ÁP DỤNG HÌNH PHẠT TỬ HÌNH TỪ THỰC TIỄN

ÁP DỤNG HÌNH PHẠT TỬ HÌNH TỪ THỰC TIỄN

ÁP DỤNG HÌNH PHẠT TỬ HÌNH TỪ THỰC TIỄN CÁC TỈNH MIỀN TRUNG, VIỆT NAM

1. Tính cấp thiết của đề tài

Tử hình là hình phạt đã có lịch sử từ lâu đời, là loại hình phạt đặc biệt, nghiêm khắc nhất trong hệ thống các hình phạt được quy định trong Bộ luật Hình sự. Đó là một hiện tượng xã hội mang tính khách quan, do điều kiện Kinh tế xã hội cụ thể của một quốc gia quy định. Xu thế phát triển của nhân loại là tiến tới loại bỏ hình phạt tử hình ra khỏi hệ thống các hình phạt trong pháp luật hình sự. Phần lớn pháp luật hình sự các quốc gia Châu Âu và nhiều nước có nền kinh tế tiên tiến trên thế giới không còn quy định hình phạt tử hình, phù hợp với những yêu cầu cụ thể về quyền sống, (quyền con người) trong Luật nhân quyền quốc tế, trong Công ước quốc tế về quyền dân sự, chính trị (ICCPR) được Đại hội đồng Liên hiệp quốc thông qua năm 1966, có hiệu lực năm 1976, Việt Nam phê chuẩn năm 1982.

Mục đích của hình phạt là kết quả thực tế cuối cùng do Nhà nước đặt ra và mong muốn đạt được; mục đích của hình phạt tử hình là ngăn ngừa người bị kết án phạm tội mới (phòng ngừa riêng), ngăn ngừa người khác phạm tội (ngăn ngừa chung). Đây không chỉ là vấn đề có tính pháp lý mà còn là vấn đề liên quan đến chính trị, chủ quyền quốc gia, văn hóa, xã hội, đạo đức, tôn giáo, gây nhiều tranh cãi với rất nhiều quan điểm khác nhau trên thế giới cũng như ở Việt Nam; là chủ đề có tính thời sự, nóng bỏng, các nước phương Tây không ít lần gây khó dể với chúng ta, thậm chí là cái cớ, lợi dụng nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.

So với các yêu cầu cụ thể về quyền sống (quyền con người) trong Luật nhân quyền quốc tế, Pháp luật hình sự chúng ta vẫn còn một khoảng cách. So với điều kiện kinh tế – xã hội của Việt Nam hiện tại và trong tương lai của xu thế toàn cầu hóa kinh tế và pháp luật thì chính sách hình sự (về hình phạt tử hình) của chúng ta cần phải chọn lựa bước đi phù hợp vừa đảm bảo chủ quyền quốc gia, nền kinh tế, chính trị, xã hội và văn hóa, bảo đảm quyền con người, vừa bảo đảm hội nhập quốc tế; một bài toán khó phải tìm lời giải cả về phương diện lý luận, pháp luật lẫn phương diện thực tiễn áp dụng pháp luật về hình phạt tử hình.

* Xét về phương diện lý luận, pháp luật:

Có thể nói đã có hàng trăm công trình nghiên cứu trong nước và quốc tế với rất nhiều quan điểm khác nhau tranh cãi về hình phạt tử hình. Các tranh cãi chủ yếu xoay quanh vấn đề tính đạo đức và tính pháp lý của hình phạt tử hình, có nên bỏ tử hình ra khỏi hệ thống hình phạt hay không. Đây là vấn đề hết sức thời sự, có tính cấp bách cần phải được luận giải một cách khoa học.

* Về phương diện áp dụng pháp luật về hình phạt tử hình:

Trong thời gian qua, Tòa án cả nước đã tuyên án tử hình hàng nghìn bị cáo. Trong đó, Tòa án nhân dân các tỉnh Miền Trung, Việt Nam đã xét xử tuyên án tử hình 19 bị cáo. Việc xét xử của các Tòa án cơ bản đúng người, đúng tội, đúng tính chất, mức độ hành vi phạm tội và hậu quả do bị cáo gây ra. Tuy nhiên vẫn còn những sai lầm, hạn chế trong việc đánh giá chứng cứ, xác định tính chất, mức độ hành vi phạm tội, hậu quả vụ án, các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, từ đó quyết định hình phạt không chính xác. Vì vậy việc xét xử tuyên án tử hình hay không tử hình một con người phạm tội là việc hệ trọng, liên quan đến quyền con người, cần phải chính xác, đây là một đòi hỏi có tính cấp bách.

Từ những bất cập về phương diện lý luận, pháp luật và những hạn chế, thiếu sót trong thực tiễn áp dụng pháp luật về hình phạt tử hình tại Tòa án nhân dân các tỉnh Miền Trung, Việt Nam, cần có những giải pháp khoa học để khắc phục trên cơ sở lấy thực tiễn kiểm nghiệm lý luận và pháp luật. Chính vì lẽ đó, tác giả chọn đề tài Áp dụng hình phạt tử hình từ thực tiễn các tỉnh miền Trung, Việt Nam” với cách tiếp cận xã hội học, xã hội pháp luật làm nền tảng nghiên cứu để góp phần luận giải những tồn tại từ các phương diện nêu trên.

2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài

3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

3.1. Mục đích nghiên cứu

Trên cơ sở nghiên cứu phân tích làm sáng tỏ những vấn đề lý luận, pháp luật và thực tiễn áp dụng pháp luật về hình phạt tử hình tại TAND các tỉnh Miền Trung, Việt Nam, tác giả đề xuất các giải pháp khoa học để nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật về hình phạt tử hình trong hoạt động xét xử nhằm bảo vệ quyền con người, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp, góp phần đấu tranh phòng chống tội phạm tại các tỉnh Miền Trung, Việt Nam.

3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

Để đạt được mục đích nêu trên, luận văn có nhiệm vụ:

Làm sáng tỏ những vấn đề chung về áp dụng hình phạt tử hình như khái niệm, đặc điểm, bản chất pháp lý, ý nghĩa của hình phạt tử hình; khái niệm, đặc điểm của áp dụng hình phạt tử hình; các quan điểm về hình phạt tử hình, các yếu tố tác động đến áp dụng hình phạt tử hình, những vấn đề cơ bản của pháp luật về hình phạt tử hình.

Làm rõ thực trạng áp dụng hình phạt tử hình ở các tỉnh Miền Trung, Việt Nam, trên cơ sở đó đánh giá những ưu điểm cũng như những thiếu sót, tồn tại trong hoạt động áp dụng hình phạt tử hình; tìm ra nguyên nhân của những hạn chế thiếu sót đó, đề xuất các giải pháp khắc phục.

Điểm mới của Luận Văn là dựa trên cách tiếp cận xã hội học, xã hội học pháp luật; tác giả nghiên cứu thực tiễn áp dụng pháp luật về hình phạt tử hình tại TAND các tỉnh Miền Trung, Việt Nam, làm cơ sở để kiến nghị loại bỏ hay không loại bỏ hình phạt tử hình.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

4.1. Đối tượng nghiên cứu

Đề tài nghiên cứu ba lĩnh vực cơ bản, đó là:

Nghiên cứu về lý luận và pháp luật về áp dụng hình phạt tử hình.

Nghiên cứu thực tiễn áp dụng pháp luật về hình phạt tử hình tại TAND các tỉnh Miền Trung, Việt Nam.

Nghiên cứu về quan điểm, định hướng của Đảng, chính sách pháp luật hình sự của Nhà nước về áp dụng hình phạt tử hình, các giải pháp bảo đảm áp dụng đúng hình phạt tử hình.

4.2. Phạm vi nghiên cứu

Về không gian: Nghiên cứu chế định pháp lý hình phạt tử hình quy định trong BLHS năm 2015 trên cơ sở có so sánh với các quy định về hình phạt tử hình trước đây. Nghiên cứu thực tiễn áp dụng pháp luật về hình phạt tử hình tại TAND các tỉnh miền Trung, Việt Nam.

Về thời gian: Số liệu xét xử được sử dụng nghiên cứu là 5 năm, từ năm 2015 đến năm 2019.

5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu

5.1. Cơ sở lý luận

Đề tài nghiên cứu dựa trên cơ sở lý luận là phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của Chủ nghĩa Mác – Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, các quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về quyền con người.

5.2. Phương pháp nghiên cứu

Đề tài sử dụng kết hợp nhiều phương pháp nghiên cứu như: Phân tích, tổng hợp, so sánh, thống kê, tội phạm học, điều tra tội phạm, xã hội học, dự báo khoa học, quy nạp, diễn dịch…Tùy thuộc vào nội dung từng chương, tác giả sử dụng các phương pháp phù hợp.

6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn

6.1. Ý nghĩa lý luận:

Kết quả nghiên cứu của Luận văn đóng góp tích cực để bổ sung, hoàn thiện về lý luận và pháp luật hình sự về hình phạt tử hình.

6.2. Ý nghĩa thực tiễn:

Kết quả nghiên cứu của Luận văn là cơ sở quan trọng cho các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự và các cơ quan khác có liên quan tại Miền Trung, Việt Nam tham khảo để khắc phục những sai lầm thiếu sót trong hoạt động xét xử, nâng cao chất lượng hoạt động áp dụng pháp luật về hình phạt tử hình, bảo vệ quyền con người, có thể được sử dụng làm tài liệu phục vụ giảng dạy, học tập và nghiên cứu khoa học trong các cơ sở đào tạo pháp luật và các cơ sở đào tạo khác có liên quan.

7. Kết cấu của luận văn

Luận văn được thiết kế theo 3 chương như sau:

Chương 1: Một số vấn đề chung và pháp luật về áp dụng hình phạt tử hình.

Chương 2: Thực tiễn áp dụng pháp luật về hình phạt tử hình tại Tòa án nhân dân các tỉnh miền Trung, Việt Nam.

Chương 3: Quan điểm, định hướng và các giải pháp bảo đảm áp dụng đúng hình phạt tử hình trong các vụ án hình sự tại Tòa án nhân dân các tỉnh Miền Trung, Việt Nam.

CHƯƠNG 1

MỘT SỐ VẤN ĐỀ CHUNG VÀ PHÁP LUẬT VỀ ÁP DỤNG HÌNH PHẠT TỬ HÌNH

1.1. Một số vấn đề chung về áp dụng hình phạt tử hình.

1.1.1. Khái niệm về áp dụng hình phạt:

Theo Điều 30 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì “Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước được quy định trong Bộ luật này, do Tòa án quyết định áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người, pháp nhân thương mại đó”.

Như vậy về lý luận pháp luật thì đây là hoạt động của Tòa án, là chủ thể được quy định trong BLHS. Biện pháp cưỡng chế của Nhà nước chỉ phát huy tác dụng trong đấu tranh, phòng chống tội phạm khi được Tòa án nhân danh Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam áp dụng thông qua hoạt động xét xử các vụ án hình sự bằng bản án của Hội đồng xét xử (do Thẩm phán, Hội thẩm thực hiện).

Việc HĐXX ra bản án áp dụng hình phạt đối với người, pháp nhân thương mại phạm tội là kết tinh của quá trình đánh giá tính hợp pháp của các tài liệu, chứng cứ do cơ quan điều tra, Viện kiểm sát thu thập được. Tuy nhiên phán quyết của HĐXX được đưa ra là một quá trình tư duy trong một quy trình tố tụng chặt chẽ. Đó là sự thuân thủ nguyên tắc xử lý chung được quy định tại Điều 3 BLHS; các nguyên tắc xử lý, áp dụng hình phạt đối với các trường hợp đặc biệt như đối với người chưa thành niên phạm tội, các nguyên tắc áp dụng hình phạt tử hình; sự áp dụng chính xác các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ; nhân thân người phạm tội (Điều 50 BLHS – Căn cứ quyết định hình phạt); sự áp dụng chính xác các điều luật quy định tội phạm cụ thể và hình phạt tương ứng. Theo quy định tại Điều 32 BLHS thì Tòa án chỉ được áp dụng các hình phạt được quy định trong BLHS, bao gồm hình phạt chính như: Cảnh cáo, Phạt tiền, Cải tạo không giam giữ, Trục xuất, Tù có thời hạn, Tù chung thân, Tử hình (7 loại) cùng với các hình phạt bổ sung được quy định tại Điều 32 BLHS và các hình phạt đối với pháp nhân thương mại phạm tội quy định tại Điều 33 BLHS. Và cuối cùng là đưa ra một hình phạt tương ứng với hành vi, hậu quả do bị cáo gây ra, tương xứng với mức độ phản ứng, tự vệ của Nhà nước. Việc HĐXX áp dụng hình phạt chính xác sẽ phát huy tích cực hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm, đem lại sự bình yên cho xã hội và góp phần cải tạo, giáo dục người phạm tội; làm cho họ thấy được tính nghiêm minh của pháp luật để tự giác cải tạo. Suy cho cùng một đạo luật dù có tiên tiến đến đâu nhưng hoạt động áp dụng pháp luật của Tòa án kém hiệu quả thì đạo luật đó sẽ không đi vào đời sống xã hội, không phục vụ lợi ích an ninh, an toàn của xã hội, hay ở nghĩa khác là sức mạnh tự vệ của Nhà nước bị giảm sút.

1.1.2. Khái niệm, đặc điểm của áp dụng hình phạt tử hình:

Áp dụng hình phạt tử hình là một quy trình tố tụng đặc biệt, được thực hiện dựa trên nền tảng pháp lý được quy định tại Điều 30 BLHS. Tuy nhiên khi áp dụng một hình phạt cụ thể đối với một tội danh cụ thể, đặc biệt là hình phạt tử hình thì nó còn có những nét đặc biệt và đặc thù. Vì vậy khái niệm, đặc điểm của áp dụng hình phạt tử hình cũng có những nét đặc thù, riêng biệt mà việc áp dụng các hình phạt khác không có.

– Khái niệm:

+ Về phương diện pháp luật: Tử hình là một hình phạt đặc biệt và nghiêm khắc nhất được quy định trong pháp luật hình sự, tác động trực tiếp lên hành vi của người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, bắt họ phải chịu sự trừng phạt nghiêm khắc nhất, thể hiện sự phản ứng cứng rắn nhất của Nhà nước. Hay nói cách khác khi một người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng gây phương hại to lớn đến sự an toàn xã hội, đến tính mạng con người…đến mức phải tử hình thì họ phải trả giá tương xứng cho hành vi phạm tội của mình bằng hình phạt tử hình do Nhà nước đặt ra, đó là giới hạn cuối cùng của sự phòng vệ của Nhà nước. Áp dụng hình phạt tử hình để tước đoạt quyền sống của người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng được thực hiện thông qua hoạt động xét xử của Tòa án theo một trình tự thủ tục chặt chẽ do BLTTHS quy định.

+ Về phương diện thực tiễn:

Nếu như chỉ dừng lại ở quy định của pháp luật hình sự thực định thì sẽ không có bản án tử hình và thi hành án tử hình xảy ra. Do đó hình phạt tử hình chỉ được tác động lên hành vi của người phạm tội thông qua tư duy của người có thẩm quyền áp dụng pháp luật đó là Hội đồng xét xử. Thẩm phán, Hội thẩm là những người tiến hành tố tụng phải nghiên cứu, đánh giá tác hại do hành vi phạm tội gây ra cho xã hội và cho con người. Nếu hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng đó cần thiết phải áp dụng tử hình thì Hội đồng xét xử căn cứ vào điều luật quy định trong BLHS để tuyên bản án tử hình đối với người phạm tội. Như vậy bản án tử hình thể hiện việc Hội đồng xét xử nhân danh Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thay mặt cho Nhà nước thực hiện sự phản ứng mạnh mẽ nhất và cao nhất đối với người phạm tội thông qua phương tiện do Nhà nước đặt ra đó là pháp luật về hình phạt tử hình, với hình thức thể hiện là một bản án kết tội và tuyên hình phạt tử hình đối với người đó.

Từ phương diện pháp luật và thực tiễn áp dụng hình phạt tử hình tác giả đề xuất một khái niệm về áp dụng hình phạt tử hình như sau:

“Áp dụng hình phạt tử hình là một quy trình tố tụng đặc biệt, chặt chẽ do Bộ luật tố tụng hình sự quy định, được Hội đồng xét xử của Tòa án có thẩm quyền nhân danh Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam áp dụng các quy định về hình phạt tử hình để xét xử và tuyên án tử hình đối với một người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng; được kết thúc bằng bản án hoặc quyết định có hiệu lực pháp luật”.

– Đặc điểm:

Nếu như hình phạt tử hình dưới góc độ pháp luật có những đặc điểm riêng của nó thì hoạt động áp dụng hình phạt tử hình cũng có những đặc điểm riêng của nó và có mối liên hệ không thể tách rời với các đặc điểm về hình phạt tử hình. Theo đó trên quan điểm xã hội học thì áp dụng hình phạt tử hình có những đặc điểm sau đây:

Thứ nhất: Áp dụng hình phạt tử hình là một quy trình tố tụng bắt buộc và chặt chẽ nhất được chủ thể có thẩm quyền do pháp luật quy định thực hiện. Vì tử hình là tước bỏ quyền sống của người phạm tội; là một việc hệ trọng nên quy trình tố tụng bắt buộc chặt chẽ hơn việc áp dụng hình phạt không phải là tử hình. Chủ thể áp dụng chỉ là Hội đồng xét xử mà thôi.

Thứ hai: Áp dụng hình phạt tử hình gắn liền với tội phạm đặc biệt nghiêm trọng và thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng. Bỡi lẽ chỉ có tội phạm đặc biệt nghiêm trọng thì BLHS mới quy định hình phạt tử hình và không phải mọi trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng đều bắt buộc tử hình mà còn phải thuộc trường hợp đặc biệt nghiêm trọng (trong tội phạm đặc biệt nghiêm trọng có trường hợp đặc biệt nghiêm trọng).

Thứ ba: Áp dụng hình phạt tử hình chính là cụ thể hóa phản ứng cao nhất và cuối cùng của Nhà nước đối với người thực hiện hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng bằng việc Hội đồng xét xử căn cứ vào hình phạt tử hình do Nhà nước quy định trong BLHS tuyên bản án tử hình đối với người phạm tội và bản án được thi hành thông qua quy trình, thủ tục đặc biệt mang tính nhân đạo nhất. Tức là Nhà nước không còn cách phản ứng nào khác ngoài việc phải tử hình người phạm tội.

Thứ tư: Áp dụng hình phạt tử hình đối với một số tội danh quy định trong Bộ luật Hình sự là sự răn đe cần thiết của Nhà nước, phù hợp với điều kiện kinh tế, xã hội của Việt Nam hiện nay. Nghĩa là chỉ có những tội đặc biệt nghiêm trọng gây phương hại lớn (đặc biệt) cho xã hội thì mới áp dụng hình phạt tử hình, còn những tội gây phương hại không lớn thì Nhà nước phản ứng bằng cách khác như tù chung thân, tù có thời hạn…

Thứ năm: Áp dụng hình phạt tử hình là chỉ đối với cá nhân người phạm tội. Tử hình là đối với con người cụ thể, không thể tử hình đối với pháp nhân thương mại phạm tội mặc dù pháp nhân thương mại là một trong hai chủ thể của trách nhiệm hình sự.

Thứ sáu: Áp dụng pháp luật về hình phạt tử hình không chỉ để tước đoạt quyền sống của người bị kết án mà còn để loại trừ các trường hợp đặc biệt ra khỏi hình phạt tử hình. Trong những trường hợp đặc biệt (như người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, phụ nữ nuôi con dưới 36 tháng tuổi, người từ đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử), mặc dù tính chất hành vi phạm tội, hậu quả do họ gây ra ngang nhau với tính chất hành vi phạm tội và hậu quả do người phạm tội bình thường gây ra, lẽ ra phải tử hình nhưng Tòa án không áp dụng hình phạt tử hình đối với họ. Các nội dung này thể hiện chính sách nhân đạo đặc biệt của Nhà nước, vì vậy đây cũng là đặc điểm đặc biệt của áp dụng hình phạt tử hình.

Thứ bảy: Áp dụng hình phạt tử hình là đảm bảo sự công bằng của xã hội, “đáng tội chết thì phải chết”. Nếu đáng tội chết mà không phải chết là sự bất công bằng và không phải là bản chất của pháp luật.

1.1.3. Khái niệm, đặc điểm, bản chất pháp lý, ý nghĩa của hình phạt tử hình và các quan điểm về hình phạt tử hình

Khái niệm:

Tử hình là hình phạt đặc biệt và nghiêm khắc nhất đã có từ lâu đời, được quy định trong pháp luật hình sự Việt Nam kể từ sau khi Cách mạng Tháng 8/1945 thành công, Nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Trải qua chiều dài của lịch sử ¾ thế kỷ, nhận thức, lý luận về hình phạt tử hình không ngừng được bổ sung, hoàn thiện theo xu hướng giảm dần và tiến tới loại bỏ hình phạt tử hình ra khỏi đời sống pháp luật. Tử hình là hình phạt gây ra tranh luận rất nhiều với nhiều quan điểm khác nhau và gắn liền với ý chí của giai cấp cầm quyền. Hiện nay rất nhiều nước trên thế giới đã loại bỏ hình phạt tử hình như các nước thuộc khu vực Tây Âu, một số bang của Hoa Kỳ,…; tuy nhiên vẫn còn hàng trăm nước trên thế giới trong đó có Việt Nam vẫn duy trì hình phạt tử hình trong pháp luật hình sự. Pháp luật hình sự Việt Nam quy định hình phạt tử hình cũng như áp dụng trong thực tiễn đã khẳng định một chính sách hình sự nghiêm minh, công bằng, phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của Việt Nam. Luật nhân quyền quốc tế cũng khuyến khích các quốc gia đi theo xu hướng loại bỏ hình phạt tử hình. Chính vì có rất nhiều quan điểm khác nhau về hình phạt tử hình nên cũng có nhiều cách tiếp cận khác nhau khi đưa ra định nghĩa về hình phạt tử hình.

Theo từ điển tiếng Việt thì “Tử hình là hình phạt phải chịu tội chết” [1]. Còn theo Từ điển giải thích thuật ngữ luật học thì “Tử hình là hình phạt tước bỏ quyền sống của người bị kết án. Tử hình được coi là hình phạt đặc biệt trong hệ thống hình phạt của Luật hình sự Việt Nam. Là hình phạt nghiêm khắc nhất, tử hình chỉ được áp dụng đối với các trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và chỉ được thi hành theo một thủ tục tố tụng chặt chẽ” [2]

Theo gốc từ Hán Việt, “Tử hình có nghĩa là hình phạt chết. Song xét ở phương diện pháp lý thì hình phạt tử hình được hiểu là sự tước bỏ tính mạng của một con người theo bản án được tuyên bởi một Tòa án được lập ra một cách hợp pháp, nhằm trừng phạt người đó vì đã phạm một tội ác đặc biệt nghiêm trọng”[3]

Theo quy định tại Điều 40 Bộ luật Hình sự năm 2015 thì “Tử hình là hình phạt đặc biệt chỉ áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thuộc một trong nhóm các tội xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm tính mạng con người, các tội phạm về ma túy, tham nhũng và một số tội phạm đặc biệt nghiêm trọng khác do Bộ luật này quy định”. Xuất phát từ tinh thần nhân đạo, điều luật này còn quy định không áp dụng hình phạt tử hình đối với người dưới 18 tuổi khi phạm tội, phụ nữ có thai, nuôi con dưới 36 tháng tuổi hoặc người đủ 75 tuổi trở lên khi phạm tội hoặc khi xét xử và không thi hành án tử hình đối với một số trường hợp đặc biệt.

Từ quy định của BLHS về hình phạt tử hình, cho phép chúng ta phân biệt với quyền an tử mà pháp luật một số nước trên thế giới đã quy định. Theo đó pháp luật một số nước giành cho người mắc bệnh nan y, hiểm nghèo được quyền chọn cái chết không đau đớn, giải thoát họ khỏi tình trạng bệnh tật đau đớn, kéo dài, vô vọng, bằng sự trợ giúp của người khác (thông thường là bác sĩ).

Có thể nói có rất nhiều định nghĩa về tử hình ở nhiều cách tiếp cận khác nhau; nhưng căn cứ vào Điều 40 BLHS năm 2015 quy định về tử hình cùng với các định nghĩa do các nhà khoa học pháp lý đưa ra trước đây, tác giả có thể đề xuất một định nghĩa về tử hình như sau: “Tử hình là hình phạt đặc biệt và nghiêm khắc nhất trong hệ thống hình phạt của Luật hình sự Việt Nam, là hình phạt tước bỏ quyền sống của người bị kết án, chỉ được áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, thuộc một trong các nhóm tội do Bộ luật Hình sự quy định có hình phạt tử hình”

Đặc điểm:

Từ những định nghĩa theo các cách tiệp cận nêu trên và từ quy định của Bộ luật Hình sự, chúng ta thấy được hình phạt tử hình là một hiện tượng xã hội mang tính khách quan, nằm trong hệ thống các hình phạt của Bộ luật Hình sự nên có những đặc điểm chung, đó là: Là biện pháp cưỡng chế của Nhà nước, được quy định trong Bộ luật Hình sự, được Tòa án áp dụng theo một tố tụng chặt chẽ, nghiêm minh, công bằng đối với người bị kết án, đảm bảo sự bình yên của xã hội…Song vì nó là hình phạt đặc biệt nên có những đặc điểm riêng:

– Vì nó tước đi quyền sống của người bị kết án, nên chỉ được áp dụng đối với người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và trong những trường hơp đặc biệt nghiêm trọng.

– Hình phạt tử hình có mục đích phòng ngừa tái phạm tội một cách triệt để đối với người bị kết án, tước bỏ cơ hội tái hòa nhập cộng đồng của họ.

– Hình phạt tử hình còn có khả năng đạt hiệu quả cao trong đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung.

– Hình phạt tử hình có tính chất không thay đổi, nó tước đi khả năng khắc phục sai lầm trong hoạt động tư pháp[4]

Bản chất pháp lý của hình phạt tử hình:

Mác viết “Hình phạt không phải là một cái gì khác ngoài phương tiện để bảo vệ mình của xã hội chống lại sự vi phạm của các điều kiện tồn tại đó”[5]. Như vậy hình phạt tử hình thực chất là thể hiện sự phản ứng cao nhất của Nhà nước đối với hành vi phạm tội đặc biệt nghiêm trọng và có tính lịch sử. Hay nói cách khác, hình phạt tử hình là cách thức, là phương tiện mạnh mẽ nhất được giai cấp cầm quyền sử dụng để chống lại hành vi nguy hiểm cho xã hội. Một Nhà nước có khả năng tự vệ cao trước các hành vi phạm tội thì khả năng quy định và áp dụng hình phạt tử hình càng thấp thậm chí là bằng không, pháp luật các nước Tây Âu đã minh chứng điều đó. Một vấn đề đặt ra bản chất của hình phạt tử hình có phải là nhân đạo hay không? Câu hỏi này cũng được đa số các học giả quan tâm đề cập, nhưng theo quan điểm của tác giả thì hình phạt tử hình trong hệ thống các hình phạt được Bộ luật Hình sự Việt Nam quy định ngoài việc trừng trị còn có tính nhân đạo. Xét trên bình diện cộng đồng và sự ứng xử của Nhà nước đối với người bị tử hình thì cho dù một người bị Tòa án kết án tử hình nhưng quá trình xét xử đều được thực hiện theo một quy trình đặc biệt, chặt chẽ và bảo đảm tinh thần nhân đạo đối với họ, bản thân họ và cộng đồng xã hội đều nhìn nhận được sự ân huệ của Nhà nước đối với người bị kết án tử hình trước khi chết (được đối xử nhân đạo)

Ý nghĩa của hình phạt tử hình:

Có thể nói trong điều kiện kinh tế – xã hội đất nước ta còn thấp so với nhiều quốc gia trên thế giới, chúng ta vẫn còn một khoảng cách so với các yêu cầu về quyền sống (quyền con người) trong Luật nhân quyền quốc tế, vì vậy hình phạt tử hình có vai trò, ý nghĩa đặc biệt to lớn trong đời sống xã hội và đời sống pháp luật, được nhìn nhận trên cả phương diện lý luận pháp luật và thực tiễn áp dụng.

– Về phương diện lý luận pháp luật:

Hình phạt tử hình thể hiện ý chí, sự phản ứng cao nhất của Nhà nước ta đối với người phạm tội đặc biệt nguy hiểm cho xã hội thông qua sự quy định của pháp luật hình sự. Đó chính là đặc điểm của Nhà nước pháp quyền Xã Hội Chủ Nghĩa – quản lý xã hội bằng pháp luật. Một người phạm tội gây phương hại lớn nhất cho xã hội thì Nhà nước sẽ có phản ứng mạnh mẽ nhất bằng việc quy định hình phạt cao nhất là tước bỏ mạng sống của người phạm tội ra khỏi đời sống xã hội.

– Về phương diện thực tiễn:

Thông qua quy định của pháp luật hình sự, Tòa án áp dụng vào vụ án cụ thể để xét xử người phạm tội và bản án tử hình sẽ được thi hành theo một cách thức nhân đạo nhất. Như vậy, tước bỏ quyền sống của người phạm tội chính là đem lại sự bình yên cho xã hội, ngăn ngừa phạm tội mới và phòng ngừa chung. Điều này cũng chứng tỏ nhu cầu của xã hội vẫn cần phải có hình phạt tử hình để cân bằng các quan hệ vốn có của xã hội.

Quan niệm của các quốc gia và các tôn giáo về hình phạt tử hình:

Hình phạt tử hình không chỉ là vấn đề pháp lý đơn thuần mà còn là vấn đề chủ quyền quốc gia, vấn đề chính trị, xã hội, văn hóa, đạo đức, tôn giáo gắn liền với quốc gia đó. Mỗi một quốc gia, lãnh thổ tùy thuộc vào điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa, tôn giáo (nếu là tôn giáo thống trị về chính trị) mà quyết định có hình phạt tử hình hay không. Một đất nước có nền kinh tế – xã hội văn minh, hiện đại thì khả năng loại bỏ hình phạt tử hình rất cao, điều này đã thể hiện ở các nước Tây Âu, nhiều bang của Hoa Kỳ…và ngược lại thì quy định hình phạt tử hình tùy theo mức độ, tùy theo khả năng tự vệ của quốc gia đó. Ở một số nước do tôn giáo thống trị thì quan điểm về hình phạt tử hình cũng được tiếp cận ở nhiều cách khác nhau. Chẳng hạn như trong Kinh PaYa-Kanhhaly Sutra “Không cấm việc giết người với mục đích phòng vệ và các mục đích nhân đạo khác. Trong mọi trường hợp, mọi thời điểm, cộng đồng phật tử không ủng hộ giết người hoặc áp dụng hình phạt tử hình vì mục đích báo thù”; Cơ đốc giáo cũng có nhiều quan niệm khác nhau; Thiên chúa giáo la mã thì tử hình là không cần thiết; Tin lành thì cũng có nhiều trường phái ủng hộ hoặc không ủng hộ hình phạt tử hình; Đạo Hồi, Đạo Hindu thì hạn chế áp dụng hình phạt tử hình…

Bảng tổng hợp sau đây cho thấy sự phân tán về quan niệm bỏ hay không bỏ hình phạt tử hình.

STTKhu vựcỦng hộPhản đốiKhông ý kiến
1Toàn cầu52%39%9%
2Bắc Mỹ66%27%7%
3Chấu Á63%21%16%
4Đông và Trung Âu60%29%11%
5Châu Phi54%43%3%
6Mỹ La Tinh37%55%8%
7Tây Âu34%60%6%

Số liệu này được thống kê bởi cuộc thăm dò của Viện Gallup Năm 2000[6]

Nhìn bảng khảo sát này cho thấy quan điểm ủng hộ án tử hình trên phạm vị thế giới thì có tới 52%, phản đối 39%; Tuy nhiên có những khu vực như Mỹ La Tinh 37% ủng hộ, 55% phản đối, đặc biệt là Tây Âu 34% ủng hộ và 60% phản đối án tử hình và xu hướng chung là tiến tới loại bỏ án tử hình (trong 52% ủng hộ án tử hình của thế giới có cả ủng hộ duy trì tuyệt đối, giảm bớt hình phạt tử hình và tiến tới xóa bỏ hình phạt tử hình).

Đa số quan điểm của các nhà khoa học pháp lý Việt Nam và dư luận chung của nhân dân là trong giai đoạn hiện nay và trong tương lai gần cần có hình phạt tử hình nhưng theo xu hướng giảm dần tiến tới loại bỏ hình phạt tử hình ra khỏi pháp luật hình sự Việt Nam, điều này phù hợp với quan điểm cải cách tư pháp của Đảng ta và chính sách pháp luật hình sự của Nhà nước ta. Bộ luật Hình sự 2015 chỉ còn giữ lại hình phạt tử hình ở 18 tội danh so với 44 tội danh có quy định hình phạt tử hình trong BLHS năm 1985; tuy nhiên trong xu hướng toàn cầu hóa kinh tế và pháp luật mạnh mẽ như hiện nay và sự phát triển kinh tế của Việt Nam thì hiện 18 tội danh có hình phạt tử hình quy định trong Bộ luật Hình sự 2015 có tồn tại lâu dài hay không là một câu hỏi lớn, sẽ được luận giải tại Chương 2.

1.1.4. Các yếu tố tác động đến việc áp dụng hình phạt tử hình.

Việc áp dụng hình phạt tử hình chịu sự tác động của nhiều yếu tố như: yếu tố khách quan: sự quy định của pháp luật, điều kiện kinh tế – xã hội, dư luận xã hội; địa lý vùng, miền…và yếu tố chủ quan thuộc về nhận thức của chủ thể áp dụng pháp luật.

– Các yếu tố khách quan:

+ Về điều kiện kinh tế, xã hội, văn hóa của Việt Nam: Chúng ta đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh chống ngoại xâm, nên kinh tế kiệt quệ, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn vất vả. Mặc dù trong thời gian qua đất nước đổi mới, kinh tế, xã hội, văn hóa đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tham gia toàn cầu hóa kinh tế và pháp luật; tuy nhiên xét tổng thể thì đất nước cũng chỉ đang ở trong giai đoạn phát triển, tội phạm không ngừng gia tăng, trong đó có những tội như: Các tội phản bội tổ quốc, bạo loạn, tham nhũng, giết người…không thể không áp dụng hình phạt tử hình. Bởi lẽ nhu cầu của đời sống xã hội cần phải có hình phạt tử hình, là một đòi hỏi tất yếu khách quan. Đường lối, quan điểm của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, chính sách và pháp luật của Nhà nước về hình sự không thể tự dưng mà có mà nó đi ra từ xã hội, do điều kiện kinh tế, xã hội quyết định và trở lại phục vụ xã hội. Pháp luật hình sự quy định hình phạt tử hình theo xu hướng thu hẹp là một giá trị, phản ánh đúng đắn nhu cầu thực tế của đời sống xã hội. Cụ thể từ 44 tội danh có hình phạt tử hình trong BLHS năm 1985 xuống còn 29 tội danh có hình phạt tử hình trong Bộ luật Hình sự năm 1999, tiếp tục giảm xuống còn 22 tội danh trong lần sửa đổi năm 2009 của BLHS 1999, nay BLHS 2015 chỉ còn quy định 18 tội danh có hình phạt tử hình trong số 314 tội danh trong Bộ luật Hình sự. Sự giảm dần này nằm trong chủ trương, định hướng cải cách tư pháp tại Nghị quyết số 49/NQ-TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và hoàn toàn phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của đất nước trong từng giai đoạn lịch sử cụ thể.

Theo quan điểm của Chủ nghĩa Mác – Lê Nin thì chính điều kiện kinh tế xã hội của đất nước là nhân tố quyết định đến việc hoạch định chính sách pháp luật và tác động trực tiếp đến ý thức chủ quan của Thẩm phán, Hội Thẩm khi quyết định tử hình hay không tử hình người phạm tội; nghĩa là phải xem xét đến điều kiện kinh tế, môi trường sống cụ thể của họ, họ phạm tội do nghèo đói hay vì động cơ đê hèn…để từ đó ra phán quyết chính xác.

+ Ở phương diện quốc tế: Chúng ta đang tham gia tích cực và sâu rộng vào toàn cầu hóa kinh tế và pháp luật, tôn trọng và thực thi các Công ước quốc tế về quyền con người, vì thế chúng ta cần phải đáp ứng các yêu cầu của Luật nhân quyền quốc tế theo những lộ trình phù hợp với điều kiện kinh tế xã hội của đất nước ta, đây cũng chính là vấn đề đối ngoại. Việc giảm dần các tội danh có hình phạt tử hình xuống còn 18 tội danh trong Bộ luật Hình sự 2015 đều có nhân tố quốc tế tác động mặc dù nhân tố kinh tế, xã hội trong nước là quyết định. Rồi sẽ đến một thời điểm nhất định khi điều kiện kinh tế xã hội trong nước và quốc tế cho phép, khả năng tự vệ của Nhà nước đảm bảo thì sẽ loại bỏ hình phạt tử hình ra khỏi đời sống xã hội và đời sống pháp luật theo định hướng cải cách tư pháp của Đảng. Đây cũng là nhân tố tác động đến nhận thức của Thẩm phán, Hội thẩm khi áp dụng hình phạt tử hình.

+ Pháp luật về hình phạt tử hình: Nếu các quy định của pháp luật về hình phạt tử hình thống nhất, đồng bộ, tiên tiến, dễ áp dụng, ít bất cập thì sẽ tác động tích cực đến hoạt động áp dụng hình phạt tử hình, quyền con người được bảo đảm, áp dụng hình phạt tử hình sẽ chính xác. Còn nếu pháp luật hình sự về tử hình có nhiều bất cập thì sẽ tác động ngược lại, áp dụng hình phạt tử hình sẽ không chính xác.

+ Các nhân tố về địa lý, vùng, miền, trình độ học vấn, văn hóa, liên quan đến người phạm tội cũng là yếu tố tác động đến nhận thức của Hội đồng xét xử. Chẳng hạn khi xét xử người phạm tội là dân tộc ít người, kém học vấn, kém văn hóa, nhận thức pháp luật và xã hội lạc hậu…thì sẽ được đánh giá khác so với người phạm tội có nhận thức cao hơn, có học vấn cao hơn, từ đó sẽ có phán quyết phù hợp.

+ Tiêu cực xã hội: Việc chạy án, đưa hối lộ cũng như các tiêu cực khác, các tác động phi vật chất (như không tử hình người phạm tội mà người này có quan hệ thân thiết với người có ảnh hưởng đến đề bạt, bổ nhiệm Thẩm phán…để Thẩm phán đổi lấy lợi ích chính trị) làm cho người có thẩm quyền áp dụng pháp luật không còn giữ được phẩm chất, đạo đức của Thẩm phán, Hội thẩm dẫn đến thoái hóa, biến chất, bẻ cong công lý, lấy tiền hoặc để được hậu thuẫn chính trị…từ đó không xử tử hình người phạm tội. Đây vừa là yếu tố khách quan nhưng đồng thời cũng gắn liền với yếu tố chủ quan.

+ Dư luận xã hội: Đây là một thực tiễn không thể không đề cập. HĐXX luôn bị áp lực lớn khi gặp phải những vụ án lớn mà dư luận xã hội đặc biệt quan tâm, giữa việc tử hình hay không tử hình người phạm tội khi đứng trước hai luồng dư luận này là một việc cân não, nhất là những vụ án về tham nhũng, ma túy …rơi vào tình trạng cần cân nhắc kỹ giữa tử hình hay không tử hình cùng với dư luận xã hội theo một trong hai chiều hướng nêu trên. Áp lực của quốc tế cũng là yếu tố tác động mạnh đến việc áp dụng hình phạt tử hình của Tòa án.

– Về yếu tố chủ quan:

+ Nhận thức, năng lực, trình độ của người có thẩm quyền áp dụng pháp luật: Nếu người có thẩm quyền áp dụng pháp luật có nhận thức cao (gồm nhận thức pháp luật và nhận thức xã hội), có tư duy cao, có trình độ, năng lực chuyên môn vững vàng thì đó là một trong các yếu tố bảo đảm việc áp dụng đúng pháp luật về hình phạt tử hình vào thực tiễn xét xử, ngược lại thì dẫn đến áp dụng không đúng pháp luật về hình phạt tử hình.

+ Bản lĩnh nghề nghiệp: Trong hoạt động xét xử, thực tế cho thấy có những Thẩm phán tuy rất giỏi về nghiệp vụ nhưng lại thiếu bản lĩnh nghề nghiệp nên không dám tuyên tử hình người phạm tội (trường hợp đáng phải tử hình) hoặc ngược lại. Trường hợp không dám tuyên tử hình người phạm tội thường chiếm tỷ lệ cao hơn, có nhiều Thẩm phán còn có quan niệm rằng thà không tuyên tử hình thì còn đó, còn hơn là tuyên tử hình để rồi trở tay không kịp. Điều này sẽ dẫn đến người phạm tội đáng phải tử hình thì lại không được tử hình, như vậy không đảm bảo lẽ công bằng.

LIỆN HỆ:

SĐT+ZALO: 0935568275

E:\DỮ LIỆU COP CỦA CHỊ YẾN\LUAN VAN VIEN HAN LAM\VIEN HAN LAM DOT 11\SAU BAO VE\DOT 6/ NGUYEN THAI PHUONG TRANG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *