Chính sách phát triển du lịch – từ thực tiễn huyện đảo Lý Sơn

Chính sách phát triển du lịch từ thực tiễn huyện đảo Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi

Chính sách phát triển du lịch từ thực tiễn huyện đảo Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi

  1. Tính cấp thiết của đề tài

Trong những năm gần đây cùng với sự đổi mới của đất nước, ngành du lịch Việt Nam đã có những bước phát triển đáng ghi nhận, trở thành ngành kinh tế quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.

Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đã xác định mục tiêu: “Đến năm 2020, du lịch cả nước cơ bản trở thành ngành kinh tế mũi nhọn…; sản phẩm du lịch đạt chất lượng cao, đa dạng, có thương hiệu, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, cạnh tranh được với các nước trong khu vực và thế giới”. Để thực hiện mục tiêu chiến lược phát triển du lịch cả nước, mỗi vùng, miền; mỗi địa phương cần phải thực hiện chiến lược và mục tiêu phát triển du lịch trên địa bàn trên cơ sở phát huy giá trị tài nguyên du lịch độc đáo, đặc sắc, có thế mạnh nổi

Để hoạt động du lịch tại Quảng Ngãi ngày càng khởi sắc, thu hút được du khách du lịch trong và ngoài nước, mang lại lợi ích kinh tế, thì bên cạnh việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng, cần phải xây dựng một sản phẩm du lịch đặc trưng, tạo một điểm nhấn cho phát triển du lịch. Là một tỉnh duyên hải miền Trung, Quảng Ngãi có lợi thế về tài nguyên du lịch biển, và huyện đảo Lý Sơn là nơi để phát triển thành một điểm du lịch lý tưởng.

Trong những năm gần đây, có nhiều công trình quan tâm nghiên cứu Lý Sơn từ nhiều góc độ, tuy nhiên, cho đến nay vẫn chưa có nghiên cứu cụ thể nào về một chính sách phát triển du lịch tại huyện đảo Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi. Do vậy, học viên đã mạnh dạn xem đây như là cố gắng khoa học đầu tiên nghiên cứu về “Chính sách phát triển du lịch từ thực tiễn huyện đảo Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi” để làm đề tài luận văn cao học chuyên ngành Chính sách công cho mình

2. Tình hình nghiên cứu đề tài

3. Mục đích, nhiệm vụ nghiên cứu

3.1. Mục đích nghiên cứu

Trên cơ sở nghiên cứu cơ sở lý luận về chính sách PTDL nói chung và khảo sát, đánh giá việc thực hiện chính sách PTDL tại huyện đảo Lý Sơn, Luận văn đề xuất các giải pháp góp phần hoàn thiện chính sách PTDL tại huyện đảo Lý Sơn tỉnh tỉnh Quảng Ngãi nhằm hướng tới mục tiêu phát triển du lịch bền vững huyện đảo Lý Sơn.

3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

– Hệ thống hóa và phân tích cơ sở lý luận, lý thuyết cơ bản về chính sách PTDL ở Việt Nam; Chính sách phát triển du lịch hiện nay của tỉnh Quảng Ngãi.

– Phân tích, đánh giá tình hình thực hiện chính sách PTDL tại huyện đảo Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi: mục tiêu, giải pháp và công cụ, vai trò của các chủ thể tham gia thực hiện chính sách; các yếu tố ảnh hưởng đến việc tổ chức thực hiện chính sách PTDL tại huyện Đảo Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi.

– Đề xuất khuyến nghị các giải pháp hoàn thiện chính sách PTDL ở huyện đảo Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian tới.

  1. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu
    1. . Đối tượng nghiên cứu

Đối tượng nghiên cứu của đề tài là các vấn đề liên quan đến chính sách PTDL tại huyện đảo Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi.

    1. . Phạm vi nghiên cứu

Phạm vi không gian: huyện Đảo Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi.

Phạm vi về thời gian: từ năm 2011 đến năm 2014, định hướng đến năm 2020.

  1. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu

5.1. Cách tiếp cận nghiên cứu

Đề tài dựa trên lý luận Mác-Lênin về du lịch, vận dụng cách tiếp cận đa ngành, liên ngành xã hội học và phương pháp nghiên cứu Chính sách công. Đó là cách tiếp cận quy phạm Chính sách công về chu trình chính sách từ hoạch định đến xây dựng, thực hiện và đánh giá Chính sách công có sự tham gia của các chủ thể chính sách. Lý thuyết Chính sách công được soi sáng qua thực tiễn của Chính sách công giúp hình thành lý luận về chính sách chuyên ngành.

5.2. Câu hỏi nghiên cứu

– Những vấn đề lý luận về chính sách PTDL ở Việt Nam hiện nay là gì? Chính sách phát triển du lịch hiện nay ở tỉnh Quảng Ngãi như thế nào?

– Thực trạng thực hiện chính sách PTDL tại huyện Đảo Lý Sơn hiện nay ra sao? Những kết quả đạt được đã đáp ứng được mục tiêu chính sách đã đề ra hay chưa?

– Giải pháp nào đổi mới, hoàn thiện chính sách PTDL ở huyện đảo Lý Sơn?

5.3. Phương pháp nghiên cứu

Đề tài sử dụng tổng hợp các phương pháp so sánh; thống kê, điều tra, khảo sát thực tế; phân tích, tổng hợp xử lý thông tin nhằm minh chứng cho những luận điểm của Luận văn.

Phương pháp thu thập thông tin và phương pháp phỏng vấn sâu được sử dụng nghiên cứu chính sách.

  1. Ý nghĩa của luận văn
    1. . Ý nghĩa lý luận

– Đề tài vận dụng, bổ sung lý thuyết khoa học Chính sách công để làm rõ vấn đề khoa học và thực tiễn của một chính sách cụ thể là: chính sách PTDL.

– Đề tài cung cấp những nghiên cứu, tư liệu, khảo sát thực tế tại huyện đảo Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi, qua đó góp phần làm phong phú thêm hệ thống lý luận của khoa học Chính sách công.

6.2. Ý nghĩa thực tiễn

Qua thực tiễn nghiên cứu chính sách PTDL tại huyện Đảo Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi, chỉ ra được những khó khăn, hạn chế trong việc hoạch định và thực thi chính sách, đồng thời kết quả nghiên cứu giúp cho Lãnh đạo UBND tỉnh và UBND huyện, các bộ phận liên quan, các nhà hoạch định chính sách có cơ sở khoa học và thực tiễn để vận dụng, điều chỉnh chính sách và tổ chức thực hiện chính sách PTDL tại huyện Đảo Lý Sơn một cách hiệu quả hơn.

7. Bố cục của luận văn

Ngoài phần mở đầu, kết luận, phụ lục, danh mục các chữ viết tắt, danh mục tài liệu tham khảo; luận văn được bố cục theo 3 chương sau:

Chương 1: Một số vấn đề lý luận về Chính sách công và chính sách phát triển du lịch ở Việt Nam

Chương 2: Phát triển du lịch huyện đảo Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi – từ chính sách đến thực tiễn

Chương 3: Định hướng và những giải pháp hoàn thiện chính sách phát triển du lịch ở huyện đảo Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi

Chương 1

MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VỀ CHÍNH SÁCH CÔNG VÀ

CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN DU LỊCH Ở VIỆT NAM

1.1. Một số khái niệm

1.1.1. Khái niệm Chính sách công

Chính sách công (public policy) được tiếp cận nghiên cứu từ những góc độ khoa học khác nhau theo đó có những cách hiểu, xác định không hoàn toàn giống nhau về khái niệm và các thuộc tính của Chính sách công. Trên thực tế chính sách công ra đời từ khi có nhà nước, tuy nhiên, theo nhiều nhà nghiên cứu, ngành nghiên cứu Chính sách công ra đời từ năm 1922. Trong một nghiên cứu mang tên Public Policy Theories, Models and Concepts: An Anthology (1995), Daniel McCool cho rằng chính Charles Merriam là cha đẻ của ngành nghiên cứu Chính sách công, khi vào năm 1922, ông cố gắng kết hợp giữa lý thuyết và thực tiễn của ngành chính trị học nhằm tìm hiểu về các hoạt động thực sự của Chính phủ và ông gọi đó là Public Policy (Chính sách công).

Tại Học viện Khoa học xã hội, trong tài liệu chuyên khảo về Chính sách công đã được định nghĩa như sau: “Chính sách công là một tập hợp các quyết định chính trị có liên quan của Nhà nước nhằm lựa chọn mục tiêu và giải pháp, công cụ chính sách, nhằm giải quyết các vấn đề xã hội theo mục tiêu tổng thể đã xác định”[1]

1.1.2. Khái niệm du lịch

Trong Luật du lịch được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam thông qua khoá IX, kỳ họp thứ 7 tháng 06 năm 2005, tại Điều 4 thuật ngữ “du lịch” “hoạt động du lịch” được hiểu như sau: “Du lịch là các hoạt động có liên quan đến chuyến đi của con người ngoài nơi cư trú thường xuyên của mình nhằm đáp ứng nhu cầu tham quan, tìm hiểu, giải trí, nghỉ dưỡng trong một khoảng thời gian nhất định”. Có thể có nhiều tiêu thức khác nhau để phân loại hoạt động du lịch.

1.1.3. Vai trò của du lịch đối với phát triển kinh tế xã hội

1.1.3.1. Du lịch với kinh tế

Du lịch được đánh giá rất khác nhau giữa các nước, nhưng hầu hết các quốc gia đều nhận thức được tầm quan trọng của du lịch trong phát triển kinh tế, và theo thời gian thì những nhận thức đó ngày càng được khẳng định và nhìn nhận đầy đủ hơn. Trước hết, du lịch tham gia tích cực vào quá trình tạo nên thu nhập quốc dân, làm tăng thêm tổng sản phẩm quốc nội.

Phát triển du lịch còn là nhân tố thúc đẩy sự phát triển các ngành kinh tế khác như giao thông, xây dựng,… và hoàn thiện cơ sở hạ tầng của xã hội.

1.1.3.2. Du lịch với chính trị – xã hội

Du lịch là cầu nối hòa bình giữa các dân tộc trên thế giới, thông qua du lịch quốc tế con người thể hiện nguyện vọng nóng bỏng của mình là được sống, lao động trong hoà bình và hữu nghị. Hoạt động du lịch giúp cho du khách hiểu biết hơn về đất nước, con người, lịch sử,… của đất nước mình đến thăm. Trên cơ sở đó giúp cho các dân tộc xích lại gần nhau hơn, tăng cường tình đoàn kết giữa các dân tộc vì hòa bình và sự phồn thịnh của nhân loại.

Đối với xã hội, du lịch trước hết có vai trò giữ gìn, phục hồi sức khoẻ và khả năng lao động cho người dân. Khi đi du lịch mọi người có điều kiện gặp gỡ, gần gũi nhau hơn và qua đó mọi người hiểu nhau hơn, tăng cường tình đoàn kết cộng đồng. Du lịch còn là phương tiện quảng cáo hữu hiệu cho các thành tựu kinh tế, chính trị, văn hoá, xã hội,…

1.1.3.3. Du lịch với văn hoá

Mỗi dân tộc đều có những điều kiện sinh sống, những đặc điểm văn hoá, phong tục tập quán, hoạt động sản xuất mang những sắc thái riêng của mình và có địa bàn cư trú nhất định. Du lịch là một hình thức quan trọng để các dân tộc giao lưu văn hóa với nhau.

1.1.3.4. Du lịch với môi trường

Du lịch tạo điều kiện cho con người hiểu biết sâu sắc về tự nhiên, thấy được giá trị của thiên nhiên đối với đời sống. Điều đó có nghĩa là bằng thực tiễn phong phú, du lịch sẽ góp phần rất tích cực vào sự nghiệp giáo dục môi trường. Với nhiều quốc gia, sự phát triển du lịch là cơ hội tốt để cải thiện tiêu chuẩn sống của dân cư thông qua việc cải thiện hệ thống cung cấp nước, nguồn năng lượng, những điều kiện vệ sinh không phù hợp, những hiểm họa bệnh tật,…

1.2. Chính sách phát triển du lịch ở Việt Nam

Chính sách phát triển du lịch là một bộ phận nằm trong hệ thống chính sách của Việt Nam. Chính vì vậy chính sách phát triển du lịch mang những đặc điểm chung của Chính sách công và được định nghĩa “Chính sách phát triển du lịch là một tập hợp các quyết định chính trị có liên quan của Nhà nước nhằm lựa chọn mục tiêu và giải pháp, công cụ chính sách, nhằm giải quyết các vấn đề của phát triển du lịch theo mục tiêu tổng thể đã xác định”.

1.2.1. Chủ thể chính sách

Qua quá trình hoạch định, ban hành và tổ chức thực hiện chính sách phát triển du lịch ở Việt Nam cho thấy chủ thể tham gia vào chính sách này gồm có: Cấp Trung ương, cấp tỉnh, thành phố, cấp huyện, cấp xã, hiệp hội du lịch và DN du lịch và các tổ chức đơn vị liên quan.

Các chủ thể này thực hiện chức năng quản lý thông qua việc xây dựng, ban hành, thực hiện chính sách phát triển du lịch.

1.2.2. Thể chế chính sách phát triển du lịch ở Việt Nam

Để chính sách được hình thành và phát triển, nó phải hội đủ bao gồm các yếu tố sau: thể chế chính trị, hệ thống pháp luật, thể chế hành chính.

1.2.3. Các nhân tố tác động đến chính sách phát triển du lịch

Du lịch là một ngành kinh tế tổng hợp, quá trình phục vụ nhu cầu của khách du lịch có sự tham gia của nhiều ngành khác nhau, do vậy sự hình thành và phát triển du lịch chịu sự tác động, chi phối của nhiều nhân tố, khách quan lẫn chủ quan, trực tiếp hay gián tiếp.

1.2.3.1. Tài nguyên du lịch

Tài nguyên du lịch là tổng thể tự nhiên và văn hoá lịch sử cùng các thành phần của chúng góp phần khôi phục và phát triển thể lực và trí lực của con người, khả năng lao động và sức khoẻ của họ, những tài nguyên này được sử dụng cho nhu cầu trực tiếp và gián tiếp, cho việc sản xuất dịch vụ du lịch.

1.2.3.2. Các nhân tố kinh tế – chính trị – xã hội

Dân cư và lao động: Dân cư là lực lượng sản xuất quan trọng của xã hội, và đây cũng chính là nguồn nhân lực lao động trong du lịch và các lĩnh vực hoạt động sản xuất và dịch vụ gắn liền trực tiếp với kinh tế du lịch. Thông qua du lịch quốc tế, con người thể hiện nguyện vọng nóng bỏng của mình là được sống, lao động trong hòa bình và hữu nghị. Và đó cũng chính là lý do mà nhân loại đã chọn khẩu hiệu cho “Năm du lịch quốc tế” vào năm 1967 là “Du lịch là giấy thông hành của hòa bình”.

1.2.3.3. Nguồn nhân lực

Con người là nhân tố trung tâm và là mục đích của nền sản xuất xã hội. Con người giữ vai trò quyết định đối với sản xuất. Trong điều kiện ngày nay, cuộc cách mạng khoa học công nghệ phát triển, vị trí trung tâm của con người càng được nhấn mạnh. Các yếu tố của nguồn nhân lực có ảnh hưởng quyết định tới chất lượng sản phẩm và năng suất lao động là số lượng, chất lượng và cơ cấu nguồn nhân lực.

1.2.3.4. Các nhân tố khác

Du lịch là ngành kinh tế nhạy cảm, bất kỳ một biến cố khách quan nào đều lập tức tác động đến hoạt động du lịch. Các yếu tố bên ngoài như thiên tai, dịch bệnh, bất ổn về kinh tế – chính trị, nạn khủng bố quốc tế, suy thoái kinh tế toàn cầu… là nhân tố gây ảnh hưởng xấu đến ngành du lịch các quốc gia trong đó có cả Việt Nam.

1.3. Một số kinh nghiệm phát triển du lịch quốc tế và trong nước

Qua nghiên cứu về chính sách phát triển du lịch quốc tế và trong nước cho thấy quá trình xây dựng và thực hiện chính sách phát triển du lịch đã có nhiều điều và nhiều kinh nghiệm mà chúng ta có thể học tập, cụ thể :

1.3.1. Kinh nghiệm của Singapore

Singapore là một quốc đảo nhỏ, tài nguyên hạn chế, nhưng đã biết phát huy triệt để tiềm năng, thế mạnh về vị trí địa lý và nguồn lực con người để có những bước phát triển vượt bậc. Trong thành công đó phải nói đến sự thành công trong việc hoạch định, xây dựng và ban hành các chính sách về phát triển du lịch; Chiến lược và các kế hoạch phát triển du lịch phù hợp cho từng giai đoạn cụ thể của Chính phủ Singapore. Tập trung phát triển các sản phẩm du lịch mới như: du thuyền, du lịch chữa bệnh, du lịch giáo dục, du lịch trăng mật; phát triển các thị trường du lịch mới; tổ chức các lễ hội lớn mang tầm cỡ quốc tế; tập trung phát triển nguồn nhân lực phục vụ du lịch; trao các giải thưởng về du lịch; giáo dục, nâng cao nhận thức của người dân về du lịch…

1.3.2. Kinh nghiệm tỉnh Quảng Nam

Trong những năm qua Quảng Nam đã ban hành nhiều văn bản, chính sách, chương trình hành động để phát triển kinh tế xã hội, trong đó chú trọng nhất là phát triển du lịch. Tài nguyên du lịch được chú ý giữ gìn, tôn tạo và phát huy ngày càng có hiệu quả. Công tác quản lý nhà nước về du lịch đạt được nhiều kết quả tốt. Tốc độ tăng trưởng du lịch cao, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm cho nhân dân địa phương góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động theo hướng công nghiệp và dịch vụ. Công tác xúc tiến quảng bá du lịch với nhiều nội dung đa dạng phong phú, có tính hấp dẫn và mang lại hiệu quả cao, đạt mục tiêu đề ra.

1.3.3. Kinh nghiệm đảo Phú Quốc – tỉnh Kiên Giang

Đảo Phú Quốc hay còn gọi là Đảo Ngọc, nơi đây rất có nhiều những sản phẩm du. Đặc biệt năm 2006, khu dự trữ sinh quyển ven biển và biển đảo Kiên Giang được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới, trong đó có Phú Quốc, là niềm vinh dự tự hào của người dân nơi hòn đảo. Trong những năm gần đây tỉnh Kiên Giang được xác định là 1 trong 4 tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm vùng Đồng bằng sông Cửu Long được Chính phủ phê duyệt. Theo thống kê của UBND huyện đảo Phú Quốc, năm 2014, đảo Phú Quốc đón hơn 586.000 lượt khách du lịch đến tham quan nghỉ dưỡng; tăng 37,6% so với năm 2013. Trong đó, lượng khách quốc tế đạt gần 125.000 lượt người. Mặc dù lượng khách quốc tế đến Phú Quốc vẫn còn khá khiêm tốn so với nhiều khu vực trọng điểm du lịch của cả nước, nhưng so với năm 2013 thì lượng khách này đã tăng đến 21,5% trong năm 2014. Đặc biệt, năm 2014, doanh thu từ du lịch của Phú Quốc đạt hơn 2.200 tỷ đồng, vượt hơn 11% kế hoạch và tăng trên 84% so với năm 2013.

Tiểu kết chương 1

Du lịch là ngành kinh tế quan trọng của nhiều quốc gia trên thế giới, đóng góp một phần không nhỏ cho GDP (Gross Domestic Product) quốc gia và cải thiện đời sống cộng đồng địa phương. Du lịch là tổng hòa các mối quan hệ kinh tế xã hội, sự phát triển du lịch đòi hỏi phải đảm bảo tổng hợp được nhiều yếu tố từ tài nguyên, chính sách đến hạ tầng kỹ thuật, trong đó có phần đóng góp không nhỏ của chất lượng nguồn nhân lực. Nhìn từ góc độ quản lý nhà nước, thì chính sách du lịch là những đường hướng hành động ứng xử cơ bản của Nhà nước đối với các vấn đề phát sinh trong đời sống cộng đồng, được thể hiện bằng nhiều hình thức khác nhau nhằm thúc đẩy phát triển xã hội và quản lý phát triển xã hội.

Để hoạch định và đưa ra định hướng đúng đắn về chính sách phát triển du lịch, thì việc đánh giá đúng thực trạng và các nhân tố tác động đến chính sách có ý nghĩa quan trọng để điều chỉnh chính sách cho phù hợp với thực tế của từng địa phương. Trên cơ sở đó các nhà hoạch định, nhà quản lý vĩ mô về du lịch cũng như các nhà quản trị doanh nghiệp du lịch cần đầu tư, tìm hiểu, lý luận sâu hơn về du lịch ở nhiều khía cạnh và góc độ khoa học khác nhau nhằm đảm bảo tính hệ thống, đường lối và quan điểm cho việc hoạch định, ban hành chính sách phát triển du lịch cho phù hợp với hệ thống chính sách chung của Việt Nam.

Chính sách phát triển du lịch từ thực tiễn huyện đảo Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi
Chính sách phát triển du lịch từ thực tiễn huyện đảo Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi

Chương 2

PHÁT TRIỂN DU LỊCH HUYỆN ĐẢO LÝ SƠN

TỈNH QUẢNG NGÃI – TỪ CHÍNH SÁCH ĐẾN THỰC TIỄN

2.1. Chính sách phát triển du lịch Quảng Ngãi

Quảng Ngãi là một tỉnh trung Trung Bộ, mang đậm đặc điểm tự nhiên (núi, đồi, ghềnh thác, sông biển) và đặc điểm lịch sử văn hóa (di tích lịch sử, di tích văn hóa, ẩm thực), do đó, có tiềm năng du lịch cao. Tuy nhiên, trên thực tế, du lịch Quảng Ngãi chưa phát triển. Nhận thức được vấn đề này, tỉnh Quảng Ngãi đã ban hành một số chính sách để phát triển du lịch. Trong đó chú trọng phát triển du lịch văn hóa và sinh thái, đồng thời phát triển du lịch gắng với đảm bảo an ninh quốc phòng, tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập cho người lao động trong ngành du lịch, tiếp tục xây dựng và phát triển hạ tầng kỹ thuật ; Căn cứ chính sách phát triển du lịch tỉnh Quảng Ngãi cho thấy tỉnh đề ra những quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể :

2.1.1. Định hướng phát triển thị trường khách du lịch

Các chính sách phát triển du lịch của Quảng Ngãi đã hướng tới việc phát triển thị trường khách quốc tế truyền thống như: Đông Bắc Á (Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Đài Loan), ASEAN, Mỹ, Canada, Đức, Anh, Pháp, Úc, Nga, Ukraine; đồng thời, mở rộng thị trường mới thuộc khu vực Trung, Bắc Âu, vùng Trung Đông, các nước New Zealand, Ấn Độ…Thị trường khách nội địa được chú trọng là các nguồn khách từ các địa phương trên cả nước theo các tuyến du lịch xuyên Việt, các vùng phụ cận và trong vùng, các địa phương vùng Tây Nguyên theo hướng Đông – Tây; trong đó, đặc biệt chú trọng khách thương mại, công vụ, khách lễ hội tâm linh…

2.1.2. Định hướng phát triển sản phẩm du lịch

Việc định hướng phát triển các sản phẩm du ở Quảng Ngãi xuất phát từ quan điểm, mục tiêu là thị trường khách du lịch trong nước mà còn cả thị trường khách quốc tế. Sản phẩm du lịch này hình thành trên cơ sở các nguồn tài nguyên du lịch phong phú của tỉnh.

2.1.3. Tổ chức không gian du lịch

Quảng Ngãi nổi tiếng với nhiều thắng cảnh đẹp tự nhiên với  núi đồi và bãi biển nguyên sơ tạo nên nét đặc trưng của vùng đất xứ Quảng mà không nơi nào có được như chùa Thiên Ấn, đảo Lý Sơn, văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa Cham Pa ở cổ lũy cô thôn, chứng tích Sơn Mỹ…Việc tổ chức quy hoạch không gian phục vụ cho du lịch đã được tỉnh Quảng Ngãi định hướng như: Tuyến du lịch nội tỉnh, liên tỉnh, liên vùng.

2.2. Tổng quan về huyện đảo Lý Sơn

2.2.1. Đặc điểm tự nhiên – lịch sử và văn hóa

2.2.1.1. Đặc điểm tự nhiên

Huyện đảo Lý Sơn nằm về phía Đông Bắc tỉnh Quảng Ngãi, cách đất liền khoảng 15 hải lý (khoảng 28 km). Toàn bộ lãnh thổ của huyện nằm trong khoảng 15032’04” đến 15038’14” vĩ độ Bắc; 109005’04’’ đến 109014’12’’ kinh độ Đông, là một điểm quan trọng trên đường cơ sở phân định ranh giới quốc gia trên biển của Việt Nam.Lý Sơn là một cụm 3 đảo nằm trong vùng nội thủy của Việt Nam, bốn phía là biển.

2.2.1.2. Đặc điểm lịch sử

Đảo Lý Sơn có dân cư từ lâu đời, nhưng trở thành đơn vị hành chính cấp huyện lại chưa lâu. Thuở xưa, cư dân ở Lý Sơn còn ít ỏi nên cơ chế hành chính chủ yếu phụ thuộc vào đất liền. Vị trí quân sự được chú ý từ xưa.

Cách mạng tháng Tám 1945 thành công, đảo Lý Sơn được gọi là tổng Trần Thành với hai xã Dương Sạ (Hải Yến cũ) và Vĩnh Long. Năm 1946, tổng Trần Thành đổi thành xã Lý Sơn, một trong các xã thuộc huyện Bình Sơn, có Uỷ ban kháng chiến hành chính xã. Năm 1951, quân Pháp đánh chiếm đảo Lý Sơn và thiết lập ở đảo một khu vực hành chính, nhập vào thành phố Đà Nẵng. Từ năm 1954 đến năm 1975, Lý Sơn có hai xã Bình Vĩnh, Bình Yến thuộc quận Bình Sơn dưới thời chính quyền Sài Gòn. Sau giải phóng 1975, hai xã vẫn giữ nguyên tên cũ và thuộc huyện Bình Sơn. Ngày 01/01/1993, huyện Lý Sơn được thành lập, hai xã của huyện là Bình Vĩnh và Bình Yến đổi tên là xã Lý Vĩnh và xã Lý Hải. Đến năm 2003, các tên xã đổi lại theo tên gọi truyền thống là xã An Vĩnh và xã An Hải. Do đặc thù nằm ở một hòn đảo cách biệt, thôn Bắc xã Lý Vĩnh (đảo Bé) đồng thời tách lập thành một xã gọi là xã An Bình. Huyện Lý Sơn có 3 xã: An Vĩnh, An Hải, An Bình.

Huyện Lý Sơn nối với tỉnh lỵ chủ yếu bằng đường biển qua cửa biển Sa Kỳ. Tuy là một đảo nhỏ nhưng Lý Sơn có vị trí quan trọng về kinh tế – xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh Quảng Ngãi. Cư dân ở huyện đảo này là người Việt đã định cư và tạo lập được nhiều di sản văn hóa quý báu. Đánh cá, trồng hành tỏi là sinh hoạt kinh tế đặc thù của huyện đảo.

2.2.1.3. Đặc điểm văn hóa

Đến với Lý Sơn, ngoài việc thưởng ngoạn những danh lam thắng cảnh, những tuyệt tác thiên nhiên giữa bốn bề sóng biển, du khách còn có dịp thăm những ngôi nhà cổ có hàng trăm năm tuổi, nhiều di tích lịch sử văn hóa và loại hình lễ hội truyền thống. Trên địa bàn huyện có 50 di tích, trong đó có 10 di tích đã được công nhận gồm 4 di tích cấp quốc gia, đó là thắng cảnh cùa Hang, đình làng An Vĩnh, đình làng An Hải, Âm linh tự và 6 di tích cấp tỉnh, gồm Dinh Tam Tòa, đền thờ cá Ông Lân Chánh, nhà thờ Phạm Quang Ảnh, đền thờ Thiên Y-A-Na, lăng cá Ông Đông Hải, mộ và đền thờ Võ Văn Khiết; 23 di tích tín ngưỡng và một số di tích khác. Nhiều loại văn hóa phi vật thể về tinh thần, sinh hoạt dân gian, tín ngưỡng, lễ hội đặc sắc như: lễ Khao lề thế lính Hoàng Sa, lễ hội đua thuyền truyền thống, hội dồi bong…

2.2.2. Thực thi chính sách phát triển du lịch đảo Lý Sơn – những vấn đề đặt ra

2.2.2.1. Việc tổ chức thực hiện

Được sự quan tâm của Tỉnh Ủy, UBND tỉnh Quảng Ngãi, thời gian qua chính sách phát triển du lịch đã được triển khai thực hiện đối với huyện đảo Lý Sơn. Để thực hiện được mục tiêu phát triển du lịch Lý Sơn, các cấp, các ngành của tỉnh, huyện Lý Sơn và UBND các xã triển khai thực hiện thông qua một số giải pháp và công cụ chính sách. Nhưng thực tế việc triển khai thực hiện chính sách còn rất nhiều hạn chế và chưa thực sự hiệu quả.

2.2.2.2. Quản lý nhà nước đối với hoạt động du lịch

Do đặc thù của Lý Sơn là hoạt động kinh doanh du lịch mới được chú trọng trong cơ cấu phát triển kinh tế của Huyện, du lịch bước đầu phát triển nhưng chủ yếu mang tính tự phát. Mặt khác, du lịch là một lĩnh vực hấp dẫn nên có nhiều ngành nhiều cấp tham gia vào hoạt động du lịch trên địa bàn “người người làm du lịch, nhà nhà làm du lịch, ngành ngành làm du lịch”. Phòng Văn hóa Thông tin huyện dần được hoàn thiện tổ chức, đến nay bộ máy tổ chức còn thiếu, chưa phát huy được đầy đủ chức năng nhiệm vụ được giao, sự phối hợp trong hoạt động với các cơ quan liên quan còn chưa được đầy đủ.

2.2.2.3. Đổi mới quan điểm, định hướng chính sách

Lý Sơn là một huyện đảo của tỉnh Quảng Ngãi có tìm năng du lịch vô cùng phong phú, nhưng thực tế việc khai thác, đánh thức tìm năng du lịch ấy chưa thực sự đem lại hiệu quả. Để giải quyết các vấn đề trên, việc xây dựng và ban hành chính sách phát triển du lịch là cần thiết; định hướng cụ thể các sản phẩm, thương hiệu du lịch biển, đảo và xác định những tồn tại, thách thức trong quá trình phát triển và đề xuất các giải pháp để xây dựng và phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo mang tính đặc thù, đặc biệt là đảo Lý Sơn trong thời gian tới là việc làm cấp thiết, góp phần thúc đẩy sự phát triển sản phẩm du lịch biển, đảo, tạo ra được một thương hiệu về du lịch biển đảo của vùng Nam Trung Bộ một cách hiệu quả, bền vững và có trách nhiệm.

2.2.2.4. Vai trò của các chủ thể tham gia thực hiện chính sách

Qua quá trình triển khai thực hiện CS PTDL tại huyện đảo Lý Sơn cho thấy, trong những năm qua dưới sự chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Ngãi các sở, ban ngành của tỉnh, cấp ủy, chính quyền cơ sở đã có nhiều cố gắng để thực hiện CS được hiệu quả. Tuy nhiên thực tế triển khai tại Lý Sơn cho thấy mặc dù đã có Đề án, Chương trình, kế hoạch thực hiện nhưng các sở, ban, ngành của tỉnh thực sự chưa thể hiện được vai trò của mình trong các hoạt động tại Lý Sơn.

2.2.3. Kết quả thực hiện chính sách phát triển du lịch đảo Lý Sơn giai đoạn 2011-2014

2.2.3.1. Thay đổi nhận thức và kết quả bước đầu

Thực hiện khảo sát, thống kê số lượng nhà cổ trên địa bàn huyện đưa vào danh mục các điểm tham quan phục vụ du khách. Tuyên truyền vận động toàn dân làm du lịch, theo mô hình du lịch cộng đồng. Đến nay lượt khách và doanh thu du lịch đến với Lý Sơn đã tăng lên đáng kể, từ năm 2007 lượng khách chỉ đạt 2.071 tổng lượt khách, đến năm 2013 đạt đến 28.079 tổng lượt khách, doanh thu ướt đạt 34.626 triệu đồng đạt 125% kế hoạch năm. Năm 2014 đạt 36.239 tổng lượt khách, trong đó có 381 lượt khách quốc tế, doanh thu ước đạt 43.944 triệu đồng. Đây là mức tăng trưởng khá cao sau 7 năm Lý Sơn được UBND tỉnh Quảng Ngãi Công nhận tuyến du lịch biển đảo Lý Sơn. Ngành du lịch đã góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế – xã hội của huyện đảo

2.2.3.2. Đầu tư của nhà nước cho các hạng mục phát triển du lịch

Để có không gian phát triển du lịch, UBND huyện đảo Lý Sơn đã bố trí quỹ đất để khảo sát lập danh sách các điểm đưa vào quy hoạch[2].

2.2.3.3. Đảm bảo an ninh trật tự và bảo vệ môi trường du lịch

Để đảm bảo an ninh trật tự và bảo vệ môi trường cho du lịch huyện đảo Lý Sơ phát triển, đồn Biên Phòng Lý Sơn phối hợp với Ban Quản lý cảng và cảng vụ Lý Sơn đã thực hiện tốt quy chế đảm bảo an toàn cho du khách tuyến Lý Sơn – Sa Kỳ và ngược lại đồng thời Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa Công An huyện, Đồn Biên Phòng Lý Sơn và cơ quan Quân sự huyện bảo vệ về an ninh trật tự, an toàn xã hội trong hoạt động văn hoá và du lịch trên địa bàn huyện.

Về bảo vệ môi trường du lịch, UBND huyện đưa nội dung bảo vệ môi trường, tôn tạo tài nguyên du lịch vào chương trình kế hoạch hằng năm, đầu tư du lịch gắn với cải thiện môi trường sinh thái, thực hiện kịp thời các thủ tục thu hồi đất, giao đất cho doanh nghiệp thuê đất để xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch.

2.2.3.4. Sự khuyến khích của nhà nước đối với các chủ thể tham gia phát triển du lịch

Bên cạnh chính sách vốn, Nhà nước cũng đã có một số chính sách đãi ngộ, khen thưởng nhằm khuyến khích, khích lệ tinh thần người dân khi tham gia phát triển du lịch.

Tiểu kết chương 2

Trong chương này phân tích làm rõ quan điểm của Đảng ta và sự đổi mới tư duy, định hướng và cụ thể hóa CS, các giải pháp cho phát triển du lịch tỉnh Quảng Ngãi; nêu lên các thành tựu và hạn chế, bất cập, nguyên nhân, bài học kinh nghiệm trong việc ban hành chính sách và thực thi chính sách phát triển du lịch tại Quảng Ngãi; phản ánh đúng thực trạng và những vấn đề đặt ra, kết quả bước đầu trong việc thực thi chính sách phát triển du lịch tại huyện đảo Lý Sơn; qua đó định hướng mục tiêu của chính sách phải phát huy hết tìm năng du lịch sẵn có, đồng thời quảng bá hình ảnh, thu hút đầu tư, tạo hành lang pháp lý để du lịch hoạt động thuận lợi, đóng góp nhiều giá trị, tạo công ăn việc làm cho cộng đồng dân cư, góp phần bảo vệ tổ quốc. Chính vì vậy cần phải nghiên cứu, điều chỉnh để hoàn thiện chính sách du lịch Lý Sơn trong thời gian tới là yêu cầu cấp thiết, giải quyết kịp thời những vấn đề phát sinh trong thực tiễn; đáp ứng các chỉ tiêu đề ra, đem lại nguồn thu cho huyện và quyền lợi chính đáng của nhân dân trên đảo; phát huy vai trò nhà nước pháp quyền trong quản lý hoạt động du lịch giai đoạn hiện nay.

Chính sách phát triển du lịch từ thực tiễn huyện đảo Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi
Chính sách phát triển du lịch từ thực tiễn huyện đảo Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi

Chương 3

ĐỊNH HƯỚNG VÀ GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH

PHÁT TRIỂN DU LỊCH HUYỆN ĐẢO LÝ SƠN

3.1. Mục tiêu, định hướng hoàn thiện chính sách phát triển du lịch

Qua thực tiễn nghiên cứu về chính sách phát triển du lịch, đồng thời xem xét sự tồn tại và phát triển của du lịch cho thấy việc phát triển du lịch đem lại nhiều lợi ích và giá trị to lớn góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương.

3.1.1. Phát triển du lịch góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc

Mỗi một địa phương là một địa chỉ văn hoá riêng, nó phản ánh nét văn hoá độc đáo của từng địa phương, từng vùng, miền thể hiện qua các nét độc đáo của từng sản phẩm, các lễ hội, các phong tục tập quán của vùng miền, địa phương đó.

Phát triển du lịch luôn gắn liền với sự phát triển của văn hoá dân tộc, sản phẩm du lịch là sự kết tinh của lao động vật chất và lao động tinh thần. Nhiều sản phẩm được làm ra có tính truyền thống nghệ thuật cao, mỗi sản phẩm là một tác phẩm nghệ thuật trong đó chứa đựng những nét đặc sắc của văn hoá dân tộc mang sắc thái riêng, đặc trưng của địa phương đó.

3.1.2. Phát triển du lịch góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, cải thiện đời sống nhân dân ở địa phương và vùng lân cận.

Phát triển du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, tạo việc làm, nâng cao đời sống cho nhân dân là vấn đề quan trọng hiện nay ở nước ta. Với diện tích đất canh tác và phát triển ngày càng bị thu hẹp như huyện đảo Lý Sơn, vấn đề giải quyết công ăn việc làm cho lao động trở nên hết sức khó khăn, đòi hỏi sự hỗ trợ nhiều mặt và đồng bộ của các ngành nghề và khu vực. Việc mở cửa, kêu gọi đầu tư phát triển du lịch ở các địa phương là biện pháp tốt nhất để huy động nguồn lực đầu tư. Bởi vì, phát triển du lịch đòi hỏi đi kèm là phát triển cơ sở hạ tầng, giao thông, môi trường…

Bên cạnh đó, tạo thêm công ăn việc làm sẽ làm tăng thu nhập của người lao động, góp phần xoá đói giảm nghèo, cải thiện đời sống nhân dân. Đây cũng là một trong những chính sách của Đảng và Nhà nước ta trong vấn đề quốc kế dân sinh. Thực tế là trong những năm qua, sự quan tâm và phát triển của các vùng có tài nguyên du lịch đã có ý nghĩa rất to lớn đối với sự phát triển kinh tế xã hội ở địa phương

3.1.3. Phát triển du lịch thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội

Hệ thống hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội vừa là tiền đề, vừa là hệ quả của phát triển du lịch. Kết cấu hạ tầng có vai trò rất quan trọng trong phát triển kinh tế – xã hội, là một trong những điều kiện để khai thác các nguồn lực và lợi thế của từng vùng, là điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển, mở rộng giao lưu trao đổi hàng hoá giữa các vùng, nâng cao mức sống vật chất và tinh thần của dân cư, góp phần giảm sự cách biệt giữa thành thị, nông thôn, biên giới, hải đảo thúc đẩy quá trình đô thị hoá. Ngoài ra, phát triển du lịch còn tạo thêm điều kiện để xây dựng kết cấu hạ tầng, văn hoá, y tế, giáo dục, nâng cao đời sống cư dân. Đặc biệt trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay phát triển các du lịch còn có ý nghĩa quan trọng trong việc giữ gìn các giá trị văn hoá của dân tộc, giao lưu, trao đổi, học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau.

3.2. Những giải pháp hoàn thiện chính sách phát triển du lịch huyện đảo Lý Sơn

3.2.1 Xây dựng CS và cơ chế thu hút nguồn vốn đầu tư cho phát triển du lịch nói chung và Lý Sơn nói riêng

Nguồn vốn đầu tư là cơ sở để xây dựng cơ sở hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch, đánh thức tiềm năng du lịch thành hiện thực kinh doanh khai thác du lịch.

3.2.2. Có những chính sách đãi ngộ thích đáng với những người làm du lịch

Khen thưởng là một việc làm hết sức có ý nghĩa trong việc khuyến khích cho những doanh nghiệp, cá nhân, quản lý trong lĩnh vực du lịch để họ gắn bó, tâm huyết với nghề hơn nữa, sáng tạo ra các sản phẩm trong lĩnh vực du lịch, tạo điều kiện cho họ có thể tiếp tục cống hiến cho du lịch.

3.2.3. Hoàn thiện chính sách môi trường

Trước hết, cần hoàn chỉnh các CS về thuế ô nhiễm, lệ phí môi trường, hoàn thiện hệ thống xử lý môi trường.

3.2.4. Phát triển sản phẩm du lịch và xây dựng thương hiệu du lịch mang đậm bản chất đảo Lý Sơn

Việc xây dựng các sản phẩm du lịch mang thương hiệu Lý Sơn phải xuất phát từ quan điểm không chỉ nhắm đến mục tiêu là thị trường khách du lịch trong nước mà còn cả thị trường khách quốc tế.

3.2.5. Xây dựng CS đào tạo, phát triển nguồn nhân lực cho ngành du lịch

Hiện nay, trước những yêu cầu và nhiệm vụ mới của ngành, đặc biệt trong điều kiện Việt Nam gia nhập các tổ chức quốc. Trước mắt, huyện cần thực hiện tốt đề án phát triển nguồn nhân lực của tỉnh đã được phê duyệt. Tiếp tục thực hiện chính sách thu hút đội ngũ cán bộ giỏi về công tác tại tỉnh, đội ngũ cán bộ công tác tại các huyện miền núi, hải đảo.

3.2.6. Đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch

Muốn tiêu thụ được các sản phẩm du lịch thì chúng ta phải đáp ứng đúng các mong đợi của khách du lịch, do vậy việc phân đoạn thị trường và lựa chọn thị trường mục tiêu, hiểu rõ thị trường mục tiêu là cơ sở định hướng trong việc tạo ra các sản phẩm dịch vụ du lịch, do đó đẩy mạnh hoạt động xúc tiến du lịch là việc làm rất cần thiết đối với du lịch Lý Sơn.

3.2.7. Chú trọng bảo tồn, tôn tạo và khai thác hiệu quả các tài nguyên du lịch nhân văn

Vấn đề lập quy hoạch bảo tồn và tôn tạo các tài nguyên du lịch nhân văn không chỉ là bổn phận của Nhà nước, của nhân dân Lý Sơn mà còn của cả ngành du lịch đang sử dụng các di tích lịch sử văn hoá làm đối tượng kinh doanh. Bảo tồn tôn tạo các di tích là một trong những yếu tố đảm bảo cho sự thành công của du lịch Lý Sơn trong tương lai.

3.2.8. Tăng cường phối hợp các bên liên quan đến chính sách phát triển du lịch

Tăng cường chủ động phối hợp cùng các ngành hữu quan trong việc tạo ra cơ chế phối hợp nhịp nhàng, hành động thống nhất để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp du lịch cũng như sự tiêu dùng của khách du lịch, đưa hoạt động du lịch Lý Sơn vào nề nếp.

3.2.9. Phát triển du lịch gắn với an ninh quốc phòng

Cùng với quá trình phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn huyện nói chung, phát triển du lịch nói riêng, công tác an ninh quốc phòng và trật tự an toàn xã hội cũng cần được quan tâm củng cố và xây dựng nhằm ổn định chính trị và trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi, phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội

3.2.10. Mở rộng hợp tác liên kết khu vực và hợp tác quốc tế

Hợp tác liên kết trong phát triển du lịch là hết sức cần thiết trong phát triển du lịch bởi hành trình của khách du lịch không chỉ giới hạn trong một điểm đến, một sản phẩm du lịch có thể được tạo nên bởi sự tham gia của nhiều điểm đến khác nhau, mặt khác sự phối hợp cùng nhau giữa các điểm đến trong một chương trình hành động chung sẽ tạo nên sự thống nhất cho sự phát triển du lịch.

3.2.11. Tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước đối với kinh doanh du lịch trên địa bàn

Quản lý nhà nước về du lịch và kinh doanh du lịch là hai phạm trù có liên quan mật thiết với nhau. Do du lịch là một ngành kinh tế mang tính tổng hợp cao, bởi việc phục vụ nhu cầu của khách du lịch đòi hỏi liên quan đến rất nhiều ngành, tổ chức nên nếu không kiện toàn bộ máy nhà nước, đảm bạo sự thống nhất trong điều hành giữa các chủ thể quản lý bằng hệ thống luật pháp thì sẽ dẫn đến sự chồng chéo và buông lỏng lĩnh vực hoạt động hết sức phức tạp này

Tiểu kết chương 3

Qua thực tiễn nghiên cứu về chính sách phát triển du lịch tại Lý Sơn cho thấy việc ban hành CS phát triển du lịch có ý nghĩa rất to lớn đối với Lý Sơn nói riêng và Quảng Ngãi nói chung. Đem lại nhiều lợi ích và giá trị to lớn góp phần phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương; giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc; tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, cải thiện đời sống nhân dân ở địa phương và vùng lân cận; thúc đẩy phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bảo đảm an ninh quốc gia; đồng thời tổng hợp xem xét các vấn đề tồn tại trong chính sách và đưa ra mục tiêu, định hướng và những giải pháp cụ thể để hoàn thiện chính sách phát triển du lịch huyện đảo Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi trong thời gian tới cho phù hợp.

KẾT LUẬN

Đảo Lý Sơn nằm trong Quy hoạch phát triển kinh tế biển đảo Việt Nam đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Với những đặc điểm nổi trội về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, lịch sử văn hóa, an ninh quốc phòng,…huyện đảo Lý Sơn có những lợi thế rất lớn để phát triển du lịch.

Tuy nhiên, trong những năm qua, hoạt động du lịch ở Lý Sơn còn ở dạng tự phát, lượng khách du lịch đến Lý Sơn còn ít, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư, tiềm năng du lịch chưa được khai thác phục vụ phát triển du lịch của huyện đảo. Đứng trước những thực trạng về quản lý, thực thi CS du lịch tại Lý Sơn, với đề tài “Chính sách phát triển du lịch từ thực tiễn huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi” đã ghi nhận, tổng hợp thông tin từ nhiều nguồn khác nhau, để rút ra được những quy luật hoạt động của ngành du lịch, từ đó đưa ra một số định hướng, giải pháp CS cho phù hợp nhằm hoàn thiện một CS cụ thể để phát huy tiềm năng, phát triển du lịch xứng tầm tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi

Đề tài đã giải quyết được các vấn đề: Hệ thống hóa và làm rõ các vấn đề lý luận về CS công đối với chính sách phát triển du lịch tại huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi, vai trò và định hướng, mục tiêu của chính sách du lịch nói chung trong phát triển kinh tế – xã hội nói riêng. Phân tích thực trạng thực hiện chính sách phát triển du lịch tại huyện đảo Lý Sơn tỉnh Quảng Ngãi. Trình bày các cơ sở quan trọng, định hướng phát triển, đề xuất các quan điểm, mục tiêu, từ đó đưa ra hệ thống các giải pháp hoàn thiện “chính sách phát triển du lịch từ thực tiễn huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi”.

  1. Võ Khánh Vinh, chủ biên, Những vấn đề cơ bản chính sách công, tài liệu chuyên khảo, nhà xuất bản KHXH, 2012
  2. Quy hoạch tổng thể du lịch biển đảo Lý Sơn được Sở Văn hoá và Thể thao làm tờ trình xin quy hoạch diện tích khoảng 250 ha, khái toán kinh phí lập dự án qui hoạch 982.737.000đ, do Sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch làm chủ đầu tư

LIỆN HỆ:

SĐT+ZALO: 0935568275

E:\DỮ LIỆU COP CỦA CHỊ YẾN\LUAN VAN VIEN HAN LAM\LUAT HINH SU DOT 2\CUA THUONG\NGUYEN HONG PHONG\SAU BAO VE\In nop LV_nguyenhongphong

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *