Các tội phạm do học sinh và sinh viên thực hiện: Tình hình…

Các tội phạm do học sinh và sinh viên thực hiện: Tình hình nguyên nhân và giải pháp

Các tội phạm do học sinh và sinh viên thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi: Tình hình, nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa

1. Tính cấp thiết của đề tài

Tỉnh Quảng Ngãi có diện tích tự nhiên 5.157 km2; dân số hiện nay hơn 1.352.000 người bao gồm 29 dân tộc sinh sống, trong đó dân tộc kinh có hơn 1.200.000 người, tiếp đến là các dân tộc Hrê, Co, Xơ Đăng, Hoa, Mường, Tày, Thái… Gồm 13 huyện và 1 thành phố, trong đó có 6 huyện miền núi, 6 huyện đồng bằng và 1 huyện đảo Lý Sơn. Toàn tỉnh có 166 trường trung học cơ sở, 35 trung học phổ thông, 14 trung tâm giáo dục thường xuyên, 6 trường trung cấp, 5 trường cao đẳng, 3 trường đại học với hơn 300.000 học sinh, sinh viên chiếm tỷ lệ 22% dân trên toàn tỉnh.

Những năm qua, tình hình tội phạm (THTP) có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, nhất là các tội phạm xâm phạm sở hữu và xâm phạm tính mạng, sức khỏe của con người. Mặc dù các cấp ủy Đảng, chính quyền và các ngành chức năng ở Quảng Ngãi đã tập trung chỉ đạo và tổ chức thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, nhất là vi phạm pháp luật hình sự nhưng chưa làm giảm được mức độ và tính chất nguy hiểm của THTP.

Thống kê của Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh Quảng Ngãi thì từ năm 2010 – 2014, Tòa án nhân dân (TAND) các cấp trên địa bàn tỉnh đã thụ lý 2803 vụ án với 5197 bị can; trong đó đã xét xử 2319 vụ với 4271 bị cáo, trung bình mỗi năm xét xử 463,8 vụ án với 854,2 bị cáo. Các vụ án hình sự trên địa bàn tỉnh do nhiều loại chủ thể khác nhau thực hiện, đặc biệt trong đó đối tượng là học sinh, sinh viên (HSSV) thực hiện chiếm tỉ trọng cao trong tổng số vụ án hình sự đã được phát hiện và xử lý; nhiều vụ có tính chất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng. Từ năm 2010 – 2014 đã có 622 vụ án với 926 bị cáo là HSSV bị xét xử sơ thẩm, chiếm tỉ phần 26,8% về số vụ, 21,68% số bị cáo bị xét xử trên địa bàn tỉnh.

Trước diễn biến phức tạp của THTP nói chung, THTP do HSSV thực hiện nói riêng, để công tác phòng ngừa tội phạm đạt hiệu quả, Đảng, Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách khác nhau, có thể kể đến:

– Chỉ thị số 48-CT/TW ngày 22/10/2010 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng chống tội phạm trong tình hình mới”; Chỉ thị số 09-CT/TW ngày 01/12/2011 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới”.

– Quyết định số 1217/QĐ-TTg ngày 06/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2012-2015; Quyết định 2160/QĐ-TTg ngày 26/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên giai đoạn 2011-2015.

Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành nhiều văn bản về đấu tranh phòng, chống tội phạm trên địa bàn tỉnh, cụ thể:

– Quyết định số 1679/QĐ-UBND ngày 18/11/2011 của Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Kế hoạch thực hiện Đề án của Thủ tướng Chính phủ về “Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên giai đoạn 2011-2015”.

– Quyết định số 1775/QĐ-UBND ngày 09/11/2012 của Chủ tịch UBND tỉnh ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống tội phạm giai đoạn 2012-2015.

– Chỉ thị số 01/CT-UBND ngày 20/02/2014 của Chủ tịch UBND tỉnh về tăng cường công tác phòng, chống tội phạm trộm cắp tài sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi; Nghị quyết số 25/2014/NQ-HĐND ngày 31/7/2014 của HĐND tỉnh về công tác phòng, chống tội phạm và xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc…

Trên cơ sở đó, các Sở, ban, ngành, đoàn thể; các huyện, thành phố và các trường học đều có kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể nhằm đấu tranh kiên quyết với các loại tội phạm. Tuy nhiên, THTP nói chung, tội phạm do HSSV thực hiện nói riêng trên thực tế vẫn không thuyên giảm, nhiều vụ có tính chất nguy hiểm, với thủ đoạn tinh vi, gây nhiều thiệt hại về vật chất và tinh thần cho người bị hại.

Xuất phát từ thực tế trên, việc nghiên cứu một cách toàn diện về thực trạng các tội phạm do HSSV thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi dưới góc độ chuyên ngành Tội phạm học và phòng ngừa tội phạm nhằm tìm ra nguyên nhân và các giải pháp phòng, chống là yêu cầu cần thiết và cấp bách hiện nay. Với những nhận thức như trên, tác giả đã chọn đề tài: “Các tội phạm do học sinh và sinh viên thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi: Tình hình, nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa” làm luận văn thạc sĩ luật học với mong muốn đóng góp các đề xuất thiết thực nhằm ngăn ngừa THTP do HSSV thực hiện, góp phần bảo vệ an ninh trật tự trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

2. Tình hình nghiên cứu đề tài

3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài

3.1. Mục đích nghiên cứu

Mục đích nghiên cứu của luận văn là hướng đến xây dựng hệ thống giải pháp phòng ngừa đối với các tội phạm do HSSV thực hiện trên cơ sở làm rõ tình hình, nguyên nhân, điều kiện và dự báo xu hướng của THTP do HSSV thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu của đề tài

Để đạt được mục đích nghiên cứu nêu trên, luận văn xác định các nhiệm vụ nghiên cứu sau đây cần phải thực hiện:

– Tìm, thu thập và nghiên cứu những tài liệu về tội phạm học, pháp luật hình sự và những tài liệu khác liên quan làm cơ sở cho việc nhận thức thống nhất, rõ ràng phương pháp luận nghiên cứu.

– Tìm, thu thập, xử lý, phân tích, so sánh những số liệu thống kê thường xuyên của một số cơ quan tư pháp, đặc biệt là số liệu thống kê các vụ án hình sự từ năm 2010 – 2014 của VKSND tỉnh Quảng Ngãi.

– Tìm, thu thập các bản án HSST do bị cáo là HSSV thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi từ năm 2010 – 2014.

– Thu thập, nghiên cứu các văn bản chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Ngãi về công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm.

– Làm rõ thực trạng của THTP do HSSV thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi từ năm 2010 – 2014.

– Xác định các yếu tố thuộc về nguyên nhân và điều kiện của THTP do HSSV thực hiện trên địa bàn nghiên cứu.

– Đưa ra các dự báo có liên quan và thiết lập hệ thống các biện pháp phòng ngừa tội phạm do HSSV thực hiện trong thời gian tới.

4. Đối tượng nghiên cứu và phạm vi nghiên cứu

4.1. Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của đề tài là THTP do HSSV thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi từ năm 2010 – 2014; thực tiễn kinh tế – xã hội và công tác phòng, chống tội phạm do HSSV thực hiện; làm rõ mối quan hệ phụ thuộc giữa THTP do HSSV thực hiện với các hiện tượng, quá trình kinh tế – xã hội khác trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

4.2. Phạm vi nghiên cứu

– Về nội dung, đề tài của tác giả nghiên cứu dưới góc độ tội phạm học, thuộc chuyên ngành Tội phạm học và Phòng ngừa tội phạm.

– Về số liệu, đề tài sử dụng các số liệu ở cấp xét xử HSST.

– Về thời gian, đề tài sử dụng chất liệu nghiên cứu trong vòng năm năm, từ 2010 – 2014, bao gồm số liệu thống kê thường xuyên về tội phạm của VKSND tỉnh và 120 bản án HSST về tội phạm do HSSV thực hiện.

– Về không gian, đề tài luận văn được thực hiện trên phạm vi tỉnh Quảng Ngãi.

5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu.

5.1. Phương pháp luận

Đề tài thực hiện trên cơ sở phương pháp luận biện chứng duy vật của chủ nghĩa Mác – Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh; đồng thời, quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách pháp luật của nhà nước về hoạt động phòng ngừa tội phạm.

5.2. Phương pháp nghiên cứu

Ngoài phương pháp biện chứng, luận văn còn áp dụng các phương pháp: phân tích và tổng hợp; quy nạp và diễn dịch, mô tả, so sánh, lịch sử, thống kê, hệ thống, nghiên cứu hồ sơ và các phương pháp chuyên biệt khác của tội phạm học.

6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn

Luận văn là công trình khoa học đầu tiên nghiên cứu tội phạm do HSSV thực hiện dưới góc độ tội phạm học trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Những kết quả đạt được của luận văn sẽ góp phần vào việc làm sáng tỏ thực trạng HSSV phạm tội; nguyên nhân, điều kiện phạm tội của đối tượng này nhằm tìm ra các giải pháp ngăn ngừa có hiệu quả. Kết quả nghiên cứu của luận văn có thể được sử dụng làm tài liệu học tập và nghiên cứu khoa học; là tài liệu hướng dẫn thực tế cho hoạt động phòng ngừa tội phạm nói chung và phòng ngừa tội phạm do HSSV thực hiện nói riêng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

7. Kết cấu luận văn

Ngoài phần mở đầu, danh mục tài liệu tham khảo, luận văn được kết cấu gồm ba chương:

Chương 1: THTP do HSSV thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi từ năm 2010 – 2014.

Chương 2: Nguyên nhân và điều kiện của THTP do HSSV thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi từ năm 2010 – 2014.

Chương 3: Dự báo THTP và các giải pháp phòng ngừa tội phạm do HSSV thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi.

Chương 1

TÌNH HÌNH TỘI PHẠM DO HỌC SINH, SINH VIÊN THỰC HIỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI

TỪ NĂM 2010 ĐẾN NĂM 2014

1.1. Phần “rõ” của THTP do HSSV thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi từ năm 2010 – 2014

1.1.1. Mức độ (thực trạng) của THTP do HSSV thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi từ năm 2010 – 2014

Từ năm 2010 – 2014, trên toàn tỉnh Quảng Ngãi đã xét xử 622 vụ án với 926 bị cáo là HSSV; tính trung bình mỗi năm toàn tỉnh xét xử sơ thẩm 124 vụ với 185 bị cáo là HSSV.

1.1.1.1. So sánh mức độ của THTP do HSSV thực hiện với mức độ của THTP (chung) ở Quảng Ngãi từ năm 2010 – 2014

Từ năm 2010 – 2014, toàn tỉnh đã xét xử sơ thẩm 2319 vụ với 4271 bị cáo. Như vậy, xét về tổng thể, với 622 vụ với 926 bị cáo là HSSV phạm tội, THTP do HSSV thực hiện chiếm 26,8 % về số vụ và 21,7 % về số bị cáo so với THTP nói chung. Trung bình cứ 4 vụ án xét xử sơ thẩm thì có 1 vụ do HSSV thực hiện và cứ 5 bị cáo bị đưa ra xét xử thì có 1 bị cáo là HSSV.

1.1.1.2. So sánh mức độ của THTP do HSSV thực hiện với dân số Quảng Ngãi từ năm 2010 – 2014 (chỉ số hay cơ số của THTP)

Theo pháp luật Việt Nam, người chưa đủ 14 tuổi không có năng lực thực hiện tội phạm nên để tính chỉ số/cơ số của THTP phải xác định được dân số từ đủ 14 tuổi trở lên. Tuy nhiên do không có số liệu chính thức, tác giả tạm tính thông số này trên tổng dân số, theo đó có thể tính toán mức độ phổ biến của THTP do HSSV thực hiện trong dân số theo công thức:

Chỉ số/cơ số trung bình năm theo số vụ = 124 x 100.000 : 1.352.000 = 9,17 (vụ/100.000 người dân)

Chỉ số/cơ số trung bình năm theo số bị cáo = 185 x 100.000 : 1.352.000 = 13,68 (bị cáo/100.000 người dân)

Thông số này phản ánh mức độ phổ biến của THTP do HSSV thực hiện trong dân số tỉnh Quảng Ngãi từ năm 2010 đến năm 2014.

Các tội phạm do học sinh và sinh viên thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi: Tình hình, nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa
Các tội phạm do học sinh và sinh viên thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi: Tình hình, nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa

1.1.2. Cơ cấu của THTP do HSSV thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi từ năm 2010 – 2014

1.1.2.1. Cơ cấu của THTP theo tội danh

Từ năm 2010 – 2014, có 926 bị cáo là HSSV bị xét xử với 7 tội danh, gồm: (1) Tội giết người (Điều 93); (2) Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 104); (3) Tội cướp tài sản (Điều 133); (4) Tội cướp giật tài sản (Điều 136); (5) Tội trộm cắp tài sản (Điều 138); (6) Tội Mua bán trái phép chất ma túy (Điều 194); và (7) Tội vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ (Điều 202).

1.1.2.2. Cơ cấu của THTP theo phân loại tội phạm

Số liệu từ 120 bản án HSST với 174 bị cáo là HSSV cho thấy cơ cấu về phân loại tội phạm được thể hiện: Tội phạm ít nghiêm trọng (86,78%), tội phạm nghiêm trọng (10%), tội phạm rất nghiêm trọng (2,3%) và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng (0,57%).

1.1.2.3. Cơ cấu của THTP theo địa bàn phạm tội

Nghiên cứu số bị cáo đã bị xét xử sơ thẩm tại 14 huyện, thành phố của tỉnh cho thấy: Về cơ số tội phạm và mật độ tội phạm thì thành phố Quảng Ngãi xếp vị trí cao nhất (1.018 người/1 bị cáo là HSSV và 14 bị cáo là HSSV/1km2); huyện Ba Tơ xếp ở vị trí thấp nhất (2.694 người/1 bị cáo là HSSV và 0,02 bị cáo là HSSV/1km2). Nhưng xét ở các huyện khác thì không có sự đồng nhất giữa tỷ lệ HSSV phạm tội trên số dân với mật độ HSSV phạm tội trên mỗi km2.

Qua đó rút ra được 2 thông số quan trọng, đó là trong 5 năm qua trên địa bàn tỉnh trung bình cứ 1460 người thì có một bị cáo là HSSV; cứ một km2 thì có 0,18 bị cáo là HSSV. Kết quả nghiên cứu về cơ số tội phạm và mật độ tội phạm đã xác định được cấp độ nguy hiểm qua sự so sánh ở 14 huyện, thành phố.

1.1.2.4. Cơ cấu của THTP theo phương thức, thủ đoạn thực hiện tội phạm

Nghiên cứu 120 bản án HSST với 174 bị cáo là HSSV cho thấy tùy theo từng loại tội khác nhau mà đối tượng đã sử dụng các phương thức khác nhau. Về Thủ đoạn phạm tội thì tập trung ở các dạng: Thủ đoạn lén lút; Công khai, nhanh chóng; Chuyển quyền sở hữu bất hợp pháp; Chủ động bêu xấu, gây ức chế cho người khác để họ phản ứng nhằm tạo ra cớ thực hiện hành vi phạm tội…

1.1.2.5. Cơ cấu của THTP theo hình phạt, biện pháp tư pháp được áp dụng ở cấp sơ thẩm

Trong 5 năm qua tòa án cấp sơ thẩm của tỉnh Quảng Ngãi áp dụng hình phạt tù từ 3 năm trở xuống (28,5%); từ trên 3 năm đến 7 năm (3,46%); từ trên 7 năm đến 15 năm (0,21%); Các biện pháp tư pháp (19,98%); cảnh cáo (13,07%); Cải tạo không giam giữ (15,33%); phạt tiền (4,86%); án treo (14,58%).

1.1.2.6. Cơ cấu của THTP theo công cụ, phương tiện phạm tội

Phân tích từ 120 bản án về các tội phạm do HSSV thực hiện cho thấy có 45/174 bị cáo sử dụng phương tiện xe máy (25,9%); 24/174 bị cáo sử dụng dao nhọn (13,8%); 18/174 bị cáo sử dụng mã tấu (10,3%); 28/174 bị cáo sử dụng gậy sắt (16,1%); 27/174 bị cáo sử dụng Kìm, dụng cụ bẻ khóa (15,51%); còn lại là sử dụng các hung khí nguy hiểm khác như côn gỗ, gạch, đá, búa, thắt lưng (18,39%).

1.1.2.7. Cơ cấu của THTP theo đặc điểm nhân thân người phạm tội

a. Cơ cấu theo giới tính

Phân tích từ 120 bản án về các tội phạm do HSSV thực hiện cho thấy trong số 174 bị cáo là HSSV phạm tội có 172 bị cáo là nam giới (98,85%); chỉ có 2 bị cáo là nữ giới (1,15%).

b. Cơ cấu theo độ tuổi

Đối tượng mà luận văn nghiên cứu là HSSV nên tác giả xét ở độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự, nghĩa là người từ đủ 14 tuổi trở lên và phân thành 3 nhóm tuổi, cụ thể:

– Nhóm 1: Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi.

– Nhóm 2: Người từ đủ16 tuổi đến dưới 18 tuổi.

– Nhóm 3: Người tử đủ 18 tuổi đến dưới 23 tuổi.

Kết quả thống kê 174 bị cáo là HSSV cho thấy độ tuổi phạm tội của HSSV ở nhóm 3 cao nhất (42,5%) trong tổng số 174 em phạm tội. Nhóm 2 cao thứ hai (36,8%), còn lại là nhóm 1 (20,7%).

c. Cơ cấu theo thành phần dân tộc

Thống kê cho thấy thành phần dân tộc kinh có số lượng rất lớn trong tổng số bị cáo là HSSV phạm tội với 168/174 bị cáo ( 96,6%). Các dân tộc khác là 6/174 bị cáo (3,4%)

d. Cơ cấu theo trình độ học vấn

Nghiên cứu 174 bị cáo là HSSV phạm tội thì có 12 bị cáo đang học đại học (6,7%); 38 bị cáo đang học cao đẳng (21,9%); 64 bị cáo đang học trung cấp chuyên nghiệp (36,9%). 54 bị cáo đang học cấp III (31%) và 6 bị cáo đang học cấp II (3,5%).

e. Cơ cấu theo nơi cư trú

Các bị cáo là HSSV thường trú tại Quảng Ngãi chiếm tỷ lệ khá cao với 84% so với bị cáo là HSSV từ các tỉnh khác đến là 16%.

g. Cơ cấu theo địa điểm phạm tội trong mối tương quan với nơi cư trú

HSSV là gây án trên địa bàn bị cáo cư ngụ là 64%. Phạm tội tại địa bàn khác với nơi bị cáo đang sinh sống là 36%.

h. Cơ cấu theo động cơ phạm tội

Hầu hết trong nhóm các tội chiếm đoạt tài sản thì nhằm mục đích lấy tiền tiêu xài, ăn chơi, đua đòi; cá độ bóng đá; Tội cố ý gây thương tích chủ yếu xuất phát từ mâu thuẫn cá nhân, muốn thể hiện tính cách “vượt trội” trong nhóm bạn bè. Duy nhất có 1 vụ giết người thì động cơ của bị cáo do thù gét cá nhân, ganh tỵ trong học tập.

1.1.2.8. Cơ cấu của THTP theo đặc điểm của nạn nhân

Nghiên cứu trong 176 nạn nhân thì có 124 người là nữ còn lại là nam giới. Trong đó nạn nhân là HSSV chiếm tỷ lệ 40%.

1.1.3. Diễn biến của tình hình tội phạm

1.1.3.1. So sánh định gốc

Lấy số định gốc là năm 2010, thì xu hướng của THTP có khuynh hướng gia tăng. Trong đó năm 2014 có sự gia tăng đột biến về số vụ và số bị cáo.

1.1.3.2. So sánh liên kế

Phương pháp này lấy năm sau so với năm trước liền kề để làm rõ tỷ lệ tăng, giảm hàng năm của THTP xét về mặt lượng.

Kết quả so sánh cho mỗi năm đều có sự gia tăng về số vụ án, như năm 2011 tăng hơn so với năm 2010 là 12,7% số vụ, năm 2014 tăng hơn so với năm 2013 là 8,1% số vụ. Số bị cáo cũng có sự gia tăng thất thường, như năm 2011 so với năm 2010 thì tăng 3,8%, năm 2014 so với năm 2013 tăng 8,9% số bị cáo.

Qua đó cho thấy động thái của THTP do HSSV thực hiện ở Quảng Ngãi từ năm 2010 – 2014 có những diễn biến phức tạp.

1.1.4. Tính chất của tình hình tội phạm

Kết quả nghiên cứu cho thấy học sinh phạm tội chiếm 57,5%, sinh viên phạm tội chiếm 42,5%. THTP do HSSV thực hiện có xu hướng tăng với tính chất, mức độ nguy hiểm. Trong số 13 huyện, 01 thành phố thì cấp độ nguy hiểm của THTP ở thành phố Quảng Ngãi đứng vị trí thứ nhất. Tội trộm cắp tài sản chiếm tỷ lệ cao nhất.

1.2. Phần “ẩn” của THTP do HSSV thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi từ năm 2010 đến năm 2014

Nghiên cứu số liệu khám phá án của Lực lượng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội (LLCSĐTTP về TTXH) Công an tỉnh Quảng Ngãi trong 7 tội phạm tương ứng với 7 tội mà HSSV bị xét xử từ 2010 – 2014 cho thấy tỷ lệ khám phá án thuộc nhóm tội HSSV thực hiện trung bình khoảng 72,21%. Như vậy có khoảng 27,79% số vụ án thuộc nhóm tội HSSV thực hiện không được khám phá, đưa ra xét xử nên không được thống kê. Mặt khác, căn cứ trên báo cáo tổng kết hàng năm của LLCSĐTTP về TTXH Công an tỉnh Quảng Ngãi thì tỷ lệ ẩn của các vụ phạm pháp hình sự nói chung vào khoảng 20% – 30%. Vì vậy cũng có thể đánh giá phần ẩn của tình hình các tội do HSSV thực hiện cũng dao động ở mức này.

Kết luận chương 1

Chương 2

NGUYÊN NHÂN VÀ ĐIỀU KIỆN CỦA TÌNH HÌNH TỘI PHẠM DO HỌC SINH, SINH VIÊN THỰC HIỆN TRÊN

ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI TỪ NĂM 2010 – 2014

2.1. Nhận thức chung về nguyên nhân và điều kiện của THTP do HSSV thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

2.1.1. Nguyên nhân, điều kiện chung

2.1.1.1. Nguyên nhân, điều kiện về địa lý – dân cư

Tỉnh Quảng Ngãi có diện tích 5.157 km2; có 13 huyện và 01 thành phố. Dân số hơn 1.352.000 người, mật độ dân số trung bình 241 người/km2, trong đó dân số thành thị chiếm 14,6%, nông thôn chiếm 75,4%. Mật độ dân cư sống đều nhau ở các địa bàn, chủ yếu tập trung ở khu vực trung tâm thành phố và các huyện đồng bằng.

2.1.1.2. Nguyên nhân, điều kiện về kinh tế, xã hội

Tốc độ phát triển không đồng đều ở các vùng, miền trong tỉnh nên xảy ra hiện tượng bất bình đẳng trong phân phối thu nhập. Theo số liệu tổng điều tra thời điểm 01/01/2011 thì tổng số hộ nghèo trên địa bàn tỉnh theo chuẩn nghèo giai đoạn 2011 – 2015 có 75.034 hộ, chiếm tỷ lệ 23,92% so với tổng số hộ dân cư trên địa bàn; địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao chủ yếu thuộc các huyện miền núi.

2.2. Hệ thống các yếu tố làm phát sinh THTP do HSSV thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

2.2.1. Các hiện tượng tiêu cực thuộc môi trường sống

2.2.1.1. Các hiện tượng tiêu cực thuộc môi trường gia đình

Nghiên cứu trong số 174 bị cáo là HSSV có 72 em phạm tội ở trong hoàn cảnh gia đình không hoàn thiện như bố mẹ ly hôn hoặc chết; bố, mẹ là người vi phạm pháp luật hoặc bạo lực gia đình.

2.2.1.2. Các hiện tượng tiêu cực thuộc môi trường nhà trường

Việc quản lý HSSV còn nhiều thiếu sót. Vấn đề kỷ luật học đường hiện nay chưa nghiêm. Sự phối hợp trao đổi thông tin, liên lạc giữa gia đình và nhà trường thiếu chặc chẽ nên nhiều HSSV tự ý bỏ học, chơi bời lêu long dẫn đến phạm tội.

2.2.1.3. Các hiện tượng tiêu cực thuộc môi trường xã hội, văn hóa, tư tưởng

Sự xâm nhập của các loại sách báo, phim ảnh xấu, những trò chơi bạo lực, các trang wed đen trên internet… đã tác động đến nhận thức của HSSV. Ảnh hưởng tiêu cực của sự phân hóa giàu nghèo cũng là nguyên nhân dẫn đến các hành vi phạm tội.

2.2.1.4. Các hiện tượng tiêu cực thuộc về sự thiếu sót trong quản lý nhà nước

* Thiếu sót trong quản lý văn hóa – xã hội

Thiếu sót trong quản lý dịch vụ, nhà trọ, nhà nghỉ, dịch vụ cầm đồ, khí thô sơ, hung khí nguy hiểm.

* Thiếu sót của hệ thống pháp luật và thực thi pháp luật

Các quy định về xử phạt hành chính, hình sự đối với người chưa thành niên còn nhẹ, chưa mang tính răn đe.

Sự phối hợp hoạt động của lực lượng công an xã, phường, thị trấn (cấp xã) với nhà trường và các cơ quan gia đình thiếu chặc chẽ.

Công tác tuyên truyền vẫn còn mang nặng tính hình thức.

2.2.2. Các hiện tượng tiêu cực thuộc chủ thể thực hiện hành vi phạm tội

2.2.2.1. Những hiện tượng thuộc ý thức của HSSV

a. Thiếu hiểu biết về pháp luật:

Thống kê 120 bản án cho thấy tỷ lệ HSSV phạm tội có trình độ trung cấp chuyên nghiệp trở xuống chiếm đến 71,4%. Trình độ thấp phản ảnh thực tế kiến thức pháp luật kém nên dễ mắc sai lầm khi hành động.

b. Coi thường các nghĩa vụ

Thái độ coi thường các nghĩa vụ đối với xã hội và pháp luật là nguyên nhân dẫn đến các hành vi phạm tội trong giới HSSV.

2.2.2.2. Những sai lệch trong lối sống của HSSV

Nghiên cứu cho thấy các đối tượng phạm tội có những sai lệch nên biến nhu cầu, sở thích thói quen thành động lực phạm tội.

2.2.2.3. Những sai lệch trong quá trình kế hoạch hóa và hiện thực hóa hành vi

Các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội chủ yếu do lỗi cố ý. Lợi dụng sơ hở trong quản lý tài sản, lợi dụng lòng tin trong mối quan hệ, lợi dụng sự yếu thế của nạn nhân để thực hiện hành vi phạm tội.

2.2.3. Các hiện tượng tiêu cực thuộc về tình huống phạm tội

2.2.3.1. Tình huống do nạn nhân tạo ra

Là tổng hợp các yếu tố thuộc về nạn nhân có vai trò trong cơ chế tâm lý xã hội của hành vi phạm tội góp phần làm phát sinh tội phạm cụ thể gây thiệt hại cho chính nạn nhân.

2.2.3.2. Tình huống do người phạm tội tạo ra

Để thực hiện hành vi phạm tội các bị cáo đã tạo ra nhiều tình huống khác nhau; đó có thể là những quan hệ trong giao tiếp hàng ngày giữa các bên để tạo ra tình huống thực hiện hành vi.

Kết luận Chương 2

Các tội phạm do học sinh và sinh viên thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi: Tình hình, nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa
Các tội phạm do học sinh và sinh viên thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi: Tình hình, nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa

Chương 3

DỰ BÁO TÌNH HÌNH TỘI PHẠM VÀ CÁC GIẢI PHÁP PHÒNG NGỪA TỘI PHẠM DO HỌC SINH, SINH VIÊN THỰC HIỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NGÃI

3.1. Dự báo THTP do HSSV thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian tới

3.1.1. Cơ sở dự báo

Ảnh hưởng của toàn cầu hoá và hội nhập kinh tế quốc tế.

Nhu cầu con người tăng cao, các dịch vụ ăn theo sẽ mọc lên.

Các KCN, Khu kinh tế tiếp tục thu hút nhiều nhà đầu tư, lực lượng lao động; các trường sẽ thu hút nhiều học sinh đến học tập.

3.1.2. Nội dung dự báo

a. Dự báo về diễn biến của THTP do HSSV thực hiện

Tội phạm do HSSV thực hiện vẫn tồn tại và có những diễn biến phức tạp theo xu hướng tăng trong thời gian tới.

b. Dự báo về đặc điểm nhân thân người phạm tội

– Nam gới phạm tội vẫn chiếm tỷ lệ cao, vì xuất phát từ thực tế sự chênh lệch về giới tính hiện nay.

– Độ tuổi của HSSV phạm tội ở lứa tuổi từ 16 đến 20 sẽ tăng, tội phạm có hiện tượng “trẻ hóa”.

– Tỷ lệ người phạm tội thường trú ở tỉnh khác sẽ tăng lên.

c. Dự báo về phương thức, thủ đoạn phạm tội

– Phương thức, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt khác nhau.

– Phương thức gây án bột phát sẽ vẫn tiếp tục tồn tại.

– Thủ đoạn phạm tội chủ yếu vẫn là dựa trên những sơ hở của nạn nhân, sự mất cảnh giác của nạn nhân.

d. Dự báo về cơ cấu của các loại tội cụ thể và địa bàn phạm tội

– Tội phạm về xâm phạm sở hữu; xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người; giao thông đường bộ; ma túy tiếp tục xảy ra.

– Địa bàn phạm tội chủ yếu tập trung ở thành phố Quảng Ngãi và khu vực đông dân cư, gần khu công nghiệp, trường học.

e. Dự báo về khả năng phòng chống tội phạm của các lực lượng chức năng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Quảng Ngãi tiếp tục chỉ đạo và kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các văn bản của trung ương, địa phương về phòng, chống tội phạm.

Lực lượng CSĐTTP về TTXH đóng vai trò chủ công, nòng cốt trong công tác phòng ngừa tội phạm.

3.2. Các giải pháp phòng ngừa tội phạm do HSSV thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi

3.2.1. Các giải pháp ngăn chặn tội phạm

Là những biện pháp tác động trực tiếp đến những hoàn cảnh có khả năng phát sinh tội phạm, tác động vào những đối tượng có khả năng phạm tội, các đối tượng đã phạm tội để quản lý họ, tránh cho họ tiếp tục thực hiện hành vi tiêu cực và phạm tội.

3.2.1.1. Các giải pháp ngăn chặn không cho tội phạm xảy ra

a. Nhóm biện pháp loại trừ ý định phạm tội nói chung

Tập trung công tác tuyên truyền về chính sách, pháp luật.

Mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp các loại tội phạm.

Nhà trường, gia đình có sự phối hợp trong quản lý HSSV.

b. Nhóm biện pháp quản lý đối với HSSV có nguy cơ phạm tội

Tăng cường công tác quản lý đối với HSSV; thường xuyên kiểm tra hành chính các quán Càfe, internet, các nhà trọ sinh viên.

Theo dõi, giám sát chặc chẽ, có hiệu quả đối với đối tượng có tiền án, tiền sự, HSSV cá biệt.

c. Nhóm biện pháp tác động vào những người có nguy cơ trở thành nạn nhân của tội phạm do HSSV thực hiện

Nhà trường, các tổ chức hội, đoàn thể cần quan tâm phổ biến, tuyên truyền các kỹ năng sống, kỹ năng mềm giúp các em xử lý hài hòa, hợp lý khi gặp tình huống va chạm, xích mích trong các quan hệ xã hội. Nhắc nhở mọi người cần cảnh giác quản lý tài sản…

3.2.1.2. Các giải pháp ngăn chặn không cho tội phạm thực hiện được đến cùng

a. Những biện pháp chặn đứng hành vi phạm tội đang diễn ra, không để cho gây thêm thiệt hại

Bố trí lực lượng Công an, dân quân tự vệ, tổ tự quản… có trang bị đầy đủ công cụ hỗ trợ thường xuyên tuần tra, kiểm soát tại khu vực công cộng, khu vực phức tạp về an ninh trật tự, nơi tập trung HSSV.

Các trường phải thành lập lực lượng thanh niên xung kích, đội quản lý HSSV để quản lý HSSV.

b. Những biện pháp chặn đứng quá trình lặp lại của hành vi phạm tội, không để cho tội phạm được thực hiện nhiều lần

Áp dụng đối với HSSV vi phạm pháp luật nhiều lần mà chưa bị phát hiện, chưa bị xử lý. Đây là những biện pháp đấu tranh với tội phạm ẩn khách quan.

3.2.1.3. Các giải pháp không cho tái phạm

Chú trọng đến hình thức và nội dung cải tạo phạm nhân; làm tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng; công tác quản lý nghiệp vụ đối với người sau khi chấp hành xong hình phạt tù.

3.2.2. Các giải pháp loại trừ tội phạm

3.2.2.1. Giải pháp về chính trị – tư tưởng

Tiếp tục đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học về tội phạm học.

Các ngành, các cấp phải xác định công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm là nhiệm vụ chính trị thường xuyên có tính bắt buộc của cơ quan, đơn vị mình.

Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân.

Đẩy mạnh công tác giáo dục truyền thống cách mạng của Đảng, của dân tộc cho HSSV.

Tiếp tục hưởng ứng thực hiện phong trào “học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.

3.2.2.2. Giải pháp về kinh tế

Nhà trường cần động viên, khuyến khích tinh thần học tập của HSSV bằng các hình thức khen thưởng phù hợp.

Lập trung tâm hỗ trợ HSSV là nơi giúp đỡ, chia sẻ, tư vấn cho các em trong mọi vấn đề như học tập, việc làm…

3.2.2.3. Giải pháp về xã hội

Uu đãi về đầu tư; rà soát, cắt giảm những thủ tục hành chính không cần thiết để thu hút các nhà đầu tư, giải quyết việc làm cho người lao động, nhất là sinh viên ra trường.

Thực hiện có hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo được triển khai trên địa bàn.

Tăng cường công tác đào tạo và định hướng nghề nghiệp.

3.2.2.4. Giải pháp về văn hóa – giáo dục

a. Trong lĩnh vực văn hóa

Tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến khích động viên HSSV xây dựng nhà trường thân thiện, học sinh tích cực, lối sống văn hoá mới, lành mạnh, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

b. Trong lĩnh vực giáo dục

* Biện pháp giáo dục từ phía gia đình

Các thành viên trong gia đình phải có ý thức trong việc xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Tuyệt đối nói không với bạo lực gia đình.

* Biện pháp từ phía nhà trường:

Tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình, giữa nhà trường và các cơ quan chức năng trong việc quản lý, giáo dục HSSV.

3.2.2.5. Giải pháp về tổ chức, quản lý an ninh trật tự

Đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước về các lĩnh vực văn hóa, thông tin và truyền thông.

Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh văn hóa phẩm, dịch vụ internet.

3.2.2.6. Các giải pháp về pháp luật

Sửa đổi, bổ sung Luật Phòng chống bạo lực gia đình cho phù hợp với thực tiễn và mang tính khả thi cao.

Hoàn thiện các quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nỗ, công cụ hỗ trợ. Quy định chặc chẽ việc sản xuất, mua bán, vận chuyển, sử dụng các dụng cụ sinh hoạt như dao nhọn, kéo, dao phát,… theo một điều kiện nhất định.

3.2.2.7. Giải pháp từ phía các cơ quan bảo vệ pháp luật

a. Đối với lực lượng Công an các cấp

Tăng cường công tác phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh tổ quốc.

Công khai rộng rãi số điện thoại và các kênh tiếp nhận thông tin tội phạm 24/24 giờ.

Có hình thức khen thưởng kịp thời cho người tố giác tội phạm.

Tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng đối với công tác điều tra. Làm tốt công tác giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo.

b. Đối với Viện Kiểm sát nhân dân các cấp

Kiện toàn đội ngũ Kiểm sát viên chuyên trách thực hiện công tác kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm.

Đầu tư trang bị đầy đủ các phương tiện nghiệp vụ hiện đại đáp ứng được yêu cầu trong công tác phòng, chống tội phạm.

Kiểm sát tốt các hoạt động tố tụng.

Tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng đối với công tác kiểm sát. Làm tốt công tác giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo.

c. Đối với Toà án nhân dân các cấp

Đẩy mạnh giải quyết án hình sự, nâng cao chất lượng xét xử theo tinh thần cải cách tư pháp. Các vụ án xã hội quan tâm, phải xét xử kịp thời và tổ chức phiên tòa lưu động tại nơi xảy ra vụ án.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác xét xử. Thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật trong hoạt động xét xử.

KẾT LUẬN

Trong thời gian qua, THTP nói chung, tội phạm do HSSV thực hiện nói riêng trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đang có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, nhất là các tội xâm phạm sở hữu và xâm phạm tính mạng, sức khỏe con người. Mặc dù các cấp ủy Đảng, chính quyền và các ngành chức năng ở Quảng Ngãi đã tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống các loại tội phạm, đẩy mạnh công tác tuyên truyền và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật hình sự nhưng THTP nói chung, tội phạm do HSSV nói riêng vẫn chưa thuyên giảm. Trước tình hình đó, vấn đề đặt ra là cần phải có một công trình nghiên cứu chuyên sâu về THTP do HSSV thực hiện, tìm ra những nguyên nhân làm phát sinh THTP để xây dựng một hệ thống các biện pháp phòng ngừa sát thực, hiệu quả. Với những yêu cầu cấp bách về lý luận và thực tiễn, tác giả đã thực hiện đề tài: “Các tội phạm do HSSV thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi: Tình hình, nguyên nhân và giải pháp phòng ngừa”. Qua nghiên cứu lý luận và thực tiễn, luận văn đã tập trung làm rõ những vấn đề sau:

Trên cơ sở các khái niệm cơ bản về THTP đã được các nhà tội phạm học nghiên cứu, tác giả đưa ra khái niệm THTP do HSSV thực hiện trên địa bàn tỉnh trong khoảng thời gian và không gian luận văn nghiên cứu nhằm xác định hướng tiếp cận các vấn đề lý luận về tội phạm học của đề tài. Tác giả sử dụng 4 thông số được sử dụng rộng rãi ở Việt Nam, gồm: Mức độ (hay thực trạng), Cơ cấu, Diễn biến và Tính chất của THTP để đi sâu phân tích THTP do HSSV thực hiện thông qua việc tiếp cận nghiên cứu các thông số phản ánh về lượng và chất của hiện tượng này. Trình bày kết quả nghiên cứu về THTP do HSSV thực hiện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi. Từ đó rút ra những nguyên nhân, điều kiện của THTP do HSSV thực hiện; đưa ra những dự báo trong thời gian tới, tạo cơ sở cho việc đề xuất, kiến nghị và xây dựng hệ thống các giải pháp phòng ngừa các loại tội phạm do HSSV thực hiện trong tình hình hiện nay và cả những năm tới. Vì vậy, những biện pháp phòng, chống tội phạm được nêu trong đề tài là cơ sở khoa học và thực tiễn giúp các cấp uỷ Đảng, Chính quyền các cấp và các cơ quan bảo vệ pháp luật, các trường học trên địa bàn tỉnh nghiên cứu, tham khảo và áp dụng vào trong thực tiễn hoạt động phòng, chống tội phạm trên địa bàn trong thời gian đến./.

LIỆN HỆ:

SĐT+ZALO: 0935568275

E:\DỮ LIỆU COP CỦA CHỊ YẾN\LUAN VAN VIEN HAN LAM\LUAT HINH SU DOT 2\CUA NGUYEN\LUAN VAN BUI PHU VU\Luan van noi dung\m\Luan van tom tat

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *