Tội in phát hành mua bán trái phép hóa đơn chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước

Tội in phát hành mua bán trái phép hóa đơn chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước

Tội in phát hành mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước theo pháp luật hình sự Việt Nam từ thực tiễn tỉnh Quảng Ngãi

1. Tính cấp thiết nghiên cứu đề tài

Tội phạm in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước là một loại tội phạm được hình thành từ lâu, nhưng chỉ được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam sửa đổi, bổ sung thành tội độc lập trong BLHS vào ngày 29/06/2009. Hiện nay, công tác định tội danh tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp NS nhà nước còn nhiều bất cập. Đó là những lý do thôi thúc tác giả nghiên cứu luận văn thạc sĩ luật học: “Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước theo pháp luật hình sự Việt Nam từ thực tiễn tỉnh Quảng Ngãi”.

2. Tình hình nghiên cứu đề tài

3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

Mục đích nghiên cứu của đề tài là nhằm đề xuất thay đổi quy định liên quan đến định tội danh tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp NS nhà nước và nâng cao hiệu quả thực tiễn đấu tranh với tội phạm này ở địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

– Đối tượng nghiên cứu của đề tài: Nghiên cứu các văn bản pháp luật, các quy định về tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước và định tội danh tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp NS nhà nước, tình hình tội phạm và thực trạng công tác định tội danh, quyết định hình phạt

– Phạm vi nghiên cứu: Đề tài tập trung nghiên cứu một số vấn đề lý luận chung có liên quan đến tội phạm và định tội danh cũng như tình hình tội phạm in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian 5 năm từ năm 2010 đến năm 2014.

5. Phương pháp nghiên cứu

– Phương pháp luận: Trên cơ sở chủ nghĩa Mác Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ nghĩa duy vật biện chứng, quan điểm của Đảng và Nhà nước về đấu tranh phòng, chống tội phạm.

– Phương pháp nghiên cứu cụ thể bao gồm: phương pháp thống kê, phân tích, so sánh; phương pháp tọa đàm, trao đổi; phương pháp khảo sát thực tế (quan sát).

6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của đề tài

– Về lý luận: Những vấn đề đã đưa ra nghiên cứu trong đề tài có thể được khai thác sử dụng trong quá trình nghiên cứu, giảng dạy, biên soạn tài liệu về tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước và định tội danh, quyết định hình phạt đối với tội phạm này.

– Về thực tiễn: Đề tài là tài liệu tham khảo cho các cán bộ đang trực tiếp làm công tác điều tra, truy tố và xét xử tội phạm tại các đơn vị địa phương.

7. Bố cục của đề tài

Ngoài phần mở đầu và kết luận, đề tài được chia làm 3 chương.

Chương 1: Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước theo pháp luật hình sự Việt Nam.

Chương 2: Định tội danh tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp NS nhà nước từ thực tiễn tỉnh Quảng Ngãi.

Chương 3: Quyết định hình phạt đối với tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước từ thực tiễn tỉnh Quảng Ngãi.

Chương 1

Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp NS NHÀ NƯỚC THEO PHÁP LUẬT HÌNH SỰ VIỆT NAM

1.1. Nhận thức chung về tội phạm in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước

Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước quy định tại Điều 164a Bộ luật hình sự được hiểu là hành vi in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước với số lượng lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. [25, tr.231]

– Khách thể của tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp NS nhà nước

Hóa đơn xuất khẩu dùng trong hoạt động kinh doanh xuất khẩu hàng hóa, dịch vụ ra nước ngoài, xuất khẩu vào khu phi thuế quan; hóa đơn GTGT; hóa đơn bán hàng hóa, dịch vụ nội địa dành cho các tổ chức, cá nhân khai thuế GTGT; các hóa đơn khác gồm: tem, vé, thẻ, phiếu thu tiền bảo hiểm,… và phiếu thu vận chuyển hàng không; chứng từ thu cước phí vận tải quốc tế; chứng từ thu phí dịch vụ ngân hàng;

– Mặt khách quan của tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước

Hành vi in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước. Hành vi này cấu thành tội phạm, nếu có thêm một trong những dấu hiệu sau:

Với số lượng lớn: đối với hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước ở dạng phôi (chưa ghi giá trị) được coi là có số lượng lớn là từ 50 số đến dưới 100 số. Đối với hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước đã ghi nội dung để nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật thì từ 10 số đến dưới 30 số được coi là lớn; Đã bị xử phạt hành chính về hành vi này; Đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

– Mặt chủ quan của tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp NS nhà nước

Tội phạm này được thực hiện với lỗi cố ý. Thông thường động cơ mục đích là vụ lợi nhưng không phải là dấu hiệu bắt buộc.

– Chủ thể của tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước

Chủ thể của tội phạm này được thực hiện bởi người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi từ 16 tuổi trở lên (theo quy định tại Điều 12 và Điều 13 BLHS), bao gồm:

+ Cá nhân bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ hoặc người của tổ chức kinh doanh bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ;

+ Người của tổ chức nhận in hoặc đặt in hóa đơn;

+ Cá nhân hoặc người của tổ chức mua hàng hóa, dịch vụ. [25, tr.232]

1.2. Các dấu hiệu định khung tăng nặng

Khung cơ bản ở khoản 1 có mức phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm. Khung tăng nặng ở khoản 2 có mức phạt tù từ một năm đến năm năm đối với một trong các trường hợp phạm tội sau đây: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Hóa đơn, chứng từ có số lượng rất lớn hoặc đặc biệt lớn; Thu lợi bất chính lớn; Gây hậu quả nghiêm trọng. Khoản 3 Điều 164a BLHS, đối với người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.

Kết luận Chương 1

Tội phạm in, phát hành, mua bán trái phép hoá đơn, chứng từ nộp ngân sách nhà nước là hành vi nguy hiểm cho xã hội, do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện bằng thủ đoạn in, phát hành, mua, bán trái phép hoá đơn, chứng từ nộp ngân sách nhà nước nhằm hưởng lợi bất hợp pháp. Tính nghiêm trọng và nguy hiểm của tội phạm trong lĩnh vực này là xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế làm thiệt hại đến tài sản của nhà nước và của công dân.

"<yoastmark

Chương 2

ĐỊNH TỘI DANH TỘI IN, PHÁT HÀNH, MUA BÁN TRÁI PHÉP HÓA ĐƠN, CHỨNG TỪ THU NỘP NGÂN SÁCH NHÀ NƯỚC TỪ THỰC TIỄN TỈNH QUẢNG NGÃI

2.1. Những vấn đề lý luận về định tội danh

2.1.1. Khái niệm và các đặc điểm về định tội danh

2.1.1.1 Khái niệm

Định tội danh là việc xác định và ghi nhận về mặt pháp lý sự phù hợp chính xác giữa các dấu hiệu của hành vi tội phạm cụ thể đã được thực hiện với các dấu hiệu của cấu thành tội phạm đã được quy định trong quy phạm pháp luật hình sự.

2.1.1.2. Đặc điểm

Định tội danh là một quá trình lôgíc nhất định, là hoạt động xác nhận và ghi nhận sự phù hợp của trường hợp phạm tội đang xem xét với các dấu hiệu của một cấu thành tội phạm được quy định trong quy phạm pháp luật hình sự thuộc phần các tội phạm của BLHS. Định tội danh là việc đánh giá nhất định về mặt pháp lý đối với một hành vi nguy hiểm cho xã hội. Như vậy, định tội danh thực chất là sự xác định về mặt pháp lý đối với hành vi phạm tội đã xảy ra trong thực tế.

2.1.2. Phân loại định tội danh

Định tội danh chính thức và định tội danh không chính thức. Định tội danh chính thức cũng như định tội danh không chính thức là tiến hành sự lựa chọn, đối chiếu các dấu hiệu của quy phạm pháp luật hình sự với trường hợp cụ thể trong cuộc sống, là xác định sự phù hợp chính xác giữa các dấu hiệu của hành vi phạm tội cụ thể đã được thực hiện với các dấu hiệu cấu thành tội phạm do luật hình sự quy định.

2.1.3. Các yếu tố làm căn cứ định tội danh

2.1.3.1. Định tội danh theo khách thể của tội phạm

Khách thể của tội phạm là một thành phần không thể thiếu trong bất kỳ một tội phạm nào. Đó là quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ khỏi sự xâm hại của hành vi phạm tội.

Định tội danh theo khách thể của tội phạm chỉ là làm sáng tỏ một trong số những thành phần của tội phạm. Định tội danh theo khách thể chỉ mới xác định được tội phạm xâm hại hoặc có thể xâm hại tới quan hệ xã hội nào? Những quy phạm pháp luật hình sự nào bảo vệ quan hệ xã hội đó? Nhưng trong thực tế việc xác định khách thể của tội phạm rất khó khăn, đòi hỏi người định tội danh phải tự xác định khách thể một cách gián tiếp thông qua xem xét và phân tích các thành phần khác của tội phạm.

2.1.3.2. Định tội danh theo mặt khách quan của tội phạm

Mặt khách quan là mặt bên ngoài của hành vi phạm tội. Mặt khách quan của tội phạm bao gồm: Hành vi phạm tội; Hậu quả nguy hại; Mối quan hệ nhân quả giữa hành vi phạm tội và hậu quả xảy ra; Ngoài ra, còn có một số dấu hiệu đặc trưng khác của mặt khách quan của tội phạm: đó là hoàn cảnh, thời gian, công cụ, phương tiện phạm tội…

2.1.3.3. Định tội danh theo chủ thể của tội phạm

Là việc xác định các dấu hiệu pháp lý, xác định các đặc điểm chính trị – xã hội, đạo đức của người phạm tội. Những đặc điểm tội phạm học (đặc điểm chính trị, đạo đức, đặc điểm tâm, sinh lý của người phạm tội…). Các dấu hiệu pháp lý hình sự của chủ thể tội phạm là năng lực TNHS, lứa tuổi, chủ thể đặc biệt.

* Cân nhắc lứa tuổi của người phạm tội trong quá trình định tội danh: Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi không chịu TNHS về các hành vi nguy hiểm do họ thực hiện thuộc tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng do vô ý.

* Định tội danh các tội phạm do chủ thể đặc biệt thực hiện: Trong BLHS chỉ có những định nghĩa cụ thể về hai loại chủ thể đặc biệt của tội phạm như Khái niệm người có chức vụ (Điều 277 BLHS) và khái niệm về những người phải chịu TNHS về các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân (Điều 315 BLHS).

Chủ thể đặc biệt của tội phạm là những người không chỉ có các dấu hiệu chung của chủ thể tội phạm mà còn có các dấu hiệu bổ sung khác mà về cơ bản các dấu hiệu này có liên quan tới nghề nghiệp, chức vụ công tác của họ.

Khi không có các dấu hiệu của chủ thể đặc biệt của tội phạm, trong rất nhiều trường hợp nói chung TNHS của bị cáo không loại trừ mà chỉ loại trừ việc định tội danh theo điều luật của pháp luật hình sự mà ở đó đề cập tới chủ thể đặc biệt của tội phạm.

2.1.3.4. Định tội danh theo mặt chủ quan của tội phạm

* Xác định hình thức lỗi trong quá trình định tội danh

Nội dung mặt chủ quan của tội phạm là quan hệ tâm lý của người phạm tội đối với các hành vi nguy hiểm cho xã hội mà người đó thực hiện. Mặt chủ quan của tội phạm bao gồm lỗi (cố ý hoặc vô ý), động cơ và mục đích phạm tội. Mặt chủ quan phản ánh mối liên hệ giữa ý thức và ý chí của người phạm tội đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội mà người đó đã thực hiện.

Các dấu hiệu bắt buộc đối với mọi tội phạm là lỗi (cố ý và vô ý), còn các dấu hiệu không bắt buộc là động cơ và mục đích.

* Ý nghĩa của động cơ và mục đích phạm tội đối với quá trình định tội danh hành vi nguy hiểm cho xã hội: Mỗi một loại hành vi của con người trong xã hội đều do những động cơ hoặc mục đích nào đó quyết định. Là những dấu hiệu bắt buộc của một hành động có ý chí, động cơ và mục đích phạm tội là những yếu tố nằm trong nội dung của mặt chủ quan của tội phạm.

2.1.4. Ý nghĩa của hoạt động định tội danh

Định tội danh là sự thể hiện việc đánh giá chính trị – xã hội và pháp lý đối với những hành vi nhất định. Định tội danh đúng sẽ loại trừ việc kết án vô căn cứ những người có hành vi không nguy hiểm cho xã hội, không trái pháp luật hình sự và tạo tiền đề pháp lý cho việc quyết định hình phạt công bằng đối với những người phạm tội.

Nếu do sai lầm trong định tội danh và sai lầm đó làm cho việc quyết định hình phạt không phù hợp với hành vi đã thực hiện, làm cho bị cáo phải gánh chịu những hậu quả pháp lý không đáng phải gánh chịu, thì sai lầm đó đã xâm phạm nghiêm trọng các lợi ích hợp pháp của người bị kết án.

Tính đầy đủ của định tội danh thể hiện ở chỗ trong thực tiễn có bao nhiêu hành vi nguy hiểm cho xã hội đã thực hiện do các điều luật của BLHS quy định là tội phạm thì phải xác định bấy nhiêu tội danh, dù cho trong đó theo mức độ nguy hiểm cho xã hội của các hành vi khác biệt rất lớn với nhau. Đòi hỏi này không cho phép áp dụng nguyên tắc thu hút hành vi phạm tội này vào hành vi phạm tội khác trong việc định tội danh. Việc định tội danh đầy đủ có ý nghĩa rất lớn đối với việc giải quyết một loạt vấn đề tố tụng hình sự như thẩm quyền điều tra, thẩm quyền xét xử, trả lại vụ án để điều tra bổ sung…

2.2. Thực tiễn định tội danh tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp NS nhà nước tại tỉnh Quảng Ngãi (Từ năm 2010 đến 2014)

2.2.1. Thực tiễn hoạt động định tội danh tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước theo cấu thành cơ bản

Theo số liệu báo cáo về số vụ phạm pháp hình sự của Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Ngãi, trong thời gian từ năm 2010 đến năm 2014 cho thấy: Năm 2010 xảy ra 405 vụ với 521 bị cáo; năm 2011 xảy ra 387 vụ với 429 bị cáo; năm 2012 xảy ra 340 vụ với 442 bị cáo; năm 2013 là 412 vụ với 476 bị cáo, trong đó có 02 vụ với 02 bị cáo phạm tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp NS nhà nước, năm 2014 là 361 vụ với 459 bị cáo, trong đó có 01 vụ với 08 bị cáo phạm tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước. Tổng số vụ phạm pháp hình sự trong thời gian trên là 1.905 vụ với 2.327 bị cáo, trong đó có 03 vụ với 10 bị cáo liên quan đến tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp NS nhà nước.

Theo số liệu báo cáo của lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an tỉnh Quảng Ngãi, trong thời gian từ năm 2010 đến 2014 phát hiện, điều tra, xác minh 15 vụ – 27 đối tượng về tội phạm quy định tại điều 164a BLHS, kết quả: khởi tố 03 vụ – 10 bị can; xử lý hành chính 11 vụ – 15 đối tượng; đang xác minh 01 vụ – 02 đối tượng.

Tóm lại, cũng như các địa phương khác trong cả nước, thời gian qua tội phạm trong lĩnh vực mua bán, sử dụng trái phép hóa đơn ở tỉnh Quảng Ngãi diễn biến rất phức tạp và ngày càng phổ biến. Phần lớn đối tượng phạm tội do các cá nhân thuộc các Công ty trách nhiệm hữu hạn, các Doanh nghiệp tư nhân thực hiện. Tính chất, phương thức hoạt động mang tính chất tinh vi, xảo quyệt và có tổ chức liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều ngành nghề khác nhau và nhiều địa phương trong phạm vi cả nước.

Thực tiễn tại tỉnh Quảng Ngãi, trong 5 năm qua đã có 14 vụ – 25 đối tượng bị xử lý, trong đó, có 03 vụ – 10 đối tượng bị truy cứu TNHS về tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước, 11 vụ – 15 đối tượng bị xử lý hành chính về hành vi sử dụng hóa đơn bất hợp pháp hoặc sử dụng bất hợp pháp hóa đơn hoặc sử dụng hóa đơn khống. Do cấu thành cơ bản định lượng về số lượng hóa đơn từ 10 số đến dưới 30 số được coi là lớn (đối với hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung) và từ 50 số đến 100 số được coi là lớn (dạng phôi), nên trong 11 vụ với 15 đối tượng nêu trên đã không đủ yếu tố cấu thành tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp NS nhà nước. Chỉ có 03 vụ – 10 đối tượng hội tụ đủ yếu tố cấu thành tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước như đã nêu trên.

Công tác định tội danh tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp NS nhà nước tại tỉnh Quảng Ngãi trong các vụ nêu trên đã bảo đảm tuân thủ các yêu cầu, thỏa mãn các yếu tố cấu thành tội phạm gồm:

Khách thể của tội phạm:Mua bán trái phép hóa đơn xâm phạm vào các quy định của Nhà nước về quản lý tài chính tiền tệ. Đối tượng tác động của tội phạm là các hóa đơn, chứng từ.

Mặt khách quan của tội phạm: Mặt khách quan của tội phạm được thể hiện ở các dạng hành vi sau: Mua, bán hóa đơn đã ghi nội dung, nhưng không có hàng hóa, dịch vụ kèm theo. Bán với số lượng lớn từ 10 số đến dưới 30 số, số lượng rất lớn, đặc biệt lớn là từ 30 số trở lên đã ghi nội dung nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật.

Chủ thể của tội phạm: Các chủ thể của tội phạm đều được thực hiện bởi người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đạt độ tuổi từ 16 tuổi trở lên (theo quy định tại Điều 12 và Điều 13 BLHS).

Mặt chủ quan của tội phạm: Động cơ mục đích là vụ lợi nên thực hiện với lỗi cố ý.

2.2.2. Thực tiễn hoạt động định tội danh tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước theo cấu thành tăng nặng

Thực tiễn tại tỉnh Quảng Ngãi 03 vụ – 10 bị can, có một số bị can thỏa mãn một trong các yếu tố cấu thành tăng nặng của tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp NS nhà nước như: Hóa đơn, chứng từ có số lượng rất lớn hoặc đặc biệt lớn: gồm 03 vụ có 06 bị can. Thu lợi bất chính lớn từ 100 triệu đồng trở lên từ việc thực hiện hành vi phạm tội, trong 03 vụ có 03 bị can. Gây hậu quả nghiêm trọng từ 100 triệu đồng trở lên – trong 03 vụ có 06 bị can.

Kết luận Chương 2

Thực tiễn công tác định tội danh tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước tại tỉnh Quảng Ngãi, nhìn chung đã theo đúng quy định của Luật hình sự và hướng dẫn tại Thông tư liên tịch số 10/2013/TTLT-BTP-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BTC ngày 26/06/2013. Tuy nhiên, do trong quy định cấu thành cơ bản của tội phạm in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước chỉ định lượng về số lượng hóa đơn, nên trong các vụ việc đã được xử lý tại tỉnh Quảng Ngãi (14 vụ – 25 đối tượng) cho thấy các cá nhân, doanh nhiệp mua bán trái phép hóa đơn chưa đủ số lượng theo định lượng quy định thì không bị truy cứu TNHS, mặc dù hành vi đó gây ra hậu quả nghiêm trọng, gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước trên 100.000.000đ nhưng Cơ quan tiến hành tố tụng không thể truy cứu TNHS đối với các cá nhân, doanh nghiệp này mà chỉ áp dụng biện pháp xử lý hành chính nên không đủ sức răn đe. Những khảo sát, đánh giá về tình hình thực tiễn tội phạm in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước nêu trên đã khái quát đặc điểm hình sự của loại tội phạm này ở địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Từ đó, tác giả cũng tìm ra, xác định về những mặt còn tồn tại, vướng mắc và nguyên nhân của tình hình đó để khắc phục. Đây là cơ sở thực tiễn quan trọng để sửa đổi, bổ sung quy định về cấu thành cơ bản của tội phạm trên một cách hợp lý, góp phần răn đe, hạn chế tội phạm xảy ra, bảo vệ lợi ích của nhà nước, bảo vệ trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa.

"<yoastmark

Chương 3

QUYẾT ĐỊNH HÌNH PHẠT ĐỐI VỚI Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp NS NHÀ NƯỚC TỪ THỰC TIỄN

TỈNH QUẢNG NGÃI (TỪ NĂM 2010 ĐẾN 2014)

3.1. Những vấn đề lý luận chung về quyết định hình phạt

3.1.1. Khái niệm và các đặc điểm của quyết định hình phạt

“Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người phạm tội. Hình phạt được quy định trong BLHS và do Tòa án quyết định”.

Quyết định hình phạt là sự lựa chọn loại hình phạt và xác định mức hình phạt cụ thể trong phạm vi luật định để áp dụng đối với người phạm tội cụ thể.

3.1.2. Các nguyên tắc của hoạt động quyết định hình phạt

3.1.2.1. Nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa

Là nói đến sự triệt để tuân thủ pháp luật của nhà nước, các tổ chức xã hội và công dân. Pháp chế xã hội chủ nghĩa còn là một yếu tố quan trọng của quá trình đổi mới pháp luật ở Việt Nam.

3.1.2.2. Nguyên tắc cá thể hóa hình phạt

Nguyên tắc cá thể hóa hình phạt là nguyên tắc chung của Luật Hình sự, đồng thời cũng là nguyên tắc của quyết định hình phạt. Yêu cầu nguyên tắc này là mọi hành vi phạm tội đều bị phát hiện và bị trừng phạt, thích đáng, công bằng.

3.1.2.3. Nguyên tắc công bằng xã hội

Thể hiện ở chỗ loại và mức hình phạt do Tòa án tuyên phải tương xứng với các tội đã phạm và nhân thân người phạm tội. Các chủ thể khi thực hiện hành vi nguy hiểm trong những điều kiện như nhau thì phải chịu hình phạt ngang nhau, không có sự phân biệt đối xử về giới tính, tôn giáo, địa vị xã hội…

3.1.3. Các căn cứ quyết định hình phạt

3.1.3.1. Căn cứ thứ nhất – Các quy định của Bộ luật hình sự

Đây là căn cứ có tính bao trùm, căn cứ này bảo đảm cho việc thực hiện nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa trong hoạt động xét xử của Tòa án. Khi quyết định hình phạt thì các quy định của BLHS bao giờ cũng là tiêu chuẩn pháp lý cao nhất để đảm bảo cho Tòa án quyết định được một hình phạt đúng, tạo khả năng lớn nhất để đạt được mục đích của hình phạt. Khi quyết định hình phạt, Tòa án cần phải căn cứ vào tất cả các quy định của BLHS ở dạng thống nhất, tổng thể của chúng và phải cân nhắc chỉ rõ cho bản án những quy định của BLHS có liên quan trực tiếp đến việc quyết định một hình phạt cụ thể đối với một bị cáo.

3.1.3.2. Căn cứ thứ hai – Tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội

Tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm được thể hiện ở hai khái niệm “tính chất” và “mức độ” nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội. Khi nói đến tính nguy hiểm cho xã hội của tội phạm là nói đến các ranh giới: mức độ khác nhau trong cùng một khung hình phạt; mức độ khác nhau trong cùng một tội phạm; mức độ khác nhau giữa các tội phạm trong cùng một nhóm; mức độ khác nhau giữa các nhóm tội phạm với nhau.

3.1.3.3. Căn cứ thứ ba – Nhân thân người phạm tội

Đây là căn cứ thể hiện nguyên tắc cá thể hóa hình phạt trong luật hình sự Việt Nam. Căn cứ này đòi hỏi Tòa án khi quyết định hình phạt phải xác định loại và mức hình phạt cụ thể không chỉ tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội mà còn phù hợp với những đặc điểm về nhân thân của người phạm tội để bảo đảm hình phạt đã tuyên đạt được mục đích trừng trị và giáo dục cải tạo người phạm tội.

3.1.3.4. Căn cứ thứ tư – Những tình tiết giảm nhẹ hoặc tăng nặng trách nhiệm hình sự

Các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng TNHS không được quy định trong các cấu thành tội phạm cụ thể mà được quy định tại Phần chung của BLHS (Điều 46 BLHS quy định các tình tiết giảm nhẹ TNHS, Điều 48 BLHS quy định các tình tiết tăng nặng TNHS).

Các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng TNHS và nhân thân người phạm tội là những cơ sở để đánh giá tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của tội phạm và trong số các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ TNHS có những tình tiết thuộc về nhân thân người phạm tội. Do vậy, nếu xem xét, cân nhắc một cách tổng thể các căn cứ quyết định hình phạt thì căn cứ thứ tư này đã thuộc về một phần nội dung của căn cứ thứ hai và căn cứ thứ ba đã nêu.

3.2. Thực tiễn của quyết định hình phạt đối với tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước từ thực tiễn tỉnh Quảng Ngãi (Từ năm 2010 đến 2014)

3.2.1. Quyết định hình phạt đối với người phạm tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước theo khoản 1, Điều 164a BLHS

“Người nào in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước với số lượng lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị xử phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm…”

Trong 5 năm tại tỉnh Quảng Ngãi đã xét xử 03 vụ án về tội danh này, trong đó, có 02 vụ – 02 đối tượng là giám đốc Công ty tự thực hiện, 01 vụ được thực hiện có sự cấu kết, của nhiều đối tượng liên quan đến rất nhiều doanh nghiệp mua bán trái phép hóa đơn với số lượng lớn, thu lợi bất chính lớn, làm mất trật tự trong quản lý kinh tế của địa phương. Qua 03 vụ án đã xét xử, có 08 bị cáo nhận quyết định hình phạt theo khoản 1 Điều 164a. Đa phần các bị cáo là những đồng phạm, có vai trò giúp sức cho đối tượng chủ mưu, thu lợi bất chính không lớn thì áp dụng hình phạt dưới 03 năm là hợp lý.

3.2.2. Quyết định hình phạt đối với người phạm tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước theo khoản 2, Điều 164a BLHS

“…Phạm tội một trong các trường hợp sau thì bị phạt tù từ một năm đến năm năm: Có tổ chức; Có tính chất chuyên nghiệp; Lợi dụng chức vụ, quyền hạn; Hóa đơn, chứng từ có số lượng rất lớn hoặc đặc biệt lớn; Thu lợi bất chính lớn; Gây hậu quả nghiêm trọng…”

Thực tiễn tại tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian qua có 02 vụ, trong đó có 06 bị cáo áp dụng khoản 2, Điều 164a là Lê Thị Kim Thuyền (4 năm tù), Nguyễn Tiến Huấn (18 tháng tù), Lê Thị Hạnh (18 tháng tù), Bùi Thị Hà (15 tháng tù), Lê Thị Kim Lan (12 tháng tù), Lư Ngọc Tấn (3 năm tù). Các bị cáo trên đều bị áp dụng điểm d, g khoản 2 Điều 164a: mua bán trái phép hóa đơn với số lượng lớn, gây hậu quả nghiêm trọng. Nhưng đối với bị cáo Lư Ngọc Tấn – Giám đốc Công ty TNHH Minh Vương do mua bán trái phép hóa đơn với số lượng rất lớn, trị giá ghi trên hóa đơn rất lớn, gây hậu quả nghiêm trọng, thu lợi bất chính lớn nên khung hình phạt này là quá thấp đối với bị cáo.

3.2.3. Quyết định hình phạt bổ sung đối với người phạm tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước theo khoản 3, Điều 164a BLHS

“…Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm năm mươi triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”

Trong vụ Lê Thị Kim Thuyền mua bán trái phép hóa đơn có 02 bị cáo bị áp dụng hình phạt bổ sung là Lê Thị Kim Lan và Nguyễn Thị Anh Ni, bị phạt tiền 10.000.000đ do bán số lượng hóa đơn rất lớn (trên 30 số hóa đơn) nhưng thu lợi bất chính thấp dưới 4 triệu đồng theo chúng tôi hình phạt này là chưa phù hợp, cũng như bị cáo Thuyền thu lợi bất chính trên 1 tỷ đồng nhưng không áp dụng hình phạt bổ sung là chưa hợp lý.

Đối với vụ Huỳnh Quang Tuấn – Giám đốc Công ty TNHH Huỳnh Gia và vụ Lư Ngọc Tấn – Giám đốc Công ty TNHH Minh Vương, 02 bị cáo Tuấn và Tấn bị áp dụng hình phạt bổ sung, phạt tiền 80.000.000đ là hoàn toàn phù hợp.

3.2.4. Một số hạn chế trong việc quyết định hình phạt đối với tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước từ thực tiễn tỉnh Quảng Ngãi

– Vụ việc có số tiền gây thiệt hại trên 100.000.000đ nhưng số lượng hóa đơn chưa đủ số lượng theo quy định thì chưa đủ yếu tố cấu thành tội in, phát hành mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước theo Điều 164a BLHS;

– Vụ việc có số lượng hóa đơn nhiều hơn so với quy định nhưng giá trị ghi trên hóa đơn không lớn, gây thiệt hại ít (nhỏ hơn 100.000.000đ), số tiền thu lợi bất chính thấp (nhỏ hơn 100.000.000đ) nếu vẫn bị khởi tố hình sự về tội phạm này thì chưa thỏa đáng và chưa công bằng.

– Hình phạt của tội này hiệu lực thấp nên không đủ sức răn đe các đối tượng, Nếu như trước đây, theo Thông tư liên tịch số 21/2004/ TTLT-BCA-TANDTC-VKSNDTC-BTP, ban hành ngày 23/11/2004, theo đó hành vi mua, bán, sử dụng trái phép hóa đơn giá trị gia tăng, tùy theo đối tượng phạm tội và mục đích phạm tội mà xử lý theo các tội phạm tương tứng như: Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản; tham ô tài sản; buôn lậu; trốn thuế; mua bán tài liệu của cơ quan nhà nước; tàng trữ, vận chuyển, lưu hành giấy tờ có giá trị… do các tội này quy định mức hình phạt cao nên có tác dụng răn đe, hạn chế được loại tội phạm này.

3.2.5. Những nguyên nhân của các bất cập, hạn chế và các giải pháp khắc phục trong việc quyết định hình phạt đối với tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà

3.2.5.1. Nguyên nhân của hạn chế

BLHS quy định chưa phù hợp với tình hình thực tiễn của tội phạm này. Tính chất nguy hiểm cho xã hội của phạm tội cao nhưng hình phạt thấp nên không đủ tính răn đe.

Các quy định pháp lý của Nhà nước quá thông thoáng nhưng cách quản lý chưa chặt chẽ dẫn đến sơ hở, tội phạm lợi dụng vào các quy định này để thực hiện hành vi phạm tội. Cụ thể: hoạt động đăng ký kinh doanh rất dễ dàng nhưng công tác “hậu kiểm” chưa đảm bảo dẫn đến việc thành lập nhiều công ty “ma”, kết hợp việc cho phép doanh nghiệp tự in hóa đơn GTGT dẫn đến sơ hở nên tội phạm mua bán trái phép hóa đơn phát triển một cách nhanh chóng, gây mất trật tự trong quản lý kinh tế.

Lợi nhuận đem lại từ việc mua bán trái phép hóa đơn là rất lớn nên tội phạm vẫn tiếp tục lan ra nhiều địa phương trong khắp cả nước.

3.2.5.2. Giải pháp khắc phục

Trước hết, cần nghiên cứu sửa đổi, bổ sung quy định về tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước, trong đó xác định định lượng về số lượng hóa đơn kết hợp với định lượng về trị giá trên hóa đơn trong cấu thành tội phạm này. Bên cạnh đó cần thay đổi về quyết định hình phạt đối với tội danh này, tăng mức hình phạt cao hơn để mang tính răn đe, giáo dục. Cụ thể, theo chúng tôi, tội phạm này cần được quy định như sau:

“1. Người nào in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước với số lượng trên 10 số hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách với trị giá trên 100.000.000đ hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm thì bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến hai trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.

2. Phạm tội một trong các trường hợp sau thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm:

– Có tổ chức;

– Có tính chất chuyên nghiệp;

– Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

– Hóa đơn, chứng từ có số lượng trên 30 số hóa đơn;

– Thu lợi bất chính trên 100.000.000đ;

– Làm thiệt hại cho ngân sách nhà nước trên 100.000.000đ.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến ba trăm triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.”

Để phòng ngừa loại tội phạm này phát triển, cần điều chỉnh bổ sung các quy định trong công tác thành lập, đăng ký kinh doanh, công tác kiểm tra chặt chẽ hơn, công tác “hậu kiểm” cần phải được quy định thành trình tự cụ thể. Hồ sơ đăng ký trụ sở phải có công chứng, quy định chỉ người đại diện pháp luật mới được phép đến nhận giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh chứ không được ủy quyền.

Về việc tự in hóa đơn theo Thông tư 153/2010/TT-BTC ngày 28/09/2010 của Bộ Tài chính, hiện nay đã được thay đổi. Tuy nhiên, đối với số hóa đơn đã được in hết giá trị sử dụng thì không thể quản lý được. Nếu các hóa đơn này được các đối tượng lợi dụng sử dụng trong các cơ quan nhà nước sẽ gây thất thoát lớn đến ngân sách nhà nước. Vì vậy, cần phải quy định chặt chẽ hơn trong việc in, phát hành, quản lý, sử dụng hóa đơn, kể cả hóa đơn hết giá trị sử dụng.

KẾT LUẬN

Trong những năm qua, tình hình tội phạm vi phạm Luật thuế giá trị gia tăng, Luật hình sự trên phạm vi cả nước nói chung, cũng như ở địa bàn tỉnh Quảng Ngãi nói riêng, diễn ra phức tạp, đặc biệt là tội in, phát hành, mua bán trái phép hoá đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước. Đây là một loại tội phạm không mới và thời gian gần đây cho thấy các đối tượng phạm tội đã sử dụng triệt để chuyên môn, hiểu biết của mình và lợi dụng những kẻ hở trong chính sách quản lý kinh tế, tài chính với nhiều thủ đoạn tinh vi để thực hiện và che giấu hành vi phạm tội.

Tính nghiêm trọng và nguy hiểm tội in, phát hành, mua bán trái phép hoá đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước thể hiện ở chỗ tội phạm này xâm phạm đến nhiều khách thể đang được BLHS bảo vệ. Đặc biệt, loại tội phạm này mang tính tổ chức cao và lôi kéo một bộ phận cán bộ, công chức thoái hoá, biến chất trong các cơ quan chức năng quản lý về kinh tế – tài chính trực tiếp hoặc gián tiếp “vẽ đường”, tiếp tay cho những đối tượng phạm tội gây án để cùng hưởng lợi, gây thiệt hại lớn cho tài sản Nhà nước, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh trật tự và công cuộc xây dựng, phát triển đất nước.

Đứng trước tình hình trên, các cơ quan chức năng đã có nhiều cố gắng trong công tác phòng ngừa và phát hiện, điều tra khám phá tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước. Nhiều vụ án đã bị phát hiện, nhiều đối tượng bị điều tra, truy tố và xử lý nghiêm minh trước pháp luật, thu hồi được số lượng lớn tài sản bị chiếm đoạt cho Nhà nước. Tuy nhiên, trong công tác định tội danh và quyết định hình phạt do nhiều nguyên nhân khác nhau mà hiệu quả chưa cao, đôi khi chỉ như một giải pháp tình thế trước tình hình diễn biến phức tạp của loại tội phạm này. Bên cạnh đó các văn bản pháp luật được ban hành, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật hình sự còn chưa kịp thời, thiếu tính chặt chẽ và nhiều điểm chưa thực sự hợp lý.

Trước thực trạng như vậy, tác giả đã chọn nghiên cứu sâu về tình hình thực trạng hoạt động và tình hình xét xử tội phạm in, phát hành, mua bán trái phép hoá đơn, chứng từ thu nộp ngân sách trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, từ đó đề ra các giải pháp, kiến nghị góp phần nâng cao hiệu quả công tác định tội danh và quyết định hình phạt loại tội phạm này trong thời gian tới. Nhằm giải quyết yêu cầu trên, tác giả chọn nghiên cứu luận văn thạc sĩ luật học: “Tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước theo pháp luật hình sự Việt Nam từ thực tiễn tỉnh Quảng Ngãi”.

Với luận văn này, trên cơ sở nghiên cứu tình hình, diễn biến của tội phạm trong lĩnh vực in, phát hành, mua bán trái phép hoá đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước và thực tiễn công tác định tội danh tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước từ thực tiễn tỉnh Quảng Ngãi, tác giả đã xác định nguyên nhân, điều kiện hình thành, phát triển loại tội phạm này và mạnh dạn đưa ra một số giải pháp nhằm khắc phục những mặt hạn chế, phát huy những yếu tố tích cực trong công tác định tội danh và quyết định hình phạt. Đồng thời, tác giả cũng đưa ra những căn cứ trong thực hiện lãnh đạo, chỉ đạo thống nhất và quan hệ phối hợp của các ngành, các cấp và các lực lượng tham gia đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này. Đây là những giải pháp nếu được tiến hành đồng bộ và có chiều sâu, tác giả tin tưởng sẽ đạt được kết quả nhất định, góp phần giữ vững tình hình an ninh trật tự nhằm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi./.

LIỆN HỆ:

SĐT+ZALO: 0935568275

E:\DỮ LIỆU COP CỦA CHỊ YẾN\LUAN VAN VIEN HAN LAM\LUAT HINH SU DOT 2\CUA THUONG\PHAN VAN HOAN\SAU BAO VE

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *