THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC Y TẾ

THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC Y TẾ

THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC Y TẾ TẠI CÁC  BỆNH VIỆN CÔNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ TAM KỲ, TỈNH QUẢNG NAM

1. Tính cấp thiết của đề tài

Nguồn nhân lực nói chung và đội ngũ nhân lực nói riêng đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia. Chính vì lẽ đó, Đảng và Nhà nước ta luôn coi trọng việc xây dựng, phát triển nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế.

Quan điểm đó luôn được Đảng ta thực hiện xuyên suốt từ Đại hội VI đến nay. Đặc biệt, gần đây nhất, Đại hội XII của Đảng cũng đưa ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển nguồn nhân lực trong thời gian tới, đó là: “Xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực cho đất nước, cho từng ngành, từng lĩnh vực, với những giải pháp đồng bộ, trong đó tập trung cho giải pháp đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực trong nhà trường cũng như trong quá trình sản xuất, kinh doanh, chú trọng nâng cao tính chuyên nghiệp và kỹ năng thực hành” [9].

Từ sau khi đổi mới đến nay, đất nước ta đã đạt được những thành quả to lớn. Chất lượng nguồn nhân lực được nâng cao hơn trước. Tuy nhiên, trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ thì nguồn nhân lực phải phát triển hơn nữa mới đáp ứng được sự phát triển kinh tế xã hội nước ta trong thời kỳ mới.

Trong sự ngiệp xây dựng, phát triển nguồn nhân lực của Đảng và Nhà nước thì phát triển đội ngũ nhân lực y tế nói riêng đã đạt được những kết quả khả quan. Đội ngũ cán bộ y tế đã có những bước phát triển mạnh về số lượng, chất lượng, y đức… nhằm hướng tới sự hài lòng của người bệnh, đáp ứng nhu cầu khám, phòng và chữa bệnh và sự kỳ vọng của xã hội trong lĩnh vực y tế.

Tuy nhiên, với sức ép gia tăng dân số, ô nhiễm môi trường và sự thay đổi mô hình bệnh tật, dịch bệnh theo chiều hướng ngày càng phức tạp, khó lường như đại dịch covid-19, đặt ra cho Đảng, Nhà nước và ngành y tế những khó khăn, thách thức trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực y tế trong tình hình mới.

Thành phố Tam Kỳ là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học của tỉnh Quảng Nam, có vị trí đặc biệt quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của Tỉnh.

Trong những năm qua, hệ thống các BVCL trên địa bàn thành phố Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam đã không ngừng phát triển trên tất cả các mặt, cơ bản đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân và đã nhận thức được tầm quan trọng của nguồn nhân lực đối với sự phát triển nên luôn tìm cách để phát triển đội ngũ nhân lực y tế và đã đạt được những thành công nhất định

Thực tiễn hiện nay, nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân ngày càng đòi hỏi cao hơn, nên các BVCL trên địa bàn TP Tam Kỳ cần phải có những giải pháp thích hợp để phát triển nguồn nhân lực đáp ứng với nhu cầu. Tuy nhiên, công tác phát triển nguồn nhân lực tại các BVCL trên địa bàn TP Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam vẫn còn nhiều bất cập, chưa chủ động, thiếu tính định hướng lâu dài, thiếu sự đồng bộ giữa các khoa, phòng. Cơ cấu nhân lực đang mất cân đối theo chuyên ngành đào tạo; công tác đào tạo và chính sách sử dụng cán bộ y tế chưa hợp lý; chính sách thu hút nhân lực chất lượng cao chưa phù hợp.

Trước thực trạng đó, việc nghiên cứu tìm ra các giải pháp khả thi để duy trì và phát triển đội ngũ nhân lực y tế tại các BVCL trên địa bàn TP Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam nhằm đáp ứng sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân trong thời gian tới là vấn đề hết sức cấp bách và cần thiết. Vì vậy, tôi chọn đề tài “Thực hiện chính sách phát triển nguồn nhân lực Y tế tại các bệnh viện công trên địa bàn thành phố Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam” làm luận văn thạc sĩ chuyên ngành chính sách công.

2. Tình hình nghiên cứu liên quan đến đề tài

3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

3.1. Mục đích nghiên cứu

Làm rõ một số vấn đề cơ bản về lý luận và thực tiễn của việc thực hiện chính sách phát triển nguồn nhân lực y tế nói chung và phát triển đội ngũ nhân lực y tế tại các BVCL trên địa bàn TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam nói riêng, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách phát triển đội ngũ nhân lực y tế tại các BVCL trên địa bàn TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam trong thời gian tới.

3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

Nghiên cứu những vấn đề lý luận về chính sách và thực hiện chính sách phát triển nguồn NL, nguồn NLYT

Phân tích, đánh giá tình hình thực hiện chính sách phát triển đội ngũ nhân lực y tế tại các BVCL trên địa bàn TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

Đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách phát triển đội ngũ nhân lực y tế tại các BVCL trên địa bàn TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam trong những năm tới nhằm đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

4.1. Đối tượng nghiên cứu

Chính sách và quá trình thực hiện chính sách phát triển đội ngũ nhân lực y tế tại các BVCL trên địa bàn TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam

4.2. Phạm vi nghiên cứu

Về đối tượng: Đề tài tập trung nghiên cứu vấn đề thực hiện chính sách phát triển đội ngũ nhân lực y tế ở các Bệnh viên công lập trên địa bàn TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

Về không gian: Phạm vi các BVCL trên địa bàn TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Bao gồm 05 bệnh viện, cụ thể là Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam, Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Tâm thần.

Về thời gian: Thực hiện chính sách phát triển đội ngũ nhân lực y tế tại các BVCL trên địa bàn TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam từ năm 2016- 2019.

5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu

5.1. Phương pháp luận

Đề tài được nghiên cứu dựa trên cơ sở phương pháp luận duy vật biện chứng và duy vật lịch sử của chủ nghĩa Mác – Lênin; quán triệt các chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước về phát triển nguồn nhân lực. Lý thuyết về chính sách công được vận dụng qua thực tiễn giúp hình thành cơ sở lý luận về chính sách công và thực hiện chính sách công cho các lĩnh vực, ngành KT-XH và địa phương cụ thể.

5.2. Phương pháp nghiên cứu

Luận văn đã sử dụng các phương pháp nghiên cứu sau đây:

Phương pháp thu thập thông tin.

Phương pháp điều tra xã hội học: Xây dựng bộ phiếu khảo sát gồm các câu hỏi liên quan đến chính sách và thực hiện chính sách phát triển nguồn nhân lực tại các BVCL trên địa bàn TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam. Đối tượng khảo sát là CBVC với số lượng 305 người ở 05 BVCL trên địa bàn TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam: Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Nam, Bệnh viện Y học cổ truyền, Bệnh viện Nhi, Bệnh viện Phạm Ngọc Thạch, Bệnh viện Tâm thần.

Luận văn còn sử dụng các phương pháp khác như phương pháp so sánh, đối chiếu, thống kê mô tả giữa khảo sát thực tế với lý thuyết.

6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn

6.1. Ý nghĩa lý luận

Luận văn góp phần làm sáng tỏ hơn những vấn đề lý luận về chính sách công nói chung, chính sách phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ nhân lực y tế nói riêng.

6.2. Ý nghĩa thực tiễn

Trên cơ sở khoa học về chính sách công và thực hiện chính sách phát triển nguồn nhân lực tại các BVCL trên địa bàn TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, Luận văn có những đề xuất, kiến nghị góp phần cung cấp những luận cứ khoa học phục vụ cho công tác nghiên cứu hoàn thiện chính sách và nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách phát triển đội ngũ nhân lực y tế tại các BVCL trên địa bàn TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam nói riêng và hệ thống các BVCL trên toàn quốc nói chung.

7. Kết cấu của luận văn

Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, luận văn có kết cấu gồm 3 chương:

Chương 1. Cơ sở lý luận về thực hiện chính sách phát triển nguồn nhân lực y tế

Chương 2. Thực trạng thực hiện chính sách phát triển nhân lực y tế tại các bệnh viện công trên địa bàn thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

Chương 3. Giải pháp nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách phát triển nhân lực y tế tại các bệnh viện công trên địa bàn thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam.

CHƯƠNG 1

CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC Y TẾ

1.1. Những vấn đề chung về chính sách phát triển nguồn nhân lực y tế

1.1.1. Các khái niệm liên quan

1.1.1.1. Khái niệm chính sách và chính sách công

Chính sách là thuật ngữ được sử dụng phổ biến trong đời sông xã hội hiện nay. Tuy nhiên, đây cũng là thuật ngữ được các học giả nghiên cứu hiện nay đưa ra nhiều cách hiểu khác nhau. Hugh Heclo (năm 1972) định nghĩa một chính sách có thể được xem như là một đường lối hành động hoặc không hành động thay vì những quyết định hoặc các hành động cụ thể. Theo James Anderson (1984) thì chính sách là một quá trình hành động có mục đích theo đuổi bởi một hoặc nhiều chủ thể trong việc giải quyết các vấn đề mà họ quan tâm. Quan niệm khác lại cho rằng chính sách là những hành động có tính toán của chủ thể để đối phó với đối tượng quản lý theo hướng đồng thuận hay phản đối.

Tác giả Vũ Cao Đàm đã đưa ra định nghĩa về thuật ngữ chính sách như sau: “Chính sách là một tập hợp biện pháp được thể chế hóa, mà một chủ thể quyền lực, hoặc chủ thể quản lý đưa ra, trong đó tạo sự ưu đãi một hoặc một số nhóm xã hội, kích thích vào động cơ hoạt động của họ, định hướng hoạt động của họ nhằm thực hiện một mục tiêu ưu tiên nào đó trong chiến lược phát triển của một hệ thống xã hội” [5].

Từ điển bách khoa Việt Nam đưa ra khái niệm “Chính sách là những chuẩn tắc cụ thể để thực hiện đường lối, nhiệm vụ. Chính sách được thực hiện trong một thời gian nhất định, trên những lĩnh vực cụ thể nào đó. Bản chất, nội dung và phương hướng của chính sách tùy thuộc vào tính chất của đường lối, nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa… ” [21]

Chính sách công, một ngành khoa học có tính ứng dụng cao đã và đang được các nước trên thế giới nghiên cứu và đưa ra nhiều quan niệm khác nhau. Theo Tạp chí Nhân lực khoa học xã hội 12 năm 2017 trong bài viết “Bàn về khái niệm chính sách công” tác giả Hồ Việt Hạnh đã trích dẫn một số khái niệm về chính sách công trên thế giới tiêu biểu như sau: “Thomas Dye đưa ra một định nghĩa khá súc tích về chính sách công : Chính sách công là bất kỳ những gì nhà nước lựa chọn làm hoặc không làm ; B. Guy Peter định nghĩa: … chính sách công là toàn bộ các hoạt động của Nhà nước có ảnh hưởng trực tiếp hay gián tiếp đến cuộc sống của mọi công dân; Clarke E. Cochran lại cho rằng: Thuật ngữ chính sách công luôn chỉ những hành động của chính phủ/ chính quyền và những ý định quyết định hành động này hoặc chính sách công là kết quả của cuộc đấu tranh trong chính quyền để ai dành được cái gì đó” [12] .

Ở Việt Nam, thuật ngữ chính sách công đã có nhiều nhà nghiên cứu đưa ra những quan điểm và cách hiểu khác nhau như:

Theo Nguyễn Hữu Hải thì “Chính sách công là kết quả ý chí chính trị của nhà nước được thể hiện bằng một tập hợp các quyết định có liên quan với nhau bao hàm trong đó định hướng mục tiêu và cách thức giải quyết những vấn đề công trong xã hội” [11].

Hồ Việt Hạnh cho rằng “Chính sách công là những quyết định của chủ thể được trao quyền lực công nhằm giải quyết những vấn đề vì lợi ích chung của cộng đồng” [12].

Viện Chính trị học quan niệm “… chính sách công là chương trình hành động hướng đích của chủ thể nắm hoặc chi phối quyền lực công cộng” [22]. Theo Lê Như Thanh và Lê Văn Hòa thì “ Chính sách công là một tập hợp các quyết định liên quan với nhau do Nhà nước ban hành, bao gồm các mục tiêu và giải pháp để giải quyết một vấn đề công nhằm đạt được các mục tiêu phát triển” [17].

Từ những phân tích trên có thể hiểu: Chính sách công là chính sách của nhà nước, là kết quả cụ thể hóa chủ trương, đường lối của Đảng cầm quyền thành các quyết định, tập hợp các quyết định chính trị có liên quan với nhau, với mục tiêu, giải pháp, công cụ cụ thể nhằm giải quyết các vấn đề thuộc chức năng, nhiệm vụ của nhà nước, duy trì sự tồn tại và phát triển của nhà nước, phát triển kinh tế – xã hội và phục vụ người dân.

1.1.1.2. Khái niệm nhân lực, nguồn nhân lực

“Nhân lực là nguồn lực của mỗi con người, gồm thể lực, trí lực và nhân cách” [4]. Nhân lực được hiểu đồng nghĩa với lực lượng trong độ tuổi lao động hay lực lượng lao động trong một tổ chức cụ thể (Cơ quan, doanh nghiệp, bệnh viện, nhà trường…).

“Nguồn lực con ngư­ời” hay “nguồn nhân lực”, là khái niệm đ­ược hình thành trong quá trình nghiên cứu, xem xét con ngư­ời với t­ư cách là một nguồn lực, là động lực của sự phát triển. Các công trình nghiên cứu trên thế giới và trong nư­ớc gần đây đề cập đến khái niệm nguồn nhân lực với các góc độ khác nhau.

Theo giáo trình “Nguồn nhân lực” của Nhà xuất bản Lao động xã hội: “Nguồn nhân lực bao gồm toàn bộ dân cư có khả năng lao động, không phân biệt người đó đang được phân bố vào ngành nghề, lĩnh vực, khu vực nào và có thể coi đây là nguồn nhân lực xã hội”[19].

Như vậy, nguồn nhân lực có thể hiểu là toàn bộ những con người có khả năng lao động trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của một ngành, một lĩnh vực, một vùng, một lãnh thổ, một quốc gia.

1.1.1.3. Khái niệm phát triển nhân lực và chính sách phát triển nhân lực

Theo quan niệm của Liên hiệp quốc, phát triển nguồn nhân lực bao gồm giáo dục, đào tạo và sử dụng tiềm năng con người nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội và nâng cao chất lượng cuộc sống. Có quan điểm cho rằng: Phát triển nguồn nhân lực làm cho con người trở thành người lao động có những năng lực và phẩm chất mới, cao hơn, đáp ứng được những yêu cầu to lớn và ngày càng tăng của sự phát triển kinh tế – xã hội.

Từ những luận điểm trên, có thể hiểu phát triển nguồn nhân lực chính là quá trình hoạch định và thực hiện một hệ thống chủ trư­ơng, chính sách, giải pháp và các công cụ, nguồn lực của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để có đư­ợc nguồn nhân lực nói chung và đội ngũ nhân lực nói riêng có đầy đủ sức khoẻ, có văn hóa, có trình độ chuyên môn, nắm bắt đ­ược những thành tựu của khoa học kỹ thuật mới, có đủ nhân cách và đạo đức để thực hiện được yêu cầu CNH, HĐH của đất n­ước.

Trên cơ sở khái niệm về chính sách và chính sách công, có thể hiểu rằng: Chính sách phát triển NL là công cụ để quản lý phát triển đội ngũ nhân lực, là quan điểm, quyết sách, quyết định của Nhà nước bao gồm các mục tiêu, lộ trình và giải pháp cụ thể để xây dựng đội ngũ nhân lực hợp lý về cơ cấu, về số lượng, chất lượng, đảm bảo về năng lực, thể lực, trí lực của các cơ quan, tổ chức, đơn vị đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ CNH, HĐH đất nước.

1.1.2. Đặc điểm, vai trò nhân lực y tế

1.1.2.1. Đặc điểm ngành y tế và đội ngũ nhân lực y tế

Ngành y tế là ngành chăm sóc sức khỏe cho mọi tầng lớp nhân dân trong xã hội có chức năng, nhiệm vụ cơ bản là chẩn đoánđiều trị và phòng ngừa bệnh tậtthương tích và suy yếu về thể chất và tinh thần khác ở người.

Ngành y tế có đặc điểm: Có chính sách chủ động phòng ngừa bệnh tật; hệ thống y tế rộng khắp từ trung ương đến địa phương; xã hội hóa các hoạt động y tế, chủ yếu thông qua việc thu một phần viện phí, bảo hiểm y tế, cho phép hành nghề tư nhân; cũng cố mạng lưới y tế cơ sở, đồng thời hiện đại hóa các hoạt động y tế nhằm đạt trình độ kỹ thuật ngang với những nước trong khu vực; đảm bảo tính công bằng trong khám chữa bệnh đối với người nghèo và nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, hải đảo.

Trong những năm qua, ngành Y tế Việt Nam đã có bước phát triển toàn diện, mạnh mẽ. Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng thực hiện mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc. Mạng lưới y tế dự phòng, cơ sở khám chữa bệnh, sản xuất và cung ứng dược phẩm, bảo hiểm y tế, năng lực chuyên môn của đội ngũ y bác sĩ đều có bước phát triển.

Hiện nay, cả nước có hơn 700 trung tâm y tế huyện, quận, thị xã; hơn 11.100 trạm y tế xã, phường, thị trấn, trong đó có hơn 60% số trạm y tế đã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã giai đoạn 2010- 2020; 100% số xã có trạm y tế hoặc có phòng khám đa khoa khu vực liên xã; 87,5% số trạm y tế xã có bác sĩ làm việc (bao gồm cả bác sĩ làm việc lâu dài và bác sĩ tuyến trên luân phiên về làm việc hai, ba ngày trong tuần); 96% số trạm y tế xã có nữ hộ sinh/y sĩ sản nhi và hơn 95% số thôn bản có nhân viên y tế thôn, bản hoặc cô đỡ thôn, bản… 

Mạng lưới khám, chữa bệnh từ Trung ương đến các xã với hơn 1.400 bệnh viện, 180.000 giường bệnh, hằng năm khám và điều trị ngoại trú cho 120.000 lượt người bệnh, điều trị cho hơn 10 triệu lượt người, thực hiện hàng triệu thủ thuật, khoảng 2 triệu ca phẫu thuật phức tạp hàng năm.

Ấn tượng nhất là Việt Nam đã thành công trong cuộc chống đại dịch Covid-19 và được thế giới đánh giá cao. Quan điểm xuyên suốt của Đảng, Nhà nước và Chính phủ Việt Nam là chủ động, không chủ quan, “chống dịch như chống giặc”, huy động sức mạnh và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng xã hội, lấy phòng dịch làm ưu tiên, ngăn chặn nguy cơ lây lan dịch từ bên ngoài, khoanh vùng dập dịch triệt để từ bên trong, điều trị hiệu quả, chấp nhận hy sinh lợi ích kinh tế trước mắt để bảo vệ tốt nhất sức khỏe, tính mạng của người dân.

Chúc mừng các kết quả mà Việt Nam đã đạt được trong phòng, chống dịch bệnh COVID-19, TS. Kidong Park, Trưởng đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam bày tỏ ấn tượng trước các biện pháp rất nhanh, hiệu quả đã được triển khai thời gian qua. “Các bạn nắm bắt thông tin rất nhanh, chia sẻ minh bạch, kịp thời, áp dụng công nghệ thông tin nhanh nhạy, hiệu quả… Tôi muốn dành thời gian phân tích, tổng hợp các bài học, kinh nghiệm phòng, chống dịch của Việt Nam để chia sẻ với cộng đồng quốc tế”.

Bên cạnh những thành công kể trên, trước tình hình mới, ngành y tế cần tiếp tục đổi mới, hoàn thiện hệ thống tổ chức y tế theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả và hội nhập quốc tế. Phát triển mạnh mẽ y tế cơ sở thực sự là nền tảng của hệ thống y tế nước nhà để thực hiện chức năng chăm sóc sức khỏe ban đầu theo hướng hình thành mạng lưới bác sỹ gia đình.

Nhân lực y tế bao gồm tất cả những người tham gia chủ yếu vào các hoạt động nhằm nâng cao sức khoẻ. Theo đó, nhân lực y tế bao gồm những người cung cấp dịch vụ y tế, người làm công tác quản lý và cả nhân viên giúp việc mà không trực tiếp cung cấp các dịch vụ y tế.

Bất cứ một ngành nghề nào trong xã hội cũng đòi hỏi phải có đạo đức nghề nghiệp. Đối với ngành y thì y đức là một phẩm chất tốt đẹp của người làm công tác y tế, được biểu hiện ở tinh thần trách nhiệm cao, thái độ tận tụy phục vụ bệnh nhân, coi sự đau đớn của người bệnh như chính mình. Trong bức thư của Bác Hồ gửi cho cán bộ ngành Y tế ngày 27 tháng 2 năm 1955 có câu “ Lương y phải như từ mẫu ”[18].

1.1.2.2. Vai trò nhân lực y tế

Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới (Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25 tháng 10 năm 2017) xác định mục tiêu tổng quát: “Nâng cao sức khoẻ cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam. Xây dựng hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả và hội nhập quốc tế. Phát triển nền y học khoa học, dân tộc và đại chúng. Bảo đảm mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khoẻ” [8].

Nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực y tế luôn có vai trò quan trọng, quyết định đến việc thành công hay thất bại trong công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Bởi một trong những yếu tố quyết định đến vai trò của Nhà nước đối với quản lý phát triển y tế là đội ngũ nhân lực. Nguồn nhân lực y tế có đủ năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ, phẩm chất đạo đức đóng vai trò quan trọng dẫn đến thành công hay thất bại trong việc nhà nước thực hiện vai trò chủ đạo của mình đối với công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Các chính sách của nhà nước trong lĩnh vực y tế có đáp ứng được nhu cầu của thực tiễn hay không, việc thực hiện các chính sách ấy có hiệu quả hay không, có phát huy được tác dụng hay không phụ thuộc vào năng lực, phẩm chất, đạo đức của nguồn nhân lực y tế.

Mặt khác, nhu cầu về thầy thuốc và cán bộ thuộc nhiều chuyên môn khác nhau cũng đang đòi hỏi phải đào tạo bác sĩ, dược sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên y với số lượng ngày càng nhiều, chất lượng ngày càng cao, cơ cấu hợp lý, nắm bắt các kiến thức y học hiện đại, giỏi thực hành, có y đức tốt. Trong xây dựng đội ngũ cán bộ y tế nhằm đáp ứng ngày càng tốt hơn cho công tác chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đòi hỏi Nhà nước phải có chính sách thích hợp, thể hiện ở tất cả các khâu từ tuyển chọn, đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ và tôn vinh.

1.2. Nội dung chính sách phát triển nhân lực y tế

1.2.1. Định hướng và quy hoạch phát triển đội ngũ nhân lực y tế

Định hướng và quy hoạch phát triển đội ngũ nhân lực y tế là vô cùng quan trọng trong sự nghiệp phục vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân. Trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 46-NQ/TW Về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, khẳng định: để thực hiện tốt công tác y tế, yêu cầu phải “Sắp xếp lại mạng lưới, mở rộng và nâng cấp các cơ sở đào tạo, đáp ứng nhu cầu về cán bộ y tế phù hợp với quy hoạch phát triển ngành; xây dựng một số trung tâm đào tạo cán bộ y tế ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực”[7].

Chính phủ đã ban hành Quyết định số 122/QĐ – TTg ngày 10 tháng 01 năm 2013 về việc “Phê duyệt Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn 2011 – 2020, tầm  nhìn đến năm 2030”. Trong các chiến lược, quy hoạch xây dựng, phát triển ngành y tế Việt Nam đã dành ưu tiên đối với công tác xây dựng đội ngũ cán bộ y tế, xác định đây là một trong những nhiệm vụ then chốt để phát triển ngành y tế.

Đại hội XII đã khẳng định “Tăng cường đào tạo, phát triển nguồn nhân lực y tế cả về số lượng và chất lượng. Nâng cao trình độ chuyên môn, trách nhiệm và y đức của đội ngũ cán bộ y tế”[9].

Quy hoạch phát triển đội ngũ nhân lực y tế là những chính sách, kế hoạch dài hạn trong đào tạo, bồi dưỡng đảm bảo số lượng, chất lượng; phải bố trí, sắp xếp NLYT phù hợp; phải xây dựng được các tiêu chí về trình độ, phẩm chất và năng lực đối với NLYT trong từng giai đoạn. Việc quy hoạch phải phải xuất phát từ dự báo xu thế phát triển NLYT; phải đi tắt đón đầu, đáp ứng với nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân của từng giai đoạn phát triển.

1.2.2. Đảm bảo số lượng nhân lực y tế

Phát triển số lượng NLYT là phát triển về qui mô tổng số NL và số lượng các loại hình NL của một cơ quan tổ chức nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển của cơ quan, tổ chức, địa phương hay một ngành. Phát triển số lượng NLYT có ý nghĩa rất quan trọng vì nó đảm bảo khả năng hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ của tổ chức.

Chính sách phát triển số lượng NLYT là chính sách phát triển về qui mô lực lượng lao động trong đó có các loại hình lao động của một cơ quan, tổ chức trong hệ thống của ngành y, dược. Chính sách phát triển số lượng NLYT góp phần quan trọng vào hoàn thành chiến lược mục tiêu phát triển của ngành y tế.

1.2.3. Nâng cao chất lượng nhân lực y tế

Nâng cao chất lượng NLYT là bao gồm nâng cao về thể lực, trí lực và tâm lực. Thể lực là một trong những yếu tố rất quan trọng trong phát triển NL, thể lực là sự phát triển hài hòa về cả thể chất và tinh thần. Nó được phản ánh qua các tiêu chuẩn như: chiều cao, cân nặng, tuổi tác, tiền sử bệnh tật. Trí lực chính là quá trình đào tạo trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng làm việc. Tâm lực là những yếu tố bên trong con người như: tính cách, bản tính; nó thể hiện ở đạo đức nghề nghiệp, thái độ ứng xử, khả năng chịu áp lực trong công việc.

Chính sách nâng cao chất lượng NLYT là mục tiêu tăng cường đào tạo, phát triển nhân lực đảm bảo lực lượng lao động được nâng cao về sức khỏe, về chất lượng chuyên môn, y đức, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ nhân viên y tế.

1.2.4. Hình thành cơ cấu nhân lực hợp lý

Cơ cấu NLYT được biểu hiện ở sự đồng bộ, mức độ phù hợp về tỷ lệ giữa các bộ phận, mối quan hệ tác động lẫn nhau giữa các thành phần, vị trí và vai trò của các bộ phận có trong mỗi cơ quan, tổ chức. Qui mô, cơ cấu của từng bộ phận trong tổ chức được xác định tùy thuộc vào qui mô, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức đó. Do đó, việc xây dựng cơ cấu NLYT phải đáp ứng được các yêu cầu về thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức. Cơ cấu NLYT được xác định hợp lý là có tác động cộng hưởng làm tăng sức mạnh của cơ quan, tổ chức và của từng cá nhân nhằm thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức.

Để phát triển NLYT ở mỗi cơ quan, tổ chức cần phải có cơ cấu NLYT hợp lý, phù hợp với chức năng nhiệm vụ ở mỗi thời kỳ nhất định. Cơ cấu NLYT bao gồm: Cơ cấu theo độ tuổi, giới tính; cơ cấu theo trình độ chuyên môn; cơ cấu theo vị trí việc làm.

1.2.5. Thu hút, tuyển dụng, đãi ngộ và đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng nhân lực y tế

Thu hút, tuyển dụng, đãi ngộ và đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng NL nói chung, NLYT nói riêng có vai trò rất quan trọng, mang tầm chiến lược của mỗi quốc gia. Việc thu hút, đãi ngộ và sử dụng NLYT hiện nay có rất nhiều phương thức phù hợp được triển khai thực hiện nhằm thu hút người có tài vào làm việc cho các cơ quan, tổ chức với nhiều chính sách thu hút, đãi ngộ và sử dụng NLYT tạo động lực thúc đẩy, kích thích người lao động làm việc.

Các yếu tố vật chất như: tiền lương, tiền thưởng, phụ cấp, phúc lợi xã hội… . Đây là các yếu tố nhằm thõa mãn các nhu cầu vật chất tối thiểu của con người, được sử dụng như là một đòn bẩy để kích thích tính tích cực làm việc của người lao động.

Các yếu tố vật chất luôn là động lực hấp dẫn thúc đẩy người lao động làm việc. Các yếu tố phi vật chất như khen thưởng, khuyến khích, động viên, cải thiện môi trường làm việc, được học tập nâng cao… Đây là các yếu tố đem lại sự thõa mãn về mặt tinh thần cho người lao động, được sử dụng để kích thích sự hăng say làm việc nhằm đem lại hiệu quả cao hơn trong công việc. Có hệ thống các chính sách về thu hút, tuyển dụng, đãi ngộ và đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng NL tốt sẽ tạo ra được môi trường làm việc thoải mái, làm cho các mối quan hệ trở nên tốt đẹp, lành mạnh hơn và mọi người sẽ hỗ trợ nhau nhiều hơn trong công việc.

Hệ thống các chính sách về thu hút, tuyển dụng, đãi ngộ và đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng NLYT như: Chính sách vật chất: tiền lương, thưởng, phụ cấp, phúc lợi xã hội; chính sách phi vật chất: khuyến khích, khen thưởng, cải thiện môi trường làm việc, được đào tạo nâng cao trình độ, đề bạt, bổ nhiệm.

1.3. Chủ thể và các công cụ thực hiện chính sách phát triển nguồn nhân lực y tế.

1.3.1. Các chủ thể tham gia thực hiện chính sách

Đối với chính sách phát triển NLYT, chủ thể ban hành chính sách gồm Đảng, Quốc hội, Chính Phủ, Chính quyền địa phương. Trong số các cơ quan kể trên, Bộ Y tế là cơ quan đóng vai trò chính trong việc tham mưu trực tiếp xây dựng chính sách phát triển NLYT.

Theo quy định của Hiến pháp, Quốc hội thực hiện chức năng giám sát tối cao mọi hoạt động của Nhà nước, theo Điều 1, Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014, “Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Quốc hội thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và giám sát tối cao đối với hoạt động của Nhà nước” [14]. Ở Điều 5, “Quốc hội quyết định chương trình xây dựng luật, pháp lệnh theo đề nghị của Ủy ban thường vụ Quốc hội. Quốc hội thảo luận, xem xét, thông qua dự án luật [15].

Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền hành pháp, là cơ quan chấp hành của Quốc hội. Chính phủ do Thủ tướng lãnh đạo có thẩm quyền ban hành một số loại văn bản quy phạm pháp luật như Nghị định, Quyết định, Chỉ thị. Các Bộ chủ quản ban hành các Quyết định và Thông tư nhằm hướng dẫn cụ thể việc thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật ở cấp cao hơn.

Đối với địa phương, đó là Đảng bộ, HĐND, Ủy ban Nhân dân, Sở Y tế, Sở Nội vụ, Sở tài chính, Sở Kế hoạch đầu tư ở các tỉnh, thành.

Đối với thực hiện chính sách phát triển nhân lực tại các BVCL trên địa bàn TP Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam thì đó chính là chính quyền địa phương Quảng Nam. Mọi cơ chế, chính sách, nghị quyết, quyết định liên quan đến Quy chế hoạt động, cơ cấu tổ chức, quy định trong tuyển dụng, sử dụng nhân lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương sẽ tác động trực tiếp đến thực hiện chính sách phát triển nhân lực của các BVCL trên địa bàn TP Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam.

Từ những định hướng và chính sách của cấp trên, Đảng ủy, Ban Giám đốc các BVCL trên địa bàn TP Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam cụ thể hóa, xây dựng và thực hiện chính sách phát triển NLYT phù hợp với chức năng nhiệm vụ và nhu cầu phát triển. Đối tượng được hưởng lợi từ chính sách của các BVCL trên địa bàn TP Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam là Công chức, viên chức và người lao động với mục tiêu, vai trò là nhằm ổn định và phát triển.

1.3.2. Các công cụ thực hiện chính sách

1.3.2.1. Công cụ quyền lực

Các cấp quản lý có thẩm quyền có trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, đánh giá việc xây dựng, thực hiện chính sách phát triển NLYT.

1.3.2.2. Công cụ tài chính

Tài chính là nguồn lực để phát triển nguồn nhân lực nói chung và NLYT trong một đơn vị, tổ chức, cơ quan nói riêng. Công cụ tài chính bao gồm các nguồn: Từ ngân sách của Nhà nước; từ nguồn thu của cơ quan, đơn vị; từ xã hội hóa; từ thu hút hỗ trợ vốn của nước ngoài.

1.3.2.3. Công cụ tổ chức và cơ chế

Tổ chức hoạt động bộ máy một cách hiệu lực, hiệu quả; hoàn thiện cơ chế quản lý, điều hành đồng bộ; tạo mối quan hệ giữa các chủ thể khi tham gia vào chính sách phát triển NLYT; sắp xếp tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn; sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện chính sách.

1.3.2.4. Công cụ tuyên truyền

Phổ biến, tuyên truyền chính sách phát triển NLYT làm cho mỗi CBVCLĐ của toàn bộ hệ thống chính trị hiểu rõ mục đích, yêu cầu, vai trò trách nhiệm, quá trình đào tạo và phát triển nhân lực, về tính đúng đắn của chính sách trong điều kiện, hoàn cảnh ở mỗi thời kỳ và tính khả thi của chính sách phát triển NL. Đồng thời còn giúp cho mỗi CBVCLĐ nhận thức được đầy đủ tính chất, quy mô, trình độ của chính sách tác động đến đời sống xã hội để chủ động tìm kiếm các giải pháp thích hợp cho việc thực hiện mục tiêu của chính sách Phát triển NLYT.

1.4. Nội dung và quy trình thực hiện chính sách phát triển nhân lực y tế

1.4.1. Xây dựng kế hoạch và đảm bảo các nguồn lực triển khai thực hiện chính sách

Xây dựng kế hoạch thực hiện chính sách phải xác định được chính xác, cụ thể các nội dung, nhiệm vụ trong kế hoạch tổ chức điều hành; trong cung cấp các nguồn vật lực cho việc thực hiện chính sách; trong kiểm tra đôn đốc thực thi chính sách và việc xác định hợp lý thời gian thực hiện chính sách. Cùng với xây dựng kế hoạch thực hiện chính sách phải xây dựng nội quy, quy chế tổ chức điều hành thực hiện chính sách. Xây dựng kế hoạch thực hiện chính sách tốt, có độ chính xác và tính khả thi cao thì quá trình thực hiện chính sách thuận lợi, đạt hiệu quả cao và không phải điều chỉnh bổ sung trong quá trình thực hiện.

1.4.2. Phổ biến, tuyên truyền chính sách

Phổ biến, tuyên truyền chính sách phát triển NLYT là một hoạt động quan trọng, có ý nghĩa lớn với cơ quan nhà nước và các đối tượng thực thi chính sách. Trên cơ sở mục tiêu, nội dung, nhiệm vụ, yêu cầu, phạm vi, đối tượng của chính sách, lựa chọn các kỹ năng, giải pháp, hình thức quán triệt phổ biến, tuyên truyền chính sách phù hợp với từng loại đối tượng.

Phổ biến, tuyên truyền chính sách tốt giúp cho các đối tượng chính sách tham gia thực thi hiểu rõ về mục đích, yêu cầu của chính sách; về tính đúng đắn của chính sách và về tính khả thi của chính sách. Qua đó để họ tự giác thực hiện theo yêu cầu quản lý của nhà nước. Đồng thời, còn giúp cho mỗi CBVCLĐ có trách nhiệm tổ chức thực thi nhận thức được đầy đủ tính chất, trình độ, quy mô của chính sách với đời sống xã hội để chủ động tích cực tìm kiếm các giải pháp thích hợp cho việc thực hiện mục tiêu chính sách và triển khai thực thi có hiệu quả kế hoạch tổ chức thực hiện chính sách.

1.4.3. Phân công, phối hợp thực hiện chính sách

Muốn tổ chức thực hiện chính sách phát triển NLYT có hiệu quả cần phải tiến hành phân công, phối hợp giữa các cơ quan quản lý ngành, các cấp chính quyền địa phương, các yếu tố tham gia thực hiện chính sách và các quá trình ảnh hưởng đến thực hiện mục tiêu chính sách.

Phân công, phối hợp thực hiện chính sách cần chặt chẽ, khoa học và hợp lý. Đó là việc phân công trách nhiệm cụ thể cho các tổ chức, cá nhân có liên quan trong thực hiện chính sách; xác định tổ chức, cá nhân chủ trì, chịu trách nhiệm chính, các cá nhân, tổ chức tham gia phối hợp trong quá trình thực hiện chính sách. Đó là tổ chức điều hành và phối hợp nhịp nhàng, chặt chẽ hoạt động của các tổ chức, cá nhân trong quá trình thực hiện chính sách.

1.4.4. Kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện chính sách

Kiểm tra, giám sát, theo dõi, đôn đốc là một nhiệm vụ, một khâu quan trọng trong thực hiện chính sách phát triển NLYT. Khi thực hiện việc này cần phải có đầy đủ thông tin phản ánh về quá trình triển khai và kết quả thực hiện chính sách từ đối tượng thực hiện và đối tượng thụ hưởng chính sách.

Từ phân tích xử lý thông tin đó, đối chiếu với các quy định trong thực hiện chính sách để có cơ sở phát hiện, phòng ngừa và xử lý vi phạm; phát hiện sơ hở trong quản lý, trong tổ chức thực hiện, đề xuất các giải pháp góp phần hoàn thiện chính sách và nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách.

1.4.5. Đánh giá, tổng kết thực hiện chính sách

Đánh giá, tổng kết việc thực hiện chính sách phát triển NLYT là quá trình xem xét, kết luận về sự chỉ đạo, điều hành tổ chức thực hiện chính sách của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và việc chấp hành, thực hiện của các đối tượng thụ hưởng chính sách.

Khi đánh giá, tổng kết, cần phải căn cứ vào các tiêu chuẩn, tiêu chí và các nguyên tắc nhất định. Cơ sở để xây dựng tiêu chí đánh giá công tác chỉ đạo, điều hành thực thi chính sách của các cơ quan nhà nước là kế hoạch và quy chế, nội quy ban hành kèm theo. Việc đánh giá, tổng kết rút kinh nghiệm giúp chúng ta thấy được những hạn chế, xác định rõ nguyên nhân từ đó có những biện pháp khắc phục, hoàn thiện việc thực hiện chính sách.

Ngoài ra, còn phải xem xét, đánh giá kết quả việc thực hiện của các đối tượng thụ hưởng trực tiếp và gián tiếp từ chính sách. Đó là sự hưởng ứng, chấp hành thực hiện chính sách.

1.5. Các yếu tố ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách phát triển nhân lực y tế.

1.5.1. Thể chế chính sách

Hệ thống các quan điểm, chủ trương, nghị quyết của Đảng, các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách của Nhà nước có sự tác động rất lớn đến thực hiện chính sách phát triển nguồn NLYT nói chung trong đó có thực hiện chính sách phát triển NLYT tại các BVCL trên địa bàn TP Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam. Các cơ chế, chính sách này sẽ tạo ra hành lang, cơ sở pháp lý để cho các cấp, ngành Y tế và hệ thống các BVCL có cách thức, biện pháp trong việc thực hiện chính sách phát triển NLYT.

Chất lượng chính sách ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả thực thi chính sách công. Sự ảnh hưởng của chất lượng chính sách đối với hiệu quả thực thi chính sách thể hiện ở hai điểm chủ yếu là tính đúng đắn và tính rõ ràng, cụ thể của chính sách. Tính đúng đắn của chính sách là tiền đề cơ bản cho việc thực thi có hiệu quả chính sách. Chính sách đúng đắn, phù hợp với quy luật khách quan và sự phát triển xã hội, thể hiện lợi ích công, thúc đẩy sự phát triển xã hội, mang lại lợi ích thiết thực cho đối tượng chính sách thì sẽ có được sự thừa nhận, ủng hộ của đối tượng chính sách, người thực thi và xã hội, từ đó góp phần nâng cao hiệu quả thực thi. Trái lại, sẽ không có được sự thừa nhận, ủng hộ của đối tượng chính sách. Chính sách đúng đắn thể hiện ở sự đúng đắn về nội dung, phương hướng cũng như việc hoạch định chính sách dựa trên cơ sở lý luận và thực tiễn đầy đủ. 

Tính rõ ràng, cụ thể của chính sách. Tính rõ ràng, cụ thể của chính sách là yêu tố then chốt để thực thi chính sách có hiệu quả, là căn cứ cho hoạt động thực thi chính sách của chủ thể thực thi chính sách, cũng là cơ sở để tiến hành đánh giá và giám sát quá trình thực thi chính sách. Để thực thi thuận lợi một chính sách nào đó, về mặt kỹ thuật, chính sách đó cần phải rõ ràng, cụ thể, tức sự rõ ràng về phương án chính sách, mục tiêu chính sách, biện pháp chính sách và các bước triển khai. Đồng thời, tính rõ ràng và cụ thể của chính sách còn yêu cầu mục tiêu chính sách cần phù hợp với thực tế và có thể thực hiện được, có thể tiến hành so sánh và đo lường được. Phương án chính sách cần chỉ rõ kết quả đạt được, đồng thời cần xác định rõ thời gian hoàn thành. Trong thực thi chính sách, sự thiếu rõ ràng, cụ thể của chính sách sẽ dẫn đến sự khó khăn trong thực hiện, từ đó ảnh hưởng không tốt đến hiệu quả thực thi chính sách.

Tác động trực tiếp đến thực hiện chính sách phát triển NLYT tại các BVCL trên địa bàn TP Tam Kỳ tỉnh Quảng Nam đó là hệ thống các cơ chế, chính sách, nghị quyết, quyết định liên quan đến Quy chế hoạt động, cơ cấu tổ chức, quy định trong tuyển dụng, sử dụng NLYT của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương tỉnh Quảng Nam.

LIỆN HỆ:

SĐT+ZALO: 0935568275

E:\DỮ LIỆU COP CỦA CHỊ YẾN\LUAN VAN VIEN HAN LAM\VIEN HAN LAM DOT 11\SAU BAO VE\DOT 2/NGUYEN VU HONG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *