Định tội danh trong trường hợp đồng phạm theo pháp luật hình sự VN

Định tội danh trong trường hợp đồng phạm theo pháp luật hình sự Việt Nam từ thực tiễn tỉnh Quảng Nam

Định tội danh trong trường hợp đồng phạm theo pháp luật hình sự Việt Nam từ thực tiễn tỉnh Quảng Nam

1. Tính cấp thiết của đề tài

Định tội danh là giai đoạn cơ bản trong quá trình áp dụng pháp luật hình sự. Tất cả các hoạt động của các cơ quan tiến hành tố tụng trong quá trình chứng minh tội phạm đều nhằm phục vụ cho việc định tội danh được chính xác. Nhà nước – thông qua Bộ luật hình sự quy định các tội phạm và hình phạt đối với các tội phạm đó – nhưng BLHS chỉ là cơ sở pháp lý chung để áp dụng đối với các hành vi nguy hiểm cho xã hội bị luật hình sự coi là tội phạm xảy ra trong thực tế, còn việc áp dụng quy phạm pháp luật hình sự này hay quy phạm pháp luật hình sự khác trong các trường hợp cụ thể là nhiệm vụ của quá trình áp dụng pháp luật, mà hoạt động định tội danh là một hoạt động có ý nghĩa quan trọng.

Về lý luận, định tội danh là việc xác định về mặt pháp lý sự phù hợp giữa các dấu hiệu cụ thể của hành vi nguy hiểm cho xã hội đã thực hiện trong thực tế với các yếu tố cấu thành tội phạm cụ thể tương ứng được quy định trong BLHS. Nói cách khác, định tội danh là việc xác định một hành vi cụ thể đã thực hiện có thỏa mãn đầy đủ các dấu hiệu của một tội phạm cụ thể nào đó trong các tội phạm được quy định ở BLHS hay không.

Định tội danh là sự kết hợp giữa hoạt động thực tiễn và hoạt động tư duy của chủ thể tiến hành định tội danh. Để định tội danh đúng, chủ thể của hoạt động định tội danh vừa phải xác định chính xác, khách quan, toàn diện các tình tiết của vụ án vừa phải có nhận thức đầy đủ, chính xác, khoa học các quy định của BLHS về tội phạm. Đồng thời, định tội danh cũng là một hình thức hoạt động thể hiện sự đánh giá về mặt pháp lý đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội đang được kiểm tra, xác định trong mối tương quan với các quy phạm pháp luật hình sự. Để định tội danh cho một tội phạm cụ thể, chủ thể của hoạt động định tội danh phải căn cứ vào cấu thành tội phạm được quy định trong BLHS. Nếu tình tiết của một hành vi phạm tội thỏa mãn các dấu hiệu của một cấu thành tội phạm cụ thể được quy định trong BLHS, thì hành vi đó được xác định theo tội danh của cấu thành tội phạm đó. Bên cạnh đó, định tội danh là một hoạt động áp dụng pháp luật, là một trong những biện pháp đưa pháp luật hình sự vào cuộc sống. Ở dạng hoạt động này, định tội danh chiếm vị trí đặc biệt quan trọng vì đó là cơ sở, tiền đề cho các hoạt động áp dụng các quy phạm pháp luật hình sự, tố tụng hình sự vào thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử.

Định tội danh đúng có ý nghĩa quyết định trong việc giải quyết vụ án hình sự. Bởi vì nó là cơ sở đầu tiên của truy cứu trách nhiệm hình sự đối với một người đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội bị BLHS coi là tội phạm. Trên cơ sở xác định người đã thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội có phạm tội hay không ? Nếu phạm tội thì phạm tội gì ? Tội phạm đó được quy định tại điều khoản nào của BLHS – Tòa án sẽ quyết định loại và mức hình phạt tương xứng với tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội đó. Chính vì thế, định tội danh có ý nghĩa to lớn về mặt chính trị – xã hội. Định tội danh đúng được xem là tiền đề, điều kiện cho việc quyết định hình phạt đúng, công bằng, góp phần mang lại hiệu quả đấu tranh phòng, chống tội phạm. Ngược lại, định tội danh không chính xác sẽ dẫn đến việc kết án sai, bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội, quyết định hình phạt không đúng, không công bằng, giảm uy tín của các cơ quan tư pháp, ảnh hưởng đến hoạt động đấu tranh phòng, chống tội phạm. Có thể nói, định tội danh là một hoạt động đóng vai trò quan trọng trong mục đích của hoạt động tư pháp hình sự, là phát hiện chính xác, nhanh chóng, xử lý nghiêm minh, kịp thời mọi hành vi phạm tội, không để lọt tội phạm và không làm oan người vô tội.

Định tội danh bao gồm nhiều vấn đề, trong đó định tội danh trong trường hợp đồng phạm có vai trò quan trọng trong thực tiễn xét xử và đang có nhiều vướng mắc. Khi định tội danh trong trường hợp này, ngoài việc áp dụng các nguyên tắc chung của lý luận định tội danh đối với hành vi phạm tội thông thường, chủ thể định tội danh còn phải áp dụng một số nguyên tắc mang tính đặc thù. Thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử trong thời gian qua cho thấy trong quá trình giải quyết vụ án hình sự, có nhiều trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng đã định tội danh không chính xác, nhất là khi định tội danh trong trường hợp đồng phạm. Điều này xuất phát từ việc các quy phạm pháp luật hình sự được ghi nhận trong luật thực định thường là dưới dạng trừu tượng mà biểu hiện của tội phạm diễn ra trong thực tiễn vô cùng đa dạng. Trong khi đó, vấn đề định tội danh là một hoạt động quan trọng có ý nghĩa quyết định trong quá trình áp dụng pháp luật hình sự nói chung và quyết định hình phạt nói riêng.

Nghiên cứu thực tiễn xét xử tại tỉnh Quảng Nam trong những năm qua cho thấy số vụ án bị sửa, bị hủy do định tội danh sai vẫn còn và trong đó có việc định tội danh đối với các tội phạm được thực hiện bằng hình thức đồng phạm. Việc định tội danh không chính xác có cả ở cấp sơ thẩm, phúc thẩm. Thực trạng này không hẳn do một số thành viên của Hội đồng xét xử chưa nêu cao tinh thần trách nhiệm trong công tác xét xử, chưa tích cực học tập để nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ mà một phần là do hoạt động định tội danh quá phức tạp. Điều này có thể được chứng minh qua thực tế có trường hợp Tòa án cấp sơ thẩm xét xử đúng nhưng Tòa án cấp phúc thẩm hủy án sơ thẩm nhưng cấp giám đốc thẩm lại hủy án của Tòa án cấp phúc thẩm, giữ nguyên bản án của Tòa án cấp sơ thẩm…

Khi định tội danh trong trường hợp đồng phạm, ngoài việc xác định đúng tội danh, giữa các cơ quan tiến hành tố tụng, giữa Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm không phải lúc nào cũng hoàn toàn chính xác, thống nhất với nhau trong quá trình định tội danh. Nhiều vướng mắc trong việc áp dụng pháp luật hình sự chưa được nhận thức thống nhất dẫn đến việc định tội danh và áp dụng pháp luật còn có nhiều bất cập, cần phải có hướng dẫn và những giải pháp hoàn thiện thỏa đáng.

Do vậy, việc nghiên cứu các vấn đề lý luận và thực tiễn của hoạt động định tội danh trong trường hợp đồng phạm có ý nghĩa quan trọng trong hoạt động áp dụng và xây dựng pháp luật. Một mặt, góp phần làm phong phú và hoàn thiện lý luận về định tội danh, mặt khác góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động áp dụng pháp luật hình sự trong thực tiễn điều tra, truy tố, xét xử, hoàn thiện các quy định của pháp luật hình sự về tội phạm cũng như hướng dẫn áp dụng pháp luật trong quá trình giải quyết vụ án hình sự. Mặc dù đề tài định tội danh trong trường hợp đồng phạm đã được nhiều tác giả quan tâm nghiên cứu nhưng chưa có công trình nào nghiên cứu một cách cơ bản, hệ thống về đề tài này gắn với thực tiễn tỉnh Quảng Nam. Chính vì thế tác giả đã chọn đề tài: “Định tội danh trong trường hợp đồng phạm theo pháp luật hình sự Việt Nam từ thực tiễn tỉnh Quảng Nam” làm đề tài Luận văn Thạc sĩ luật học.

2. Tình hình nghiên cứu

3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

Mục đích nghiên cứu: Trên cơ sở nghiên cứu những vấn đề lý luận về định tội danh trong trường hợp đồng phạm, thực tiễn định tội danh trong trường hợp đồng phạm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam từ năm 2010 đến năm 2014, luận văn đề xuất hoàn thiện pháp luật và một số giải pháp khác tăng cường định tội danh chính xác trong trường hợp đồng phạm ở nước ta hiện nay.

Để thực hiện mục đích nghiên cứu trên, tác giả đặt ra và giải quyết các nhiệm vụ cụ thể sau:

– Làm sáng tỏ khái niệm, đặc điểm, vai trò, ý nghĩa, cơ sở pháp lý của định tội danh trong trường hợp đồng phạm.

– Phân tích những vụ án cụ thể trong thực tiễn xét xử tại tỉnh Quảng Nam từ năm 2010 đến năm 2014 liên quan đến định tội danh trong trường hợp đồng phạm để tìm ra những ưu điểm, hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn xét xử cần phải hoàn thiện.

– Rút ra những vấn đề cần lưu ý trong quá trình định tội danh trong trường hợp đồng phạm và đưa ra những kiến nghị hoàn thiện pháp luật và các giải pháp khác nhằm tăng cường định tội danh chính xác trong trường hợp đồng phạm.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

Về đối tượng nghiên cứu: Luận văn lấy các quan điểm khoa học của khoa học luật hình sự và của lý luận định tội danh, các quy phạm pháp luật hình sự Việt Nam, thực tiễn định tội danh trong trường hợp đồng phạm trên địa bàn tỉnh Quảng Nam từ năm 2010 đến năm 2014 để nghiên cứu các vấn đề thuộc nội dung nghiên cứu của đề tài.

Về phạm vi nghiên cứu: Luận văn nghiên cứu định tội danh qua phân tích các vụ án hình sự cụ thể và đường lối giải quyết của Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Quảng Nam thể hiện qua các bản án sơ thẩm, phúc thẩm đã xét xử từ năm 2010 đến năm 2014.

5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu

Tác giả luận văn lấy phép duy vật biện chứng và phép duy vật lịch sử của Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước về bảo vệ quyền con người, về tội phạm, về hình phạt, về phòng chống tội phạm… làm phương pháp luận nghiên cứu. Để hoàn thành đề tài, tác giả còn sử dụng một trong tổng thể các phương pháp nghiên cứu: phương pháp phân tích, tổng hợp, so sánh, thống kê, nghiên cứu án điển hình,.v.v… 6. Ý nghĩa về mặt khoa học và thực tiễn

Đây là một đề tài nghiên cứu một cách có hệ thống tương đối toàn diện với tính chất là một chuyên đề lý luận định tội danh trong trường hợp đồng phạm thông qua thực tiễn xét xử ở cấp độ Luận văn Thạc sĩ luật học. Luận văn có thể được sử dụng làm tài liệu tham khảo trong việc nghiên cứu, giảng dạy, hoàn thiện lý luận về định tội danh, cũng như hoạt động thực tiễn về định tội danh trong trường hợp đồng phạm cho các cán bộ nghiên cứu, giảng dạy và làm công tác thực tiễn trong lĩnh vực tư pháp hình sự khi áp dụng các quy định của BLHS năm 1999 về định tội danh trong trường hợp đồng phạm.

7. Cơ cấu của Luận văn

Ngoài mở đầu, kết luận và danh mục tài liệu tham khảo, luận văn gồm 3 chương như sau:

Chương 1: Những vấn đề lý luận về định tội danh trong trường hợp đồng phạm.

Chương 2: Thực tiễn định tội danh trong trường hợp đồng phạm tại tỉnh Quảng Nam từ năm 2010 đến năm 2014.

Chương 3: Các giải pháp tăng cường định tội danh chính xác trong trường hợp đồng phạm.

Chương 1

NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ ĐỊNH TỘI DANH

TRONG TRƯỜNG HỢP ĐỒNG PHẠM

1.1. Khái niệm, đặc điểm, vai trò và ý nghĩa của định tội danh trong trường hợp đồng phạm

Định tội danh, theo GS.TS. Võ Khánh Vinh là “việc xác định và ghi nhận về mặt pháp lý sự phù hợp chính xác giữa các dấu hiệu của hành vi phạm tội cụ thể đã được thực hiện với các dấu hiệu của cấu thành tội phạm đã được quy định trong quy phạm pháp luật hình sự” [38, tr.9-10].

Theo cách hiểu đó thì định tội danh trong trường hợp đồng phạm là việc xác định sự phù hợp chính xác của những hành vi nguy hiểm cho xã hội do những người đồng phạm đã thực hiện với các quy định trong Bộ luật hình sự, những người đồng phạm này phải có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và đã cùng thực hiện hành vi một cách cố ý, xâm phạm đến khách thể được luật hình sự bảo vệ.

Định tội danh trong trường hợp đồng phạm là một quá trình lôgic nhất định, là hoạt động xác nhận và ghi nhận sự phù hợp của trường hợp phạm tội cụ thể đang xem xét với các dấu hiệu của một cấu thành tội phạm được quy định trong quy phạm pháp luật hình sự thuộc Phần các tội phạm của Bộ luật hình sự.

Định tội danh trong trường hợp đồng phạm là việc đánh giá nhất định về mặt pháp lý đối với một hành vi nguy hiểm cho xã hội. Hơn nữa, đây là hoạt động do cán bộ làm công tác pháp luật tiến hành, họ là những người được trang bị những kiến thức nhất định về thế giới quan, có kiến thức chuyên môn và kinh nghiệm.

Điều có ý nghĩa quan trọng của quá trình định tội danh trong trường hợp đồng phạm là phải tìm được những dấu hiệu cơ bản, điển hình và quan trọng nhất, phải chỉ ra những dấu hiệu cần và đủ để xác định thực chất của hành vi xảy ra trong thực tế, đồng thời, khi đối chiếu các dấu hiệu đó với các dấu hiệu được quy định trong một quy phạm pháp luật hình sự phải đưa được kết luận quy phạm pháp luật được ban hành là để áp dụng cho những trường hợp phạm tội cụ thể đang được xem xét.

Điều khác biệt giữa định tội danh trong trường hợp đồng phạm với các trường hợp khác là ở hoạt động định tội danh này, ngoài việc xác định hành vi thực tế của người thực hành (người đồng thực hành), những người tiến hành định tội danh phải xác định hành vi thực tế của những loại người đồng phạm khác (nếu có) như người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức trên cơ sở đặc điểm riêng có của các loại hành vi này được quy định một cách khái quát nhất tại Điều 20 Bộ luật hình sự. Điểm khác biệt này nếu không được làm rõ sẽ phiến diện trong việc xác định vai trò của người đồng phạm, từ đó có thể dẫn đến bỏ lọt người phạm tội hoặc làm oan người vô tội.

Định tội danh trong trường hợp đồng phạm là một giai đoạn cơ bản của việc áp dụng các quy định của pháp luật hình sự. Định tội danh đúng có ý nghĩa rất lớn về chính trị, đạo đức và pháp luật. Việc tuân thủ nghiêm chỉnh các quy định của BLHS khi định tội danh là điều kiện cần thiết và quan trọng của việc thực hiện chính sách hình sự của Nhà nước nhằm đấu tranh, phòng ngừa tội phạm. Định tội danh đúng là một biểu hiện của việc thực hiện đúng biện pháp chính trị, thực thi đúng ý chí của nhân dân thông qua pháp luật.

Định tội danh trong trường hợp đồng phạm là sự thể hiện việc đánh giá về mặt chính trị, xã hội, pháp lý đối với những hành vi nhất định. Hậu quả của việc định tội danh là rất đa dạng nhưng hậu quả cơ bản nhất là việc áp dụng hình phạt hoặc những biện pháp tác động pháp lý hình sự khác do pháp luật quy định đối với người phạm tội.

Chỉ khi nào hoàn thành việc định tội danh trong trường hợp đồng phạm, Tòa án mới có thể đặt ra và giải quyết vấn đề áp dụng hình phạt hay biện pháp khác đối với người phạm tội đồng phạm. Định tội danh đúng sẽ loại trừ được việc áp dụng hình phạt và kết án vô căn cứ những người không thực hiện tội phạm, là tiền đề quan trọng của việc quyết định hình phạt công bằng.

Ngoài ra, định tội danh chính xác trong trường hợp đồng phạm là tiền đề cho việc cá thể hóa TNHS và cá thể hóa hình phạt một cách công minh, có căn cứ và đúng pháp luật, đồng thời để áp dụng đúng các quy định của BLHS về các tình tiết loại trừ tính chất tội phạm của hành vi, hình phạt, tội phạm.

1.2. Cơ sở pháp lý của định tội danh trong trường hợp đồng phạm

Là một hình thức đặc biệt của tội phạm, đồng phạm có nghĩa là đã xảy ra một tội phạm trong đó có hai người trở lên tham gia, cùng cố ý thực hiện tội phạm. Khi xác định đồng phạm, cần phải phân biệt các dấu hiệu của đồng phạm đó là các dấu hiệu về lượng và dấu hiệu về chất.

Dấu hiệu về lượng trong đồng phạm thể hiện ở chỗ: Đồng phạm là việc thực hiện tội phạm có sự tham gia từ hai người trở lên. Số lượng người tham gia thực hiện tội phạm nhiều hay ít không có ý nghĩa trong việc định tội danh đối với tội phạm đã thực hiện, nhưng số lượng từ hai người trở lên phải là người có năng lực TNHS và đạt độ tuổi chịu TNHS theo quy định của BLHS. Đối với CTTP mà BLHS quy định chủ thể đặc biệt thì người thực hành là người phải có đầy đủ yêu cầu của chủ thể đặc biệt.

Dấu hiệu về chất trong đồng phạm thể hiện ở chỗ: Về mặt chủ quan, đồng phạm đòi hỏi những người cùng thực hiện một tội phạm đều có lỗi cố ý. Cùng cố ý nghĩa là mỗi người đều cố ý với hành vi tham gia thực hiện tội phạm của mình, đều biết và mong muốn những người đồng phạm cùng hành động với mình. Đối với các tội phạm mà BLHS quy định mục đích của tội phạm là dấu hiệu bắt buộc của CTTP thì những người đồng phạm về tội đó phải có cùng mục đích. Được coi là cùng mục đích phạm tội khi những người tham gia cùng có mục đích được phản ánh trong CTTP cụ thể hoặc biết rõ và tiếp nhận mục đích đó. Đối với các tội phạm mà pháp luật hình sự quy định động cơ phạm tội là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm, thì những người đồng phạm về tội đó phải có cùng động cơ phạm tội.

Khi định tội danh đối với trường hợp thực hiện tội phạm bằng đồng phạm, hình thức đồng phạm có ý nghĩa rất quan trọng. Việc xác định đúng hình thức đồng phạm trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự giúp cho việc định tội danh đúng hành vi thực hiện tội phạm bằng hình thức đồng phạm. Hình thức đồng phạm là mức độ của sự phối hợp chặt chẽ, là phương thức tác động lẫn nhau của những người đồng phạm.

Pháp luật hình sự nước ta coi đồng phạm là một hình thức đặc biệt của việc thực hiện tội phạm, đồng thời quy định nghĩa vụ cân nhắc tình tiết đó trong việc cá thể hóa trách nhiệm hình sự và hình phạt đối với từng người đồng phạm.

Vấn đề trách nhiệm hình sự đối với đồng phạm quy tụ về, thứ nhất, cần xác định tính chất của hành vi nguy hiểm cho xã hội đã được thực hiện, tức là nó có phải tội phạm hay không và là tội phạm thì tội gì. Thứ hai, việc cùng thực hiện tội phạm đó có phải là đồng phạm hay không. Thứ ba, ở mức độ nào và ở khối lượng nào cần quy trách nhiệm đối với từng người đồng phạm.

Theo pháp luật hình sự nước ta những người đồng phạm được truy cứu trách nhiệm không phải một cách chung chung về đồng phạm trong tội phạm, mà là về đồng phạm trong một tội phạm cụ thể do người thực hành (những người thực hành) đã thực hiện.

Định tội danh trong trường hợp đồng phạm theo pháp luật hình sự Việt Nam từ thực tiễn tỉnh Quảng Nam
Định tội danh trong trường hợp đồng phạm theo pháp luật hình sự Việt Nam từ thực tiễn tỉnh Quảng Nam

Chương 2

THỰC TIỄN ĐỊNH TỘI DANH TRONG TRƯỜNG HỢP ĐỒNG PHẠM TẠI TỈNH QUẢNG NAM

TỪ NĂM 2010 ĐẾN NĂM 2014

2.1. Khái quát về các tội phạm được thực hiện bằng đồng phạm đã xét xử sơ thẩm tại hệ thống Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Quảng Nam

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về kinh tế – xã hội, quá trình giao thoa văn hóa giữa các vùng miền, đặc biệt là hội nhập kinh tế quốc tế thì tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Nam diễn biến vô cùng phức tạp. Các loại tội phạm, đặc biệt là tội phạm được thực hiện bằng đồng phạm, như: tội phạm về ma túy, tội phạm xâm phạm sở hữu, tội phạm về xâm phạm tính mạng, sức khỏe của công dân xảy ra nhiều, với tính chất ngày càng nguy hiểm, hậu quả do tội phạm gây ra cho xã hội rất nghiêm trọng, làm cho quần chúng nhân dân bức xúc, lo lắng.

Từ năm 2010 đến năm 2014, Tòa án nhân dân tỉnh Quảng Nam và các Tòa án nhân dân huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh đã xét xử sơ thẩm 4.669 vụ án với 7.905 bị cáo phạm tội nói chung, trong đó số vụ án được thực hiện bằng đồng phạm là 1.382 vụ án với 4.537 bị cáo. Bảng số liệu cho thấy số vụ án được thực hiện bằng đồng phạm có chiều hướng tăng qua từng năm.

Các vụ án đồng phạm có số bị cáo nhiều nên tỷ lệ về số vụ đồng phạm chỉ chiếm 29,5% so với tổng số vụ án phạm tội nói chung, trong khi đó số bị cáo phạm tội được thực hiện bằng hình thức đồng phạm chiếm tới 57,3% trên tổng số bị cáo nói chung.

Về các nhóm tội như sau: Nhóm các tội xâm phạm tính mạng, sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người là 495 vụ và 1.621 bị cáo. Nhóm các tội xâm phạm sở hữu là 564 vụ và 1.933 bị cáo. Nhóm các tội phạm về ma túy là 159 vụ và 451 bị cáo. Nhóm các tội xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng là 106 vụ và 355 bị cáo. Nhóm các tội về chức vụ là 02 vụ và 09 bị cáo. Qua đó cho thấy nhóm tội được thực hiện bằng đồng phạm chủ yếu là ở nhóm xâm phạm sở hữu, chiếm tỷ lệ 40,85%; sau đó là nhóm tội xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con người chiếm tỷ lệ 35,76%; nhóm các tội phạm về ma túy chiếm tỷ lệ 11,57%; nhóm tội phạm về an toàn công cộng, trật tự công cộng chiếm tỷ lệ 7,69%; còn lại là các nhóm tội khác.

Về hình thức của đồng phạm: Trong 1.382 vụ án có đồng phạm nêu trên thì đa số các vụ án được thực hiện bằng hình thức đồng phạm giản đơn 985 vụ (chiếm tỷ lệ 71,27%). Khoảng 843 vụ không có thông mưu trước chiếm tỷ lệ 60,9%. Số vụ án đồng phạm không có thông mưu trước chủ yếu trong các loại tội giết người, cố ý gây thương tích, cướp tài sản …Phạm tội có tổ chức 85 vụ (chiếm tỷ lệ 6,15%).

Về động cơ, mục đích thực hiện tội phạm: Qua phân tích các vụ án được thực hiện bằng đồng phạm do động cơ vụ lợi 743 vụ (chiếm tỷ lệ 53,76%); động cơ tư thù cá nhân, mâu thuẫn trong sinh hoạt 478 vụ (chiếm tỷ lệ 34,58%).

Trong các loại tội phạm đã xét xử tại tỉnh Quảng Nam, thì loại tội mua bán trái phép chất ma túy là loại tội có tính đồng phạm cao nhất (chiếm tỷ lệ khoảng 70%), song thực tế có thể còn nhiều hơn vì có rất nhiều vụ chỉ bắt được một người phạm tội có thể là vận chuyển, có thể là mua bán, có thể là tàng trữ, song qua thủ đoạn phạm tội có đủ cơ sở để khẳng định họ không thể phạm tội một mình và họ có thể biết được mục đích mua bán trái phép chất ma túy song rất khó điều tra chứng minh. Ở loại tội giết người, đồng phạm có tính nguy hiểm nhất, tuy chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong tổng số các vụ án hình sự đã xét xử sơ thẩm nói chung, nhưng đã gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, dư luận xã hội bức xúc đòi hỏi phải xử lý nghiêm khắc.

Về số người bình quân trong một vụ án đồng phạm cũng tăng giảm không đều theo các năm nhưng bình quân chung các năm có gia tăng: năm 2010 là 4 người/1 vụ; năm 2011 là 3,17 người/1vụ; năm 2012 là 3,93 người/1 vụ, năm 2013 là 6,69 người/1 vụ và năm 2014 là 4,56 người/1 vụ. Bình quân chung cho các năm từ 2010 đến 2014 là 4,47 người/1 vụ.

2.2. Thực tiễn định tội danh trong trường hợp đồng phạm tại tỉnh Quảng Nam từ năm 2010 đến năm 2014

Qua thực tiễn xét xử, về cơ bản Tòa án nhân dân hai cấp tỉnh Quảng Nam đã tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về định tội danh. Tuy nhiên, cũng có nhiều Hội đồng xét xử sai lầm trong định tội danh đối với hành vi phạm tội được thực hiện bằng đồng phạm, dẫn đến trường hợp không có đồng phạm thì định tội danh có đồng phạm và ngược lại trường hợp có đồng phạm thì định tội danh không có đồng phạm, bỏ sót người phạm tội; giữa những người đồng phạm không có sự câu kết chặt chẽ nhưng định là phạm tội có tổ chức; hoặc xác định sai loại người đồng phạm; hoặc sai hình thức đồng phạm.v.v…

Việc định tội danh và xem xét TNHS của những người đồng phạm trong vụ án có nhiều người tham gia, về chủ quan cần xác định được sự cùng cố ý phạm tội của họ, bởi không có sự cùng cố ý thì không có đồng phạm. Thực tiễn định tội danh cho thấy chủ thể định tội danh đã không chú ý đến yêu cầu này.

Xác định sai hình thức đồng phạm là một trong những dạng định tội danh trong trường hợp đồng phạm không chính xác. Người định tội danh đã không nắm vững tính chất của các hình thức đồng phạm, do vậy đã có sự nhầm lẫn trong định tội danh theo hình thức đồng phạm không đúng như tính chất vốn có của hình thức đồng phạm mà các bị cáo đã thực hiện.

Có chủ thể định tội danh chưa nắm vững các yếu tố khách quan và các yếu tố chủ quan của đồng phạm, nhất là độ tuổi của các bị cáo cùng cố ý tham gia thực hiện một tội phạm, dẫn đến định tội danh không đúng, tức là từ không đồng phạm, thành đồng phạm.

Một trong những biểu hiện của việc không nắm vững các yếu tố chủ quan của đồng phạm là xác định không chính xác có sự bàn bạc hay không có sự bàn bạc của các bị cáo trước khi cùng thực hiện tội phạm, dẫn đến định tội danh không chính xác đối với trường hợp phạm tội cụ thể.

Thực tiễn xét xử cho thấy có trường hợp các bị cáo đã có sự cùng cố ý thực hiện hành vi phạm tội trên thực tế nhưng khi xem xét TNHS lại bị xét xử về khoản khác nhau trong cùng điều luật, hoặc có thể xử về các tội danh khác nhau do có người đồng phạm khác thực hiện hành vi “thái quá”.

Về mặt chủ quan, đồng phạm đòi hỏi những người cùng thực hiện một tội phạm đều có lỗi cố ý. Cùng cố ý nghĩa là mỗi người đồng phạm đều cố ý với hành vi tham gia thực hiện tội phạm của mình, đều biết và mong muốn những người đồng phạm cùng hành động với mình, nhận thức được hành vi của mình và cùng tham gia của những người khác nên hành vi của những người cùng trực tiếp thực hiện tội phạm diễn ra trong sự nỗ lực và liên kết với nhau nhằm đạt đến một kết quả chung. Mối liên hệ đó có thể xác định được bằng lời nói, văn bản, hành vi đồng ý ngầm nào đó.

Thực tiễn xét xử có trường hợp những người cùng bàn bạc, thống nhất ý chí thực hiện hành vi phạm tội nhưng hành vi mà họ đã thực hiện không cấu thành một tội phạm cụ thể nào, tuy nhiên đã có người thực hiện hành vi khác ngoài sự bàn bạc chung thì chỉ người thực hiện hành vi đó phải chịu TNHS về hành vi thực tế đã đủ yếu tố cấu thành một tội phạm cụ thể.

Trong vụ án có đồng phạm, việc cùng thực hiện tội phạm có nghĩa là người đồng phạm phải tham gia vào việc thực hiện tội phạm với một trong bốn loại hành vi: Đó là hành vi của người thực hành, người tổ chức, người giúp sức, người xúi giục. Thực tiễn xét xử có trường hợp do không xác định chính xác về các dạng người trong đồng phạm nên có trường hợp đã bỏ lọt tội phạm.

Trường hợp một người khi thấy người khác phạm tội, nhưng không cùng mục đích phạm tội với người đó, nhưng sau đó lại cùng người phạm tội sử dụng tài sản chiếm đoạt thì không phải là đồng phạm vì giữa người này và người đã thực hiện hành vi phạm tội không có sự cùng cố ý, nhưng người đó có thể phải chịu TNHS về tội “Không tố giác tội phạm”.

Đồng phạm có thể xuất hiện khi tội phạm hoàn thành nhưng chưa kết thúc. Tuy vậy, thực tiễn xét xử tại tỉnh Quảng Nam vẫn có Hội đồng xét xử nhầm lẫn khi cho rằng ngay sau thời điểm tội phạm hoàn thành thì không thể phát sinh đồng phạm khác.

Theo quy định tại Điều 19 BLHS, người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn TNHS về tội định phạm. Trong vụ án có đồng phạm, có người mà hành vi thực tế đã thực hiện không đủ yếu tố cấu thành tội định phạm thì người đó có thể bị truy cứu TNHS về tội “Không tố giác tội phạm” nếu tội mà những đồng phạm khác thực hiện được quy định người không tố giác phải chịu TNHS, hoặc bị truy cứu TNHS về tội khác.

Đồng phạm là hình thức đặc biệt của tội phạm, vì vậy trong quá trình định tội danh cũng như quyết định hình phạt đòi hỏi người định tội danh ngoài việc tuân thủ các quy định chung của BLHS đối với hành vi đã xảy ra còn phải viện dẫn Điều 20 BLHS khi định tội danh. Tuy nhiên, thực tiễn xét xử cho thấy yêu cầu này không phải lúc nào cũng được các HĐXX áp dụng.

Ngoài ra, thực tiễn xét xử tại tỉnh Quảng Nam vẫn còn để xảy ra một số sai sót trong nhận thức và áp dụng tình tiết phạm tội có tổ chức.

Những sai lầm, thiếu sót trên, vốn xuất phát từ nhiều nguyên nhân mà trong số đó có thể kể đến: Thứ nhất, hệ thống pháp luật (BLHS và các văn bản hướng dẫn) chưa hoàn chỉnh; Thứ hai, trình độ, năng lực, trách nhiệm của một số Thẩm phán, Hội thẩm còn hạn chế; Thứ ba, giữa hoạt động lập pháp, hướng dẫn áp dụng pháp luật hình sự và thực tiễn xét xử còn có khoảng cách nhất định; Thứ tư, chưa có sự nhận thức thống nhất giữa các HĐXX, các cấp xét xử trong việc áp dụng thống nhất các quy định của pháp luật hình sự trong quá trình định tội danh trong trường hợp đồng phạm; Thứ năm, có không ít Thẩm phán chưa thể hiện được bản lĩnh nghề nghiệp, chưa mạnh dạn bảo vệ chính kiến của mình trong khi quan điểm của mình có cơ sở pháp lý; không loại trừ có Thẩm phán có hành vi tham nhũng hoặc bị tác động dẫn đến cố ý làm sai…

Chương 3

CÁC GIẢI PHÁP TĂNG CƯỜNG ĐỊNH TỘI DANH

CHÍNH XÁC TRONG TRƯỜNG HỢP ĐỒNG PHẠM

3.1. Giải pháp hoàn thiện pháp luật về đồng phạm

Thứ nhất: Cần thiết phải bổ sung tên của Điều 20 BLHS, có thể lấy tên điều luật này là “Loại người phạm tội và đồng phạm”, hoặc quy định thành hai điều luật riêng biệt: một điều luật quy định về loại người phạm tội và một điều luật quy định về đồng phạm. Đồng thời, cần đưa ra khái niệm người đồng phạm với nội dung: “Người đồng phạm là người cố ý cùng tham gia thực hiện tội phạm với người khác”.

Thứ hai: BLHS hiện hành nên được bổ sung làm rõ khái niệm chung về người thực hành như sau: “Người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm hoặc sử dụng người không đủ các điều kiện về chủ thể của tội phạm thực hiện hành vi phạm tội”.

Thứ ba: Cần thiết phải bổ sung khái niệm tội phạm hoàn thành và tội phạm chưa hoàn thành theo hướng:

“Tội phạm được coi là hoàn thành khi trong hành vi của người phạm tội thỏa mãn các dấu hiệu của cấu thành tội phạm được quy định tại phần các tội phạm của BLHS. Trách nhiệm hình sự đối với tội phạm hoàn thành được xác định theo điều luật tương ứng tại phần các tội phạm của Bộ luật hình sự”.

“Tội phạm chưa hoàn thành là hành vi chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt. Trách nhiệm hình sự đối với tội phạm chưa hoàn thành được xác định theo điều luật tương ứng về tội phạm hoàn thành tại phần các tội phạm của Bộ luật hình sự và các quy định về chuẩn bị phạm tội và phạm tội chưa đạt”.

Thứ tư: Cần bổ sung Điều 19 BLHS theo hướng quy định về TNHS đối với người tổ chức, người xúi giục và người giúp sức khi tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội:

“…Việc tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội của người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức phải xuất hiện trước khi người thực hành bắt tay vào việc thực hiện tội phạm hoặc trong khi người thực hành đang thực hiện tội phạm và tội phạm đó chưa hoàn thành.

Người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức không phải chịu trách nhiệm hình sự nếu bằng các biện pháp họ áp dụng đã ngăn chặn được việc thực hiện tội phạm đến cùng của người thực hành. Nếu không ngăn chặn được việc thực hiện tội phạm đến cùng của người thực hành thì các biện pháp mà họ đã áp dụng có thể coi là tình tiết xem xét miễn trách nhiệm hình sự, hoặc miễn hình phạt, hoặc giảm nhẹ trách nhiệm hình sự”.

Thứ năm: Cần bổ sung quy định về hành vi vượt quá của người thực hành trong đồng phạm tại Điều 20 BLHS với nội dung như sau: “Hành vi vượt quá của người thực hành là việc người thực hành đã thực hiện một tội phạm nằm ngoài ý định của những người đồng phạm khác. Những người đồng phạm khác không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi vượt quá của người thực hành”.

Thứ sáu: Để việc áp dụng pháp luật được thống nhất, bảo đảm được nguyên tắc phân hóa TNHS trong đồng phạm, theo chúng tôi TANDTC cần bổ sung hướng dẫn: Khi quyết định hình phạt trong trường hợp đồng phạm có sự phân vai trò, ngoài việc phải áp dụng điểm, khoản, điều luật quy định về tội phạm đó cần phải áp dụng Điều 20, Điều 53 của BLHS. Yêu cầu viện dẫn trong các bản án các quy định của BLHS về tội phạm chưa hoàn thành và đồng phạm cần phải coi là yêu cầu bắt buộc khi xét xử đối với các trường hợp này.

Thứ bảy: Cần có hướng dẫn xử lý các vụ án giết người theo hướng như sau: Một là, nếu trước khi đi có người cầm theo hung khí nguy hiểm, cả nhóm cùng biết và trong lúc đánh nhau, người cầm hung khí đánh nạn nhân chết thì cần định tội tất cả về tội giết người. Hai là, nếu người thực hiện hành vi đánh nạn nhân không chết vì nguyên nhân ngoài ý muốn chủ quan của người thực hành, thì định tội danh những người đi theo về tội cố ý gây thương tích. Ba là, nếu trước khi đi có người cầm theo hung khí nguy hiểm giấu vào trong người, những người đi theo không biết và trong lúc đánh nhau, người cầm hung khí đã lén sử dụng làm nạn nhân chết, cần định tội tất cả về tội giết người.

Thứ tám: Cần quy định một khái niệm đầy đủ về phạm tội có tổ chức trong BLHS từ việc xác định phạm tội có tổ chức là hình thức đồng phạm, trong đó những người đồng phạm cùng nhau phạm tội nhiều lần theo kế hoạch đã thống nhất, hoặc có thể phạm tội một lần theo một kế hoạch chu đáo như chuẩn bị phương tiện hành động và có thể chuẩn bị kế hoạch che giấu tội phạm.

3.2. Các giải pháp khác

Năng lực chuyên môn của chủ thể định tội danh là một trong những điều kiện quan trọng hàng đầu cho việc định tội danh được chính xác. Để có được năng lực chuyên môn vững vàng, chủ thể định tội danh phải được đào tạo cơ bản, ít nhất phải có trình độ cử nhân hoặc tương đương trở lên, nhưng không dừng lại ở kiến thức đã học trong các trường đại học mà còn phải thường xuyên trau dồi chuyên môn nghiệp vụ, cập nhật văn bản, học tập, tích lũy kinh nghiệm để nâng cao trình độ của mình.

Ngoài yêu cầu về chuyên môn nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp của chủ thể định tội danh cũng là một trong những điều kiện quan trọng đảm bảo cho việc định tội danh được chính xác.

Một số giải pháp căn bản nâng cao trình độ của chủ thể định tội danh:

Một là, thường xuyên cập nhật các văn bản pháp luật, các hướng dẫn áp dụng pháp luật – nhất là khi có sự thay đổi về chính sách hình sự cho Thẩm phán, Hội thẩm. Các cơ quan chức năng cần thường xuyên tổ chức tập huấn khi có văn bản mới được ban hành.

Hai là, việc bổ nhiệm Thẩm phán cần ưu tiên những người được đào tạo cơ bản, có nhiều kinh nghiệm trong thực tiễn, có phẩm chất đạo đức tốt. Cần lựa chọn, giới thiệu để bầu làm Hội thẩm đối với những người có trình độ pháp lý, đã và đang làm các công việc liên quan đến pháp luật mới đảm bảo cho Hội thẩm phát huy được vai trò của mình khi xét xử các vụ án hình sự.

Ba là, chủ thể định tội danh cũng phải có môi trường cũng như cơ chế làm việc thuận lợi bảo đảm tính độc lập, chỉ tuân theo pháp luật, không bị chi phối bởi quan điểm cấp trên hoặc của đồng nghiệp mới có thể phát huy được năng lực chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp của mình trong việc định tội danh.

Định tội danh trong trường hợp đồng phạm theo pháp luật hình sự Việt Nam từ thực tiễn tỉnh Quảng Nam
Định tội danh trong trường hợp đồng phạm theo pháp luật hình sự Việt Nam từ thực tiễn tỉnh Quảng Nam

KẾT LUẬN

Qua việc thực hiện Luận văn, bằng việc làm sáng tỏ khái niệm, đặc điểm, vai trò, ý nghĩa và cơ sở pháp lý của định tội danh trong trường hợp đồng phạm, cho phép tác giả đi đến kết luận:

1. Định tội danh là một quá trình lôgic, là hoạt động của chủ thể định tội danh về việc xác nhận sự phù hợp giữa trường hợp phạm tội đã xảy ra trong thực tế với các dấu hiệu của một CTTP được quy định trong một QPPL thuộc các phần các tội phạm của BLHS. Quá trình này được thể hiện định tội danh xác định các dấu hiệu của hành vi nguy hiểm cho xã hội đã được thực hiện có phù hợp với các dấu hiệu được mô tả trong CTTP của một tội phạm cụ thể tương ứng được quy định trong phần các tội phạm của BLHS hay không và đưa ra sự đánh giá nhất định về mặt pháp lý hình sự đối với hành vi nguy hiểm cho xã hội đã xảy ra. Quá trình định tội danh phải trải qua ba giai đoạn cơ bản: 1. Xác định và làm sáng tỏ những dấu hiệu chung nhất, đặc trưng cơ bản của hành vi – xác định quan hệ pháp luật; 2. Tìm nhóm QPPL hình sự; 3. Tìm QPPL hình sự cụ thể. Quá trình định tội danh đối với một hành vi nguy hiểm cho xã hội tất yếu phải trải qua ba giai đoạn nói trên vì là những hoạt động cơ bản, có mối liên hệ mật thiết với nhau. Ba giai đoạn này có thể thực hiện một cách độc lập, cũng có thể thực hiện đồng thời với nhau không phân chia được trong hoạt động nhận thức của chủ thể định tội danh.

2. Định tội danh trong trường hợp đồng phạm là một dạng của hoạt động thực tiễn của các cơ quan tiến hành tố tụng. Hoạt động này được tiến hành ở tất cả các giai đoạn của tố tụng hình sự và có ý nghĩa quan trọng với hoạt động xét xử của Tòa án. Định tội danh trong trường hợp đồng phạm chính xác có ý nghĩa rất lớn về chính trị, đạo đức và pháp luật, là tiền đề quan trọng cho việc cá thể hóa TNHS, cá thể hóa hình phạt, quyết định hình phạt đúng, công bằng.

3. Khi định tội danh trong trường hợp đồng phạm cần phải căn cứ vào các CTTP được quy định trong BLHS. CTTP chính là cơ sở pháp lý duy nhất của việc định tội danh, là mô hình pháp lý có các dấu hiệu cần và đủ để truy cứu trách nhiệm hình sự. Dựa vào các dấu hiệu của CTTP để định tội danh là một phương pháp khoa học của việc áp dụng các quy định của pháp luật hình sự. Để việc định tội danh được chính xác, chủ thể định tội danh phải nắm vững được các dấu hiệu đặc trưng, cơ bản của CTTP của các tội phạm được quy định trong phần các tội phạm của BLHS.

4. Khi định tội danh trong trường hợp đồng phạm, chủ thể định tội danh ngoài việc tuân thủ các quy định của BLHS đối với hành vi phạm tội đã thực hiện, nắm vững các dấu hiệu của CTTP cụ thể, chỉ ra các điểm, khoản của điều luật tương ứng được quy định tại phần các tội phạm, còn phải nắm vững các quy định đặc thù tại các điều luật tương ứng quy định về trường hợp đồng phạm trong BLHS.

5. Để tăng cường định tội danh chính xác trong trường hợp đồng phạm, cần phải bảo đảm hai yêu cầu cơ bản: Hoàn thiện hệ thống pháp luật hình sự và nâng cao trình độ cho chủ thể định tội danh. Những điều kiện, giải pháp, kiến nghị hoàn thiện pháp luật hình sự được nêu trong Luận văn – theo chúng tôi là một trong những đảm bảo cho việc định tội danh trong trường hợp đồng phạm được chính xác, giúp cho việc nhận thức thống nhất các quy định của pháp luật trong thực tiễn áp dụng pháp luật hình sự.

LIỆN HỆ:

SĐT+ZALO: 0935568275

E:\DỮ LIỆU COP CỦA CHỊ YẾN\LUAN VAN VIEN HAN LAM\LUAT HINH SU DOT 2\LUAT HINH SU\LUAN VAN DANG QUOC LOC

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *