Thực hiện chính sách an sinh xã hội từ thực tiễn TP Đà Nẵng

Thực hiện chính sách an sinh xã hội từ thực tiễn TP Đà Nẵng

Thực hiện chính sách an sinh xã hội từ thực tiễn thành phố Đà Nẵng

1. Tính cấp thiết của đề tài

An sinh xã hội là một trong những hệ thống chương trình, chính sách quan trọng để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội của một quốc gia. An sinh xã hội được xác định là một bộ phận quan trọng của chính sách xã hội, nằm trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của đất nước [14]. Nghị quyết Đại hội lần thứ XII của Đảng cũng chỉ rõ: Quản lý tốt sự phát triển xã hội; bảo đảm ASXH, nâng cao phúc lợi xã hội; thực hiện tốt chính sách đối với người có công; nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, chất lượng cuộc sống của nhân dân; thực hiện tốt chính sách lao động, việc làm, thu nhập [13].

Nhờ thực hiện tốt các chính sách ASXH, thời gian qua các lĩnh vực xã hội đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhất là trong công tác giảm nghèo, tạo việc làm, ưu đãi người có công, giáo dục và đào tạo, y tế, trợ giúp người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn; đời sống vật chất và tinh thần của người nghèo, người có công được cải thiện, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân và sự ổn định chính trị – xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, lĩnh vực ASXH vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như: Quá trình phát triển kinh tế đã dẫn đến việc mở rộng và phát triển các khu công nghiệp, dịch vụ, thu hút số lượng lớn người lao động từ các địa phương khác đến cư trú và làm việc, trong đó không ít những lao động tự do, không có nơi ở ổn định. Mặt khác, dưới tác động của quá trình đô thị hóa, các đối tượng dân cư bị thu hồi đất, phải chuyển đổi nghề nghiệp, phải tái định cư do quá trình mở rộng và chỉnh trang đô thị rất lớn, gây áp lực cho việc giải quyết việc làm, ổn định cuộc sống, bố trí nhà ở, gây khó khăn cho công tác ASXH. Bên cạnh đó, hệ thống các trường đại học, cao đẳng, trung cấp đã góp phần làm tăng số lượng học sinh, sinh viên đến học tập và ở lại làm việc đã gây áp lực không nhỏ về vấn đề chỗ ở, khám chữa bệnh, chăm sóc y tế và các vấn đề xã hội khác [27].

Chủ trương phát triển kinh tế với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội là chủ trương đúng đắn nhằm xây dựng Đà Nẵng trở thành “một thành phố có môi trường đô thị văn minh và giàu tính nhân văn, có đời sống văn hóa cao; một trong những thành phố hài hòa, thân thiện, an bình; một thành phố hấp dẫn và đáng sống [27]. Chính vì thế việc khảo sát một cách khách quan việc thực hiện chính sách ASXH, từ đó đưa ra những giải pháp nhằm thực thi chính sách ASXH một cách hiệu quả hơn là việc làm vô cùng cần thiết.

Vì vậy tác giải chọn đề tài “Thực hiện chính sách an sinh xã hội từ thực tiễn thành phố Đà Nẵng”để làm luận văn cao học với mong muốn thông qua thực tiễn việc đánh giá những thành tựu, cũng như những tồn tại hạn chế trong quá trình tổ chức thực hiện, nhằm giúp cho cấp có thẩm quyền nhìn nhận bổ sung, hoàn thiện nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách ASXH tại thành phố Đà Nẵng.

2. Tình hình nghiên cứu đề tài

3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

3.1. Mục đích nghiên cứu

Tập trung làm sáng tỏ những vấn đề lý luận về thực thi chính sách ASXH; phân tích thực trạng và đề xuất một số giải pháp chủ yếu nhằm góp phần nâng cao chất lượng việc thực thi chính sách ASXH ở thành phố Đà Nẵng trong thời gian tới.

3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

Thứ nhất là làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về ASXH và tổ chức thực hiện chính sách ASXH.

Thứ hai là đánh giá thực trạng thực hiện chính sách ASXH; nêu rõ những thành tựu và hạn chế, bất cập trong việc tổ chức thực hiện chính sách ASXH ở thành phố Đà Nẵng.

Thứ ba đề xuất các giải pháp để tổ chức thực hiện hiệu quả chính sách ASXH trên địa bàn thành phố trong thời gian tới.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

4.1. Đối tượng nghiên cứu

Đề tài chỉ giới hạn phạm vi nghiên cứu về công đoạn tổ chức thực thi chính sách trong chu trình chính sách công. Vấn đề ASXH có nội hàm rất rộng, bao trùm nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, nên tác giả chỉ nghiên cứu về thực thi chính sách xã hội ở các nội dung: chính sách BHXH, BHYT; chính sách xóa đói, giảm nghèo; chính sách ưu đãi đối với người có công, thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ.

4.2. Phạm vi nghiên cứu

Về không gian: Thành phố Đà Nẵng

Về thời gian: Nghiên cứu thực hiện chính sách ASXH từ năm 2010 đến nay, đề xuất giải pháp đến năm 2020.

5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu

5.1. Phương pháp luận

Luận văn vận dụng cách tiếp cận đa ngành, liên ngành xã hội học và phương pháp nghiên cứu chính sách công. Cách tiếp cận quy phạm chính sách công về chu trình chính sách từ hoạch định đến xây dựng, thực hiện và đánh giá chính sách công có sự tham gia của các chủ thể chính sách. Lý thuyết chính sách công được soi sáng qua thực tiễn của chính sách công giúp hình thành lý luận về chính sách chuyên ngành.

5.2. Phương pháp nghiên cứu

Luận văn sử dung 02 phương pháp:

Thứ nhất: Phương pháp phân tích tài liệu có sẵn là những tài liệu thu thập được từ các Văn kiện, báo cáo tổng kết, các nghiên cứu đã có, các tài liệu khác liên quan đến đề tài, thông qua việc phân tích – tổng hợp, thống kê – so sánh.

Thứ hai: Phương pháp quan sát có tham gia, mô tả lại hiện tượng dựa trên sự quan sát của tác giả trong quá trình tham gia thực hiện chính sách tại cơ sở.

6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn

6.1. Ý nghĩa lý luận

Góp phần làm sáng tỏ cơ sở khoa học chính sách công; vai trò của việc thực hiện chính sách ASXH đối với sự phát triển chung của thành phố Đà Nẵng hiện nay.

6.2. Ý nghĩa thực tiễn

Trên cơ sở đánh giá, phân tích thực trạng tình hình thực hiện chính sách ASXH; nhằm tiếp tục duy trì, phát huy những ưu điểm, cách làm mới, hay mang lại hiệu quả thiết thực; đồng thời khắc phục những tồn tại, hạn chế, đề ra các giải pháp để tổ chức thực hiện tốt hơn chính sách ASXH trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong thời gian đến.

Luận văn có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo cho những cá nhân, tổ chức quan tâm đến vấn đề này.

7. Cơ cấu của luận văn

Ngoài phần mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, luận văn được cơ cấu gồm ba chương:

Chương 1. Những vấn đề lý luận về thực hiện chính sách an sinh xã hội.

Chương 2. Thực hiện chính sách an sinh xã hội từ thực tiễn thành phố Đà Nẵng.

Chương 3. Giải pháp hoàn thiện, nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách an sinh xã hội tại thành phố Đà Nẵng.

CHƯƠNG 1

NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ CHÍNH SÁCH AN SINH XÃ HỘI VÀ THỰC THI CHÍNH SÁCH AN SINH XÃ HỘI

1.1. Những vấn đề lý luận cơ bản về ASXH, chính sách ASXH

  1. 1.1.1. Khái niệm về chính sách công

Từ khi ra đời, chính sách công được hiểu với nhiều góc độ khác nhau, tùy thuộc vào quan điểm và mục đích nghiên cứu của các học giả khác nhau, song chúng đều hàm chứa những nét đặc thù thể hiện bản chất của chính sách công. Cho đến nay trên thế giới, định nghĩa về chính sách công vẫn đang tiếp tục được phân tích và định nghĩa. Trong đề tại này, có thể định nghĩa Chính sách công là một tập hợp các quyết định chính trị có liên quan của Nhà nước nhằm lựa chọn mục tiêu và giải pháp, công cụ chính sách nhằm giải quyết các vấn đề xã hội theo mục tiêu tổng thể đã được xác định.

  1. 1.1.2. ASXH – khái niệm, cấu trúc và nội dung
  2. 1.1.2.1. Khái niệm ASXH

ASXH là mạng lưới các hệ thống chính sách, chương trình cụ thể từ nhà nước hoặc các tổ chức xã hội nhằm trợ giúp, hỗ trợ, bảo vệ cá nhân và toàn xã hội, đặc biệt là các cá nhân gặp phải rủi ro hay khó khăn trong cuộc sống, bảo đảm mức sống tối thiểu và góp phần nâng cao đời sống của họ, từ đó, thúc đẩy sự phát triển và tiến bộ xã hội.

  1. 1.1.2.2. Cấu trúc ASXH

Có nhiều cách tiếp cận để phân tích hệ thống cấu trúc của ASXH, tùy thuộc vào mục đích, phương pháp tiến cận nghiên cứu để đưa ra được những cấu trúc khác nhau.

Ở nước ta, hệ thống ASXH được xác định gồm 4 trụ cột cơ bản: Thứ nhất, chính sách đảm bảo việc làm, tạo thu nhập và giảm nghèo. Trụ cột ASXH này nhằm hỗ trợ người dân chủ động phòng ngừa các rủi ro trên thị trường lao động thông qua các chính sách đào tạo kỹ năng, nghề nghiệp, tín dụng, tạo việc làm, thu nhập tối thiểu và giảm nghèo đơn chiều, đa chiều, bền vững. Thứ hai, chính sách bảo hiểm xã hội. Trụ cột ASXH này nhằm hỗ trợ người dân giảm thiểu rủi ro về sức khỏe khi ốm đau, bệnh tật, tai nạn, tuổi già và khi bị thất nghiệp thông qua các hình thức, cơ chế bảo hiểm để bù đắp một phần thu nhập bị mất hoặc suy giảm. Thứ ba, chính sách trợ giúp xã hội. Trụ cột ASXH này nhằm hỗ trợ đột xuất và hỗ trợ thường xuyên cho người dân khắc phục các rủi ro khó lường, vượt qua khả năng kiểm soát như mất mùa, đói nghèo. Thứ tư, chính sách dịch vụ xã hội cơ bản. Trụ cột này nhằm hỗ trợ người dân tiếp cận hệ thống các dich vụ xã hội cơ bản ở mức tối thiểu bao gồm y tế, giáo dục, nhà ở, nước sạch, thông tin truyền thông, trợ giúp pháp lý [19]. Xét về cơ bản, bốn trụ cột này nhằm thực hiện ba chức năng của hệ thống ASXH là phòng ngừa rủi ro, giảm thiểu rủi ro và khắc phục rủi ro. So với mô hình phổ biến trên thế giới, hệ thống ASXH ở nước ta có một cấu phần đặc thù, đó là chính sách ưu đãi xã hội. Chính sách này nhằm thực hiện mục tiêu cao cả là đền ơn đáp nghĩa đối với những công lao, cống hiến to lớn, đặc biệt là sự hy sinh của những người có công với cách mạng, với đất nước; thực hiện trách nhiệm của nhà nước, của xã hội, chăm lo, đảm bảo cho người có công có cuộc sống ổn định và ngày càng được cải thiện.

1.1.2.3. Nội dung của hệ thống ASXH

Hệ thống ASXH giữa các quốc gia trên thế giới không hoàn toàn đồng nhất với nhau. Tại Việt Nam, hệ thống ASXH thông dụng gồm các nội dung cơ bản sau:

– Ưu đãi xã hội

– Bảo trợ xã hội

– Xóa đói giảm nghèo

– Bảo hiểm xã hội

– Bảo hiểm y tế

1.2. Chính sách ASXH và vai trò của hệ thống chính sách ASXH

1.2.1. Chính sách ASXH

1.2. 2. Vai trò của hệ thống chính sách ASXH

Hệ thống chính sách ASXH là một trong những cấu phần quan trọng trong chương trình xã hội của một quốc gia và là công cụ quản lý nhà nước thông qua hệ thống pháp luật, chính sách và chương trình ASXH. Mục đích của nó là giữ gìn sự ổn định về kinh tế – xã hội – chính trị của đất nước; đặc biệt là làm giảm bất bình đẳng trong xã hội, giảm phân hóa giàu nghèo. ASXH còn là một trong những trụ cột cơ bản trong hệ thống chính sách xã hội, hướng đến đảm bảo mức sống tối thiểu của người dân, bảo vệ các giá trị cơ bản, vừa là thước đo sự phát triển của một quốc gia trong quá trình hội nhập.

1.3. Thực hiện chính sách ASXH

1.3.1. Tổ chức thực hiện chính sách ASXH trong chu trình chính sách công

  1. 1.3.1.1. Chu trình chính sách công

Chu trình chính sách được hiểu là quá trình luân chuyển các giai đoạn từ khởi sự chính sách đến khi xác định được hiệu quả của chính sách trong đời sống xã hội [14]. Các giai đoạn của chu trình chính sách có liên hệ chặt chẽ với nhau theo nguyên tắc: giai đoạn trước là nền tảng cho giai đoạn tiếp theo và kết quả của giai đoạn trước là thông tin cần và đủ cho giai đoạn tiếp theo. Mục tiêu của chu trình chính sách công là đơn giản hóa quá trình chính sách công. Ở nước ta, chu trình chính sách gồm 03 giai đoạn[18]: Hoạch định chính sách, thực thi chính sách và đánh giá chính sách.

1.3.1.2. Thực hiện chính sách và thực thi chính sách ASXH

Thực hiện chính sách là toàn bộ quá trình hoạt động của các chủ thể theo các cách thức khác nhau nhằm hiện thực hóa nội dung chính sách một các hiệu quả [18]. Thực thi chính sách là một khâu hợp thành chu trình chính sách, nếu vắng công đoạn này thì chu trình chính sách sẽ không thể tồn tại.

Việc thực hiện chính sách bao gồm 05 bước cơ bản sau đây[18]:

      1. Bước 1: Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chính sách.
      2. Bước 2: Phổ biến, tuyên truyền chính sách
      3. Bước 3: Phân công, phối hợp thực hiện chính sách
      4. Bước 4: Đôn đốc thực hiện chính sách.
      5. Bước 5: Đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm
  1. 1.3.1.3. Chủ thể, đối tượng, tham gia vào quá trình thực thi chính sách ASXH
  2. Nhà nước là chủ thể ban hành cũng là chủ thể đóng vai trò chủ đạo trong việc tổ chức thực thi chính sách ASXH. Nhà nước ở đây được hiểu là cơ quan có thầm quyền trong bộ máy Nhà nước, bao gồm Quốc hội, Chính phủ, các Bộ (chính sách quốc gia), chính quyền địa phương các cấp (chính sách địa phương). Ngoài ra các tổ chức như Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội, các tổ chức xã hội và cộng đồng cũng đóng vai trò quan trọng trong trong việc góp phần thực hiện chính sách ASXH.

Có hai loại đối tượng tham gia vào chính sách ASXH. Thứ nhất là các đối tượng tham gia và các chính sách ASXH theo nguyên tắc đóng – hưởng. Đối tượng này là người lao động gặp rủi ro và khó khăn dẫn đến nguy cơ bị mất hoặc suy giảm thu nhập nghiêm trọng do những nguyên nhân ốm đau, thai sản, mất sức lao động, tuổi già. Những người lao động này phải đóng góp một khoản tiền cho quỹ bảo hiểm trong suốt thời gian làm việc với một tỷ lệ nhất định. Việc tham gai bảo hiểm xã hội giúp họ duy trì mức sống trong các trường hợp gặp những vấn đề nêu trên. Thứ hai là những đối tượng tham gia vào chính sách ASXH theo nguyên tắc trợ giúp gồm trẻ em, người già neo đơn, người tàn tật, người nghèo, những người bị thiệt hại do những biến đổi đột xuất của tự nhiên và xã hội.

1.3.1.4. Các yếu tố ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách ASXH

Quá trình tổ chức thực thi chính sách ASXH diễn ra trong thời gian dài và có liên quan đến nhiều tổ chức, cá nhân, vì thế việc tổ chức thực thi chính sách ASXH cũng phụ thuộc vào nhiều yếu tố, có thể kể đến như sau: Thể chế chính sách về ASXH, thể chế tổ chức bộ máy và cán bộ, nhận thức của xã hội và người dân, môi trường thực thi chính sách ASXH

    1. 1.3.2. Những yêu cầu cơ bản đối với việc tổ chức thực hiện chính sách an sinh xã hội
      1. 1.3.2.1. Yêu cầu thực hiện đúng mục tiêu chính sách an sinh xã hội
      2. 1.3.2.2. Yêu cầu bảo đảm tính hệ thống trong thực hiện chính sách an sinh xã hội
      3. 1.3.2.3. Yêu cầu bảo đảm tính pháp lý, khoa học, hợp lý trong thực hiện chính sách an sinh xã hội
      4. 1.3.2.4. Yêu cầu bảo đảm lợi ích thực sự cho các đối tượng thụ hưởng chính sách an sinh xã hội
  1. CHƯƠNG 2
  2. THỰC TRẠNG THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH AN SINH XÃ HỘI TỪ THỰC TIỄN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
  3. TRONG THỜI GIAN QUA
  4. Trong Chương 2, tác giả tập trung khái quát các điều kiện tự nhiên, kinh tế và xã hội tác động đến việc thực hiện chính sách ASXH của thành phố Đà Nẵng; tình hình thực hiện chính sách ASXH từ thực tiễn thành phố Đà Nẵng từ năm 2010 đến nay, những kết quả đạt được trên các lĩnh vực xóa đói, giảm nghèo; thực hiện BHXH, BHYT, chính sách ưu đãi đối với người có công; những hạn chế còn tồn tại trong quá trình thực hiện chính sách.
  5. 2.1. Khái quát về điều kiện tự nhiên, kinh tế và xã hội tác động đến việc thực hiện chính sách ASXH của thành phố Đà Nẵng
  6. 2.1.1. Điều kiện tự nhiên
  7. 2.1.2. Điều kiện kinh tế
  8. 2.1.3. Điều kiện xã hội
  9. 2.2. Tình hình thực hiện chính sách ASXH tại thành phố Đà Nẵng từ 2010 đến nay
  10. 2.2.1. Công tác tổ chức thực hiện chính sách ASXH từ 2010 đến nay

Từ các chủ trương, chính sách của Đảng, Đảng bộ, chính quyền thành phố Đà Nẵng đã xây dựng các kế hoạch, đề án triển khai thực hiện chính sách ASXH một cách đồng bộ, hiệu quả. Việc triển khai thực hiện đảm bảo đúng 05 bước trong tổ chức thực thi chính sách: Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chính sách; phổ biến, tuyên truyền chính sách; phân công, phối hợp thực hiện chính sách; đôn đốc thực hiện chính sách; đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm.

2.2.2. Kết quả thực hiện chính sách ASXH tại thành phố Đà Nẵng từ 2010 đến nay

Trong phạm vi giới hạn đã nêu, luận văn chỉ tập trung đánh giá việc thực thi một số chính sách có tính đặc thù của Đà Nẵng trong hệ thống chính sách ASXH: chính sách BHXH, BHYT; chính sách xóa đói, giảm nghèo; chính sách ưu đãi đối với người có công, thương bệnh binh, gia đình liệt sỹ.

  1. 2.2.2.1. Thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ
  2. Thực hiện chính sách an sinh xã hội từ thực tiễn thành phố Đà Nẵng
    Thực hiện chính sách an sinh xã hội từ thực tiễn thành phố Đà Nẵng

* Chủ trương, chính sách ưu đãi đối với người có công, thương bệnh binh, gia đình liệt sĩ

Đối với thành phố Đà Nẵng ngoài việc triển khai tốt các chính sách của Trung ương trên địa bàn, thành phố ban hành một số chính sách bổ sung, mở rộng đối tượng, trợ cấp cho phù hợp với mức sống của nhân dân và khả năng của ngân sách thành phố thông qua các văn bản: Quyết định số 05/2015/QĐ-UBND ngày 25/02/2015 về việc ban hành quy định trợ cấp hằng tháng đối với người có công giúp đỡ cách mạng đang hưởng mức trợ cấp thấp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng; Kế hoạch số 11344/KH- UBND về triển khai hỗ trợ sửa chữa nhà ở cho gia đình người có công với cách mạng và hộ đồng bào dân tộc thiểu số có nhà ở xuống cấp năm 2015.

* Kết quả thực hiện chính sách đối với thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ (Gọi chung là người có công) ở thành phố Đà Nẵng

– Trợ cấp cho đối tượng là người có công với cách mạng: Trong 05 năm từ 2010-2014 có hơn 402.100 lượt đối tượng người có công ở thành phố được hưởng trợ cấp ưu đãi một lần và hiện tại đang hưởng trợ cấp thường xuyên 22.618 người. Năm 2010, tổng kinh phí ngân sách chi ưu đãi cho NCC là 227.802,4 triệu đồng; đến cuối năm 2015, kinh phí này tăng lên 409.970 triệu đồng. Bên cạnh đó, thành phố Đà Nẵng đã ban hành nhiều chính sách mới bổ sung cho những đối tượng đặc biệt, đối tượng khó khăn: Trợ cấp thường xuyên hằng tháng với mức 100.000 đồng/tháng đối với NCC giúp đỡ cách mạng đang hưởng trợ cấp hằng tháng, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh có tỷ lệ thương tật từ 21% đến 30% đang hưởng trợ cấp hằng tháng thuộc hộ cận nghèo (theo Quyết định số 01/2011/QĐ-UBND ngày 10/01/2011). Mỗi năm thành phố chi khoảng 209 triệu bổ sung mức phụng dưỡng cho Bà Mẹ VNAH (mức phụng dưỡng hiện nay nay là 1.000.000 đồng/mẹ /tháng – trong đó các cơ quan, doanh nghiệp đóng góp 500.000 đồng /mẹ /tháng; ngân sách thành phố cấp bù đủ 500.000 đồng/mẹ/tháng). Ngoài chế độ trợ cấp, tiền phụng dưỡng, các cơ quan, đơn vị, chính quyền và các đoàn thể còn tổ chức thăm hỏi, tặng quà, tặng các vật dụng gia đình, xây nhà tình nghĩa, hỗ trợ tiền sửa chữa nhà, tổ chức tham quan, nghỉ dưỡng . . . đã thực sự mang lại cho các Mẹ VNAH có cuộc sống ổn định về vật chất và tinh thần. Ngoài ra hằng năm, trong dịp Tết Nguyên đán, kỷ niệm ngày Thương binh – liệt sĩ 27/7; thành phố thường xuyên tặng quà, thăm hỏi đối tượng chính sách; sử dụng Quỹ Đền ơn đáp nghĩa trợ cấp khó khăn đột xuất cho hàng trăm đối tượng mỗi năm.

  1. 2.2.2.2. Thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo
    • Chủ trương, chính sách về xóa đói, giảm nghèo

Trên cơ sở các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương về lĩnh vực xóa đói, giảm nghèo; Thành ủy và Ủy ban nhân dân Thành phố Đà Nẵng đã có nhiều chủ trương, chính sách chỉ đạo và triển khai chương trình giảm nghèo phù hợp với thực tiễn địa phương: Quyết định số 09/2009/QĐ-UB ngày 25 tháng 2 năm 2009 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng về việc ban hành Đề án giảm nghèo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2009-2015; Quyết định số 10081/QĐ-UBND ngày 05 tháng 12 năm 2012 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng về việc Ban hành “Đề án giảm nghèo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2013-2017; Quyết định số 10632/QĐ-UBND ngày 21 tháng 12 năm 2012 của Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng phê duyệt Đề án “Hỗ trợ hộ đặc biệt nghèo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2013-2017”; Nghị quyết số 123/2015/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2015 của Hội đồng nhân dân thành phố về “Thông qua Đề án giảm nghèo trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016-2020”

* Thực trạng thực hiện chính sách giảm nghèo

– Chuẩn nghèo giai đoạn 2009 – 2015: nông thôn 400.000 đồng/người/tháng, thành thị 500.000 đồng/người/tháng. Với mức chuẩn này, đầu năm 2009 toàn thành phố có 32.796 hộ nghèo/170.268 hộ dân, chiếm tỷ lệ: 19,26%. Uỷ ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành Quyết định số 09/2009/QĐ-UBND ngày 25/2/2009 phê duyệt “Đề án Giảm nghèo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2009 – 2015” với mục tiêu đến cuối năm 2015 cơ bản không còn hộ nghèo. Qua 4 năm số hộ thoát nghèo trong giai đoạn là 34.189 hộ, số hộ nghèo còn lại vào cuối năm 2012 là 913 hộ; về trước 02 năm so với kế hoạch đề ra [23].

– Chuẩn nghèo giai đoạn (2013 – 2017) có thu nhập 800.000đ/người/tháng trở xuống đối với khu vực thành thị, 600.000đ/người/tháng trở xuống đối với khu vực nông thôn. Với chuẩn nghèo này đầu năm 2013 thành phố có 22.045 hộ nghèo/242.230 hộ dân, chiếm tỷ lệ 9,10% (trong đó có 2.000 hộ đặc biệt nghèo). Ủy ban nhân dân thành phố ban hànhQuyết định số 10081/QĐ-UBND ngày 05 tháng 12 năm về việc Ban hành “Đề án giảm nghèo trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2013-2017 với mục tiêu đến cuối năm 2017, thành phố không còn hộ nghèo. Nhờ thực hiện triệt để, đồng bộ các giải pháp, đến cuối năm 2015, Đà Nẵng xóa hết hộ nghèo theo chuẩn nghèo thành phố, hoàn thành mục tiêu trước 02 năm so với kế hoạch đề ra [23].

– Chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020: 1.300.000đ/người/tháng trở xuống đối với khu vực thành thị, 1.100.000đ/người/tháng trở xuống đối với khu vực nông thôn. Với chuẩn nghèo này, đầu năm 2016, toàn thành phố có 20.139 hộ nghèo, trong đó có 1960 hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, chiếm 0,97%. Hội đồng nhân dân thành phố đã ban hành Nghị quyết số 123/2015/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2015 về “Thông qua Đề án giảm nghèo trên địa bàn thành phố giai đoạn 2016-2020” đặt ra mục tiêu thực hiện đồng bộ các giải pháp hàng năm phấn đấu giảm từ 500 – 600 hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và giảm 20% trở lên số hộ nghèo còn sức lao động (tương ứng 4.030 hộ nghèo, 2.080 hộ cận nghèo); hạn chế hộ tái nghèo, hộ nghèo phát sinh mới dưới 1%; phấn đấu đến cuối năm 2019 thành phố xóa hết 1.960 hộ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và đến cuối năm 2020 hoàn thành các mục tiêu của Đề án đã đề ra.

  1. 2.2.2.3. Thực hiện chính sách BHXH, BHYT

* Chủ trương, chính sách về BHXH, BHYT

Xác định BHXH, BHYT là trụ cột chính của hệ thống ASXH; Thành ủy, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng ban hành Chương trình hành động số 26-CTr/TU ngày 28/5/2013 của Thành ủy Đà Nẵng thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị (Khóa XI) về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo hiểm xã hội BHXH, BHYT giai đoạn 2012-2020”; Kế hoạch số 8190/KH-UBND ngày 16/9/2013 của Ủy ban nhân dân thành phố về triển khai Chương trình hành động số 26-CTr/TU của Thành ủy Đà Nẵng thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị; Kế hoạch số 909/KH-BHXH ngày 09/8/2013 của Bảo hiểm xã hội thành phố về thực hiện Nghị quyết số 21-NQ/TW của Bộ Chính trị, chỉ đạo Bảo hiểm xã hội quận, huyện chủ động tham mưu Quận ủy, Huyện ủy, Ủy ban nhân dân quận, huyện ban hành kế hoạch triển khai thực hiện và phổ biến, quán triệt Nghị quyết số 21-NQ/TW đến toàn hệ thống chính trị cấp quận, huyện, xã, phường.

* Kết quả thực hiện chính sách BHXH, BHYT

Về công tác phát triển đối tượng BHXH, BHYT: Xác định đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu nhằm hướng đến mục tiêu BHXH cho mọi người lao động và BHYT toàn dân; những năm qua, BHXH thành phố luôn chú trọng đến công tác mở rộng đối tượng tham gia, nhất là khu vực ngoài quốc doanh. Trong hơn 5 năm thực hiện Luật BHYT số đối tượng tham gia BHYT phát triển khá nhanh. Đến cuối tháng 5/2016, thành phố Ðà Nẵng có 990.573 người/tổng dân số 1.029.000 người dân tham gia BHYT, đạt tỷ lệ 96,3% trong khi bình quân chung cả nước chỉ đạt 71,5% dân số tham gia BHYT.

Về công tác giải quyết chế độ chính sách BHXH, BHTN:

Từ năm 2010 đến nay BHXH thành phố đã tiếp nhận, thẩm định, xét duyệt hàng chục nghìn hồ sơ hưởng chế độ BHXH hàng tháng, hồ sơ hưởng chế độ BHXH một lần, hơn 1 triệu lượt người hưởng trợ cấp ốm đau, thai sản, nghỉ dưỡng sức phục hồi sức khỏe, đã chi trả các chế độ BHXH, BHYT cho đối tượng với tổng số tiền trên 15.000 tỷ đồng. Ngoài ra, BHXH thành phố còn chủ động phối hợp ngành Lao động – Thương binh và Xã hội, ngành Y tế, ngành Giáo dục và Đào tạo thành phố trong công tác tuyên truyền, thanh kiểm tra, đổi mới phương thức hoạt động, mà trọng tâm là nâng cao chất lượng dịch vụ lĩnh vực BHXH, BHYT, đáp ứng nhu cầu của các tổ chức và người dân.

  1. 2.3. Đánh giá tình hình thực hiện chính sách ASXH tại thành phố Đà Nẵng từ 2010 đến nay
  2. 2.3.1. Những kết quả đạt được

Trong những năm qua, Đà Nẵng đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước; xác định đúng nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; các chủ trương, chính sách đề ra phải có lợi cho dân, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân [27]. Bằng những việc làm cụ thể, thiết thực và hiệu quả trên lĩnh vực ASXH, Đà Nẵng đã tạo được sự đồng thuận trong xã hội và chính sự đồng thuận đó đã trở thành nguồn lực to lớn, ủng hộ, cổ vũ sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố, là bệ phóng để Đà Nẵng tăng tốc và cất cánh. Thành công nhất ở Đà Nẵng là: “Đảng nói dân tin, Mặt trận đoàn thể vận động dân theo, chính quyền làm dân ủng hộ” [27.tr.22].

  1. 2.3.2. Những hạn chế cần khắc phục

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện các chính sáchASXH tại thành phố Đà Nẵng vẫn một số hạn chế, bất cập cần khắc phục.

* Về lĩnh vực giảm nghèo

Một bộ phận hộ nghèo không muốn thoát nghèo, có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chính sách của nhà nước, sự hỗ trợ của xã hội.

Công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng các nguồn hỗ trợ (vốn và phương tiện sinh kế) chưa được chú trọng, chưa có đánh giá cụ thể việc hộ nghèo có sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả nguồn hỗ trợ như thế nào.

Việc điều tra, khảo sát xét vào diện nghèo đầu giai đoạn thường được các “điều tra viên” từ thành phố, quận thực hiện; thiếu thông tin ở cơ sở nên kết quả chưa chính xác dẫn đến tình trạng hộ nghèo thực sự thì không được vào diện nghèo, hộ khá hơn thì lại được.

* Về thực hiện chính sách đối với người có công thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ

Cuộc sống một bộ phận gia đình chính sách vẫn còn khó khăn, thậm chí bị phụ thuộc vào mức kinh phí ưu đãi hàng tháng; còn rất nhiều hộ có nhà xuống cấp vẫn chưa được xét hỗ trợ xây mới, sửa chữa; hoặc đã được xét hưởng mức hỗ trợ theo quy định (xây mới: 60 triệu đồng, sửa chữa: 20 triệu đồng) song gia đình lại không đủ kinh phí thêm vào để làm nên không thể nhận hỗ trợ.

* Về thực hiện chính sách BHXH, BHYT

Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác BHXH, BHYT tuy đã được quan tâm đẩy mạnh hơn trước nhưng chưa được sâu rộng, thường xuyên. Nhận thức của một bộ phận chủ sử dụng lao động, người lao động và nhân dân về BHXH, BHYT còn hạn chế.

Vẫn còn tình trạng chủ sử dụng lao động cố tình không tham gia BHXH, BHYT cho người lao động hoặc chỉ tham gia cầm chừng mang tính đối phó, một số khác cố tình chiếm dụng, không trích đóng, để nợ đọng BHXH, BHYT số tiền lớn, thời gian kéo dài, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động.

Chất lượng khám chữa bệnh ở một số cơ sở khám chữa bệnh BHYT còn chưa đáp ứng với sự hài lòng của người bệnh có thẻ BHYT, tình trạng quá tải vẫn xảy ra ở các cơ sở khám chữa bệnh BHYT.

  1. 2.3.3. Nguyên nhân của kết quả đạt được và hạn chế

2.3.3.1. Nguyên nhân của kết quả đạt được

Thứ nhất, Đảng bộ, chính quyền thành phố luôn đứng trên quan điểm phát triển bền vững: kết hợp giữa các mục tiêu kinh tế với các mục tiêu xã hội; thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước và từng chính sách phát triển kinh tế.

Thứ hai, Thành phố Ðà Nẵng được đánh giá là địa phương ban hành nhiều chính sách mang đậm tính nhân văn, nhiều giải pháp đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Chính vì những chính sách “Vì dân” như vậy nên nhiều năm qua, Đảng bộ, chính quyền thành phố nhận được rất nhiều sự đồng tình ủng hộ của đông đảo nhân dân, tạo nên sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân.

Thứ ba, trên cơ sở phương châm “tương trợ cộng đồng”, “xã hội hóa”, đã phát động nhiều phong trào, cuộc vận động, xây dựng các mô hình tiêu biểu thu hút sự tham gia và hưởng ứng nhiệt tình của các tầng lớp nhân dân.

  1. 2.3.3.2. Nguyên nhân của hạn chế

Thứ nhất, Còn rất nhiều trường hợp, đặc biệt là hộ nghèo còn trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước và xã hội.

Thứ hai, trong những năm qua do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến đời sống và kinh tế của người dân; đặc biệt là xu hướng người dân bị bệnh hiểm nghèo ngày càng tăng vì thế đối tượng thụ hưởng chính sách ASXH thường xuyên biến động, nhất là nhóm đối tượng yếu thế cần trợ giúp xã hội.

Thứ ba, công tác kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các chính sách chưa thực sự được quan tâm. Việc kiểm tra phải được thực hiện tập trung tại cơ sở, thực địa, tránh tình trạng tự kiểm tra, kiểm tra thông qua báo cáo. Chưa có biện pháp quản lý, giám sát việc sử dụng vốn và phương tiện sinh kế của hộ nghèo.

Thực hiện chính sách an sinh xã hội từ thực tiễn thành phố Đà Nẵng
Thực hiện chính sách an sinh xã hội từ thực tiễn thành phố Đà Nẵng

CHƯƠNG 3

CÁC NHÓM GIẢI PHÁP NÂNG CAO HIỆU QUẢ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH ASXH TẠI THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

  1. Trong Chương 3, tác giả dự báo những tác động có thể ảnh hưởng đến việc thực thi chính sách, đồng thời từ những hạn chế đã nêu ở Chương 2, tác giả đề xuất giải pháp chung và các nhóm giả pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả thực thi các chính sách xóa đói, giảm nghèo; chính sách BHXH, BHYT; chính sách ưu đãi đối với người có công tại thành phố Đà Nẵng.
  2. 3.1. Dự báo những tác động ảnh hưởng đến thực hiện chính sách ASXH tại thành phố Đà Nẵng trong thời gian tới.
  3. 3.1.1. Tác động từ biến động kinh tế
  4. 3.1.2. Tác động của thiên tai, dịch bệnh
  5. 3.1.3. Sự biến động về số lượng các đối tượng thụ hưởng chính sách ASXH
  6. 3.1.4. 3.1.4. Tác động của tốc độ đô thị hóa và áp lực của dân số, lao động, việc làm.
  7. 3.2. Các nhóm giải pháp chủ yếu nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách ASXH trong thời gian tới

3.2.1. Nhóm giải pháp chung

  1. Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong thực hiện chính sách ASXH: xây dựng kế hoạch thực hiện; phổ biến, tuyên truyền; phân công thực hiện; đôn đốc thực hiện và đánh giá, tổng kết rút kinh nghiệm.

Thứ nhất, việc đề ra mục tiêu tổng quát, mục tiêu cụ thể trong mỗi chương trình, đề án cân cân nhắc đến tính khả thi; tránh tình trạng đề ra những chỉ tiêu quá cao, ngoài khả năng thực hiện; như vậy sẽ dễ dẫn đến tình trạng chính sách không khả thi hoặc “đạt được mục tiêu trên văn bản”.

Thứ hai, công tác tuyên truyền không phải chỉ thực hiện một lần trước khi thực hiện mà cần phải thường xuyên, đan xem trong suốt quá trình thực hiện chính sách.

Thứ ba, cần cụ thể hóa hơn nữa trong phân công, tổ chức thực hiện chính sách; chú trọng đến công tác phối hợp thực hiện, hạn chế tình trạng chồng chéo nhiệm vụ và không phân công rõ trách nhiệm.

Thứ tư, thường xuyên thực hiện thanh tra, kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực thi chính sách ASXH .

Thứ năm, việc đánh giá, tổng kết, rút kinh nghiệm phải được tiến hành trong suốt thời gian thực hiện chính sách; quan tâm hơn đến công tác đánh giá từng phần kết quả thực thi chính sách nhằm kịp thời phát hiện những hạn chế trong công tác chỉ đạo, điều hành và chấp hành chính sách của các đối tượng thực thi chính sách, tính khả thi của chính sách để từ đó có những giải pháp khắc phục kịp thời.

  1. 3.2.2. Nhóm giải pháp cụ thể
  2. 3.2.2.1. Giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công, thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ.

Thứ nhất, cụ thể hóa hơn nữa các mục tiêu và giải pháp về nâng cao mức sống và thực thi các chính sách mới đối với NCC với cách mạng..

Thứ hai, tập trung giải quyết dứt điểm những vấn đề tồn đọng sau chiến tranh, hoàn thành công tác xác nhận người có công qua các thời kỳ. Tiếp tục có những chính sách bổ sung nhằm nâng cao mức sống người có công: tăng mức ưu đãi hàng tháng; có chính sách hỗ trợ riêng đối với đối tượng người có công thuộc hộ nghèo; xây dựng “Trung tâm phụng dưỡng người có công”, ở đó người có công không nơi nương tựa được phụng dưỡng, chăm sóc, đảm bảo các dịch vụ về y tế.

Thứ ba, đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, vận động, kêu gọi sự tham gia của các tổ chức, cá nhân trong việc chăm lo, phụng dưỡng người có công.

3.2.2.2. Giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách BHXH, BHYT

Thứ nhất, phải có chế tài xử lý nghiêm minh đối với các doanh nghiệp vi phạm luật BHXH, yêu cầu mức bồi thường của doanh nghiệp đối với người lao động phải cao hơn những tổn thất do việc chiếm dụng hoặc nợ tiền bảo hiểm gây ra.

Thứ hai, đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính trong giải quyết hồ sơ; việc chi trả đảm bảo nhanh chóng, kịp thời, giảm phiền hà, tạo điều kiện thuận lợi, nâng cao chất lượng phục đối tượng tham gia và thụ hưởng chính sách BHXH, BHYT.

Thứ ba, nâng cao chất lượng dịch vụ, cở sở hạ tầng phụ vụ công tác khám chữa bệnh cho đối tượng có BHYT.

Thứ tư, thực hiện hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT.

  1. 3.2.2.3. Giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách xóa đói, giảm nghèo

Thứ nhất, Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức vươn lên thoát nghèo của các hộ nghèo.

Thứ hai, trong công tác xét đưa vào diện nghèo cần phải có sự phối hợp giữa ”điều tra viên” và cấp ủy, Ban công tác Mặt trận, tổ trưởng tổ dân phố, đảm bảo đưa vào hộ nghèo đúng đối tượng, công khai, minh bạch.

Thứ ba, chính sách giảm nghèo cần hướng tới giảm thiểu rủi ro thiên tai cho người nghèo.

KẾT LUẬN

Luận văn đã hoàn thành được 03 nhiệm vụ nghiên cứu đã đề ra: Thứ nhất là làm rõ cơ sở lý luận về chính sách công, chính sách xã hội, ASXH và tổ chức thực hiện chính sách ASXH; thứ hai là đánh giá thực trạng thực hiện chính sách ASXH; nêu rõ những thành tựu và hạn chế, bất cập trong việc tổ chức thực hiện chính sách ASXH ở thành phố Đà Nẵng; thứ ba đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách ASXH trên địa bàn thành phố trong thời gian tới.

Đà Nẵng đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo chủ trương, đường lối của Đảng, nhà nước; xác định đúng nhiệm vụ trọng tâm, giải pháp đột phá để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; các chủ trương, chính sách đề ra phải có lợi cho dân, nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Mặc dù đã đạt được những kết quả đáng phấn khởi, song việc thực hiện các chính sách ASXH tại thành Đà Nẵng vẫn một số hạn chế, bất cập cần khắc phục, cụ thể: Cuộc sống một bộ phận gia đình chính sách vẫn còn khó khăn, thậm chí bị phụ thuộc vào mức kinh phí ưu đãi hàng tháng, Một bộ phận hộ nghèo không muốn thoát nghèo, có tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào các chính sách của nhà nước, sự hỗ trợ của xã hội. Công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về công tác BHXH, BHYT tuy đã được quan tâm đẩy mạnh hơn trước nhưng chưa được sâu rộng, thường xuyên. Vẫn còn tình trạng chủ sử dụng lao động cố tình không tham gia BHXH, BHYT cho người lao động hoặc chỉ tham gia cầm chừng mang tính đối phó, một số khác cố tình chiếm dụng, không trích đóng, để nợ đọng BHXH, BHYT số tiền lớn, thời gian kéo dài, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người lao động. Công tác kiểm tra, giám sát việc sử dụng các nguồn hỗ trợ (vốn và phương tiện sinh kế) chưa được chú trọng.

Để khắc phục được những hạn chế trên, Đà Nẵng cần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước trong thực hiện chính sách ASXH từ xây dựng kế hoạch, phân công thực hiện đảm bảo chính sách ASXH được thực hiện đồng bộ, hiệu quả; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về ý nghĩa của chính sách ASXH, kêu gọi mọi sự tham gia của các tổ chức, cá nhân đóng góp nguồn lực thực hiện chính sách ASXH; Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc; thực hiện chế độ công khai, minh bạch trong quá trình thực hiện chính sách ASXH. Có như vậy Đà Nẵng mới thực sự thành công trong hiện thực hóa mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành một thành phố giàu tính nhân văn; một trong những thành phố hài hòa, thân thiện, an bình; một thành phố hấp dẫn và đáng sống.

LIỆN HỆ:

SĐT+ZALO: 0935568275

E:\DỮ LIỆU COP CỦA CHỊ YẾN\LUAN VAN VIEN HAN LAM\VIEN HAN LAM DOT 6\CHINH SACH CONG\NGUYEN THI THU NGAN\SAU BAO VE

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *