Quản lý nhà nước về trật tự đô thị từ thực tiễn quận Hải Châu

Quản lý nhà nước về trật tự đô thị từ thực tiễn quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

Quản lý nhà nước về trật tự đô thị từ thực tiễn quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

1. Tính cấp thiết của đề tài

Trong những năm qua, cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tốc độ phát triển đô thị diễn ra khá nhanh. Việc xây dựng và phát triển các đô thị này đòi hỏi phải được thực hiện theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt và đúng với quy chuẩn, tiêu chuẩn cho phép đối với từng khu vực. Tuy nhiên, trên thực tế tình hình vi phạm trật tự đô thị đã và đang là một vấn đề nóng trong thực tế các đô thị nước ta hiện nay; đồng thời các vi phạm về trật tự vỉa hè, trật tự an toàn giao thông, về phòng cháy chữa cháy, về cư trú…cũng gia tăng và diễn biến phức tạp.

Chính vì vậy, tác giả đã chọn đề tài “Quản lý nhà nước về trật tự đô thị từ thực tiễn quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng” làm đề tài cho luận văn thạc sĩ của mình nhằm đánh giá những thực trạng, tìm giải pháp và phương hướng nhằm bổ sung thêm về lý luận, áp dụng vào thực tế quản lý trật tự đô thị ở quận Hải Châu nói riêng, thành phố Đà Nẵng nói chung.

2. Tình hình nghiên cứu đề tài

3. Mục tiêu, nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài

Mục đích của luận văn là nghiên cứu những vấn đề lý luận, đánh giá thực trạng về công tác quản lý nhà nước về trật tự đô thị từ thực tiễn quận Hải Châu thành phố Đà Nẵng.

Thông qua việc nghiên cứu, đánh giá, phân tích các ưu điểm cũng như hạn chế trong công tác quản lý nhà nước về trật tự đô thị. Xác định các phương hướng và đề xuất một số giải pháp cơ bản nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả QLNN về trật tự đô thị quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng trong thời gian tới.

4. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu của đề tài

Đối tượng nghiên cứu của đề tài là những vấn đề lý luận và thực tiễn QLNN về trật tự đô thị.

Phạm vi nghiên cứu của đề tài: trên địa bàn quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng từ năm 2011 đến năm 2015.

5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu

Quán triệt các nguyên tắc duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh và một số thành tựu của khoa học quản lý, khoa học tâm lý, văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị, pháp luật. Luận văn sử dụng với các phương pháp nghiên cứu khác như: Phân tích, tổng hợp, so sánh, thống kê… để làm sáng tỏ nội dung và mục đích nghiên cứu đề tài.

6. Ý nghĩa lý luận, thực tiễn của đề tài

Đề tài hệ thống hóa làm rõ hơn những vấn đề lý luận của QLNN về trật tự đô thị, đặc điểm, nội dung của pháp luật QLNN về trật tự đô thị. Các kiến nghị của đề tài có thể được vận dụng vào thực tế QLNN về trật tự đô thị ở quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng. Đây cũng là tài liệu tham khảo phục vụ cho nghiên cứu, sử dụng làm cơ sở hoàn thiện hệ thống pháp luật QLNN về trật tự đô thị đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền đô thị tại thành phố Đà Nẵng.

7. Kết cấu luận văn

Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, nội dung của luận văn gồm 3 chương.

Chương 1: Lý luận quản lý nhà nước về trật tự đô thị.

Chương 2: Thực trạng quản lý nhà nước về trật tự đô thị trên địa bàn quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.

Chương 3: Mục tiêu, quan điểm và giải pháp tăng cường quản lý nhà nước về trật tự đô thị trên địa bàn quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.

Chương 1

LÝ LUẬN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ TRẬT TỰ ĐÔ THỊ

1.1. Đô thị và trật tự đô thị

1.1.1. Quan niệm về Đô thị

Theo Khoản 1 Điều 3 Luật Quy hoạch đô thị, thì: “Đô thị là khu vực tập trung dân cư sinh sống có mật độ cao và chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực kinh tế phi nông nghiệp, là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, văn hoá hoặc chuyên ngành, có vai trò thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của quốc gia hoặc một vùng lãnh thổ, một địa phương, bao gồm nội thành, ngoại thành của thành phố; nội thị, ngoại thị của thị xã; thị trấn”.

* Phân loại đô thị ở Việt Nam

Có 06 loại đô thị: đô thị đặc biệt, đô thị loại I, trong đó có đô thị trực thuộc trung ương và đô thị trực thuộc tỉnh, đô thị loại II, đô thị loại III, đô thị loại IV, đô thị loại V.

1.1.2. Quan niệm về trật tự đô thị

Trật tự đô thị là sự điều chỉnh, sắp xếp các quan hệ xã hội đô thị hoạt động theo một quy tắc, quy chuẩn phù hợp các quy định của pháp luật hiện hành để đảm bảo cho môi trường dân sự đô thị được phát triển bền vững theo những nguyên tắc nhất định.

1.1.3. Nội dung và vai trò của trật tự đô thị

* Nội dung của trật tự đô thị

Để thiết lập trật tự đô thị, nhà nước ban hành các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh các quan hệ phát sinh trong lĩnh vực này, do đó trật tự đô thị cần được hiểu là trạng thái các quan hệ xã hội do pháp luật quy định, trong đó các hành vi của các chủ thể tham gia quan hệ trong lĩnh vực trật tự đô thị là hợp pháp. trật tự đô thị là vấn đề xã hội gắn liền với cuộc sống con người, bảo đảm sự tồn tại và phát triển của con người. Xã hội càng hiện đại, văn minh, yêu cầu về bảo đảm trật tự đô thị càng cao.

* Vai trò của trật tự đô thị

Một là, trật tự đô thị nhằm đảm bảo phát triển kinh tế – xã hội.

Hai là, trật tự đô thị nhằm đảm bảo trật tự an toàn xã hội.

1.2. Quản lý nhà nước về trật tự đô thị

1.2.1. Khái niệm, đặc điểm quản lý nhà nước về trật tự đô thị

Quản lý nhà nước về trật tự đô thị là hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước và cá nhân có thẩm quyền, trên cơ sở Hiến pháp, Luật để can thiệp vào các lĩnh vực đô thị như: giao thông đô thị, xây dựng đô thị, trật tự xã hội đô thị… nhằm điều chỉnh các hoạt động đô thị đi theo một quy tắc, một trật tự nhất định, đảm bảo đúng theo mục tiêu đã được xác định trước.

QLNN về trật tự đô thị có các đặc điểm sau đây:

Thứ nhất, QLNN về trật tự đô thị có thể do nhiều chủ thể tham gia.

Thứ hai, QLNN về trật tự đô thị dựa trên cơ sở pháp lý trực tiếp là pháp luật về trật tự đô thị.

Thứ ba, QLNN về trật tự đô thị là hoạt động của con người, liên quan đến nhiều lĩnh vực của đời sống, tác động trực tiếp đến nhu cầu sinh hoạt của con người, các hoạt động này có những tính chất phức tạp theo sự phát triển chung của xã hội.

Thứ tư, QLNN về trật tự đô thị có nội dung rất rộng như: quản lý về phòng, chống tội phạm; quản lý về phòng, chống tệ nạn xã hội; quản lý về trật tự ATGT; quản lý về phòng cháy, chữa cháy; quản lý về trật tự hành chính (quản lý cư trú, tạm trú, tạm vắng, hộ khẩu, quản lý con dấu, quản lý vũ khí, vật liệu nổ); quản lý trật tự xây dựng…

1.2.2. Chủ thể quản lý nhà nước về trật tự đô thị

Chủ thể QLNN về trật tự đô thị là các cơ quan, cá nhân, tổ chức được nhà nước trao quyền. Về cơ bản các đô thị được quản lý bởi địa phương (cấp tỉnh trở xuống). Tuy nhiên, có một số nhiệm vụ và trách nhiệm quản lý được giữ lại ở cấp trung ương. Những nội dung này được quản lý bởi một số cơ quan quản lý ngành của Chính phủ như: Bộ Xây dựng, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công an… Ngoài ra, bộ quản lý đa lĩnh vực cũng tham gia và quản lý một số nội dung liên quan đến các hoạt động trật tự đô thị.

1.2.3. Nội dung quản lý nhà nước về trật tự đô thị

Thứ nhất, xây dựng, ban hành văn bản quản lý nhà nước về trật tự đô thị

Thứ hai, tổ chức thực hiện văn bản quản lý nhà nước về trật tự đô thị.

Thứ ba, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong QLNN về trật tự đô thị.

1.2.4. Các công cụ quản lý của nhà nước về trật tự đô thị

Công cụ quản lý nhà nước về trật tự đô thị là những ph­ương tiện cần thiết, qua đó nhà n­ước (thông qua các cơ quan chức năng) sử dụng để điều tiết, h­ướng dẫn, kiểm soát đối với toàn bộ hoạt động diễn ra trong lĩnh vực trật tự đô thị.

Có thể nêu ra 3 loại công cụ chủ yếu gồm: Công cụ quy hoạch, kế hoạch; công cụ chính sách; công cụ pháp luật

1.2.5. Vai trò của quản lý nhà nước về trật tự đô thị

Nhà nước hoạch định chiến lược phát triển hệ thống đô thị quốc gia và hệ thống đô thị các vùng trên cơ sở chiến lược và kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Nhà nước lập quy hoạch, xây dựng phát triển các đô thị và quản lý trật tự đô thị trên cơ sở định hướng phát triển hệ thống đô thị quốc gia của vùng.

Nhà nước xây dựng các chính sách huy động vốn đầu tư, khai thác các nguồn vốn trong và ngoài nước, thành lập quỹ đầu tư xây dựng đô thị, công tác quản lý trật tự đô thị, đồng thời tạo mọi điều kiện và khuyến khích động viên các thành phần kinh tế cùng tham gia phát triển đô thị và công tác quản lý, giữ gìn trật tự đô thị.

Nhà nước tiến hành thanh tra kiểm tra, xử lý các vi phạm về trật tự đô thị và quản lý đô thị theo đúng quy định của pháp luật, bảo vệ trật tự an toàn đô thị.

1.3. Các yếu tố bảo đảm quản lý nhà nước về trật tự đô thị

QLNN về trật tự đô thị chịu sự tác động bởi các yếu tố sau:

Thứ nhất, hệ thống thể chế.

Thứ hai, năng lực thực hiện pháp luật của bộ máy quản lý về trật tự đô thị.

Thứ ba, phẩm chất, trình độ của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác quản lý trật tự đô thị.

Thứ tư, cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động QLNN về trật tự đô thị

Thứ năm, sự tham gia của nhân dân vào hoạt động QLNN về trật tự đô thị.

Quản lý nhà nước về trật tự đô thị từ thực tiễn quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng
Quản lý nhà nước về trật tự đô thị từ thực tiễn quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

Chương 2

THỰC TRẠNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ TRẬT TỰ ĐÔ THỊ

TRÊN ĐỊA BÀN QUẬN HẢI CHÂU, THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

2.1. Hiện trạng trật tự đô thị trên địa bàn quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

2.1.1. Khái quát cvề quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

* Vị trí địa lý

Quận Hải Châu nằm ở vị trí 16o03 độ vĩ Bắc, 108o11 độ kinh Đông, Bắc giáp Vịnh Đà Nẵng, Tây giáp quận Thanh Khê và huyện Hòa Vang, Đông giáp quận Sơn Trà và quận Ngũ Hành Sơn, Nam giáp quận Cẩm Lệ. Là một quận trung tâm, nằm sát trục giao thông Bắc Nam và cửa ngõ ra biển Đông.

* Điều kiện tự nhiên

Địa hình quận Hải Châu tương đối bằng phẳng nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, nhiệt độ cao và biên độ giao động không lớn, nhiệt độ trung bình hằng năm trên 25oC.

Diện tích đất tự nhiên quận Hải Châu là 2.328,27 ha. Diện tích mặt nước 235.94 ha, sông Hàn nằm dọc theo địa bàn trung tâm của quận, có vai trò rất lớn trong việc điều hòa không khí và góp phần phát triển kinh tế du lịch cho thành phố.

* Điều kiện kinh tế – xã hội

Nhìn chung tình hình kinh tế-xã hội của quận Hải Châu trong những năm qua đã cơ bản hoàn thành các mục tiêu tổng quát đã đề ra. Kinh tế tăng trưởng nhanh, đô thị được chỉnh trang, nguồn nhân lực phát triển, nếp sống của người dân đô thị ngày càng có những tiến bộ mới, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện, quốc phòng-an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Trong thời gian quan quận Hải Châu luôn hoàn thành và hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh do thành phố giao. Địa bàn quận Hải Châu có 1.312 tổ dân phố với 49.890 hộ dân. Trên địa bàn quận có 42 thờ tự, trong đó đạo Tin lành 03, Cao đài 03, Phật giáo 23. Đồng thời, hiện nay quận có 07 trường đại học và cao đẳng với lượng sinh viên cư trú đông đúc. Dân số trung bình năm 2014 là 207.975 người, mật độ dân số 8.932 người/1km2. Số người trong độ tuổi lao động 134.000 người, trong đó 128.104 người có việc làm, 5.896 người không có việc làm. Dân số năm 2010 là 196.098 người, đến năm 2014 tăng lên 207.975 người, giai đoạn 2010-2014, dân số của quận tăng 11.877 người.

Năm 2014, tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản là 12,7 tỷ đồng. Giá trị sản xuất công nghiệp dân doanh đạt 2.521,713 tỷ đồng. Giá trị sản xuất nông lâm thủy sản 114,541 tỷ. Kim ngạch xuất khẩu trên địa bàn là 94,025 triệu USD. Thu ngân sách trên địa bàn 587,131 tỷ đồng.

2.1.2. Tình hình trật tự đô thị trên địa bàn quận Hải Châu

Nhìn lại sau 11 năm cùng với thành phố Đà Nẵng được công nhận đô thị loại 1, có thể thấy diện mạo đô thị ở quận Hải Châu thay đổi nhanh chóng và rõ rệt – đến mức có thể xem là kỳ tích. Do đó, để có thể trở thành một đô thị phát triển bền vững, trong quá trình quy hoạch đô thị ở quận Hải Châu cần giữ lại đến mức cao nhất có thể đối với hồn đô thị thể hiện trên từng con đường, từng khúc sông hay từng công trình kiến trúc…

Tuy nhiên, hiện nay tình hình trật tự đô thị, vệ sinh môi trường trên địa bàn quận vẫn còn nhiều phức tạp: tình trạng xây dựng công trình, nhà ở không có giấy phép hoặc sai với nôi dung giấy phép xây dựng đã được cấp, tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường kinh doanh, buôn bán, họp chợ trái phép còn diễn ra; tình trạng vi phạm trật tự an toàn giao thông ngày càng gia tăng, chưa được xử lý dứt điểm đã ảnh hưởng đến trật tự đô thị, an toàn giao thông, vệ sinh môi trường và mỹ quan đô thị.

Nhận thức được vấn đề đó, ngày 07/4/2011 Quận uỷ Hải Châu đã ban hành Nghị quyết số 03-NQ/QU về đảm bảo trật tự đô thị – môi trường. Sau 03 năm có thể khẳng định Nghị quyết 03 đã phát huy được những mặt tích cực: cơ bản đã giải quyết được những bức xúc của người dân về trật tự đô thi, môi trường; công tác quản lý trật tự xây dựng, trật tự vỉa hè ngày càng đi vào chiều sâu, từng bước khắc phục được tình trạng gây mất trật tự, mỹ quan vỉa hè, đô thị; tình trạng xây dựng không phép, sai phép giảm đáng kể.

2.2. Đánh giá quản lý nhà nước về trật tự đô thị trên địa bàn quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

2.2.1. Xây dựng và ban hành văn bản QLNN về trật tự đô thị của chính quyền quận Hải Châu

2.2.1.1. Xây dựng, ban hành văn bản về quản lý trật tự xây dựng

Với thực trạng chỉnh trang đô thị đang diễn ra rất nhanh, các dự án tiến hành triển khai theo phân kỳ đang gấp rút hoàn thành tiến độ, một bộ phận nhân dân đã bất chất pháp luật, cố tình xây dựng nhà trái phép nhằm kiếm lợi nhuận trong công tác giải tỏa đền bù, tái định cư. UBND quận Hải Châu đã xây dựng, ban hành nhiều văn bản lãnh đạo, chỉ đạo; đây cũng là cơ sở quan trọng để cơ quan tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ và qua đây cũng có thể nói rằng công tác QLNN về trật tự xây dựng được thành phố và quận Hải Châu rất được quan tâm

2.2.1.2. Xây dựng, ban hành văn bản về quản lý phòng cháy chữa cháy

Để thực hiện chức năng QLNN về PCCC, UBND quận Hải Châu theo tình hình thực tế của địa phương đã xây dựng, ban hành nhiều văn bản có liên quan nhằm thống nhất chỉ đạo thực hiện các quy định của pháp luật PCCC. Đặc biệt, đến nay các hộ gia đình trên địa bàn quận Hải Châu đã đăng ký thực hiện các tiêu chí an toàn về PCCC. Chỉ đạo 13 phường thành lập các cụm dân cư an toàn về PCCC; hằng năm đều tổ chức hội thao về PCCC nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền và chất lượng hoạt động của lực lượng chuyên trách PCCC tại các địa phương.

2.2.1.3. Xây dựng, ban hành văn bản về quản lý trật tự an toàn giao thông

Để triển khai các văn bản quy phạm pháp luật thực hiện hiệu quả ở địa phương, đảm bảo trật tự ATGT trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nói chung và quận Hải Châu nói riêng, hằng năm UBND thành phố Đà Nẵng và quận Hải Châu đều ban hành kế hoạch triển khai năm ATGT và chương trình hành động để thực hiện các biện pháp cụ thể thực hiện công tác quản lý trật tự ATGT. Với những văn bản được xây dựng có trọng tâm, cụ thể đã khắc phục những tồn đọng và góp phần bảo đảm trật tự ATGT trên địa bàn quận Hải Châu trong thời gian qua.

2.2.1.4. Xây dựng, ban hành văn bản về quản lý cư trú

Trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nói chung, quận Hải Châu nói riêng công tác quản lý cư trú được thực hiện đúng quy định. Với những văn bản đã được xây dựng, ban hành tuy chưa giải quyết được một cách triệt để các vấn đề phát sinh trong công việc, song với tinh thần trách nhiệm, thường xuyên quan tâm lãnh đạo, kiểm tra, đôn đốc trong việc thực hiện Luật Cư trú nên đã đạt được những kết quả nhất định, công tác quản lý nhân hộ khẩu đi vào nề nếp.

2.2.2. Tổ chức thực hiện văn bản quản lý nhà nước trật tự đô thị

2.2.2.1. Tổ chức thực hiện pháp luật về quản lý trật tự xây dựng

Theo Quyết định số 1716/2001/QĐ-UBND ngày 27/12/2001 của Chủ tịch UBND quận Hải Châu về việc thành lập Đội KTQT đô thị quận, đây là cơ quan tham mưu cho UBND quận xử lý các trường hợp vi phạm về trật tự đô thị. Đồng thời, Chủ tịch UBND quận Hải Châu đồng ý cho UBND các phương ký hợp đồng từ 05 đến 07 người làm quy tắc ở phường để tăng cường công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn.

2.2.2.2. Tổ chức thực hiện pháp luật về quản lý phòng cháy, chữa cháy

UBND quận đã thành lập Ban chỉ đạo PCCC và thường xuyên chỉ đạo xây dựng phong trào PCCC trong cộng đồng dân cư, cơ quan, doanh nghiệp, trường học, như phong trào “toàn dân tham gia PCCC”, “cụm dân cư an toàn về PCCC”… Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, cơ quan quản lý kiểm tra, rà soát các công trình xây dựng cơ bản đưa vào sử dụng phải đáp ứng các yêu cầu PCCC.

2.2.2.3. Tổ chức thực hiện pháp luật về quản lý trật tự an toàn giao thông

Để tổ chức thực hiện có kết quả Luật Giao thông đường bộ trong thực tiễn, UBND, Công an quận Hải Châu thường xuyên chỉ đạo Đội cảnh sát giao thông quận tập trung đẩy mạnh công tác tuần tra, kiểm soát, kiên quyết xử lý và áp dụng các biện pháp mạnh đối với các hành vi vi phạm về trật tự ATGT. Đồng thời, có kế hoạch phối hợp với Đội kiểm tra quy tắc đô thị quận ra quân xử lý kiên quyết các tổ chức, cá nhân có hành vi lấn chiếm, sử dụng lòng đường, lề đường sai mục đích. Thực hiện việc rà soát các loại biển báo giao thông, các biển báo tốc độ đặt tại những điểm tập trung đông người như các chợ, trường học, bệnh viện…

2.2.2.4. Tổ chức thực hiện pháp luật quản lý về cư trú

Ngay sau khi có văn bản chỉ đạo triển khai Luật Cư trú, UBND quận đã thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và tổ chức trợ giúp pháp lý về các khu dân cư, hướng dẫn giải quyết những trường hợp vướng mắc về thủ tục hộ khẩu. Hằng năm phối hợp với các trường Đại học, Cao đẳng, Trung học chuyên nghiệp trên địa bàn tuyên truyền Luật Cư trú cho các sinh viên, học sinh vào thời điểm đầu năm học. Đồng thời, triển khai các văn bản hướng dẫn của Luật Cư trú đến tận người dân thông qua các buổi họp tổ dân phố.

2.2.3. Công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về trật tự đô thị

2.2.3.1. Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực trật tự xây dựng đô thị

UBND quận đã tập trung tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý kiên quyết các hành vi vi phạm trên lĩnh vực này, qua 5 năm đã tiến hành kiểm tra hàng ngàn lượt, qua đó đã phát hiện xử lý tháo dỡ theo Chỉ thị 09/CT-UB ngày 22/5/2002 của Chủ tịch UBND thành phố Đà Nẵng là 137 trường hợp, hướng dẫn và cấp giấy phép xây dựng 5.361 trường hợp, lập biên bản xử lý phạt 106 trường hợp xây dựng không có giấy phép với tổng số tiền là 795,5 triệu và đã thu giữ trên 1.500 tang vật, phương tiện lấn chiếm vỉa hè, lòng đường làm nơi kinh doanh buôn bán, lập biên bản vi phạm và phạt vi phạm hành chính 1.396 trường hợp với tổng số tiền là 1,005 tỷ đồng.

2.2.3.2. Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực phòng cháy và chữa cháy

Thực hiện chế độ kiểm tra an toàn về PCCC theo quy định Luật phòng cháy và chữa cháy, dưới sự chỉ đạo của Bộ công an, Công an thành phố, UBND quận đã chỉ đạo các ngành có liên quan, trong đó phòng cảnh sát PCCC là lực lượng chủ công. Từ năm 2010 đến nay, đã tổ chức 20 đoàn thanh tra, kiểm tra an toàn về PCCC, đã hướng dẫn 632 lượt cơ sở trên địa bàn ký cam kết bảo đảm an toàn PCCC. Tổ chức kiểm tra, phúc tra, hướng dẫn PCCC cho 2340 lượt cơ sở, qua kiểm tra, phúc tra kiến nghị khắc phục hàng ngàn thiết sót tồn tại về PCCC; xây dựng phê duyệt 190 phương án về PCCC.

2.2.3.3. Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực giao thông đô thị

Từ 2010 đến nay, tai nạn giao thông xảy ra 127 vụ, làm chết 80 người, va chạm giao thông xảy ra 528 vụ, làm bị thương 606 người. Đồng thời, đã khởi tố 23 vụ 23 bị can vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Huy động 88.596 lượt cán bộ chiến sĩ, dân phòng, dân quân ra quân giải quyết trật tự giao thông và trật tự đô thị, xử lý hành chính 48.003 trường hợp vi phạm Luật GTĐB với số tiền 25,248 tỷ đồng, tước 3.412 giấy phép lái xe. Đã làm thủ tục đăng ký mới được 54.125 xe mô tô, sang tên cho 5.049 xe mô tô, chuyển đi 887 xe mô tô, chuyển đến 708 xe mô tô, cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký cho 3.700 trường hợp và cấp lại 807 biển kiểm soát số xe.

2.2.3.3. Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực cư trú

Kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm trong công tác quản lý, đăng ký cư trú, tạm trú, lưu trú: tổng số lượt kiểm tra là 6.707 lượt, trong đó hộ gia đình gồm: 5.719 hộ với 26.094 nhân khẩu; cơ sở cho thuê lưu trú gồm: 1.632 cơ sở với 6.301 nhân khẩu; đã xử lý vi phạm hành chính 3.731 trường hợp, trong đó cảnh cáo, nhắc nhở: 1.916 trường hợp; phạt tiền: 1.815 trường hợp với tổng số tiền 300.556.000 đồng.

2.3. Ưu điểm, khuyết điểm và nguyên nhân của công tác quản lý nhà nước về trật tự đô thị trên địa bàn quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

2.3.1. Ưu điểm và nguyên nhân

2.3.1.1. Ưu điểm

Một là, nhận thức của cơ quan QLNN về trật tự đô thị ngày càng rõ nét, có quan tâm chú trọng hơn.

Hai là, cơ quan chuyên môn, tham mưu giúp việc cho UBND tinh thần trách nhiệm ngày càng cao, tính chủ động, tính phối hợp ngày càng chặt chẽ trong tổ chức, thực hiện pháp luật QLNN về trật tự đô thị.

Ba là, công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm ngày được chú trọng và thực hiện thường xuyên hơn, có kế hoạch kiểm tra phù hợp với đặc thù từng địa bàn quản lý.

Bốn là, tính đồng thuận của đại bộ phận nhân dân đối với chính quyền quận Hải Châu ngày một nâng cao, phong trào toàn dân xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư ngày một thiết thực, đi vào chiều sâu.

2.3.1.2. Nguyên nhân

Về khách quan, vị trí địa lý của quận Hải Châu có nhiều thuận lợi, là trung tâm kinh tế, chính trị của thành phố, nên tất yếu thu hút được đầu tư, giao thương trong cả nước; sự bùng nổ của khoa học công nghệ, các thông tin đại chúng đã tác động và tạo dần nên ý thức của công dân xây dựng lối sông đô thị.

Về chủ quan, luôn nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời của Thành ủy, UBND thành phố Đà Nẵng, sự giúp đỡ của các Sở, Ban ngành thành phố; sự điều hành có hiệu quả của UBND quận Hải Châu, cùng với tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình của cán bộ, công chức; sự đồng thuận của nhân dân và hoạt động có hiệu quả của Mặt trận, các đoàn thể với nhiều biện pháp phát huy sức mạnh tổng hợp.

2.3.2. Khuyết điểm và nguyên nhân

2.3.2.1. Khuyết điểm

Thứ nhất, trong việc ban hành văn bản QLNN về trật tự đô thị

Tính chủ động trong việc rà soát, đánh giá, ban hành văn bản pháp luật về QLNN về trật tự đô thị chưa cao, số văn bản pháp luật ban hành thì quá ít so với yêu cầu thực tế đề ra.

Chưa xây dựng được quy hoạch phát triển đô thị, vẫn còn nằm chung chung trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế- xã hội của quận nên chưa thấy được tầm quan trọng, từ đó ảnh hưởng đến hoạch định chiến lược QLNN về trật tự đô thị trên địa bàn quận.

Thứ hai, trong tổ chức thực hiện văn bản QLNN về trật tự đô thị

Công tác tổ chức thực hiện QLNN về trật tự đô thị đôi lúc chưa được quan tâm đúng mức, đôi khi còn buôn lỏng; chưa được đồng bộ, ít tập trung, thường do cơ quan chuyên môn tổ chức thực hiện, nên hiệu quả chưa cao.

Việc tuyên truyền văn bản pháp luật có liên quan đến lĩnh vực trật tự đô thị tuy đã được đổi mới nhưng vẫn còn chung chung, cách thức tuyên tuyền còn rập khuôn, khô cứng, chưa phù hợp theo từng đối tượng và mục đích tuyên truyền. Nhiều trường hợp áp dụng pháp luật QLNN về trật tự đô thị chưa nghiêm; việc triển khai, thực hiện một số dự án đã công bố còn chậm, thực hiện chưa đồng bộ, nên công tác tổ chức thực hiện pháp luật có liên quan về trật tự đô thị cũng gặp những khó khăn nhất định.

Thứ ba, trong việc thực hiện thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm về trật tự đô thị

Công tác thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm trật tự đô thị đôi lúc chưa được kịp thời và thiếu triệt để dẫn đến tình trạng bất chấp pháp luật lấn chiếm đất công xây dựng nhà trái phép, lấn chiếm lối thoát hiểm, hiện tượng xả rác, phóng uế bừa bãi trên đường phố, vỉa hè và những nơi công cộng vẫn còn xảy ra…nhiều trường hợp có hành vi cố ý vi phạm chưa được xử lý đúng mức.

2.3.2.2. Nguyên nhân

Một là, về khách quan

Tính thống nhất các văn bản quy phạm pháp luật trên một số lĩnh vực liên quan đến quản lý trật tự đô thị chưa cao, còn chồng chéo gây khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ. Tình trạng cư dân từ nông thôn nhiều vùng, miền khác đến địa phương sinh sống, lượng sinh viên và công nhân tạm trú đông, phát sinh nhiều thực trạng khó lường, làm khó khăn trong công tác quản lý.

Hai là, về chủ quan

Một bộ phận cán bộ làm công tác quản lý trật tự đô thị có người chưa qua đào tạo nên công tác quản lý chuyển biến chậm, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế của địa phương.

Công tác phối hợp trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ quản lý trật tự đô thị chưa thường xuyên, chưa được đồng bộ. Việc công bố qui hoạch sau khi có Quyết định phê duyệt có lúc chưa được triển khai đến người dân. Vai trò trách nhiệm chưa được phân định rõ ràng, lúc thì cơ quan chuyên trách quận thực hiện, lúc thì giao xuống các phường, nên khi xảy ra sai phạm thì thường đổ cho nhau, không rõ ràng.

Công tác lưu trữ hồ sơ vi phạm không được quan tâm đúng mức, dẫn đến việc xử lý những trường hợp tái phạm, cũng như sao lục khi cần thiết để giải quyết sự vụ có liên quan thì thường gặp lúng túng.

Quản lý nhà nước về trật tự đô thị từ thực tiễn quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng
Quản lý nhà nước về trật tự đô thị từ thực tiễn quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

Chương 3

MỤC TIÊU, QUAN ĐIỂM VÀ GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ TRẬT TỰ ĐÔ THỊ TRÊN ĐỊA BÀN QUẬN HẢI CHÂU, THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

      1. 3.1. Mục tiêu phát triển đô thị quận Hải Châu đến năm 2020

Đổi mới nâng cao chất lượng quản lý nhà nước về đô thị, đồng bộ về quản lý và xây dựng cơ sở hạ tầng tiến đến xây dựng Hải Châu trở thành quận môi trường, kiểu mẫu về trật tự đô thị.

Nhất quán trong tổ chức thực hiện đúng quy hoạch, kế hoạch phát triển đô thị và kinh tế – xã hội của thành phố. Điều chỉnh quy hoạch phân khu chức năng, từng bước xóa bỏ sự xen kẽ, chồng lấn giữa các khu vực. Xây dựng khu đô thị nén nhắm khai thác hiệu quả của hạ tầng. Xây dựng đề án cải tạo, chỉnh trang đô thị một số khu vực trung tâm của quận; nâng cấp các chung cư xuống cấp. Tiếp tục quán triệt và thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về “Bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Tăng cường truyền thông, tuyên truyền, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức của nhân dân về trách nhiệm giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường, xem đây là trách nhiệm của toàn xã hội.

3.2. Quan điểm tăng cường quản lý nhà nước về trật tự đô thị trên địa bàn quận Hải Châu

3.2.1. Tăng cường quản lý nhà nước về trật tự đô thị phải hướng đến phục vụ và đáp ứng tốt nhất nhu cầu xã hội về trật tự đô thị của người dân trên địa bàn

QLNN về trật tự đô thị trên địa bàn quận Hải Châu nhằm hướng tới mục tiêu xây dựng và phát triển quận Hải Châu được bền vững; giảm thiểu vi phạm pháp luật về trật tự đô thị; tạo lập môi trường ổn định, bảo đảm quyền con người, quyền công dân; xây dựng quận Hải Châu có môi trường đô thị văn minh và giàu tính nhân văn, có thiên nhiên trong lành, đời sống văn hóa cao và trở thành một trong những quận hài hòa, thân thiện, an bình, góp phần xây dựng thành phố Đà Nẵng trở thành một thành phố hấp dẫn và đáng sống.

3.2.2. Tăng cường quản lý nhà nước về trật tự đô thị phải hướng đến khắc phục những hạn chế, yếu kém trong quản lý nhà nước về trật tự đô thị

Một là, tăng cường công tác quản lý đất đai, quản lý xây dựng; đề ra các biện pháp phòng chống lấn chiếm, tái lấn chiếm, xây dựng nhà trái phép, không phép; thực hiện tốt công tác giải tỏa, đền bù, giải phóng mặt bằng, tái định cư cho dân…

Hai là, tiếp tục thực hiện tốt chương trình quốc gia phòng chống tội phạm, đấu tranh phòng chống tham nhũng, buôn lậu và gian lận thương mại.

Ba là, nâng cao trách nhiệm QLNN các cấp chính quyền; giữ vững kỷ luật, kỷ cương, thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở.

Bốn là, cần đẩy nhanh tốc độ xây dựng của các dự án khu đô thị mới, đối với những dự án “treo” cần nhanh chóng thu hồi đất để kêu gọi nhà đầu tư.

3.2.3. Tăng cường quản lý nhà nước về trật tự đô thị phải nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cấp chính quyền địa phương, đồng thời phải đảm bảo pháp chế xã hội chủ nghĩa

Tăng cường quản lý nhà nước về trật tự đô thị là nhằm xây dựng bộ máy chính quyền địa phương mạnh mẽ và trong sạch, thật sự của dân, do dân và vì dân; đủ khả năng và điều kiện thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ quản lý kinh tế – xã hội nói chung, trật tự đô thị trên địa bàn nói riêng, quản lý và tổ chức tốt việc cung ứng dịch vụ công cho cá nhân và tổ chức nước ngoài, tạo mọi điều kiện phát triển kinh tế địa phương, góp phần nâng cao đời sống nhân dân; phát huy hơn nữa quyền làm chủ của nhân dân trong việc xây dựng và kiểm tra, giám sát bộ máy chính quyền và đội ngũ cán bộ, công chức.

Tăng cường quản lý nhà nước về trật tự đô thị phải bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành tập trung thống nhất và thông suốt của Trung ương; của Thành phố đồng thời phát huy quyền tự chủ, tính năng động, sáng tạo của chính quyền quận.

3.2.4. Tăng cường quản lý nhà nước trật tự đô thị phải gắn liền với phát huy dân chủ, giữ vững kỷ cương nhà nước ở địa phương, nâng cao tính tự chủ và trách nhiệm của chính quyền địa phương

Trong điều kiện phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và sự đổi mới đường lối, chính sách đối ngoại của Nhà nước, để mỗi tỉnh, thành phố, quận, huyện có sự đổi mới, phát triển mạnh mẽ thì chính quyền Quận cần phát huy sự năng động sáng tạo, vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong quản lý trật tự đô thị trên địa bàn lãnh thổ.

3.3. Giải pháp tăng cường quản lý nhà nước về trật tự đô thị trên địa bàn quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng

3.3.1. Đẩy mạnh hoạt động xây dựng, ban hành văn bản quản lý nhà nước về trật tự đô thị trên địa bàn quận Hải Châu

3.3.1.1. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước ở trung ương

3.3.1.2. Hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước thành phố Đà Nẵng, quận Hải Châu

3.3.2. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về trật tự đô thị trên địa bàn quận Hải Châu

Tích cực đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền sâu rộng pháp luật: Luật Xây dựng, Luật đất đai, Luật PCCC, Luật ATGT, Luật cư trú… đến các tầng lớp nhân dân, thường xuyên vận động nhân dân nâng cao ý thức giữ gìn tài sản Xã hội chủ nghĩa, bảo quản sử dụng tốt các công trình công cộng, đồng thời tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách mới về quản lý đô thị và trật tự đô thị.

Hình thức tuyên truyền trên mọi phương tiện thông tin đại chúng có thể là: Trên truyền hình, trên đài phát thanh phường, trên mạng Internet, thông tấn báo chí…

3.3.3. Tăng cường công tác tổ chức thực hiện văn bản quản lý nhà nước về trật tự đô thị trên địa bàn quận Hải Châu

3.3.3.1. Nâng cao năng lực của cơ quan QLNN về trật tự đô thị ở thành phố Đà Nẵng và quận Hải Châu

Quản lý trật tự đô thị là đảm bảo và duy trì sự ổn định bền vững của đô thị, bao gồm: trật tự xây dựng, trật tự giao thông, vệ sinh môi trường, PCCC, phòng chống tệ nạn xã hội v.v.. Các Sở, Ban, Ngành của thành phố Đà Nẵng cần phải tăng cường công tác quản lý trật tự đô thị và thường xuyên kiểm tra, phát hiện, xử lý các hành vi vi phạm về trật tự đô thị trên địa bàn. Các biện pháp tổ chức hành chính đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra sự tác động có chủ định, có mục đích, có kế hoạch với việc dùng dư luận xã hội hoặc các biện pháp cưỡng chế hành chính để điều chỉnh các hành vi sai phạm của người dân. Trong đó, đặc biệt chú trọng việc xây dựng, hoàn thiện và ban hành các nội quy, quy định, quy ước phù hợp với mỗi hành vi, mỗi đơn vị cơ sở; đồng thời, tổ chức triển khai tốt việc kiểm tra, kiểm soát, chấn chỉnh, xử lý các hành vi vi phạm trật tự đô thị theo quy định của pháp luật.

3.3.3.2. Nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác QLNN về trật tự đô thị ở thành phố Đà Nẵng và quận Hải Châu

Thường xuyên có kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao năng lực xây dựng, tổ chức thực hiện và xử lý vi phạm pháp luật về trật tự đô thị. Có chính sách đãi ngộ, động viên khuyến khích cán bộ công chức hoàn thành nhiệm vụ và có biện pháp xử lý kiên quyết những cán bộ vi phạm, không hoàn thành nhiệm vụ được giao.

3.3.4. Nâng cao hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra giám sát và xử lý kịp thời, nghiêm minh và triệt để mọi hành vi vi phạm về trật tự đô thị trên địa bàn quận Hải Châu

Phải xây dựng lực lượng thanh tra, kiểm tra trong tổ chức quản lý đủ mạnh đảm bảo nguồn lực cho công tác kiểm soát đối với các lĩnh vực liên quan đến trật tự đô thị. Tổ chức kiểm tra, thanh tra và biên chế lực lượng tương ứng với nhiệm vụ là căn bản của thiết kế tổ chức trong QLNN. Cần trang bị những phương tiện, công cụ cần thiết để đảm bảo thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra. Ngoài ra, phải chủ động xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra phù hợp với thực tế công việc để công tác thanh tra, kiểm tra đạt kết quả đề ra (ví dụ căn cứ vào mặt đường bị lún 1 bên, thì suy luận bên bị lún đó chắc chắn là do trọng tải nặng hơn, từ đó xây dựng kế hoạch kiểm tra bên lún để xử lý kiểm tra trọng tải sẽ có kết quả tốt hơn là ta kiểm tra tuyến ngược lại)

KẾT LUẬN

QLNN về trật tự đô thị là một bộ phận của QLNN, nó vừa mang những đặc trưng chung của QLNN, đồng thời cũng có những đặc điểm riêng. Ngày nay, với tốc độ đô thị hóa ngày càng mạnh mẽ diễn ra nhanh chóng, nên việc QLNN về trật tự đô thị đang đặt ra cho cơ quan quản lý nhiều vấn đề cần phải quan tâm nghiên cứu từ lý luận đến thực tiễn để điều chỉnh mối quan hệ xã hội dân sự đô thị phù hợp với quy luật phát triển của xã hội, đây là điều kiện thiết yếu để ổn định xã hội, góp phần thúc đẩy quá trình phát triển bền vững.

Hoạt động QLNN về trật tự đô thị là hoạt động của cơ quan hành chính nhà nước can thiệp vào các lĩnh vực đô thị như: xây dựng đô thị, giao thông đô thị, trật tự xã hội đô thị…nhằm điều chỉnh các hoạt động đô thị đi theo một quy tắc, một trật tự nhất định, đảm bảo đúng theo những quy định pháp luật hiện hành để đạt đến mục tiêu của chủ thể quản lý đề ra.

Tăng cường thực hiện tốt QLNN về trật tự đô thị trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội và đô thị hóa ở một địa phương là yêu cầu cần thiết và khách quan. Vì thế đề tài đã phân tích một số cơ sở lý luận và từ thực trạng quản lý nhà nước về trật tự đô thị của quận Hải Châu đề ra giải pháp nhằm tăng cường QLNN về trật tự đô thị của Quận trong thời gian tới.

Những giải pháp và kiến nghị mà luận văn đã đề xuất hy vọng góp phần quan trọng vào thực hiện tốt công tác QLNN về trật tự đô thị trên địa bàn Quận, phục vụ phát triển kinh tế – xã hội của Quận và của cả nước nói chung.

LIỆN HỆ:

SĐT+ZALO: 0935568275

E:\DỮ LIỆU COP CỦA CHỊ YẾN\LUAN VAN VIEN HAN LAM\LUAT HINH SU DOT 2\CUA THUONG\TRAN VAN VU

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *