Các tội xâm phạm tính mạng sức khoẻ danh dự nhân phẩm của con người

Các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của con người trên địa bàn tỉnh Quảng Nam: Tình hình, nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa

Các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của con người trên địa bàn tỉnh Quảng Nam: Tình hình, nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa

  1. Tính cấp thiết của đề tài

Trong những năm gần đây kinh tế Quảng Nam tăng trưởng ổn định, các chỉ tiêu chủ yếu đều đạt kế hoạch do Đại hội Đảng bộ tỉnh đề ra. Bên cạnh những thành tựu về kinh tế, chính trị, xã hội đã đạt được, thì trên địa bàn tỉnh cũng bộc lộ nhiều yếu tố tiêu cực, trong đó có THTP nói chung, tình hình các tội xâm phạm TMSKDDNP con người nói riêng. Theo số liệu thống kê của các cơ quan bảo vệ pháp luật, trong 05 năm gần đây, trên địa bàn tỉnh đã xét xử HSST 779 vụ với 1.063 người phạm các tội xâm phạm TMSKDDNP con người với tính chất ngày càng nghiêm trọng, hết sức phức tạp và là lực cản lớn cho sự phát triển trên các mặt kinh tế – xã hội của tỉnh Quảng Nam.

Trước tình hình trên, đồng thời bảo vệ quyền con người nói chung và bảo vệ con người khỏi các hành vi xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm nói riêng là một trong những yêu cầu quan trọng được đặt ra ở nước ta hiện nay. Do đó, việc nghiên cứu, phân tích, đánh giá tình hình các tội xâm phạm TMSKDDNP của con người trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, tìm ra nguyên nhân và điều kiện làm phát sinh các loại tội phạm này, trên cơ sở đó đề xuất những giải pháp phòng ngừa tình hình các tội xâm phạm TMSKDDNP của con người phù hợp với đặc điểm, tình hình ở địa phương có ý nghĩa quan trọng về lý luận và thực tiễn.

Với lý do trên, tác giả lựa chọn đề tài: “Các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của con người trên địa bàn tỉnh Quảng Nam: Tình hình, nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa” làm đề tài nghiên cứu cho luận văn thạc sỹ luật học của mình.

2. Tình hình nghiên cứu đề tài

3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

3.1. Mục đích nghiên cứu

Mục đích nghiên cứu của đề tài là hướng đến việc xây dựng các giải pháp phòng ngừa có hiệu quả tình hình các tội xâm TMSKDDNP của con người trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

Một là, Luận văn tập trung nghiên cứu làm rõ thực trạng (mức độ), diễn biến, cơ cấu và tính chất của tình hình các tội xâm phạm TMSKDDNP của con người trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2010 – 2014.

Hai là, Luận văn sẽ đi sâu phân tích làm rõ nguyên nhân và điều kiện của tình hình các tội xâm phạm TMSKDDNP của con người trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2010-2014;

Ba là, Luận văn đề xuất các giải pháp tăng cường phòng ngừa tình hình các tội xâm phạm TMSKDDNP của con người trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

4.1 Đối tượng nghiên cứu: Đối tượng nghiên cứu của Luận văn là tình hình các tội xâm phạm TMSKDDNP của con người xảy ra trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2010-2014. Khách thể nghiên cứu là quy luật vận động và tính chất của tình hình các tội xâm phạm TMSKDDNP của con người trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2010-2014.

4.2. Phạm vi nghiên cứu

Đề tài được nghiên cứu dưới góc độ tội phạm học và phòng ngừa tội phạm về các tội xâm phạm TMSKDDNP của con người (mã 60.38.01.05).

Về thời gian, đề tài nghiên cứu tình hình các tội xâm phạm TMSKDDNP của con người trên địa bàn tỉnh Quảng Nam diễn ra trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến năm 2014, thể hiện thông qua số liệu thống kê của TAND tỉnh Quảng Nam và 300 bản án HSST được lựa chọn một cách ngẫu nhiên.

Về không gian, đề tài nghiên cứu các hành vi phạm các tội xâm phạm TMSKDDNP của con người trên phạm vi tỉnh Quảng Nam.

5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu

5.1. Phương pháp luận

Đề tài dựa trên phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử của Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh; các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước về vấn đề tội phạm, đấu tranh phòng chống tội phạm, về cải cách tư pháp…

5.2. Phương pháp nghiên cứu

Luận văn sử dụng các phương pháp nghiên cứu đặc thù của tội phạm học cụ thể như: phương pháp thống kê, quy nạp, phân tích, so sánh, hệ thống, diễn dịch, logic, xã hội học; nghiên cứu hồ sơ và các phương pháp chuyên biệt khác của tội phạm học. Các phương pháp nghiên cứu được sử dụng phù hợp với từng nội dung nghiên cứu.

6. Ý nghĩa của việc nghiên cứu

6.1. Ý nghĩa về mặt lý luận

Luận văn là công trình khoa học đầu tiên nghiên cứu tình hình các tội xâm phạm TMSKDDNP của con người trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2010 – 2014. Kết quả nghiên cứu sẽ góp phần bổ sung, hoàn thiện lý luận hoạt động phòng ngừa các tội xâm phạm TMSKDDNP của con người.

6.2. Ý nghĩa về thực tiễn

Kết quả nghiên cứu của Luận văn có thể được vận dụng trong thực tiễn phòng ngừa tội phạm cũng như bảo vệ quyền con người (bảo vệ, trợ giúp nạn nhân). Kết quả nghiên cứu của đề tài có thể được dùng làm tư liệu tham khảo trong nghiên cứu, giảng dạy và học tập.

7. Kết cấu luận văn

Ngoài phần mở đầu, phần kết luận, danh mục tài liệu tham khảo và phụ lục, Luận văn có kết cấu gồm 03 chương:

Chương 1: Tình hình các tội xâm phạm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của con người trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Chương 2: Nguyên nhân và điều kiện của tình hình các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của con người trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Chương 3: Dự báo tình hình các tội xâm phạm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của con người trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và các giải pháp tăng cường phòng ngừa.

Chương 1

TÌNH HÌNH CÁC TỘI XÂM PHẠM TÍNH MẠNG,

SỨC KHOẺ, DANH DỰ, NHÂN PHẨM CỦA CON NGƯỜI

TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM

1.1. Khái niệm tình hình các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2010-2014

Tình hình các tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2010-2014 là hiện tượng tâm – sinh lý – xã hội tiêu cực, vừa mang tính lịch sự và lịch sử cụ thể, vừa mang tính hình sự với hạt nhân là tính giai cấp được biểu hiện thông qua tổng thể các hành vi phạm các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người cùng với các chủ thể đã thực hiện các hành vi đó trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2010-2014. Nhận thức tình hình các tội phạm xâm phạm TMSKDDNP của con người trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2010-2014 cũng phải nhận thức thông qua phần hiện và phần ẩn.

1.2. Phần hiện của tình hình các tội phạm xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

1.2.1. Mức độ (thực trạng) của các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của con người trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2010-2014

Theo số liệu thống kê tội phạm của TAND tỉnh Quảng Nam, giai đoạn 2010–2014, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 4.484 vụ phạm tội với 7.559 người phạm tội (tính theo số vụ và số người phạm tội đã bị khởi tố, điều tra, truy tố và đưa ra xét xử sơ thẩm). Trong đó, có 779 vụ với 1.063 bị cáo bị xử lý về các tội xâm phạm TMSKDDNP của con người. Bình quân mỗi năm trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 155,8 vụ/năm với 212,6 người/năm phạm các tội xâm phạm TMSKDDNP của con người. Diễn ra chủ yếu là nhóm các tội xâm phạm sức khỏe của con người. Tiếp đến là nhóm các tội xâm phạm tự do, bất khả xâm phạm về tình dục chiếm tỷ lệ tương đối cao cả về số vụ và số bị cáo trong tổng các tội xâm phạm TMSKDDNP của con người. Nhóm các tội xâm phạm tính mạng có mức độ phạm tội ở mức trung bình. Nhóm có mức độ phạm tội thấp nhất là nhóm các tội xâm phạm tự do, nhân phẩm và danh dự; giai đoạn 2010-2014 cho thấy có 15 tội danh có đời sống thực tế

1.2.2. Diễn biến (động thái) của các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của con người trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2010-2014

Thống kê các vụ án xâm phạm TMSKDDNP của con người trên địa bàn tỉnh Quảng Nam từ năm 2010-2014 cho thấy từng năm số vụ án và số bị cáo phạm các tội xâm phạm TMSKDDNP của con người có xu hướng gia tăng. Diễn biến của các tội phạm TMSKDDNP của con người xảy ra trên địa bàn 18 huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh cũng tăng nhẹ theo từng năm. Số người phạm tội tăng nhanh hơn số vụ phạm tội cho thấy xu hướng số vụ án có đồng phạm tăng nhanh và số người tham gia vào một vụ án cũng gia tăng.

1.2.3 Cơ cấu của tình hình các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của con người trên địa bàn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2010-2014

1.2.3.1. Cơ cấu theo đơn vị hành chính – lãnh thổ của tỉnh: Dựa vào số liệu thống kê của TAND tỉnh Quảng Nam cho thấy thị xã Điện Bàn có tỷ lệ cao nhất là 9,75%; tiếp đến là huyện Núi Thành có tỷ lệ là 9,62%.

1.2.3.2.Cơ cấu theo tội danh: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác chiếm tỷ lệ cao; tiếp đến là tội hiếp dâm trẻ em; tiếp theo là tội giết người. Chiếm tỷ lệ thấp nhất là tội giết người do vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng, tội mua bán phụ nữ và tội mua bán, đánh tráo hoặc chiếm đoạt trẻ em (các tội này chỉ có 1 vụ và 1 bị cáo trong 5 năm).

1.2.3.3. Cơ cấu theo phân loại tội phạm: Tình hình các tội xâm phạm TMSKDDNP của con người trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2010-2014 có tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng và tội đặc biệt nghiêm trọng theo phân loại tội phạm tại Điều 8 BLHS.

1.2.3.4. Cơ cấu theo chế tài xử lý: Trong 1.063 bị cáo thì loại hình phạt được áp dụng nhiều nhất là hình phạt tù có thời hạn, số bị cáo bị phạt cải tạo không giam giữ chỉ chiếm một tỷ lệ rất thấp.

1.2.3.5. Cơ cấu xét theo tiêu chí phạm tội lần đầu, tái phạm và tái phạm nguy hiểm: Qua nghiên cứu số liệu thống kê của TAND tỉnh Quảng Nam cho thấy trong tổng số 1.063 bị cáo có 909 người phạm tội lần đầu (chiếm tỷ lệ 85,52%) và 154 bị cáo thuộc diện tái phạm, tái phạm nguy hiểm (chiếm 14,48%).

1.2.3.6. Cơ cấu xét theo các bước của phương thức thực hiện tội phạm: Qua nghiên cứu phân tích 300 bản án cho thấy: có 148 vụ đối tượng có sự chuẩn bị để thực hiện tội phạm (chiếm 49,33%); có 152 vụ đối tượng không có sự chuẩn bị trước (chiếm 50,67%).

1.2.3.7. Cơ cấu theo công cụ, phương tiện gây án: Qua nghiên cứu 300 bản án, cho thấy: 61 vụ các đối tượng không dùng công cụ, phương tiện mà chỉ dùng tay chân, sức mạnh thể lực (chiếm 20,33%); 132 vụ đối tượng sử dụng dao, kiếm các loại như mã tấu, kiếm tự tạo, dao Thái Lan… (chiếm 44%); 107 vụ đối tượng sử dụng các loại công cụ khác như gạch, đá, chai, lọ, tuýp sắt, rựa, cây gỗ, đục, búa, cưa… (chiếm 35,67%).

1.2.3.8. Cơ cấu theo tiêu chí thời gian phạm tội: Theo kết quả nghiên cứu 300 bản án HSST, thời gian thường xảy ra các vụ án xâm phạm TMSKDDNP của con người (chủ yếu là các vụ án cố ý gây thương tích, xâm phạm tình dục trẻ em và giết người) là khoảng thời gian từ sau 18h đến 23h là 156 vụ (chiếm 52%), từ 8h đến 18h là 97 vụ (chiếm 32,33%), từ sau 23h đến 7h là 47 vụ (chiếm 15,67%).

1.2.3.9. Cơ cấu theo tiêu chí địa điểm phạm tội: Qua nghiên cứu 300 bản án cho thấy, số vụ án diễn ra nhiều nhất ở nơi công cộng với 135 vụ (chiếm 45%); các địa điểm vui chơi, giải trí, karaoke, quán nhậu là 101 vụ (chiếm 33,67%); nơi ở nạn nhân là 46 vụ (chiếm 15,33%) và nơi ở đối tượng là 18 vụ (chiếm 6%).

1.2.3.10. Cơ cấu theo tiêu chí động cơ phạm tội: Phạm tội do bộc phát mâu thuẫn (động cơ thỏa mãn sự hiếu thắng, giải quyết mâu thuẫn, thù tức…) chiếm tỷ lệ cao nhất, với 67,5%. Phạm tội với động cơ muốn chứng tỏ mình, muốn thể hiện bản thân, ưa bạo lực… chiếm 70,5%. Phạm tội do động cơ thỏa mãn nhu cầu tình dục cá nhân của người phạm tộ chiếm 85% phạm tội do động cơ này.

1.2.3.11. Cơ cấu theo mối quan hệ giữa nạn nhân với người phạm tội: Qua nghiên cứu 300 bản án với 461 bị cáo, có thể chia mối quan hệ giữa nạn nhân và người phạm tội theo các mức độ thân thiết, mức độ quen biết, cụ thể: Có 16,7% bị cáo có mối quan hệ gần gũi, thân thiết với nạn nhân; 35,36% bị cáo có mối quan hệ quen biết với nạn nhân; 47,94% bị cáo có mối quan hệ mới thiết lập, hoàn toàn xa lạ với nạn nhân.

1.2.3.12. Cơ cấu theo đặc điểm lỗi của nạn nhân: Trong số 300 bản án thì có đến 87 vụ (chiếm tỷ lệ 29%) nạn nhân có lỗi.

1.2.3.13. Cơ cấu theo đặc điểm nhân thân người phạm tội

– Cơ cấu theo độ tuổi của bị cáo: Trong tổng số 1.063 bị cáo phạm các tội xâm phạm TMSKDDNP, có 67 bị cáo ở độ tuổi chưa thành niên (chiếm 6,3%); 601 bị cáo ở độ tuổi từ đủ 18 tuổi đến 30 tuổi (chiếm 56,54%); 314 bị cáo ở độ tuổi từ 30 tuổi đến 45 tuổi (chiếm 29,54%); 81 bị cáo ở độ tuổi trên 45 tuổi (chiếm 7,62%).

– Cơ cấu theo giới tính của bị cáo: Trong 1.063 bị có có 14 bị cáo là nữ (chiếm 1,32) chủ yếu phạm tội giết người và 1.049 bị cáo là nam (chiếm 98,68%).

– Cơ cấu theo dân tộc của bị cáo: Trong tổng số 1.063 bị cáo có 41 người là dân tộc thiểu số thực hiện hành vi phạm tội (chiếm 3,85%).

– Cơ cấu theo trình độ học vấn của bị cáo: Trong tổng số 1.063 bị cáo có 136 bị cáo có trình độ từ cao đẳng trở lên (chiếm 12,8%); 538 bị cáo có trình độ trung học phổ thông và trung học chuyên nghiệp (chiếm 50,61%); 245 bị cáo có trình độ trung học cơ sở (chiếm 23,05%); 107 bị cáo có trình độ tiểu học (chiếm 10,06%); 37 bị cáo mù chữ (chiếm 3,48%).

– Cơ cấu theo nghề nghiệp của bị cáo: Trong 1.063 bị cáo phạm các tội xâm phạm TMSKDDNP của con người, có 522 người không có nghề nghiệp (chiếm 49,1%); 355 người là lao động tự do (chiếm 33,4%); 152 người là học sinh, sinh viên (chiếm 14,3%); 34 người là cán bộ, công nhân viên (chiếm 3,2%). Tỷ lệ số người phạm tội không nghề nghiệp và lao động tự do chiếm tỷ lệ (chiếm 82,5%).

      1. Tính chất của tình hình các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của con người

Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác chiếm tỷ lệ cao nhất, tiếp đến là tội hiếp dâm trẻ em và tội giết người. Theo phân loại tội, chiếm tỷ lệ cao nhất là tội nghiêm trọng, tiếp theo là tội ít nghiêm trọng; tội rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng chiếm tỷ lệ thấp hơn. Hình phạt tù là loại chế tài được áp dụng nhiều nhất, trong đó tù từ 3 năm đến 7 năm chiếm tỷ lệ cao nhất, tiếp đến là tù từ 3 năm trở xuống; số bị cáo bị phạt tù trên 15 năm đến 20 năm, tù chung thân và tử hình chiếm tỷ lệ thấp nhất. Tình hình các tội xâm phạm TMSKDDNP của con người xảy nhiều nhất ở thị xã Điện Bàn và huyện Núi Thành. Thời gian phạm tội xảy ra chủ yếu từ từ sau 18h đến 23h. Công cụ, phương tiện gây án chủ yếu dao, kiếm các loại như mã tấu, kiếm tự tạo, dao Thái Lan, gạch, đá, tuýp sắt, chai, cây gỗ… Người phạm tội lợi dụng mối quan hệ với nạn nhân để thực hiện hành vi phạm tội. Nạn nhân cũng là một trong những nguyên nhân làm phát sinh tình hình các tội xâm phạm TMSKDDNP của con người (chiếm 29%). Độ tuổi của người phạm các tội xâm phạm TMSKDDNP của con người trên địa bàn tỉnh chủ yếu là từ 18 tuổi đến 45 tuổi chiếm tỷ lệ 86,08%. Số bị cáo phạm các tội xâm phạm TMSKDDNP của con người gần như tuyệt đối là nam giới chiếm tỷ lệ chiếm 98,68%. Số bị cáo có trình độ trung học phổ thông, trung học chuyên nghiệp và trung học cơ sở chiếm tỷ cao (chiếm 73,66%); số bị cáo không nghề nghiệp và lao động tự do chiếm 82,8%.

1.3. Phần ẩn của tình hình các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của con người

Giai đoạn 2010-2014 trên toàn tỉnh cơ quan điều tra các cấp đã khởi tố 1.025 vụ án xâm phạm TMSKDDNP của con người với 1.351 bị can. Trong khi đó, TAND các cấp đã xét xử 779 vụ án xâm phạm TMSKDDNP của con người với 1.063 bị cáo (chiếm 76% về số vụ và 78,6% về số người phạm tội). Số vụ và số bị can còn lại chưa hoặc không xét xử trong giai đoạn 2010-2014 là 246 vụ với 288 bị can (chiếm 24% về số vụ và 21,4% về người phạm tội). Trong số này sẽ có một phần là tội phạm ẩn.

Qua nghiên cứu 300 bản án xâm phạm TMSKDDNP của con người thì có 216 vụ được phát hiện ngay sau khi hành vi phạm tội xảy ra. Số còn lại là 84 vụ (chiếm 29%) có thời gian ẩn khác nhau.

Qua kết quả tổng hợp phiếu điều tra khảo sát những người sinh sống trên địa bàn thành phố Tam Kỳ và huyện Thăng Bình cho thấy: Trong số 210 phiếu hợp lệ có 16 phiếu trả lời họ và người thân của họ đã từng là nạn nhân của các tội xâm phạm TMSKDDNP của con người (chủ yếu là tội cố ý gây tích và hiếp dâm, hiếp dâm trẻ em) (chiếm 7,61% số phiếu khảo sát có trả lời). Trong đó, có 2 trường hợp đã tố cáo sự việc đến cơ quan có thẩm quyền, như vậy chỉ có 2 vụ được phát hiện (chiếm 12,5% số vụ việc xảy ra theo khảo sát); số còn lại là 14 trường hợp không tố giác (chiếm 87,5%), tức là vẫn còn tình trạng ẩn.

Kết luận chương 1

Trong chương 1, tác giả tập trung làm rõ khái niệm, các thông số của của tình hình các tội xâm phạm TMSKDDNP của con người. Những phân tích, kết luận ở chương 1 sẽ là cơ sở để tìm hiểu những nguyên nhân và điều kiện của các tội xâm phạm TMSKDDNP của con người trên địa bàn tỉnh Quảng Nam ở chương 2.

Các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của con người trên địa bàn tỉnh Quảng Nam: Tình hình, nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa
Các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của con người trên địa bàn tỉnh Quảng Nam: Tình hình, nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa

Chương 2

NGUYÊN NHÂN VÀ ĐIỀU KIỆN CỦA TÌNH HÌNH

CÁC TỘI XÂM PHẠM TÍNH MẠNG SỨC KHỎE DANH DỰ NHÂN PHẨM CỦA CON NGƯỜI TRÊN ĐỊA BÀN

TỈNH QUẢNG NAM

2.1. Nhận thức chung về nguyên nhân và điều kiện của tình hình các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩmcủa con người

Nguyên nhân của các tội xâm phạm TMSKDDNP của con người chính là sự tác động qua lại giữa các yếu tố thuộc môi trường xã hội bên ngoài (môi trường sống của con người) và các yếu tố tâm sinh lý tiêu cực thuộc cá nhân con người, trong những hoàn cảnh, tình huống, điều kiện nhất định làm phát sinh những hành vi nguy hiểm cho xã hội mà BLHS quy định là các tội xâm phạm TMSKDDNP của con người.

2.2. Nguyên nhân và điều kiện làm phát sinh tình hình các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của con người trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

2.2.1. Nguyên nhân và điều kiện thuộc môi trường sống

2.2.1.1. Những hạn chế, tiêu cực trong môi trường gia đình: Những yếu tố tiêu cực, hạn chế trong môi trường gia đình có các biểu hiện cụ thể như sau: do gia đình khuyết thiếu; gia đình không hạnh phúc, thường xuyên cãi, chửi, đánh nhau; do thiếu sự quan tâm chăm sóc, giáo dục của gia đình.

2.2.1.2. Những hạn chế, bất cập trong môi trường giáo dục: Việc quản lý học sinh, sinh viên chưa được nhà trường quan tâm đúng mức. Chưa có những giải pháp hữu hiệu trong quản lý, giáo dục và giúp đỡ học sinh chưa ngoan, học sinh cá biệt. Những hạn chế trong công tác giáo dục phẩm chất chính trị, đạo đức lối cho học sinh, sinh viên cũng chính là nguyên và điều kiện dẫn đến hành vi phạm tội ở các em.

2.2.1.3. Những tác động tiêu cực từ mặt trái của nền kinh tế thị trường: Những mặt trái đó có thể kể đến như sau: Tâm lý coi trọng đồng tiền, sự xuống cấp, suy thoái về đạo đức; tâm lý ăn chơi, đua đòi, nghiện bia rượu, cờ bạc, ma túy; tâm lý ưa thích sử dụng bạo lực, dục vọng thấp hèn.

2.2.1.4. Những hạn chế, yếu kém trong quản lý kinh tế, văn hóa, xã hội và quản lý hành chính

Những hạn chế, bất cập trong quản lý kinh tế: một số chính sách, giải pháp chưa được thực hiện triệt để, nhất là chính sách xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, hỗ trợ doanh nghiệp, chính sách phát triển nông thôn, cho vay vốn… Điều đó đã làm gia tăng tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm. Những hạn chế, bất cập trong quản lý văn hóa: Các sản phẩm văn hóa có nội dung đồi trụy, bạo lực, băng đĩa, truyện ngôn tình mang tính kích dục… chưa được quản lý, kiểm duyệt chặt chẽ. Điều đó đã gây ảnh hưởng, tác động xấu đến một bộ phận dân cư, nhất là tầng lớp thanh thiếu niên. Những hạn chế, bất cập trong quản lý hành chính: Một số vật liệu nổ, vũ khí được nhập lậu từ Trung Quốc vẫn trôi nổi trên thị trường mà các ngành chức năng chưa quan tâm xử lý. Mặc khác, công tác đăng ký, quản lý cư trú; rà soát, lập danh sách đối với những trường hợp tạm trú, tạm vắng ở địa bàn dân cư còn lỏng lẻo và gặp nhiều khó khăn.

2.2.1.5. Hạn chế trong phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử: Việc phát hiện, tố giác hành vi phạm các tội xâm phạm TMSKDDNP của con người chưa được các cơ quan chức năng, đoàn thể, tổ chức xã hội và người dân quan tâm. Công tác phát hiện, xử lý tội phạm của các cơ quan bảo vệ pháp luật của tỉnh hiệu quả chưa cao. Việc quyết định một hình phạt chưa tương xứng với tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi phạm tội theo xu hướng giảm nhẹ cũng là một trong những nguyên nhân kích thích làm gia tăng các hành vi phạm các tội xâm phạm TMSKDDNP của con người.

2.2.1.6. Hạn chế trong quy định của pháp luật về xử lý tội phạm: Theo khoản 1 Điều 105 Bộ Luật tố tụng hình sự năm 2003 thì đối với những tội tại khoản 1 Điều 104, 105, 106, 108, 109, 111, 113, 121, 122 chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của người bị hại. Trên thực tế có những trường hợp người phạm tội có mối quan hệ gần gũi, thân thiết với nạn nhân nên nạn nhân ngại không dám tố giác. Cũng có trường hợp đối tượng gặp gỡ, mua chuộc hoặc đe dọa nạn nhân, gia đình nạn nhân hoặc dùng các tác động khác để nạn nhân buộc phải rút đơn, bãi nại hoặc rút yêu cầu khởi tố làm cho cơ quan bảo vệ pháp luật không thể xử lý bằng luật hình sự.

2.2.1.7. Những nguyên nhân xuất phát từ nạn nhân: Bằng hành vi xử sự của mình nạn nhân cũng có thể tạo điều kiện khách quan thuận lợi thúc đẩy người khác thực hiện hành vi phạm tội được nhanh chóng, dễ dàng; mối quan hệ giữa nạn nhân và người phạm tội cũng có vai trò vô cùng quan trọng trong cơ chế hành vi phạm tội.

2.2.2. Nguyên nhân và điều kiện thuộc chủ thể hành vi – Nhân thân người phạm tội

2.2.2.1. Những hạn chế thuộc về ý thức pháp luật cá nhân: Những sai lệch trong ý thức pháp luật của cá nhân đã trở thành nguyên nhân và điều kiện làm phát sinh tình hình các tội xâm phạm TMSKDDNP của con người trên địa bàn tỉnh, biểu hiện ở các hình thức sau: Ấu trĩ pháp luật, hư vô pháp luật, xem thường các nghĩa vụ – xem thường pháp luật.

2.2.2.2. Các sai lệch trong quá trình động cơ hóa hành vi

Động cơ hóa hành vi là quá trình tâm – sinh lý – xã hội mà trong đó chủ thể có được động lực để thực hiện hành vi. Sai lệch về nhu cầu, sai lệch về phương pháp thỏa mãn nhu cầu, sai lệch về sở thích.

Kết luận Chương 2

Trong chương 2, tác giả tập trung làm rõ nguyên nhân và điều kiện của các tội xâm phạm TMSKDDNP của con người. Trên cơ sở nghiên cứu nguyên nhân và điều kiện của tình hình các tội xâm phạm TMSKDDNP của con người trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, tác giả sẽ đi sâu vào nghiên cứu tìm ra những giải pháp phòng ngừa cá tội này một cách hữu hiệu.

Các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của con người trên địa bàn tỉnh Quảng Nam: Tình hình, nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa
Các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của con người trên địa bàn tỉnh Quảng Nam: Tình hình, nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa

Chương 3

DỰ BÁO TÌNH HÌNH CÁC TỘI XÂM PHẠM TÍNH MẠNG, SỨC KHOẺ, DANH DỰ, NHÂN PHẨM CỦA CON NGƯỜI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM VÀ CÁC GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG PHÒNG NGỪA

3.1. Dự báo tình hình các tội xâm phạm tính mạng sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của con người trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trong những năm tới

3.1.1. Cơ sở dự báo

Thứ nhất, Tình hình tội phạm tiềm tàng

Thứ hai, Tình hình phát triển kinh tế – xã hội ở tỉnh Quảng Nam

3.1.2. Nội dung dự báo

Thứ nhất, Trong những năm tới, trên địa bàn tỉnh tình hình các tội xâm phạm TMSKDDNP của con người vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, có xu hướng gia tăng cả về số vụ án và số bị cáo.

Thứ hai, Phạm vi thực hiện hành vi phạm tội có khả năng nhiều hơn hiện nay, tức là hành vi phạm tội không chỉ bó hẹp trong phạm vi 15 tội danh như hiện nay (các tội danh có đời sống thực tế).

Thứ ba, Phương thức, thủ đoạn phạm tội ngày càng tinh vi, xảo quyệt.

Thứ tư, Công cụ, phương tiện gây án sẽ được đối tượng sử dụng đa dạng và phức tạp hơn về chủng loại như sử dụng vũ khí quân dụng, chất nổ (súng, mìn); các công cụ hỗ trợ như bình xịt hơi cay, roi điện, hóa chất (axít) sẽ được sử dụng nhiều trong hoạt động phạm tội.

Thứ năm, Đối tượng phạm tội sẽ ngày càng trẻ hóa, số người chưa thành niên phạm tội sẽ gia tăng. Đối tượng phạm tội chủ yếu vẫn tập trung vào những người trong độ tuổi từ 18 đến 45 tuổi; tội phạm do nam giới thực hiện là chủ yếu.

3.2. Thực trạng phòng ngừa tình hình các tội xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm của con người trên địa bàn tỉnh Quảng Nam

Trong những năm qua, công tác phòng ngừa và đấu tranh phòng, chống THTP nói chung và các tội xâm phạm TMSKDDNP của con người nói riêng trên địa bàn tỉnh đã có nhiều chuyển biến tích cực. Bên cạnh những kết quả đạt được,vẫn còn một số hạn chế tồn tại như: Việc phát hiện, tố giác hành vi phạm các tội xâm phạm TMSKDDNP của con người chưa được các cơ quan chức năng, đoàn thể, tổ chức xã hội và người dân quan tâm; quản lý trên lĩnh vực kinh tế, văn hóa, an ninh trật tự và an toàn xã hội vẫn còn một số hạn chế…

3.3. Hệ thống các giải pháp tăng cường phòng ngừa tình hình các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm

3.3.1. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật

Để công tác TTPBGDPL thật sự đem lại hiệu quả cao cần phải tăng cường xây dựng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên pháp luật kể cả đội ngũ hoà giải viên vững mạnh cả về số lượng và chất lượng. Đổi mới và đa dạng hoá các hình thức TTPBGDPL. Đây là giải pháp có ý nghĩa thiết thực trong hoạt động phòng ngừa tình hình các tội xâm phạm TMSKDDNP của con người, ngăn chặn và loại trừ tình hình các tội xâm phạm TMSKDDNP của con người có thể xảy ra trên địa bàn tỉnh.

3.3.2. Phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo bền vững

Có các chính sách hỗ trợ đối với các những người nghèo, những người chưa có việc làm và có hoàn cảnh khó khăn. Tổ chức dạy nghề, sau đó tạo việc làm để có thu nhập… Nếu kinh tế kém phát triển thì đời sống của một bộ phận Nhân dân không được đảm bảo chính là mảnh đất cho tội phạm và tệ nạn xã hội phát triển. Đặc biệt phải loại trừ các tệ nạn xã hội, nếu không làm tốt thì THTP nói chung và tình hình các tội xâm phạm TMSKDDNP của con người nói riêng sẽ vẫn còn.

3.2.3. Tăng cường giáo dục về chính trị, tư tưởng: Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng. Thường xuyên tuyên truyền các văn bản của Đảng đến với các tầng lớp nhân dân. Làm cho Nhân dân có niềm tin tất thắng vào sự nghiệp đổi mới của Đảng và chủ nghĩa xã hội. Nâng cao hiệu quả và đưa việc “Học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”. Nâng cao cảnh giác cách mạng, tiến hành kiên quyết và phối hợp đồng bộ để đánh bại mọi âm mưu, thủ đoạn của chiến lược “diễn biến hoà bình” trên các lĩnh vục chính trị, tư tưởng văn hoá, kinh tế, xã hội…

3.3.4. Các giải pháp về văn hóa, xã hội, giáo dục: Đẩy mạnh phong trào toàn dân xây dựng gia đình văn hóa mới gắn kết với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”. Đề cao vai trò của gia đình trong việc chăm sóc, giáo dục con em mình. Chú trọng giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống, tri thức pháp luật và ý thức công dân. Thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”. Trên cơ sở và phù hợp với các điều kiện khách quan của tỉnh, bảo đảm trong thực tế các quyền con người.

3.3.5. Giải pháp về hoàn thiện pháp luật: Đối với Nhà nước, cần phải hoàn thiện hệ thống pháp luật trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội. Việc áp dụng pháp luật phải đảm bảo tính công khai, nghiêm minh; đặc biệt các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử cần phải được tiến hành kịp thời và đảm bảo đúng theo quy định của pháp luật.

3.3.6. Tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước

Thứ nhất, nâng cao hiệu quả công tác quản lý hành chính nhà nước về an ninh trật tự và an toàn xã hội: Tăng cường công tác kiểm tra, hướng dẫn đăng ký, quản lý cư trú và đăng ký, tiến hành rà soát, phân loại, thống kê, lập danh sách đối với những trường hợp tạm trú, tạm vắng ở địa bàn dân cư; thu thập thông tin về các đối tượng có tiền án, tiền sự, lưu manh chuyên nghiệp, thanh thiếu niên hư, các loại đối tượng tệ nạn xã hội như cờ bạc, ma túy, say xỉn thường xuyên… Quản lý chặt chẽ các ngành nghề kinh doanh có điều kiện, những ngành nghề nhạy cảm dễ nảy sinh các mâu thuẫn dẫn đến hành vi xâm phạm TMSKDDNP của con người như: karaoke, massages, internet,.. Thường xuyên kiểm tra, xử lý những cơ sở vi phạm đảm bảo hoạt động của các cơ sở này tuân theo pháp luật.

Thứ hai, quản lý chặt chẽ các hoạt động trong lĩnh vực văn hóa: Đấu tranh chống sản phẩm văn hoá độc hại đồng bộ, toàn diện, đồng thời có trọng tâm, trọng điểm. Thực hiện tốt công tác quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện, những ngành nghề nhạy cảm..

Thứ ba, khắc phục những sai lầm, thiếu sót, sơ hở của quản lý: Trong khâu tổ chức cán bộ phải biết chọn người, đào tạo, bồi dưỡng và lựa chọn những người có trình độ, có phẩm chất đạo đức. Đặc biệt là tăng cường lực lượng, đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ chuyên trách trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm hình sự.

3.3.7. Giải pháp phòng ngừa nguy cơ trở thành nạn nhân

Trong cuộc sống, giao tiếp hàng ngày cần phải giữ thái độ bình tỉnh, từ tốn, chuẩn mực. Tăng cường sự gắn kết của gia đình, hàng xóm và cộng đồng dân cư. Tăng cường khả năng tự bảo vệ mình. Xây dựng các chương trình và thành lập các tổ chức bảo vệ những người có nguy cơ trở thành nạn nhân cao như phụ nữ, trẻ em, người gia, người khuyết tật, người mắc bệnh tâm thần; vì nhóm người này thường bị các đối tượng hướng đến.

3.3.8. Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan điều tra, truy tố, xét xử

Đối với Cơ quan điều tra: Xây dựng các phòng trào quần chúng nhân dân tố giác tội phạm. Chủ động dự báo đúng tình hình, diễn biến và tăng cường công tác nắm tình hình. Thường xuyên quan tâm công tác củng cố, kiện toàn, phát triển lực lượng nòng cốt trong phòng chống tội phạm ở địa bàn cơ sở. Cần tập trung chú trọng các địa bàn trọng điểm như Điện Bàn và Núi Thành. Tham mưu cho chính quyền và sự hỗ trợ các ngành, đoàn thể trong việc sắp xếp, bố trí dạy nghề, hỗ trợ vốn làm ăn, tạo công ăn việc làm cho số đối tượng trở về địa phương.

Đối với Viện kiểm sát: Kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong các hoạt động điều tra, truy tố và xét xử. Thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ Kiểm sát viên. Bảo đảm việc truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và không bỏ lọt tội phạm, đảm bảo việc giám sát các hoạt động tư pháp đồng thời ngăn chặn những hiện tượng tiêu cực hoặc lạm dụng những quy định pháp luật trong hoạt động điều tra, xét xử có thể xảy ra.

Đối với Tòa án các cấp: TAND cần thiết phải có những thống kê cụ thể về các tội này, định hướng hình phạt cần áp dụng đủ để răn đe, giáo dục người phạm tội và phục vụ cho hoạt động phòng ngừa chung. Phải đảm bảo hoạt động xét xử theo đúng trình tự thủ tục luật đinh. Nâng cao năng lực chuyên môn của Thẩm phán, đào tạo nghiệp vụ đối với Hội thẩm nhân dân theo hướng chuyên biệt hoá, nhằm nâng cao trách nhiệm xét xử của Hội thẩm nhân dân.

3.3.9. Những biện pháp ngăn ngừa tái phạm

Phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh theo đúng pháp luật các đối tượng phạm tội nói chung và phạm các tội xâm phạm TMSKDDNP của con người nói riêng. Đảm bảo việc thi hành án có hiệu quả. Nâng cao chất lượng quản lý, cải tạo, giáo dục cho các đối tượng tại các trại giam, trại tạm giam. Xây dựng chương trình chuyển tiếp chuẩn bị cho sự tái hoà nhập cộng đồng đối với những người sắp mãn hạn tù.

Kết luận Chuơng 3

Trên cơ sở đưa ra những dự báo, phân tích các nguyên nhân và điều kiện phạm tội, tác giải đưa ra các giải pháp phòng ngừa tình hình các tội xâm phạm TMSKDDNP của con người trên địa bàn tỉnh Quảng Nam trong thời gian tới. Để làm tốt công tác này thì ngoài các biện pháp về kinh tế, chính trị – tư tưởng, xã hội, văn hoá, giáo dục, pháp luật, tổ chức, quản lý thì chúng ta cần có giải pháp về tăng cường các khâu phát hiện, điều tra, truy tố, xét xử; tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng, giáo dục kiến thức pháp luật, chuyên môn nghiệp vụ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong Nhân dân, đồng thời tăng cường mối quan hệ với các ngành, các cấp địa phương và quần chúng nhân dân trong hoạt động phòng ngừa THTP nói nói chung và tình hình các tội phạm TMSKDDNP của con người nói riêng.

KẾT LUẬN

Mặc dù trong thời gian qua, đã có sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành, các lực lượng chức năng và Nhân dân trên địa bàn tỉnh đã đạt được kết quả nhưng tình hình các tội xâm phạm TMSKDDNP của con người không những có xu hướng giảm đi mà ngày càng tăng.

Đối với các loại tội xam phạm TMSKDDNP của con người thì hậu quả của hành vi phạm tội gây ra cho nạn nhân hết sức nặng nề. Trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của công tác đấu tranh phòng ngừa tội phạm về xâm phạm TMSKDDNP của con người với mong muốn được góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm này, góp phần giữ vững tình hình trật tự xã hội, tạo một môi trường sống trong lành cho Nhân dân trong tỉnh. Phòng, chống các tội xâm phạm TMSKDDNP của con người là một trong những điều kiện cơ bản nhằm tôn trọng, bảo về, bảo đảm quyền con người theo Hiến pháp và pháp luật. Vì vậy, công cuộc đấu tranh phòng, chống các tội xâm phạm TMSKDDNP của con người đòi hỏi phải phát huy mạnh mẽ tính tích cực chủ động của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, các lực lượng chức năng và Nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Luận văn được nghiên cứu một cách nghiêm túc, trong quá trình nghiên cứu tác giả đã sử dụng phương pháp luận duy vật biện chứng, duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của Nhà nước về vấn đề tội phạm, đấu tranh phòng chống tội phạm, về cải cách tư pháp; sử dụng phép biện chứng của triết học Mác-xít vừa với tính cách là phương pháp luận, vừa với tính cách của một pháp pháp nghiên cứu và các phương pháp khoa học cụ thể cũng như những tri thức cơ bản, thực trạng trong công tác đấu tranh phòng, chống các tội xâm phạm TMSKDDNP của con người của các lực lượng chức năng tỉnh Quảng Nam để làm sáng tỏ những nội dung nghiên cứu.

Luận văn được nghiên cứu có sự giúp đỡ của các ngành chức năng, TAND tỉnh, Việt kiểm sát nhân dân tỉnh và Công an tỉnh Quảng Nam, các đồng chí lãnh đạo, giảng viên Học Viện khoa học xã hội và đặc biệt là Thầy giáo hướng dẫn khoa học. Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu chỉ là bước đầu, kinh nghiệm thực tiễn của bản thân cũng còn hạn chế nên Luận văn không tránh khỏi những thiếu sót, hạn chế nhất định, tác giả rất mong nhận được sự chân thành đóng góp ý, bổ sung của các nhà khoa học, các thầy, cô giáo để Luận văn được hoàn thiện hơn.

LIỆN HỆ:

SĐT+ZALO: 0935568275

E:\DỮ LIỆU COP CỦA CHỊ YẾN\LUAN VAN VIEN HAN LAM\LUAT HINH SU DOT 2\TOI PHAM HOC\NGUYEN THI MY LE\SAU BAO VE

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *