Tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm các vụ án hình sự

Tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm các vụ án hình sự từ thực tiễn tại tỉnh Gia Lai

Tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm các vụ án hình sự từ thực tiễn tại tỉnh Gia Lai

1. Tính cấp thiết của đề tài

Hiện nay, pháp luật tố tụng hình sự vẫn chưa ghi nhận tranh tụng là một nguyên tắc cơ bản trong TTHS. Do đó, tư tưởng tranh tụng chưa được nhà làm luật thể hiện xuyên suốt trong quá trình tố tụng tư pháp trong BLTTHS. Tranh tụng mới chỉ được thể hiện một phần tại phiên tòa xét xử mà chưa được thể hiện trong cả quá trình tố tụng từ giai đoạn điều tra, truy tố đến xét xử. Các quy định của pháp luật về vị trí, vai trò, trách nhiệm của các cơ quan tiến hành tố tụng chưa thực sự rõ ràng, minh bạch dẫn đến sự lẫn lộn về chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan này.

Chất lượng các khâu xét hỏi, tranh tụng trong phiên tòa hình sự đã bộc lộ những hạn chế, bất cập nhất định. Trong đó, việc tổ chức phiên tòa theo yêu cầu cải cách tư pháp chưa được toàn diện, khâu tranh tụng tại phiên tòa chưa có chuyển biến nhiều, việc xét hỏi, tranh tụng vẫn mang nặng tính hình thức. Thời gian Hội đồng xét xử dành cho việc hỏi bị cáo và những người tham gia tố tụng nhiều hơn là nghe các bên tranh tụng…

Với mục đích làm rõ thực trạng tranh tụng trong tố tụng hình sự ở tỉnh Gia Lai, hướng tới việc tăng cường và nâng cao chất lượng tranh tụng, tác giả đã chọn đề tài Tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm các vụ án hình sự từ thực tiễn tại tỉnh Gia Lai làm đề tài nghiên cứu luận văn của mình.

2. Tình hình nghiên cứu

3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

3.1. Mục đích nghiên cứu

Mục đích nghiên cứu của luận văn là trên cơ sở làm rõ lý luận và những quy định của pháp luật tố tụng hình sự về tranh tụng cũng như thực tiễn áp dụng tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm các vụ án hình sự tại tỉnh Gia Lai, luận văn xác định những bất cập và nguyên nhân của nó nhằm kiến nghị những giải pháp nâng cao chất lượng xét xử các vụ án hình sự sơ thẩm tại tỉnh Gia Lai.

3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

Nhiệm vụ nghiên cứu đặt ra với luận văn là :

– Nghiên cứu làm rõ cơ sở lý luận và các quy định của pháp luật về tranh tụng theo pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam.

– Đánh giá việc áp dụng các quy định của pháp luật về tranh tụng từ thực tiễn tại phiên tòa sơ thẩm các vụ án hình sự tại tỉnh Gia Lai, chỉ ra nguyên nhân của những vướng mắc trong thực tế.

– Đưa ra một số kiến nghị nhằm hoàn thiện các quy định của pháp luật về tranh tụng trong tố tụng hình sự và các giải pháp góp phần nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm các vụ án hình sự tại tỉnh Gia Lai.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

4.1. Đối tượng nghiên cứu

Luận văn nghiên cứu những vấn đề lý luận, quy định của pháp luật tố tụng hình sự về tranh tụng và thực trạng thực hiện tại phiên tòa sơ thẩm các vụ án hình sự từ thực tiễn tại tỉnh Gia Lai.

4.2. Phạm vi nghiên cứu

Luận văn nghiên cứu về tranh tụng tại phiên tòa dưới góc độ lý luận, phân tích những quy định của pháp luật về tranh tụng tại phiên tòa, và chỉ ra vướng mắc trong hoạt động thực tiễn của những chế định này và chất lượng phiên tòa hình sự. Từ đó đưa ra những quan điểm, kiến nghị góp phần nâng cao chất lượng của hoạt động xét xử nói riêng và của các cơ quan tư pháp nói chung.

5. Phương pháp nghiên cứu

Để hoàn thành luận văn, tác giả đã dựa trên cơ sở phương pháp luận của chủ nghĩa Mác – Lênin (chủ nghĩa duy vật biện chứng và chủ nghĩa duy vật lịch sử), tư tưởng Hồ Chí Minh, các quan điểm của Đảng và Nhà nước ta về pháp luật, về cải cách tư pháp.

Đồng thời, luận văn sử dụng một số phương pháp nghiên cứu cụ thể sau: Phương pháp phân tích, tổng hợp; phương pháp thống kê, so sánh; phương pháp lịch sử; phương pháp đàm thoại (trao đổi ý kiến với những chuyên gia đầu ngành, những người làm công tác thực tiễn lâu năm); phương pháp khảo sát thực tiễn tranh tụng tại những phiên tòa hình sự.

6. Những kết quả nghiên cứu mới của đề tài

– Làm sáng tỏ cơ sở lý luận về tranh tụng tại phiên tòa và một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 về tranh tụng.

– Nghiên cứu việc thực thi tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm các vụ án hình sự từ thực tiễn tại tỉnh Gia Lai, đánh giá thực trạng áp dụng các quy định đó khi xét xử và chỉ ra những hạn chế tồn tại trong hoạt động tranh tụng tại phiên tòa hình sự sơ thẩm, cũng như làm rõ nguyên nhân và điều kiện của tồn tại.

– Các giải pháp về hoàn thiện pháp luật, về cơ chế tổ chức, về đội ngũ cán bộ nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động tranh tụng tại phiên tòa hình sự sơ thẩm mà luận văn đưa ra sẽ giúp ích cho các cơ quan tiến hành tố tụng hình sự nói chung và Tòa án hình sự sơ thẩm tại Gia Lai nói riêng nâng cao hiệu quả hoạt động tranh tụng tại phiên tòa.

7. Kết cấu luận văn

Ngoài phần mở đầu, luận văn gồm 03 chương và phần kết luận.

Chương 1 : Những vấn đề chung và quy định của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam về tranh tụng.

Chương 2 : Thực tiễn tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm các vụ án hình sự tại tỉnh Gia Lai.

Chương 3 : Phương hướng xây dựng và một số giải pháp nâng cao hiệu quả tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm các vụ án hình sự tại tỉnh Gia Lai.

Chương 1

NHỮNG VẤN ĐỀ CHUNG VÀ QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT TỐ TỤNG HÌNH SỰ VIỆT NAM VỀ TRANH TỤNG

1.1. Những vấn đề chung về tranh tụng trong tố tụng hình sự

1.1.1. Khái niệm, đặc điểm tranh tụng trong tố tụng hình sự

1.1.1.1. Khái niệm tranh tụng trong tố tụng hình sự

Tranh tụng có nghĩa là “sự kiện cáo nhau” [22, tr.1288] giữa hai người (bên nguyên và bên bị) có lập trường tương phản yêu cầu Tòa án phân xử. Theo nghĩa Hán Việt thì thuật ngữ trang tụng được ghép từ hai từ “tranh luận” và “tố tụng”, có nghĩa là tranh luận trong tố tụng. Trong tiếng Anh, thuật ngữ tranh tụng thường được gắn liền với khái niệm “hệ tố tụng trang tụng” (adversarial system) với hàm ý đối lập với tố tụng thẩm vấn (inquisitorial system).

Tranh tụng trong tố tụng hình sự là hoạt động do các chủ thể có chức năng đối trọng lẫn nhau ( buộc tội và bào chữa ) thực hiện dựa trên nguyên tắc bình đẳng trong việc đưa ra chứng cứ, yêu cầu, lập luận và phản bác chứng cứ, yêu cầu, lập luận của bên đối lập nhằm góp phần làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án.

1.1.1.2. Đặc điểm tranh tụng trong tố tụng hình sự

Tranh tụng là một nguyên tắc cơ bản của tố tụng hình sự. Tranh tụng có đầy đủ đặc điểm của một nguyên tắc tố tụng hình sự như :

– Tranh tụng tồn tại một cách khách quan, không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của nhà làm luật..

– Tranh tụng cũng là một trong những tư tưởng chủ đạo và có tính định hướng của hoạt động tố tụng hình sự.

– Tranh tụng là tư tưởng chủ đạo trong tố tụng hình sự nên tranh tụng có tính chi phối, định hướng cho quá trình tố tụng.

Tranh tụng còn là cơ sở vận hành của các mô hình tố tụng tranh tụng và tố tụng thẩm vấn, tố tụng pha trộn… Tuy nhiên, do phạm vi và mức độ áp dụng trong các mô hình tố tụng có nhiều điểm khác nhau đã tạo nên sự đặc thù để phân biệt giữa tố tụng tranh tụng với hệ thống tố tụng thẩm vấn (xét hỏi), hệ thống pha trộn.

1.1.2. Phạm vi, nội dung, các chủ thể tham gia tranh tụng và điều kiện bảo đảm tranh tụng.

1.1.2.1. Phạm vi tranh tụng trong tố tụng hình sự

Theo tác giả, tranh tụng phải xuất hiện ngay từ khi người bị tình nghi phạm tội trong vụ án (khi khởi tố bị can hoặc khi tạm giữ người bị tình nghi hoặc bắt người phạm tội quả tang). Bởi vì, khi nào xuất hiện chức năng buộc tội và chức năng gỡ tội (tức là khi có các hành vi tố tụng như bắt, tạm giữ, tạm giam…) thì khi đó xuất hiện tranh tụng. Tranh tụng ở đây được hiểu như quá trình vận động thống nhất và đấu tranh giữa các mặt đối lập trong quá trình tìm ra chân lý khách quan của vụ án hình sự.

Nội dung tranh tụng trong tố tụng hình sự

Xuất phát từ bản chất, mục đích của tố tụng tranh tụng nên tại phiên tòa phải giải quyết các nội dung sau:

Thứ nhất, dưới sự chủ trì của Chủ tọa phiên tòa các bên hỏi và trả lời câu hỏi để làm sáng tỏ sự thật khách quan của vụ án.

Thứ hai, áp dụng những quy định của pháp luật để giải quyết vụ án.

Thứ ba, đảm bảo việc đưa ra xem xét các chứng cứ, tài liệu minh chứng cho luận điểm của mỗi bên.

1.1.2.3. Chủ thể tham gia tranh tụng

– Chủ thể thực hiện chức năng trọng tài (xét xử) là Tòa án : bao gồm Thẩm phán, Hội thẩm;

– Chủ thể thực hiện chức năng buộc tội.

– Chủ thể thực hiện chức năng gỡ tội.

– Các chủ thể khác tham gia tố tụng để giúp các bên và Tòa án xác định sự thật khách quan của vụ án.

1.1.2.4.Các điều kiện bảo đảm tranh tụng

Thứ nhất, bảo đảm luôn có ba chủ thể của quan hệ tranh tụng. Một bên là Công tố viên nhân danh Nhà nước thực hành quyền công tố (bên buộc tội) và một bên là Luật sư, bị cáo (bên gỡ tội) và bên kia là Thẩm phán và hội thẩm.

Thứ hai, bên buộc tội và gỡ tội phải có trình độ năng lực cũng như đạo đức nghề nghiệp, có sự chuẩn bị kỹ về chứng cứ, các quy định pháp luật.

Thứ ba, cần có một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh và các điều kiện cơ sở vật chất đảm bảo.

1.1.3. Ý nghĩa tranh tụng trong tố tụng hình sự

Tranh tụng không đơn thuần chỉ có ý nghĩa trên phương diện pháp lý mà còn có ý nghĩa trên nhiều phương diện khác nhau.

Trên phương diện triết học, tranh tụng được thể hiện như một quy luật khách quan của quá trình nhận thức trong tố tụng hình sự.

Trên phương diện pháp lý, tranh tụng đòi hỏi phải có sự rành mạch, rạch ròi về chức năng của các bên buộc tội, gỡ tội và xét xử.

1.2. Quy định của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam về tranh tụng

1.2.1. Quy định về mô hình tổ chức hệ thống cơ quan tư pháp

– Tòa án nhân dân được quy định tại Điều 102 Hiến pháp 2013 “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp. Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

– Viện Kiểm sát nhân dân được quy định tại Điều 107 Hiến pháp 2013 “Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; Viện kiểm sát nhân dân gồm Viện kiểm sát nhân dân tối cao và các Viện kiểm sát khác do luật định…”.

– Cơ quan điều tra : Theo quy định tại Điều 1 Pháp lệnh tổ chức điều tra hình sự năm 2004 thì cơ quan điều tra hình sự gồm có :

Cơ quan điều tra Công an nhân ; Cơ quan điều tra Quân đội ; Cơ quan điều tra Viện kiểm sát nhân dân tối cao.

1.2.2. Quy định về nguyên tắc có liên quan đến tranh tụng

Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 còn có những quy định nhằm bảo đảm tranh tụng trong tố tụng hình sự như:

Vai trò, vị trí, chức năng của Viện kiểm sát được quy định theo hướng rõ hơn theo hướng phân định rõ chức năng buộc tội của Viện kiểm sát, xác định rõ chức năng công tố là chức năng cơ bản của Viện kiểm sát.

Bổ sung nhiều nguyên tắc quan trọng, thể hiện rõ tư tưởng đề cao tranh tụng trong tố tụng hình sự, lấy kết quả tranh tụng tại phiên tòa là căn cứ chủ yếu để Tòa án ra phán quyết. Bảo đảm sự tranh tụng bình đẳng giữa các bên trong tố tụng.

Pháp luật tố tụng quy định nhiều quy định nhằm bảo đảm tốt hơn quyền bào chữa của người bị tình nghi, bị can, bị cáo. Để bảo đảm tốt hơn quyền bào chữa, khả năng chứng minh sự vô tội hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của người bị tình nghi, bị can, bị cáo. (Điều 48, Điều 49, Điều 50).

1.2.3. Quy định về tranh tụng tại phiên tòa

Tranh tụng tại phiên tòa được quy định từ Chương XVIII đến Chương XXI Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, nhưng biểu hiện tập trung nhất trong thủ tục tranh luận tại phiên tòa. Điều 184 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003 quy định Tòa án xét xử trực tiếp, bằng lời nói và liên tục, phải trực tiếp xác định những tình tiết của vụ án bằng cách hỏi và nghe ý kiến của bị cáo, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hoặc người đại diện hợp pháp của họ, người làm chứng, người giám định, xem xét vật chứng và nghe ý kiến của Kiểm sát viên, người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự. Bản án chỉ được căn cứ vào những chứng cứ đã được xem xét tại phiên tòa.

Tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm các vụ án hình sự từ thực tiễn tại tỉnh Gia Lai
Tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm các vụ án hình sự từ thực tiễn tại tỉnh Gia Lai

Chương 2

THỰC TIỄN TRANH TỤNG TẠI PHIÊN TÒA SƠ THẨM

CÁC VỤ ÁN HÌNH SỰ TẠI TỈNH GIA LAI

2.1. Những kết quả đạt được từ thực tiễn tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm các vụ án hình sự tại tỉnh Gia Lai

Qua nghiên cứu, phân tích các báo cáo, số liệu thống kê của Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai trong thời gian từ 2010 đến năm 2014, tác giả nhận thấy tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm các vụ án hình sự tại tỉnh Gia Lai trong thời gian qua đạt được một số kết quả sau :

2.1.1.Chất lượng xét xử theo hướng mở rộng tranh tụng ngày càng được nâng cao

Qua công tác tổng kết hàng năm về chuyên môn của Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai về việc xét xử sơ thẩm các vụ án hình sự tại Tòa án tỉnh và Tòa án huyện ngày càng nâng cao về chuyên môn, đảm bảo được sự tôn nghiêm, dân chủ, bình đẳng giữa những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng trong việc đưa ra chứng cứ, bày tỏ quan điểm khác nhau đều được Hội đồng xét xử tôn trọng và giành thời gian phiên tòa thỏa đáng cho các bên tranh luận xác định sự thật khách quan. Ngành Tòa án thường xuyên tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ cho các thẩm phán, họp tổ chức rút kinh nghiệm trong công tác xét xử theo tinh thần cải cách tư pháp.

Căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên Tòa, Hội đồng xét xử nhận định, đánh giá, phân tích các chứng cứ, hành vi cũng như nhân thân người phạm tội để từ đó ra một bản án đúng người, đúng tội thể hiện được tính nghiêm minh của pháp luật và hạn chế đến mức tối đa bỏ lọt tội phạm và làm oan người vô tội.

2.1.2. Hạn chế tình trạng oan, sai

Chủ trương mở rộng và nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa được xác định là khâu đột phá của cải cách tư pháp thể hiện quan điểm của Đảng về xây dựng nền tư pháp độc lập, khách quan, dân chủ, công khai, minh bạch đã bước đầu tạo được sự chuyển biến tích cực trong việc tạo không khí dân chủ tại các phiên tòa, nâng cao trách nhiệm của Kiểm sát viên giữ quyền công tố; phát huy vai trò, trách nhiệm và đạo đức nghề nghiệp của luật sư. Từ đó góp phần không nhỏ vào việc hạn chế tình trạng oan, sai trong tố tụng hình sự. Tổng hợp thống kê của Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai từ năm 2010 đến năm 2014 cho thấy trung bình mỗi năm ngành Tòa án thụ lý 1.174 vụ án hình sự với 2.340 bị cáo, tỷ lệ trung bình hàng năm số vụ án đã được giải quyết đạt 97,37%. Có thể thấy kết quả tranh tụng tại phiên tòa hình sự đã được phản ánh tích cực thông qua chất lượng hoạt động của các Tòa án.

Tổng hợp báo cáo của ngành Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai trong hoạt động xét xử từ năm 2010 đến năm 2014 cho thấy :

– Năm 2010 : Tổng số án đã thụ lý: 987 vụ/ 2.023 bị cáo (So với năm 2009 tăng 21 vụ/ 45 bị cáo). Trong đó: TAND tỉnh thụ lý: 230 vụ/ 435 bị cáo (tăng 33 vụ); các TAND cấp huyện thụ lý: 757 vụ/ 1.588 bị cáo (tăng 27 vụ).

Đã giải quyết : 975 vụ/1.987 bị cáo (So với năm 2011 tăng 37 vụ). Trong đó : TAND tỉnh giải quyết: 227 vụ/ 420 bị cáo; các TAND cấp huyện giải quyết: 748 vụ/ 1.567 bị cáo.

Đạt tỷ lệ: 98,78% (TAND tỉnh: 98,69%, các TAND huyện: 98,81%); Số án bị hủy là 1,5% [48].

– Năm 2011 : Tổng số án đã thụ lý: 1.094 vụ/ 2.189 bị cáo (So với năm 2010 tăng 107 vụ/ 166 bị cáo). Trong đó: TAND tỉnh thụ lý: 198 vụ/530 bị cáo (giảm 32 vụ); các TAND cấp huyện thụ lý: 896 vụ/ 1.659 bị cáo (tăng 148 vụ).

Đã giải quyết : 1.062 vụ/2.125 bị cáo (So với năm 2010 tăng 87 vụ). Trong đó: TAND tỉnh giải quyết: 196 vụ/522 bị cáo; các TAND cấp huyện giải quyết: 866 vụ/ 1.589 bị cáo.

Đạt tỷ lệ: 97,07% (TAND tỉnh: 98,98%, các TAND huyện: 96,56%); Số án bị hủy là 1,3% [49].

Năm 2012 : Tổng số án đã thụ lý: 1.197 vụ/ 2.259 bị cáo (So với năm 2011 tăng 103 vụ/ 76 bị cáo). Trong đó: TAND tỉnh thụ lý: 280 vụ/ 436 bị cáo (tăng 33 vụ); các TAND cấp huyện thụ lý: 917 vụ/ 1.823 bị cáo (tăng 27 vụ).

Đã giải quyết: 1.131 vụ/ 2.122 bị cáo (So với năm 2011 tăng 37 vụ). Trong đó: TAND tỉnh giải quyết: 273 vụ/ 420 bị cáo; các TAND cấp huyện giải quyết: 858 vụ/ 1.702 bị cáo.

Đạt tỷ lệ: 94,49% (TAND tỉnh: 97,5%, các TAND huyện: 93,4%)

Tỷ lệ án huỷ, cải sửa giảm rất nhiều so với năm 2011 (Tỷ lệ án huỷ toàn ngành năm 2011 là 1,3% thì năm 2012 giảm xuống còn 0,96%; tỷ lệ án bị cải sửa của toàn ngành năm 2011 là 0,94% thì năm 2012 đã giảm xuống còn 0,85%); tỷ lệ án huỷ, cải sửa giảm đều ở cả Toà án tỉnh và các Toà án nhân dân câp huyện (Năm 2011, tỷ lệ án huỷ của TAND tỉnh là 2,31% và của các TAND cấp huyện là 1,32%; năm 2012 tỷ lệ án huỷ của Toà án tỉnh là 0,95% và của các TAND câp huyện là 0,96%. Tỷ lệ án bị cải sửa năm 2011 của Toà án tỉnh là 0,78% và của các TAND cấp huyện là 1,04%; năm 2012 tỷ lệ án sửa của Toà án tỉnh chỉ còn 0,38% và của các TAND cấp huyện chỉ còn 0,91%) [50].

Năm 2013 : Tổng số án đã thụ lý: 1.327 vụ/ 2.599 bị cáo (So với năm 2012 tăng 130 vụ). Trong đó: TAND tỉnh thụ lý: 313 vụ/ 584 bị cáo (tăng 33 vụ so với năm 2012); các TAHD cấp huyện thụ lý: 1.014 vụ/ 2.015 bị cáo (tăng 97 vụ so với năm 2012).

Đã giải quyết: 1.303 vụ/ 2.522 bị cáo (So với năm 2012 tăng 172 vụ). Trong đó: TAND tỉnh giải quyết: 311 vụ/ 577 bị cáo (tăng 38 vụ so với năm 2012); các TAND cấp huyện giải quyết: 992 vụ/ 1.945 bị cáo (tăng 134 vụ so với năm 2012).

Đạt tỷ lệ: 98,2% (tăng 3,7% so với năm 2012. Trong đó TAND tỉnh đạt tỷ lệ: 99,36% (tăng 1,86% so với năm 2012); cấp huyện đạt tỷ lệ: 97,83% (tăng 4,43% so với năm 2012); Tỷ lệ án huỷ giảm (năm 2012: 0,96%; năm 2013: 0,64%) [51].

Năm 2014 : Số án Hình sự phải giải quyết: 1.263 vụ/ 2.628 bị cáo (giảm 64 vụ so với năm trước). Đã giải quyết: 1.242 vụ/2.564 bị cáo (giảm 59 vụ so với năm trước). Đạt tỷ lệ: 98,42% (tăng 0,22% so với năm trước); Số án bị hủy là 0,76% [52].

2.1.3. Nâng cao vị trí, vai trò của Luật sư

Chế định luật sư đã được quy định tương đối cụ thể trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 2003, Luật luật sư năm 2012, sự tham gia của Luật sư  trong tố tụng  không chỉ giúp bị can, bị cáo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, mà còn góp phần trong việc xác định sự thật khách quan của vụ án, giúp việc điều tra, truy tố và xét xử được nhanh chóng, chính xác, tránh làm oan người vô tội, để lọt tội phạm. Vai trò của Luật sư ngày càng được nâng cao trong việc các cơ quan tố tụng ngày càng tạo điều kiện để luật sư thực hiện đầy đủ chức năng tố tụng của mình. Bảo đảm quyền bào chữa của bị can, bị cáo là nguyên tắc dân chủ trong tố tụng hình sự vì vậy việc mở rộng sự tham gia của Luật sư trong tố tụng hình sự, cho phép Luật sư tham gia tố tụng từ khi có quyết định tạm giữ là cần thiết.

Sự phát triển về số lượng Luật sư ở Gia Lai trong những năm qua rất ấn tượng cả về số lượng và chất lượng. Từ khi thành lập Đoàn luật sư với số lượng thành viên Đoàn luật sư chỉ có 04 thành viên, đến năm 2011 số lượng thành viên tăng lên 19 người (11 Luật sư chính thức, 08 Luật sư tập sự) thì đến tháng 12/2014 số lượng thành tăng lên 37 người (25 Luật sư chính thức, 12 Luật sư tập sự) [17].

Theo số liệu tổng hợp của Đoàn Luật sư tỉnh Gia Lai trong 05 năm qua (2010 -2014) các tổ chức luật sư đã tư vấn pháp luật trong lỉnh vực hình sự 1.768 lượt, tham gia trong tố tụng hình sự 965 vụ [17].

– Năm 2010, số lượt tư vấn hình sự 105 lượt; tham gia trong tố tụng hình sự 98 vụ; tổ chức 02 đợt tuyên truyền pháp luật tại các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh Gia lai [12].

– Năm 2011, số lượt tư vấn hình sự 356 lượt ( tăng 251 lượt so với năm 2010); tham gia trong tố tụng hình sự 169 vụ ( tăng 71 vụ so với năm 2010); tổ chức 03 đợt tuyên truyền pháp luật tại các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh Gia lai [13].

– Năm 2012, số lượt tư vấn hình sự 391 lượt ( tăng 35 lượt so với năm 2011); tham gia trong tố tụng hình sự 203 vụ ( tăng 34 vụ so với năm 2011); tổ chức 03 đợt tuyên truyền pháp luật tại các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh Gia lai [14].

– Năm 2013, số lượt tư vấn hình sự 436 lượt ( tăng 45 lượt so với năm 2012); tham gia trong tố tụng hình sự 230 vụ ( tăng 27 vụ so với năm 2012); tổ chức 04 đợt tuyên truyền pháp luật tại các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh Gia lai [15].

– Năm 2014, số lượt tư vấn hình sự 498 lượt ( tăng 62 lượt so với năm 2013); tham gia trong tố tụng hình sự 265 vụ ( tăng 35 vụ so với năm 2012); tổ chức 04 đợt tuyên truyền pháp luật tại các xã vùng sâu, vùng xa của tỉnh Gia lai; 01 đợt Đoàn luật sư tổ chức làm từ thiện [16].

2.2. Những hạn chế, bất cập từ thực tiễn trong tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm các vụ án hình sự tại tỉnh Gia Lai

Thẩm phán thiếu trách nhiệm, không nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, cẩu thả trong công tác chuẩn bị phiên tòa và trong phiên tòa cũng như trong viết bản án… đánh giá chứng cứ không đầy đủ, không chính xác nên xét xử oan người không có tội, vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng hình sự, không áp dụng đầy đủ các quy định của pháp luật hoặc các hướng dẫn phải áp dụng trong công tác xét xử.

Tòa án cấp sơ thẩm xem việc tranh luận tại phiên tòa chỉ mang tính hình thức, dựa trên những cơ sở chưa vững chắc mà có phán quyết bị cáo.

Sai phạm trong khi xét xử vắng mặt bị cáo nhưng không có lệnh truy nã và kết quả truy nã; xét xử bị cáo chưa thành niên mà không có người đại diện hợp pháp của bị cáo, Luật sư tham gia; xét xử vắng mặt những người tham gia tố tụng khác – những người mà pháp luật cho phép tham gia vào quá trình tranh tụng để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.

Nhiều hoạt động tố tụng không được thể hiện trong hồ sơ vụ án, diễn biến phiên tòa không được thể hiện trong biên bản phiên tòa, việc xét xử vắng mặt những người tham gia tố tụng không đúng với quy định tại Bộ luật tố tụng hình sự…

Người tham gia tố tụng yêu cầu triệu tập thêm nhân chứng mới hoặc đưa ra xem xét vật chứng tài liệu mới thì Hội đồng xét xử lại đòi hỏi người đó phải đưa theo nhân chứng hoặc tài liệu, vật chứng đó ra trước phiên tòa thì Hội đồng xét xử mới chấp nhận,.

Tại phiên tòa Thẩm phán còn giải thích những tình tiết về nội dung vụ án đối với những người tham gia tố tụng khác.

Chủ tọa phiên tòa, Kiểm sát viên có thói quen hoặc công bố lời khai của bị cáo tại Cơ quan điều tra trước khi họ khai tại phiên tòa về những tình tiết của vụ án, nhất là những vụ án bị cáo thay đổi lời khai ngay tại Cơ quan điều tra.

Kiểm sát viên trình bày lời luận tội, bị cáo không đồng ý với lời luận tội đó Chủ tọa cũng không yêu cầu bị cáo, Luật sư đưa ra lý do tại sao không đồng ý, yêu cầu đưa ra những chứng cứ, những căn cứ phản bác lại lời luận tội mà lại công bố lời khai của bị cáo tại Cơ quan điều tra, như vậy là vi phạm tố tụng và vi phạm tinh thần tranh tụng đã được hướng dẫn.

Thiếu sót của Thẩm phán – Chủ tọa phiên tòa là khi xét hỏi bị cáo thường thẩm vấn theo hướng buộc tội như cáo trạng của Viện kiểm sát.

Chủ tọa yêu cầu Kiểm sát viên tranh luận với Luật sư và bị cáo về vấn đề cần làm sáng tỏ thì đại diện Viện kiểm sát thường là nêu lại lời khai của bị cáo tại Cơ quan điều tra, đọc lại bản cáo trạng hoặc chỉ kết luận rằng tôi giữ nguyên quan điểm như đã truy tố.

Luật sư là một bên của quá trình tranh tụng nhưng nhiều trường hợp bài bào chữa chỉ mang nặng việc khai thác các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ hoặc bắt bẻ về câu chữ, hay những lỗi tố tụng nhỏ mà không đi vào những tình tiết của vụ án một cách toàn diện, để khai thác bảo vệ quyền lợi chính đáng của bị cáo.

2.3. Nguyên nhân của những hạn chế, bất cập từ thực tiễn trong tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm các vụ án hình sự tại tỉnh Gia Lai

2.3.1. Nguyên nhân từ những quy định của pháp luật

Thứ nhất, trong Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành chưa quy định tranh tụng là một nguyên tắc của hoạt động xét xử.

Thứ hai, chưa bảo đảm sự bình đẳng giữa các chủ thể tham gia tranh tụng là một điều kiện cơ bản của hoạt động tranh tụng tại phiên tòa (đã được quy định tại Điều 19 Bộ luật tố tụng hình sự 2003).

Thứ ba, về giới hạn xét xử của Tòa án. Tại phiên tòa phán quyết của Tòa án phải dựa trên việc xem xét đánh giá những chứng cứ được đưa ra và tranh luận giữa các bên.

Thứ tư, Viện kiểm sát là cơ quan đại diện cho Nhà nước thực hành quyền công tố, Viện kiểm sát là bên buộc tội thế nhưng Viện kiểm sát lại kiêm luôn cả chức năng kiểm sát việc xét xử, như vậy rõ ràng là không thể khách quan.

2.3.2. Nguyên nhân từ những người thực thi pháp luật.

Năng lực, phẩm chất của Thẩm phán, Kiểm sát viên, Hội thẩm nhân dân không đạt yêu cầu. Trong đó vấn đề cơ bản nhất là ý thức trách nhiệm, bản lĩnh chính trị và nghề nghiệp của một số người tiến hành tố tụng chưa cao, một số khác thì sa sút về phẩm chất đạo đức, không chịu rèn luyện bản lĩnh chính trị và nghề nghiệp.

Đến hết năm 2014 toàn ngành Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai có 201 người; trong đó : Thẩm phán 77 người (25 Thẩm phán trung cấp và 52 Thẩm phán sơ cấp), Thẩm tra viên và thư ký Tòa án 96 người, còn lại là các chức danh khác. 100% Thẩm phán, Thẩm tra viên và Thư ký Tòa án đều có trình độ cử nhân luật trở lên. So với biên chế của Tòa án nhân dân tối cao phân bổ thì hiện nay Tòa án nhân dân tỉnh Gia Lai thiếu 30 biên chế.

Đội ngũ Kiểm sát viên hiện nay trình độ cao đẳng và trình độ trung cấp, cao đẳng là rất phổ biến, như vậy về trình độ chuyên môn là chưa đảm bảo.

Hiện nay, trên toàn tỉnh Gia Lai đội ngũ Luật sư mới chỉ có 25 người trên 1,36 triệu dân ( bình quân 01 luật sư / 54.400 dân ) thì việc tổ chức một phiên tòa tranh tụng sẽ trở nên rất khó khăn vì số lượng Luật sư quá ít so với 5.388 vụ án (trong đó có 1.263 vụ án hình sự với 2.628 bị cáo ). Theo Thống kê của Đoàn luật sư tỉnh Gia Lai thì trong các vụ án hình sự sơ thẩm đưa ra xét xử có tới 79% số vụ án không có Luật sư, 21% số vụ án hình sự có sự tham gia của Luật sư.

Đội ngũ Giám định viên còn thiếu, trình độ của nhiều người còn hạn chế không đảm bảo hoàn thành được một cách tốt nhất nhiệm vụ được giao, từ đó có ảnh hưởng nhất định đến chất lượng và hiệu quả công tác xét xử của Tòa án.

Bị cáo, người bị hại, người liên quan, nhận thức, ý thức pháp luật vẫn còn hạn chế.

Chế độ chính sách đối với cán bộ tư pháp nói chung và cán bộ ngành Tòa án nói riêng còn quá hạn chế.

Đội ngũ Kiểm sát viên về số lượng vẫn còn thiếu.

Tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm các vụ án hình sự từ thực tiễn tại tỉnh Gia Lai
Tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm các vụ án hình sự từ thực tiễn tại tỉnh Gia Lai

Chương 3

PHƯƠNG HƯỚNG XÂY DỰNG VÀ MỘT SỐ GIẢI PHÁP

NÂNG CAO HIỆU QUẢ TRANH TỤNG TẠI PHIÊN TÒA SƠ THẨM CÁC VỤ ÁN HÌNH SỰ TẠI TỈNH GIA LAI

3.1. Phương hướng xây dựng tranh tụng trong pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam

3.1.1. Đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở nước ta, yêu cầu cải cách tư pháp và pháp luật trong thời gian tới

Thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW, ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị “Về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 là một nội dung quan trọng trong đường lối đổi mới toàn diện đất nước của Đảng và Nhà nước.

Xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa trong điều kiện của nước ta hiện nay không gì khác nhằm đảm bảo và phát triển quyền con người, quyền công dân vì mục tiêu vì một xã hội : “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, do dân làm chủ…” [9, trang 24]. Cải cách tư pháp trong điều kiện xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa phải đảm bảo giữ vững và phát huy bản chất dân chủ, vì con người và bảo vệ quyền con người của các cơ quan thực hiện quyền tư pháp.

Việc xây dựng tranh tụng cũng phải lấy trọng tâm là phục vụ lợi ích của nhân dân, phục vụ cho mục tiêu tôn trọng và bảo vệ ngày càng tốt hơn các quyền con người, quyền công dân trong tố tụng hình sự.

Bộ luật tố tụng hình sự 2003 cũng đã ghi nhận nhiều nguyên tắc nhằm bảo đảm tốt hơn các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân trong tố tụng hình sự. Trong đó, có những nguyên tắc có quan hệ mật thiết với tranh tụng như : “Không ai bị coi là có tội khi chưa có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật” (Điều 9); “Người bị tạm giữ, bị can, bị cáo có quyền tự bào chữa hoặc nhờ người khác bào chữa” (Điều 11); Bảo đảm sự vô tư của những người tiến hành hoặc người tham gia tố tụng (Điều 14); Bảo đảm quyền bình đẳng trước Toà án (Điều 19).

3.1.2. Đáp ứng yêu cầu cải cách thủ tục tố tụng tư pháp, thể chế hóa kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong lĩnh vực tố tụng hình sự

Công tác cải cách tư pháp phải thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, bám sát và phục vụ hiệu quả nhiệm vụ chính trị trong từng giai đoạn, bảo đảm quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp; phát huy dân chủ, tăng cường pháp chế; giữ vững bản chất Nhà nước ta là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.

Công tác cải cách tư pháp phải ngăn ngừa có hiệu quả và xử lý kịp thời, nghiêm minh các loại tội phạm hình sự, đặc biệt là các tội xâm phạm an ninh quốc gia, tội tham nhũng và các loại tội phạm có tổ chức; bảo vệ trật tự kỷ cương…

Cải cách tư pháp phải tiến hành trong tổng thể trong cải cách bộ máy nhà nước, trong sự liên hệ mật thiết với cải cách hành chính. Qúa trình cải cách đó không thể tách rời việc đổi mới hệ thống chính trị, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.

3.1.3. Bảo đảm sự bình đẳng giữa bên gỡ tội và bên buộc tội trong tố tụng hình sự; bảo vệ tốt hơn các quyền con người, quyền công dân trong tố tụng hình sự

Để đảm bảo việc bình đẳng trong việc tranh tụng thì luật tố tụng hình sự cần phải xây dựng những quy định cụ thể trong việc đảm bảo cho người bị tình nghi, bị can, bị cáo thực hiện đầy đủ các quyền của mình trong tất cả các giai đoạn của tố tung hình sự, có những quy định cụ thể nhăm đề cao vai trò của người bào chữa trong các giai đoạn của tố tụng hình sự.

3.1.4. Xây dựng tranh tụng trên nền tảng của mô hình tố tụng truyền thống, đồng thời tiếp thu có chọn lọc những ưu việt của các mô hình tố tụng hình sự tiên tiến trên thế giới

– Tiếp tục xác định Toà án có trách nhiệm trong việc xác định sự thật vụ án.

– Tiếp tục khẳng định nhiệm vụ của Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát là đi tìm sự thật vụ án, tìm kiếm cả chứng cứ buộc tội và chứng cứ gỡ tội.

– Tiếp tục khẳng định và tăng cường hơn nữa vai trò của Viện kiểm sát trong TTHS, đặc biệt là trong giai đoạn điều tra vụ án.

– Tiếp tục ghi nhận giá trị chứng minh của các chứng cứ viết nếu thoả mãn đầy đủ các yêu cầu của chứng cứ về tính khách quan, tính liên quan và tính hợp pháp.

Đồng thời, để tiếp tục thể chế hoá chủ trương của Đảng về tăng cường tranh tụng, cần tiếp thu những hạt nhân hợp lý của mô hình TTHS tranh tụng vào TTHS nước ta, đó là:

– Tạo lập cơ chế để bảo đảm sự bình đẳng thực sự giữa bên buộc tội và bên bào chữa trong việc thực thi các chức năng buộc tội và bào chữa. Đề cao vai trò của người bào chữa trong các giai đoạn tố tụng.

– Quy định đầy đủ các quyền và xây dựng cơ chế bảo đảm thực hiện quyền của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo trong TTHS.

– Phân định rành mạch các chức năng cơ bản của TTHS: buộc tội, bào chữa và xét xử.

– Cải tiến các thủ tục tố tụng tại phiên toà để bảo đảm tranh tụng dân chủ, bình đẳng giữa bên buộc tội và bên bào chữa.

– Nghiên cứu, tiếp thu một số nguyên tắc đặc trưng của tố tụng tranh tụng phù hợp với yêu cầu dân chủ hoá hoạt động TTHS ở nước ta, bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền con người trong quá trình giải quyết vụ án hình sự như: nguyên tắc tranh tụng, nguyên tắc suy đoán vô tội.

3.2. Giải pháp nâng cao hiệu quả tranh tụng tại phiên tòa sơ thẩm các vụ án hình sự tại tỉnh Gia Lai.

3.2.1. Giải pháp hoàn thiện các quy định của pháp luật về tranh tụng

Thứ nhất, tranh tụng phải được đưa lên thành một nguyên tắc trong hoạt động xét xử

Thứ hai, đối với Kiểm sát viên cần nâng cao chất lượng cũng như ý thức tranh tụng của Kiểm sát viên

Thứ ba, đối với người bào chữa cần sửa đổi Bộ luật tố tụng hình sự theo hướng đảm bảo hơn nữa quyền bình đẳng của Luật sư trước và trong phiên tòa để họ có thể tranh tụng một cách dân chủ, bình đẳng với bên buộc tội.

Thứ tư, hoàn hiện các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự hiện hành về các chủ thể tham gia tranh tụng

3.2.2.Giải pháp nâng cao tranh tụng đối với những người thực thi pháp luật

Thứ nhất, kiện toàn đội ngũ các chức danh tư pháp

Thứ hai, tăng cường công tác đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho các cơ quan tư pháp, các thiết chế bổ trợ tư pháp.

Thứ ba, phát triển các tổ chức, dịch vụ pháp lý có chất lượng

3.2.3. Một số giải pháp khác

Thứ nhất, tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung và ngành Tòa án nói riêng

Thứ hai, tăng cường số lượng, chất lượng cán bộ Tòa án

Thứ ba, tuyên truyền phổ biến pháp luật

Thứ tư, thay đổi quy chế làm việc của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án.

KẾT LUẬN

Với khả năng nghiên cứu còn hạn chế và trong sự giới hạn cho phép của luận văn, tác giả đã đạt được một số kết quả như sau :

1. Nghiên cứu và đưa ra nhận định về mô hình tố tụng hình sự ở nước ta hiện nay là tố tụng thẩm vấn nhưng đan xen các yếu tố tranh tụng trong quá trình tố tụng, đặc biệt là tranh tụng tại phiên tòa.

2. Việc thừa nhận và áp dụng tranh tụng trong pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam hiện nay, đang là yêu cầu mang tính tất yếu trong quá trình xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam, trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng. Tranh tụng có thể được coi là một trong những phương pháp hữu hiệu trong quá trình đi tìm sự thật khách quan trong tố tụng hình sự.

3. Việc ghi nhận và áp dụng tranh tụng trong pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam cũng là một trong những nội dung quan trọng trong tiến trình cải cách tư pháp ở nước ta từ nay đến năm 2020, nhằm đạt được mục tiêu xây dựng một nền tư pháp dân chủ, hiện đại, hiệu quả, bảo đảm tốt hơn các quyền và lợi ích hợp pháp của xã hội, Nhà nước và công dân.

4. Chất lượng xét xử được nâng cao theo hướng mở rộng tranh tụng, hạn chế được tình trạng oan sai.

5. Nhiều quy định chưa phản ánh đầy đủ bản chất của tranh tụng trong tố tụng hình sự, mô hình tổ chức và hoạt động của hệ thống tư pháp, các quy định về vị trí, chức năng của từng cơ quan trong hệ thống tư pháp chưa thật hợp lý, chưa bảo đảm cho tranh tụng vận hành một cách trôi chảy và hiệu quả. Năng lực, trình độ, trách nhiệm của Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư còn nhiều hạn chế; các điều kiện đảm bảo cho hoạt động tranh tụng còn hạn chế…

6. Cần có những giải pháp đồng bộ và phù hợp để có thể nâng cao hiệu quả tranh tụng góp phần thực hiện thành công cải cách tư pháp. Những giải pháp đó có thể là hoàn thiện nhiều lĩnh vực khác nhau của pháp luật như những sửa đổi trong Bộ luật tố tụng hình sự, trong các văn bản pháp luật khác về các cơ quan tư pháp và bổ trợ tư pháp, các văn bản pháp luật về tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát, Tòa án.., tạo ra những cơ chế đảm bảo cho thực hiện tranh tụng tại phiên tòa, có những chế độ về lương và chính sách phù hợp…

7. Nâng cao chất lượng tranh tụng ở phiên tòa sơ thẩm các vụ án hình sự ở tỉnh Gia Lai nói riêng và ở Việt Nam nói chung phải đi đôi với việc kiện toàn đội ngũ Thẩm phán, Kiểm sát viên, Luật sư; đào tạo các chức danh tư pháp theo hướng đáp ứng yêu cầu tranh tụng, bảo đảm cơ sở vật chất và có chế độ đãi ngộ phù hợp với những người tiến hành tố tụng; tăng cường ý thức chấp hành pháp luật của nhân dân.

LIỆN HỆ:

SĐT+ZALO: 0935568275

E:\DỮ LIỆU COP CỦA CHỊ YẾN\LUAN VAN VIEN HAN LAM\LUAT HINH SU DOT 2\LUAT HINH SU\TRAN MANH THANG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *