Chính sách khôi phục bảo tồn và phát huy văn hóa người Cơ Tu

Chính sách khôi phục, bảo tồn và phát huy văn hóa người Cơ Tu từ thực tiễn huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam

Chính sách khôi phục, bảo tồn và phát huy văn hóa người Cơ Tu từ thực tiễn huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam

1. Tính cấp thiết của đề tài

Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo công cuộc phát triển đất nước, Đảng ta luôn quan tâm, chú trọng, đề cao vai trò, sức mạnh to lớn của văn hóa, coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực và là nguồn lực nội sinh quan trọng cho phát triển bền vững đất nước. Chính vì vậy, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chính sách về văn hóa trong đó có chính sách bảo tồn di sản văn hóa ở Việt Nam. Quá trình thực hiện chính sách bảo tồn di sản văn hóa đã đem lại nhiều kết quả tốt đẹp, tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập.

Cũng giống như các dân tộc khác, các vùng, miền khác, người Cơ Tu ở huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam gặp không ít khó khăn và thách thức trong việc thực hiện chính sách bảo tồn di sản văn hóa của dân tộc mình nhằm đáp ứng yêu cầu xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội, đảm bảo quốc phòng-an ninh và xây dựng hệ thống chính trị. Trong quá trình “mở cửa” để phát triển, sự du nhập, ảnh hưởng của các yếu tố văn hóa khác nhau là không tránh khỏi, trong khi đó, trình độ nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế nên đã tác động mạnh mẽ đến đời sống văn hóa của người dân, nhất là việc nhiều giá trị văn hóa đặc sắc của người Cơ Tu đang bị mất dần. Trước tình hình đó, việc nghiên cứu cơ sở lý luận và thực tiễn, phân tích các yếu tố tác động đến chính sách khôi phục, bảo tồn và phát huy văn hóa của người Cơ Tu tại huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam là rất cần thiết. Qua đó, đề xuất các giải pháp đổi mới, hoàn thiện chính sách nhằm giúp cho chính quyền địa phương, những người làm công tác văn hóa ở huyện Tây Giang có những giải pháp tốt hơn trong việc thực thi công tác khôi phục, bảo tồn và phát huy văn hóa của người Cơ Tu trong công cuộc xây dựng và phát triển địa phương.

Chính vì những lý do như trên, học viên đã lựa chọn nghiên cứu “Chính sách khôi phục, bảo tồn và phát huy văn hóa người Cơ Tu từ thực tiễn huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam” để làm đề tài luận văn cao học chuyên ngành chính sách công.

2. Tình hình nghiên cứu đề tài

3. Mục đích nghiên cứu

Trên cơ sở nghiên cứu cơ sở lý luận về chính sách văn hóa nói chung và khảo sát, đánh giá chính sách khôi phục, bảo tồn và phát huy văn hóa người Cơ Tu tại huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, luận văn đề xuất các giải pháp góp phần hoàn thiện chính sách khôi phục, bảo tồn và phát huy văn hóa người Cơ Tu tại huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam và của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam

4. Đối tượng, khách thể và phạm vi nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của đề tài là chính sách khôi phục, bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc Cơ Tu.

Khách thể nghiên cứu của đề tài là các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của người Cơ Tu, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam.

Phạm vi nghiên cứu tại huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam, từ năm 2010 đến năm 2014.

5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu

Ngoài ra sử dụng kết hợp phương pháp nghiên cứu định tính và định lượng; luận văn còn sử dụng một số phương pháp nghiên cứu chuyên ngành khác như:Phương pháp xử lý số liệu, phương pháp tổng hợp, thu thập số liệu …

6. Ý nghĩa của luận văn

– Đề tài cung cấp những nghiên cứu, tư liệu, khảo sát thực tế tại địa bàn huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam qua đó góp phần làm phong phú thêm hệ thống lý luận của khoa học chính sách công.

Chỉ ra được những khó khăn, hạn chế trong việc hoạch định và thực thi chính sách, đồng thời, kết quả nghiên cứu giúp cho lãnh đạo huyện Tây Giang, các cơ quan, ban, ngành có liên quan có cơ sở khoa học và thực tiễn để vận dụng, điều chỉnh chính sách và tổ chức thực hiện chính sách khôi phục, bảo tồn, phát huy văn hóa người Cơ Tu, huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam một cách hiệu quả hơn

7. Bố cục của luận văn

Ngoài phần mở đầu, kết luận, phụ lục, danh mục các chữ viết tắt, danh mục các hình, bảng, danh mục tài liệu tham khảo; luận văn được bố cục theo 3 chương như sau:

Chương 1: Một số vấn đề lý luận về chính sách bảo tồn di sản văn hóa ở Việt Nam

Chương 2: Thực trạng chính sách khôi phục, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của người Cơ Tu ở huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam

Chương 3: Giải pháp hoàn thiện chính sách khôi phục, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của người Cơ Tu ở huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam

CHƯƠNG 1

MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ CHÍNH SÁCH BẢO TỒN

DI SẢN VĂN HÓA Ở VIỆT NAM

1.1. Khái niệm

1.1.1. Khái niệm chính sách bảo tồn di sản văn hóa

Chính sách bảo tồn di sản văn hóa là một bộ phận nằm trong hệ thống chính sách của Việt Nam. Vì vậy chính sách bảo tồn di sản văn hóa mang những đặc điểm chung của chính sách công.

Chính sách về bảo tồn di sản văn hóa là những đường hướng hành động ứng xử cơ bản của Nhà nước gắn liền với việc lựa chọn các mục tiêu và giải pháp về bảo tồn di sản văn hóa.

1.1.2. Di sản văn hóa

Di sản văn hóa là những sản phẩm do con người sáng tạo ra. Tuy nhiên, không phải bất cứ sản phẩm nào do con người sáng tạo ra trong quá trình phát triển của mình cũng được xem là di sản văn hóa. Theo Điều 1, Luật di sản văn hóa của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2001 thì: “Di sản Văn hóa bao gồm di sản văn hoá phi vật thể và di sản văn hoá vật thể, là sản phẩm tinh thần, vật chất có giá trị lịch sử, văn hoá, khoa học, được lưu truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác ở nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

1.1.3. Bản sắc văn hóa

Bản sắc văn hóa là cái cốt lõi, đặc trưng riêng có của một cộng đồng văn hóa trong lịch sử tồn tại và phát triển, giúp phân biệt dân tộc này với dân tộc khác. Bản sắc văn hóa thể hiện trong tất cả các lĩnh vực của đời sống – ý thức của một cộng đồng, bao gồm: cội nguồn, cách tư duy, cách sống, dựng nước, giữ nước, sáng tạo văn hóa, khoa học – nghệ thuật…

1.1.4. Bảo tồn, phát huy di sản văn hóa

Bảo tồn là tất cả những nỗ lực nhằm hiểu biết về lịch sử hình thành, ý nghĩa của di sản văn hóa nhằm đảm bảo sự an toàn, phát triển lâu dài cho di sản văn hóa và khi cần đến phải đảm bảo việc giới thiệu, trưng bày, khôi phục và tôn tạo lại để khai thác khả năng phục vụ cho hoạt động tiến bộ của xã hội. Công tác bảo tồn di sản văn hóa có nhiều cấp độ khác nhau, gồm các hoạt động: bảo tồn nguyên trạng, trùng tu, gia cố, tái định vị, tái tạo-làm lại, quy hoạch bảo tồn.

Phát huy là phát triển theo chiều hướng tiến bộ. Là những tác động làm cho cái hay, cái đẹp, cái tốt tỏa ra tác dụng và tiếp tục nảy nở từ ít đến nhiều, từ hẹp đến rộng, từ cao đến thấp, từ đơn giản đến phức tạp. Phát huy giá trị di sản văn hóa là một hoạt động có tính liên ngành, có tiêu chí chung, mục đích là phục vụ cho sự tiến bộ của xã hội, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, đồng thời, là nhịp cầu nối với cộng đồng các dân tộc trên thế giới.

1.2. Vai trò của chính sách bảo tồn di sản văn hóa ở Việt Nam

Chính sách bảo tồn di sản văn hóa có một vai trò vô cùng quan trọng, vì đó chính là những công cụ hỗ trợ trong việc xây dựng một nền văn hóa tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc.

Chính sách bảo tồn di sản không chỉ có vai trò trong việc giữ nguyên “hình ảnh”, “hiện trạng” định hướng mục tiêu đưa di sản trở thành một phần đời sống của chủ thể văn hóa. Tạo dựng mối liên kết giữa di sản vật thể và di sản phi vật thể để tạo thành sức mạnh tổng hợp, tôn vinh giá trị nổi bật.

Chính sách bảo tồn, phát huy di sản văn hóa có vai trò quan trọng trong việc kết hợp hài hòa với các chính sách phát triển văn hóa, chính sách phát triển về kinh tế tài chính và du lịch, tạo nguồn lực cho công tác bảo tồn, phát huy di dản văn hóa.

Chính sách bảo tồn di sản văn hóa còn có vai trò định hướng trong việc bảo tồn và gìn giữ những loại hình văn hóa truyền thống, các lễ hội dân gian.

Chính sách bảo tồn di sản văn hóa còn có vai trò trong việc mở rộng giao lưu văn hóa với các nước bạn, tiếp nhận văn hóa có chọn lọc để tạo nên một nền văn hóa đa dạng phong phú nhưng không xô bồ, chống sự xâm nhập văn hóa độc hại, lai căn, phản động.

1.3. Chủ thể của chính sách bảo tồn di sản văn hóa ở Việt Nam

Cấp Trung ương: Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch, Cục Di sản văn hóa

Cấp tỉnh, thành phố: Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Sở Văn hóa-Thể thao và Du lịch; Trung tâm quản lý di tích và danh thắng tỉnh.

Cấp huyện: Ủy ban nhân dân cấp huyện, phòng Văn hóa-Thông tin, Trung tâm Văn hóa-Thể thao huyện.

Cấp xã: Ủy ban nhân dân cấp xã.

1.4. Các nhân tố tác động ảnh hưởng đến chính sách bảo tồn di sản văn hóa ở Việt Nam

1.4.1. Môi trường và đặc điểm của di sản văn hóa

Môi trường, địa hình, địa chất, khí hậu … ảnh hưởng rất lớn đến chính sách bảo tồn di sản, nhất là đối với di sản vật thể. Môi trường bị ô nhiễm, địa hình phức tạp, khí hậu khắc nghiệt, biến đổi thất thường làm di sản, trong đó chủ yếu là di sản vật thể dễ bị xuống cấp, hư hỏng nghiêm trọng. Thêm vào đó, chất liệu, kết cấu của di sản cũng ảnh hưởng đến hoạt động khôi phục, bảo tồn hiện trạng của di sản.

1.4.2. Nguồn nhân lực

Nguồn nhân lực bảo tồn di sản văn hóa bao gồm đội ngũ quản lý, đội ngũ nghiên cứu về di sản văn hóa, các kiến trúc sư, các kỹ sư xây dựng, kỹ thuật viên, thợ nghề, nghệ nhân, văn, nghệ sĩ, những người làm công tác bảo vệ di sản văn hóa ở cơ sở …. Đội ngũ này có tác động trực tiếp đến công tác bảo tồn di sản văn hóa. Nếu đội ngũ này dồi dào, có trình độ chuyên môn cao, nhạy bén, có tâm huyết thì hiệu quả công tác bảo tồn di sản văn hóa sẽ càng cao.

1.4.3. Trình độ hiểu biết và nhận thức của người dân

Trình độ hiểu biết và nhận thức của người dân có ảnh hưởng trực tiếp tới việc thực thi các chính sách. Trình độ hiểu biết và nhận thức của người dân mà cao thì công tác tuyên truyền, phổ biến các chính sách của Đảng và Nhà nước tới người dân được thực hiện một cách nhanh chóng và hiệu quả.

1.4.4. Kinh phí

Kinh phí cho hoạt động bảo tồn di sản chủ yếu từ nguồn ngân sách Nhà nước. Nếu ngân sách ổn định thì lượng kinh phí phân bổ cho lĩnh vực văn hóa nói chung, trong đó có nguồn đầu tư cho công tác bảo tồn di sản có xu hướng tăng và ngược lại. Mặc khác, với xu hướng xã hội hóa như hiện nay, sự quan tâm, tham gia đầu tư của các tổ chức, thành phần ngoài quốc doanh và nhân dân; thậm chí cả sự tham gia của các tổ chức, cộng đồng quốc tế càng nhiều, thì nguồn kinh phí càng dồi dào, hoạt động bảo tồn di sản văn hóa càng thuận lợi và hiệu quả.

1.5. Kinh nghiệm bảo tồn di sản văn hóa của một số nước trên thế giới

Nhiều nước trên thế giới rất thành công trong công cuộc bảo tồn di sản văn hóa với rất nhiều kinh nghiệm quý báu như Ấn Độ, Hàn Quốc, Đài Loan …

Chính sách khôi phục, bảo tồn và phát huy văn hóa người Cơ Tu từ thực tiễn huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam
Chính sách khôi phục, bảo tồn và phát huy văn hóa người Cơ Tu từ thực tiễn huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam

CHƯƠNG 2

THỰC TRẠNG CHÍNH SÁCH KHÔI PHỤC, BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG NGƯỜI CƠ TU

Ở HUYỆN TÂY GIANG, TỈNH QUẢNG NAM

2.1. Chính sách bảo tồn di sản văn hóa ở tỉnh Quảng Nam 2.1.1. Chính sách

Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa luôn được cấp ủy, chính quyền tỉnh Quảng Nam chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt và xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của địa phương.

Ngày 12/7/1997, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam lâm thời ra Chỉ thị 04/CT-TU về việc xây dựng thôn, bản văn hoá.

Ngày 29/9/1998, Tỉnh ủy Quảng Nam đã ban hành Chương trình hành động số 05-CTr/TU thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (Khoá VIII).

Năm 2010, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành “Đề án tu bổ cấp thiết di tích cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2011 – 2020”.

Năm 2013, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Nam ban hành Kế hoạch bảo tồn, phát triển các di sản văn hóa tiêu biểu của các dân tộc thiểu số (bao gồm các dân tộc Cơ tu, Giẻ – Triêng, Xơ đăng và Cor) trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 với mục tiêu đưa văn hóa của các dân tộc thiểu số ra khỏi tình trạng có nguy cơ bị mai một cần bảo vệ khẩn cấp và phát huy giá trị di sản văn hóa tiêu biểu của các dân tộc.

Để bảo tồn, quản lý tốt các di sản của tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quy chế quản lý, đã xác định trách nhiệm quản lý, bảo vệ và phát huy giá trị các di tích và danh thắng trên địa bàn tỉnh và Kế hoạch số 524/KH-UBND về việc kiểm kê và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

2.1.2. Những thành tựu và bất cập trong thực hiện chính sách bảo tồn di sản văn hóa ở Quảng Nam

2.1.2.1. Thành tựu

Từ khi tái lập tỉnh đến nay, công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hóa ở tỉnh Quảng Nam đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần vào sự phát triển chung của địa phương. Đến nay toàn tỉnh có 283 di tích cấp tỉnh, 55 di tích quốc gia được xếp hạng. Phố cổ Hội An và Khu đền tháp Mỹ Sơn được UNESCO công nhận di sản văn hóa thế giới và Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt.

Hệ thống thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở có bước phát triển cả về số lượng và chất lượng hoạt động. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đạt được nhiều kết quả to lớn, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, nâng cao dân trí, bảo vệ môi trường, giữ gìn phát huy thuần phong mỹ tục và truyền thống tốt đẹp của quê hương. 

Các di sản văn hóa phi vật thể được bảo tồn và phát huy; nhất là các giá trị văn hóa trong quan hệ cộng đồng, các lễ hội dân gian của các dân tộc, các làn điệu dân ca, các hình thức diễn xướng dân gian, trò chơi dân gian, làng nghề. Đã tiến hành điều tra, kiểm kê văn hóa phi vật thể trên địa bàn toàn tỉnh để đề nghị công nhận đưa vào danh mục văn hóa phi vật thể quốc gia. Các hoạt động giao lưu văn hóa với các địa phương trong nước và quốc tế được mở rộng và tổ chức thường xuyên.

Để đảm bảo kinh phí cho công tác bảo tồn di sản, tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp khác nhau như tranh thủ nguồn ngân sách của Trung ương, của các tổ chức trong và ngoài nước, xã hội hóa toàn dân …Với các giải pháp đã huy động được một nguồn kinh phí không nhỏ cho công tác bảo tồn di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh.

2.1.2.2. Bất cập

Kinh phí để bảo tồn các di tích trên địa bàn tỉnh hết sức khó khăn. Từ trước đến nay, kinh phí cho công tác bảo tồn di sản văn hóa chủ yếu từ nguồn ngân sách phân bổ từ Trung ương và sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế.

Công tác quản lý di tích, các hoạt động văn hóa truyền thống của chính quyền địa phương còn chưa chặt chẽ; công tác phối hợp giữa tỉnh với một số huyện, thành phố trong quản lý và tu bổ di tích có lúc chưa chặt chẽ.

Công tác đào tạo nguồn cán bộ người dân tộc thiểu số nói chung trong đó có cán bộ văn hoá còn gặp nhiều khó khăn.

Công tác quy hoạch đất đai cho sự nghiệp văn hóa, giáo dục, thông tin, thể thao nhiều nơi chưa đạt định mức quy định, có nơi quỹ đất quá ít, không đảm bảo hoạt động; chính sách đối với văn nghệ sĩ còn bất cập, chậm ban hành chính sách hỗ trợ đời sống, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với các nghệ nhân.

Công tác thông tin đối ngoại, hợp tác quốc tế trên lĩnh vực bảo tồn di sản văn hóa thiếu văn bản hướng dẫn của cấp trên nên một vài đơn vị huyện, thành phố đã mở rộng hợp tác quốc tế trên lĩnh vực văn hóa, giáo dục nhưng còn lúng túng, hiệu quả chưa cao.

2.2. Di sản văn hóa truyền thống của người Cơ Tu ở huyện Tây Giang

2.2.1. Giới thiệu về huyện Tây Giang

Tây Giang là huyện biên giới mới được tái lập và chính thức đi vào hoạt động từ tháng 8 năm 2003 theo Nghị định 72/2003/NĐ-CP ngày 20/6/2003 của Chính phủ. Với tổng dân số là 17.541 người, có 14 thành phần dân tộc (Kinh, Cơ Tu, Mường, Thái, Tà Ôi, Ca Dong, Tày, Gié Triêng, Cor, Mơ Nông, Vân Kiều, Thổ, Hre, Hoa); trong đó đồng bào dân tộc thiểu số Cơ Tu chiếm hơn 91% tổng số dân. Là một trong 62 huyện nghèo hưởng cơ chế, chính sách theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ.

2.2.2. Dân tộc Cơ Tu ở huyện Tây Giang

Dân số hiện nay của dân tộc Cơ Tu khoảng hơn 50.000 người, chủ yếu quần cư ở phía Tây của 03 tỉnh: Quảng Nam, Thừa Thiên-Huế và thành phố Đà Nẵng. Trong đó, nhiều nhất ở Quảng Nam, tập trung ở huyện Đông Giang, Tây Giang, Nam Giang. Ngoài ra, người Cơ Tu còn cư trú ở 02 huyện Đắc Chưng và Kà Lừm, tỉnh Sê Kông, nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, có dân số trên một vạn người.

Với địa hình cư trú như trên, cho thấy dân tộc Cơ Tu có địa bàn cư trú thống nhất, không bị phân cách lớn, không có dân tộc khác sống xen giữa. Tuy nhiên, phân bổ chủ yếu ở địa hình đồi núi cao, địa bàn sống khó khăn.

2.2.3. Di sản văn hóa truyền thống của người Cơ Tu ở huyện Tây Giang

2.2.3.1. Văn hóa vật thể:

Làng truyền thống Cơ Tu: là một quần thể mang tính đặc trưng của bản sắc văn hoá cộng đồng. Nó có vai trò, vị trí quan trọng trong đời sống tinh thần của nhân dân, trở thành biểu tượng thiêng liêng nhất trong tâm hồn của mỗi con người.

– Gươl: Gươl là một kiến trúc độc đáo, liên quan đến tín ngưỡng nguyên thủy của đa số tộc người ở vùng Đông Nam Á; là một công trình kiến trúc và nghệ thuật mang tính giá trị tập thể, là niềm tự hào của cộng đồng. Gươl không chỉ là một di sản vật thể mà còn như là “bảo tàng nghệ thuật sống”, là “di sản sống” của người Cơ Tu.

2.2.3.2. Văn hóa phi vật thể

– Lễ hội: Dân tộc Cơ Tu có các Lễ hội Mừng lúa mới, mừng năm mới bằng các hình thức đâm trâu, múa hát tập thể suốt đêm.

– Văn hóa văn nghệ của người Cơ Tu khá phong phú, đặc sắc. Đó là điệu múa tân’tung, dádă, hát lý, nói lý, hát ru, dân ca Cơ Tu, truyện cổ với các nhạc cụ đi kèm như khèn, sáo, trống, chiêng … .

Ngoài ra còn có các giá trị văn hóa phi vật thể khác mang đậm nét văn hóa truyền thống của người Cơ Tu như: Văn hóa ẩm thực, trang phục, các nghề thủ công truyền thống, chữ viết của người Cơ Tu…

2.3. Kết quả thực hiện chính sách khôi phục, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của người Cơ Tu ở huyện Tây Giang, giai đoạn 2010 – 2014

2.3.1. Chính sách khôi phục, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của người Cơ Tu ở huyện Tây Giang

2.3.1.1. Quan điểm

Các cấp, các ngành của huyện cần tổ chức chỉ đạo quyết liệt, liên tục theo từng lĩnh vực, nhiệm vụ được phân công, chú trọng việc phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các cấp và sự hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh để triển khai đồng bộ các giải pháp từ việc hoàn chỉnh các cơ chế, chính sách, tuyên truyền giáo dục, tăng cường công tác quản lý nhà nước về bảo tồn văn hóa của người Cơ Tu.

Kết hợp “xây” đi đôi với “chống” trong đó lấy “xây” là chính. Đó là sự nhân lên những giá trị tốt đẹp, tiến bộ và loại bỏ những cái xấu, cái lạc hậu ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống; đồng thời, phải tiếp thu có chọn lọc văn hoá các dân tộc khác trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam để làm phong phú thêm văn hoá của người Cơ Tu.

Đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động tối đa các nguồn lực đầu tư cả tại địa phương, trong nước và quốc tế; với phương châm “tranh thủ ngoại lực và phát huy nội lực của người dân là chính” để triển khai thực hiện hiệu quả các mục tiêu khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa Cơ Tu.

2.3.1.2. Mục tiêu

– Khôi phục, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể đặc trưng của dân tộc Cơ Tu nhằm tạo ra đời sống tinh thần cao đẹp của người Cơ Tu góp phần xây dựng, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao dân trí, thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế-xã hội của huyện Tây Giang.

– Khôi phục, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa Cơ Tu, qua đó giới thiệu hình ảnh Tây Giang đến với công chúng trong và ngoài tỉnh để kêu gọi đầu tư, phát triển du lịch.

2.3.1.3. Các chủ thể tham gia chính sách khôi phục, bảo tồn và phát huy văn hóa của người Cơ Tu

Các chủ thể tham gia gồm: Phòng Văn hóa và Thông tin, Phòng Tài chính-Kế hoạch, Phòng Tài Nguyên và Môi trường, Phòng Nội vụ, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Trung tâm Văn hóa-Thể thao, Trung tâm xúc tiến đầu tư phát triển du lịch, Đài Truyền thanh-Truyền hình, các Trường học trên địa bàn huyện, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các Hội đoàn thể của huyện, Ủy ban nhân dân 10 xã.

2.3.2. Kết quả thực hiện chính sách (từ nhận thức của người dân Cơ Tu qua số liệu điền dã)

2.3.2.1. Thông tin về phiếu điều tra

Để thực hiện Luận văn, tôi đã tiến hành điều tra, phỏng vấn người dân và cán bộ về việc thực hiện chính sách bảo tồn văn hóa của người Cơ Tu ở huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam. Nội dung câu hỏi điều tra nhằm thu thập thông tin về ưu nhược điểm của chính sách bảo tồn di sản, kết quả đạt được trong quá trình thực hiện chính sách đối với khôi phục, bảo tồn và phát huy văn hóa của người Cơ Tu cũng như những giải pháp được đưa ra về chính sách áp dụng trong công tác quản lý Nhà nước đối với di sản văn hóa của dân tộc thiểu số.

Các đối tượng được phỏng vấn là những người công tác tại các cơ quan quản lý Nhà nước (Ủy ban nhân dân huyện Tây Giang và Phòng Văn hóa và Thông tin huyện, cán bộ phụ trách văn hóa xã), già làng, người có uy tín, trưởng thôn, bí thư chi bộ thôn và nhân dân một số hộ gia đình gồm cả nam, nữ và học sinh trường Trung học Phổ thông Dân tộc Nội trú huyện.

2.3.2.2. Số liệu và kết quả phân tích

Thông qua tổng hợp các số liệu, dữ liệu từ 100 phiếu điều tra phỏng vấn và 05 mẫu phỏng vấn sâu đã thu về, tôi đã phân tích và thu được kết quả như sau:

* Những khó khăn, thuận lợi

Trong tổng số các ý kiến thì có 20% ý kiến cho rằng công tác khôi phục, bảo tồn và phát huy văn hóa của người Cơ Tu đang rất thuận lợi, được tổ chức thực hiện rất tốt; trong khi đó, có tới 80% ý kiến cho rằng công tác này đang gặp rất nhiều khó khăn, tiến độ chậm dần. Trong 80% đó, thì có 50% cho rằng thiếu kinh phí là khó khăn lớn nhất, 30% ý kiến cho rằng ý thức của người dân là quan trọng nhất, còn 20% lại cho rằng trình độ, năng lực của đội ngũ cán bộ, trong đó có cán bộ làm công tác văn hóa là khó khăn chủ yếu. Như vậy, khó khăn lớn nhất tại huyện Tây Giang trong việc khôi phục, bảo tồn và phát huy văn hóa của người Cơ Tu đó chính là kinh phí.

* Về chủ thể thực hiện

50% ý kiến cho rằng là do người dân Cơ Tu tại huyện thực hiện; 40% ý kiến cho rằng chủ yếu do chính quyền địa phương thực hiện (Ủy ban nhân dân huyện, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện); 10% cho rằng do những người từ bên ngoài, các nhà khoa học, dân tộc học am hiểu về văn hóa Cơ Tu thực hiện. Điều này cho thấy, vai trò của người dân địa phương và chính quyền sở tại là chính yếu trong việc khôi phục, bảo tồn và phát huy văn hóa của dân tộc mình.

* Sự quan tâm của người dân

Qua điều tra, đại đa số người dân Cơ Tu rất yêu thích văn hóa của dân tộc mình và phần lớn quan tâm đến việc khôi phục, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của địa phương. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ người dân chủ yếu quan tâm đến lĩnh vực xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế.

* Mức độ cần thiết của chính sách quản lý Nhà nước

Theo đánh giá của các đối tượng được điều tra phỏng vấn thì mức độ cần thiết giảm dần theo thứ tự sau: 70 % ý kiến cho rằng chính sách đối với khôi phục, bảo tồn và phát huy văn hóa của người Cơ Tu là vô cùng quan trọng, 20% ý kiến cho rằng quan trọng và 10% ý kiến nào cho rằng không quan trọng. Từ đó cho thấy, chính sách của nhà nước đối với việc khôi phục, bảo tồn và phát huy văn hóa của dân tộc là hết sức quan trọng.

*Mức độ tiếp cận chính sách quản lý Nhà nước của người dân

Trong tổng số 100 phiếu điều tra phỏng vấn thu về thì 100% ý kiến cho rằng các đối tượng đều được biết đến chính sách, nhưng mức độ không cao.

* Mức độ phát huy hiệu quả của các giải pháp chính sách

Trong tổng số 100 phiếu điều tra phỏng vấn thu về thì 40% cho rằng các giải pháp của chính sách khôi phục, bảo tồn và phát huy văn hóa của người Cơ Tu đã phát huy được hiệu quả, đem lại kết quả cao; 60% ý kiến cho rằng các giải pháp trên đã phát huy hiệu quả nhưng chưa cao và không có ý kiến nào cho rằng các giải pháp trên là không hiệu quả. Như vậy, các giải pháp chính sách khôi phục, bảo tồn và phát huy văn hóa của người Cơ Tu là đúng đắn, bước đầu đã đem lại hiệu quả khả quan.

* Kiến nghị của người dân

Trong tổng số 100 phiếu điều tra phỏng vấn thì 60% ý kiến cho rằng Nhà nước cần tập trung hơn nữa vào các giải pháp vốn, cần đầu tư nguồn kinh phí lớn hơn cho lĩnh vực văn hóa; 40% ý kiến cho rằng, cần tập trung vào nguồn nhân lực làm công tác khôi phục, bảo tồn và phát huy văn hóa. Một số ít ý kiến còn đưa ra kiến nghị: Chính quyền cần quan tâm đưa đi đào tạo con em người địa phương trở thành các nguồn nhân lực chất lượng cao trong lĩnh vực văn hóa và có chính sách hỗ trợ thường xuyên đối với các nghệ nhân.

2.3.3. Kết quả thực hiện chính sách (từ thực tiến)

2.3.3.1. Thành tựu

* Về bảo tồn và phát huy văn hóa Cơ Tu

Với việc triển khai thực hiện chính sách, nhiều di sản văn hóa của người Cơ Tu ở huyện Tây Giang đã được khôi phục và bảo tồn. Trong đó, đáng kể là đã khôi phục được 61/70 Gươl thôn, 06 Gươl xã; 02 làng truyền thống Cơ Tu (Làng Pơr’ning-xã Lăng và Làng truyền thống Cơtu tại Trung tâm hành chính huyện) và nhà mồ tại Làng truyền thống Cơ Tu.

Bên cạnh việc khôi phục, gìn giữ các giá trị văn hóa vật thể thì các giá trị văn hóa phi vật thể cũng được chú trọng bảo tồn và phát huy. Người Cơ Tu luôn lưu giữ được các giá trị văn hoá phi vật thể như những tri thức về mối quan hệ của người Cơ Tu với môi trường tự nhiên và cuộc sống; kinh nghiệm về mùa vụ, sức khoẻ, ẩm thực truyền thống cùng những sáng tạo trong văn học truyền khẩu dân gian; nghệ thuật biểu diễn các loại nhạc cụ, nói lý, hát lý, múa tân’tung, dádă; nghệ thuật điêu khắc, chạm trổ hoa văn; các lễ hội….

Tiếng nói, chữ viết của người Cơ Tu cũng được giữ gìn; bên cạnh việc khuyến khích người dân sử dụng tiếng nói của dân tộc mình trong giao tiếp, sinh hoạt thường ngày; huyện cũng đã chú trọng đến việc truyền dạy cho cán bộ, công chức là người dân tộc khác và học sinh biết, sử dụng tiếng nói, chữ viết của người Cơ Tu.

Đi đôi với việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hoá Cơ Tu, huyện cũng đã tuyên truyền trong nhân dân loại bỏ những phong tục tập quán lạc hậu có hại cho sản xuất và đời sống. Ngăn chặn và đẩy lùi các hoạt động văn hoá, các văn hoá phẩm độc hại.

* Về phát huy bản sắc văn hoá Cơ Tu gắn với thực hiện chính sách về phát triển văn hoá nghệ thuật

Sự nghiệp phát triển văn hoá, nghệ thuật gắn với phát huy bản sắc văn hoá Cơ Tu luôn được đầu tư, phát triển. Trong những năm qua các bài viết, cuốn sách viết về văn hoá Cơ Tu ngày càng nhiều. Đặc biệt, những người con của dân tộc Cơ Tu đã cho ra đời các cuốn sách nhằm bảo tồn các giá trị văn hoá, đồng thời giới thiệu hình ảnh, văn hoá, con người Cơ Tu đến với công chúng và truyền dạy cho các thế hệ sau về văn hoá của dân tộc mình.

2.3.3.2. Hạn chế

* Thực trạng mai một các di sản văn hóa

Một số văn hoá vật thể, phi vật thể chưa được quan tâm sưu tầm, nghiên cứu, truyền giảng cho thế hệ trẻ. Trang phục truyền thống của người Cơ Tu ngày càng ít được sử dụng, chủ yếu chỉ được mặc khi có lễ hội truyền thống của địa phương. Tiếng nói, chữ viết của người Cơ Tu có nguy cơ bị mai một rất cao, rất nhiều người dân Cơ Tu hiện nay không biết chữ viết của dân tộc mình.

Các nghề thủ công truyền thống như nghề rèn, dệt thổ cẩm, đan lát được bảo tồn nhưng ngày càng ít người làm; các nghệ nhân chủ yếu là những người già, người cao tuổi.

Nhà sàn truyền thống làm bằng gỗ, tranh, nứa đang dần bị thay thế bởi những ngôi nhà trệt, mái ngói, mái tôn được xây dựng bằng các vật liệu xây dựng mới như xi măng, sắt, thép…

* Tính thiếu hiệu quả của vai trò của các chủ thể tham gia thực hiện chính sách

Một số phòng, ban của huyện, Ủy ban nhân dân các xã thực sự chưa thể hiện được vai trò của mình trong công tác khôi phục, bảo tồn và phát huy văn hóa của người Cơ Tu.

* Tính thiếu hiệu quả của các giải pháp thực hiện chính sách

– Giải pháp về tài chính: Qua phân tích các báo cáo Quyết toán thu-chi ngân sách Nhà nước của huyện Tây Giang từ năm 2010-2014 thì đầu tư cho lĩnh vực văn hóa nói chung, trong đó có công tác khôi phục, bảo tồn và phát huy văn hóa của người Cơ Tu qua các năm có tăng, nhưng mức đầu tư còn rất ít, chiếm tỷ lệ rất thấp trong tổng mức chi từ ngân sách địa phương.

– Giải pháp về xã hội hóa: Sự đầu tư của các tổ chức, doanh nghiệp là không đáng kể, lượng khách trong nước và quốc tế đến huyện còn rất ít nên nguồn thu từ lĩnh vực này hầu như chưa có gì.

Việc huy động nguồn lực trong cộng đồng dân cư gặp khó khăn. Người dân chủ yếu đóng góp công sức, tham gia vào các hoạt động khôi phục, bảo tồn, phát huy văn hóa chứ chưa có sự đóng góp bằng tiền của, vật chất cho công tác này.

Chính sách khôi phục, bảo tồn và phát huy văn hóa người Cơ Tu từ thực tiễn huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam
Chính sách khôi phục, bảo tồn và phát huy văn hóa người Cơ Tu từ thực tiễn huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam

CHƯƠNG 3

GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH KHÔI PHỤC, BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY VĂN HÓA TRUYỀN THỐNG

NGƯỜI CƠ TU Ở HUYỆN TÂY GIANG, TỈNH QUẢNG NAM

3.1. Quan điểm

Tăng cường huy động sức mạnh của toàn xã hội nhằm phát triển văn hóa dân tộc, góp phần để văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực phát triển kinh tế – xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, bảo đảm toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ quốc gia.

Khôi phục, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của người Cơ Tu phải hướng đến mục tiêu thực hiện đoàn kết, bình đẳng dân tộc, rút ngắn khoảng cách với các các dân tộc khác trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam.

Khôi phục, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của người Cơ Tu phải đảm bảo sự kết hợp hài hòa, hợp lý giữa truyền thống và hiện đại, tạo ra một chỉnh thể văn hóa truyền thống mới, tiến bộ hơn, phù hợp hơn nhưng vẫn không mất đi bản sắc của nó.

Chính sách khôi phục, bảo tồn văn hóa truyền thống của người Cơ Tu phải kết hợp hài hòa với các chính sách phát triển về kinh tế, tài chính và du lịch.

3.2. Giải pháp

3.2.1. Xây dựng chính sách và cơ chế huy động, khai thác và sử dụng hiệu quả các nguồn kinh phí cho hoạt động khôi phục, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc Cơ Tu ở Tây Giang

Tranh thủ, sử dụng có hiệu quả nguồn ngân sách từ Trung ương; đồng thời, phải khai thác, phát huy các tiềm năng vốn có của địa phương để tăng cường nguồn ngân sách cho các hoạt động nhằm phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

Tăng cường các biện pháp thu hút vốn đầu tư từ các tổ chức, doanh nghiệp vào lĩnh vực văn hóa, nhất là đầu tư nước ngoài.

3.2.2. Có những chính sách đãi ngộ thích đáng với những người có công trong việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống

Cần kiến nghị đổi mới cơ chế xét khen thưởng, phong tặng các danh hiệu, bằng khen, giấy khen cho những người làm lĩnh vực văn hóa.

Có chế độ, chính sách hỗ trợ đối với các nghệ nhân và những người am hiểu về văn hóa đang làm công tác này nhưng không được hưởng lương và các chế độ trợ cấp xã hội khác.

Định kỳ hàng năm, tổ chức giới thiệu, suy tôn những người có thành tích xuất sắc trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, các tác phẩm, sản phẩm xuất sắc của họ; đồng thời, quảng bá, giới thiệu với công chúng.

3.2.3. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích tất cả mọi người dân tích cực tham gia vào công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của dân tộc

– Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao ý thức tự giác của người dân. Tuyên truyền, vận động phải cần được tiến hành một cách đồng bộ, thường xuyên với nhiều phương thức khác nhau, tránh làm ồ ạt, “xong rồi bỏ đó”, qua loa, hình thức.

– Có cơ chế rõ ràng, gắn lợi ích của người dân khi tham gia các hoạt động bảo tồn, được hưởng lợi từ văn hóa.

– Cần phải xây dựng nhiều cơ chế, chính sách phát triển kinh tế, xã hội để giải quyết vần đề đói nghèo song song với việc hoàn thiện các chính sách về văn hóa …

3.2.4. Đẩy mạnh công tác truyền dạy văn hóa truyền thống của dân tộc mình cho thế hệ trẻ

Việc truyền dạy có thể thực hiện bằng nhiều cách như giáo dục, truyền dạy cộng đồng thông qua các nghệ nhân, già làng, trưởng bản, những người am hiểu về văn hóa truyền thống của dân tộc; trong các buổi sinh hoạt cộng đồng của gia đình, làng, bản, địa phương … Hoặc đưa vào giảng dạy chính quy, dạy ngoại khóa trong các trường học ở các cấp học, bậc học, trường dạy nghề trên địa bàn.

3.2.5. Gắn kết bảo vệ và phát huy văn hóa của dân tộc Cơ Tu với phát triển du lịch

Lấy các giá trị văn hóa truyền thống để phát triển du lịch, là sản phẩm du lịch đặc trưng, hấp dẫn; đồng thời, lấy du lịch để bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống.

Nâng tầm tổ chức kỷ niệm các ngày lễ, các lễ hội văn hóa truyền thống cùng các hoạt động văn hóa văn nghệ, hội thi, hội diễn trên địa bàn thành các sự kiện văn hóa du lịch.

Có cơ chế, chính sách liên kết, phát triển giữa các vùng có đồng bào dân thộc thiểu số sinh sống, mở rộng hợp tác giữa các địa phương và giữa địa phương với Trung ương trong nghiên cứu thị trường, quảng bá xúc tiến du lịch, hình thành các tuyến du lịch xuyên vùng.

3.2.6. Đẩy mạnh việc đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ quản lý về văn hóa, nhất là ở cơ sở

Rà soát, kiểm tra, sắp xếp, bố trí lại đội ngũ cán bộ văn hóa ở các cấp; từ đó đề ra kế hoạch để đào tạo, bồi dưỡng cho đội ngũ này; đặc biệt với đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa ở cơ sở và phải ưu tiên đào tạo đội ngũ cán bộ là con em người dân tộc Cơ Tu làm công tác văn hóa.

Nhà nước cần có cơ chế, phương án hoàn thiện bộ máy quản lý về văn hóa. Các trường đào tạo về văn hóa, nghệ thuật, du lịch đào tạo thêm chuyên môn về quản lý văn hóa cho cấp xã; tạo cơ chế, điều kiện để các địa phương liên kết mở các lớp cử tuyển đào tạo cán bộ người đồng bào dân tộc thiểu số nhằm đảm bảo nguồn nhân lực tại chỗ ở các địa phương.

3.2.7. Nâng cao năng lực nguồn nhân lực chất lượng cao trong việc bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số nói chung, trong đó có dân tộc Cơ Tu

– Thực hiện hợp tác, giao lưu văn hóa với các nước trong khu vực và trên thế giới, trên cơ sở đó đưa đội ngũ này đi tham quan-học tập, đào tạo ở các nước có nhiều thành tựu trong phát triển văn hóa.

– Có chính sách khuyến học, khuyến tài, đầu tư thỏa đáng cho giáo dục đào tạo để đội ngũ này đáp ứng yêu cầu của thời đại. Đồng thời, xây dựng cơ chế chính sách phù hợp để họ tham gia các đề tài nghiên cứu, không bị ràng buộc bởi những quy định máy móc trong việc thanh quyết toán, chứng từ, hóa đơn …

– Nhà nước có cơ chế hỗ trợ thỏa đáng để khuyến khích sáng tác, biểu diễn và tổ chức trình diễn các loại hình nghệ thuật truyền thồng; bảo tồn và phục dựng các lễ hội truyền thống.

3.2.8. Hoàn thiện hệ thống thể chế và thiết chế văn hoá; đồng thời, ban hành Bộ chỉ số về phát triển văn hoá các dân tộc thiểu số Việt Nam, tổng kiểm kê di sản văn hóa các dân tộc thiểu số nói chung và của dân tộc Cơ Tu nói riêng

KẾT LUẬN

Để khôi phục, bảo tồn và phát huy văn hóa của người Cơ Tu nói riêng và của các dân tộc thiểu số Việt Nam nói chung, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản liên quan tới chính sách nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi để bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa của các dân tộc nhằm thực hiện cho được mục tiêu xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc, để văn hóa vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho sự phát triển của đất nước. Tuy nhiên các chính sách quản lý Nhà nước đối với văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số ở nước ta thường gắn với các chính sách quản lý Nhà nước về di sản, về phát triển kinh tế, xã hội các dân tộc thiểu số, về phát triển khu vực miền núi, biên giới, hải đảo ….nên được lồng ghép trong các chính sách phát triển kinh tế, văn hóa khác. Hiện nay chúng ta chưa có một chính sách cụ thể, riêng biệt nào của Nhà nước được ban hành liên quan đến vấn đề khôi phục, bảo tồn và phát huy văn hóa của các dân tộc thiểu số. Trong khi đó công tác bảo tồn, khôi phục và phát huy văn hóa của các dân tộc thiểu số còn nhiều mặt hạn chế; cơ chế, chính sách của Nhà nước còn thiếu tính hệ thống, chưa đồng bộ, còn chồng chéo, trùng lặp trong việc xác định trách nhiệm quản lý của nhà nước đối với việc khôi phục, bảo tồn và phát huy văn hóa của các dân tộc thiểu số.

Trong những năm qua, công tác khôi phục, bảo tồn và phát huy văn hóa của người Cơ Tu ở huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam đã có nhiều kết quả tích cực, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc nói riêng, vừa làm phong phú thêm văn hóa của Việt Nam, thực hiện mục tiêu “xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Các giá trị văn hóa truyền thống của người Cơ Tu được phát huy và đang từng bước phục vụ cho chính công cuộc xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho người dân, phát triển kinh tế thông qua hoạt động phát triển du lịch. Để thực hiện có hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống cần có những đề án, chương trình thực hiện cụ thể cùng với những định hướng, chính sách phù hợp, đầu tư tập trung hơn.

Đề tài “Chính sách khôi phục, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của người Cơ Tu từ thực tiễn huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam” đã giải quyết được các vấn đề chủ yếu sau:

1. Hệ thống hoá và làm rõ các vấn đề lý luận về chính sách công, chính sách đối với bảo tồn di sản văn hóa nói chung và chính sách khôi phục, bảo tồn và phát huy văn hóa của người Cơ Tu nói riêng.

2. Phân tích thực trạng chính sách khôi phục, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của người Cơ Tu từ thực tiễn huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam.

3. Trình bày các cơ sở quan trọng, đề xuất các quan điểm, mục tiêu, định hướng phát triển, từ đó đưa ra hệ thống các giải pháp hoàn thiện chính sách khôi phục, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số.

“Chính sách khôi phục, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của người Cơ Tu từ thực tiễn huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam” là một đề tài nghiên cứu có phạm vi nghiên cứu khá rộng và mới. Mặc dù tác giả đã có nhiều nỗ lực cố gắng, tuy nhiên do thời gian nghiên cứu ngắn nên đề tài không tránh khỏi những hạn chế. Tác giả rất mong nhận được các ý kiến góp ý của các nhà khoa học, nhà quản lý, chuyên gia, bạn đọc quan tâm để tiếp tục hoàn thiện.

LIỆN HỆ:

SĐT+ZALO: 0935568275

E:\DỮ LIỆU COP CỦA CHỊ YẾN\LUAN VAN VIEN HAN LAM\LUAT HINH SU DOT 2\CUA THUONG\NGUYEN THI THU HUONG\SAU BAO VE

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *