Đánh giá chính sách giảm nghèo bền vững từ thực tiễn tỉnh Quảng Nam

Đánh giá chính sách giảm nghèo bền vững từ thực tiễn tỉnh Quảng Nam

Đánh giá chính sách giảm nghèo bền vững từ thực tiễn tỉnh Quảng Nam

1. Tính cấp thiết của đề tài

Nghèo là vấn đề xã hội cấp bách phải được giải quyết để xã hội phát triển bền vững, hài hòa. Ở Việt Nam, vấn đề đói nghèo luôn được Đảng và Nhà nước ta thường xuyên quan tâm giải quyết trong từng giai đoạn. Ngay khi nước Việt Nam dân chủ cộng hòa thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định cứu đói là một trong các nhiệm vụ cần kíp. Đến nay, chính sách giảm nghèo trở thành một trong hai chương trình mục tiêu quốc gia.

Đối với Quảng Nam, nghèo đói đã và đang là thách thức đối với sự phát triển. Cùng với việc tích cực thực hiện các chương trình, chính sách giảm nghèo của trung ương, tỉnh đã chủ động xây dựng nhiều chính sách giảm nghèo mang tính đặc thù để đẩy nhanh việc hiện thực hóa mục tiêu giảm nghèo.

Bên cạnh nhiều kết quả quan trọng vẫn còn nhiều hạn chế. Tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhất là ở miền núi. Kết quả giảm nghèo thiếu bền vững, tái nghèo, một bộ phận người nghèo trông chờ vào chính sách của nhà nước.

Những kết quả đạt được, đặc biệt là những bất cập, hạn chế nêu trên cần được đánh giá ở góc độ khoa học chính sách để việc hoạch định và thực hiện chính sách giảm nghèo của tỉnh trong thời gian đến mang lại nhiều kết quả bền vững hơn. Chính vì vậy, tôi chọn đề tài: “Đánh giá chính sách giảm nghèo bền vững từ thực tiễn tỉnh Quảng Nam”.

2. Tình hình nghiên cứu đề tài

3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

3.1. Mục đích nghiên cứu: Đánh giá việc thực hiện các khâu trong chu trình chính sách giảm nghèo của tỉnh Quảng Nam, đề xuất định hướng và giải pháp nâng cao hiệu quả đánh giá chính sách giảm nghèo trong thời gian đến.

3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu: Hệ thống hóa cơ bản những vấn đề lý luận về đánh giá chính sách; phân tích, đánh giá thực trạng việc thực hiện các khâu trong chu trình chính sách; đề xuất định hướng và giải pháp nâng cao hiệu quả đánh giá chính sách giảm nghèo.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

4.1. Đối tượng nghiên cứu: Chính sách giảm nghèo bền vững từ thực tiễn tỉnh Quảng Nam.

4.2. Phạm vi nghiên cứu: Địa bàn tỉnh Quảng Nam, thời gian chủ yếu giai đoạn 2011 – 2016, có đối sánh với thời điểm trước và sau giai đoạn này.

5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu

5.1. Phương pháp luận: Phương pháp nghiên cứu chính sách công và cách tiếp cận liên ngành với xã hội học, kinh tế học… Phương pháp nghiên cứu chính sách công tập trung vào quy phạm và chu trình chính sách công. Phương pháp nghiên cứu chính sách công làm sáng tỏ các vấn đề lý luận và thực tiễn của việc ban hành và thực hiện, đánh giá và hoàn thiện chính sách công ở nước ta hiện nay.

5.2. Phương pháp nghiên cứu: Kỹ thuật phương pháp thống kê, thu thập, phân tích thông tin. Phương pháp định tính: phương pháp phỏng vấn sâu, phương pháp nghiên cứu chuyện kể, phương pháp nghiên cứu trường hợp; phương pháp định lượng: khảo sát trực tiếp bằng bảng hỏi.

6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn

6.1. Ý nghĩa lý luận: Làm rõ đặc điểm trong đánh giá toàn bộ chu trình chính sách công nói chung và chu trình chính sách giảm nghèo của tỉnh Quảng Nam nói riêng.

6.2. Ý nghĩa thực tiễn: Trên cơ sở phân tích đánh giá thực trạng chu trình chính sách giảm nghèo bền vững của Quảng Nam, luận văn đề xuất định hướng và giải pháp nâng cao hiệu quả đánh giá chính sách để hoàn thiện chính sách giảm nghèo.

7. Kết cấu của luận văn: gồm 3 chương:

Chương 1: Lý luận về đánh giá chính sách giảm nghèo.

Chương 2: Đánh giá chính sách giảm nghèo bền vững từ thực tiễn tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2011 – 2016.

Chương 3: Giải pháp hoàn thiện đánh giá chính sách giảm nghèo.

CHƯƠNG 1

LÝ LUẬN VỀ ĐÁNH GIÁ CHÍNH SÁCH GIẢM NGHÈO

1.1. Lý luận về chính sách công và đánh giá chính sách công

1.1.1. Lý luận chính sách công

1.1.1.1. Định nghĩa chính sách công: Chính sách công là kết quả ý chí chính trị của nhà nước được thể hiện bằng một tập hợp các quyết định có liên quanu, bao hàm trong đó định hướng mục tiêu và cách thức giải quyết những vấn đề công trong xã hội.

1.1.1.2. Nội dung chính sách công

+ Lý do hoạch định chính sách công

+ Căn cứ hoạch định chính sách công

+ Mục tiêu chính sách công

+ Biện pháp chính sách công

+ Thời hạn duy trì chính sách công

1.1.1.3. Chu trình chính sách công

Chu trình chính sách công là quá trình chuyển tiếp các bước từ khởi sự chính sách đến thực hiện và xác định được hiệu quả của chính sách trong đời sống xã hội. Chu trình chính sách công gồm:

Xây dựng chính sách, thực hiện chính sách, đánh giá chính sách và hoàn thiện chính sách.

1.1.2. Lý luận đánh giá chính sách công

1.1.2.1. Khái niệm đánh giá chính sách công

Do đặc trưng thống nhất, liên kết không thể tách rời giữa các khâu trong chu trình chính sách công, nên việc đánh giá chính sách công cũng không thể tách rời việc đánh giá toàn bộ các khâu của chu trình chính sách công như xây dựng chính sáchg, tổ chức thực hiện chính sách, đánh giá chính sách và hoàn thiện chính sách công.

+ Đánh giá việc hoạch định và xây dựng chính sách

+ Đánh giá việc thực hiện chính sách

– Đánh giá mục tiêu chính sách

– Đánh giá giải pháp công cụ chính sách

– Đánh giá chủ thể chính sách

– Đánh giá thể chế chính sách

– Đánh giá các nhân tố tác động

+ Đánh giá việc đánh giá chính sách

+ Đánh giá việc hoàn thiện chính sách

1.1.2.2. Bản chất đánh giá chính sách công

Đánh giá chính sách công là xem xét khách quan, định kỳ một can thiệp chính sách đã được lập, đang thực hiện hoặc đã hoàn thành. Đánh giá được sử dụng để trả lời các câu hỏi liên quan đến thiết kế, cách thức thực hiện và kết quả của một can thiệp chính sách. Đánh giá chính sách được tiến hành tại thời điểm cụ thể và thường tìm kiếm quan điểm bên ngoài từ các chuyên gia.

1.1.2.3. Vai trò của đánh giá chính sách công

Cung cấp thông tin hữu dụng, kịp thời để quản lý, hướng dẫn các nguồn lực, đồng thời đưa ra những can thiệp chính sách của nhà nước. Giúp việc ra quyết định phân bổ nguồn lực; cân nhắc lại các nguyên nhân của vấn đề; xác định được vấn đề nảy sinh; xác định được những đóng góp của thực hiện và thiết kế vào các kết quả đầu ra; cung cấp bằng chứng về sự mâu thuẫn của các kết quả đầu ra; hỗ trợ cải cách và đổi mới khu vực công; xây dựng sự đồng thuận về những nguyên nhân của một vấn đề và cách thức giải quyết.

1.1.2.4. Các tiêu chí đánh giá chính sách công

Tính hiệu quả, tính hiệu suất, tính đầy đủ, tính công bằng, tính đáp ứng và tính phù hợp.

1.2. Chính sách giảm nghèo ở Việt Nam hiện nay

1.2.1. Khái niệm nghèo, giảm nghèo, chính sách giảm nghèo, chính sách giảm nghèo bền vững, các khái niệm liên quan

+ Nghèo: Nghèo là tình trạng một bộ phận dân cư không được hưởng và thoả mãn các nhu cầu cơ bản của con người mà những nhu cầu này đã được xã hội thừa nhận tuỳ theo trình độ phát triển kinh tế- xã hội và phong tục tập quán của địa phương.

+ Giảm nghèo: Làm cho bộ phận dân cư nghèo nâng cao mức sống, từng bước thoát khỏi tình trạng nghèo, thể hiện ở tỷ lệ phần trăm và số lượng người nghèo giảm xuống. Giảm nghèo là quá trình chuyển bộ phận dân cư nghèo lên mức sống cao hơn.

+ Chính sách giảm nghèo: Chính sách giảm nghèo là tập hợp các quyết định của nhà nước nhằm đưa ra các mục tiêu, giải pháp, công cụ để giải quyết vấn đề về cải thiện đời sống vật chất và tinh thần đối với người nghèo, góp phần thu hẹp khoảng cách chênh lệch về mức sống giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, các dân tộc và nhóm dân cư.

+ Chính sách giảm nghèo bền vững: Quan tâm hiệu quả giảm nghèo trên 2 phương diện số lượng và chất lượng thoát nghèo. Chất lượng thoát nghèo là tình trạng thay đổi thực sự đời sống của người nghèo khi chính sách tác động và khả năng tự vượt qua các tác động bất lợi do thiên tai, rủi ro, địch họa,…để không rơi lại vào tình trạng nghèo đói.

+ Đánh giá chính sách giảm nghèo: Đánh giá chính sách giảm nghèo là hoạt động đánh giá kết quả và hiệu quả của chính sách giảm nghèo trong thực tế khi đưa chính sách giảm nghèo vào thực thi, đánh giá những tác động đối với xã hội như sự phù hợp, công bằng, dân chủ, mức độ hưởng lợi của người dân, tác động đối với các giá trị văn hóa – xã hội…nhằm cải thiện việc hoạch định, xây dựng, thực hiện và đánh giá, hoàn thiện chính sách giảm nghèo.

Đánh giá chính sách giảm nghèo liên quan đến đánh giá các bước từ khởi sự xây dựng và ban hành chính sách, biện pháp thực hiện, kết quả và tác động của chính sách.

+ Chuẩn nghèo: Chuẩn nghèo là căn cứ để đo lường và giám sát mức độ thiếu hụt về thu nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; là cơ sở xác định đối tượng để thực hiện các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội.

+ Nghèo đa chiều: Nghèo đa chiều có thể đo bằng tiêu chí thu nhập và các tiêu chí phi thu nhập như sự thiếu hụt cơ hội, đi kèm tình trạng suy dinh dưỡng, thất học, bệnh tật, bất hạnh và tuyệt vọng là những nội dung được quan tâm trong khái niệm nghèo đa chiều.

1.2.2. Quá trình thực hiện chính sách giảm nghèo ở Việt Nam

Năm 1998, giảm nghèo trở thành chính sách trong hệ thống chính sách xã hội của quốc gia. Chính sách xóa đói giảm nghèo luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm xây dựng và thực hiện. Hội nghị Trung ương 5 khóa VII ra chủ trương xóa đói, giảm nghèo trong chiến lược phát triển nông thôn, nông nghiệp và nông dân. Đại hội VIII xác định nhanh chóng đưa các hộ nghèo ra khỏi hoàn cảnh túng thiếu và sớm hòa nhập với sự phát triển chung của đất nước. Đại hội IX đề ra chủ trương tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình xóa đói, giảm nghèo. Đại hội X xác định phải luôn coi trọng yêu cầu nâng cao các phúc lợi xã hội cơ bản của nhân dân, đặc biệt là đối với người nghèo, vùng nghèo. Đại hội XI đề ra chủ trương về đa dạng hóa nguồn lực và phương thức để giảm nghèo bền vững, và Đại hội XII Đảng yêu cầu phải đẩy mạnh giảm nghèo bền vững, nhất là các vùng đặc biệt khó khăn và có chính sách đặc thù để giảm nghèo nhanh hơn trong đồng bào dân tộc thiểu số.

Đầu năm 1998, Chính phủ phê duyệt chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói, giảm nghèo (Chương trình 133) giai đoạn 1998 – 2000. Tháng 7/1998, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục bổ sung Chương trình 135. Giai đoạn 2011 – 2015, tiếp tục thực hiện những chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo, Chương trình 135 giai đoạn 3, Nghị quyết 30a và các chương trình phát triển kinh tế – xã hội khác có liên quan.

1.3. Đánh giá chính sách giảm nghèo ở Việt Nam

1.3.1. Những kết quả và hạn chế

1.3.1.1. Những kết quả tích cực

Giai đoạn 2005 – 2012, tỷ lệ giảm nghèo cả nước đạt và vượt chỉ tiêu, bình quân giảm 2,3 – 2,5%/năm. Kết quả giảm nghèo góp phần tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống người dân, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào dân tộc thiểu số; giữ vững an ninh chính trị, củng cố lòng tin của nhân dân, nâng cao hình ảnh của Việt Nam.

1.3.1.2. Những hạn chế, thách thức

Nguy cơ tái nghèo cao; chênh lệch giàu – nghèo có xu hướng tăng; tỷ lệ nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa còn cao. Khu vực đô thị có xu hướng phát sinh hộ nghèo do đô thị hóa, di cư nông thôn – đô thị phải đối mặt với chi phí đắt đỏ cho các dịch vụ xã hội cơ bản. Tác động của di dân, tái định cư thủy điện, khai khoáng, xây dựng các công trình hạ tầng, biến đổi khí hậu … tiềm ẩn nhiều nguy cơ đối với nghèo đói. Công tác chỉ đạo, điều hành, nguồn lực giảm nghèo còn hạn chế.

1.3.2. Nguyên nhân

1.3.2.1. Nguyên nhân của những kết quả tích cực

Đường lối, quan điểm đúng đắn của Đảng; huy động được sự vào cuộc của hệ thống chính trị và người dân, doanh nghiệp. Thành quả của công cuộc đổi mới, phát triển đất nước. Sự nỗ lực vươn lên của chính người nghèo.

1.3.2.2. Nguyên nhân của hạn chế

Nguồn lực chưa đảm bảo; điều kiện kinh tế – xã hội, tự nhiên của các địa bàn nghèo còn khó khăn. Một số chính sách còn hạn chế về giải pháp, phương thức thực hiện. Công tác quản lý, phối hợp chưa tốt, nhất là trong lồng ghép thực hiện các chính sách.

1.3.3. Bài học kinh nghiệm

Đảm bảo vai trò lãnh đạo của Đảng, vai trò chủ đạo của Nhà nước. Vai trò của xã hội, đặc biệt là người nghèo. Đổi mới công tác quản lý điều hành, lồng ghép chính sách, phân cấp trách nhiệm. Khuyến khích sự chủ động của người nghèo, cộng đồng dân cư.

Đánh giá chính sách giảm nghèo bền vững từ thực tiễn tỉnh Quảng Nam
Đánh giá chính sách giảm nghèo bền vững từ thực tiễn tỉnh Quảng Nam

CHƯƠNG 2

ĐÁNH GIÁ CHÍNH SÁCH GIẢM NGHÈO BỀN VỮNG

TỪ THỰC TIỄN TỈNH QUẢNG NAM,

GIAI ĐOẠN 2011 – 2016

2.1. Tình hình kinh tế – xã hội của tỉnh, giai đoạn 2011 – 2016

2.1.1. Điều kiện tự nhiên

2.1.1.1. Vị trí địa lý

Quảng Nam nằm ở vị trí trung độ của Việt Nam, là tỉnh ven biển miền Trung, phía Bắc giáp thành phố Đà Nẵng, phía Đông giáp biển Đông với hơn 125 km bờ biển, phía Tây giáp tỉnh Kon Tum và nước Lào, phía Nam giáp tỉnh Quảng Ngãi. Có 15 huyện, 1 thị xã và 2 thành phố. Diện tích tự nhiên 10.406 km2.

2.1.1.2. Đặc điểm địa hình

Địa hình phức tạp, thấp dần từ Tây sang Đông, có 3 vùng sinh thái: núi cao, trung du, đồng bằng ven biển; bị chia cắt theo các lưu vực sông Vu Gia, Thu Bồn, Tam Kỳ.

2.1.1.3. Khí hậu

Thuộc vùng khí hậu nhiệt đới điển hình, có 2 mùa mùa khô và mùa mưa. Nhiệt độ trung bình hằng năm 25,70C. Lượng mưa trung bình 2.000 – 2.500 mm, mưa nhiều ở miền núi, tập trung các tháng 9 – 12; mùa mưa trùng với mùa bão nên thường gây lở đất, lũ quét ở miền núi cao và ngập lụt ở đồng bằng.

2.1.1.4. Đặc điểm dân cư

Năm 2012 dân số 1.435.629 người, mật độ dân số 139 người/km2; có 33 tộc người sinh sống, 4 tộc người thiểu số cư trú lâu đời: Cơ TuCoGié TriêngXê Đăng, tổng số hơn 10 vạn người, chiếm 7,2% dân số tỉnh. 81,4% dân số sinh sống ở nông thôn.

2.1.2. Tình hình kinh tế – xã hội

Quy mô kinh tế năm 2016 hơn 69 ngàn tỷ đồng, nằm trong tốp 20/63 tỉnh, thành cả nước. GRDP bình quân đầu người hơn 53 triệu đồng.

Tỷ trọng các ngành kinh tế trong GRDP năm 2016: công nghiệp – xây dựng: 43%, thương mại – dịch vụ: 45,1%, nông nghiệp: 11,9%. Số thu ngân sách hơn 20 ngàn tỷ đồng, thu nội địa hơn 13 ngàn tỷ đồng.

Có 887.000 người trong độ tuổi lao động (62% dân số toàn tỉnh), lao động nông nghiệp 48%, lao động phi nông nghiệp 52%. Tỷ lệ lao động thất nghiệp 4% (năm 2015). Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề 45,5% (năm 2016).

Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia 58,4%. Hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học (năm 2011) và phổ cập giáo dục trung học cơ sở (năm 2013). Có 03 trường đại học, 06 trường cao đẳng, 03 trường trung cấp nghề.

Số bác sĩ/vạn dân 4,87 bác sĩ (cả nước 7,8 bác sĩ), 0,45 dược sĩ/vạn dân (cả nước 2,2 dược sĩ), số giường bệnh/vạn dân 42,82 giường, công suất sử dụng giường bệnh tuyến tỉnh 146%; bình quân 5,2 cán bộ/trạm y tế; tỷ lệ bác sĩ và dược sĩ có trình độ sau đại học 51,3%. Có 7 bệnh viện đa khoa, 4 bệnh viện chuyên khoa tuyến tỉnh.

Những thành tựu của tỉnh tạo nguồn lực to lớn để giải quyết các vấn đề xã hội. Tuy nhiên, với nhiều yếu tố không thuận lợi về điều kiện tự nhiên, đặc điểm xã hội (địa hình chia cắt, đất đai bạc màu, 72% diện tích tự nhiên đồi núi, nhiều tộc người, hậu quả chiến tranh để lại nặng nề với hơn 234 ngàn đối tượng chính sách, hàng ngàn người nhiễm chất độc da cam,…) là những yếu tố tác động không thuận lợi đối với việc giải quyết các vấn đề xã hội của tỉnh, đặc biệt là công tác giảm nghèo.

2.2. Đánh giá chính sách giảm nghèo của tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2011 – 2016

2.2.1. Cơ sở xây dựng chính sách giảm nghèo của tỉnh giai đoạn 2011 – 2016

Căn cứ thực trạng nghèo của tỉnh cuối năm 2010: 90.109 hộ nghèo, tỷ lệ 24,18%, hộ nghèo dân tộc thiểu số 24,05%. Kết cấu hạ tầng miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Kết quả giảm nghèo chưa bền vững, tái nghèo và phát sinh hộ nghèo.

Nguyên nhân nghèo của tỉnh gắn trước hết với giáo dục – đào tạo (lao động ít, thiếu việc làm, thiếu khả năng tạo việc làm), nguyên nhân kinh tế và y tế.

Xác định đúng thực trạng vấn đề và nguyên nhân vấn đề chính sách làm cơ sở xây dựng chính sách là yêu cầu cơ bản được tỉnh tuân thủ trong hoạch định chính sách giảm nghèo giai đoạn 2011 – 2015, định hướng đến năm 2020.

2.2.2. Đánh giá chính sách giảm nghèo của tỉnh Quảng Nam

2.2.2.1. Đánh giá mục tiêu và kết quả thực hiện mục tiêu chính sách

+ Đánh giá mục tiêu

Căn cứ kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội giai đoạn 2011-2015, kết quả giảm nghèo giai đoạn 2006-201, chương trình, chính sách giảm nghèo của Chính phủ, tỉnh xây dựng mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2011 – 2015 và định hướng đến năm 2020.

Mục tiêu tổng quát: Tạo cơ hội và điều kiện cho người nghèo, cận nghèo tự vươn lên phát triển kinh tế, tăng thu nhập và thụ hưởng các chính sách xã hội nhằm cải thiện và từng bước nâng cao điều kiện sống, trước hết là ở khu vực miền núi, nông thôn.

Mục tiêu cụ thể: Giai đoạn 2006 – 2010, tỷ lệ giảm nghèo bình quân 3,61%/năm (mục tiêu giai đoạn 2011 – 2015 còn 2,5 – 3%/năm); tỷ lệ giảm nghèo ở các huyện nghèo 4,45% (mục tiêu giai đoạn 2011 – 2015 còn 4%). Tuy nhiên, kết quả giảm nghèo chưa vững chắc, tỷ lệ hộ tái nghèo còn cao; khả năng ứng phó và vươn lên của người hạn chế; chênh lệch giàu – nghèo chưa được thu hẹp.

Do chương trình giảm nghèo chưa bao quát toàn diện công tác giảm nghèo; nguồn lực phân tán, dàn trải; thiếu giải pháp cụ thể; việc tổ chức phối hợp chỉ đạo thực hiện thiếu chặt chẽ.

Các mục tiêu xây dựng phù hợp với kết quả giảm nghèo giai đoạn trước, phù hợp mục tiêu chung cả nước (tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 2%/năm,huyện, xã nghèo giảm 4%/năm) và phù hợp với trình độ phát triển của tỉnh trong suốt giai đoạn 2011 – 2020.

+ Đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu

Tỷ lệ hộ nghèo bình quân 2010 – 2015 giảm 2,83%/năm; năm 2015 còn 10,03%, đạt mục tiêu chính sách. Mức giảm ở các huyện nghèo bình quân 4,9%, vượt mục tiêu chính sách (4%).

2.2.2.2. Đánh giá giải pháp và công cụ chính sách

+ Giải pháp hỗ trợ về giáo dục

Cấp bù 50% học phí cho 7.949 học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, kinh phí 5,408 tỷ đồng. Đối với hộ thoát nghèo, 100% học sinh phổ thông được miễn học phí; hỗ trợ chi phí học tập mức 70 ngàn đồng/học sinh/tháng cho 4.782 trẻ em mẫu giáo và học sinh phổ thông; hỗ trợ tiền ăn trưa cho 445 trẻ em 3,4,5 tuổi mức 120 ngàn đồng/em/tháng; cấp bù 50% học phí cho 465 học sinh, sinh viên.

Tích cực: giúp học sinh, sinh viên nghèo có điều kiện học tập, giảm gánh nặng chi tiêu giáo dục, tạo cơ hội việc làm, góp phần giải quyết căn bản nguyên nhân nghèo liên quan đến giáo dục. Việc hỗ trợ tiền ăn trưa cho trẻ góp phần đảm bảo dinh dưỡng, tăng cường thể chất.

Hạn chế: thiếu tuyên truyền nên người dân không biết, chậm giải quyết chế độ cho người học, mức cấp bù học phí còn thấp. Sinh viên học trường ngoài công lập không được hỗ trợ.

+ Đánh giá giải pháp hỗ trợ về y tế

Hộ nghèo (hộ nghèo không đăng ký thoát nghèo) được ngân sách trung ương cấp miễn phí thẻ BHYT.

Hộ nghèo thuộc đối tượng chính sách của tỉnh được ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% mua thẻ BHYT trong 24 tháng sau khi được công nhận thoát nghèo. Đã cấp 21.658 thẻ BHYT cho đối tượng này.

Hỗ trợ 30% mệnh giá mua thẻ BHYT cho người cận nghèo (ngoài 50% do ngân sách trung ương hỗ trợ theo Luật Bảo hiểm y tế). Đã hỗ trợ cho 588.895 người cận nghèo, kinh phí hỗ trợ 89,212 tỷ đồng.

Cấp bù 5% chi phí cùng chi trả cho người dân tộc thiểu số sinh sống vùng đặc biệt khó khăn. Đã hỗ trợ 929 triệu đồng để thực hiện.

Thông qua hỗ trợ y tế đã nâng độ bao phủ BHYT hộ cận nghèo lên 100%, giúp người cận nghèo có điều kiện chăm sóc sức khỏe, hạn chế rơi xuống hộ nghèo. Tuy nhiên, chính sách này bị nhiều nơi lạm dụng.

Thời gian hỗ trợ BHYT 2 năm cho hộ thoát nghèo quá ngắn. Chậm cấp thẻ cho đối tượng.

Nghiên cứu trường hợp tại thôn Trung Phước 1, xã Quế Trung, huyện Nông Sơn: Một hộ gia đình có chồng làm chủ thầu xây dựng, vợ buôn bán ở chợ, có nhà xây 2 tầng kiên cố, nhiều vật dụng sinh hoạt có giá trị lớn, diện tích đất vườn hơn 1.000m2 tại trung tâm xã,…nhưng vẫn nằm trong danh sách hộ nghèo. Nguyên nhân do hộ có một con bị bệnh nặng cần thẻ BHYT để điều trị.

+ Giải pháp kinh tế

Hộ thoát nghèo được hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn để SXKD, xuất khẩu lao động, mức vay tối đa 20 triệu đồng, thời gian hỗ trợ không quá 36 tháng. Hộ cận nghèo được hỗ trợ 50% lãi suất, mức vay tối đa 15 triệu đồng, thời gian hỗ trợ không quá 12 tháng.

Vốn thực hiện chương trình, chính sách giảm nghèo 7.183,459 tỷ đồng; ngân sách trung ương bố trí thực hiện 6.104 tỷ đồng, ngân sách tỉnh bố trí 858,360 tỷ đồng.

Đã hỗ trợ 100% lãi suất vốn vay cho 3.858 hộ thoát nghèo, kinh phí hỗ trợ 2,858 tỷ đồng. Chính sách khuyến khích hộ vay vốn để cùng với tiền thưởng (5 triệu đồng) phát triển SXKD.

Tuy nhiên, hiệu quả sử dụng nguồn lực ngân sách hạn chế. Dù chi hơn 7.183 tỷ đồng nhưng tỷ lệ hộ nghèo còn cao, cuối năm 2016 còn 11,13%, cao hơn tỷ lệ hộ nghèo bình quân cả nước (gần 10%). Hộ thoát nghèo, cận nghèo không vay được vốn do không có tài sản thế chấp, trong khi ngân hàng CSXH không đủ vốn cho vay. Công tác phân bổ, quyết toán vốn chậm.

Nghiên cứu trường hợp tại xã Bình Lãnh, huyện Thăng Bình: Năm 2015, xã Bình Lãnh được phân bổ hàng chục con bò giống sinh sản từ Chương trình 135 cấp cho hộ nghèo. Trong tổng số 62 hộ được cấp bò thì sau thời gian ngắn có 17 hộ bán bò. Nguyên nhân do cấp sai đối tượng, hộ già, không có khả năng chăn dắt, làm chuồng vẫn được cấp. Giải pháp kinh tế không phát huy hiệu quả khi xác định sai đối tượng.

+ Giải pháp tổ chức hành chính

Đã bố trí 3,8 tỷ đồng để chi hỗ trợ thêm 30% mức lương tối thiểu cho 244 công chức của 244 xã, phường, thị trấn.

Chính sách đã động viên họ có trách nhiệm hơn trong việc thực hiện công tác giảm nghèo tại địa phương.

+ Giải pháp khen thưởng cho hộ và thôn thoát nghèo

Hộ nghèo đăng ký thoát nghèo và thoát nghèo được thưởng 5 triệu đồng. Thôn có tỷ lệ nghèo cao (hơn 30%) đăng ký thoát nghèo và thoát nghèo được thưởng công trình 300 triệu đồng.

Đã thưởng cho 5.328 hộ thoát nghèo năm 2014 với 26 tỷ đồng. Một số địa phương còn trích ngân sách thưởng thêm.

Chính sách động viên, tạo niềm tin, sự công bằng trong việc nỗ lực vượt khó của một bộ phận hộ nghèo.

Tuy nhiên, khi thực hiện bị một số nơi lạm dụng, một bộ phận hộ dân không phải hộ nghèo hoặc không có khả năng thoát nghèo lại được đưa vào đối tượng thụ hưởng chính sách.

Có 10/80 thôn đăng ký thoát nghèo đủ điều kiện được thưởng.

Tích cực, chính sách động viên cán bộ, nhân dân các thôn đoàn kết, tìm giải pháp hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo; tăng cường hạ tầng cho thôn khi được thưởng.

Hạn chế, thôn không phải là cấp ngân sách nên không có nguồn lực để hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận; năng lực, sức khỏe cán bộ thôn chưa đảm bảo.

2.2.2.3. Đánh giá sự tham gia của các chủ thể chính sách

Vai trò của từng chủ thể: cấp ủy, chính quyền, các tổ chức chính trị – xã hội được xác định cụ thể. Các chủ thể trong hệ thống chính trị địa phương phát huy hiệu quả trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách.

Tuy nhiên, công tác phối hợp trong xây dựng và thực hiện chính sách còn hạn chế. Ý kiến góp ý của các sở, ngành vào dự thảo chính sách chưa nhiều và chất lượng. Vai trò phản biện và xây dựng, ban hành chính sách của cơ quan dân cử địa phương còn hạn chế. Người dân chưa được quan tâm lấy ý kiến, nguyện vọng; chưa có sự tham gia của các chuyên gia, nhà hoạch định chính sách.

Trong thực hiện chính sách, năng lực của đội ngũ cán bộ, nhất là ở cơ sở còn bộc lộ hạn chế, nhất là trong điều tra, rà soát hộ nghèo, cá biệt có nơi lạm dụng chính sách như ở Quế Sơn. Vai trò tham gia trực tiếp của doanh nghiệp vào chính sách còn mờ nhạt.

Việc xác định chủ thể chính sách là người nghèo còn thiếu chính xác do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân do tiêu chí xác định hộ nghèo của Chính phủ không phù hợp, gây áp lực cho địa phương như chuyện kể của điều tra viên hộ nghèo thôn Trung Phước 1, xã Quế Trung, huyện Nông Sơn.

Dù có truyền thống lao động cần cù, chịu khó, nhiều hộ nghèo dân tộc thiểu số với phương thức, tập quán sản xuất còn lạc hậu là trở lực trong giảm nghèo. Hộ nghèo dân tộc thiều số, hộ nghèo khu vực miền núi chiếm gần một nửa số hộ nghèo toàn tỉnh.

Một bộ phận nhỏ người dân chưa nhận thức đầy đủ về chính sách hỗ trợ giảm nghèo, chưa tự vươn lên thoát nghèo. Kết quả khảo sát nguyện vọng của hộ nghèo tại khu vực bãi ngang ven biển, trung du, miền núi cho thấy có 309/714 hộ nghèo không muốn thoát nghèo.

Đánh giá chính sách giảm nghèo bền vững từ thực tiễn tỉnh Quảng Nam
Đánh giá chính sách giảm nghèo bền vững từ thực tiễn tỉnh Quảng Nam

2.2.2.4. Đánh giá thể chế chính sách

Các thể chế chính sách được tuân thủ nghiêm túc, nhất là thể chế về cơ chế tài chính. Thể chế chính sách được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, tuy nhiên một bộ phận người dân chưa biết và chưa hiểu về một số thể chế này.

Sự bất cập trong tiêu chí xác định hộ nghèo dẫn đến việc xác định hộ nghèo thiếu chính xác.

2.2.2.5. Đánh giá các nhân tố tác động

+ Thuận lợi: Chuyển dịch cơ cấu kinh tế xã hội của tỉnh theo hướng tích cực nên chính sách giảm nghèo của tỉnh có nhiều thuận lợi, nhất là ở các vùng nông thôn.

Nhiều kết quả và kinh nghiệm trong giảm nghèo giai đoạn 2001 – 2010; thu ngân sách nhà nước tăng; hợp tác quốc tế được mở rộng; công tác cán bộ và cải cách hành chính được quan tâm; tác động cộng hưởng từ chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; công tác giảm nghèo được xã hội hóa. Chính sách tạo được môi trường đồng thuận trong xã hội.

+ Khó khăn: Thiên tai, dịch bệnh phức tạp, biến đổi khí hậu. Sự phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền, đặc biệt là vùng miền núi. Quá trình công nghiệp hoá và đô thị hoá diễn ra với tốc độ nhanh hơn dẫn đến việc thu hồi đất nông nghiệp tăng, việc làm gặp nhiều khó khăn. Hộ nghèo diện bảo trợ xã hội lớn.

Giảm nghèo là vấn đề cấp bách và phức tạp. Các chính sách hỗ trợ của nhà nước dễ làm cho một bộ phận người nghèo, địa phương nghèo có tâm lý ỷ lại, trông chờ vào chính sách. Tỷ lệ hộ nghèo năm 2016 còn đến 11,13%, cao hơn bình quân cả nước (10%), có huyện như huyện Nam Trà My 64,4%. Năm 2012, hơn 50% hộ thoát nghèo tái nghèo.

2.2.3. Đánh giá việc đánh giá chính sách giảm nghèo

Việc đánh giá chính sách giảm nghèo được quan tâm hơn. Khi xây dựng chính sách mới, tỉnh đều đề nghị đánh giá các chính sách liên quan trước đó. Đối với chính sách giảm nghèo, UBND tỉnh đã tổ chức đánh giá và có báo cáo kết quả thực hiện chính sách giảm nghèo giai đoạn 2011 – 2015. Nhiều cơ quan, tổ chức cũng trực tiếp thực hiện giám sát, đánh giá chính sách giảm nghèo: Đoàn ĐBQH tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Ban Văn hóa – Xã hội của HĐND tỉnh.

Chưa có sự tham gia của các tổ chức độc lập, các chuyên gia trên lĩnh vực này. Người nghèo không được mời tham dự các hội nghị, hội thảo đánh giá. Kinh phí đánh giá chính sách chưa tương xứng với tầm quan trọng và nhu cầu thực hiện.

2.2.4. Đánh giá việc hoàn thiện chính sách giảm nghèo

Trên cơ sở kết quả đánh giá của các cơ quan, tổ chức và ý kiến đánh giá của các đại biểu, kỳ họp thứ 4 ngày 19/4/2017, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 13/2017/NQ-HĐND về Chính sách khuyến khích thoát nghèo bền vững giai đoạn 2017 – 2021.

So với chính sách giảm nghèo giai đoạn 2011 – 2015, chính sách khuyến khích thoát nghèo giai đoạn 2017 – 2021 có nhiều nội dung được hoàn thiện hơn.

Đối tượng áp dụng chính sách được cụ thể bằng các tiêu chí, điều kiện: hộ nghèo về tiêu chí thu nhập có khả năng thoát nghèo (không áp dụng đối với hộ nghèo thuộc diện bảo trợ xã hội và hộ nghèo thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản) và hộ cận nghèo tự nguyện làm đơn đăng ký thoát nghèo. Chính sách lần này bổ sung vai trò của doanh nghiệp, cơ sở SXKD, HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình SXKD tạo việc làm cho người thuộc hộ nghèo, cận nghèo.

Giải pháp chính sách giai đoạn này thiên về hỗ trợ theo nguyên nhân nghèo, hỗ trợ phát triển SXKD. Một số nội dung hỗ trợ khuyến khích thoát nghèo chủ yếu giai đoạn 2017 – 2021: Bảng 2.9

Cộng đồng thôn, hằng năm được thưởng 3 triệu đồng/hộ nghèo, cận nghèo thoát nghèo.

CHƯƠNG 3

GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN ĐÁNH GIÁ

CHÍNH SÁCH GIẢM NGHÈO

3.1. Nhu cầu, mục tiêu, định hướng hoàn thiện đánh giá chính sách giảm nghèo

3.1.1. Thực trạng đánh giá chính sách giảm nghèo và nhu cầu hoàn thiện việc đánh giá chính sách giảm nghèo

Việc ban hành và thực hiện chính sách công ở nước ta hiện nay vẫn còn những thiếu sót không chỉ trong khâu tổ chức thực hiện mà cả trong hoạch định, đánh giá và hoàn thiện chính sách.

Nhận thức về đánh giá chính sách còn đơn giản, tính phối hợp và trách nhiệm trong đánh giá chưa cao. Các cơ quan ban hành và thực hiện không có kế hoạch đánh giá chính sách. Chưa chủ động xây dựng bộ tiêu chí khách quan đánh giá chính sách giảm nghèo.

Trong thực hiện chính sách, nhận thức không đầy đủ về đánh giá chính sách đã thể hiện những hạn chế không dễ khắc phục. Các văn bản chính sách đã thay đổi khi diễn giải về cách tiếp cận nghèo đa chiều, nhưng tư duy của người thiết kế lẫn người thực hiện chính sách vẫn thiên về hỗ trợ trực tiếp. Do thiếu đánh giá về sự tham gia của các chủ thể, nên đối tượng chính sách như các nhóm nghèo, cận nghèo hay mới thoát không được chú ý đúng mức.

Chương 2, luận văn chỉ ra những tích cực, hạn chế của chính sách giảm nghèo tỉnh Quảng Nam, có liên quan đến vấn đề đánh giá chính sách. Do thiếu đánh giá mục tiêu chính sách là giảm nghèo bền vững nên xác định hộ nghèo gặp khó khăn, tiêu chí xác định nghèo đa chiều nhiều bất cập. Việc tỉnh đề ra điều kiện đăng ký thoát nghèo để trở thành đối tượng chính sách là sáng kiến tích cực, hạn chế tư tưởng ỷ lại nhưng cũng thể hiện sự thiếu quan tâm đến hoàn cảnh, trình độ nhận thức và năng lực thực tế của hộ nghèo. Do thiếu đánh giá công tác tuyên truyền nên bộ phận người dân thiếu tiếp cận với chính sách, hiểu sai về chính sách, trông chờ, ỷ lại.

3.1.2. Mục tiêu hoàn thiện đánh giá chính sách giảm nghèo

Trước hết cần xác định mục tiêu hoàn thiện đánh giá chính sách là hoàn thiện đánh giá tất cả các khâu của chu trình chính sách như đã nêu ở trên.

Từng khâu của chu trình chính sách cần có sự đánh giá theo những tiêu chí phù hợp về nội dung và mục đích của nó.

Cần hoàn thiện thể chế chính sách trong đó có thể chế đánh giá chính sách phù hợp như cơ chế đánh giá khách quan, dân chủ có sự tham gia và phối hợp của mọi chủ thể.

Có đề án chính sách và đánh giá thực hiện đề án chính sách.

Tổng kết việc đánh giá, công bố kết quả đánh giá ở phạm vi cần thiết.

3.1.3. Định hướng hoàn thiện đánh giá chính sách giảm nghèo

Cần xây dựng bộ chỉ số đánh giá cho từng chính sách, bao gồm: chỉ số mục tiêu, chỉ số nguyên nhân, chỉ số vấn đề chính sách. Đồng thời, thiết lập các tiêu chí đánh giá chính sách một cách đầy đủ: Tính hiệu lực, tính công bằng, tính hiệu quả,…

Chú trọng đánh giá tác động của chính sách đến các đối tượng hưởng lợi từ chính sách.

Mức độ giải quyết vấn đề chính sách. Đánh giá mức độ giải quyết vấn đề đói, nghèo, không chỉ đưa ra chỉ tiêu nghèo đã giảm bao nhiêu phần trăm, mà còn xem xét các khía cạnh người nghèo tiếp cận các dịch vụ công: y tế, giáo dục, nước sạch,…

3.2. Giải pháp hoàn thiện đánh giá chính sách giảm nghèo

3.2.1. Giải pháp hoàn thiện đánh giá thể chế chính sách

Thể chế chính sách là yếu tố bảo đảm về định chế cho sự tồn tại và vận hành của tất cả các yếu tố cấu thành chính sách như mục tiêu, giải pháp, chủ thể, thể chế. Việc đánh giá thể chế chính sách được tiến hành khi thực trạng các kết quả và hạn chế của chính sách trở thành vấn đề cần xem xét, đánh giá để hoàn thiện.

Có cơ chế đánh giá định kỳ về thể chế chính sách ở các thời điểm trước, sau và song hành với các giai đoạn của chính sách. Đó là cơ chế tham vấn thường xuyên với các chủ thể tham gia chính sách và các cơ quan chức năng liên quan tới chính sách.

3.2.2. Giải pháp hoàn thiện đánh giá giải pháp chính sách

Việc đánh giá các giải pháp và công cụ chính sách không chỉ dựa trên mối quan hệ của chúng với mục tiêu chính sách mà còn dựa trên đặc điểm thực tiễn của đối tượng chính sách và địa phương thực hiện. Khoảng 50% số hộ nghèo của Quảng Nam không đăng ký thoát nghèo bị đặt ra ngoài đối tượng thụ hưởng các chế độ chính sách. Không phải họ không muốn đăng ký mà vì họ không biết làm thế nào để đăng ký và thực hiện cam kết khi đăng ký với chính quyền.

3.2.3. Giải pháp hoàn thiện đánh giá việc nâng cao năng lực của các chủ thể

Khi đánh giá vai trò và năng lực tham gia chính sách của các chủ thể, cần xác định các loại năng lực khác nhau của các chủ thể khác nhau để giúp họ nâng cao năng lực như: chủ thể thiết kế và hoạch định chính sách, chủ thể thực hiện chính sách,…

3.3. Một số kiến nghị

3.3.1. Đối với Chính phủ và các bộ, ngành trung ương

Xác định đúng vai trò của đánh giá chính sách công, chính sách giảm nghèo. Tăng cường hướng dẫn và kiểm tra, giám sát việc thực hiện các quy định trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật 2015, lưu ý thực hiện quy trình hoạch định chính sách.

Quy định mục ngân sách chi cho công tác tổ chức đánh giá chính sách trong lập, thực hiện dự toán ngân sách hằng năm và kế hoạch tài chính trung hạn.

3.3.2. Đối với các cấp chính quyền tỉnh Quảng Nam

Thực hiện đúng các quy định về quy trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật theo Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Tổ chức việc đánh giá các chính sách đảm bảo các nguyên tắc, yêu cầu của đánh giá chính sách công. Dành nguồn kinh phí đảm bảo cho công tác tổ chức đánh giá các chính sách.

KẾT LUẬN

Chính sách giảm nghèo bền vững ở nước ta đã mang lại nhiều thành quả quan trọng. Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện chính sách giảm nghèo vẫn còn những hạn chế nhất định.

Đối với Quảng Nam, các kết quả đánh giá chính sách giảm nghèo bền vững từ thực tiễn của tỉnh giai đoạn 2011 – 2016 đã chỉ ra nhiều thành quả quan trọng cũng như hạn chế, khó khăn trong quá trình thực hiện chính sách.

Quá trình xây dựng, tổ chức thực hiện và đánh giá, hoàn thiện chính sách của tỉnh vẫn còn những hạn chế nhất định, khiến kết quả giảm nghèo của tỉnh chưa được như mong muốn.

Những kết quả đánh giá ban đầu của luận văn về chính sách giảm nghèo bền vững sẽ là cơ sở để tỉnh hoàn thiện chính sách giảm nghèo cho các giai đoạn tiếp theo, làm cho chính sách giảm nghèo của tỉnh sẽ là một chính sách công tốt, đáp ứng sự mong đợi từ xã hội, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững.

Bên cạnh đó, luận văn còn đề xuất một số giải pháp và kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả công tác đánh giá chính sách, làm cơ sở để hoàn thiện chính sách công nói chung, chính sách giảm nghèo nói riêng của tỉnh và ở nước ta.

LIỆN HỆ:

SĐT+ZALO: 0935568275

E:\DỮ LIỆU COP CỦA CHỊ YẾN\LUAN VAN VIEN HAN LAM\VIEN HAN LAM DOT 6\CHINH SACH CONG\DANG HUU HAI\SAU BAO VE

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *