Tội đánh bạc tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc theo pháp luật

Tội đánh bạc tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc theo pháp luật

Tội đánh bạc, tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc theo pháp luật hình sự Việt Nam từ thực tiễn thành phố Đà Nẵng

1. Tính cấp thiết của đề tài

Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa của nước ta đang có những bước tiến rõ rệt. Tuy nhiên, bên cạnh đó, sự phát triển này cũng có những tác động tiêu cực đến xã hội mà một trong số các biểu hiện là tệ nạn xã hội có xu hướng gia tăng, đặc biệt là vấn đề tệ nạn cờ bạc, dẫn đến nhiều hệ lụy. Tại các thành phố lớn, tình hình tội phạm về đánh bạc đang diễn ra hết sức phức tạp khiến các cơ quan có thẩm quyền gặp khó khăn trong việc phòng chống tội phạm. Đà Nẵng là một trong những thành phố điển hình đã và đang đề cao tinh thần đấu tranh phòng chống tội phạm nói chung, đặc biệt là các tội phạm liên quan đến cờ bạc nói riêng. Qua nghiên cứu thực tiễn thì thấy tình hình tội phạm về các tội đánh bạc trong những năm qua trên địa bàn thành phố Đà Nẵng tuy không gia tăng mạnh về số lượng, nhưng về phương thức tổ chức, quy mô hoạt động của tội phạm này thì diễn biến ngày một phức tạp, thể hiện trên các phương diện như: phương thức tinh vi, đa dạng với một hệ thống chân rết rộng khắp; địa bàn hoạt động được mở rộng và vượt ra khỏi phạm vi trong nước để tổ chức đánh bạc; lợi nhuận bất chính của các đối tượng này thu về là khổng lồ… Những vấn đề này đã làm ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế, ảnh hưởng đến tình hình chính trị, văn hóa, trật tự an toàn xã hội của thành phố và là một trong những nguyên nhân làm phát sinh nhiều loại tội phạm khác.

Trong Bộ luật hình sự Việt Nam 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 tội đánh bạc được quy định tại Điều 321 và tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc được quy định tại Điều 322. Trên thực tế, tội đánh bạc và tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc có diễn biến càng ngày càng phức tạp và gây ra hậu quả nghiêm trọng trên nhiều mặt trong đời sống xã hội của địa phương, đặc biệt là xâm phạm nghiêm trọng đến trật tự an toàn công cộng. Vì vậy trong giai đoạn hiện nay, việc nghiên cứu những đặc điểm, bản chất cơ bản của các tội về đánh bạc để hoàn thiện hệ thống pháp luật là rất cần thiết. Nhận thức được điều đó, tác giả chọn đề tài: “Tội đánh bạc, tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc theo pháp luật hình sự Việt Nam từ thực tiễn thành phố Đà Nẵng” làm đề tài luận văn thạc sĩ luật học của mình.

2. Tình hình nghiên cứu đề tài

3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

3.1. Mục đích nghiên cứu

Luận văn tập trung nghiên cứu làm rõ các vấn đề lý luận và pháp lý của tội đánh bạc, tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc thông qua việc phân tích thực tiễn áp dụng pháp luật các tội phạm này của TAND thành phố Đà Nẵng trong thời gian từ năm 2013 đến năm 2017. Qua đó, luận văn chỉ ra các nguyên nhân, vướng mắc, tồn tại trong công tác định tội danh và quyết định hình phạt để đề xuất những giải pháp hoàn thiện pháp luật, áp dụng đúng các quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam hiện hành về tội đánh bạc, tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trong thực tiễn.

3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

Từ mục đích nêu trên, tác giả đặt ra những nhiệm vụ nghiên cứu cụ thể trong luận văn này như sau:

– Nghiên cứu một số vấn đề chung về tội đánh bạc, tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc theo luật hình sự Việt Nam;

– Quy định về tội đánh bạc, tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trong Bộ luật hình sự Việt Nam và thực tiễn áp dụng pháp luật của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng;

– Hoàn thiện pháp luật và tăng cường áp dụng đúng các quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam về tội đánh bạc, tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trong thực tiễn.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

4.1. Đối tượng nghiên cứu

Luận văn nghiên cứu những cơ sở pháp lý cơ bản của tội đánh bạc, tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc, qua đó thấy được những khó khăn, và rút ra những phương pháp đúng đắn, thiết yếu trong đấu tranh phòng chống các tội phạm về đánh bạc. Đồng thời, cho ta thấy được tình hình gia tăng của loại tội phạm này và có biện pháp đúng đắn để ngăn chặn và đi đến đẩy lùi tội phạm, nêu cao tinh thần đấu tranh phòng chống tội phạm là trách nhiệm chung của toàn xã hội.

4.2. Phạm vi nghiên cứu

Luận văn nghiên cứu dưới góc độ pháp lý hình sự và thực tiễn áp dụng pháp luật tội đánh bạc, tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc của TAND thành phố Đà Nẵng, trong thời gian 05 năm từ năm 2013 đến năm 2017.

5. Cơ sở lý luận và phương pháp nghiên cứu

5.1. Cơ sở lý luận

Tác giả đã tiến hành nghiên cứu trên cơ sở lý luận của chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và quan điểm, chủ trương của Đảng về chính sách pháp luật. Quan điểm, đường lối xử lý tội phạm nói chung, các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng nói riêng và những luận điểm khoa học trong các công trình nghiên cứu, sách chuyên khảo, các bài viết trên các tạp chí chuyên ngành.

5.2. Phương pháp nghiên cứu

Luận văn sử dụng các phương pháp đặc thù của khoa học luật hình sự như: phương pháp thống kê, tổng hợp số liệu dựa trên nội dung những bản án, quyết định, số liệu tổng hợp, báo cáo tổng kết của Tòa án nhân dân các cấp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng để phân tích và luận giải các vấn đề tương ứng được nghiên cứu.

Tội đánh bạc, tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc theo pháp luật hình sự Việt Nam từ thực tiễn thành phố Đà Nẵng
Tội đánh bạc, tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc theo pháp luật hình sự Việt Nam từ thực tiễn thành phố Đà Nẵng

6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn

6.1. Ý nghĩa lý luận

Kết quả nghiên cứu của luận văn góp phần hoàn thiện về mặt lý luận đối với các tội về đánh bạc trong khoa học luật hình sự Việt Nam, cụ thể:

– Đưa ra khái niệm, đặc điểm về tội đánh bạc, tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc.

– Phân tích khái quát lịch sử hình thành và phát triển của luật hình sự Việt Nam quy định về tội đánh bạc, tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc từ năm 1945 đến nay. Trên cơ sở so sánh, đối chiếu với pháp luật hình sự một số nước trên thế giới về loại tội phạm này, chỉ ra những tồn tại của hệ thống pháp luật hình sự nước ta về tội đánh bạc, tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc.

– Nghiên cứu các dấu hiệu pháp lý của tội đánh bạc, tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc giữa Bộ luật hình sự năm 1999 và Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.

– Phân tích thực tiễn xét xử, áp dụng pháp luật của TAND thành phố Đà Nẵng trong giai đoạn từ năm 2013 đến năm 2017. Từ đó chỉ ra những nguyên nhân hạn chế, vướng mắc nhằm đưa ra những giải pháp hoàn thiện, nâng cao hiệu quả áp dụng các quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam đối với tội đánh bạc, tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc

6.2. Ý nghĩa thực tiễn

Kết quả nghiên cứu trong luận văn này có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo cho sinh viên, học viên, giảng viên và những nhà nghiên cứu. Bên cạnh đó, những giải pháp được đưa ra trong đề tài giúp các cơ quan có thẩm quyền sử dụng như nguồn tư liệu để nghiên cứu áp dụng nhằm góp phần nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh và phòng ngừa các tội về đánh bạc. Ngoài ra, luận văn còn là cơ sở để đưa ra các kiến nghị hoàn thiện pháp luật hình sự Việt Nam liên quan đến việc định tội danh và công tác xét xử đối với các tội về đánh bạc và nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng, chống các tội phạm này.

7. Kết cấu cấu của luận văn

Nội dung của luận văn gồm ba chương, cụ thể như sau:

Chương 1: Những vấn đề lý luận và pháp luật về tội đánh bạc, tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc.

Chương 2: Quy định của pháp luật hình sự hiện hành về tội đánh bạc, tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc và thực tiễn áp dụng pháp luật của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng.

Chương 3: Các giải pháp hoàn thiện nhằm đảm bảo áp dụng đúng pháp luật về tội đánh bạc, tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trong thực tiễn xét xử của Tòa án nhân dân thành phố Đà Nẵng.

Ngoài ra, luận văn còn có các phần mở đầu, kết luận, danh mục các từ viết tắt, danh mục các bảng, biểu đồ và danh mục tài liệu tham khảo.

CHƯƠNG 1

NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ PHÁP LUẬT VỀ TỘI ĐÁNH BẠC, TỘI TỔ CHỨC ĐÁNH BẠC HOẶC GÁ BẠC

    1. 1.1. Khái niệm, các dấu hiệu pháp lý của tội đánh bạc, tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc

1.1.1. Khái niệm của tội đánh bạc trong luật hình sự Việt Nam

Tội phạm là một hiện tượng xã hội – pháp lý gắn liền với sự ra đời của Nhà nước và pháp luật, cũng như với sự xuất hiện của sỡ hữu tư nhân và sự phân chia xã hội thành các giai cấp đối kháng. Khái niệm tội phạm đã xuất hiện từ rất sớm trong lịch sử pháp luật hình sự Việt Nam, tạo cơ sở pháp lý vững chắc để xác định những hành vi nào là hành vi nguy hiểm cho xã hội, từ đó có các chế tài phù hợp để ngăn chặn hậu quả do những hành vi nguy hiểm đó gây ra. Vì vậy, để bảo vệ đặc quyền của mình, Nhà nước sẽ quy định những hành vi nguy hiểm nào bị xem là tội phạm và áp dụng trách nhiệm hình sự đối với người thực hiện hành vi đó.

Nói về khái niệm tội phạm, Larry J.Siegel đã đưa ra khái niệm tội phạm như sau: “Tội phạm là một hành vi vi phạm các nguyên tắc xã hội được giải thích và quy định trong một đạo luật hình sự do những người nắm giữ quyền lực chính trị và xã hội tạo ra. Những cá nhân vi phạm các nguyên tắc này là đối tượng sẽ bị trừng phạt bởi các cơ quan có thẩm quyền…” [18, tr.4].

So với khái niệm tội phạm của BLHS năm 1999 thì khái niệm tội phạm trong BLHS năm 2015 đã bổ sung thêm “quyền con người” vào các quan hệ xã hội được luật hình sự bảo vệ. Sự bổ sung này là nhằm cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 (Điều 3 và chương I). Cụ thể, Điều 3 Hiến pháp năm 2013 quy định Nhà nước công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân [22, tr.9]. Đồng thời, BLHS năm 2015 đã mở rộng phạm vi chủ thể áp dụng. Theo đó, chủ thể của tội phạm bao gồm cả: con người và pháp nhân thương mại. Quy định trên cho thấy, pháp nhân thương mại trước hết phải là pháp nhân được thành lập và hoạt động theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 cũng như Luật doanh nghiệp năm 2014 và các quy định khác của pháp luật có liên quan nhưng có mục tiêu chính là tìm kiếm lợi nhuận và lợi nhuận được chia cho những người góp vốn. Tuy nhiên, khi đối tượng này thực hiện hành vi xâm hại đến các quan hệ xã hội được Nhà nước và pháp luật bảo vệ mà bị coi là tội phạm thì sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự. Điều đó có nghĩa, pháp nhân thương mại cũng là một trong những chủ thể của tội phạm.

Từ khái niệm tội phạm, để tìm hiểu và phân tích cụ thể khái niệm đặc điểm, dấu hiệu pháp lý của các tội về đánh bạc thì trước hết, ta cần phải hiểu đánh bạc là hành vi như thế nào? Theo Từ điển Pháp luật phổ thông của Trần Văn Thắng (chủ biên) thì đánh bạc là “tham gia vào trò chơi được tổ chức bất hợp pháp mà sự được thua kèm theo việc được hoặc mất lợi ích vật chất đáng kể (tiền, hiện vật hoặc các hình thức tài sản khác”. Do vậy đánh bạc dựa trên ba yếu tố: sự tính toán, cơ hội và lợi nhuận. Trong trò chơi đánh bạc, sự thắng thua của người tham gia phụ thuộc vào sự may rủi hoặc khả năng suy luận của người chơi hoặc yếu tố khác độc lập với ý muốn chủ quan của người tham gia và người tổ chức.

Như vậy, nói tóm lại “Đánh bạc trái phép là hành vi đánh bạc được thực hiện dưới bất kỳ hình thức nào với mục đích được thua bằng tiền hay hiện vật mà không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép hoặc được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhưng thực hiện không đúng với quy định trong giấy phép được cấp” [14, tr.1].

Trải qua các thời kỳ, các cơ quan lập pháp nước ta vẫn chưa đi đến thống nhất trong việc đưa ra một khái niệm hoàn chỉnh các tội phạm liên quan đến cờ bạc nói chung. Bởi vì các hành vi về đánh bạc đều là các hiện tượng xã hội, nên nó phát sinh trong các điều kiện xã hội nhất định, và sẽ tiêu vong trong những điều kiện xã hội nhất định khác. Ở vào các giai đoạn khác nhau của xã hội, nó có những phát triển và biểu hiện khác nhau. Xem xét ở góc độ pháp lý hình sự, trong mỗi giai đoạn lịch sử nước ta, các khái niệm này được đề cập ở các phạm vi khác nhau, tương ứng với điều kiện, nhận thức và cũng nhằm đáp ứng các mục tiêu khác nhau tương ứng trong từng giai đoạn mà nhà nước đặt ra cho hệ thống pháp luật.

Sau khi pháp điển hóa BLHS năm 1985, quy định về các hành vi liên quan đến đánh bạc đã được phân hóa cụ thể hơn bằng việc xác định ba tội phạm trong nhóm này, gồm: đánh bạc, tổ chức đánh bạc và gá bạc. Tuy nhiên, các quy định trong BLHS năm 1985 vẫn còn ở mức khái quát chung chung, đến khi BLHS năm 1999 ra đời thì các tội về đánh bạc mới được cụ thể hóa. Đến khi BLHS năm 1999 ra đời thì tội đánh bạc được quy định như sau: “Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng những đã bị kết án về tội hoặc tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm” [24, tr. 229, 230]. Sau một thời gian dài áp dụng, khi xã hội dần phát triển và tình hình tội phạm ngày càng phức tạp, hành vi phạm tội tinh vi hơn thì quy định về tội đánh bạc cũng thay đổi theo. Cụ thể, tại Điều 321 BLHS năm 2015 quy định: “Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật trị giá từ năm triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm triệu đồng, đã bị xử phạt xi phạm hành chính về hành vi này hoặc hành vi về tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm” [27, tr. 330, 331].

Từ những phân tích và cơ sở pháp lý trên có thể hiểu: “Tội đánh bạc là hành vi tham gia trò chơi được tổ chức trái pháp luật (dưới bất kỳ hình thức nào), được thua bằng tiền hay hiện vật từ năm triệu đồng trở lên, hoặc dưới năm triệu đồng nhưng đã bị kết án về tội này hoặc tội tổ chức đánh bạc và gá bạc, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Do người có năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp, xâm phạm đến trật tự, an toàn công cộng”.

Từ những phân tích ở trên, có thể xác định các đặc điểm cơ bản của tội đánh bạc. Cụ thể như sau:

Một là, tội đánh bạc là hành vi tham gia các trò chơi (dưới nhiều hình thức khác nhau) được thua bằng lợi ích vật chất nào đó (tiền hoặc hiện vật) có giá trị từ năm triệu đồng trở lên một cách trái pháp luật, gây thiệt hại cho trật tự công cộng, hoặc dưới năm triệu đồng nhưng đã bị kết án về tội này hoặc tội tổ chức đánh bạc và gá bạc, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm.

Hai là, chủ thể thực hiện hành vi đánh bạc là người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự.

Ba là, về mặt chủ quan của cấu thành tội phạm đánh bạc, hình thức lỗi là cố ý trực tiếp.

Bốn là, tội đánh bạc là một trong số các tội phạm nằm trong nhóm tội xâm phạm trật tự công cộng. Trật tự công cộng được hiểu theo nghĩa rộng là một trật tự xã hội mà sự tuân thủ các quy phạm pháp luật, quy phạm đạo đức, phong tục tập quán … tạo nên một trật tự chung, phục vụ lợi ích cộng đồng. Theo đó, trật tự công cộng được xem là tiêu chí quan trọng để đánh giá sự phát triển, văn minh, dân chủ của một quốc gia. Để đảm bảo trật trật tự công cộng, Nhà nước, các tổ chức và mọi người dân đều phải có ý thức xây dựng, thực hiện và bảo vệ các quy tắc trật tự sinh hoạt chung trên nhiều lĩnh vực khác nhau.

1.1.2. Khái niệm của tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trong luật hình sự Việt Nam

Đối với tội tổ chức đánh bạc, do xuất phát đều là các hành vi thuộc về tệ nạn cờ bạc, có những điểm chung nhất định, hành vi được mô tả trong các tội này gắn bó chặt chẽ với nhau (hành vi khách quan của tội tổ chức đánh bạc mang tính chất hỗ trợ, tạo điều kiện cho hành vi đánh bạc). Do vậy, để nghiên cứu khái niệm tội tổ chức đánh bạc nhất thiết phải đặt nó trong nhóm các tội đánh bạc. Tội tổ chức đánh bạc đã được quy định tại BLHS năm 1985. Tuy nhiên, điều luật quy định một cách chung chung, chưa thể hiện rõ các dấu hiệu cơ bản của tội phạm. Đến khi BLHS năm 1999 được thông qua và được sửa đổi, bổ sung năm 2009, tội tổ chức đánh bạc tiếp tục được quy định tại Điều 249, theo đó: “Người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép với quy mô lớn hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi về tội đánh bạc hoặc tội tổ chức đánh bạc, gá bạc hoặc đã bị kết án về một trong các tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến ba trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm” [24, tr.230]. Đến BLHS năm 2015 đã có những quy định và các hình thức chế tài cụ thể hơn cho các hành vi tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép. Cụ thể, tại Điều 322 BLHS năm 2015 quy định, “người nào tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trái phép thuộc một trong các trường hợp quy định từ điểm a đến điểm d khoản này thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng hoặc bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm; nếu phạm tội trong trường hợp có các tình tiết tăng nặng quy định tại khoản 2 Điều 322 thì bị phạt tù từ 05 năm đến 10 năm” [27, tr.331].

Từ các cơ sở pháp lý trên, ta có thể hiểu khái niệm tội tổ chức đánh bạc một cách khái quát như sau: “Tội tổ chức đánh bạc là hành vi tham gia đánh bạc với tư cách là chủ mưu, cầm đầu, chỉ huy, cưỡng bức, đe dọa người khác tham gia trò chơi có được thua bằng tiền hoặc tài sản dưới bất kỳ hình thức nào”.

Không phải ngẫu nhiên mà từ Bộ luật hình sự năm 1985, năm 1999 và năm 2015 đều quy định tổ chức đánh bạc và gá bạc là hai hình thức phạm tội khác nhau. Vậy gá bạc là gì? Làm sao để phân biệt được hành vi đánh bạc, tổ chức đánh bạc, gá bạc?

Theo từ điển Bách khoa toàn thư thì: “Gá bạc là hành vi cho sử dụng địa điểm làm nơi thực hiện việc đánh bạc để trục lợi. Là hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm trật trự xã hội, tạo điều kiện cho hành vi đánh bạc là hành vi không chỉ ảnh hưởng xấu tới gia đình và cá nhân người chơi mà còn có thể là nguyên nhân của các tệ nạn xã hội và tội phạm khác. Là hành vi giúp sức đánh bạc, thể hiện ở việc tạo điều kiện về địa điểm cho người có hành vi đánh bạc nhưng có thêm dấu hiệu riêng là mục đích trục lợi”. Như vậy, gá bạc có nghĩa là không nhất thiết phải trực tiếp tham gia đánh bạc, nhưng người phạm tội gá bạc sử dụng lợi ích vật chất của mình để gián tiếp thực hiện hành vi đánh bạc như: cho người khác mượn nhà, chỗ ở, xe, tàu, thuyền… của mình để đánh bạc; cho người khác vay, mượn, cầm cố, thế chấp tài sản để đánh bạc…với mục đích là thu lợi nhuận cho cá nhân. Trên thực tế, nhiều trường hợp người tổ chức đánh bạc, người gá bạc, người đánh bạc là một người.

Từ những phân tích ở trên, có thể xác định các đặc điểm cơ bản của tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc. Cụ thể như sau:

Một là, người phạm tội tổ chức đánh bạc, gá bạc là người có hành vi tổ chức cho người khác thực hiện hành vi đánh bạc trái phép, thông qua các hành vi khách quan, như: lôi kéo, rủ rê hoặc tạo điều kiện cơ sở vật chất cần thiết cho việc thực hiện hành vi phạm tội hoặc hành vi vi phạm pháp luật.

Hai là, tội tổ chức đánh bạc, gá bạc do người có đủ năng lực trách nhiệm hình sự, đủ tuổi chịu trách nhiệm hình sự và được thực hiện một cách có lỗi cố ý trực tiếp.

Ba là, khách thể mà tội tổ chức đánh bạc, gá bạc xâm phạm đến là trật tự công cộng. Để đảm bảo trật trật tự công cộng, Nhà nước, các tổ chức và mọi người dân đều phải có ý thức xây dựng, thực hiện và bảo vệ các quy tắc trật tự sinh hoạt chung trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Trật tự công cộng có quan hệ mật thiết với trật tự pháp luật mà là một xã hội, trong đó pháp luật được tôn trọng và thực hiện một cách nghiêm chỉnh. Như vậy, trong nhiều trường hợp, các đối tượng xâm phạm trật tự công cộng cũng là xâm phạm đến trật tự pháp luật và bị xử lý theo quy định của pháp luật hình sự nếu vi phạm đó có đủ các yếu tố cấu thành tội phạm.

1.1.3 Các dấu hiệu pháp lý hình sự

Các dấu hiệu pháp lý hình sự là cơ sở, là những điều kiện cần thiết để xem xét một hành vi nào đó của chủ thể đã thực hiện có phải là tội phạm hay không phải tội phạm. Cụ thể:

* Về mặt khách thể của tội đánh bạc, tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc:

Khách thể của tội phạm là các quan hệ xã hội được BLHS xác lập và bảo vệ, bị tội phạm xâm hại bằng cách gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại trong một chừng mực nhất định. Bất kỳ tội phạm nào cũng xâm phạm đến ít nhất một khách thể được BLHS xác lập và bảo vệ.

Vì đều là các tội phạm xâm phạm đến lĩnh vực quản lý trật tự công cộng nên khách thể của tội đánh bạc, tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc từ BLHS năm 1999 vẫn được kế thừa và giữ nguyên tinh thần trong BLHS năm 2015. Theo đó, trật tự công cộng là một trật tự xã hội mà việc tuân thủ các quy phạm pháp luật, quy phạm đạo đức, phong tục tập quán tạo nên nếp sống văn minh, phục vụ lợi ích chung của cộng đồng. Như vậy, có thể khẳng định rằng khách thể của tội đánh bạc xâm phạm đến chính là trật tự nếp sống văn minh của xã hội.

Tội đánh bạc, tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc theo pháp luật hình sự Việt Nam từ thực tiễn thành phố Đà Nẵng
Tội đánh bạc, tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc theo pháp luật hình sự Việt Nam từ thực tiễn thành phố Đà Nẵng

* Về mặt khách quan của tội đánh bạc, tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc:

Mặt khách quan của tội phạm là mặt bên ngoài của tội phạm, bao gồm các biểu hiện của tội phạm diễn ra trong thế giới khách quan, các biểu hiện đó là: Hành vi nguy hiểm cho xã hội, hậu quả nguy hiểm cho xã hội và mối quan hệ nhân quả giữa hành vi và hậu quả. Ngoài ra, mặt khách quan của tội đánh bạc, tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc còn bao gồm các yếu tố khách quan gắn liền với hành vi phạm tội, như phương tiện, công cụ, thủ đoạn, phương pháp, địa điểm, thời gian và hoàn cảnh phạm tội.

Mặt khách quan của tội phạm có ý nghĩa quan trọng đối với việc định tội danh, từ những biểu hiện khách quan đặc biệt là hành vi nguy hiểm cho xã hội người ta xác định được có tội phạm xảy ra hay không. Hành vi nguy hiểm cho xã hội là những biểu hiện của con người ra ngoài thế giới khách quan dưới những hình thức cụ thể, gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại cho các quan hệ xã hội được pháp luật hình sự bảo vệ. Hành vi nguy hiểm cho xã hội phải là hoạt động cụ thể được chủ thể nhận thức và điều khiển, có nội dung trái với yêu cầu và đòi hỏi của PLHS.

Ví dụ, mặt khách quan của tội đánh bạc được quy định tại khoản 1 Điều 248 BLHS năm 1999 sửa đổi, bổ sung 2009, theo đó, người nào đánh bạc trái phép (dưới bất kỳ hình thức nào) được thu bằng tiền hay hiện vật có giá trị từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 triệu đồng nhưng đã bị kết án vì tội này hay tội quy định tại Điều 249 của Bộ luật này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm. Theo đó, hình thức biểu hiện của hành vi đánh bạc rất đa dạng, phong phú. Tuy nhiên,cho dù tồn tại dười hình thức nào thì biểu hiện của hành vi này đều mang đặc điểm chung là việc thắng thua có tính chất khách quan.

Ngoài dấu hiệu hành vi khách quan như trên, khoản 1 điều 248 BLHS còn quy định các dấu hiệu khác làm căn cứ truy cứu TNHS đối với người thực hiện hành vi đánh bạc.

Thứ nhất, về phương tiện phạm tội đánh bạc. Phương tiện thanh toán cho việc thắng thua phải là tiền hoặc hiện vật và số tiền hay hiện vật này phải có giá trị nằm trong phạm vi cụ thể. Như vậy, có thể thấy rằng, phương tiện thanh toán là dấu hiệu bắt buộc phải có trong mặt khách quan của cấu thành tội đánh bạc. Theo hướng dẫn tại khoản 3 Điều 1 Nghị quyết số 01/2010/NQ- HĐTP của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Điều 248 và Điều 249 của BLHS thì tiền hoặc hiện vật dùng để đánh bạc bao gồm tiền hoặc hiện vật dùng đánh bạc thu giữ được trực tiếp tại chiếu bạc; tiền hoặc hiện vật thu giữ được trong người các con bạc mà có căn cứ xác định rằng đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc; tiền hoặc hiện vật thu giữ ở những nơi khác mà có đủ căn cứ xác định rằng đã được hoặc sẽ được dùng đánh bạc.

Thứ hai, về giá trị tiền hoặc hiện vật dùng để đánh bạc. Điều luật đã quy định rõ mức định lượng giá trị tài sản làm căn cứ truy cứu TNHS đối với tội đánh bạc.

Thứ ba, việc xác định tiền, giá trị hiện vật dùng để đánh bạc.

Khoản 4 Điều 1 Nghị quyết số 01/2010/NQ- HĐTP của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng điều 248 và điều 249 BLHS nếu có nhiều người cùng tham gia đánh bạc với nhau thì việc xác định tiền, giá trị hiện vật dùng đánh bạc với từng người là tổng số tiền, giá trị hiện vật của những người cùng đánh bạc được hướng dẫn tại khoản 3 điều này. Nếu đánh bạc dưới hình thức chơi số đề, cá độ bóng đá, cá độ đua ngựa hoặc hình thức cá độ khác thì một lần chơi số đề, một lần cá độ bóng đá, đua ngựa hoặc hình thức cá độ khác được hiểu là tham gia chơi trong một lô đề, tham gia cá độ trong một trận bóng đá, một kỳ đua ngựa … trong đó người chơi có thể chơi làm nhiều đợt. Trách nhiệm hình sự trong các trường hợp này được xác định đối với người chơi một lần đánh bạc là tổng số tiền, giá trị hiện vật dùng để chơi trong các đợt đó.

Đối với tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc, pháp luật hình sự đã có nhiều bước tiến trong kỹ thuật xây dựng cơ sở pháp lý. Như đã phân tích ở trên, gá bạc là hành vi cho sử dụng địa điểm làm nơi thực hiện hành vi đánh bạc để thu lợi. Hành vi cho sử dụng địa điểm ở đây có thể hiểu là hành vi cho thuê, cho mượn địa điểm thuộc quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng, quản lý của người gá bạc. Trên thực tế, rất dễ nhầm lẫn giữa các hành vi tổ chức đánh bạc với hành vi gá bạc. Có sự nhầm lẫn này là vì hành vi tổ chức đánh bạc thường bao gồm cả hành vi chuẩn bị, bố trí địa điểm thực hiện việc đánh bạc giống với hành vi gá bạc. Tuy nhiên, hành vi bố trí địa điểm của tội phạm tổ chức đánh bạc chỉ là một trong số những hành vi mà người phạm tội thực hiện như cung cấp công cụ đánh bạc hay rủ rê, tụ tập các đối tượng để đánh bạc …. Trong khi đó, tội phạm gá bạc chủ yếu chỉ bao gồm hành vi cho sử dụng địa điểm để thực hiện việc đánh bạc để thu lợi. Như vậy, hành vi tổ chức đánh bạc thể hiện tính chủ động của người phạm tội cao hơn so với hành vi gá bạc.

* Về mặt chủ thể của tội đánh bạc, tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc:

Chủ thể của tội phạm là người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội, xâm phạm các quan hệ xã hội được PLHS bảo vệ, là người có năng lực TNHS. Có thể nói rằng, người phạm tội có khả năng nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà mình thực hiện và có khả năng kiểm soát, điều khiển được hành vi đó. Chủ thể của tội đánh bạc và tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc là người phải có đầy đủ năng lực TNHS và đạt độ tuổi chịu TNHS vào thời điểm phạm tội. Người thực hiện hành vi đánh bạc và hành vi tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc được xác định là có năng lực TNHS tại thời điểm họ thực hiện hành vi, nếu ở thời điểm đó họ nhận thức được tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi mà họ thực hiện, đồng thời có khả năng kiểm soát, điều khiển được hành vi ấy theo hướng tích cực; hoặc họ không có khả năng nhận thức hoặc không điều khiển được hành vi của mình nhưng không phải do bị bệnh mà là do say rượu hay do dùng các loại chất kích thích khác. Những trường hợp không thỏa mãn nêu trên được xác định là người không có năng lực TNHS, nên cho dù người đó có biểu hiện về hình thức của hành vi đánh bạc và hành vi tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc cũng không được coi là chủ thể của các tội phạm này. Ngoài điều kiện trên, thì chủ thể của các tội về đánh bạc còn phải đáp ứng điều kiện về độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự Việt Nam 2015. Cụ thể, đối với trường hợp từ đủ 16 tuổi trở lên thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm. Nếu người thực hiện hành vi từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi thì chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng [27, tr.12].

* Về mặt chủ quan của tội đánh bạc, tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc:

Mặt chủ quan của tội phạm là mặt bên trong của tội phạm, là thái độ tâm lý của người phạm tội đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội do họ thực hiện và đối với hậu quả do hành vi ấy gây ra cho xã hội. Mặt chủ quan của cấu thành tội phạm gồm các nội dung như lỗi, động cơ và mục đích phạm tội.

Tội đánh bạc, tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc, bên cạnh dấu hiệu về lỗi là người phạm tội cố ý thực hiện hành vi phạm tội, mà còn có các dấu hiệu động cơ là sát phạt nhau, mục đích là vụ lợi. Do đó các yếu tố bao gồm lỗi, động cơ và mục đích phạm tội đều đóng vai trò quan trọng trong việc phản ánh mặt chủ quan của các tội về đánh bạc.

– Lỗi của người phạm các tội về đánh bạc.

Lỗi là thái độ tâm lý của chủ thể vi phạm pháp luật phản ánh trạng thái tiêu cực của chủ thể đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội và đối với hậu quả của hành vi ấy gây ra, được thể hiện dưới hình thức lỗi cố ý hoặc vô ý.

Trong tội đánh bạc, tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc, người thực hiện hành vi với lỗi cố ý trực tiếp. Như vậy, người phạm tội nhận thức rõ sự nguy hiểm cho xã hội do hành vi của mình gây ra, bị pháp luật hình sự cấm, nhận thức được tính chất xâm phạm tới trật tự công cộng nhưng vẫn mong muốn thực hiện hành vi đó.

– Động cơ của người phạm các tội về đánh bạc.

Động cơ phạm tội là động lực bên trong thúc đẩy người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội cố ý. Đối với tội đánh bạc và tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc, động cơ của người phạm tội là nhằm sát phạt nhau để thu lợi ích về vật chất (bằng tiền hoặc hiện vật) thông qua hành vi đánh bạc hay tổ chức đánh bạc hoặc dùng địa điểm do mình sở hữu, quản lý, sử dụng cho người khác đánh bạc.

Với tội đánh bạc và tội tổ chức đánh bạc tuy động cơ không phải là dấu hiệu bắt buộc, nhưng đối với hành vi gá bạc thì động cơ thu lợi là dấu hiệu bắt buộc. Người phạm tội gá bạc gắn liền với việc cho người đánh bạc sử dụng địa điểm của mình với mong muốn để thu lợi. Trên thực tế thì việc thu lợi này thường được thể hiện qua việc thu tiền thuê địa điểm của những người đánh bạc, bên cạnh đó việc thu lợi còn được thông qua hoạt động như: Bán đồ ăn, cho vay tiền lấy lãi suất cao, dịch vụ cầm đồ…

Những trường hợp có hành vi cho người khác sử dụng địa điểm để đánh bạc nhưng không thỏa mãn động cơ vụ lợi thì không bị xử lý về tội gá bạc. Trong thực tế có những trường hợp do chủ nhà nể nang, quen biết… nên cho người khác sử dụng địa điểm của nhà mình để đánh bạc thì không bị xử lý về hình sự. Tuy nhiên cũng phải xem xét rằng những trường hợp cho sử dụng địa điểm nhiều lần để thực hiện hành vi đánh bạc thì mặc dù không nhằm thu lợi vẫn có thể bị xử lý hình sự với vai trò là người giúp sức cho hành vi đánh bạc, khi thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành của tội phạm này.

– Mục đích của các tội về đánh bạc.

Mục đích phạm tội là kết quả cuối cùng mà trong suy nghĩ của mình chủ thể mong muốn đạt được khi thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Người phạm tội đánh bạc khi thực hiện hành vi vi phạm pháp luật đều hướng đến mục đích tư lợi, để thu những giá trị về vật chất nhất định. Trong khi đó, chủ thể của tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc thì thực hiện hành vi chủ mưu, rủ rê, lôi kéo, tụ tập hay dùng địa điểm do mình sở hữu, quản lý, sử dụng cho người khác sử dụng để đánh bạc nhằm hướng đến kết quả là xác lập hành vi đánh bạc. Những mục đích này cũng mang tính quyết định đối với tính chất nguy hiểm cho xã hội của hành vi.

1.1.4. Hình phạt

Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước, do Tòa án quyết định áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người, pháp nhận thương mại đó. [27, tr. 21].

1.1.4.1. Hình phạt đối với tội đánh bạc

– Hình phạt chính:

Hình phạt chính là hình phạt được tuyên độc lập được áp dụng đối với người phạm tội và mỗi tội phạm chỉ có thể bị tuyên một hình phạt chính. Hình phạt chính bao gồm các biện pháp như cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ, trục xuất, tù có thời hạn, tù chung thân, tử hình.

Điều 248 BLHS quy định có hai khung hình phạt chính được áp dụng với người phạm tội đánh bạc và được sắp xếp theo mức độ tăng dần về độ nghiêm khắc, cụ thể như sau:

Khung 1: Hình phạt cơ bản được quy định tại khoản 1 Điều 321 BLHS là phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Đây là khung hình phạt cơ bản và theo quy định của BLHS được xác định là tội phạm ít nghiêm trọng. So với tội đánh bạc được quy định tại khoản 1 Điều 248 BLHS năm 1999 thì khoản 1 điều 321 BLHS 2015 đã bỏ hình phạt tiền nhưng vẫn giữ nguyên hình phạt cải tạo không giam giữ và hình phạt tù. Đối với hình phạt tù, BLHS 2015 cũng đã tăng mức của hình phạt này lên thành từ 06 tháng đến 03 năm. Sự khác biệt này đã được thể hiện được quan điểm, thái độ của Nhà nước đối với loại tội phạm này, theo đó, với sự phức tạp ngày càng cao của loại tội phạm về đánh bạc nên Nhà nước phải càng nghiêm khắc hơn trong việc quy định các chế tài.

Khung 2: Đây là khung có cấu thành tội phạm tăng nặng. Cụ thể, khoản 2 Điều 321 BLHS 2015 quy định hình phạt tù từ 03 năm đến 07 năm nếu phạm tội có tính chất chuyên nghiệp; hoặc tiền/hiện vật dùng đánh bạc có giá trị từ 50.000.000 đồng trở lên; hoặc tái phạm nguy hiểm; hoặc sử dụng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội.

So với hình phạt theo quy định của BLHS 1999 thì hình phạt theo quy định của BLHS 2015 được quy định nặng hơn: Khung cơ bản có mức hình phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm; Khung tặng có mức hình phạt tù từ 3 đến 7 năm và điều kiện để áp dụng khung tăng nặng được mở rộng. Bổ sung thêm tình tiết định khung tăng nặng đối với trường hợp dùng mạng internet, mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội

Đối với tình tiết tăng nặng phạm tội có tính chất chuyên nghiệp là trường hợp hành vi đánh bạc được thực hiện thường xuyên, con bạc lấy việc đánh bạc làm nghề nghiệp chính, tiền và hiện vật thu được từ các ván bạc là thu nhập chính và là nguồn sống của chính bản thân. Ngoài ra, số lần đánh bạc được quy định từ năm lần trở lên mà tổng số tiền hoặc giá trị hiện vật được sử dụng để đánh bạc của từng lần chơi bằng hoặc trên mức tối thiểu để truy cứu trách nhiệm hình sự. Điều này đã được quy định rõ tại Nghị quyết số 01/2010/NQ – HĐTP của Hội đồng thẩm phán TANDTC về hướng dẫn áp dụng một số quy định của Điều 248 và Điều 249 BLHS.

Đối với tình tiết tăng nặng tái phạm nguy hiểm định khung hình phạt đối với tội đánh bạc, thì tái phạm nguy hiểm được hiểu là “đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xóa án tích mà lại phạm tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý hoặc đã tái phạm, chưa được xóa án tích mà lại phạm lỗi do cố ý” [27, tr. 33].

– Hình phạt bổ sung:

Chế tài được quy định áp dụng với tội đánh bạc, ngoài các hình phạt chính được phân tích ở trên, còn có hình phạt bổ sung với hình thức phạt tiền. Việc áp dụng chế tài phạt tiền nhằm mục đích tước đi một số tiền của người phạm tội để sung vào công quỹ Nhà nước nhằm hạn chế người phạm tội tiếp tục thực hiện hành vi phạm pháp này.

Khi áp dụng hình phạt tiền là hình phạt bổ sung đối với người phạm tội đánh bạc, cần lưu ý rằng, chỉ áp dụng hình phạt tiền là hình phạt bổ sung trong trường hợp không áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính. Hay nói cách khác, không thể áp dụng đồng thời hình phạt tiền như là hình phạt chính và hình phạt bổ sung đối với cùng một người phạm tội trong cùng một vụ án.

1.1.4.2. Hình phạt đối với tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc

– Hình phạt chính:

Theo quy định tại Điều 322 BLHS, có hai khung hình phạt được áp dụng với người phạm tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc được sắp xếp theo mức độ tăng dần về độ nghiêm khắc.

Khung 1: Hình phạt cơ bản được quy định tại khoản 1 Điều 322 BLHS, cụ thể là phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng, hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Đây là khung hình phạt có cơ cấu hình thành cơ bản và theo quy định của BLHS được xác định là tội phạm ít nghiêm trọng. Nhưng so với quy định hình phạt chính đối với tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc ở Điều 249 BLHS năm 1999 thì BLHS năm 2015 đã có mức hình phạt chính nặng hơn rất nhiều. Theo đó, mức phạt tiền tối thiểu đã nâng lên 50.000.000 đồng, chứ không còn 10.000.000 đồng như trước đây. Ngoài ra, BLHS năm 2015 đã loại bỏ các dấu hiệu tội phạm là “quy mô lớn” hoặc “đã bị xử lý hành chính mà vẫn vi phạm…” như đã phân tích ở trên. Điều này chứng tỏ sự cứng rắn, răn đe mạnh mẽ của các nhà làm luật cũng như là dấu hiệu thay đổi điển hình chứng tỏ các nhà làm luật đã nhận thức được tầm nguy hiểm của các tội phạm về đánh bạc đối với xã hội. Ngoài ra, hình phạt tiền và hình phạt được nối với nhau bởi từ “hoặc”, nghĩa là khi một người thực hiện hành vi thỏa mãn các cấu thành của tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc thì Tòa án có thể lựa chọn một trong hai hình phạt chính áp dụng với người phạm tội là phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến ba trăm triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến năm năm.

Khung 2: Đây là khung cấu thành tội phạm có tình tiết tăng nặng. Với tội tổ chức đánh bác hoặc gá bạc, khoản 2 Điều 322 BLHS quy định hình phạt tù từ 05 năm đến 10 năm nếu phạm tội có tính chất chuyên nghiệp; hoặc thu lợi bất chính từ 50.000.000 đồng trở lên; hoặc tái phạm nguy hiểm.

Như vậy, khi thuộc vào một trong ba trường hợp nêu trên thì hành vi phạm tội đều tăng lên đáng kể về tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội, do đó người phạm tội sẽ phải chịu khung hình phạt cao hơn từ năm năm đến mười năm tù.

Các tình tiết tăng nặng “có tính chất chuyên nghiệp” và “tái phạm nguy hiểm” được áp dụng ở tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc cũng tương tự như trường hợp áp dụng đối với tội đánh bạc mà tác giả đã phân tích ở trên. Ở khung hình phạt này, có thể dễ dàng nhận thấy điểm khác biệt lớn giữa BLHS năm 1999 và năm 2015 là mức khởi điểm phạt tù đối với người phạm tội, thay vì mức tối thiểu là 03 năm thì nay nếu người phạm tội tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc mà có thêm các tình tiết tăng nặng tại khoản 2 Điều 322 BLHS năm 2015 thì ít nhất mức phạt tù tối thiểu là 05 năm. Hình phạt này nặng hơn rất nhiều so với quy định trong BLHS năm 1999. Bên cạnh đó, BLHS năm 2015 cũng quy định rõ thu lợi bất chính ở mức nào thì được xem là có tình tiết tặng nặng (cụ thể là từ 50.000.000 đồng trở lên). Sở dĩ nhà làm luật quy định rõ như vậy là để thuận lợi trong việc hiểu luật và vận dụng luật, tránh việc hiểu không rõ rang và phải chờ các văn bản hướng dẫn cụ thể hơn.

Như vậy, với tội “Tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc”, quy định cho phép Tòa án được lựa chọn hình phạt chính giữa hai hình thức là phạt tiền và phạt tù có thời hạn là rất phù hợp. Việc phạt tiền ở đây là nhằm mục đích răn đe về mặt kinh tế của người phạm tội nhằm ngăn chặn các hành vi tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc trong tương lai. Việc bắt buộc phải cách ly người phạm tội ra khỏi đời sống xã hội chỉ nên được áp dụng trong những trường hợp cần thiết để giáo dục, cải tạo họ có ý thức chung đúng mực xã hội. Nếu như xác định rằng chưa thật sự cần thiết phải áp dụng hình phạt tù thì việc áp dụng hình phạt tiền sẽ hợp lý hơn và mang lại hiệu quả cao hơn trong việc phòng chống các tội phạm về cờ bạc.

– Hình phạt bổ sung

Khoản 3 Điều 322 BLHS, quy định hình phạt bổ sung là phạt tiền “từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”. Như vậy, hình phạt tiền ngoài được áp dụng như là hình phạt chính, còn được vận dụng linh hoạt để áp dụng là hình phạt bổ sung đối với các chủ thể tội phạm.

So với khoản 3 điều 249 BLHS 1999 thì tội “tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc” được quy định tại Điều 322 BLHS 2015 quy định hình phạt chính là hình phạt tiền có mức cao hơn (mức khởi điểm nâng lên 50.000.000 đồng, thay vì 5.000.000 đồng như trước đây). Hình phạt “tịch thu tài sản”, được hiểu là hình phạt mà người phạm tội bị tước đi một phần hoặc toàn bộ tài sản của mình. Cũng giống như phạt tiền, hình phạt tịch thu tài sản cũng nhắm tới việc tác động vào kinh tế của người phạm tội nhằm mục đích xóa bỏ phương tiện hoạt động, động cơ vụ lợi của người phạm tội. Tuy nhiên, trên thực tế có những trường hợp phạt tiền không thể áp dụng khi mà tài sản của người bị bị kết án không tồn tại dưới dạng tiền tệ mà ở các dạng tài sản khác. Trong những trường hợp này, hình phạt tịch thu tài sản phải được áp dụng để đảm bảo được mục đích hình phạt và mang tính linh hoạt cao.

LIỆN HỆ:

SĐT+ZALO: 0935568275

E:\DỮ LIỆU COP CỦA CHỊ YẾN\LUAN VAN VIEN HAN LAM\VIEN HAN LAM DOT 8\LUAT HINH SU\TRUONG THUY TRANG

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *