Hoàn thiện chuỗi cung ứng rau sạch tại thành phố Tam Kỳ

Hoàn thiện chuỗi cung ứng rau sạch tại thành phố Tam Kỳ

Hoàn thiện chuỗi cung ứng rau sạch tại thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam

1. Tính cấp thiết của đề tài

Việc canh tác rau tại thành phố Tam Kỳ gắn liền với quá trình phát triển sản xuất nông nghiệp và quá trình đô thị hóa của thành phố. Trong thời gian qua UBND thành phố, UBND các xã phường, cũng như các phòng, ban chuyên môn của thành phố cũng đã quan tâm rất nhiều đến chương trình sản xuất rau sạch, RAT tại thành phố. Tuy nhiên, việc tổ chức sản xuất rau sạch hiện nay trên địa bàn thành phố Tam Kỳ vẫn còn một số tồn tại và vướng những khó khăn nhất định; đặc biệt là việc tổ chức liên kết và tiêu thụ sản phẩm, cũng như tổ chức chuỗi cung ứng từ người nông dân cho đến người tiêu dùng, từ công tác thu hoạch, sơ chế, đóng gói, bảo quản và vận chuyển đến việc nhận biết thương hiệu sản phẩm rau sạch và sử dụng trong người tiêu dùng vẫn còn nhiều hạn chế.

Với những lý đó tôi chọn vấn đề “Hoàn thiện chuỗi cung ứng rau sạch tại thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam” làm đề tài nghiên cứu thạc sĩ chuyên ngành quản trị kinh doanh.

2. Mục tiêu nghiên cứu Đánh giá thực trạng chuỗi cung ứng rau sạch tại Thành phố Tam Kỳ, từ đó đề xuất một số giải pháp nhằm hoàn thiện chuỗi, góp phần nâng cao giá trị nông nông nghiệp thành phố.

3. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

– Đối tượng: từ người sản xuất đến người tiêu dùng cuối cùng là khách hàng, trong đó có người nông dân, các THT, các HTX, các cửa hàng, siêu thị buôn bán rau sạch, các tiểu thương bán lẻ, người tiêu dùng.

– Phạm vi nghiên cứu: Về không gian: tại các xã, phường: xã Tam Ngọc, xã Tam Thăng, xã Tam Phú, xã Tam Thanh, phường Trường Xuân, phường An Phú. Về thời gian: Dữ liệu được dùng trong khoảng thời gian từ 2015 – 2020.

4. Phương pháp nghiên cứu

4.1. Phương pháp thu thập thông tin

4.1.1. Thu thập số liệu sơ cấp:

Được tổng hợp bằng phương pháp điều tra, khảo sát, thực hiện phỏng vấn thành phần, đối tượng tham gia trong chuỗi cung ứng. Đồng thời kết hợp các phương pháp đánh giá nhanh tại các vùng sản xuất rau sạch để có số liệu phân tích chuỗi cung ứng rau sạch Tam Kỳ.

4.1.2. Thu thập số liệu thứ cấp:

Thu thập thông tin, số liệu và các tài liệu liên quan tại: Phòng Kinh tế thành phố Tam Kỳ, Trung tâm Kỹ thuật Nông nghiệp, Phòng tài chính – Kế hoạch thành phố,… Thông tin từ các trang web, sách báo, tạp chí.

4.2. Phương pháp nghiên cứu: Phương pháp phân tích và tổng hợp lý thuyết; Phương pháp quan sát; Phương pháp thống kê, tổng hợp; Các phương pháp nghiên cứu khác khác.

5. Bố cục đề tài: Ngoài phần mở đầu và kết luận, nội dung chính của Luận văn gồm 03 chương:

Chương 1: Cơ sở lý thuyết về chuỗi cung ứng.

Chương 2: Thực trạng chuỗi cung ứng rau sạch tại thành phố Tam Kỳ.

Chương 3: Một số giải pháp để hoàn thiện chuỗi cung ứng rau sạch tại thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam.

CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ CHUỖI CUNG ỨNG

1.1. Cơ sở lý luận về chuỗi cung ứng

1.1.1. Một số khái niệm

1.1.1.1. Khái niệm chuỗi cung ứng

Chuỗi cung ứng bao gồm các hoạt động của mọi đối tượng có liên quan từ mua nguyên vật liệu, sản xuất ra sản phẩm cho đến cung cấp cho khách hàng cuối cùng. Hoặc chuỗi cung ứng của một mặt hàng là quá trình bắt đầu từ nguyên vật liệu thô cho đến khi tạo ra sản phẩm hoàn chỉnh và được phân phối tới khách hàng.

1.1.1.2. Khái niệm quản trị chuỗi cung ứng

Quản trị chuỗi cung ứng là quá trình hoạch định, tổ chức, quản lý, lãnh đạo, kiểm tra và kiểm soát toàn bộ quá trình cung ứng, sản xuất, phân phối và tiêu thụ trong mối liên kết, tích hợp, phụ thuộc và ảnh hưởng lẫn nhau từ nhà cung cấp, người sản xuất đến người tiêu dùng cuối cùng.

1.1.1.3. Chuỗi cung ứng rau sạch

Chuỗi cung ứng rau sạch là sự kết nối các hoạt động của cá nhân, tổ chức theo một trình tự xác định, từ khâu cung cấp vật liệu giống đến sản xuất rau sạch và cung ứng cho thị trường. Xét ở góc độ di chuyển của luồng hàng vật chất, để có rau sạch cho thị trường, bước đầu phải có vật liệu giống. Dưới tác động của các hoạt động, vật liệu giống hình thành nên rau sạch và chuyển cho khách hàng. Do vậy, có thể phát biểu Chuỗi cung ứng rau sạch là sự chuyển hóa liên tiếp của luồng vật chất để biến vật liệu giống thành rau sạch và chuyển đến người tiêu dùng cuối cùng.

1.1.2. Vai trò của chuỗi cung ứng rau sạch

– Đảm bảo cân đối cung – cầu, bình ổn thị trường rau sạch.

– Tạo lợi thế cạnh tranh cho ngành hàng sản xuất rau sạch.

– Giúp các cơ quan chức năng kiểm soát chất lượng rau sạch.

1.1.3. Đối tượng tham gia chuỗi cung ứng

1.1.3.1. Các thành phần trong chuỗi cung ứng.

Nhà cung cấp bao gồm các trung tâm vật tư, các đại lý bán sỉ, đại lý bán lẻ được nhà sản xuất lựa chọn tùy thuộc vào năng lực và uy tín cung ứng của họ.

– Nhà sản xuất chính là các HTX, THT và người nông dân trồng rau sạch là những thành phần tổ chức sản xuất rau sạch tại thành phố Tam Kỳ.

– Nhà phân phối là các nhà bán sỉ, các doanh nghiệp mua và bán sản phẩm rau sạch đến tay người tiêu dùng.

– Nhà bán lẻ là các cửa hàng bán lẻ, hệ thống siêu thị, các cửa hàng bán rau củ quả, các tiểu thương bán lẻ ở chợ…

– Khách hàng/người tiêu dùng là những người có nhu cầu mua và sử dụng sản phẩm. Khách hàng có thể mua sản phẩm để sử dụng phục vụ nhu cầu của mình.

1.1.3.2. Các dòng luân chuyển trong hoạt động chuỗi cung ứng

Dòng sản phẩm/dịch vụ: Là dòng chảy không thể thiếu được trong chuỗi cung ứng, xuất phát từ các nhà cung cấp đầu tiên đến người tiêu dùng cuối cùng.

Dòng thông tin: Thông tin đến từ 2 chiều, chiều thứ nhất đến từ phía khách hàng, mang những thông tin về thị trường và những ý kiến phản hồi của khách hàng sau khi sử dụng sản phẩm. Chiều thứ hai, đến từ phía các nhà cung cấp. Mang những thông tin về thị trường nguyên vật liệu

Dòng tiền: Dòng tiền được đưa vào chuỗi bởi người tiêu dùng, khi họ đã nhận được các sản phẩm, dịch vụ đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

1.1.4. Sự liên kết giữa các tác nhân tham gia chuỗi cung ứng

Liên kết trong chuỗi cung ứng bao gồm liên kết dọc và liên kết ngang. Liên kết giữa một tác nhân với các tác nhân đứng trước và đứng sau nó gọi là liên kết dọc và liên kết giữa các tác nhân có cùng chức năng gọi là liên kết ngang hay liên kết dọc là liên kết giữa các tác nhân theo đường đi của sản phẩm, liên kết ngang là liên kết các tác nhân, các đối tượng cùng tham gia vào các hoạt động tương tự nhau.

1.1.5. Những yếu tố ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng

1.1.5.1 Tác động của thị trường

Thị trường rau sạch phụ thuộc vào nhu cầu của người tiêu dùng. Người tiêu dùng chính là khách hàng tiềm năng của chuỗi cung ứng rau sạch. Có thể nói, thị trường tiêu thụ rau sạch là yếu tố quyết định trực tiếp đến quy mô sản xuất và giá rau sạch.

1.1.5.2. Tác động của cơ chế, chính sách nhà nước

Các cơ chế, chính sách trong sản xuất giúp các tác nhân trong chuỗi cung ứng tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục, đất đai, vốn, thông tin,…góp phần định hướng cho SXKD rau sạch. Cơ chế, chính sách trong quản lý là cơ sở để các cấp ban ngành tham gia vào việc kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định về quản lý sản xuất, chất lượng rau sạch, quy trình sản xuất.

1.1.5.3. Tác động của sự phát triển KHCN

Trong nông nghiệp, sự phát triển của KHCN tác động vào lĩnh vực giống, lĩnh vực sản xuất. Như vậy, sự phát triển của KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp sẽ tác động tích cực đến sản xuất cây trồng nói chung và chuỗi cung ứng rau sạch nói riêng.

1.1.5.4. Ảnh hưởng của đầu tư công và dịch vụ công

Đầu tư công và dịch vụ công có ảnh hưởng quan trọng đến sự phát triển của nền kinh tế, là một thành phần quan trọng của tổng cầu, góp phần gia tăng tổng cung, dẫn dắt thị trường,…

1.1.5.5. Trình độ tiếp cận các cơ hội phát triển của các tác nhân

Thành công của chuỗi cung ứng rau sạch có sự đóng góp rất lớn của các tác nhân tham gia chuỗi và phụ thuộc trực tiếp vào trình độ tiếp cận các cơ hội phát triển củahọ.

1.1.5.6. Sự hài hòa trong việc giải quyết quan hệ lợi ích kinh tế giữa các tác nhân

Giải quyết quan hệ lợi ích kinh tế giữa các tác nhân cần hướng tới sự công bằng, nếu không sẽ dễ bị gãy chuỗi cung ứng.

1.1.5.7. Các hoạt động quản lý

Các hoạt động quản lý ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng bao gồm hoạt động quản lý chuỗi và hoạt động quản lý của nhà nước về việc thực hiện các quy định, chính sách.

1.2. Tổng quan cơ sở lý luận về rau sạch và tiêu chuẩn VietGap

Rau sạch là rau sản xuất theo quy trình công nghệ cao, hạn chế sử dụng hóa chất nông nghiệp như các phương pháp thủy canh, bán thủy canh…. Rau được gọi là sạch có nghĩa là khi rau đến tay người tiêu dùng các chỉ tiêu về chất lượng phải dưới mức cho phép của tổ chức Y tế thế giới như độ tồn dư thuốc hóa học, nitrate, kim loại nặng và không chứa các vi sinh vật gây bệnh.

Hoàn thiện chuỗi cung ứng rau sạch tại thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam
Hoàn thiện chuỗi cung ứng rau sạch tại thành phố Tam Kỳ, Quảng Nam

1.3. Kinh nghiệm xây dựng chuỗi cung ứng ở một số vùng của Việt Nam, của một số nước trên thế giới và bài học kinh nghiệm trong xây dựng chuỗi cung ứng thành phố Tam Kỳ.

1.3.1. Kinh nghiệm xây dựng chuỗi cung ứng của một số nước trên thế giới.

1.3.1.1 Kinh nghiệm về chuỗi cung ứng RAT của Thái Lan

Chuỗi cung ứng hợp lí, khoa học, đòi hỏi sự hợp tác cao giứa các tác nhân tham gia chuỗi từ khâu sản xuất đến tiêu thụ; Chính sách vận hành, hỗ trợ hợp lí của chính phủ tạo điều kiện thuận lợi cho việc tiêu thụ; Chú trọng đến chất lượng, giống, mẫu mã mang lại giá trị gia tăng cao cho mặt hàng nông sản.

1.3.1.2. Kinh nghiệm về chuỗi cung ứng RAT của Ấn Độ

Đảm bảo tính thống nhất, hợp tác chặt chẽ giữa các tác nhân tham gia trong chuỗi. Tăng cường khả năng lập kế hoạch, dự báo được lượng nhu cầu, tạo mắc xích liên kết giữa người sản xuất và người tiêu dùng. Phát triển hệ thống cơ sở hạ tầng, ứng dụng công nghệ trong thu thập, xử lý thông tin sản phẩm/ dịch vụ, và khách hàng. Tăng cường các hoạt động sau thu hoạch: lưu kho, bao bì, đóng gói… tối ưu hóa hiệu quả hoạt động, cắt giảm các chi phí không cần thiết.

1.3.2. Kinh nghiệm xây dựng chuỗi cung ứng một số khu vực của Việt Nam

1.3.2.1. Kinh nghiệm về chuỗi cung ứng RAT khu vực ĐBSCL

Trong chuỗi cung ứng rau ở ĐBSCL, nông dân là đối tượng đóng vai trò hết sức quan trọng đó là nông dân sẽ phân phối rau cho hầu hết các đối tượng khác trong chuỗi cung ứng. Chỉ có một vài hộ sản xuất rau tham gia vào HTX trồng RAT của địa phương, còn lại phần lớn người trồng rau đều tự trồng và bán ở bên ngoài. Người thu mua rau ở có qui mô không lớn, đa số người thu mua bán rau tại địa phương và các tỉnh lân cận. Vai trò của các HTX vẫn chưa phát huy, vẫn chưa qui hoạch và phân bổ cụ thể việc trồng các loại rau cho các hộ nông dân.

1.3.2.2. Kinh nghiệm về chuỗi cung ứng rau điển hình trên địa bàn thành phố Đà Nẵng

Tính bền vững trong chuỗi cung ứng RAT TP. Đà Nẵng chưa được chặt chẽ, quá trình vận hành và hoạt động các thành phần trong chuỗi cung ứng chưa được liên kết bền vững và chặt chẽ, cấu trúc chuỗi chưa thật sự vững chắc và dễ bị tác động mạnh của các tác nhân bên ngoài. Sự phân phối lợi nhuận giữa các thành phần chưa hợp lý, người nông dân là đối tượng chính, tạo ra giá trị gia tăng cao nhất nhưng lợi nhuận đạt được thấp, thường xuyên gặp khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm

1.3.3. Bài học kinh nghiệm rút ra khi xây dựng chuỗi cung ứng cho địa bàn thành phố Tam Kỳ.

– Tổ chức chuỗi cung ứng rau sạch phải biểu hiện tính khoa học và hợp lý thông qua sự hợp tác chặt chẽ giữa người nông dân và các HTX, các DN trong sản xuất, tiêu thụ, kinh doanh rau sao cho hiệu quả.

– Nhà nước có chính sách hợp lý, vận hành hiệu quả nhằm tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, các HTX, các DN, các cửa hàng kinh doanh để chuỗi cung ứng hoạt động trơn tru và hiệu quả.

– Các loại rau sạch luôn đổi mới về giống, chất lượng, quy cách đóng gói và bao bì. HTX là người tiếp cận với thị trường và cần sự hỗ trợ chính sách từ Nhà nước để xây dựng HTX phát triển mạnh.

– Đảm bảo quy trình kỹ thuật từ khâu sản xuất đế khâu thu hoạch, bảo quan, sơ chế, đóng gói và vận chuyển, đảm bảo rau thật sự phải sạch ở mọi khâu, mang lại giá trị gia tăng cao cho sản phẩm.

– Các chính sách và phương thức quản lý minh bạch, phân công nhiệm vụ rõ ràng giữa các thành phần trong chuỗi, có bình đẳng giữa các thành phần, đảm bảo người trồng rau có thu nhập ổn định.

CHƯƠNG 2

THỰC TRẠNG CHUỖI CUNG ỨNG RAU SẠCH

TẠI THÀNH PHỐ TAM KỲ

2.1. Giới thiệu chung về thành phố Tam Kỳ

2.1.1. Điều kiện tự nhiên

Thành phố còn có đường bờ biển dài với bãi tắm Tam Thanh, Tỉnh Thủy, hệ sinh thái sông Đầm và nhiều di tích lịch sử, văn hóa sẽ mở ra nhiều cơ hội đẩy mạnh phát triển du lịch, nghỉ dưỡng, dịch vụ.

2.1.2. Điều kiện kinh tế – xã hội

2.1.2.1. Khái quát điều kiện kinh tế

Quy mô nền kinh tế và tốc độ tăng trưởng toàn bộ nền kinh tế trên địa bàn thành phố Tam Kỳ trong thời kỳ 2015 -2019 tăng tương đối đồng đều qua các năm. Trong đó, tỷ lệ nông nghiệp – thủy sản thấp, chỉ khoảng 2,5% tổng giá trị sản xuất; tỷ lệ công nghiệp – xây dựng qua các năm dao động trong khoảng 23% đến 27%, tỷ lệ dịch vụ thương mại cao hơn nhiều so với nông nghiệp, công nghiệp, đạt tỷ lệ trên 70%.

2.1.2.2. Khái quát điều kiện xã hội.

Dân số trung bình toàn thành phố năm 2019 có 122.374 nghìn người. Dân số phân bố đông đúc ở thành thị (thành thị chiếm 74,73% và nông thôn chiếm 25,27%). Trong vài năm gần đây, do quá trình đô thị hóa, dân số ở thành thị có xu hướng gia tăng. Số hộ nghèo giảm dần qua các năm, đời sống nhân dân khá ổn định, thu nhập bình quân đầu người được nâng lên.

2.2. Tổng quan về tình hình sản xuất, tiêu thụ, rau sạch tại Tam Kỳ

2.2.1. Tình hình sản xuất nông nghiệp thành phố Tam Kỳ

Giá trị sản xuất nông nghiệp đến năm 2020 ước đạt 471,9 tỷ đồng, tăng bình quân giai đoạn 2015-2020 là 6%. Trong đó, giá trị tăng bình quân của ngành như sau: trồng trọt tăng bình quân 3,5%, chăn nuôi không tăng; Thủy sản tăng bình quân là 9,5%, cơ cấu trong ngành thủy sản: Khai thác chiếm 73%, nuôi trồng chiếm 27%.

2.2.2. Phát triển THT, HTX và liên kết sản xuất nông nghiệp

Đến nay, trên địa bàn có 10 THT và 14 HTX nông nghiệp. Đã hình thành các liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản.

2.2.3. Công tác ứng dụng khoa học công nghệ để phát triển sản xuất nông nghiệp

Mỗi năm thành phố mở được khoảng trên 30 lớp với 9 nghề cho 887 lao động nông thôn ở các xã, phường. Chương trình đào tạo nghề cho nông dân tại các địa phương đặc biệt là các xã nông thôn mới mỗi năm mở được khoảng 2-5 lớp.

2.2.4. Công tác quảng bá và tiêu thụ nông sản; xây dựng và quảng bá thương hiệu nông sản

Thành phố đã xây dựng phương án chuỗi giá trị nông thủy sản trên địa bàn thành phố Tam Kỳ và các chương trình khuyến nông tại địa phương và phối hợp với tỉnh thực hiện thành công 4 chuỗi giá trị nông sản trên địa bàn gồm: chuỗi giá trị thịt lợn, chuỗi thịt gà, chuỗi chả an toàn và RAT.

2.2.5. Tình hình sản xuất và tiêu thụ rau sạch tại Tam Kỳ

2.2.5.1. Tình hình sản xuất:

Vùng rau Khối phố Xuân Bắc, Trường Xuân: Phương án thực hiện trên diện tích 4ha, đã triển khai thành lập THT trồng rau Trường Xuân có 26 tổ viên, .. . trong năm 2018, hỗ trợ HTX nông nghiệp xanh Trường Xuân thành lập và xây dựng vùng sản xuất mới với diện tích 02 ha. Hiện nay, đã sản xuất được gần 01 ha và định hướng sẽ phát triển mở rộng, tiếp nhận nhãn hiệu tập thể rau sạch Trường Xuân để phát triển sản xuất.

Vùng sản xuất rau Tân Thái, Tam Thăng: Phương án thực hiện trên diện tích 4ha. Đã triển khai thành lập THT trồng rau Tân Thái có 10 tổ viên; chỉnh trang, xây dựng cống thoát nước, hỗ trợ giống rau, hướng dẫn kỹ thuật và tổ chức sản xuất một số loại rau củ quả, như: rau mùng tơi, rau cải, đậu bắp, …

Vùng rau muống biển Thanh Đông, Tam Thanh: xây dựng vùng sản xuất tập trung rau muống biển Thanh Đông với diện tích là 01 ha. Đã triển khai thành lập THT trồng rau có 7 tổ viên (10 lao động); xây dựng hệ thống điện, nước … Vùng rau đã được lập hồ sơ chứng nhận đủ điều kiện ATTP;

Vùng sản xuất rau Thao Lao – Tam Phú: HTX này đã thuê được 02 ha đất của các hộ nông dân trong vùng rau và tiến hành tổ chức sản xuất từ tháng 6/2018. Nhằm hỗ trợ HTX sản xuất, thành phố đã bố trí kinh phí 125 triệu từ nguồn sự nghiệp nông nghiệp năm 2018 để xây mô hình khuyến nông tại vùng sản xuất. Đến nay, đã tiến hành sản xuất được hơn 01 ha và bước đầu có hiệu quả.

Vùng sản xuất rau Thọ Tân – Tam Ngọc: diện tích vùng rau là 04 ha và để hỗ trợ sản xuất cho vùng rau này, thành phố đã bố trí kinh phí 134.750.000 đồng từ nguồn sự nghiệp nông nghiệp năm 2018 để xây mô hình khuyến nông tại vùng sản xuất. Đến nay, đã tiến hành sản xuất được từ 1 đến 3 ha, tùy theo vụ.

Vùng trồng nén, kiệu ở An Phú: Vùng trồng nén An Phú: diện tích 02 ha. Đã thành lập THT trồng nén có 27 tổ viên, xây dựng hệ thống điện, nước, cấp chứng nhận đủ điều kiện ATTP, hỗ trợ bao bì, … và tổ chức mở rộng sản xuất từ 3,5 ha trước đây lên 08 ha. Đến nay, đây là vùng sản xuất đạt hiệu quả, chất lượng sản phẩm tốt và thu nhập bình là 300 – 400 triệu đồng/ha/năm. Mô hình trồng Kiệu An Phú: xây dựng phương án và trồng thử nghiệm 1 ha, 10 hộ sản xuất, mô hình được đánh giá đem lại hiệu quả kinh tế cao, đầu ra ổn định.

2.2.5.2. Tình hình tiêu thụ:

Thành phố Tam Kỳ mỗi ngày tiêu thụ khoảng 16,5 – 19 tấn rau tươi các loại trong đó lượng rau do thành phố tự sản xuất chiếm khoảng 10 – 12% ( khoảng 1,65 đến 2,1 tấn) còn lại nhập từ nơi khác. Do vậy việc kiểm soát ATTP rau, quả và xây dựng chuỗi cung ứng rau sạch tại thành phố Tam Kỳ là nhiệm vụ hết sức cấp bách, nhằm đảm bảo sức khỏe cho nhân dân góp phần phát triển kinh tế xã hội của thành phố.

2.3. Phân tích chuỗi cung ứng rau sạch tại thành phố Tam Kỳ

2.3.1. Sơ đồ mô tả chuỗi cung ứng rau sạch Tam Kỳ

Hình 1.1: Chuỗi giá trị rau sạch của thành phố Tam Kỳ

Chuỗi cung ứng rau sạch của TP Tam Kỳ có 5 hoạt động cơ bản đó là: cung ứng các yếu tố đầu vào, sản xuất, bán sỉ, bán lẻ và tiêu dùng. Các tác nhân (hay còn gọi là các thành phần) tham gia chuỗi cung ứng đó là: Nhà cung ứng các yếu tố đầu vào, người nông dân, HTX, doanh nghiệp kinh doanh rau, người bán lẻ và cuối cùng là người tiêu dùng sản phẩm rau sạch.

2.3.2. Phân tích các mô hình của chuỗi cung ứng hiện tại

2.3.2.1. Giới thiệu chuỗi cung ứng:

Việc tổ chức chuỗi cung ứng rau hiện nay trên địa bàn Tam Kỳ chủ yếu có 3 chuỗi sau:

Chuỗi 1: người nông dân, THT-> Người bán lẻ -> người tiêu dùng

Chuỗi 2: người nông dân, THT-> Người thu gom bán sĩ-> Người bán lẻ->người tiêu dùng.

Chuỗi 3: Người nông dân, THT-> HTX-> siêu thị/ cửa hàng rau sạch-> người tiêu dùng.

2.3.2.2. Phân tích các chuỗi cung ứng:

Chuỗi 1: người nông dân, THT-> Người bán lẻ -> người tiêu dùng Hộ nông dân, các THT bán sản phẩm cho các tiểu thương ở chợ, tiểu thương các chợ bán lẻ cho người tiêu dùng cuối cùng, hoặc người nông dân cũng chính là những người bán lẻ trực tiếp. Đây là mô hình sản xuất và tiêu thụ RAT truyền thống, mô hình này không khác gì so với sản xuất và tiêu thụ theo cách thông thường trước đây.

Chuỗi 2: người nông dân, THT-> Người thu gom bán sĩ-> Người bán lẻ->người tiêu dùng.

Như đã phân tích về mối liên kết giữa các tác nhân trong chuỗi cung ứng, đây là mô hình sản xuất và tiêu thụ RAT tương tự chuỗi 1, chỉ khác một điều là quá trình của chuỗi có thêm một đối tượng trung gian nữa đó là người thu gom bán sĩ. Ở chuỗi này cũng rất khó để kiểm soát chất lượng an toàn VSTP trên chuỗi do có quá nhiều các tác nhân tham gia với liên kết mạng lưới. Người tiêu dùng rất khó để nhận biết RAT.

Chuỗi 3: Người nông dân, THT-> HTX-> siêu thị/ cửa hàng rau sạch-> người tiêu dùng.

Với mô hình này tuy có ưu điểm là xây dựng chuỗi cung cấp thực phẩm rau sạch từ nơi sản xuất đến người tiêu dùng cuối cùng. Tuy nhiên mô hình này chưa phát triển để tiêu thụ hết sản phẩm RAT sản xuất ra.

2.3.2.3. Nhận xét chung

Từ phân tích trên, nhận thấy rằng chuỗi cung ứng 3 có nhiều ưu điểm với sự tham gia của doanh nghiệp và HTX, sản phẩm rau sạch được bán tại cửa hàng, siêu thị, có thể phân phối cho khách hàng từ các cửa hàng, các doanh nghiệp nên việc truy xuất nguồn gốc rau được thực hiện dễ dàng, việc quản lý cũng thuận lợi hơn.

2.3.3. Phân tích các nhân tố tham gia trong chuỗi cung ứng và các quan hệ liên kết giữa các tác nhân.

2.3.3.1. Nguồn cung ứng các yếu tố đầu vào

– Giống: Qua phỏng vấn thu thập nguồn cấp giống chủ yếu từ công ty, cửa hàng được bày bán tại nhiều cửa hàng vật tư nông nghiệp tại các thành phố

– Phân bón, thuốc BVTV: Sử dụng phân bón và thuốc BVTV có tên trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh và sử dụng ở Việt Nam

2.3.3.2. Người Nông dân, THT

Người nông dân bán lẻ trực tiếp chiếm khoảng từ 55-65%. Kênh tiêu thụ thông qua người thu gom chiếm khoảng 15-20%. Kênh tiêu thụ sản phẩm thông qua các HTX chiếm khoảng từ 10- 15%, Nông hộ tham gia HTX và HTX đại diện các hộ ký hợp đồng với các doanh nghiệp, cửa hàng để thu mua.

2.3.3.3. Người thu gom bán sĩ

Người thu gom thường thu mua sản phẩm từ nông dân trên cùng khu vực và mang ra chợ đầu mối bán cho người bán lẻ hoặc phân phối cho các bếp ăn, tập thể, nhà hàng. Hiện nay, tại Chợ Tam Kỳ, Chợ Thương mại Tam Kỳ, chợ An Sơn có trên 150 hộ kinh doanh RAT, trong đó có trên 80% thực hiện chức năng thu gom bán sỉ rau trên địa bàn nhưng chủ yếu là nguồn rau nhập từ các địa phương, số lượng rau tiêu thụ hằng ngày bình quân tại các chợ khoảng trên 15 – 17 tấn rau/ngày.

2.3.3.4. Người bán lẻ

Hiện tại, TP Tam Kỳ có 08 chợ trong đó có 02 chợ lớn loại 1 với tổng số hộ kinh doanh hơn 9.000 hộ. Theo thói quen tiêu dùng của người dân thành phố thì chợ vẫn là nơi cung cấp thực phẩm, rau quả tươi sống hàng này và là địa điểm phân phối thích hợp. Người bán lẻ rau đều phân bố ở hầu hết tất cả các chợ trên địa bàn thành phố. Trong một số trường hợp tại các vùng rau của nông dân tự sản xuất và tự bán lẻ sản phẩm của mình tại các chợ nhỏ, bình quân nông dân bán lẻ khoảng từ 15 – 25kg/ngày.

2.3.3.5. HTX

Về sản xuất rau sạch điển hình có thể kể đến HTX NN Xanh Trường Xuân, được thành phố đầu tư trình diễn sản xuất RHC; HTX NN Đồng Hành, HTX NN Tam Phú, HTX NN Kỳ Anh, HTX NN Quảng Phú… Đây là những đơn vị được thành phố đầu tư kết cấu hạ tầng và hỗ trợ xây dựng VietGAP.

2.3.3.6. Siêu thị, cửa hàng rau sạch

Doanh nghiệp kinh doanh mua rau của người nông dân thông qua HTX, hiện nay số lượng này tiếp tục tăng, có nhiều doanh nghiệp đầu tư kinh rau sạch, có thể kể đến vài tên tuổi như Cửa hàng thực phẩm sạch Tam Kỳ, Siêu thị Nông sản sạch, Cửa hàng Bảo Khang, Cửa hàng Hoa Mai, An Phú Pharm, Của hàng thực phẩm phẩm sạch Vườn Xanh…

2.3.3.7. Người tiêu dùng

Khách hàng tiêu dùng sản phẩm rau sạch bao gồm 02 nhóm: Khách hàng cá nhân và Khách hàng tổ chức. Người tiêu dùng mua rau tại nhiều điểm bán khác nhau nhưng chợ vẫn là địa điểm có tần suất mua cao nhất. Mua rau tại chợ chiếm tỷ lệ 73,7%, siêu thị 12,5%, cửa hàng rau, quầy rau là 8,2% và địa điểm khác là 5,6%.

2.3.4. Những khó khăn khi thực hiện chuỗi cung ứng rau sạch tại Tam Kỳ

– Hiện tại người nông dân chỉ sản xuất đơn lẻ, không có kế hoạch sản xuất cụ thể. Rau sạch vẫn bán nhỏ lẻ với giá cả không chênh lệch với rau thông thường.

– Thu nhập đại đa số người dân vẫn còn thấp hoặc chưa đủ để người dân chấp nhận mua rau sạch ở giá cao hơn.

– Sản phẩm rau sạch đưa ra thị trường chưa được nhận diện, người tiêu dùng không nhận diện được đâu là rau sạch nên chưa tạo niềm tin về rau sạch cho người tiêu dùng.

– Đại đa số người tiêu dùng vẫn chọn hình thức mua rau từ chợ truyền thống, đánh giá chất lượng rau thông qua hình thức bề ngoài

– Tập quán và thói quen của đại đa số các hộ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ không có tính chuyên nghiệp, ngại đầu tư

– Trong khi đó sản phẩm rau của Tam Kỳ sản xuất không đa dạng về chủng loại, có tính vụ mùa, mẫu mã không đẹp, giá thành cao nên rất kho cạnh tranh trên thị trường.

– Các THT, HTX được thành lập để thúc đẩy sản xuất tập trung nhưng còn gặp nhiều khó khăn, tổ chức hoạt động ban đầu còn lúng túng, chưa hình chuỗi cung ứng rõ ràng của thành phố Tam Kỳ.

CHƯƠNG 3

MỘT SỐ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN CHUỖI CUNG ỨNG RAU SẠCH TẠI THÀNH PHỐ TAM KỲ

TRONG THỜI GIAN TỚI

3.1. Cơ sở để hoàn thiện giải pháp

3.1.1. Định hướng phát triển rau sạch trên địa bàn thành phố Tam Kỳ.

Đến năm 2025 thành phố Tam Kỳ quy hoạch 6 vùng sản xuất rau, củ, quả thực phẩm sạch với tổng diện tích là 25ha

Dự báo đến năm 2025 dân số thành phố Tam Kỳ tăng đến 200 nghìn người, trong đó dân số đô thị khoảng 160 nghìn người. Như vậy với mức dân số 170.000 dân, tổng dung lượng thị trường rau Tam Kỳ sẽ là 15 – 17 tấn/ ngày, tổng nhu cầu tiêu dùng rau xanh của người dân thành phố Tam Kỳ đến năm 2025 là 32.000 tấn/năm.

3.1.2. Phân tích điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức của rau sạch trên địa bàn thành phố Tam Kỳ.

Một là việc tổ chức sản xuất rau sạch hiện nay là chưa hợp lý, không đảm bảo đủ nguồn cung số lượng lẫn chủng loại. Do quy mô sản xuất nhỏ, lẻ, tập trung tại các vùng rải rác nên nhiều hộ chưa kết nối với HTX. Lượng lớn rau này không thông qua HTX để bán cho DN tiêu thụ và đi vào các chuỗi cung ứng với thương hiệu rau sạch của HTX.

Hai là khi tham gia liên kết với HTX, việc phân bổ lợi ích trên chuỗi cung ứng không đồng điều, người nông dân hưởng lợi ít từ việc tham gia sản xuất trong chuỗi trong khi phải bỏ chi phí nhiều để sản xuất nhưng lợi nhuận đạt được không cao.

3.2. Nhóm giải pháp xây dựng và áp dụng kỹ thuật trồng rau sạch theo tiêu chuẩn VietGap, tiêu chuẩn hữu cơ và chuyển giao kỹ thuật cho người nông dân.

Nhân rộng mô hình canh tác rau sạch theo quy trình VietGAP GlobalGAP, quy trình hữu cơ nhằm nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm. Vậy cần tổ chức các khóa đào tạo nâng cao ý thức về trồng trọt theo quy trình đảm bảo an toàn, cũng như kỹ thuật trồng trọt an toàn cho nông dân, mà cụ thể là sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, tiêu chuẩn Hữu cơ là mục tiêu cần thực hiện cấp bách.

Đẩy mạnh việc phổ biến, hướng dẫn về quy trình sản xuất rau sạch theo VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ; trình tự thủ tục đề xuất để các nhà nông đăng ký được công nhận sản xuất rau sạch theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ và hỗ trợ kinh phí để được cấp chứng chỉ tái công nhận

3.3. Nhóm giải pháp nhằm tăng cường sự phối hợp và hỗ trợ giữa các thành phần tham gia chuỗi cung ứng rau sạch tại thành phố Tam Kỳ

3.3.1. Tăng cường liên kết giữa nông dân – HTX:

Trong chuỗi cung ứng rau sạch Tam Kỳ việc củng cố và nâng cao vai trò, trách nhiệm của HTX trong việc liên kết tổ chức sản xuất và tiêu thụ rau sạch là hết sức cần thiết. Các HTX sẽ giúp người trồng rau xây dựng lịch sản xuất và tiêu thụ rau, đảm bảo lượng rau sạch sản xuất theo đúng đơn hàng đã ký hợp đồng với các doanh nghiệp.

HTX và người trồng rau phải xây dựng mối liên kết chặt chẽ, phải hỗ trợ lẫn nhau trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, cùng nhau thực hiện và giám sát chất lượng sản phẩm rau sạch, giám sát VSATTP trong suốt quá trình sản xuất đến khi tiêu thụ sản phẩm.

3.3.2. Xác định rõ chức năng, nhiệm vụ của từng thành viên trong hợp đồng liên kết

  • Nông dân: Người trồng rau phải đảm bảo thực hiện đúng các quy trình sản xuất do HTX đưa ra và có sự kiểm tra, kiểm soát của HTX. Khi thực hiện đảm bảo được các yêu cầu của HTX, thì người trồng rau mới được thực hiện các hợp đồng sản xuất rau sạch.
  • HTX/THT: Vai trò của các HTX là thực hiện ký kết hợp đồng tiêu thụ rau sạch với các siêu thị, các doanh nghiệp kinh doanh, các cửa bán rau sạch, các bếp ăn tập thể, … Các HTX sẽ định hướng cho người trồng rau sạch sản xuất theo nhu cầu thị trường và tiêu thụ sản phẩm cho người trồng rau. HTX sẽ cung cấp các yếu tố đầu vào như phân bón, giống, thuốc BVTV… Trong quá trình sản xuất, HTX tiếp tục theo dõi, kiểm soát người trồng rau sản xuất đúng theo quy trình sản xuất rau sạch. Đến khi thu hoạch HTX sẽ mua theo mức giá đã thỏa thuận theo hợp đồng với người trồng rau trước đó.
  • Doanh nghiệp kinh doanh rau sạch: Đối với các siêu thị, cửa hàng kinh doanh rau sạch thực hiện 2 chức năng vừa bán lẻ, vừa bán buôn. Thực hiện kinh doanh bán lẻ để cung cấp rau sạch cho các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn tập thể,… và người tiêu dùng mua lẻ.
  • Cơ quan quản lý nhà nước: Đóng vai trò thúc đẩy thực hiện quá trình liên kết và hỗ trợ hợp đồng liên kết trong sản xuất và tiêu thụ rau sạch.
  • Các nhân tố có liên quan khác như Ngân hàng, bảo hiểm, tổ chức chứng nhận chất lượng: Tham gia hỗ trợ trong việc liên kết giữa các thành phần trong chuỗi cung ứng.

3.3.3. Củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX

Các vùng chuyên canh trồng rau sạch của Tam Kỳ phải thành lập các HTX hoặc các THT nhằm đảm bảo các điều kiện vận hành chuỗi cung ứng. HTX và THT phải thực sự là đại diện của người trồng rau sạch, là cấu nối liên kết giữa họ với thị trường. Các HTX hoặc THT hoạt động phải dựa trên nguyên tắc tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm. HTX cần chú trọng xây dựng mục tiêu, kế hoạch tổ chức sản xuất, kinh doanh cho phù hợp với điều kiện của HTX nhằm nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh, đáp ứng nhu cầu phát triển thị trường. Các HTX phải xây dựng, đăng ký thương hiệu cho sản phẩm rau sạch của HTX đang quản lý, thực hiện sơ chế, đóng gói và bảo quản rau sạch theo đúng tiêu chuẩn trước khi cung cấp ra thị trường.

3.4. Giải pháp xây dựng và vận hành hoạt động Liên hiệp HTX hoặc doanh nghiệp điều hành chuỗi cung ứng rau sạch Tam Kỳ.

Mô hình này dựa trên sự hợp tác tự nguyện của các HTX rau sạch có cùng mục tiêu, sự hiểu biết về lợi ích và cách vận hành của chuỗi cung ứng. Liên hiệp HTX rau sạch TP Tam Kỳ là tổ chức điều phối các hoạt động sản xuất – kinh doanh rau sạch. Liên hiệp HTX rau sạch rất cần sự hỗ trợ ban đầu của các cơ quan chức năng của TP trong bước đầu thành lập và vận hành, nhất là các đơn vị có liên quan trực tiếp trong lĩnh vực nông nghiệp và thương mại.

3.5. Giải pháp đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các THT, HTX.

Các HTX rau sạch cần tranh thủ các lớp bồi dưỡng, tập huấn, đào tạo của các cơ quan chuyên môn của thành phố Tam Kỳ để cử người tham gia hoặc chủ động đề xuất nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng, chuyển giao khoa học kỹ thuật, sản xuất đảm bảo an toàn, cách thức quản lý, tổ chức sản xuất, kỹ thuật sơ chế, bảo quản sản phẩm, kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng bán hàng, marketing… gắn với thực tiễn sản xuất, kinh doanh của các HTX.

3.6. Giải pháp xây dựng thương thiệu, quảng bá sản phẩm, mở rộng hệ thống tiêu thụ, tiếm kiếm thị trường.

Các cấp chính quyền từ thành phố đến các địa phương có vùng sản xuất rau sạch cần tạo điều kiện hướng dẫn, hỗ trợ người trồng rau để thành lập các HTX, THT, nhóm hộ trồng rau và mỗi tổ chức đó có thể đăng ký một thương hiệu dùng chung cho tất cả thành viên trong tổ chức. Bên cạnh việc xây dựng thương hiệu, Phòng kinh tế thành phố cũng nên thường xuyên tổ chức các đoàn khảo sát thị trường; hướng dẫn các doanh nghiệp tham gia hội chợ nông sản để giới thiệu, quảng bá các sản phẩm nông sản sạch Tam Kỳ.

3.7. Giải pháp đẩy mạnh thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp thành phố Tam Kỳ

          • Phòng kinh tế thành phố chịu trách nhiệm tham mưu UBND thành phố quy hoạch vùng trồng rau sạch gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu; tăng cường đầu tư cơ giới hóa sản xuất rau sạch; hỗ trợ đào tạo nghề nông nghiệp, phát triển làng nghề nông thôn, nâng cao năng lực và điều hành của HTX, THT, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả. Triển khai thực hiện tốt các giải pháp hoàn thiện chuỗi cung ứng rau sạch.
          • Phòng Tài chính – Kế hoạch thành phố tham mưu UBND thành phố bố trí nguồn vốn đầu tư đảm bảo theo kế hoạch. Tham mưu xây dựng các chính sách khuyến khích đầu tư, huy động các nguồn vốn đầu tư và kế hoạch tài chính phục vụ sản xuất và tiêu thụ rau sạch.
          • Xây dựng đội ngũ nông dân chuyên nghiệp, có kỹ năng sản xuất và kỹ năng quản lý.

3.8. Những giải pháp hỗ trợ khác

3.8.1. Nâng cấp hạ tầng kỹ thuật

Quy hoạch và triển khai thực hiện các công trình giao thông, thủy lợi, điện đạt tiêu chí nông thôn mới. Việc bố trí cần đảm bảo có được một hệ thống đường nội đồng hoàn chỉnh, hợp lý để tạo điều kiện thuận lợi vận chuyển vật tư, nông sản, hệ thống thủy lợi khép kín đảm bảo cho sản xuất và nhà ở dân cư được an toàn; đẩy mạnh công tác cơ giới hóa các khâu sản xuất. Liên kết khuyến khích các đại lý viễn thông xây trạm phục vụ tại từng địa bàn xã. Đồng thời các doanh nghiệp cần quan tâm đầu tư nâng cấp và ứng dụng công nghệ thông tin bằng các phần mềm quản trị chuỗi cung ứng.

3.8.2. Thiết lập hệ thống truy xuất nguồn gốc

Hệ thống truy xuất nguồn gốc được xây dựng với bao gồm 2 phân hệ thông tin: hệ thống thông tin QLNN với sự liên kết thông tin giữa các QLNN với nhau và hệ thống truy xuất nội bộ liên kết thông tin giữa các chủ thể tham gia trực tiếp vào chuỗi với cơ quan QLNN.

Hệ thống thông tin về QLNN: đây là cơ sở dữ liệu dùng chung giữa tất cả các banh ngành, đơn vị liên quan đến quản lý ATTP, lưu trữ toàn bộ thông tin về kế hoạch, tác nghiệp về quản lý ATTP.

Hệ thống truy xuất nội bộ: là cơ sở dữ liệu về các thành phần tham gia trong chuỗi. Hệ thống này cho biết nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm, cách thức sản phẩm được sản xuất ra cũng như đường đi của sản phẩm rau sạch từ đồng ruộng đến bàn ăn của người tiêu dùng.

Hệ thống sẽ có hỗ trợ về công nghệ để khách hàng có thể thực hiện truy xuất nguồn gốc sản phẩm từ điện thoại di động thông qua các QR code gán trên sản phẩm.

3.8.3. Hỗ trợ vốn và kỹ thuật

Cần có thêm nhiều chính sách hỗ trợ nguồn vốn lãi suất thấp cho nông dân và các đơn vị sản xuất kinh doanh để họ có sự đầu tư thích hợp cho việc trồng và sản xuất, kinh doanh rau sạch Tam Kỳ để cái tên này ngày càng có chất lượng về chất lẫn về tiếng.

3.8.4. Tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý của Nhà nước về thực phẩm an toàn

Phòng Kinh tế thành phố, Trung tâm kỹ thuật nông nghiệp cần tham mưu cho UBND thành phố Tam Kỳ ban hành quy định bắt buộc các cơ sở chế biến xuất ăn công nghiệp, các nhà hàng, trường học, bệnh viện phải xuất trình nguồn gốc rau sạch khi mua nguyên liệu chế biến thực phẩm. Trước mắt sẽ áp dụng với các cơ quan nhà nước có bếp ăn tập thể, bệnh viện, trường học, các địa điểm du lịch (nhà hàng, khu du lịch).

3.8.5. Tăng cường sự hỗ trợ từ các tác nhân hỗ trợ trong chuỗi cung ứng

Phòng kinh tế thành phố phối hợp và tham mưu cho UBND Thành phố Tam Kỳ các chính sách để hỗ trợ người dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp nhằm giúp cho người dân, các doanh nghiệp, các HTX an tâm trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Các doanh nghiệp/ liên hiệp HTX cần nghiên cứu để cung cấp các dịch vụ trong lĩnh vực nông nghiệp như

KẾT LUẬN

UBND thành phố đã ban hành Đề “Phát triển kinh tế nông nghiệp đô thị của thành phố giai đoạn 2016 – 2021”, trong đó có phát triển rau sạch, từ năm 2016 đã đầu tư cơ sở hạ tầng cho 6 vùng sản xuất, tổng kinh phí hơn 14 tỉ đồng.

Tuy nhiên, hiện nay, trên địa bàn thành phố Tam Kỳ, diện tích, sản lượng rau sạch rất thấp, chỉ mới đáp ứng một con số rất nhỏ chưa đến 10% nhu cầu. Việc tổ chức sản xuất, tiêu thụ rau sạch còn nhiều bất cập, rau sạch chưa có thương hiệu, uy tín trên thị trường. Việc tổ chức sản xuất rau sạch theo VietGAP đòi hỏi phải hình thành THT hoặc HTX để có sự hướng dẫn, quản lý và kiểm tra quy trình sản xuất, hình thành các mô hình liên kết chặt chẽ, rút ngắn chuỗi để quản lý từ đó mới dễ dàng cấp chứng nhận rau sản xuất theo quy trình an toàn, thiết lập được hệ thống truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Nhìn chung các mô hình chuỗi còn yếu và khá lỏng lẻo, tự phát, khả năng tiếp cận các hệ thống bán sỉ, bán lẻ hiện đại vẫn còn hạn chế.. Thực tiễn việc sản xuất còn mang tính nhỏ lẻ, phân tán, chưa liên kết hợp tác để tổ chức sản xuất và chứng nhận quy trình sản xuất sạch.

Mục tiêu nghiên cứu của đề tài là xác định được chuỗi cung ứng, nghiên cứu các quan hệ giữa các tác nhân tham gia trong chuỗi cung ứng, đưa ra các mô hình chuỗi cung ứng, các điểm hạn chế của chuỗi và đưa ra các giải pháp có tính chiến lược nâng cao năng lực và khả năng cạnh tranh của chuỗi cung ứng RAT, khuyến khích người nông dân trồng rau, nâng cao hiệu quả quản lý ATTP.

LIỆN HỆ:

SĐT+ZALO: 0935568275

E:\DỮ LIỆU COP CỦA CHỊ YẾN\LUAN VAN DONG A\LUAN VAN DONG A\NGUYEN TUAN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *