TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG THANH TRA CHUYÊN NGÀNH XÂY DỰNG

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG THANH TRA CHUYÊN NGÀNH XÂY DỰNG – TỪ THỰC TIỄN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG THANH TRA CHUYÊN NGÀNH XÂY DỰNG – TỪ THỰC TIỄN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

1. Tính cấp thiết của đề tài

Thanh tra chuyên ngành xây dựng thuộc hệ thống thanh tra nhà nước; là cơ quan tham mưu của cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng cùng cấp; giúp thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng thực hiện chức năng thanh tra ở các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý nhà nước của ngành.

Thông qua công tác thanh tra, thanh tra chuyên ngành xây dựng đã phát hiện những sơ hở trong cơ chế quản lý, chính sách, pháp luật để kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền biện pháp khắc phục, hoàn thiện; tích cực hướng dẫn, tuyên tuyền cho các chủ thể tham gia hoạt động thuộc lĩnh vực ngành quản lý nắm bắt, thực hiện đúng quy định pháp luật; phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị ; quản lý phát triển nhà và công sở, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, công dân.

Bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động thanh tra chuyên ngành xây dựng Đà Nẵng còn nhiều hạn chế. Tổ chức cơ quan thanh tra chuyên ngành xây dựng chưa phù hợp với phân cấp nhiệm vụ; kết quả hoạt động chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ được giao; hoạt động thanh tra chưa phủ kín các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý ngành, ở một số lĩnh vực, công tác thanh tra còn bỏ ngỏ; ở một số lĩnh vực đã tiến hành thanh tra, kiểm tra, nội dung tiến hành thanh tra, kiểm tra cũng chưa đáp ứng được hết các yêu cầu đặt ra trong hoạt động quản lý nhà nước; công tác quản lý xây dựng theo quy hoạch được duyệt, giấy phép xây dựng được cấp ở một số nơi còn lỏng lẻo; tình trạng xây dựng nhà không phép, sai phép, trái phép trong các khu quy hoạch mặc dầu đã được hạn chế song vẫn còn xảy ra ở nhiều địa bàn, nhất là tại các đô thị lớn.

Mục tiêu thanh tra ngành xây dựng nói chung, thanh tra chuyên ngành xây dựng Đà Nẵng nói riêng là tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách về tổ chức, hoạt động; xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, vững mạnh cả về lượng và chất; đảm bảo đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chế độ công vụ nhằm không ngừng nâng cao chất lượng hoạt động, đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng văn minh, hiện đại.

Từ yếu tố nêu trên, việc nghiên cứu nhằm đưa ra các giải pháp tiếp tục hoàn thiện tổ chức hoạt động thanh tra chuyên ngành xây dựng nói chung, thanh tra chuyên ngành xây dựng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng nói riêng là một yêu cầu cấp bách đang đặt ra hiện nay đối với ngành xây dựng.

2. Tình hình nghiên cứu đề tài

3. Mục tiêu, nhiệm vụ nghiên cứu

Mục tiêu nghiên cứu của luận văn là trên cơ sở nghiên cứu cơ chế, chính sách, pháp luật về tổ chức hoạt động của các cơ quan thanh tra nhà nước nói chung, thanh tra chuyên ngành xây dựng nói riêng, liên hệ thực tiễn trên địa bàn thành phố Đà Nẵng để từ đó đưa ra các giải pháp nhằm nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra chuyên ngành xây dựng Đà Nẵng.

Nhiệm vụ của đề tài là làm sáng tỏ thêm những vấn đề lý luận và thực tiễn về tổ chức hoạt động ngành thanh tra nói chung, thanh tra chuyên ngành xây dựng Đà Nẵng nói riêng; phân tích thực trạng, để từ đó tìm ra nguyên nhân, đề ra giải pháp khắc phục, hoàn thiện hơn nữa tổ chức hoạt động thanh tra chuyên ngành xây dựng Đà Nẵng.

4. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu

– Đối tượng nghiên cứu là tổ chức, hoạt động thanh tra nhà nước, thanh tra ngành xây dựng.

– Phạm vi nghiên cứu về không gian: trên địa bàn Đà Nẵng.

– Phạm vi nghiên cứu về thời gian: từ năm 2009 đến nay.

5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu

Luận văn được thực hiện trên cơ sở phương pháp luận chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và mục tiêu của Đảng, Nhà nước về tổ chức bộ máy nhà nước nói chung, tổ chức và hoạt động cơ quan thanh tra nhà nước nói riêng.

Về phương pháp nghiên cứu, luận văn sử dụng các phương pháp nghiên cứu cụ thể: Phương pháp phân tích, phương pháp tổng hợp, phương pháp thống kê, phương pháp so sánh và một số phương pháp khác để làm sáng tỏ bản chất của vấn đề.

Phương pháp luận và các phương pháp được sử dụng cụ thể trong luận văn như sau:

– Chương 1 sử dụng phương pháp luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng và duy vật lịch sử để phân tích, luận giải làm rõ các vấn đề về thanh tra nói chung, thanh tra chuyên ngành nói

– Chương 2, chương 3 sử dụng các phương pháp phân tích, tổng hợp, thống kê, phương pháp so sánh và một số phương pháp khác để nghiên cứu về thanh tra chuyên ngành, đánh giá khách quan, toàn diện thực trạng tổ chức, hoạt động thanh tra chuyên ngành xây dựng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, để từ đó đề ra các giải pháp khắc phục.

6. Ý nghĩa lý luận, thực tiễn của đề tài

– Về lý luận, đề tài hệ thống hóa, bổ sung lý luận về tổ chức, hoạt động thanh tra nhà nước, thanh tra ngành xây dựng. Chỉ ra mối quan hệ giữa thanh tra nhà nước, thanh tra ngành xây dựng, cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành. Chỉ ra sự giống nhau và khác nhau giữa thanh tra nhà nước, thanh tra chuyên ngành.

– Về thực tiễn, đề tài phân tích, đánh giá thực trạng tổ chức hoạt động thanh tra ngành xây dựng Đà Nẵng; ưu điểm, khuyết điểm và nguyên nhân để từ đó đề ra các giải pháp khắc phục nhằm hoàn thiện và nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra xây dựng Đà Nẵng. Luận văn này cũng có thể là cơ sở để các địa phương khác xem xét, tham khảo, ứng dụng tùy theo tình hình thực tế tại mỗi địa phương, đơn vị.

7. Kết cấu luận văn

Ngoài phần mở đầu, mục lục và danh mục tài liệu tham khảo, Luận văn có 3 chương:

– Chương 1: Cơ sở lý luận về tổ chức, hoạt động thanh tra chuyên ngành xây dựng.

– Chương 2: Thực trạng tổ chức, hoạt động thanh tra chuyên ngành xây dựng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

– Chương 3: Phương hướng, giải pháp hoàn thiện tổ chức, hoạt động thanh tra chuyên ngành xây dựng.

Chương 1

CƠ SỞ LÝ LUẬN VỀ TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG

THANH TRA CHUYÊN NGÀNH XÂY DỰNG

Ở chương này, Tác giả tập trung làm rõ một số vấn đề sau:

1.1. Thanh tra chuyên ngành trong hệ thống thanh tra nhà nước

1.1.1. Tổng quan chung về thanh tra nhà nước

1.1.1.1. Quan niệm về thanh tra nhà nước

Từ những khái niệm sơ lược về “thanh tra”, “kiểm tra”, “kiểm soát” làm cơ sở để tác giả đưa ra quan niệm về thanh tra nhà nước, đó là, Thanh tra nhà nước là hoạt động của tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong bộ máy cơ quan nhà nước nhằm xem xét, đánh giá, xử lý việc thực hiện pháp luật của tổ chức, cá nhân thuộc quyền quản lý nhà nước theo trình tự pháp luật quy định nhằm phục vụ cho hoạt động quản lý nhà nước, bảo vệ lợi ích nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân.

Khoản 1 Điều 3 Luật Thanh tra năm 2010 quy định: Thanh tra nhà nước là hoạt động xem xét, đánh giá, xử lý theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với việc thực hiện chính sách, pháp luật, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Thanh tra nhà nước bao gồm thanh tra hành chính và thanh tra chuyên ngành.

1.1.1.2. Đặc điểm của thanh tra nhà nước

Thanh tra nhà nước có những đặc điểm chủ yếu sau đây:

Một là, Thanh tra gắn liền với quản lý nhà nước

Hai là, Thanh tra là hoạt động mang tính quyền lực nhà nước

Ba là, Thanh tra có tính độc lập tương đối

Đây là đặc điểm vốn có, xuất phát từ bản chất của thanh tra. Để bảo đảm hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động thì bản thân hoạt động thanh tra cần phải được thực hiện độc lập và dựa trên cơ sở pháp luật; mọi sự “can thiệp” vào hoạt động thanh tra chỉ có thể được thực hiện nếu như pháp luật có quy định.

1.1.2. Thanh tra chuyên ngành

1.1.2.1. Quan niệm về thanh tra chuyên ngành

Thanh tra chuyên ngành là một bộ phận của thanh tra nhà nước, được tổ chức ở các cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực nhằm thực hiện chức năng thanh tra những hoạt động thuộc phạm vi quản lý ngành.

Theo khoản 3 Điều 3 Luật Thanh tra năm 2010: Thanh tra chuyên ngành là hoạt động thanh tra của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo ngành, lĩnh vực đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật chuyên ngành, quy định về chuyên môn – kỹ thuật, quy tắc quản lý thuộc ngành, lĩnh vực đó.

1.1.2.2. Tổ chức thanh tra chuyên ngành

Luật Thanh tra năm 2010 quy đinh thanh tra chuyên ngành bao gồm thanh tra bộ, thanh tra sở và cơ quan được giao thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, bao gồm tổng cục, cục thuộc bộ, chi cục thuộc cục hoặc sở.

Thanh tra bộ là cơ quan của bộ, giúp bộ trưởng thực hiện chức năng thanh tra trong quá trình quản lý.

Thanh tra sở là cơ quan của sở, giúp giám đốc sở thực hiện chức năng thanh tra trong quá trình quản lý theo ủy quyền của Ủy ban nhân dân cùng cấp hoặc theo quy định của pháp luật.

Cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành bao gồm tổng cục, cục thuộc bộ; chi cục thuộc cục hoặc sở. Cơ quan này không thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành độc lập mà chỉ thành lập bộ phận tham mưu về công tác thanh tra chuyên ngành. Hoạt động thanh tra chuyên ngành do công chức trong bộ phận tham mưu này thực hiện.

1.1.2.3. Hoạt động thanh tra chuyên ngành

Hoạt động thanh tra chuyên ngành bao gồm các việc sau:

Một là, định hướng chương trình, xây dựng kế hoạch thanh tra trình Bộ trưởng, Giám đốc Sở phê duyệt và tổ chức, hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch đó;

Hai là, ban hành quyết định thanh tra và tổ chức hoạt động của các đoàn thanh tra; tổng hợp báo cáo kết quả thanh tra, ban hành kết luận thanh tra; kiểm tra đôn đốc việc thực hiện kết luận thanh tra. Xử lý sau thanh tra, xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền;

Ba là, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành đối với cơ quan thanh tra chuyên ngành cấp dưới;

1.1.2.4. Những mối quan hệ chủ yếu của thanh tra chuyên ngành

Chánh Thanh tra bộ do Bộ trưởng bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức sau khi thống nhất với Tổng Thanh tra Chính phủ .

Thanh tra bộ có nhiệm vụ hướng dẫn nghiệp vụ; yêu cầu Thủ trưởng cơ quan thanh tra cấp dưới báo cáo về công tác thanh tra.

Chánh Thanh tra sở do Giám đốc Sở bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức sau khi thống nhất với Chánh Thanh tra tỉnh.

Thanh tra sở có nhiệm vụ hướng dẫn nghiệp vụ; yêu cầu Thủ trưởng cơ quan thanh tra cấp dưới báo cáo về công tác thanh tra.

1.2. Thanh tra chuyên ngành xây dựng

1.2.1. Nhận thức chung về thanh tra chuyên ngành xây dựng

1.2.1.1. Quan niệm về thanh tra chuyên ngành xây dựng

Về phương diện tổ chức, thanh tra chuyên ngành xây dựng thuộc tổ chức thanh tra nhà nước, được thành lập ở cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng.

Về phương diện hoạt động, thanh tra chuyên ngành xây dựng là hoạt động của Thanh tra Bộ Xây dựng, Thanh tra Sở Xây dựng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật chuyên ngành xây dựng, quy định về chuyên môn – kỹ thuật, quy tắc quản lý thuộc ngành xây dựng.

1.2.1.2. Chủ thể thực hiện thanh tra chuyên ngành xây dựng

Chủ thể thực hiện thanh tra chuyên ngành xây dựng bao gồm đoàn thanh tra, thanh tra viên độc lập thông qua quyết định thành lập đoàn thanh tra hoặc cử thanh tra viên độc lập của cơ quan Thanh tra bộ, Thanh tra sở.

1.2.1.3. Đối tượng của thanh tra chuyên ngành xây dựng

Là cơ quan, tổ chức, cá nhân Việt Nam và nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tham gia hoạt động trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của ngành xây dựng theo quy định pháp luật.

1.2.2. Nội dung, nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra chuyên ngành xây dựng

1.2.2.1. Nội dung của thanh tra chuyên ngành xây dựng

Nội dung thanh tra chuyên ngành xây dựng là thanh tra việc thực hiện các quy định pháp luật chuyên ngành xây dựng, quy định về chuyên môn – kỹ thuật, quy tắc quản lý trên tất cả các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước ngành xây dựng gồm: hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất và kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý, phát triển nhà ở và công sở.

1.2.2.2. Nhiệm vụ, quyền hạn của thanh tra chuyên ngành xây dựng

Một là, xây dựng kế hoạch thanh tra trình phê duyệt; ban hành quyết định và thành lập đoàn thanh tra theo kế hoạch; trình ban hành quyết định thanh tra đối với vụ việc phức tạp, liên quan đến nhiều cơ quan, đơn vị, nhiều cấp, nhiều ngành.

Hai là, quyết định thanh tra đột xuất khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật hoặc do Bộ trưởng, Giám đốc Sở giao.

Ba là, Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện kế hoạch thanh tra; kết luận, kiến nghị, quyết định xử lý về thanh tra.

Bốn là, thực hiện thanh tra chuyên ngành theo nội dung quy định tại Điều 11 của Nghị định 26/2013/NĐ-CP.

Năm là, tổ chức tập huấn nghiệp vụ; tuyên truyền, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý của ngành thực hiện các quy định pháp luật của Ngành;

Sáu là, tổng kết, rút kinh nghiệm về công tác thanh tra trong phạm vi quản lý nhà nước của ngành.

Bảy là, Thực hiện các nhiệm vụ khác do Bộ trưởng, Giám đốc Sở giao.

Trong quá trình tiến hành thanh tra có các quyền sau:

Thứ nhất, kiến nghị với người ra quyết định thanh tra áp dụng biện pháp thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của người ra quyết định thanh tra quy định tại Điều 55 của Luật Thanh tra 2010 để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ được giao;

Thứ hai, yêu cầu đối tượng thanh tra xuất trình giấy tờ và cung cấp thông tin, tài liệu, báo cáo bằng văn bản, giải trình về vấn đề liên quan đến nội dung thanh tra;

Thứ ba, Lập biên bản vi phạm; xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính;

Thứ tư, Kiểm kê tài sản liên quan đến nội dung thanh tra của đối tượng thanh tra;

Thứ năm, yêu cầu cơ quan, tổ chức, cá nhân có thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung thanh tra cung cấp thông tin, tài liệu đó;

Thứ sáu, yêu cầu người có thẩm quyền tạm giữ tiền, đồ vật, khi xét thấy cần ngăn chặn ngay việc vi phạm pháp luật hoặc để xác minh tình tiết làm chứng cứ cho việc kết luận, xử lý;

Thứ bảy, quyết định niêm phong tài liệu của đối tượng thanh tra khi có căn cứ cho rằng có vi phạm pháp luật;

Thứ tám, tạm đình chỉ hoặc kiến nghị người có thẩm quyền đình chỉ việc làm khi xét thấy việc làm đó gây thiệt hại nghiêm trọng đến lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân;

Thứ chín, kiến nghị người có thẩm quyền tạm đình chỉ việc thi hành quyết định kỷ luật, thuyên chuyển công tác, cho nghỉ hưu đối với người đang cộng tác với cơ quan thanh tra hoặc đang là đối tượng thanh tra nếu xét thấy việc thi hành quyết định đó gây trở ngại cho việc thanh tra;

Thứ mười, yêu cầu tổ chức tín dụng nơi đối tượng thanh tra có tài khoản phong tỏa tài khoản đó để phục vụ việc thanh tra khi có căn cứ cho rằng đối tượng thanh tra có hành vi tẩu tán tài sản;

1.3. Ý nghĩa của thanh tra chuyên ngành xây dựng trong quản lý nhà nước về xây dựng

1.3.1. Thanh tra chuyên ngành xây dựng góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về xây dựng

1.3.2. Thanh tra chuyên ngành xây dựng góp phần bảo đảm pháp chế trong quản lý nhà nước về xây dựng

1.3.3. Thanh tra chuyên ngành xây dựng góp phần phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý những hành vi vi phạm pháp luật trong quản lý nhà nước về xây dựng

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG  THANH TRA CHUYÊN NGÀNH XÂY DỰNG –  TỪ THỰC TIỄN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNGTHANH TRA CHUYÊN NGÀNH XÂY DỰNG –TỪ THỰC TIỄN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Chương 2

THỰC TRẠNG TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG THANH TRA NGÀNH XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

2.1. Tổ chức thanh tra ngành xây dựng ở thành phố Đà Nẵng

2.1.1. Cơ cấu tổ chức, nhân lực cơ quan thanh tra ngành xây dựng ở thành phố Đà Nẵng hiện nay

Thanh tra Sở được thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo Quyết định số 119/2005/QĐ-UBND ngày 01/9/2005 của UBND thành phố.

Về cơ cấu tổ chức bộ máy, nhân sự

Về nhân sự: Tính đến ngày 31/12/2013, Thanh tra Sở được định biên 13 người trong đó biên chế 11, hợp đồng 2. Hiện tại có 11 người, Trong đó: biên chế 07, hợp đồng lao động 04.

Về ngạch bậc, có 02 thanh tra viên chính, 05 thanh tra viên và 04 chuyên viên.

Về trình độ chuyên môn: có 02 thạc sỹ và 09 kỹ sư, kiến trúc sư, cử nhân.

Về chuyên môn đào tạo: có 07 người được đào tạo chuyên môn về xây dựng, 01 luật và 03 ngành nghề khác. Cụ thể được thể hiện ở bảng 2.1.

Bảng 2.1: Tình hình cán bộ công chức, người lao động Thanh tra Sở Xây dựng

Số

CBCC

Trình độ chuyên mônChuyên ngành đào tạoNgạch công chứcLý luận chính trị
TCBiên chếHợp đồngThạc sỹĐại họcXây dựngLuậtkhácT.Tra viên chínhT. Tra viênCh

viên

Cao cấpKhác
11742971325438

(Nguồn: Thanh tra Sở Xây dựng Đà Nẵng 2013)

Về cơ cấu tổ chức, Thanh tra Sở Xây dựng có Chánh Thanh tra và 02 Phó Chánh Thanh tra. Chánh Thanh tra Sở chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Thanh tra Sở.Phó Chánh Thanh tra Sở là người giúp việc cho Chánh Thanh tra trên lĩnh vực được phân công.

Về hoạt động: đã ban hành quy chế hoạt động của Thanh tra Sở cũng như phân công nhiệm vụ của từng vị trí công tác trong tổ chức Thanh tra Sở

2.1.2. Nội dung, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ quan thanh tra chuyên ngành xây dựng thành phố Đà Nẵng

Thanh tra chuyên ngành xây dựng Đà Nẵng thực hiện nội dung, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định pháp luật và đã được nêu tại Chương 1, Mục 2, Tiểu mục 2 của Luận văn này.

2.2. Tình hình hoạt động thanh tra chuyên ngành xây dựng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng trong thời gian qua

2.2.1. Thanh tra đối với hoạt động xây dựng

Theo quy định tại Điều 2 Luật Xây dựng năm 2004, hoạt động xây dựng bao gồm từ khâu lập dự án, thiết kế, thi công, nghiệm thu bàn giao đưa công trình vào sử dụng đến bảo hành bảo trì công trình.

2.2.1.1. Hoạt động thanh tra công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị

Lực lượng tham gia công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, ngoài thanh tra Sở Xây dựng còn có Đội Kiểm tra quy tắc quận, huyện và tổ quản lý trật tự xây dựng phường.

Về phân cấp hoạt động: Theo Nghị định 180/2007/NĐ-CP công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị được phân cấp toàn diện cho Chủ tịch UBND cấp quận, phường. Thanh tra Sở Xây dựng có trách nhiệm kiểm tra, đôn đốc, nắm tình hình trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn, kiến nghị Giám đốc Sở Xây dựng báo cáo và đề xuất Ủy ban nhân dân cấp tỉnh những biện pháp chấn chỉnh, khắc phục;

a. Đối với Thanh tra Sở Xây dựng

Kết quả hoạt động thể hiện các mặt sau:

Một là, về công tác tham mưu ban hành văn bản quản lý ngành:

Thanh tra Sở đã tham mưu cho Giám đốc Sở đề nghị UBND thành phố ban hành Công văn 5043/UBND-QLĐTh ngày 21/8/2008 về quy trình xử lý vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố; Quyết định số 9365/QĐ-UBND ngày 03/12/2010 về Quy chế phối hợp xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn thành phố.

Hai là, về công tác thanh tra, xử lý vi phạm:

Mặc dầu công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị được phân cấp toàn diện cho UBND cấp quận, phường, nhưng Thanh tra Sở Xây dựng vẫn phải thường xuyên tăng cường công tác thanh tra, trực tiếp xử lý hầu hết các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng tại các trục đường chính, khu vực có yêu cầu kiến trúc, cảnh quan cao.

Kết quả công tác thanh tra trật tự xây dựng đô thị từ năm 2009 đến năm 2013 của Thanh tra Sở thể hiện ở bảng 2.2

Bảng 2.2: Kết quả hoạt động của Thanh tra Sở Xây dựng từ năm 2009 đến năm 2013

NămSố Giấy phép XD do Sở XD cấpSố lượt thanh tra

(cuộc)

Xử phạt hành chính

(tr/hợp)

Trong đóSố tiền xử phạt

(triệu đồng))

Xây dựng không phépXây dựng sai phépSai phạm khác
200919803331708050461
2010187817036071316513
2011177622167232420821
20121586266813128221247
2013194317656192908950

(Nguồn: Thanh tra Sở Xây dựng Đà Nẵng 2013)

Ba là, về công tác hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý trật tự xây dựng cho đội ngũ làm công tác quản lý trật tự xây dựng quận, phường

Đã phối hợp với UBND các quận, huyện tổ chức các lớp hướng dẫn, tập huấn các quy định pháp luật về xử lý vi phạm trật tự xây dựng đô thị, hướng dẫn xử lý một số trường hợp vi phạm thường gặp cho toàn thể lực lượng quy tắc quận, huyện, phường.

Đề xuất UBND thành phố cấp kinh phí, trang bị đồng phục, phương tiện hoạt động cho lực lượng này.

Theo định kỳ 06 tháng, 01 năm tổ chức họp giao ban với Đội kiểm tra quy tắc đô thị quận, huyện nhằm sơ kết, tổng kết công tác quản lý trật tự xây dựng, qua đó nắm bắt tình hình quản lý trật tự xây dựng, hướng dẫn, giải thích kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý công việc; góp phần nâng cao hiệu quả phối hợp công tác giữa Thanh tra Sở với UBND các quận, huyện về công tác xử lý vi phạm trật tự xây dựng.

Bốn là, về công tác thanh tra việc cấp phép xây dựng và xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại UBND các quận, huyện.

Phủ kín việc thanh tra công tác cấp phép xây dựng và xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại UBND quận, huyện. Qua thanh tra, đã chỉ ra những mặt làm tốt, những mặt làm chưa tốt để từ đó đề nghị UBND quận, huyện có biện pháp chấn chỉnh, khắc phục, đồng thời kiến nghị UBND thành phố xem xét sửa đổi, bổ sung các quy định không còn phù hợp trong công tác cấp phép xây dựng và quản lý xây dựng theo giấy phép được cấp,

b. Đối với lực lượng quản lý trật tự xây dựng quận, huyện, xã, phường

– Về phương diện tổ chức: Đội Kiểm tra quy tắc quận, huyện do Chủ tịch UBND quận, huyện thành lập. Theo Quyết định 570/2007/QĐ-UB ngày 25/01/1998 của UBND thành phố Đà Nẵng về việc quy định chức năng, nhiệm vụ quyền hạn; theo đó, Đội Kiểm tra quy tắc quận, huyện là đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND quận, huyện; chịu sự lãnh đạo trực tiếp của UBND quận, huyện; chịu sự hướng dẫn nghiệp vụ của các Sở: Xây dựng, Giao thông Vận tải, Tài nguyên Môi trường. Đội Kiểm tra quy tắc quận, huyện có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và được mở tài khoản riêng.

– Về phương diện hoạt động: Chức năng, nhiệm vụ của Đội là thường xuyên kiểm tra, phát hiện, lập biên bản vi phạm hành chính và ngừng thi công xây dựng đối với tất cả các trường hợp vi phạm trật tự xây dựng đô thị thuộc địa bàn quản lý; trực tiếp tham mưu cho Chủ tịch quận, huyện xử lý các bước tiếp theo theo quy định pháp luật.

Tương tự ở cấp phường, Chủ tịch UBND phường quyết định thành lập tổ quản lý trật tự xây dựng có chức năng giúp Chủ tịch UBND quản lý trật tự xây dựng thuộc thẩm quyền.

– Thực trạng về đội ngũ cán bộ và kết quả hoạt động của lực lượng quy tắc cấp quận, phường

Theo báo cáo số 72/BC-SXD ngày 24/01/2014 của Sở Xây dựng thành phố Đà Nẵng;

+ Về tình hình nhân sự:

Tổng số cán bộ làm công tác quản lý trật tự xây dựng cấp quận, phường trên địa bàn thành phố là 349 người (năm 2012 là 364 người), trong đó:

Tỷ lệ cán bộ có chuyên môn về xây dựng (trung cấp, cao đẳng, đại học):

Cấp phường: 11/203 người, chiếm tỷ lệ 5,4%

Cấp quận: 05/146 người, chiếm tỷ lệ 3,42%

Bình quân giữa cấp quận và cấp phường: 16/349 người, chiếm tỷ lệ 4,58%. Như vậy số cán bộ có chuyên môn về xây dựng là quá thấp.

Tỷ lệ cán bộ chưa qua đào tạo chuyên môn nghiệp vụ:

Cấp phường: 107/203 người, chiếm tỷ lệ 52,7%

Cấp quận: 48/146 người, chiếm tỷ lệ 32,88%

Bình quân giữa cấp quận và cấp phường: 155/349 người, chiếm tỷ lệ 44,4%. Như vậy số cán bộ chưa qua đào tạo là quá cao.

Bình quân số cán bộ trên một phường: 203/54 = 3,75 người/phường

+ Về kết quả hoạt động:

Trong năm 2013, đã tiến hành kiểm tra 3.381 lượt, phát hiện 207 trường hợp vi phạm, xử phạt 166 trường hợp với số tiền phạt là 1.429,75 triệu đồng và buộc tháo dỡ 4 công trình trong khu vực ổn định quy hoạch.

Đối với công trình xây dựng trái phép trong khu vực quy hoạch, kiểm tra, xử lý buộc tháo dỡ hoặc cưỡng chế tháo dỡ ngay khi phát hiện 130 trường hợp.

+Nhận xét đánh giá

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác xử lý vi phạm trật tự xây dựng trên địa bàn quận, huyện còn một số tồn tại hạn chế sau: Số lượt kiểm tra chưa tương xứng với giấy phép xây dựng được cấp (tỷ lệ kiểm tra 3.381lượt/5.500GPXD = 61%); hoặc có kiểm tra nhưng không phát hiện vi phạm; hoặc có phát hiện vi phạm nhưng không xử lý hoặc chậm xử lý hoặc hiệu quả xử lý không cao; đặc biệt là trên các trục đường có mặt cắt từ 10m5 trở lên, nhiều vụ việc Thanh tra Sở phải trực tiếp xử lý.

Nguyên nhân của hạn chế: Ngoài những nguyên nhân chủ quan khác, nguyên nhân chính của hạn chế xuất phát từ địa vị pháp lý của Đội Quy tắc đô thị và chất lượng của đội ngũ cán bộ

2.2.1.2. Hoạt động thanh tra công tác quản lý dự án đầu tư xây dựng từ nguồn vốn ngân sách do UBND quận, huyện làm chủ đầu tư

Từ năm 2012 Thanh tra Sở mới bắt đầu tổ chức thanh tra ở lĩnh vực này. Nội dung thanh tra bao gồm: lập, thẩm tra, phê duyệt hồ sơ thiết kế, dự toán; trách nhiệm của Chủ đầu tư và các nhà thầu trong việc chấp hành các quy định pháp luật về quản lý chất lượng công trình; về điều kiện năng lực hành nghề từ khâu khảo sát, thiết kế, thi công, giám sát, nghiệm thu; công tác lập thẩm tra, phê duyệt thanh quyết toán công trình. Kết quả:

Qua thanh tra, đã tham mưu cho Giám đốc Sở ban hành các kết luận thanh tra, yêu cầu đối tượng thanh tra khắc phục có thời hạn các sai phạm.

– Về thu hồi kinh phí sau thanh tra: Năm 2012 đã thu hồi, buộc nộp vào ngân sách thành phố 103.802.000. Năm 2013, thu hồi, 773.367.591 đồng. Hiện tại, việc thực hiện kết luận thanh tra đã được các cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện triệt để.

2.2.1.3. Thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật đối với chủ đầu tư, các nhà thầu về công tác quản lý dự án đầu tư, quản lý chất lượng công trình, năng lực hành nghề, an toàn vệ sinh môi trường trong thi công xây dựng

Từ năm 2009 Thanh tra Sở bắt đầu triển khai công tác thanh tra hoạt động xây dựng tại các công trường thi công nhà cao tầng. Đến nay, đã phủ kín đối với công trình có quy mô từ cấp 2 trở lên.

Nội dung thanh tra bao gồm: thanh tra điều kiện khởi công công trình; việc chấp hành quy định pháp luật đối với chủ đầu tư, các nhà thầu về công tác quản lý chất lượng công trình; điều kiện năng lực hành nghề của tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng; công tác an toàn vệ sinh môi trường trong thi công. Với công trình từ cấp 3 trở xuống, việc thanh tra được lồng ghép trong quá trình kiểm tra giấy phép xây dựng được cấp với quy mô đơn giản hơn.

Kết quả hoạt động thanh tra nhà cao tầng được thể hiện trong bảng 2.3

Đối với các sai phạm phát hiện sau thanh tra, yêu cầu đối tượng phải nghiêm chỉnh khắc phục có thời hạn, báo cáo kết quả khắc phục về Thanh tra Sở.

Bảng 2.2: Kết quả thanh tra hoạt động xây dựng nhà cao tầng từ năm 2009 đến 2013

NămSố lượt thanh traXử phạt hành chính (tr/hợp)
Công trình từ cấp 2 trở lênCông trình cấp 3
20090400
2010207216
20112910612
20122026614
2013181768

(Nguồn: Thanh tra Sở Xây dựng Đà Nẵng 2013)

2.2.1.4. Thanh tra việc tổ chức thành lập và hoạt động các phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng

Hiện nay, trên địa bàn thành phố có khoảng 50 phòng thí nghiệm chuyên ngành xây dựng (LAS-XD) được đánh giá và công nhận hoạt động. Đến nay, Thanh tra Sở đã cơ bản phủ kín việc thanh tra,

2.2.2. Thanh tra đối với hoạt động kinh doanh bất động sản

2.2.3. Thanh tra việc đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ trên các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý ngành Xây dựng

2.2.4. Hoạt động thanh tra khác

2.3. Đánh giá chung về tổ chức, hoạt động thanh tra chuyên ngành xây dựng ở thành phố Đà Nẵng

TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG  THANH TRA CHUYÊN NGÀNH XÂY DỰNG –  TỪ THỰC TIỄN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG THANH TRA CHUYÊN NGÀNH XÂY DỰNG – TỪ THỰC TIỄN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

2.3.1. Những kết quả đạt được và nguyên nhân

2.3.1.1 Những kết quả đạt được

Từ năm 2009 đến nay, hoạt động thanh tra Sở đã được mở rộng trên nhiều lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý ngành; chất lượng hoạt động ngày đi vào chiều sâu, thể hiện trên các lĩnh vực:

Một là, trên lĩnh vực quy hoạch kiến trúc: Đã tổ chức thanh tra việc chấp hành Tổng mặt bằng quy hoạch chi tiết 1/500 và giấy phép xây dựng được cấp đối với các dự án lớn.

Phủ kín việc thanh tra công tác cấp phép xây dựng tại UBND các quận, huyện; thanh tra việc tuân thủ về trình tự, thủ tục, thời hạn giải quyết hồ sơ công việc tại các phòng của Sở Xây dựng.

Hai là, trên lĩnh vực thi công xây dựng:

Về công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị: Thường xuyên tăng cường công tác thanh tra. Hiện tại, cơ bản kiểm soát được việc xây dựng theo giấy phép được cấp

Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn chuyên môn nghiệp vụ cho toàn thể lực lượng quy tắc quận, huyện, phường. Phủ kín việc thanh tra công tác xử phạt hành chính về hoạt động xây dựng tại 07 quận, huyện. Tổ chức giao ban định kỳ 06 tháng/lần giữa Thanh tra Sở với Lãnh đạo Đội quy tắc quận, huyện.

Ba là, công tác thanh tra dự án đầu tư đạt hiệu quả cao; góp phần nâng cao hiệu quả quản lý dự án đầu tư tại UBND các quận, huyện.

Bốn là, hoạt động xây dựng tại các công trình nhà cao tầng trên địa bàn thành phố cơ bản đã đi vào nề nếp.

Năm là, trên các lĩnh vực còn lại như: Hoạt động phòng thí nghiệm (LAS-XD), các cơ sở đào tạo nghiệp vụ xây dựng; các sàn giao dịch bất động sản; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý phát triển nhà và công sở phát triển theo chiều hướng tích cực; các sai phạm phát hiện được xử lý nghiêm minh, kịp thời, không có điểm nóng xảy ra.

2.3.1.2. Nguyên nhân của kết quả

Nguyên nhân khách quan

Thể chế về tổ chức, hoạt động thanh tra ngành xây dựng, hệ thống pháp luật về xây dựng, về xử lý hành chính ngày càng được hoàn thiện; các chế định, chế tài ngày càng chi tiết, cụ thể, phù hợp với thực tế hơn, tạo điều kiện thuận lợi trong hoạt động.

Nguyên nhân chủ quan

– Lãnh đạo thành phố, Sở Xây dựng rất quan tâm trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành; đảm bảo mọi điều kiện hoạt động cho Thanh tra Sở;

– Trình độ chuyên môn cán bộ công chức cơ bản đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Công tác giáo dục chính trị, tư tưởng đạo đức luôn được quan tâm hàng đầu. Quy trình hoạt động, tính dân chủ, công khai, minh bạch đảm bảo, tạo sự đồng thuận cao. Cơ sở vật chất, thu nhập cán bộ cơ bản được đáp ứng.

2.3.2. Những hạn chế, tồn đọng và nguyên nhân

2.3.2.1. Đối với lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng

Công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn quận huyện chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao

Nguyên nhân là do cơ cấu tổ chức bộ máy UBND cấp quận không có đơn vị hành chính nào thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành xây dựng theo phân cấp quản lý. Để thực hiện nhiệm vụ theo phân cấp, Chủ tịch UBND cấp quận phải thành lập đơn vị sự nghiệp để thực hiện chức năng này. Điều này dẫn đến hệ luỵ là hoạt động của Đơn vị này khó đảm bảo đúng thẩm quyền theo quy định pháp luật; chất lượng nguồn cán bộ thấp, thu nhập cán bộ thiếu cân bằng so với cán bộ hành chính khác trong UBND quận; chất lượng, hiệu quả công việc không đáp ứng yêu cầu được giao.

2.3.2.2. Đối với các lĩnh vực còn lại

Thứ nhất, hoạt động thanh tra chuyên ngành chưa phủ kín các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Ngành ; trên một số lĩnh vực còn bỏ ngỏ;

Thứ hai, trong các lĩnh vực đã tiến hành thanh tra, nội dung, chất lượng thanh tra cũng chưa đáp ứng được hết các yêu cầu đặt ra.

Thứ ba, chưa đưa ra được nhiều giải pháp cụ thể nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực này; ít những kiến nghị về giải pháp mang tính căn cơ.

Hạn chế, tồn tại trên xuất phát từ nguyên nhân sau:

Một là, phạm vi, khối lượng công việc của Thanh tra Sở là rất rộng, lớn bao gồm tất cả các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý ngành. Trong khi đó, đội ngũ thanh tra viên, công chức còn mỏng, không đủ để quán xuyến hết nhiệm vụ được giao.

Hai là, công tác thanh tra chuyên ngành khá nhạy cảm và phức tạp. tuy nhiên, năng lực chuyên môn của cán bộ không đồng đều, thời gian công tác của một bộ phận cán bộ còn ngắn, kinh nghiệm xử lý nghiệp vụ chưa cao.

Ba là, hệ thống quy trình nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành xây dựng còn chưa hoàn thiện và thiếu các chuẩn mực thanh tra.

Hệ thống quy trình, chuẩn mực, mẫu biểu về hoạt động nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành xây dựng đến nay vẫn chưa được ban hành.

– Công tác xây dựng báo cáo, ban hành kết luận thanh tra đôi lúc còn mang ý chí chủ quan, hiệu quả việc tổ chức thảo luận trong quá trình xây dựng báo cáo thanh tra đôi lúc chưa đạt theo yêu cầu.

– Việc kiểm tra, đôn đốc thực hiện kiến nghị, kết luận thanh tra đôi lúc chưa được quan tâm đúng mức; chậm triển khai thực hiện.

Bốn là, sự phối kết hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền thanh tra ở một số lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý ngành xây dựng còn hạn chế, kém hiệu quả.

Năm là: Việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các lĩnh vực hoạt động Thanh tra chuyên ngành còn hạn chế,

Chương 3

PHƯƠNG HƯỚNG, GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG THANH TRA CHUYÊN NGÀNH XÂY DỰNG

3.1. Phương hướng hoàn thiện tổ chức, hoạt động thanh tra chuyên ngành xây dựng

3.1.1. Xây dựng hệ thống thanh tra chuyên ngành xây dựng có tính chuyên nghiệp, chính quy, từng bước hiện đại

3.1.2. Bảo đảm tính độc lập của cơ quan thanh tra chuyên ngành xây dựng

3.1.3. Bảo đảm tính minh bạch, dân chủ trong tổ chức, hoạt động thanh tra chuyên ngành xây dựng

3.2 Một số giải pháp tiếp tục hoàn thiện tổ chức, hoạt động thanh tra chuyên ngành xây dựng

3.2.1. Đối với hoạt động thanh tra, kiểm tra trong quản lý nhà nước về xây dựng ở UBND cấp quận.

Để đảm bảo hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về xây dựng trên địa bàn cấp quận, cần thiết phải có cơ quan, bộ phận thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành xây dựng . Tuy nhiên, việc tổ chức cơ quan này như thế nào để vừa đảm bảo hiệu quả trong hoạt động vừa đảm bảo hiệu quả trong tổ chức bộ máy nhằm hạn chế tăng nhiều số lượng biên chế hành chính là vấn đề cần quan tâm mổ xẻ.

Theo nguyên tắc quản lý, mặc dù đối tượng quản lý chịu sự điều chỉnh của chủ thể quản lý, song đối tượng quản lý mới là yếu tố quyết định sự xuất hiện, phát triển hoặc tiêu vong của chủ thể quản lý. Nếu chủ thể quản lý tổ chức, hoạt động tốt, có hiệu lực, hiệu quả thì tiêu cực, mặt trái xã hội được ngăn chặn, từng bước đẩy lùi; đến lúc ấy, bộ máy của chủ thể quản lý ắt sẽ được tinh giảm gọn, nhẹ hơn.

Vì vậy, trong giai đoạn đầu, để đáp ứng yêu cầu quản lý, số lượng biên chế của chủ thể quản lý sẽ có tăng, nhưng khi công tác quản lý đã đi vào nền nếp, hoạt động có hiệu quả, ý thức chấp hành pháp luật tổ chức, cá nhân trong xã hội đã được nâng lên, tình hình vi phạm pháp luật đã được hạn chế thì yêu cầu quản lý sẽ nhẹ hơn, kéo theo việc biên chế quản lý sẽ giảm dần.

Từ đó, về mặt tổ chức nên thực hiện theo hai phương án sau:

Phương án 1: Đề nghị sửa đổi Luật Thanh tra năm 2010 theo hướng mở về tổ chức thanh tra chuyên ngành; theo đó, thanh tra chuyên ngành không chỉ có ở cấp bộ và sở mà còn thành lập ở cấp quận. Giao Chính phủ, xuất phát từ yêu cầu phát triển của từng địa phương, yêu cầu quản lý của từng ngành, lĩnh vực mà thành lập cơ quan thanh tra chuyên ngành thuộc UBND cấp quận để thực hiện chức năng thanh kiểm tra trong quá trình quản lý theo phân cấp.

Đối với ngành xây dựng, với vị trí, vai trò trong tiến trình đô thị hoá, thanh tra chuyên ngành xây dựng cấp quận được thành lập tại các thành phố trực thuộc trung ương, đô thị lớn thuộc tỉnh.

Phương án 2: Đề nghị sửa đổi Nghị định 07/2012 NĐ-CP theo hướng cơ quan được giao chức năng thanh tra chuyên ngành không chỉ có ở cấp tổng cục, cục thuộc bộ, chi cục thuộc sở mà còn có ở các phòng thuộc UBND cấp quận. Giao Chính phủ, xuất phát từ yêu cầu phát triển của từng địa phương, yêu cầu quản lý của từng ngành, lĩnh vực để tổ chức bộ phận thanh tra chuyên ngành tại các phòng thuộc UBND cấp quận để thực hiện chức năng thanh kiểm tra trong quá trình quản lý theo phân cấp.

Đối với ngành xây dựng, chức năng thanh tra chuyên ngành được giao cho phòng quản lý đô thị (đối với quận) hoặc phòng công thương (đối với huyện).

Với phương án giao phòng Quản lý đô thị thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành xây dựng sẽ có các hạn chế sau:

Thứ nhất, do quy mô phòng quản lý đô thị nhỏ, nên việc giao nhiệm vụ thanh tra chuyên ngành cho Phòng sẽ dễ xảy ra hiện tượng vừa đá bóng vừa thổi còi; nguy cơ thiếu khách quan là cao trong quá trình giải quyết công việc.

Thứ hai, Với bộ phận thanh tra xây dựng, do lượng cán bộ diện hợp đồng khá lớn, khối lượng công việc nhiều, mức độ quản lý khá phức tạp; trong khi đó, Phòng còn phải thực hiện nhiều nhiệm vụ quản lý nhà nước trên các lĩnh vực khác; do vậy, khó có thể đảm bảo quản lý điều hành có hiệu quả hoạt động bộ phận thanh tra chuyên ngành xây dựng.

Vì vậy, phương án 1 là tối ưu nhất.

Để hạn chế tình trạng làm tăng số lượng lớn biên chế hành chính, cần phải quy định chặt chẽ số lượng định biên (ví dụ: Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, định biên của lực lượng này từ 5-7 người/quận, các tỉnh thành còn lại từ 2-3 người/quận). Để có đủ lực lượng đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ được giao, người đứng đầu cơ quan quản lý trật tự xây dựng được tuyển dụng thêm hợp đồng lao động bên ngoài; kinh phí đảm bảo hoạt động của bộ phận hợp đồng được trích từ nguồn kinh phí xử phạt để lại.

Việc tuyển dụng thêm hợp đồng lao động bên ngoài có rủi ro là do lượng người hợp đồng lớn nhưng tính chịu trách nhiệm của đối tượng này khi để xảy ra hậu quả xấu không được đảm bảo như người trong biên chế hành chính. Vì vậy, cần phải có quy chế hoạt động chặt chẽ, phân công phân nhiệm rõ ràng, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, uốn nắn, chấn chỉnh kịp thời các lệch lạc trong hoạt động. Điều này đòi hỏi người quản lý lực lượng này phải chịu áp lực công việc rất lớn trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành.

3.2.2. Đối với hoạt động của Thanh tra Sở Xây dựng.

3.2.2.1. Tiếp tục hoàn thiện thể chế về hoạt động thanh tra chuyên ngành xây dựng

Để hướng dẫn thực thi nhiệm vụ công tác thanh tra chuyên ngành xây dựng trên các lĩnh vực được chuẩn hoá, đảm bảo tính thống nhất và hiệu quả, hạn chế tính chủ quan tuỳ tiện, cần sớm ban hành Thông tư quy định về quy trình tiến hành một cuộc thanh tra về xây dựng; quy trình xử lý sau thanh tra.

Bên cạnh việc ban hành quy trình về thanh tra chuyên ngành xây dựng, cần xây dựng và ban hành các biểu mẫu về nghiệp vụ thanh tra áp dụng thống nhất trong thanh tra xây dựng, phù hợp với những đặc thù về kỹ thuật.

Trước mắt, căn cứ quy định hiện hành, Thanh tra Sở cần sớm xây dựng cho mình quy định về quy trình thanh tra, kiểm tra chuyên ngành, quy trình xử lý sau thanh tra, hệ thống các biểu mẫu để chuẩn hoá mọi hoạt động.

3.2.2.2. Tiếp tục hoàn thiện và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ

Căn cứ vào chức năng nhiệm vụ được giao kết hợp tình hình thực tế ở thành phố, tập trung rà soát, tổng hợp xác định khối lượng công việc được giao, xác định vị trí việc làm, cấu trúc mỗi vị trí việc làm nhằm bố trí, sắp xếp cán bộ phù hợp năng lực, đảm bảo phát huy hiệu quả giải quyết công việc một cách cao nhất.

Trên cơ sở xác định vị trí việc làm, cấu trúc mỗi vị trí việc làm, tổ chức tuyển dụng cán bộ đủ định biên; cử cán bộ tham gia bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ; có chính sách khuyến khích cá nhân tự tham gia đào tạo nâng cao nghiệp vụ chuyên môn.

Hiện tại, việc tổ chức các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành xây dựng chỉ mới tổ chức ở Hà Nội và cũng chưa có giáo trình chính thống về đào tạo cơ bản cũng như nâng cao. Vì vậy, cần phải tổ chức khảo sát về nhu cầu đào tạo tại các địa phương để tổ chức các lớp bồi dưỡng tại các khu vực, tạo điều kiện thuận lợi cho người học cũng như cơ quan cử người đi học. Sớm nghiên cứu, biên soạn chương trình, giáo trình đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ thanh tra chuyên ngành xây dựng theo từng lĩnh vực ngoài giáo trình đào tạo cơ bản và đào tạo nâng cao của trường Cán bộ thanh tra (thanh tra Chính phủ).

Tổ chức học tập quán triệt đến từng cán bộ công chức tinh thần Chỉ thị 29-CT/TU ngày 06/11/2013 của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng về “5 xây”: Trách nhiệm, chuyên nghiệp, trung thực, kỷ cương, gương mẫu và “3 chống”: Chống quan liêu, chống tiêu cực, chống bệnh hình thức. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, tạo sự chuyển biến rõ nét về tác phong, thái độ, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức thanh tra.

3.2.2.3. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra chế độ công vụ.

Phát triến kinh tế theo cơ chế thị trường, mở rộng hợp tác, giao lưu quốc tế đã tạo ra những thời cơ, động lực to lớn cho sự phát triển đất nước. Bên cạnh đó, cũng phát sinh nhiều thách thức không nhỏ, đó là sự cám dỗ của tiền tài vật chất, sự lôi kéo dụ dỗ, xuyên tạc của các thế lực thù định đã tác động tiêu cực đến việc tu dưỡng, rèn luyện, phấn đấu của cán bộ thanh tra.

Để khắc phục tình trạng trên, đi đôi với việc tăng cường giáo dục phẩm chất đạo đưc, cần phải tăng cường kiểm tra giám sát hoạt động của đoàn thanh tra, thanh tra viên, đảm bảo hoạt động thanh tra tuân thủ quy định pháp luật

3.2.2.4. Ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác thanh tra chuyên ngành xây dựng

Phạm vi hoạt động thanh tra chuyên ngành xây dựng khá rộng;nội dung thanh tra phong phú, đa dạng, phức tạp; đối tượng thanh tra ngày càng sử sụng nhiều thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt và phương tiện hiện đại để thực hiện, che giấu hành vi vi phạm pháp luật. Do vậy bên cạnh chuyên môn nghiệp vụ giỏi, bản lĩnh chính trị vững vàng mà còn phải có đủ khả năng ứng dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật hiện đại vào giải quyết công việc.

Vì vậy, việc ứng dụng các thành tựu của khoa học, công nghệ, nhất là công nghệ thông tin chắc chắn sẽ nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, phục vụ tốt hơn yêu cầu của công tác quản lý.

3.2.5. Tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật về xây dựng

Phòng ngừa vẫn là mục tiêu đầu tiên trong hoạt động thanh tra. Để việc phòng ngừa có hiệu quả trước hết đòi hỏi đối tượng quản lý phải có nhận thức đúng, đầy đủ quy định pháp luật. Nhận thức đúng sẽ dẫn đến hành động đúng, không thể có hành động đúng khi không có nhận thức hoặc nhận thức sai lệch.

Vì vậy, cần phải tăng cường phổ biến giáo dục pháp luật để mọi tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động trong ngành xây dựng nhận thức đúng đắn và đầy đủ hơn quy định pháp luật về xây dựng.

KẾT LUẬN

Với tư cách là kênh kiểm soát mang tính quyền lực nhà nước, thanh tra chuyên ngành xây dựng, về phương diện tổ chức được hiểu là cơ quan thanh tra nhà nước, được thành lập ở cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng, có chức năng giúp thủ trưởng cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng trong công tác thanh tra thuộc thẩm quyền quản lý của ngành. Về phương diện hoạt động, thanh tra chuyên ngành Xây dựng là hoạt động của Thanh tra Bộ Xây dựng, Thanh tra Sở Xây dựng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc chấp hành pháp luật chuyên ngành xây dựng, quy định về chuyên môn – kỹ thuật, quy tắc quản lý thuộc ngành xây dựng.

Đối tượng của thanh tra chuyên ngành xây dựng là cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hoạt động trên các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý ngành xây dựng.

Nội dung thanh tra chuyên ngành xây dựng là thanh tra việc chấp hành quy định pháp luật, quy định về chuyên môn – kỹ thuật, quy tắc quản lý thuộc ngành xây dựng.

Thanh tra chuyên ngành xây dựng có vai trò phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn và xử lý hành vi vi phạm pháp luật xây dựng; góp phần đảm bảo pháp chế; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về xây dựng.

Đối với hoạt động thanh tra chuyên ngành xây dựng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, qua phân tích đánh giá thực trạng về tổ chức và hoạt động, mặc dù thể chế ngày càng được củng cố, hoàn thiện; cơ cấu tổ chức nhân sự đã được tăng cường; phạm vi hoạt động đã được triển khai trên nhiều lĩnh vực; chất lượng hoạt động không ngừng được nâng cao, góp phần vào sự thành công của ngành xây dựng. Nhưng bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn hạn chế bất cập. Tổ chức thanh tra chuyên ngành chưa thật sự phù hợp với việc phân cấp quản lý nhà nước về xây dựng, nhất là trên lĩnh vực quản lý trật tự xây dựng đô thị; phạm vi hoạt động chưa bao phủ hết các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý ngành xây dựng; chất lượng hoạt động chưa tương xứng yêu cầu quản lý.

Từ thực tiễn và lý luận, để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động thanh tra chuyên ngành xây dựng trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, phương hướng được đưa ra là: phải chuyên nghiệp, chính quy, từng bước hiện đại thanh tra chuyên ngành xây dựng; đảm bảo tính độc lập tương đối; tính minh bạch, dân chủ trong hoạt động.

Để đạt được mục tiêu trên, các giải pháp đưa ra gồm:

Đối với UBND cấp quận, cần phải thành lập thanh tra chuyên ngành xây dựng cấp quận tại các thành phố trực thuộc trung ương, đô thị lớn thuộc tỉnh; hoặc giao phòng quản lý đô thị được thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành, đảm bảo thực hiện được chức năng thanh tra trong quá trình quản lý nhà nước về xây dựng trên địa bàn cấp quận.

Đối với Thanh tra Sở Xây dựng, cần thực hiện đồng bộ 5 nhóm giải pháp sau: Một là, tiếp tục hoàn thiện thể chế về hoạt động, bao gồm xây dựng và ban hành quy định về quy trình tiến hành một cuộc thanh tra chuyên ngành xây dựng cũng như quy trình xử lý sau khi tiến hành thanh tra xây dựng; bên cạnh đó, cần phải xây dựng và ban hành các mẫu biểu về nghiệp vụ thanh tra xây dựng để chuẩn hóa mọi hoạt động. Hai là, trên cơ sở định hướng chương trình, kế hoạch hoạt động, xây dựng cơ cấu, vị trí việc làm làm cơ sở cho việc bố trí, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ đi đôi với việc tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức công vụ; nâng cao hơn nữa việc đảm bảo điều kiện hoạt động cũng như thu nhập cán bộ công chức Thanh tra Sở. Ba là, Tăng cường công tác thanh tra chế độ công vụ nhằm uốn nắn, chấn chỉnh kịp thời các sai sót trong hoạt động. Bốn là, đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động thanh tra chuyên ngành xây dựng. Năm là, tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật về xây dựng nhằm nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của mọi đối tượng.

Thực hiện tốt các nhóm giải pháp trên ắt sẽ tạo nguồn cơ hội để hoạt động thanh tra chuyên ngành xây dựng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao, góp phần vào sự thành công của ngành xây dựng trong việc thực hiện 5 mục tiêu mà Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XX đề ra ./.

LIỆN HỆ:

SĐT+ZALO: 0935568275

E:\DỮ LIỆU COP CỦA CHỊ YẾN\LUAN VAN HOC VIEN HANH CHINH\HOC VIEN HANH CHINH\TRAN VAN DUNG 17E

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *