Thực hiện chính sách phát triển tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn

Thực hiện chính sách phát triển tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn

Thực hiện chính sách phát triển tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn – thành phố Đà Nẵng

1. Tính cấp thiết của đề tài

Trong những năm qua, nền kinh tế nước ta có nhiều chuyển biến đáng kể với cơ cấu kinh tế hợp lý, tiến bộ. Tỷ trọng khu vực công nghiệp tăng cao trong tổng số sản phẩm xã hội. Tỷ trọng khu vực dịch vụ ngày càng phát triển vì đây là ngành quyết định mức sống và thực trạng đời sống của người lao động. Tỷ trọng của ngành nông nghiệp chiếm tỷ lệ thấp hơn trong tổng sản phẩm xã hội. Hòa mình vào xu hướng chung của đất nước, quận Ngũ Hành Sơn – thành phố Đà Nẵng đã và đang từng bước phát triển đáng kể về mặt kinh tế và đặc biệt là lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp.

Ngũ Hành Sơn là một quận ven biển của thành phố Đà Nẵng, người dân trước đây sống chủ yếu bằng nghề nông nghiệp, nền kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Trong thời gian qua kinh tế của quận đã phát triển theo chiều hướng tích cực, tận dụng những tiềm năng, phát huy lợi thế hiện có và tương lai trở thành khu đô thị lớn phía Đông Nam của thành phố. Bên cạnh sự phát triển đó, việc đô thị hóa nhanh đã làm một lượng lớn lao động trong nông nghiệp phải chuyển đổi ngành nghề và một số thất nghiệp hoặc không có công việc phù hợp, số còn lại lao động trong ngành nông nghiệp với giá trị tăng trưởng của ngành chưa cao, sản xuất nông nghiệp còn phụ thuộc nhiều vào thời tiết, đất đai lại không được thiên nhiên ưu đãi, trình độ sản xuất lạc hậu, năng suất lao động và thu nhập thấp.

Bản thân nông nghiệp không thể đẩy nhanh được sự phát triển kinh tế của quận, cũng như không thể thúc đẩy sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tiến bộ, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của thành phố nói chung và của quận Ngũ Hành Sơn nói riêng. Do đó, phát triển tiểu thủ công nghiệp sẽ tạo điều kiện phát triển toàn diện kinh tế, nhằm khai thác có hiệu quả tiềm năng đa dạng, giải quyết việc làm, đặc biệt là giải quyết được một lượng lớn lao động trước đây làm nông nghiệp nay thất nghiệp hoặc chưa có công việc phù hợp, tăng thu nhập cho người dân, góp phần xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của quận.

Xuất phát từ lý do trên tôi xin chọn đề tài “Thực hiện chính sách phát triển tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn – thành phố Đà Nẵng” để làm đề tài nghiên cứu của mình.

2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài

3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

3.1. Mục đích nghiên cứu

Tình hình thực hiện chính sách phát triển tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, từ đó đề xuất các giải pháp để thực hiện chính sách phát triển tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng tốt hơn.

3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

– Làm rõ những vấn đề lý luận và thực tiễn về việc thực hiện chính sách phát triển tiểu thủ công nghiệp.

– Làm rõ thực trạng thực hiện chính sách phát triển tiểu thủ công nghiệp ở Ngũ Hành Sơn như thế nào. Từ đó chỉ ra những thành tựu và hạn chế, nguyên nhân của việc thực hiệnchính sách phát triển tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn quận.

– Đề xuất các giải pháp để thực hiện chính sách phát triển tiểu thủ công nghiệp tốt hơn (hay là chính sách vào thực tiễn hơn) nhằm mục tiêu phát triển sản xuất ngành nghề tiểu thủ công nghiệp ở địa phương thời gian tới.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

4.1. Đối tượng nghiên cứu

Đề tài nghiên cứu việc thực hiện chính sách phát triển tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn quận.

3.2. Phạm vi nghiên cứu

– Về nội dung: Nghiên cứu những vấn đề liên quan đến chính sách phát triển tiểu thủ công nghiệp.

– Về không gian: Đề tài tập trung nghiên cứu về tiểu thủ công nghiệp ở quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng.

– Về thời gian: Đề tài nghiên cứu tình hình phát triển của tiểu thủ công nghiệp quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2013-2017.

5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu

5.1. Cơ sở lý luận

Luận văn khai thác thông tin từ các nguồn có sẵn liên quan đến đề tài nghiên cứu bao gồm các văn bản pháp luật của Đảng, Nhà nước, bộ ngành ở Trung ương và địa phương, các báo cáo, đề án đào tạo nghề của huyện về chính sách đào tạo nghề, tài liệu thống kê của chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, tổ chức, cá nhân liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp tới vấn đề đánh giá chính sách đào tạo nghề ở nước ta nói chung và quận Ngũ Hành Sơn nói riêng.

5.2. Phương pháp nghiên cứu

* Phương pháp thu thập ý kiến chuyên gia: Luận văn thu thập các ý kiến của một số nhà quản lý các ban, ngành, cơ quan chuyên môn ở tỉnh, huyện liên quan đến vấn đề đánh giá thực hiện chính sách phát triển tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn.

* Phương pháp xử lý số liệu

Luận văn sử dụng các phương pháp sau để xử lý tư liệu, số liệu:

– Phân tích và đánh giá các chính sách đã có;

– Phân tích và so sánh chính sách cũ và mới;

– Sử dụng các công cụ phân tích thống kê, phân tích so sánh để đánh giá chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề tại quận Ngũ Hành Sơn.

Đồng thời, tác giả luận văn cũng thu thập và tổng hợp các tài liệu của các tổ chức, các học giả có liên quan đến đề tài luận văn.

* Phương pháp phân tích, đánh giá

Phương pháp phân tích thống kê: Gồm nhiều phương pháp khác nhau nhưng trong nghiên cứu này tôi sẽ sử dụng các phương pháp như phân tổ thống kê, phương pháp đồ thị thống kê, phương pháp phân tích dãy số biến động theo thời gian và phương pháp phân tích tương quan.

Phương pháp so sánh, đánh giá:Là phương pháp đánh giá kết quả dựa trên so sánh việc thực hiện mục tiêu.

Phương pháp tổng hợp, khái quát: Được sử dụng để tổng hợp và khái quát kết quả của các phương pháp phân tích thống kê.

* Phương pháp phân tích kinh tế: Sau khi thu thập được số liệu, xử lý số liệu tôi tiến hành phân tích đánh giá bằng các phương pháp phân tích nhân tố; dùng phương pháp so sánh đối chiếu, sử dụng các chỉ số, dãy số biến động theo thời gian và không gian, số tương đối và số tuyệt đối để thấy được sự biến động, tìm ra các nguyên nhân ảnh hưởng đến sự biến động của các chỉ tiêu, đánh giá hiệu hoạt động của từng nghề, đánh giá tình hình phát triển của ngành nghề tiểu thủ công nghiệp ở quận Ngũ Hành Sơn. Đưa ra các kết quả tính toán các chỉ tiêu về kết quả và hiệu quả của sản xuất ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, từ đó đưa ra các kết luận và giải pháp nhằm khai thác các tiềm năng lợi thế của địa phương, khắc phục những tồn tại yếu kém trong quá trình phát triển.

6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn

6.1. Ý nghĩa lý luận

– Đề tài này có ý nghĩa về mặt lý luận, người học nghiên cứu và vận dụng các lý thuyết về chính sách phát triển TTCNvà quy trình phân tích một chính sách phát triển TTCNđể làm rõ vấn đề về khoa học và thực tiễn của một chính sách cụ thể.

– Kết quả đánh giá nghiên cứu làm sáng tỏ, minh chứng cho các thuyết liên quan đến chính sách phát triển TTCN, từ đó hình thành các tiến trình đề xuất các giải pháp chính sách nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả chính sách đã ban hành.

6.2. Ý nghĩa thực tiễn

– Luận văn cung cấp những vấn đề lý luận và thực tiễn trong việc vận dụng các lý thuyết về chính sách phát triển TTCN, quy trình phân tích chính sách phát triển TTCN để xem xét giữa lý thuyết và thực tiễn về chính sách phát triển tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng để từ đó nâng cao hiệu quả của chính sách trong những năm tiếp theo.

– Góp phần cung cấp thêm những cơ sở khoa học cho ủy ban nhân dân quận,các phòng, ban, ngành, đoàn thể có liên quan trong quá trình thực hiện chính sách phát triển tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn để chính sách có thể mang lại hiệu quả trong việc phát triển kinh tế, xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường của địa phương trong những năm đến.

7. Kết cấu của luận văn

Ngoài phần mở đầu, kết luận nội dung của luận văn gồm 3 chương như sau:

Chương 1: Cơ sở lý luận và thực tiễn về thực hiện chính sách phát triển tiểu thủ công nghiệp.

Chương 2: Thực trạng thực hiện chính sách phát triển tiểu thủ công nghiệp tại quận Ngũ Hành Sơn.

Chương 3: Giải pháp thực hiện tốt hơn chính sách phát triển tiểu thủ công nghiệp tại quận Ngũ Hành Sơn.

CHƯƠNG 1

CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP

    1. 1.1. Khái quát thực hiện chính sách phát triển tiểu thủ công nghiệp
      1. 1.1.1. Khái quát chung về tiểu thủ công nghiệp

Trong lịch sử phát triển các ngành kinh tế trên thế giới, có nhiều quan điểm về tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp hay còn gọi chung là tiểu thủ công nghiệp (Tiếng Anh: micro and small – scale enterprise). Tùy theo điều kiện, bối cảnh lịch sử và đặc điểm của mỗi vùng lãnh thổ nhất định, các nhà kinh tế học đã có nhiều cách tiếp cận khác nhau, từ đó mỗi nước đã có những định hướng và cách nhìn nhận về phát triển tiểu, thủ công nghiệp phù hợp với điều kiện của mỗi quốc gia.

Ở Việt Nam trong chính cương của Đảng lao động Việt Nam (1951) lần đầu tiên nói đến thuật ngữ công nghiệp, thủ công nghiệp, ban đầu thuật ngữ này là công dụng, mặc dù các văn bản chính thức của Nhà nước chỉ dùng chung một thuật ngữ “thủ công nghiệp” nhưng đều hiểu rằng nó bao hàm cả công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, nhiều ngành nghề trước đây chủ yếu làm bằng tay, sử dụng các công cụ thô sơ. Ngày nay với sự phát triển của khoa học kỹ thuật con người đã biết sử dụng máy móc thiết bị vào nhiều khâu, công đoạn trong sản xuất thủ công nghiệp, chính vì vậy mà các nhà nghiên cứu đề xuất ý kiến nên bỏ thuật ngữ “thủ công nghiệp” mà dùng thuật ngữ “tiểu công nghiệp”.

Có quan niệm cho rằng; ngành nghề TTCN là ngành sản xuất chủ yếu phụ thuộc vào đôi bàn tay khéo léo của con người, các sản phẩm thủ công được sản xuất theo tính chất phường hội, mang bản sắc truyền thống và có những bí quyết công nghệ riêng của từng nghề, từng vùng. Quan niệm này mang tính cổ điển. Trong điều kiện hiện nay, do trình độ khoa học kỹ thuật phát triển nhanh chóng, trên thế giới đã trải qua nhiều cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật; cơ khí hóa, điện khí hóa, quá trình công ghiệp hóa, hiện đại hóa. Việc đưa máy móc thiết bị vào trong sản xuất TTCN là tất yếu, một số công đoạn sản xuất được đưa máy móc thiết bị vào thay cho lao động thủ công để nâng cao năng suất lao động, vì vậy những ngành sản xuất có tính chất như trên được gọi là sản xuất TTCN.

Thuật ngữ tiểu thủ công nghiệp hay tiểu thủ công nghiệp và thủ công nghiệp xuất hiện vào cuối thế kỷ XIX. Thuật ngữ trên ra đời để chỉ một nền sản xuất công nghiệp có quy mô nhỏ, không dùng máy móc hoặc dùng máy móc có công suất thấp ở một số công đoạn sản xuất đã có từ trước và cũng để phân biệt với nền sản xuất công nghiệp cơ khí hiện đại tư bản chủ nghĩa đang trên đà phát triển.

Tổ chức phát triển công nghiệp Liên Hiệp Quốc (UNIDO) cũng đã đề nghị thay thế khái niệm nghề thủ công (handicraft) bằng khái niệm công nghiệp truyền thống (traditional industry). Như vậy đã chứng tỏ rằng ngành nghề TTCN cũng là mối quan tâm của nhiều tổ chức. Phát triển ngành nghề TTCN là một hướng đi cơ bản, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Thêm nữa, nghề thủ công là nơi gặp gỡ của nghệ thuật và kỹ thuật. Từ điển bách khoa của nhà xuất bản Mac Milan Conpany đã viết: “TCN vừa là một cách thức sản xuất có tính chất công nghiệp, vừa là một dạng hoạt động có tính chất mỹ thuật”. Như vậy ngành nghề TTCN còn là một trong những nơi lưu giữ và thể hiện bản sắc văn hóa dân tộc một cách đầy đủ và tinh tế nhất.

Theo các nhà khoa học và các chuyên gia của Bộ NN & PTNT trong quá trình nghiên cứu, khảo sát ngành nghề nông thôn theo quy mô toàn quốc năm 1997 đã đưa ra một khái niệm khá đầy đủ về ngành nghề nông thôn như sau: “NNTT là những hoạt động kinh tế phi nông nghiệp bao gồm TTCN, các hoạt động dịch vụ sản xuất và đời sống, có quy mô vừa và nhỏ với các thành phần kinh tế như hộ gia đình, hộ sản xuất (gọi chung là hộ), các tổ chức kinh tế HTX, DNTN, Công ty TNHH… (gọi chung là cơ sở sản xuất). Các tổ chức hộ và cơ sở này với mức độ khác nhau đều gắn kết mật thiết với nông thôn và có sử dụng các nguồn lực của nông thôn (đất đai, lao động, nguyên liệu và các nguồn lực khác) và có ảnh hưởng lớn tới quá trình phát triển kinh tế xã hội của nông thôn”.

Sản xuất TTCN đó là những ngành sản xuất bằng tay và bằng công cụ thô sơ hoặc cải tiến có từ lâu đời gắn với các làng nghề hoặc các hộ làm nghề, tạo ra những mặt hàng tiêu dùng truyền thống và có kỹ xảo phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Căn cứ theo Quyết định số 132/2000/QĐ TTg của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách phát triển ngành nghề nông thôn ngày 24/11/2000 thì Sản xuất TTCN ở nông thôn được quy định trong quyết định này bao gồm:

Ngành nghề TTCN truyền thống: là những ngành nghề phi nông nghiệp phát triển tới mức trở thành nguồn sống chính hoặc nguồn thu nhập quan trọng của người dân làm nghề , là ngành nghề TTCN có từ thời thuộc pháp còn tồn tại đến nay (nghĩa là từ khi hình thành đến nay khoảng 100 năm trở lên), kể cả những nghề được cải tiến hoặc sử dụng những máy móc hiện đại để hỗ trợ sản xuất nhưng vẫn tuân thủ những công nghệ truyền thống.

Ngành nghề TTCN mới: là những ngành nghề phi nông nghiệp mới được hình thành do phát triển từ các ngành nghề truyền thống hoặc tiếp thu những nghề mới để đáp ứng nhu cầu của xã hội phát sinh.

Theo một số tác giả mới nghiên cứu về ngành nghề TTCN gần đây có định nghĩa về ngành nghề TTCN như sau: “ngành nghề TTCN bao gồm những nghề TTCN có từ thời Pháp thuộc còn tồn tại đến nay, kể cả những nghề được cải tiến hoặc sử dụng những loại máy móc hiện đại để hỗ trợ sản xuất nhưng vẫn tuân thủ công nghiệp truyền thống và những nghề mới xuất hiện do sự nảy sinh hoặc du nhập từ nước ngoài vào nhưng đã thể hiện được trình độ đặc biệt của dân tộc Việt Nam”.

Tóm lại, tiểu thủ công nghiệp là ngành công nghiệp mà sản phẩm làm ra chủ yếu bằng thủ công với quy mô nhỏ. Ở đó, hệ thống công cụ lao động thô sơ đã được cải tiến và thay thế bằng một phần máy móc mang tính chất công nghiệp có quy mô nhỏ (bao gồm các hộ, cơ sở sản xuất mang tính chất công nghiệp quy mô nhỏ, trang bị máy móc hoặc thủ công). Trong quá trình hoạt động, các nguồn lực được sử dụng như lao động, vốn, tài nguyên…để sản xuất ra nhiều loại mặt hàng phục vụ nhu cầu tiêu dùng của xã hội và sản xuất của nhiều ngành kinh tế khác nhau. Các chủ thể tham gia sản xuất trong các ngành TTCN là hộ gia đình, tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp tư nhân , công ty trách nhiệm hữu hạn.

1.1.1.1. Vị trí, vai trò của tiểu thủ công nghiệp

* Vị trí của tiểu thủ công nghiệp

Việt Nam đi lên từ một nước nông nghiệp nghèo nàn, lạc hậu và cho đến nay Việt Nam vẫn là một nước nông nghiệp với gần 70% dân số ở khu vực nông thôn và trên 60% lực lượng lao động sống ở nông thôn. Hơn nữa sự phân bố và sử dụng lao động ở nông thôn nước ta hiện nay đang làm gia tăng những nghịch lý, trong đó ít nhất là ba nghịch lý lớn đáng lo ngại là:

– Nông nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng cần phải được khai thác như: đất trống, đồi núi trọc vào khoảng 10 triệu ha, các nguồn nước từ các ao hồ vào khoảng 1,4 triệu ha…

– Sự dư thừa và thiếu lao động giả tạo trong nông thôn đang là vấn đề nổi cộm: dư thừa lao động giản đơn, thiếu lao động được đào tạo và có kỹ năng nghề nghiệp cao, nhất là cho các khu công nghiệp, chế biến xuất khẩu và các xí nghiệp công nghệ cao.

– Một lực lượng lao động đáng kể ở nông thôn đặc biệt là phụ nữ đang phải làm việc rất vất vả và có nguy cơ thất nghiệp cao.

– Trong những năm qua “đất nước ta đã vươn lên trở thành nước có nền nông nghiệp mạnh, thuộc nhóm nước đứng hàng đầu về xuất khẩu nông sản”. Tuy vậy so với các nước trong khu vực và trên thế giới, năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của hàng nông sản ở nước ta còn ở mức độ thấp.

– Tiểu thủ công nghiệp có vị trí quan trọng trong phát triển công nghiệp nông thôn, là tiền thân của ngành công nghiệp. Phát triển TTCN sẽ góp phần sử dụng lao động tại chỗ, sử dụng nguyên liệu tại địa phương, sản xuất ra công cụ, sản phẩm phục vụ tiêu dùng tại địa phương và thực hiện xuất khẩu các mặt hàng truyền thống có giá trị, thu ngoại tệ về cho đất nước.

– Với xu hướng toàn cầu hóa, hội nhập kinh tế quốc tế, sự nghiệp CNH-HĐH nền kinh tế nước ta và tiến tới nền kinh tế tri thức thì “việc khôi phục và phát triển các ngành nghề TTCN là một phương hướng CNH ở Việt Nam”.

– Phát triển ngành nghề TTCN sẽ mang lại lợi ích to lớn cho đất nước không chỉ ở chỗ tận dụng được nguyên liệu tại chỗ mà còn giải quyết việc làm tại chỗ cho lao động nông thôn.

Góp phần quan trọng vào việc giải quyết việc làm, phân công lại lao động và sử dụng hợp lý nguồn lao động nông thôn.

– Hiện nay, ở nước ta có một lực lượng lao động dồi dào trong đó tỷ trọng lao động ở khu vực nông thôn chiếm phần lớn. Nhưng một lực lượng không nhỏ lao động nông thôn rơi vào tình trạng thiếu việc làm (bán thất nghiệp), không có việc làm. Do đó vấn đề tạo việc làm cho lao động ở khu vực nông thôn là vấn đề bức xúc ở nước ta hiện nay.

– Phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp là một chủ trương đúng nhằm thu hút lao động nông thôn vào các hoạt động ngành nghề, tạo việc làm mới, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng giảm tỷ trọng nông nghiệp, tăng tỷ trong công nghiệp và dịch vụ.

Theo kết quả điều tra ngành nghề tiểu thủ công nghiệp của Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn thì ngành nghề TTCN đã thu hút hàng triệu lao động nông thôn và ngoại ô thành thị, cho mức thu nhập cao và ổn định.Vì vậy phát triển ngành nghề tiểu thủ công nghiệp là một hướng đi đúng trong quá trình phát triển.

TTCN là một bộ phận của ngành công nghiệp, có vị trí quan trọng trong nền kinh tế quốc dân. Từ vị trí như vậy nên TTCN có vai trò hết sức quan trọng đối với phát triển nông thôn và một số vùng ven thành thị có truyền thống sống bằng nghề nông.

Ngành nghề TTCN phát triển sẽ là động lực quan trọng cho sự nghiệp CNH – HĐH nông nghiệp, nông thôn thúc đẩy quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động nông thôn. Giải quyết việc làm cho lao động nông nhàn và dư thừa ở nông thôn, một số nơi ko còn đất nông nghiệp do đã giải tỏa mặt bằng phục vụ mục tiêu khác tạo thu nhập thường xuyên và ổn định cho người lao động.

* Vai trò của tiểu thủ công nghiệp

TTCN với chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn

Khu vực kinh tế nông thôn và khu vực kinh tế thành thị, sự khác biệt ở hai khu vực này không đơn thuần ở các đặc trưng của ngành, mà còn có sự khác biệt ở vị trí địa lý và lực lượng sản xuất, phân công lao động xã hội.

Mặc dù vậy nghiên cứu sự tác động của TTCN đến sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông thôn ở đây chúng ta chỉ giới hạn trong cơ cấu ngành kinh tế ở khu vực này.

Thứ nhất: Sự phát triển của TTCN nó sẽ cho phép tăng tỷ trọng của CN-TTCN và kích thích phát triển dịch vụ ở khu vực thành thị – nông thôn, tạo ra cơ hội thu hút lao động và tăng thu nhập khi tham gia hoạt động TTCN, nhờ đó mà tỷ trọng của ngành nông nghiệp giảm dần.

Thứ hai: TTCN có tác động tới mối tương quan giữa các ngành trên địa bàn khu vực nông thôn. Nhờ có sự phát triển TTCN mà có phát triển hơn trong quan hệ CN-NN-DV. Việc tạo ra sản phẩm TTCN sẽ kích thích trao đổi giữa các địa bàn, khu vực trong và ngoài nước, tạo ra sự phát triển dịch vụ. Ngoài ra TTCN còn là lực lượng sản xuất (LLSX) cho lĩnh vực nông nghiệp (NN) phát triển.

Điều đó chứng tỏ sự phát triển TTCN tạo điều kện cho sự phát triển CN-NN-DV tạo ra sự chuyển dịch cơ cấu theo hướng tích cực ở nông thôn và khu vực ngoại thành Việt Nam.

TTCN với tăng trưởng và phát triển kinh tế

Cũng như các ngành kinh tế khác TTCN có vai trò không nhỏ trong quá trình tăng trưởng và phát triển kinh tế. Trước hết là ngành đóng góp vào tổng sản phẩm quốc dân, do đó sự gia tăng về sản lượng của TTCN là nhân tố tạo ra tạo ra sự tăng trưởng cho toàn nền kinh tế quốc dân.

Mặt khác sự phát triển TTCN còn tác động tích cực đối với nông nghiệp như trong chế biến sản phẩm, điều đó cho thấy phát triển TTCN nông thôn sẽ tạo ra tác động kép trong sự tăng trưởng và phát triển kinh tế. Thêm vào đó TTCN còn đóng góp lớn trong thu nhập dân cư, giảm đáng kể tệ nạn xã hội…, mặt khác sự phát triển TTCN còn tạo ra sự phát triển giao lưu giữa hai khu vực thành thị và nông thôn theo hướng tích cực trong việc giảm bớt chênh lệch về thu nhập và đời sống. Từ những nhận định trên cho thấy TTCN có vai trò quan trọng đối với phát triển kinh tế xã hội của thành phố và cả nước.

TTCN với giải quyết vấn đề xã hội Vấn đề việc làm

Với đặc điểm sản xuất nông nghiệp là theo mùa vụ lao động chỉ tập trung vào một số tháng trong năm, vì vậy đã dẫn đến thất nghiệp trá hình, thất nghiệp theo mùa vụ. Điều này đã trở thành vấn đề bức xúc trong sự phát triển kinh tế nông nghiệp nông thôn được mô hình của OSHIMA (Nhật Bản) chỉ rỏ. Ngoài những đặc điểm trên thì sản xuấtnông nghiệp còn gặp phải một khó khăn nữa đó là việc mở rộng sản xuất nông nghiệp luôn có giới hạn về tài nguyên đất nông nghiệp, đây là tài nguyên đang bị khan hiếm. Cho đến nay lao động trong khu vực này hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, nhưng do hạn chế về ruộng đất, đất canh tác bị mất dần, do dùng cho việc phục vụ các lĩnh vực như xây dựng công trình công cộng, nhà ở, công trình giao thông, giải tỏa, xây dựng khu dân cư mới… Thêm vào đó là tốc độ tăng dân số ở nông thôn và ngoại ô thành thị quá nhanh, do trình độ dân trí và phong tục tập quán… Đã làm cho mật độ dân cư nông thôn và ngoại ô thành thị ngày một tăng cao. Điều đó đã dẫn đến tình trạng dư thừa lao động ở nông thôn. Để giải quyết vấn đề này thì việc chuyển đổi cơ cấu ngành kinh tế là hết sức hợp lý, phát triển TTCN sẽ cho phép xen kẽ thời gian nhàn rỗi trong năm của khu vực sản xuất nông nghiệp trong năm. Mặt khác với khu vực thành thị thì đội quân thất nghiệp là tương đối lớn, nó bao gồm cả lực lượng thất nghiệp tại thành thị và cả đội quân thất nghiệp di cư tự do từ nông thôn ra thành thị, hiện tại đội quân thất nghiệp ở thành thị là quá tải, hơn nữa các xí nghiệp công nghiệp ở khu vực thành thị không có khả năng thu hút hết lực lượng lao động ở khu vực này. Chính vì thế việc phát triển TTCN sẽ mở ra một cơ hội cho việc giải quyết việc làm ở thành thị và ở nông thôn, từ đó có thể giải quyết tốt vấn đề di cư tự do từ nông thôn ra thành thị.

Vấn đề xoá đói giảm nghèo

Hiện nay cả nước tỷ lệ đói nghèo của các hộ gia đình vẫn chiếm một tỷ lệ cao, đối tượng này tập trung chủ yếu ở khu vực nông thôn, nơi mà khả năng mở rộng sản xuất còn hạn chế, tỷ lệ dân số cao, trình độ dân trí thấp. Các nguyên nhân đó dẫn đến thu nhập bình quân của các hộ là thấp so với khu vực thành thị, điều đó dẫn đến các hộ lâm vào tình cảnh nghèo nàn lạc hậu là lẽ dĩ nhiên.

Nhìn một cách tổng thể vào ngành kinh tế lớn NN, CN-TTCN và DV, có thể thấy dịch vụ là ngành phi sản xuất vật chất, điều đó cho thấy vai trò của NN và CN-TTCN là hết sức to lớn trong việc tạo lương thực, thực phẩm, đồ dùng sinh hoạt… Trong khi NN bị giới hạn về đất đai sản xuất, do đó việc phát triển CN-TTCN có vai trò quan trọng trong việc xoá đói giảm nghèo thông qua việc tăng năng xuất và sản lượng trong ngành mình cũng như các ngành liên quan, tạo ra thu nhập, tăng cao mức sống nhân dân, dần dần xoá đói giảm nghèo khu vực nông thôn và cũng là điều kiện đễ giảm bớt chênh lệch giữa khu vực thành thị và nông thôn, điều đó cho thấy vai trò của TTCN cũng không kém phần quan trọng trong xoá đói giảm nghèo, đặc biệt khu vực nông thôn và ngoại ô thành thị của Việt Nam.

1.1.1.2. Phát triển tiểu thủ công nghiệp

Ngành nghề tiểu thủ công nghiệp được ra đời trong những điều kiện lịch sử nhất định, đặc biệt là khi có sự phân công lao động xã hội phát triển và sản xuất đi vào chuyên môn hoá ngày càng sâu. Việt Nam là nước có nền văn minh lúa nước, ngành nghề TTCN đã xuất hiện và tồn tại hàng nghìn năm. Các nghề TTCN của Việt Nam lúc đầu được bắt nguồn từ những nhu cầu phục vụ sản xuất và đời sống mà phổ biến là việc sản xuất các công cụ sản xuất như: cày bừa, liềm hái, khung cửi, dao dựa và các công cụ phục vụ đời sống như bát đĩa, mâm chậu, giường tủ, bàn ghế… Sau này trong quá trình phát triển kinh tế của đất nước, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội, sản phẩm của ngành nghề TTCN ngày càng được tăng lên về số lượng cũng như chất lượng, đặc biệt trong cơ chế kinh tế thị trường hiện nay các sản phẩm của ngành nghề TTCN cần phải luôn được cải tiến về mẫu mã, phong phú về chủng loại, nâng cao chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Vì vậy mà các làng nghề của Việt Nam có điều kiện phát triển hơn, đáp ứng đầy đủ các nhu cầu của thị trường như làng gốm sứ – Bát Tràng, dệt tơ lụa – Hà Đông, Làng Nón – Phú Cam (Huế).

Nhiều ngành nghề tiểu thủ công nghiệp đã khẳng định được vị thế của mình trên thị trường, nhiều mặt hàng TTCN đã từng nổi tiếng trên thế giới. Phạm vi tiêu dùng hàng truyền thống của nước ta ngày càng được mở rộng, không những chỉ được tiêu dùng ở trong nước mà còn được ưa chuộng ngày càng nhiều ở rất nhiều nước, nhiều khu vực trên thế giới như: Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Australia, Hồng Kông, Thụy Điển, Na Uy, Đức.

Phát triển TTCN là hoạt động thu hút nhiều người dân tham gia vào sản xuất TTCN, nhằm mục tiêu nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống của các cư dân nông thôn. Đồng thời, phát triển TTCN cũng là quá trình thực hiện CNH – HĐH nông thôn nhưng vẫn bảo tồn được những giá trị truyền thống thông qua việc ứng dụng khoa hoc và công nghệ. Một số quan niệm cho rằng, phát triển TTCN sẽ góp phần nâng cao vị thế về kinh tế và xã hội cho người dân nông thôn thông qua việc sử dung có hiệu quả các nguồn nhân tài vật lực của địa phương.

Phát triển ngành nghề TTCN là đảm bảo cho nền kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững, đảm bảo sức khoẻ của người dân và lao động làm nghề, bảo vệ môi trường sinh thái, tạo ra cơ sở vật chất vững mạnh, cơ cấu kinh tế hợp lý theo hướng CNH nông thôn trên cơ sở giải quyết tốt việc làm cho người lao động, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống của người dân nông thôn, đưa nông thôn tiến lên một nền văn minh hiện đại hơn.

Tiểu thủ công nghiệp Việt Nam thời kỳ 1954 – 1975

Ở miền Nam nước ta trước ngày giải phóng, do tác động của chủ nghĩa thực dân mới, sản xuất TTCN hình thành hai dạng khác nhau ở thành thị và nông thôn. Ở thành thị, TTCN phát triển hai dạng: Một là tập trung thành những xưởng nhỏ được cơ giới hoá cao, hai là phân tán theo theo hộ gia đình theo tính chất tự sản tự tiêu. Còn nông thôn bị triệt tiêu quá nhiều cơ sở thủ công nghiệp cổ truyền, kể cả những nông cụ làm gạch, vôi, sành, sứ, đồ mộc, điêu khắc, đan lát… Điều đó cho thấy sự kìm hãm tàn khốc của chế độ thực dân trong thời kỳ này.

Ở miền Bắc giai đoạn này được giải phóng và tiến lên chủ nghĩa xã hội, TTCN cũng cũng bắt đầu được khôi phục và khuyến khích. Đảng đã nhận định “cải tạo thủ công nghiệp theo hướng XHCN là điều kiện cơ bản cho thủ công nghiệp có thể dần dần xoá bỏ những mặt lạc hậu, phát huy mạnh mẽ mặt tích cực theo hướng có lợi cho nền kinh tế quốc dân và thợ thủ công”.

Một số ngành nghề TTCN được phát triển thời kỳ 1954 – 1975 là

+ Nghề dệt: tập trung chủ yếu ở Hà Tây và Bắc Ninh, Nam Định.

+ Nghề gốm: tập trung chủ yếu ở thanh Hoá và các khu vực thuộc đồng bằng sông Hồng (Hà Nội, Hà Đông…).

+ Nghề kim khí : Tập trung chủ yếu ở các thành phố thị xã, đô thị lớn (thể hiện như nghề làm bát sắt bút thuỷ tinh, xe thồ ở Hà Nội, nghề làm gọng ô bằng thép, vành xe đạp ở Hà Tây, làm khoá ở Hải Phòng…).

+ Nghề thủ công mỹ nghệ (bàn ghế, giường, tủ, điêu khắc…) tập trung chủ yếu ở Hà Nội, Hà Đông, Bắc Ninh và Thanh Hoá, nghề điêu khắc đá mỹ nghệ ở Quảng Nam – Đà Nẵng.

+ Nghề hàng xáo, tập trung ở tất cả các tỉnh đồng bằng sông Hồng, Thanh Hoá và Ninh bình.

+ Ngoài ra còn những ngành nghề sản xuất bìa, giấy mầu (Hà Đông, Bắc Ninh ) nghề làm mực viết, nghề làm đèn thắp ở Hà Nội, nghề bóng đèn ở Huế, thuốc tẩy Sài Gòn…

+ Vật liệu xây dựng (gạch, ngói, đá, thuỷ tinh…) tập trung chủ yếu ở

Ninh Bình, Thanh Hoá.

Tiểu thủ công nghiệp Việt Nam thời kỳ 1975 đến nay

Với thắng lợi hoàn toàn của sự nghiệp chống mỹ sau này, thì nhiệm vụ chiến lược của Việt Nam là tổ chức quản lý đất nước đã độc lập, nhất tiến lên XHCN và đáp ứng yêu cầu của việc khôi phục phát triển kinh tế trong giai đoạn mới, lúc này Đảng đã xác định “cần ra sức phục hồi và phát triển tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp, chú ý nghề thủ công và mỹ nghệ truyền thống”. Điều đó cho thấy sau khi thống nhất đất nước thì TTCN vẫn là ngành được chú trọng phát triển kinh tế Việt Nam và cụ thể tính đến năm 1983

TTCN cả nước làm ra 6,2 tỷ đồng, giải quyết gần triệu lao động, chiếm 72% sản lượng công nghiệp địa phương.

TTCN Việt Nam tiếp tục được phát triển trên tất cả các miền quê tổ quốc, song phát triển mạnh nhất vẫn là miền Bắc sau đó đến miền nam và cuối cùng là miền trung.

Các nghành phát triển chủ yếu là:

+ Ngành dệt, may.

+ Ngành thủ công mỹ nghệ.

+ Ngành chế biến thực phẩm.

+ Ngành kim khí (rèn dao, thuổng, búa…).

+ Ngành vật liệu xây dựng, gốm sứ thuỷ tinh.

+ Ngoài ra còn có một số nghề như làm giấy, vẽ tranh… tập trung chủ yếu ở miền Bắc (Hà Tây, Bắc Ninh, Nam Hà).

* Kết quả đạt được

Tốc độ phát triển TTCN ở một số vùng, đặc biệt là vùng nông thôn thời gian qua tương đối nhanh. Từ khi có luật đất đai, tốc độ tăng trưởng bình quân 10-11%/năm (trong năm 1991-1995), giá trị sản lượng của TTCN tăng bình quân 7,8%/năm. Trong đó vùng Đông Nam bộ tăng nhanh 18,3 %/năm, vùng đồng bằng sông Hồng tăng chậm 3,7%/năm

Thực hiện chính sách phát triển tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn - thành phố Đà Nẵng
Thực hiện chính sách phát triển tiểu thủ công nghiệp trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn – thành phố Đà Nẵng

Các làng nghề truyền thống bước đầu được phục hồi, nghề và làng nghề mới đang phát triển. Theo số liệu tổng hợp từ sở nông nghiệp và phát triển nông thôn, hiện nay cả nước có 1000 làng nghề, trong đó có 2/3 làng nghề truyền thống. Những tỉnh có nhiều có nhiều làng nghề như tỉnh Hà Tây, Nam Định, Thanh Hoá…mỗi tỉnh có tới 60 – 80 làng nghề.

TTCN góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân, nông thôn, thị trấn, thị xã, ngoại ô thành thị.

Bình quân một một cơ sở chuyên ngành nghề, tạo việc làm ổn định cho cho 27 lao động, mỗi hộ nghề có 4 – 6 lao động, ngoài số lao động sử dụng thường xuyên, hộ còn thu hút thêm lao động nhàn rỗi ở nông thôn (2 – 5 người /hộ và 8 – 10người/cơ sở), đặc biệt là nghề dệt, thêu ren, một cơ sở có thể thu hút 200 – 250 lao động.

Hiện nay TTCN ở khu vực nông thôn giải quyết việc làm cho 4 – 6 lao

động/hộ và tạo điều kiện phát triển các ngành dịch vụ ở nông thôn.

Thu nhập của lao động chuyên TTCN ở nông thôn cao hơn thu nhập lao động thuần nông khoảng 4 – 6 lần. [6]

* Những hạn chế tồn tại

Quy mô nhỏ, kinh tế hộ là phổ biến. Hiện nay, cả nước có khoảng 1,35 triệu hộ và cơ sở chuyên ngành nghề. Trong đó, cơ sở chuyên chỉ chiếm 3%. Bình quân lao động thường xuyên của cơ sở TTCN là 20 người, một hộ là 4 – 6 người.

Trình độ văn hoá và chuyên môn kỹ thuật của người lao động làm tiểu thủ công nghiệp còn thấp. Cơ sở vật chất kỹ thuật còn nghèo nàn. Có tới 45% lao động chuyên chưa qua đào tạo, 26% không có chuyên môn kỹ thuật, chỉ có 35% cơ sở có nhà xưởng kiên cố. Máy móc thiết bị phần lớn đơn giản, cũ kỹ, thải loại từ công nghiệp thành phố, không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật và vệ sinh môi trường.

Vốn nhỏ bé, chủ yếu là tự có (bình quân vốn của cơ sở là 900 triệu đồng, một hộ chuyên là 60 triệu đồng).

Chất lượng sản phẩm thấp, đơn điệu, mẫu mã, bao bì chưa hấp dẫn, sức cạnh tranh yếu, hơn 90% sản phẩm tiêu thụ trong nước. Chưa tìm được thị trường xuất khẩu ổn định.

Tình trạng chất thải của TTCN không được xử lý, gây ô nhiễm môi trường, nhất là ở nông thôn và làng nghề. Tình trạng khai thác bừa bải nguồn tài nguyên thiên nhiên để phát triển tiểu thủ công nghiệp. VD: ở Triệu Sơn Thanh Hoá, việc khai thác quặng sắt ở mỏ Cổ Định làm lảng phí rất lớn tài nguyên thiên nhiên và gây ra ô nhiểm mất cân bằng sinh thái khu vực này.

Do sự biến động về chính trị nên một số thị trường (Nga , Châu âu…) đã bị thu hẹp trong những năm 1990, khủng khoảng kinh tế thời gian gần đây có tác động xấu đến việc xuất khẩu mặt hàng TTCN, chủ yếu là thủ công mỹ nghệ ở khu vực châu Á. [6]

      1. 1.1.2. Thực hiện chính sách phát triển tiểu thủ công nghiệp

1.1.2.1. Khái niệm chính sách phát triển tiểu thủ công nghiệp

Chính sách phát triển TTCN được tiếp cận nghiên cứu từ những giác độ khoa học khác nhau theo đó có những cách hiểu, xác định không hoàn toàn giống nhau về khái niệm và các thuộc tính của chính sách phát triển TTCN, cụ thể như:

– Chính sách phát triển TTCN là những hoạt động mà chính quyền chọn làm và không làm. Theo cách tiếp cận này thì các hoạt động mà chính quyền làm hoặc không làm phải có tác động, ảnh hưởng lâu dài và sâu sắc đến nhân dân thì mới là chính sách phát triển TTCN. Như vậy không phải tất cả những việc mà chính quyền làm hoặc không làm đều là chính sách phát triển TTCN. Ví dụ: chủ trương cho người lao động nghỉ làm vào các ngày lễ, tết là chính sách phát triển TTCN vì đó là việc chính quyền làm và có tác động, ảnh hưởng lâu dài, sâu sắc đến người dân; còn tổ chức thực hiện việc nghỉ lễ, tết thế nào cho hợp lý (làm bù hay nghỉ bù) không phải chính sách phát triển TTCN mà là thực hiện chính sách phát triển TTCN (tuy nhiên chính quyền vẫn phải có quyết định về việc này);

– Chính sách phát triển TTCN là toàn bộ các hoạt động của chính quyền trực tiếp hay gián tiếp tác động đến cuộc sống của mọi người. Từ hướng tiếp cận này, trở lại với ví dụ nêu trên ta thấy: cả việc chủ trương nghỉ lễ, tết và thực hiện việc nghỉ lễ, tết đều là chính sách phát triển TTCN vì cả hai việc đều tác động, ảnh hưởng đến cuộc sống của mọi người. So với quan niệm trên, quan niệm này mở hơn, rộng hơn ở việc xem cả xây dựng, ban hành và thực hiện chính sách của chính quyền đều là chính sách phát triển TTCN. Nhưng lại hẹp hơn ở chỗ không coi những việc chính quyền không làm là chính sách phát triển TTCN (thực tế phát triển ở các nước cho thấy chính quyền không thể và không nhất thiết phải làm tất cả mọi việc đối với xã hội);

– Khác với hai quan niệm trên, TS. Đặng Ngọc Lợi trong bài viết đăng trên Tạp chí Kinh tế và dự báo (số tháng 1 năm 2012) tuy không đưa ra định nghĩa về chính sách phát triển TTCN nhưng cho rằng chính sách phát triển TTCN là chính sách của nhà nước, của chính phủ (do nhà nước, do chính phủ đưa ra), là một bộ phận thuộc chính sách kinh tế và chính sách nói chung của mỗi nước. So với các quan niệm trên thì điểm khác căn bản trong cách tiếp cận nhận thức về chính sách phát triển TTCN là tính công của chính sách, tính công thể hiện trong quan niệm của TS. Đặng Ngọc Lợi là nhà nước, chính phủ khác với quan niệm của các học giả Âu Mỹ xem tính công của chính sách là công cộng (công chúng, đối tượng chịu sự điều chỉnh, tác động của chính sách);

– PGS.TS. Lê Chi Mai cho rằng “Cho đến nay trên thế giới, cuộc tranh luận về định nghĩa chính sách phát triển TTCN vẫn là một chủ đề sôi động và khó đạt được sự nhất trí rộng rãi” tuy vậy theo bà chính sách phát triển TTCN có những đặc trưng cơ bản nhất nhưchủ thể ban hành chính sách phát triển TTCN là nhà nước; chính sách phát triển TTCN không chỉ là các quyết định (thể hiện trên văn bản) mà còn là những hành động, hành vi thực tiễn (thực hiện chính sách); chính sách phát triển TTCN tập trung giải quyết những vấn đề đang đặt ra trong đời sống kinh tế – xã hội theo mục tiêu xác định; chính sách phát triển TTCN gồm nhiều quyết định chính sách có liên quan lẫn nhau. Trong bài viết của mình PGS.TS. Lê Chi Mai còn đưa ra khái niệm “chính sách tư” là chính sách do các cơ quan, tổ chức ban hành nhằm giải quyết những vấn đề thuộc về nội bộ cơ quan, tổ chức, không có hiệu lực thi hành bên ngoài phạm vi cơ quan, tổ chức. Như vậy, so với các quan niệm đã nêu ta thấy có những điểm tương đồng trong quan niệm về chính sách phát triển TTCN như: tính nhà nước, tính công cộng, tính hành động thực tiễn (coi quá trình thực hiện là một phần của chính sách phát triển TTCN).

1.1.2.2. Khái niệm thực hiện chính sách phát triển TTCN

Thực hiện chính sách phát triển TTCN là toàn bộ quá trình chuyển hóa ý chí của chủ thể chính sách thành hiện thực, là bước đặc biệt quan trọng trong chu trình chính sách: hiện thực hóa chính sách, đưa chính sách vào cuộc sống. Chất lượng, hiệu quả thực hiện chính sách phụ thuộc nhiều vào năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức (CBCC) trong thực thi chính sách. Thực trạng năng lực thực hiện chính sách phát triển TTCN ở nước ta cho thấy, bên cạnh những ưu điểm còn bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập. Do đó, nghiên cứu vấn đề lý luận và thực tiễn năng lực thực hiện chính sách có ý nghĩa khoa học, thiết thực và cấp bách hiện nay. Trong bài viết này xin trình bày những vấn đề lý luận và thực tiễn năng lực thực hiện chính sách phát triển TTCN ở Việt Nam.

1.1.2.3. Vai trò, phân loại, nguyên tắc thực hiện chính sách phát triển TTCN

a. Vai trò thực hiện chính sách phát triển TTCN

Thực hiện chính sách là một khâu cấu thành chu trình chính sách, là toàn bộ quá trình chuyển hóa ý chí của chủ thể chính sách thành hiện thực với các đối tượng quản lý nhằm đạt mục tiêu nhất định. Tổ chức thực thi chính sách là trung tâm kết nối các khâu (các bước) trong chu trình chính sách thành một hệ thống. Hoạch định được chính sách đúng, có chất lượng là rất quan trọng, nhưng thực hiện đúng chính sách còn quan trọng hơn. Có chính sách đúng nếu không được thực hiện sẽ trở thành khẩu hiệu suông, không những không có ý nghĩa, mà còn ảnh hưởng đến uy tín của chủ thể hoạch định và ban hành chính sách (uy tín của nhà nước). Nếu chính sách không được thực hiện đúng sẽ dẫn đến sự thiếu tin tưởng và sự phản ứng của nhân dân đối với nhà nước. Điều này hoàn toàn bất lợi về mặt chính trị và xã hội, gây những khó khăn, bất ổn cho nhà nước trong công tác quản lý. Qua thực hiện mới biết được chính sách có đúng, phù hợp và đi vào cuộc sống hay không. Quá trình thực hiện với những hoạt động thực tiễn sẽ góp phần điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện chính sách cho phù hợp với thực tiễn, đáp ứng yêu cầu của cuộc sống. Đồng thời, việc phân tích, đánh giá một chính sách (mức độ tốt, xấu) chỉ có cơ sở đầy đủ, sức thuyết phục sau khi được thực hiện. Thực tiễn là chân lý, kết quả thực hiện chính sách là thước đo, là cơ sở đánh giá một cách chính xác, khách quan chất lượng và hiệu quả của chính sách. Việc đưa chính sách vào thực tiễn cuộc sống là một quá trình phức tạp đầy biến động, chịu sự tác động của nhiều yếu tố giúp các nhà hoạch định và tổ chức thực hiện chính sách có kinh nghiệm để đề ra được các giải pháp hữu hiệu trong thực hiện chính sách.

b. Phân loại thực hiện chính sách phát triển TTCN

Dựa trên các tiêu chí khác nhau theo đó chính sách phát triển TTCN được phân loại thành các nhóm như:

– Theo bản chất của chính sách: chính sách thụ động và chính sách chủ động;

– Theo thời gian thực hiện chính sách: chính sách ngắn hạn và chính sách dài hạn;

– Theo cấp độ của chính sách: chính sách cho toàn thể và chính sách cho bộ phận;

– Theo khu vực áp dụng mà chính sách hướng tới: chính sách cho khu vực công hoặc chính sách cho khu vực tư;

– Theo định hướng của chính sách: chính sách cấp tiến, chính sách bảo thủ;

– Theo hiệu quả thực hiện chính sách: chính sách thực chất, chính sách thủ tục;

– Theo hình thức thể hiện chính sách: chính sách phân bổ, chính sách tái phân bổ, chính sách điều tiết;

– Theo cách thức thực hiện chính sách: chính sách mang tính cưỡng chế, chính sách mang tính thuyết phục;

– Theo không gian của chính sách: chính sách đối nội, chính sách đối ngoại.

Việc phân loại chính sách có ý nghĩa tương đối, vì một chính sách có thể vừa ở loại này vừa ở loại khác. Ví dụ: chính sách đối nội có thể áp dụng cho cả khu vực công và khu vực tư của một quốc gia; như vậy chúng thuộc hai nhóm phân loại.

Khoa học tổ chức nhà nước nghiên cứu các nội dung liên quan đến tổ chức và hoạt động của nhà nước, theo đó ngoài cách phân loại chính sách phát triển TTCN theo 9 nhóm đã nêu trên, có thể phân loại chính sách phát triển TTCN với các tiêu chí như:

– Các chính sách về tổ chức bộ máy nhà nước, bộ máy hành chính nhà nước. Ví dụ: tổ chức bộ đơn ngành hay bộ đa ngành; không tổ chức Hội đồng nhân dân huyện, quận, phường;

– Các chính sách liên quan đến quản lý, sử dụng nguồn nhân lực công (chủ yếu là cán bộ, công chức, viên chức). Ví dụ: Kết luận của Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương khóa X về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chiến lược cán bộ từ nay đến năm 2020.

– Các chính sách liên quan đến tiền lương và chế độ đãi ngộ đối với cán bộ, công chức, viên chức. Ví dụ: Kết luận số 63-KL/TW ngày 27/5/2013 của Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI về “một số vấn đề về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020”.

Ngoài cách phân loại nêu trên còn có thể phân loại chính sách phát triển TTCN theo lĩnh vực; ví dụ: chính sách phát triển TTCN trong lĩnh vực y tế, giáo dục. Hoặc phân loại theo chức năng, nhiệm vụ của Chính phủ; ví dụ: theo quy định của Hiến pháp, Chính phủ có nhiệm vụ “Thống nhất quản lý về kinh tế, văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế, khoa học, công nghệ, môi trường, thông tin, truyền thông, đối ngoại, quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội; thi hành lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ, lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp và các biện pháp cần thiết khác để bảo vệ Tổ quốc, bảo đảm tính mạng, tài sản của Nhân dân” theo đó Chính phủ xây dựng và thực hiện “Chiến lược phát triển khoa học, công nghệgiai đoạn 2011 – 2020” là chính sách phát triển TTCN trong nhiệm vụ quản lý khoa học, công nghệ của Chính phủ.

c. Nguyên tắc thực hiện chính sách phát triển TTCN

– Nguyên tắc vì lợi ích công cộng: Đây được xem là nguyên tắc hàng đầu của chính sách vì nó xuất phát từ đặc trưng cơ bản của chính sách phát triển TTCN.

– Nguyên tắc hệ thống: Nhằm đảm bảo cho mục tiêu, biện pháp của chính sách phát triển TTCN được phát huy, không gây ra mâu thuẫn trong hệ thống.

– Nguyên tắc thực hiện: Nhằm đảm bảo cho chính sách phát triển TTCN được ban hành phù hợp với các điều kiện hiện có, làm cho chính sách phát triển TTCN có tính khả thi cao và đảm bảo được tính kế thừa, liên tục trong hệ thống.

– Nguyên tắc quyết định đa số: Đảm bảo rằng chính sách phát triển TTCN được làm cho mọi người và được xây dựng bởi nhiều người.

1.1.2.4. Nội dung thực hiện chính sách phát triển TTCN

Thực hiện chính sách đóng vai trò vô cùng quan trọng trong chu trình chính sách phát triển TTCN. Nếu hoạch định chính sách phát triển TTCN đã làm tốt rồi thì việc tiếp theo là phải làm tốt giai đoạn thực hiện chính sách mới góp phần làm cho chính sách đạt kết quả. Để làm tốt thực hiện chính sách đòi hỏi phải tuân thủ các bước sau đây: 

a. Xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện chính sách phát triển TTCN

Tổ chức thực thi chính sách công là quá trình phức tạp, diễn ra trong một thời gian dài, vì thế chúng cần được lập kế hoạch, lên chương trình để các cơ quan nhà nước triển khai thực hiện một cách chủ động.

Kế hoạch triển khai thực thi chính sách công được xây dựng trước khi đưa chính sách vào cuộc sống. Các cơ quan triển khai thực thi chính sách từ trung ương đến địa phương đều phải xây dựng kế hoạch, chương trình thực hiện. Kế hoạch triển khai thực thi chính sách bao gồm những nội dung cơ bản sau:

* Kế hoạch tổ chức, điều hành

Kế hoạch này bao gồm những dự kiến về:

– Hệ thống tất cả các chủ thể, cơ quan chủ trì và phối hợp triển khai thực hiện chính sách công. 

– Số lượng và chất lượng nguồn nhân lực để tham gia thực thi chính sách phát triển TTCN.

– Những dự kiến về cơ chế trách nhiệm của cán bộ quản lý và công chức thực thi.
– Cơ chế tác động giữa các cấp thực thi chính sách công.

* Kế hoạch dự kiến các nguồn lực

Kế hoạch này gồm:

– Dự kiến về các cơ sở vật chất, máy móc, xe cộ, phương tiện, điều kiện trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho tổ chức thực thi chính sách; 

– Các nguồn lực tài chính, các vật tư, văn phòng phẩm v.v…

* Kế hoạch thời gian triển khai thực hiện

Là dự kiến về thời gian duy trì chính sách; dự kiến các bước tổ chức triển khai thực hiện từ tuyên truyền chính sách đến tổng kết rút kinh nghiệm. Mỗi bước đều có mục tiêu cần đạt được và thời gian dự kiến cho việc thực hiện mục tiêu. Có thể dự kiến mỗi bước cho phù hợp với một chương trình cụ thể của chính sách.

* Kế hoạch kiểm tra, đôn đốc thực thi chính sách công

– Là những dự kiến về tiến độ, hình thức, phương thức kiểm tra giám sát tổ chức thực thi chính sách.

– Dự kiến những nội quy, quy chế về tổ chức, điều hành hệ thống tham gia thực thi chính sách.

– Dự kiến về trách nhiệm, nhiệm vụ, và quyền hạn của cán bộ, công chức và các cơ quan nhà nước tham gia tổ chức điều hành chính sách.

– Dự kiến về các biện pháp khen thưởng, kỷ luật cá nhân, tập thể trong thực thi chính sách v.v…

Dự kiến kế hoạch thực thi ở cấp nào do lãnh đạo cấp đó xem thông qua. Sau khi được quyết định thông qua, kế hoạch thực thi chính sách mang giá trị pháp lý, được mọi người chấp hành thực hiện. Việc điều chỉnh kế hoạch cũng do cấp có thẩm quyền thông qua kế hoạch quyết định.

b. Phổ biến, tuyên truyền về chính sách phát triển TTCN

* Vai trò của việc phổ biến, tuyên truyền chính sách phát triển TTCN

Sau khi bản kế hoạch thực thi được thông qua, các cơ quan trong bộ máy nhà nước tiến hành tổ chức triển khai thực hiện theo kế hoạch. Việc trước tiên cần làm trong quá trình này là truyên truyền vận động nhân dân tham gia thực hiện chính sách. Đây là một hoạt động quan trọng, có ý nghĩa lớn với cơ quan nhà nước và các đối tượng thực thi chính sách. Phổ biến, tuyên truyền chính sách tốt giúp cho các đối tượng chính sách và mọi người dân tham gia thực thi hiểu rõ về mục đích, yêu cầu của chính sách; về tính đúng đắn của chính sách trong điều kiện hoàn cảnh nhất định và về tính khả thi của chính sách. Qua đó để họ tự giác thực hiện theo yêu cầu quản lý của nhà nước. Đồng thời còn giúp cho mỗi cán bộ, công chức có trách nhiệm tổ chức thực thi nhận thức được đầy đủ tính chất, trình độ, quy mô của chính sách với đời sống xã hội để chủ động tích cực tìm kiếm các giải pháp thích hợp cho việc thực hiện mục tiêu chính sách và triển khai thực thi có hiệu quả kế hoạch tổ chức thực hiện chính sách được giao.

Việc làm này cần được tăng cường đầu tư về trình độ chuyên môn, phẩm chất chính trị, về trang thiết bị kỹ thuật…nhằm nâng cao chất lượng tuyên truyền vận động. Trong thực tế có không ít cơ quan, địa phương do thiếu năng lực tuyên truyền, vận động đã làm cho chính sách bị biến dạng, làm cho lòng tin của dân chúng vào nhà nước bị giảm sút.

Để tham gia quá trình phổ biến, tuyên truyền chính sách phát triển TTCN là sự tham gia của các nhân tố, yếu tố cấu thành gồm:

+ Chủ thể phổ biến, tuyên truyền chính sách phát triển TTCN

Chủ thể bao gồm đội ngũ cán bộ trong bộ máy cơ quan nhà nước được giao nhiệm vụ. Chủ thể phải được đào tạo phải có đủ trình độ, kinh nghiệm, kỹ năng trong việc tuyên truyền, phổ biến chính sách phát triển TTCN.

Chính sách phát triển TTCN khi được phổ biến, tuyên truyền phải đảm bảo tính trung thực những nội dung đã được hoạch định. Chủ thể phổ biến, tuyên truyền chính sách phát triển TTCN phải có thái độ công tâm, khách quan khi thực hiện công việc này. 

+ Đối tượng phổ biến, tuyên truyền chính sách phát triển TTCN

Đối tượng được phổ biến, tuyên truyền chính sách phát triển TTCN bao gồm:

– Những công dân được chính sách phát triển TTCN tác động trực tiếp, đây là đối tượng thụ hưởng chính sách phát triển TTCN.

– Những công dân, tổ chức bị tác động gián tiếp bởi chính sách phát triển TTCN, đây là những nhân tố góp phần làm cho chính sách phát triển TTCN đạt hiệu quả.

– Những đối tượng tham gia thực thi, triển khai chính sách phát triển TTCN.

+ Phương tiện và cách thức tuyên truyền

Tuyên truyền là hành động truyền bá thông tin với mục đích đưa đẩy thái độ, suy nghĩ, tâm lý và ý kiến của quần chúng theo chiều hướng có lợi cho một phong trào hay tập đoàn, thường lồng sau mục tiêu chính trị Thông tin tuyên truyền có thể không thực, hoặc có thể có thực nhưng được thổi phồng để làm nổi bật mục đích và đồng thời có thể cố tình che giấu một số dữ kiện liên hệ nhưng phản tác dụng khác (tức là nói láo bằng cách giấu một phần của điều có thực).

Mục tiêu tối hậu của tuyên truyền hiện đại không dừng lại ở thay đổi suy nghĩ hay thái độ của quần chúng, mà cần phải tạo hành động trong quần chúng. Tuyên truyền không chỉ lôi kéo cá nhân ra khỏi sự tin tưởng cũ, mà cần phải làm cá nhân đó tin mù quáng vào suy nghĩ mới và đưa đến hành động có lợi cho thế lực tuyên truyền. Cá nhân bị tuyên truyền sẽ mất khả năng lựa chọn và phản xạ tự nhiên, và từ đó sẽ làm những hành động với sự tin tưởng không cần bằng chứng cụ thể.

Tuyên truyền, vận động thực thi chính sách được thực hiện thường xuyên, liên tục, kể cả khi chính sách đang được thi hành, để mọi đối tượng cần tuyên truyển luôn được củng cố lòng tin vào chính sách và tích cực thực thi chính sách. Phổ biến, tuyên truyền chính sách bằng nhiểu hình thức như trực tiếp qua các phương tiện thông tin đại chúng v.v…Tùy theo yêu cầu của các cơ quan quản lý, tính chất của từng loại chính sách và điều kiện cụ thể mà có thể lựa chọn hình thức tuyên truyền, vận động thích hợp

c. Phân công, phối hợp thực hiện chính sách phát triển TTCN

* Phân công, phối hợp các cơ quan, chính quyền điều hành

Bước tiếp theo là phân công, phối hợp các cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện chính sách công theo kế hoạch đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt. 
Chính sách công được thực thi trên phạm vi không gian rộng lớn, tối thiểu cũng là một địa phương vì thế số lượng các đối tượng cá nhân và tổ chức tham gia thực thi chính sách là rất lớn. Số lượng tham gia bao gồm các đối tượng tác động của chính sách công, công dân thực hiện và bộ máy tổ chức thực thi của nhà nước. Bên cạnh đó, các hoạt động nhằm thực hiện mục tiêu của chính sách công diễn ra cũng hết sức phong phú, phức tạp theo không gian và thời gian. Chúng đan xen nhau, thúc đẩy hay kìm hãm nhau theo quy luật v.v… Bởi vậy, muốn tổ chức thực thi chính sách công có hiệu quả phải tiến hành phân công, phối hợp giữa các cơ quan quản lý ngành, các cấp chính quyền địa phương, các yếu tố tham gia thực thi chính sách và các quá trình ảnh hưởng đến thực hiện mục tiêu chính sách. 

Trong thực tế thường hay phân công cơ quan chủ trì và các cơ quan phối hợp thực hiện một chính sách công cụ thể nào đó.

* Phân công, phối hợp các đối tượng thực hiện 

Chính sách công khi thực thi có thể tác động đến lợi ích của các bộ phận dân cư theo các hướng khác nhau. Có bộ phận được hưởng lợi nhiều, có bộ phận được hưởng lợi ít, có bộ phận không được hưởng lợi, thậm chí còn bị tác động tiêu cực. 
Việc thành công của một chính sách phát triển TTCN do nhiều yếu tố cấu thành, nhân tố cấu thành. Do đó, để cho việc thực thi chính sách phát triển TTCN thực hiện được đúng mục tiêu quản lý thì cần phải phối hợp các yếu tố, bộ phận, đối tượng tác động và liên quan. Hoạt động phân công, phối hợp diễn ra theo tiến trình thực hiện chính sách một cách chủ động, sáng tạo để luôn duy trì chính sách được ổn định, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả chính sách.

Việc phân công, phối hợp phải đảm bảo phát huy được tính năng động, sáng tạo của các yếu tố cấu thành và tác động. 

d. Đôn đốc việc thực hiện chính sách phát triển TTCN

Để thực hiện tốt chính sách phát triển TTCN cần phải đảm bảo một số nội dung sau:

– Cụ thể hóa nội dung triển khai bằng các văn bản mang tính pháp lý – qui định rành mạch, hợp lý trách nhiệm, quyền hạn của các chủ thể thực hiện; tránh tình trạng lẫn lộn quyền hạn, trách nhiệm, nghĩa vụ của các chủ thể thực hiện.

– Tổ chức phối hợp thống nhất, hiệu quả, đồng bộ (giữa cơ quan củ trì với cơ quan khác; giữa cơ quan nhà nước với nhân dân).

– Đảm bảo các điều kiện về nhân lực, vật lực, tài lực và các phương tiện kỹ thuật hỗ trợ.

– Đảm bảo kế hoạch hóa về thời gian và qui trình thủ tục thực hiện.

– Đảm bảo thông suốt về thông tin (mệnh lệnh và phản hồi) trong quá trình thực hiện, triển khai, duy trì chính sách.

– Đảm bảo sự thống nhât giữa việc kiên trì mục tiêu chính sách phát triển TTCN với việc sáng tạo trong khi sử dụng các biện pháp, hình thức, chương trình hành đông cụ thể thích hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, ngành.

– Đấu tranh chống bệnh quan liêu, phô trương hình thức trong quá trình triển khai thực hiện chính sách phát triển TTCN.

* Vai trò của chủ thể thực thi trong duy trì chính sách phát triển TTCN

Duy trì chính sách công là làm cho chính sách tồn tại và phát huy hết tác dụng trong môi trường thực tế. Muốn cho chính sách được duy trì, đòi hỏi phải có sự nhất trí và quyết tâm cao của các người tổ chức, người thực thi và môi trường tồn tại. 

Đối với các cơ quan nhà nước – người chủ động tổ chức thực thi chính sách công – phải thường xuyên quan tâm tuyên truyền, vận động các đối tượng chính sách và toàn xã hội tích cực tham gia thực thi chính sách. Nếu việc thực thi chính sách gặp phải những khó khăn do môi trường thực tế biến động, thì các cơ quan nhà nước sử dụng hệ thống công cụ quản lý tác động nhằm tạo lập môi trường thuận lợi cho việc thực thi chính sách. Đồng thời chủ động điều chỉnh chính sách cho phù hợp với hoàn cảnh mới. Trong một chừng mực nào đó, để đảm bảo lợi ích chung của xã hội, các cơ quan nhà nước có thể kết hợp sử dụng biện pháp hành chính để duy trì chính sách công.

e. Tổng kết, đánh giá việc thực hiện chính sách phát triển TTCN

Đánh giá chính công được coi là bước thực hiện đo lường kết quả và hiệu quả của một chính sách phát triển TTCN trong thực tế sau khi đưa chính sách vào thực thi cũng như đánh giá những tác động đối với xã hội như sự phù hợp, công bằng, dân chủ, phú lợi người dân và tác động đối với văn hóa, xã hội, thậm chí là các giá trị chính trị. Việc đánh giá chính sách có thể tiến hành thường xuyên hay định kỳ tùy theo mục đích, yêu cầu của các chủ thể, các bên tham gia chính sách phát triển TTCN.

Đánh giá chính sách phát triển TTCN là hoạt động kiểm tra chính sách bằng các tiêu chí cụ thể cho sự phù hợp, đầy đủ, tính hiệu quả, hiệu suất và các tác động của chính sách nhằm cải thiện việc hoạch định, xây dựng và thực hiện chính sách, giải quyết thành công các vấn đề chính sách phát triển TTCN trong tương lai.

Đánh giá chính sách phát triển TTCN là những hoạt động có tính hệ thống, nằm trong một tiến trình, các hoạt động này nhằm kiểm tra toàn bộ các khía cạnh hay một khía cạnh của một can thiệp chính sách (đầu vào, các hoạt động thực hiện các đầu ra, kết quả đầu ra và tác động) và làm thế nào để sử dụng hiệu quả các nguồn lực.

Khi tiến hành đánh giá chính sách phát triển TTCN đại biểu Quốc hội cần tiến hành đánh giá quá trình là đánh giá hoạt động, đánh giá tác động, đánh giá chéo, đánh giá trước, đánh giá sau, đánh giá đầu kỳ, đánh giá cuối kỳ. Các loại đánh giá nhằm mục đích cải thiện can thiệp chính sách. Đánh giá chính sách phát triển TTCN cũng liên quan đến quá trình xác định giá trị hoặc ý nghĩa của một can thiệp chính sách. Một đánh giá càng khách quan và càng hệ thống thì càng tốt.

Tóm lại, khi tiến hành đánh giá chính sách phát triển TTCN đại biểu cần xem xét khách quan và có hệ thống về một chính sách đang được thực hiện hoặc đã hoàn thành để xác định tính thích hợp, hiệu lực, hiệu quả, tác động và tính bền vững của nó. Các đánh giá bao gồm: thiết kế, cách thức thực hiện và các kết quả của nó. Một đánh giá cần cung cấp thông tin tin cậy và hữu ích, cho phép hợp nhất các bài học kinh nghiệm vào quá trình ra quyết định của nhà quản lý, những người thụ hưởng và nhà tài trợ.

    1. 1.2. Các tiêu chí đánh giá thực hiện chính sách phát triển tiểu thủ công nghiệp
      1. 1.2.1. Tiêu chí về quy mô sản xuất tiểu thủ công nghiệp

Phát triển về quy mô sản xuất là một trong những tiêu chí quan trọng để nghiên cứu, đánh giá sự phát triển của TTCN. Phát triển TTCN phải có sự tăng trưởng, nghĩa là sự gia tăng về số lượng cơ sở sản xuất cũng như tốc độ tăng trưởng của các cơ sở TTCN ngày càng tăng.

Số lượng cơ sở sản xuất ngày càng tăng chúng tỏ quy mô của TTCN ngày càng mở rộng. Không chỉ tăng về số lượng cơ sở đăng kí kinh doanh mà phải được thể hiện bằng sự tăng lên về số lượng cơ sở sản xuât, hoạt động thực tế trên thị trường và chỉ có như vậy mới đánh giá đúng thực tế tình hình phát triển về số lượng cơ sở sản xuất TTCN. Nhìn chung, sự phát triển về cơ sở sản xuất TTCN phải phù hợp với tình hình, xu hướng phát triển kinh tế xã hội của địa phương.

Phát triển số lượng cơ sở TTCN phải được tiến hành cùng với việc nâng cao năng lực cạnh tranh của các cơ sở đó. Bởi vì, TTCN đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức rất lớn đó là sự gia tăng cạnh tranh không chỉ trên thị trường xuất khẩu mà ngay cả trên thị trường nội địa. Do vậy, chỉ có nâng cao năng lực cạnh tranh thì các cơ sở sản xuât TTCN mới có thề đứng vững trong điều kiện cạnh tranh và hội hập mạnh mẽ như hiện nay.

Sự phát triển về số lượng cơ sở phải được kiểm chứng thông qua kết quả sản xuất kinh doanh của các cơ sở TTCN, sự gia tăng giá trị sản xuất TTCN trong cơ cấu kinh tế của quận.

Tiêu chí phản ảnh: Số lượng và mức tăng cơ sở sản xuất TTCN. Số lượng các khu, cụm công nghiệp, làng nghề TTCN.

      1. 1.2.2. Tiêu chí về nguồn lực cho sản xuất tiểu thủ công nghiệp

Nguồn lực ở đây bao gồm: vốn, lao động, hệ thống cơ sở vật chất (thiết bị, công nghệ…) Do đó, khi quy mô của các cơ sở sản xuất tăng lên đòi hỏi phải mở rộng quy mô các yếu tố nguồn lực. Điều này có thể được hiểu là làm cho các các yếu tố về lao động, vốn, hệ thống cơ sở vật chất của các cơ sở TTCN ngày càng tăng lên. Lao động và nguồn vốn là hai yếu tố đầu vào cơ bản đối với sự tồn tại và phát triển của các các cơ sở sản xuất. Việc gia tăng các yếu tố đó sẽ thể hiện sự phát triển của TTCN.

Lao động là một trong những yếu tố quan trọng không thể thiếu được đối với sự phát triển của TTCN. Quy mô lực lượng lao động trong khu vực TTCN càng lớn thể hiện quy mô, số lượng lao động của khu vực này ngày càng chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế, giá trị đóng góp vào sự phát triển của nền kinh tế càng tăng. Năng lực, trình độ tay nghề, trình độ quản lý của người lao động càng cao thì sẽ góp phần nâng cao khả năng cạnh tranh của TTCN.

      1. 1.2.3. Tiêu chí về vốn và công nghệ

Trong phát triển TTCN thì vốn và công nghệ là yếu tố quyết định phát triển vững chắc của ngành TTCN. Tiêu chí phản ánh:

+ Số lượng lao động trong lĩnh vực TTCN.

+ Cơ cấu lao động TTCN.

+ Trình độ chuyên môn.

Vốn sản xuất kinh doanh là một trong những yếu tố cực kỳ quan trọng đối với sự phát triển của tất cả các cơ sở TTCN. Vốn là yếu tố tiên quyết quyết định sự hình thành và phát triển của TTCN. Sự tăng lên về vốn chứng tỏ quy mô của TTCN ngày càng phát triển.

Vốn đầu tư của cơ sở TTCN là vốn cho xây dựng, cho máy móc thiết bị…(vốn cố định) và vốn lưu động. Sự tăng lên về vốn chứng tỏ TTCN có sự phát triển. Tuy nhiên, để đánh giá đúng sự phát triển này chúng ta cần phải xem xét cả về mặt lượng lẫn mặt chất, tức sự gia tăng quy mô vốn đầu tư và hiệu quả mà sự gia tăng vốn này mang lại.

Các nguồn lực: lao động, vốn ở các vùng miền, đặc biệt là nông thôn thường nhỏ lẻ, phân tán. Vì vậy, khả năng khai thác ở mỗi vùng sẽ khác nhau. Các nguồn tài nguyên, lợi thế so sánh của địa phương cũng chỉ nằm ở dạng tiềm năng. Khi phát triển TTCN, do nó có sự tăng lên về quy mô, dễ dàng chuyển hướng kinh doanh nên các nguồn lực này sẽ được sử dụng nhiều hơn phục vụ tôt hơn cho nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội. Chính sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến, các ngành tiểu thủ công nghiệp đã cho phép nâng cao giá trị của các tài nguyên tự nhiên: nông, lâm, thủy sản.

      1. 1.2.4. Tiêu chí về mặt bằng sản xuất

Mặt bằng sản xuất kinh doanh là một trong những yếu tố thúc đẩy TTCN phát triển. Các cơ sở TTCN thường sử dụng chính diện tích đất của mình làm mặt bằng sản xuất, do vậy sẽ rất khó khăn khi mở rộng quy mô sản xuất. Việc tiếp cận quyền sử dụng đất, sử dụng đất làm mặt bằng kinh doanh nếu gặp nhiều thuận lợi sẽ tạo cơ hội cho các cơ sở TTCN có điều kiện mở rộng quy mô sản xuất.

Tiêu chí phản ánh:

+ Tổng vốn đầu tư; tốc độ tăng vốn đầu tư hàng năm.

+ Quy mô, mức tăng vốn của chủ sở hữu của các cơ sở sản xuất.

+ Quy mô vốn vay và vốn bình quân/ cơ sở.

+ Giá trị tài sản/cơ sở.

Về công nghệ, kỹ thuật, máy móc thiết bị, hầu hết các nhà nghiên cứu kinh tế đều cho rằng nó có vai trò, tác dụng rất lớn đối với sự tăng trưởng và phát triển kinh tế nói chung và TTCN nói riêng. Bởi vì, khi áp dụng công nghệ và kỹ thuật, máy móc thiết bị hiện đại vào sản xuất sẽ nhanh chóng nâng cao trình độ của sản xuất. Trước đây, các cơ sở sản xuất đồ gỗ của Bình Định sản xuất bằng thủ công nên năng suất rất thấp. Nhờ đổi mới công nghệ, kỹ thuật, máy móc thiết bị hiện đại, hiện nay các công đoạn cưa, xẻ, đục, chạm trổ, đánh bóng được dùng hệ thống cơ giới hóa, tự động hóa nên độ chính xác, tính thẩm mỹ và năng suất cao; trước đây làm nhang bằng tay, năng suất rất thấp, giờ làm bằng máy móc, công nghệ đã cho năng suất cao gấp nhiều lần… Như vậy, việc áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật đã có tác dụng rất lớn trong việc tăng năng suất lao động.

LIỆN HỆ:

SĐT+ZALO: 0935568275

E:\DỮ LIỆU COP CỦA CHỊ YẾN\LUAN VAN VIEN HAN LAM\VIEN HAN LAM DOT 9\CHINH SACH CONG\TRUONG MINH DUC

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *