luận văn phát triển nguồn nhân lực tại đài truyền hình đà nẵng

luận văn phát triển nguồn nhân lực tại đài truyền hình đà nẵng

CHƯƠNG 1

 CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC  PHÁT THANH  TRUYỀN HÌNH

1.1 NGUỒN NHÂN LỰC VÀ PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC

1.1.1 Nguồn nhân lực

1.1.1.1 Khái niệm nguồn nhân lực

  Có nhiều quan niệm khác nhau về nguồn nhân lực.

  Theo PGS.TS. Nguyễn Tiệp chủ biên, in năm 2005 thì “Nguồn nhân lực bao gồm toàn bộ dân cư có khả năng lao động” [9,Tr.7]. Khái niệm này chỉ nguồn nhân lực với tư cách là nguồn cung cấp sức lao động cho xã hội.

  Theo luận án Tiến sĩ triết học về nguồn lực con người trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, tác giả TS Đoàn Khải cho rằng: “Nguồn lực con người là khái niệm chỉ dân số, cơ cấu dân số và nhất là chất lượng con người với tất cả đặc điểm và sức mạnh của nó trong sự phát triển xã hội” [4, Tr.9].

  Theo Giáo sư, Viện sĩ Phạm Minh Hạc cho rằng: xét trên bình diện quốc gia hay địa phương, nguồn nhân lực được xác định là “tổng thể các tiềm năng lao động của một nước hay một địa phương, tức là nguồn lao động được chuẩn bị (ở các mức độ khác nhau) sẵn sàng tham gia một công việc lao động nào đó, tức là những người lao động có kỹ năng (hay khả năng nói chung) bằng con đường đáp ứng được yêu cầu của chuyển đổi cơ cấu lao động, chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa” [3, Tr.269].

  Tổng cục Thống kê khi tính toán nguồn nhân lực xã hội còn bao gồm cả những người ngoài tuổi lao động đang làm việc trong các ngành kinh tế quốc dân. Ở giác độ vi mô trong doanh nghiệp thì nguồn nhân lực là lực lượng lao động của từng doanh nghiệp, là số người có trong danh sách của doanh nghiệp do doanh nghiệp trả lương. “Nguồn lực của doanh nghiệp được hình thành trên cơ sở của các cá nhân có vai trò khác nhau và được liên kết với nhau theo những mục tiêu nhất định. Nguồn nhân lực khác với các nguồn lực khác của doanh nghiệp do chính bản chất con người. Nhân viên có các năng lực, đặc điểm cá nhân khác nhau, có tiềm năng phát triển, có khả năng hình thành các nhóm hội, các tổ chức công đoàn bảo vệ quyền lợi của họ, có thể đánh giá và đặt câu hỏi đối với hoạt động của các quản trị gia, hành vi của họ có thể thay đổi phụ thuộc vào chính bản thân họ hoặc sự tác động của môi trường xung quanh”.(1).                   Theo Begg, Fircher và Dornbush, khác với nguồn lực vật chất khác, nguồn nhân lực được hiểu là toàn bộ trình độ chuyên môn mà con người tích lũy được, nó được đánh giá cao vì tiềm năng đem lại thu nhập trong tương lai. Giống như nguồn lực vật chất, nguồn lực là kết quả đầu tư trong quá khứ với mục đích tạo ra thu nhập trong tương lai. Tuy nhiên, khác với nguồn lực vật chất khác, nguồn lực là con người lao động có nhân cách (có trí thức, kỹ năng, nghề nghiệp và hoạt động xã hội, có các phẩm chất tâm lý như động cơ, thái độ ứng xử với các tình huống trong cuộc sống), có khả năng tích lũy kinh nghiệm nghề nghiệp và vốn sống.

Từ các khái niệm trên ta có thể thấy, xét về tổng thể, nguồn nhân lực là tiềm năng lao động của con người trên các mặt số lượng và chất đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội của đất nước, tạo nên năng lực cạnh tranh trong phạm vi quốc gia cũng như trên thị trường quốc tế.

1.1.1.2 Vai trò của nguồn nhân lực trong nền kinh tế thị trường

Trong thế giới hiện đại, khi chuyển sang nền kinh tế chủ yếu dựa vào tri thức và xu thế toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, chúng ta ngày càng nhận thức rõ hơn về vai trò quyết định của nguồn nhân lực trong phát triển. Các lý thuyết tăng trưởng kinh tế gần đây chỉ ra rằng, một nền kinh tế muốn tăng trưởng nhanh và ở mức cao phải dựa trên ít nhất 3 trụ cột cơ bản là: Áp dụng công nghệ mới, phát triển hạ tầng cơ sở hiện đại và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong đó, yếu tố và cũng là động lực quan trọng nhất của sự tăng trưởng kinh tế bền vững chính là con người, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao, tức là con người được đầu tư phát triển, tạo lập kỹ năng, kiến thức, tay nghề, kinh nghiệm, năng lực sáng tạo để trở thành “nguồn vốn – vốn con người, vốn nhân lực”. Bởi vì, trong một nền kinh tế toàn cầu đầy biến động và cạnh tranh quyết liệt lúc này ưu thế cạnh tranh nghiêng về các quốc gia có nguồn nhân lực chất lượng cao, môi trường pháp lý thuận lợi cho đầu tư và một xã hội ổn định. Một số nước đang phát triển và phát triển trong khu vực Đông Nam Á (Singapore, Malaisia) hay Hàn Quốc,… đang điều chỉnh chiến lược cạnh tranh trong tương lai, khi phát triển nền kinh tế tri thức, đã xác định phát triển nguồn vốn nhân lực như là yếu tố cạnh tranh cơ bản nhất.

Nếu xem xét dưới góc độ phát triển bền vững, bao gồm tăng trưởng kinh tế, an toàn xã hội và bảo vệ môi trường, thì phát triển nguồn vốn con người, vốn nhân lực vừa là nguồn lực, vừa là mục tiêu cuối cùng, là đỉnh cao nhất của quá trình phát triển ở mỗi quốc gia. Con người ở đây được xem xét trong mối quan hệ thống nhất giữa 2 mặt sau:

Một là, con người với tư cách là chủ thể sáng tạo ra mọi của cải vật chất và tinh thần. Trong quá trình tồn tại và phát triển, con người bằng sức lao động của mình, là yếu tố, là lực lượng sản xuất cơ bản nhất của quá trình sản xuất (yếu tố CUNG).

Hai là, con người, mặt khác lại là người sử dụng và tiêu dùng của cải vật chất và tinh thần để tồn tại và phát triển thông qua quá trình phân phối, tự phân phối (yếu tố CẦU)

Giữa CUNG và CẦU luôn luôn có mối quan hệ với nhau. Nó tồn tại, thống nhất và phát triển trong một thực thể con người và trong mối quan hệ với cộng đồng, xã hội. Từ đó, phát triển nguồn nhân lực trở thành nhu cầu trước tiên, nhu cầu cơ bản nhất và là trung tâm của mọi quá trình phát triển. Nhu cầu đó nếu được đáp ứng sẽ trở thành động lực to lớn và nguồn lực nội sinh vô hạn quyết định thúc đẩy phát triển xã hội. Ngược lại, nhu cầu phát triển nguồn nhân lực không được định hướng đúng thì ý nghĩa phủ định của nó cũng rất lớn, có thể làm cản trở, làm trì trệ, thậm chí trở thành lực lượng tàn phá, dẫn đến đảo lộn, tan rã một xã hội, tổ chức kinh tế.

1.1.2 Phát triển nguồn nhân lực

1.1.2.1 Khái niệm về phát triển nguồn nhân lực

Cho đến nay, xuất phát từ cách tiếp cận khác nhau nên khi bàn về phát triển nguồn nhân lực vẫn có nhiều cách hiểu khác nhau. Sau đây, tôi xin được trình bày một số quan niệm về phát triển nguồn nhân lực:

UNESCO sử dụng khái niệm phát triển nguồn nhân lực theo nghĩa hẹp và quan niệm rằng, phát triển nguồn nhân lực đó là làm cho toàn bộ sự hành nghề của dân cư luôn luôn phù hợp trong mối quan hệ với sự phát triển của đất nước.

ILO: Lại cho rằng phát triển nguồn nhân lực bao hàm phạm vi rộng hơn. Không chỉ là sự chiếm lĩnh trình độ lành nghề hoặc bao gồm ngay cả vấn đề đào tạo nói chung, mà còn là phát triển năng lực và sử dụng năng lực đó của con người để tiến tới có được việc làm hiệu quả, cũng như thỏa mãn nghề nghiệp và cuộc sống. Sự lành nghề được hoàn thiện nhờ bổ sung, nâng cao kiến thức trong quá trình sống và làm việc.

LIÊN HIỆP QUỐC: Nghiêng về sử dụng khái niệm phát triển nguồn nhân lực con người theo nghĩa rộng, bao gồm giáo dục, đào tạo và sử dụng tiềm năng con người nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống. Như vậy, cách hiểu của hệ thống Liên Hiệp Quốc bao quát hơn và nhấn mạnh khía cạnh xã hội của nguồn nhân lực. Nó vừa là yếu tố của sản xuất, của tăng trưởng kinh tế (yếu tố đầu vào), vừa là mục tiêu của phát triển và tăng trưởng kinh tế (yếu tố đầu ra). Như vậy, phát triển nguồn nhân lực là quá trình làm biến đổi số lượng, chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực ngày càng đáp ứng tốt hơn yêu cầu của nền kinh tế – xã hội.

Theo GS.VS Phạm Minh Hạc: “Phát triển nguồn nhân lực được hiểu về cơ bản là tăng giá trị con người, trên các mặt đạo đức, trí tuệ, kỷ năng, tâm hồn, thể lực, … làm cho con người trở thành những người lao động có năng lực và phẩm chất mới và cả đáp ứng được yêu cầu to lớn của sự phát triển kinh tế xã hội, của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” [3, Tr275].

Theo GS.TS Bùi Văn Nhơn trong sách Quản lý và phát triển nguồn nhân lực xã hội xuất bản năm 2006: “Phát triển nguồn nhân lực là tổng thể các hình thức, phương pháp, chính sách và biện pháp nhằm hoàn thiện và nâng cao chất lượng cho nguồn nhân lực (trí tuệ, thể chất và phẩm chất tâm lý xã hội) nhằm đáp ứng đòi hỏi về nguồn nhân lực cho sự phát triển kinh tế xã hội trong từng giai đoạn phát triển” [6, Tr.98].

Tuy nhiên, phát triển nguồn nhân lực ở đây không phải là khái niệm trừu tượng, mà nó gắn liền với phát triển con người cụ thể, có năng lực hoạt động kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội. Nói một cách khác, tức là đạt tới con người trưởng thành, có năng lực xã hội (thể lực, trí lực và nhân cách) và tính năng động xã hội cao (được phân bố và sử dụng hiệu quả).

Phát triển nguồn nhân lực ở một doanh nghiệp là phải phát triển về số lượng và chất lượng của lực lượng lao động. Phát triển về số lượng bao gồm các hoạt động như chiêu mộ, tuyển chọn và luân chuyển nội bộ (Hình 1.1). Phát triển chất lượng lao động thông qua như chương trình đào tạo huấn luyện và đào tạo lại nhằm đáp ứng yêu cầu đảm bảo nhân sự từ bên trong của doanh nghiệp.

 

Hình 1.1: Sự thay đổi về số lượng trong quá trình đảm bảo nhân sự

Nguồn: George T.Milkinvich/Jonh W.Boudreau, bản dịch của Vũ Trọng Hùng (NXB Thống kê, 2002), trang 328.

1.1.2.2 Đặc điểm của phát triển nguồn nhân lực hiện nay

Bối cảnh toàn cầu của sự phát triển nguồn nhân lực: Trên thế giới ngày nay, cuộc cách mạng khoa học và công nghệ mới đang tạo ra những điều kiện để chuyển các xã hội công nghiệp sang xã hội tri thức: từ lao động chân tay sang lao động trí óc; từ sản xuất kiểu vật chất sang sản xuất kiểu phi vật chất; từ tính khép kín, tính khu vực sang tính mở, tính toàn cầu. Bên cạnh đó, là sự chuyển biến to lớn và cơ bản về quản lý và tổ chức sản xuất và các quy trình công nghệ khác. Những điều này sẽ làm thay đổi lực trong các ngành dịch vụ, đặc biệt là dịch vụ có hàm lượng trí tuệ cao như xử lý thông tin, giao dịch tài chính ngân hàng, bưu chính viễn thông và các dịch vụ tri thức khác. Và do vậy, đòi hỏi có sự đổi mới mang tính cách mạng về phát triển nguồn nhân lực ở hầu hết các quốc gia.

Sự phát triển của kinh tế – xã hội nước ta: Từ tháng 8/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam đã đứng lên giành chính quyền, lập ra Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam. Tiếp tục trải qua 30 năm chiến tranh, chia cắt, Việt Nam đã phải mất hàng chục năm để khắc phục hậu quả chiến tranh và tìm tòi đổi mới cơ chế trong hoàn cảnh bị bao vây cấm vận, bị hụt hẫng về vốn đầu tư. Sau 70 năm thành lập, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong đó có 30 năm đổi mới, từ một đất nước đói nghèo và lạc hậu, đến nay Việt Nam đã vươn lên thành quốc gia đang phát triển có thu nhập trung bình. Từ một nền kinh tế khép kín, tập trung quan liêu bao cấp, Việt Nam đã trở thành một nền kinh tế năng động, vận hành theo cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Việt Nam đã và đang là một trong những nước xuất khẩu nông sản hàng đầu, góp phần bảo đảm an ninh lương thực thế giới. Điểm lại những thành tựu về phát triển kinh tế của nước ta trong suốt hơn 70 năm qua, đặc biệt là trong 30 năm đổi mới cơ chế kinh tế có thể thấy, trước Cách mạng tháng Tám, từ chỗ cả nước chỉ có 200 xí nghiệp, với 90.000 công nhân, số sản phẩm công nghiệp đơn sơ, sản lượng ít ỏi. Đến nay cả nước có gần nửa triệu doanh nghiệp, trên 4,2 triệu cơ sở cá thể, với gần 1,5 triệu lao động… Sản phẩm công nghiệp vừa nhiều gấp bội về số loại, vừa gấp nhiều lần về sản lượng.

 
Biểu đồ 1.1: Tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người từ 1995 đến nay.
(Biểu đồ: BizLive)

Lĩnh vực thương mại từ chỗ nhỏ bé và phân tán đến nay việc mua bán ở trong nước đã được tự do hoá, hàng nghìn siêu thị, trung tâm thương mại được hình thành. Nếu như năm 1986, Việt Nam mới chỉ có quan hệ buôn bán với 43 nước thì đến nay đã có quan hệ thương mại đầu tư với khoảng 230 quốc gia và vùng lãnh thổ. Bốn mươi năm sau chiến tranh, 30 năm sau đổi mới, kinh tế Việt Nam đã tiến một bước dài trên con đường hội nhập và phát triển. Bằng các chính sách đối ngoại nói chung và hội nhập kinh tế quốc tế nói riêng, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu nổi bật, được điểm lại bằng những dấu mốc quan trọng: Năm 1991, Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc; Nhật Bản nối lại viện trợ ODA cho Việt Nam từ tháng 11/1992. Năm 1993, Việt Nam khai thông quan hệ với các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế như Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF); Ngân hàng Thế giới (WB); Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB). Đáng ghi nhớ là từ tháng 7/1995, Việt Nam bình thường hóa quan hệ với Hoa Kỳ và tham gia Khu vực mậu dịch tự do ASEAN. Trong các năm từ 1996 – 1988, Việt Nam tham gia Diễn đàn hợp tác Á – Âu và gia nhập tổ chức Diễn đàn hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC). Tháng 7/2001, Việt Nam ký kết hiệp định thương mại song phương với Hoa Kỳ và tuyên bố về quan hệ đối tác chiến lược với Nga; Năm 2002, khung khổ quan hệ đối tác tin cậy và ổn định lâu dài với Nhật; Ngày 11/1/2007, Việt Nam được kết nạp làm thành viên thứ 150 của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO); Tháng 5/2008 thiết lập quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam -Trung Quốc. Từ năm 2010, là một trong các thành viên tham gia đàm phát Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP). Đặc biệt, từ Đại hội XI đến nay, với chủ trương “chủ động và tích cực hội nhập quốc tế” đã đẩy tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam lên một tầm cao mới trên tất cả các lĩnh vực. Tiến trình hội nhập quốc tế đã có những tác động to lớn, nhiều mặt đến thế và lực của Việt Nam trong phát triển kinh tế, tạo công ăn việc làm và nâng cao thu nhập cho người dân; tạo sức ép và điều kiện để hoàn thiện thể chế kinh tế; nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, doanh nghiệp và sản phẩm. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) bình quân đầu người tính bằng USD theo tỷ giá hối đoái của Việt Nam năm 1988 chỉ đạt 86 USD – mức thấp nhất thế giới, nhưng đã tăng gần như liên tục qua các năm sau đó và đến hết năm 2014 đã đạt 2.052 USD. Nếu như tăng trưởng GDP bình quân thời kỳ 1986 – 1990 chỉ đạt 4,4%/năm thì bình quân thời kỳ 1991 – 2011 đạt 7,34%/năm. Đặc biệt, sau khi gia nhập WTO, Việt Nam đã duy trì tốc độ tăng trưởng cao, trong năm 2007, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 8,46% (mức cao nhất trong vòng 11 năm trước đó). Do ảnh hưởng từ những biến động của nền kinh tế thế giới, tăng trưởng GDP trong giai đoạn 2011 – 2013 giảm xuống còn 5,6%. Tuy nhiên, sang năm 2015, Việt Nam hướng mục tiêu tăng trưởng GDP đạt mức 6,2%, cho đến nay. Việt Nam hiện nay đã trở thành một bộ phận của nền kinh tế toàn cầu với tổng kim ngạch xuất khẩu gần 300 tỷ USD, gấp khoảng 1,5 lần GDP. Việt Nam có quan hệ kinh tế thương mại với hầu hết nền kinh tế trên thế giới, là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư từ hơn 100 quốc gia, vùng lãnh thổ với gần 20.000 dự án và số vốn gần 300 tỷ USD. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam đã có mặt trên thị trường 220 nước và vùng lãnh thổ, hầu hết các châu lục. Nước ta có vị thế ngày càng lớn trong xuất khẩu hàng hóa toàn cầu và được xếp vào nhóm 30 nền kinh tế xuất khẩu hàng hóa hàng đầu thế giới. Từ chỗ thường xuyên nhập siêu, Việt Nam đã chuyển sang cân bằng xuất, nhập khẩu, thậm chí là có xuất siêu.

          Biểu 1.2: Tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế  Việt Nam đến năm 2019

          Để tận dụng tối đa những cơ hội và biến những thách thức thành cơ hội cho sự phát triển của đất nước đòi hỏi phải nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về mọi mặt, năng động, sáng tạo, có khả năng thích ứng cao với những diễn biến của đời sống kinh tế – xã hội.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *