Giám sát của Ủy Ban Mật trận Tổ quốc Việt Nam từ thực tiễn

Giám sát của Ủy Ban Mật trận Tổ quốc Việt Nam từ thực tiễn

Giám sát của Ủy Ban Mật trận Tổ quốc Việt Nam từ thực tiễn huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam

1. Tính cấp thiết của đề tài

Trong gần 90 năm qua cùng với quá trình phát triển của cách mạng Việt Nam, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã không ngừng đổi mới, mở rộng những hình thức tổ chức, các tên gọi khác nhau trong mỗi giai đoạn cách mạng nhằm để đáp ứng yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng trong từng giai đọan lịch sử của đất nước và đã có nhiều thành quả, những nhân tố quyết định cho sự nghiệp thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Ở nước ta trong điều kiện duy nhất một Đảng cầm quyền, không đa nguyên, đa đảng. Do đó không thể không tồn tại những nguy cơ chủ quan, tiềm ẩn mà Đảng ta đang phải đối mặt đó là lạm quyền và quan liêu, độc đoán, vi phạm dân chủ trong bộ máy Đảng và Nhà nước. Đây cũng chính là một trong những lý do khiến bộ máy Nhà nước ta tồn tại những vấn đề như nạn tham nhũng, quan liêu, cửa quyền của các cán bộ, công chức hành chính, tình trạng lãng phí ngân sách và tài nguyên quốc gia, tình trạng mất dân chủ trong Đảng, vi phạm quyền làm chủ của nhân dân đang diễn ra khá phổ biến và ngày càng nghiêm trọng, gây nhiều nhức nhối trong xã hội. Những tồn tại trên đã làm cho uy tín của bộ máy Nhà nước và vai trò lãnh đạo của Đảng bị giảm sút, uy tín của cán bộ công chức bị phai nhạt.

Do vậy, vấn đề cấp bách hiện nay là cần phải xem lại hệ thống kiểm soát quyền lực, vai trò giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nhằm giới hạn quyền lực, tránh xu lướng lạm quyền, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ.

Đứng trước tình thế cấp bách như vậy, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp phải nâng cao vai trò giám sát của mình theo quy định của pháp luật.

Từ khi có Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (2015); Hiến pháp năm 2013 ghi nhận vị trí, vai trò của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Quyết định số 217/QĐ-TW ngày 12/12/2013 về việc ban hành quy chế giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các Đoàn thể chính trị – xã hội…thì phạm vi giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp đã được mở ra ở tất cả các lĩnh vực trong đời sống xã hội, nhằm nâng cao vị thế của Mặt trận, mang lại những thành quả thiết thực cho nhân dân. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc ở huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, trong thời gian qua cũng đã bám sát các quy định trên, đã và đang thực hiệt tốt, mang lại những kết quả khả quan, nhưng trong quá trình triền khai hoạt động cũng còn những hạn chế, nội dung và phương thức thực hiện chưa phát huy hết khả năng vốn có của mình.

Đứng trước tình hình trên, tại Đại hội Đại biểu Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam lần thứ X, nhiệm kỳ 2019-2024 đã nhấn mạnh: Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong huyện cần phải tăng cường hơn nữa hoạt động giám sát trên tất cả các mặt của đời sống xã hội, đặc biệt là giám sát việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước liên quan đến quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân.

Mặc dù vậy, cho đến nay, công tác giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong huyện vẫn còn những hạn chế nhất định, nhiều lĩnh vực giám sát chưa được xây dựng kế hoạch, công tác phối hợp giữa Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trong huyện và các tổ chức thành viên chưa chặt chẽ, đồng bộ, công tác giám sát còn rời rạc, từng hội đoàn thể nào tự thực hiện giám sát từng nội dung đó, lĩnh vực giám sát còn hẹp nên hiệu quả pháp lý và công tác thuyết phục chưa cao.

Xuất phát từ những yêu cầu về lý luận và thực tiễn, có ý nghĩa thời sự quan trọng, nên tôi chọn đề tài “Giám sát của Ủy Ban Mật trận Tổ quốc Việt Nam từ thực tiễn huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam” làm đề tài luận văn Thạc sĩ Luật học, với mong muốn góp phần vào việc tăng cường hiệu quả hoạt động giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nói chung và của Ủy ban Mặt trận huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam nói riêng.

2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài

3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu 

3.1. Mục đích nghiên cứu 

Mục tiêu tổng quát: Nghiên cứu lý luận và đánh giá thực tiễn hoạt động giám sát của Ủy ban MTTQVN qua nghiên cứu thực tiễn tại huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, từ đó đưa ra quan điểm và đề xuất giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả giám sát của Ủy ban MTTQVN.

3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

– Nghiên cứu làm sáng tỏ cơ sở lý luận hoạt động giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

– Phân tích, đánh giá thực trạng công tác giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp của huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam.

– Đưa ra quan điểm và đề xuất một số giải pháp góp phần nâng cao hiệu quả công tác giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam nói riêng, và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam nói chung.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu 

4.1. Đối tượng nghiên cứu 

Hoạt động giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Mặt trận Tổ quốc huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam.

4.2. Phạm vi nghiên cứu 

– Phạm vi nội dung: Nghiên cứu cơ sở lý luận và đánh giá thực tiễn giám sát của Ủy ban Mặt trận huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam đối với một số đề án, dự án, chủ trương, chính sách quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam.

– Về không gian: Hoạt động giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam

– Về thời gian: Luận văn nghiên cứu giai đoạn 2013 – 2020 (từ khi Hiến pháp 2013 có hiệu lực pháp luật)

5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu 

5.1. Phương pháp luận

Luận văn nghiên cứu dựa trên cơ sở vận dụng quan điểm của Chủ nghĩa Mác – Lê Nin, tư tưởng Hồ Chí Minh về kiểm soát quyền lực Nhà nước, về dân chủ; vai trò của Ủy ban MTTQVN về công tác giám sát, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

5.2. Phương pháp nghiên cứu

Các phương pháp nghiên cứu cụ thể của luận văn bao gồm: Phương pháp phân tích, tổng hợp; phương pháp so sánh; phương pháp hệ thống; phương pháp xã hội học pháp luật; phương pháp kết hợp lý luận với thực tiễn…

6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn

6.1. Ý nghĩa lý luận

Kết quả nghiên cứu của Luận văn góp phần vào việc bổ sung cơ sở lý luận về hoạt động giám sát của MTTQVN ở cấp huyện. Đồng thời, là nguồn tài liệu tham khảo hữu ích cho hoạt động giảng dạy, học tập tại các cơ sở đào tạo luật học; gợi mở hướng nghiên cứu để tiếp tục tăng cường hoạt động giám sát của MTTQVN ở các cấp.

6.2. Ý nghĩa thực tiễn

Luận văn sẽ cung cấp cho hệ thống chính quyền huyện Quế Sơn có những cơ sở khoa học đáng tin cậy để đánh giá đúng về hoạt động giám sát của MTTQVN huyện Quế Sơn hiện nay, là cơ sở để tăng cường việc thực hiện chức năng giám sát của tổ chức này. Đồng thời, luận văn góp phần nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và chức năng giám sát của MTTQVN, là tài liệu tham khảo trong hoạt động thực tiễn của đội ngũ cán bộ Mặt trận và các đoàn thể trong thực hiện hoạt động giám sát tại địa phương ở Việt Nam hiện nay.

7. Kết cấu của luận văn 

Ngoài phần mở đầu, kết luận, nội dung luận văn được cơ cấu thành 03 chương, gồm:

– Chương 1: Cơ sở lý luận về giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

– Chương 2: Thực trạng giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam

– Chương 3: Quan điểm và các giải pháp nâng cao hiệu quả giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam

CHƯƠNG 1
CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ PHÁP LÝ VỀ
GIÁM SÁT CỦA ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM

1.1. Khái niệm, đặc điểm giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

1.1.1. Khái niệm giám sát và giám sát của Mặt trận Tổ quốc

Khái niệm giám sát

Có nhiều quan điểm khác nhau về giám sát, để đưa ra cách hiểu về giám sát của Ủy ban MTTQVN là gì, trước hết cần làm rõ khái niệm “giám sát”. Giám sát là thuật ngữ được dùng nhiều trong các văn bản của cơ quan Đảng và Nhà nước. Theo Từ điển Bách khoa Việt Nam: “giám sát là một hình thức hoạt động của cơ quan nhà nước hoặc tổ chức xã hội nhằm bảo đảm pháp chế hoặc sự chấp hành những quy tắc chung nào đó” [21, tr.116].

Từ điển Luật học định nghĩa: “giám sát là sự theo dõi, quan sát hoạt động mang tính chủ động thường xuyên, liên tục và sẵn sàng tác động bằng các biện pháp để buộc và hướng hoạt động của đối tượng chịu sự giám sát đi đúng quỹ đạo, quy chế nhằm đạt được mục đích, hiệu quả đã được xác định từ trước, đảm bảo cho pháp luật được tuân theo nghiêm chỉnh” [45, tr.292]. Khoa học hành chính dùng khái niệm giám sát để chỉ hoạt động của các cơ quan quyền lực nhà nước, toà án, các tổ chức xã hội và công dân nhằm bảo đảm sự tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật trong quản lý xã hội [17, tr.217]. Như vậy, nội hàm giám sát của Khoa học Hành chính và Từ điển Luật học về cơ bản là giống nhau, đã chỉ rõ các chủ thể giám sát đối với hoạt động tuân thủ pháp luật của tổ chức và công dân trong xã hội.

Mặc dù có sự diễn đạt khác nhau, các định nghĩa về “giám sát” đều cho thấy những đặc trưng của giám sát, đó là hoạt động phản ánh mối quan hệ giữa chủ thể và đối tượng trong một hệ thống, cấu trúc xã hội xác định. Mục đích của giám sát là nhằm phòng ngừa, uốn nắn những sai phạm có thể xảy ra trong quá trình thực hiện và đảm bảo cho hệ thống vận hành đạt hiệu quả cao.

Trong hệ thống xã hội, hệ thống chính trị ở Việt Nam hiện nay, giám sát được thực hiện bởi nhiều cấp độ chủ thể khác nhau: Giám sát của Đảng, giám sát của Nhà nước, giám sát của nhân dân và giám sát của xã hội. Xét về cấu trúc, giám sát được thực hiện bởi hai loại chủ thể: giám sát của các cơ quan quyền lực nhà nước (giám sát trong hệ thống nhà nước) và giám sát của các chủ thể xã hội (giám sát từ bên ngoài vào hệ thống nhà nước). Hoạt động giám sát của các chủ thể xã hội được gọi là giám sát chính trị – xã hội. Giám sát chính trị – xã hội phân biệt với giám sát nhà nước ở chỗ: chủ thể giám sát chính trị – xã hội là nhân dân trực tiếp tham gia giám sát hoặc thông qua các tổ chức do mình ủy nhiệm. Giám sát chính trị – xã hội không mang tính quyền lực nhà nước. Đối tượng giám sát xã hội là các cơ quan quyền lực nhà nước. Phương thức giám sát chính trị – xã hội cũng linh loạt, năng động và khách quan hơn giám sát nhà nước vì nó là giám sát từ bên ngoài vào hệ thống nhà nước.

Từ những định nghĩa trên, có thể hiểu: giám sát là một phạm trù dùng để chỉ các hoạt động theo dõi, xem xét, kiểm tra và nhận định về một việc làm nào đấy, xem việc làm đó đã được thực hiện đúng hoặc sai những điều đã quy định. Trong khuôn khổ luận văn này, giám sát được tiếp cận từ chủ thể ngoài nhà nước thông qua các tổ chức xã hội, hoặc bằng hình thức giám sát trực tiếp của công dân đối với tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước, của đảng cầm quyền nhằm đảm bảo thực thi quyền lực của nhân dân.

Khái niệm giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Theo Quyết định 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị, giám sát của MTTQVN là việc chủ thể giám sát theo dõi, phát hiện, xem xét, đánh giá, kiến nghị nhằm tác động đối với đối tượng giám sát về việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước [7, khoản 1, điều 1].

Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 định nghĩa: “Giám sát của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là việc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp trực tiếp hoặc đề nghị các tổ chức thành viên của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam theo dõi, xem xét, đánh giá, kiến nghị đối với hoạt động của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện chính sách, pháp luật” [28, Khoản 1, Điều 25].

Không chỉ trực tiếp chủ trì giám sát, Mặt trận Tổ quốc còn được mời tham gia các đoàn giám sát của các cơ quan, tổ chức theo luật định. Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, khoản 1 Điều 9 ghi rõ: Uỷ ban MTTQVN, các tổ chức thành viên của Mặt trận có thể được mời tham gia hoạt động giám sát [29, khoản 1 Điều 9].

Như vậy, có thể hiểu: Giám sát của MTTQVN là việc Uỷ ban MTTQVN trực tiếp (hoặc phối hợp với các tổ chức thành viên, các cơ quan, tổ chức khác theo luật định) theo dõi, phát hiện, xem xét, đánh giá, kiến nghị đối với hoạt động của cơ quan, tổ chức và cán bộ, đảng viên, đại biểu dân cử, công chức, viên chức nhà nước về việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

1.1.2. Đặc điểm giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam

Từ khái niệm giám sát và giám sát của Ủy ban MTTQVN, có thể thấy giám sát có một số đặc điểm như sau:

Tính xã hội trong giám sát của Ủy ban MTTQVN

Theo khoản 2, Điều 25, Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015, “Giám sát của Ủy ban MTTQVN mang tính xã hội, đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, kịp thời phát hiện và kiến nghị xử lý sai phạm, khuyết điểm; kiến nghị sửa đổi, bổ sung chính sách, pháp luật; phát hiện, phổ biến những nhân tố mới, các điển hình tiên tiến và những mặt tích cực; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, góp phần xây dựng Nhà nước trong sạch, vững mạnh” [28].

Hoạt động giám sát được thực hiện bởi các chủ thể xã hội và của cơ quan Nhà nước. Hoạt động giám sát của các chủ thể xã hội gọi là giám sát xã hội, chủ thể giám sát xã hội là các đảng chính trị, các tổ chức chính trị- xã hội, báo chí, công dân. Đảng cầm quyền là chủ thể xây dựng cơ cấu tổ chức bộ máy và trực tiếp lãnh đạo Nhà nước. Phương thức giám sát xã hội được thực hiện thông qua Ủy ban MTTQVN, các tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các đoàn thể… bằng hình thức giám sát gián tiếp (thông qua đại diện) hoặc giám sát trực tiếp. Giám sát xã hội là sự bổ sung khách quan cho hình thức giám sát của cơ quan quyền lực Nhà nước và hệ thống. Hoạt động giám sát phải được thực hiện theo nguyên tắc phát huy quyền làm chủ của nhân dân và thành viên của Mặt trận.

Hoạt động giám sát của MTTQVN có chủ thể là hệ thống tổ chức của Uỷ ban MTTQVN các cấp, bao gồm: Ủy ban MTTQVN các cấp, mà trực tiếp và thường xuyên là Ban Thường trực Uỷ ban MTTQVN: là cơ quan chủ trì, trực tiếp giám sát, hoặc là cơ quan phối hợp với các cơ quan, tổ chức khác trong hệ thống chính trị để giám sát. Các tổ chức, cá nhân thành viên của MTTQVN các cấp: tham gia giám sát dưới sự chủ trì của Uỷ ban MTTQVN cùng cấp.

Nghiên cứu trong hệ thống chính trị, theo quan điểm của Đảng, thì giám sát của MTTQVN không mang tính Đảng, tính quyền lực của Nhà nước, mà mang tính xã hội [35]. Giám sát xã hội là giám sát của ba lực lượng cơ bản. Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo xã hội, đồng thời có vai trò giám sát việc thực hiện lãnh đạo đó; các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp là những bộ máy công quyền thực hiện chức năng thay mặt nhân dân giám sát việc thực thi pháp luật của cá nhân, tổ chức, việc thực hiện quyền tự do dân chủ của nhân dân; các cá nhân, tổ chức của xã hội giám sát lực lượng lãnh đạo chính trị, lực lượng thực hiện quyền lực của nhân dân, cán bộ, công chức, đảng viên và các thành viên của xã hội trong việc thực hiện Điều lệ, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và quyền làm chủ, quyền con người của nhân dân.

Giám sát của MTTQ thể hiện quyền lực chính trị của nhân dân. Nhân dân với vai trò là chủ nhân của đất nước. Dân là gốc, phát huy quyền chính trị của nhân dân trong giám sát và phản biện hoạt động của cơ quan nhà nước là thể hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa trong thể chế chính trị ở nước ta. Giám sát, phản biện là một phương thức hoạt động của MTTQVN trong công tác vận động nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền.

MTTQVN là tổ chức liên minh chính trị, là liên hiệp tự nguyện của tổ chức chính trị, các tổ chức chính trị – xã hội, tổ chức xã hội và các cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, các dân tộc, tôn giáo và người Việt Nam ở nước ngoài có quyền đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Hoạt động giám sát việc thực hiện pháp luật; phản biện dự thảo các chủ trương, chính cách, giải pháp phát triển kinh tế – xã hội, khoa học, công nghệ, giáo dục, y tế, môi trường, trật tự an ninh chung toàn xã hội của Đảng, Nhà nước là trách nhiệm của MTTQVN.

Tính nhân dân trong hoạt động giám sát của MTTQVN

Tính nhân dân trong hoạt động giám sát trước hết là thể hiện quyền lực của nhân dân trong chế độ dân chủ xã hội chủ nghĩa. Phát huy dân chủ, nhân dân có quyền giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức, nhân viên nhà nước. Ngoài thể chế nhân dân ủy quyền cho Nhà nước thực hiện giám sát, nhân dân còn thực hiện quyền dân chủ trực tiếp, giám sát Nhà nước, giám sát cán bộ, công chức nhà nước. Mọi hoạt động của Nhà nước, của cán bộ, công chức, viên chức đều chịu sự giám sát của nhân dân.

Tính nhân dân trong hoạt động giám sát, là MTTQ phải bằng nhiều hình thức, biện pháp vận động được đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia vào các hoạt động giám sát như: dựa vào sự theo dõi, phát hiện và cung cấp thông tin từ người dân, các đối tượng vận động của Mặt trận; dựa vào các ý kiến, phản ánh, kiến nghị của các thành viên của Mặt trận, của hệ thống Ủy ban MTTQVN các cấp; hoạt động giám sát của các tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức thành viên, giám sát của các phương tiện thông tin đại chúng; từ hoạt động của Ban Thanh tra nhân dân (Ban TTND), của Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng (Ban GSĐTCCĐ); thông qua hoạt động tiếp công dân, tiếp nhận đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân… Tính nhân dân còn thể hiện qua các hoạt động trực tiếp giám sát của Mặt trận phát hiện có sai sót, vi phạm pháp luật, thì kiến nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân khắc phục, sửa chữa sai sót; kiến nghị xử lý vi phạm (nếu có), kiến nghị sửa đổi, bổ sung pháp luật, kiến nghị giải quyết quyền lợi cho công dân, đoàn viên, hội viên bị xâm hại.

Giám sát của MTTQVN không mang tính quyền lực, là giám sát mang tính xã hội, tính nhân dân như nêu ở trên. Mặt trận là nơi thể hiện cho ý chí và nguyện vọng của nhân dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, vận động nhân dân giám sát, tham gia giám sát hoặc trực tiếp giám sát theo nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định với cơ chế là “theo dõi, xem xét, đánh giá, kiến nghị” đối với hoạt động của cơ quan, tổ chức, đại biểu dân cử, cán bộ, công chức, viên chức trong việc thực hiện chính sách, pháp luật, đồng thời giám sát việc giải quyết kiến nghị đó.

Tính chất của giám sát của Mặt trận là giám sát xã hội, giám sát mang tính nhân dân và sau giám sát là đề xuất, kiến nghị. Không phải là giám sát mang tính quyền lực Nhà nước hoặc giám sát trong Đảng. Do vậy, mục đích giám sát của MTTQVN nhằm kịp thời phát hiện những sai phạm, khuyết điểm, hạn chế, vướng mắc trong quá trình xây dựng chính sách, pháp luật; qua đó đề xuất, kiến nghị cơ quan có thẩm quyền kịp thời sửa đổi, bổ sung, thay thế chính sách, pháp luật nhằm đảm bảo phù hợp với thực tiễn cuộc sống, đem lại lợi ích chính đáng cho nhân dân; đồng thời thông qua giám sát sẽ phát hiện, phổ biến, nhân rộng những nhân tố mới, các điển hình tiên tiến và những mặt tích cực trong quá trình xây dựng và thực thi chính sách, pháp luật.

Thông qua hoạt động giám sát, nâng cao vai trò và trách nhiệm của MTTQVN, các tổ chức thành viên và nhân dân trong việc tham gia quản lý xã hội, tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân; thực hiện vai trò kiểm soát quyền lực của Nhân dân; phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh

1.2. Nội dung giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ở cấp huyện

Tại khoản 2, Điều 26 Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015 quy định “Nội dung giám sát của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là việc thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, quyền và trách nhiệm của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam” [28].

Tại khoản 2, Điều 4 Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị – xã hội ban hành kèm theo Quyết định số 217/QĐ-TW ngày 12/12/2013 của Bộ Chính trị quy định: “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam giám sát việc thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước (trừ những vẫn đề thuộc bí mật quốc gia) của cơ quan, tổ chức và cá nhân” [7].

Có thể thấy, phạm vi giám sát theo quy định tại Quy chế 217 rộng hợn theo quy định tại Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam năm 2015. Giám sát xã hội có nội dung rất rộng, liên quan đến tất cả những lĩnh vực, những vấn đề của đời sống cộng đồng (giai cấp, dân tộc, quốc gia): Từ khâu hoạch định đường lối, chính sách, pháp luật đến khâu tổ chức thực hiện; từ lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội đến an ninh, quốc phòng; từ đối nội đến đối ngoại; từ tổ chức bộ máy, con người đến công việc của con người và bộ máy; từ tầm vĩ mô đến trung, vi mô.

Khoản 1 Điều 5 của Quy chế 217 cũng quy định rõ đối tượng giám sát của Ủy ban MTTQVN bao gồm: (1) Các cơ quan, tổ chức từ Trung ương đến cơ sở; (2) Cán bộ, đảng viên, đại biểu dân cử, công chức,viên chức nhà nước (sau đây gọi chung là cá nhân).

Để làm cơ sở cho việc phân tích thực tiễn hoạt động giám sát của Ủy ban MTTQVN huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam, trên cơ sở đối tượng và nội dung giám sát của Ủy ban MTTQVN, luận văn làm rõ hơn các nội dung giám sát cho từng đối tượng cụ thể.

1.2.1. Giám sát Hội đồng nhân dân và đại biểu dân cử

Quan hệ giữa MTTQ và HĐND là quan hệ phối hợp, bình đẳng, tôn trọng và tạo điều kiện để mỗi bên thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình theo quy định của pháp luật. Quan hệ này được thực hiện theo Quy chế phối hợp công tác do UBMT và HĐND thống nhát ban hành.

Về công tác phối hợp thực hiện hoạt động giám sát thì UBMT có trách nhiệm giám sát việc thực hiện nhiệm vụ của đại biểu HĐND, Tổ đại biểu HĐND, các Ban HĐND, Thường trực HĐND; trao đổi kiến nghị với thường trực HĐND những nguyện vọng, kiến nghị của nhân dân. MTTQ cử đại diện tham gia các đoàn giám sát của HĐND khi được đề nghị và ngược lại; Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giám sát, các bên cùng nhau cung cấp thông tin có liên quan đến nội dung giám sát và thực hiện theo quy định của pháp luật về giám sát để Đoàn giám sát hoạt động đúng mục đích và có hiệu quả. Kết quả giám sát do thường trực HĐND, các Ban HĐND hoặc của MTTQ tổ chức, nếu phát hiện vấn đề có liên quan đến trách nhiệm, phẩm chất đạo đức của đại biểu HĐND thì MTTQ nghiên cứu và đề nghị thường trực HĐND xem xét theo quy định. Theo quy chế phối hợp thì MTTQ có thẩm quyền đề nghị HĐND tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức danh do HĐND bầu; Đối với các đại biểu HĐND không hoàn thành nhiệm vụ của người đại biểu, không còn được cử tri nơi ứng cử tín nhiệm thì MTTQ cấp xã, cấp huyện nơi đại biểu ứng cử gửi đến MTTQ cấp tỉnh đề nghị bãi nhiệm, nếu MTTQ đề nghị thì thường trực HĐND và UBND quyết định việc đưa ra HĐND hoặc cử tri bãi nhiệm tư cách đại biểu HĐND của đại biểu đó.

1.2.2. Giám sát Ủy ban nhân dân và hoạt động hành chính

UBND và Ủy ban MTTQVN phối hợp để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, bảo vệ quốc phòng an ninh của địa phương và xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. UBND phối hợp chặt chẽ với Ủy ban MTTQVN và các tổ chức thành viên của Mặt trận chăm lo và bảo vệ lợi ích của nhân dân, vận động nhân dân tham gia vào việc quản lý nhà nước và thực hiện các nghĩa vụ đối với nhà nước; vận động Nhân dân thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; tôn trọng và giải quyết kịp thời những ý kiến chính đáng của nhân dân; tạo điều kiện thuận lợi để Ủy ban MTTQVN và các tổ chức thành viên thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình.

UBND và Ủy ban MTTQ thường xuyên trao đổi thông tin về những vấn đề có liên quan để đảm bảo hiệu quả phối hợp công tác. UBND gửi Ủy ban MTTQVN các báo cáo định kỳ về tình hình kinh tế – xã hội và sự chỉ đạo, điều hành của UBND, Ủy ban MTTQVN gửi UBND các báo cáo định kỳ về tình hình thực hiện chương trình phối hợp và thống nhất hành động của Ủy ban MTTQVN.

Trong quá trình tham gia giám sát của MTTQ nếu phát hiện có biểu hiện vi phạm pháp luật của cơ quan hành chính nhà nước thuộc thẩm quyền quản lý của UBND, các sở, ban, ngành, cơ quan thuộc UBND thì MTTQ kiến nghị bằng văn bản với các cơ quan đó. Khi nhận được kiến nghị, cơ quan Nhà nước có trách nhiệm xem xét và trả lời kiến nghị của Ủy ban MTTQVN theo luật định.

UBND tỉnh phối hợp, tạo điều kiện để Ủy ban MTTQVN tỉnh thực hiện hoạt động giám sát, phản biện xã hội theo quy định, cụ thể: Khi Ủy ban MTTQVN tỉnh thực hiện hoạt động giám sát ở địa phương, người đứng đầu cơ quan nhà nước có trách nhiệm: Đón tiếp cung cấp thông tin và giải trình những vấn đề có liên quan theo yêu cầu của Ủy ban MTTQVN theo quy định của nhà nước; cử đại diện tham gia hoạt động giám sát theo đề nghị của Ủy ban MTTQVN. Trong trường hợp UBND tổ chức hoạt động kiểm tra liên ngành về một lĩnh vực cụ thể, khi cần thiết UBND mời đại diện Ủy ban MTTQVN tham gia đoàn kiểm tra đối với những vấn đề liên quan đến quyền giám sát của MTTQVN. UBND và Ủy ban MTTQVN tổ chức thực hiện có hiệu quả việc giám sát đầu tư của cộng đồng theo quy định tại Nghị định số 84/2015/NĐ-CP ngày 30/9/2015 của Chính phủ. UBND giao cho bộ phận phụ trách Kế hoạch và Đầu tư cung cấp thông tin về các dự án đầu tư thuộc diện giám sát đầu tư của cộng đồng tập huấn, phối hợp cùng Ủy ban MTTQVN hướng dẫn cơ sở tổ chức giám sát đầu tư của cộng đồng theo quy định tại Quyết định trên.

LIỆN HỆ:

SĐT+ZALO: 0935568275

E:\DỮ LIỆU COP CỦA CHỊ YẾN\LUAN VAN VIEN HAN LAM\VIEN HAN LAM DOT 12\SAU BAO VE/ DANG THI PHUC

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *