nhóm tương ứng với các nhóm khách thể khác nhau được luật hình sự bảo vệ.

Số liệu được thống kê tại Bảng 1.5 (Phần phụ lục) cho thấy diễn biến về cơ cấu, động thái của tình hình tội phạm có sự biến động không giống nhau đối với mỗi nhóm tội trong mỗi năm và cả trong thời gian 05 năm qua.

Từ số liệu thống kê nhận thấy: Thực tế địa bàn quận Cẩm Lệ trong 05 năm qua chỉ có 07 nhóm tội danh có đời sống thực tế, trong mỗi nhóm có phát sinh số tội phạm khác nhau, cụ thể như sau:

– Nhóm tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người gồm có 03 tội danh;

– Nhóm tội tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do, dân chủ của công dân gồm 01 tội danh;

– Nhóm các tội xâm phạm sở hữu có 04 tội danh;

– Nhóm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế có 01 tội danh;

– Nhóm tội phạm môi trường có 01 tội danh;

– Nhóm tội phạm về ma túy có 02 tội danh;

– Nhóm các tội xâm phạm an toàn, trật tự công cộng có 03 tội danh;

Ngoài ra, có 05 nhóm không có tội danh đời sống thực tế là:

– Nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý hành chính;

– Nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia;

– Nhóm các tội xâm phạm chế độ hôn nhân gia đình;

– Nhóm các tội phạm về chức vụ;

– Nhóm các tội xâm phạm hoạt động tư pháp.

Căn cứ số liệu về số bị cáo mà Tòa án nhân dân quận Cẩm Lệ đã xét xử hình sự sơ thẩm từ năm 2015 đến năm 2019, tỷ lệ được phân bổ theo các nhóm tội là: Nhóm nhiều nhất là Chương 20 (Các tội phạm về ma túy) có 94 bị cáo, chiếm 31,86%, kế tiếp thứ tự là các nhóm: Chương 16 (Các tội xâm phạm sở hữu) có 67 bị cáo, chiếm 22,71%; Chương 14 (Các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh sự, nhân phẩm) có 65 bị cáo, chiếm 22,03%; Chương 21 (Các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng) có 63 bị cáo chiếm 21,36%; Chương 18 (Tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế): có 04 bị cáo chiếm 1,36%; Chương 19 (Các tội xâm phạm môi trường) có 02 bị cáo chiếm 0,68%; Chương 15 (Các tội xâm phạm quyền tự do của con người, quyền tự do dân chủ của công dân) có 01 bị cáo chiếm 0,34%.

LIỆN HỆ:

SĐT+ZALO: 0935568275

E:\DỮ LIỆU COP CỦA CHỊ YẾN\LUAN VAN VIEN HAN LAM\VIEN HAN LAM KHOA 9-DOT 1\LUAN VAN ĐÃ IN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *