Chính sách phát triển đô thị từ thực tiễn thành phố Tuy Hòa

Chính sách phát triển đô thị từ thực tiễn thành phố Tuy Hòa

Chính sách phát triển đô thị từ thực tiễn thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên

1. Tính cấp thiết của đề tài

Phát triển đô thị của Việt Nam trong giai đoạn vừa qua có nhiều chuyển biến số lượng, đến nay (9/2015) có 794 đô thị, trong đó có 2 đô thị đặc biệt, 15 đô thị loại I, 25 đô thị loại II, 42 đô thị loại III, 70 đô thị loại IV và 640 đô thị loại V, với nhịp độ tăng hơn 3 đô thị mới mỗi tháng. Đô thị đóng góp khoảng 70% GDP quốc gia. Tỉnh Phú Yên có 10 đô thị. Theo phân loại đô thị có 1 đô thị loại II, 1 đô thị loại IV và 8 đô thị loại V. Theo dự báo của Bộ Xây dựng thì đến năm 2025 sẽ có 1000 đô thị với số dân 52 triệu người (tỷ lệ đô thị hóa 50%). Hệ thống đô thị Việt Nam phát triển ngày càng mạnh mẽ, phân bố tương đối đồng đều trên cả nước. Nhiều khu đô thị mới được xây dựng; Tuy nhiên đô thị phát triển nhanh về số lượng nhưng chất lượng còn đạt thấp và còn nhiều bất cập.

Trong bối cảnh ấy, thành phố Tuy Hòa (TP.Tuy Hòa) sau 10 năm từ kể từ khi thành lập (2002) đã có sự chuyển biến khá rõ nét về phát triển đô thị (PTĐT) và kết cấu hạ tầng đô thị. Tuy nhiên, trong bối cảnh đô thị hóa gia tăng, đặt ra áp lực lớn đòi hỏi những chuyển biến xã hội phải theo kịp, mà TP.Tuy Hòa không phải là trường hợp ngoại lệ. Những vấn đề đó tất yếu đặt ra yêu cầu mới về PTĐT để đáp ứng sự định hướng và kiểm soát môi trường an toàn, thuận lợi, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế-xã hội (KT-XH) chuyển biến theo chiều thuận, bảo vệ môi trường đô thị; xây dựng một đô thị văn minh, hiện đại trong chuỗi đô thị ven biển Miền trung, góp phần liên kết thúc đẩy phát triển KT-XH vùng Nam trung bộ và Tây Nguyên. Hơn nữa, tầm nhìn quy hoạch hóa đô thị của Chính phủ đến năm 2050 với mục tiêu là: các trung tâm đô thị chủ yếu của mỗi vùng KT-XH đóng vai trò như động lực phát triển vùng, tạo nên sự phát triển cân đối về địa lý cho toàn quốc; đồng thời phù hợp với mục tiêu, nguyện vọng của Đảng bộ và nhân dân TP.Tuy Hòa: “Phấn đấu đến năm 2020, xây dựng TP.Tuy Hòa thành đô thị văn minh, xanh, sạch, đẹp, hướng đến đô thị loại I vào năm 2025” (Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP.Tuy Hòa lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015-2020, tr.20).

Những vấn đề trên cần phải giải quyết từ PTĐT – bởi tính bao trùm của nó quyết định tính bền vững đô thị trong phát triển. Đó cũng là tính cấp thiết mà tác giả chọn đề tài “Chính sách phát triển đô thị từ thực tiễn thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên” để nghiên cứu làm luận văn thạc sỹ chuyên ngành Chính sách công trong quá trình học tập tại Học viện Khoa học xã hội.

2. Tình hình nghiên cứu đề tài

3. Mục đích và nhiệm vụ nghiên cứu

3.1. Mục đích nghiên cứu

Làm rõ lý luận về chính sách PTĐT, luận văn phân tích thực trạng chính sách PTĐT tại TP.Tuy Hòa, chỉ ra nhu cầu và xu hướng phát triển đô thị hiện nay, nêu quan điểm, định hướng hoàn thiện chính sách và đề xuất các giải pháp hoàn thiện chính sách PTĐT tại TP.Tuy Hòa thời gian tới.

3.2. Nhiệm vụ nghiên cứu

– Nghiên cứu cơ sở lý luận về chính sách PTĐT; tổng quan và nhận xét chính sách PTĐT hiện hành ở Việt Nam, tìm hiểu kinh nghiệm điển hình của các nước về chính sách PTĐT.

– Nghiên cứu làm rõ thực trạng thực hiện chính sách PTĐT tại TP.Tuy Hòa, từ đó phát hiện những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân của tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện chính sách PTĐT tại TP.Tuy Hòa.

– Đưa ra các giải pháp nhằm hoàn thiện chính sách phát triển đô thị phù hợp với điều kiện thực tế tại địa bàn nghiên cứu.

4. Đối tượng và phạm vi nghiên cứu

4.1. Ðối tượng nghiên cứu

Chính sách phát triển đô thị, cụ thể là nghiên cứu giải pháp hoàn thiện chính sách phát triển đô thị.

4.2. Phạm vi nghiên cứu

– Phạm vi về không gian: thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên.

– Phạm vi thời gian nghiên cứu: từ năm 2011 đến năm 2015.

4.3. Những vấn đề không nghiên cứu

Không đi sâu phân tích đánh giá những vấn đề chính sách cụ thể như thể chế, các bên liên quan, các giải pháp và công cụ cũng như các yếu tố ảnh hưởng đến chính sách như hệ thống chính trị, các yếu tố bên trong và bên ngoài… của chính sách.

5. Phương pháp luận và phương pháp nghiên cứu

5.1. Phương pháp luận nghiên cứu

Vận dụng cách tiếp cận đa ngành, liên ngành khoa học xã hội, khoa học kinh tế phát triển, quản lý học và đô thị học; vận dụng phương pháp luận và lý thuyết về chính sách công.

5.2. Phương pháp nghiên cứu

– Phương pháp phân tích, đánh giá chính sách.

– Phương pháp thực địa: Khảo sát tình hình thực tế hoạt động đô thị và PTĐT tại TP. Tuy Hòa.

– Phương pháp thu thập thông tin: Phương pháp phân tích và tổng hợp, thống kê, suy luận logic và so sánh …

– Phương pháp thu thập ý kiến chuyên gia: Trên cơ sở những kinh nghiệm và kiến thức chuyên sâu của cá nhân lãnh đạo phụ trách các ban ngành, cơ quan chuyên môn liên quan đến chỉ đạo, thực hiện, giám sát chính sách PTĐT, góp phần làm căn cứ cho những kết luận cuối cùng đối với việc kiến nghị, đề xuất các giải pháp của đề tài.

6. Ý nghĩa lý luận và thực tiễn của luận văn

6.1. Ý nghĩa lý luận

Góp phần hệ thống hóa cơ sở lý luận liên quan tới chính sách phát triển đô thị. Kết quả nghiên cứu đề tài minh chứng cho việc vận dụng các lý thuyết đánh giá của chính sách công là cần thiết trong quá trình triển khai thực hiện chính sách công, từ đó góp phần vào việc đổi mới chính sách nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả của chính sách đã ban hành.

6.2. Ý nghĩa thực tiễn

– Cung cấp những vấn đề có tính thực tiễn để vận dụng lý thuyết chính sách công nhằm xem xét giữa lý thuyết và thực tiễn chính sách PTĐT tại TP.Tuy Hòa. Từ đó đề xuất những giải pháp hoàn thiện chính sách PTĐT trong thực tiễn những năm tiếp theo.

– Cung cấp thêm cơ sở khoa học và thực tiễn cho việc hiện thực mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Tuy Hòa khóa XV, nhiệm kỳ 2015 – 2020 đi vào thực tế cuộc sống.

7. Cơ cấu của luận văn

Ngoài phần mở đầu, kết luận, danh mục tài liệu tham khảo, luận văn có kết cấu bao gồm 3 chương.

Chương 1. Những vấn đề lý luận và chính sách về PTĐT.

Chương 2. Thực trạng thực hiện chính sách phát triển đô thị tại thành phố Tuy Hòa.

Chương 3. Hoàn thiện chính sách PTĐT tại TP.Tuy Hòa.

  1. Chương 1
  2. NHỮNG VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ CHÍNH SÁCH
  3. VỀ PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ

1.1. Những vấn đề lý luận về chính sách phát triển đô thị

Phát triển đô thị chính là sự phát triển hài hòa giữa kinh tế, môi trường và xã hội với mục tiêu cuối cùng là đời sống cư dân đô thị phải khá giả hơn, sống tiện nghi và hạnh phúc hơn. 

Chính sách phát triển đô thị là tập hợp các quyết định có liên quan đến quá trình PTĐT như phân bố, quy hoạch, cơ sở hạ tầng đô thị, cơ sở xã hội đô thị, môi trường đô thị, con người đô thị, kinh tế đô thị…, trên cơ sở bao gồm các mục tiêu và giải pháp để giải quyết các vấn đề, những thách thức trong quá trình phát triển đô thị.

1.2. Mục tiêu, yêu cầu của chính sách PTĐT

1.2.1. Mục tiêu chính sách phát triển đô thị

Mục tiêu chính sách PTĐT hướng đến là: Nâng cao chất lượng tổng thể các hoạt động đô thị; quy hoạch và sử dụng hợp lý hiệu quả quỹ đất, tiềm năng, tiềm lực đô thị đảm bảo sự phát triển bền vững (PTBV) đô thị; bảo vệ môi trường; kiểm soát thị trường, tạo dựng môi trường lao động tốt và việc làm đô thị ổn định; cung cấp có chất lượng các dịch vụ đô thị, cơ sở hạ tầng cơ bản để đáp ứng tốt nhu cầu chức năng của đô thị và cư dân sống làm việc trong đô thị ấy. Chính sách PTĐT là vì con người, lấy cộng đồng cư dân đô thị làm trung tâm của chính sách.

1.2.2. Yêu cầu của chính sách phát triển đô thị

Chính sách phát triển đô thị cần đảm bảo các yêu cầu để phát triển bền vững đô thị. Nghĩa là sự phát triển đô thị phải có sự kết hợp giữa phát triển kinh tế, xã hội và môi trường.

1.3. Các tiền đề phát triển đô thị

– Xác định tính chất của đô thị.

– Dân số đô thị.

– Các thành phần đất đai trong quy hoạch xây dựng đô thị.

– Cơ sở kinh tế kỹ thuật phát triển đô thị.

1.4. Kinh nghiệm quốc tế, trong nước về chính sách PTĐT

Chính sách về Quy hoạch – Kiến trúc đô thị – Phát triển đô thị hài hòa (Nhật Bản, Hàn Quốc) ; Chính sách về Quản lý đất đai xây dựng đô thị (Malaisia); Chính sách về Quản lý môi trường đô thị (Indonesia); Chính sách về Quản lý nhà ở (Trung Quốc); Chính sách về sự tham gia của cộng đồng trong quản lý đô thị (Indonesia); Chính sách Quy hoạch, chỉnh trang đô thị, khai thác quỹ đất, quản lý nhà ở (Thành phố Đà Nẵng); Chính sách Quy hoạch kết hợp và khai thác tốt hệ thống giao thông đô thị (Thành phố Hà Nội).

1.4.3. Bài học kinh nghiệm rút ra

Đô thị được phát triển trên cơ sở của mọi yếu tố. PTĐT trên thế giới nói chung và ở nước ta nói riêng cần có sự quan tâm tham gia của tất cả các cấp chính quyền và mọi thành phần xã hội. Kinh nghiệm của các nước phát triển trên thế giới và các nước trong khu vực đã phần nào giúp nước ta học tập một cách có chọn lọc, linh hoạt căn cứ vào từng trường hợp, từng điều kiện cụ thể của Việt Nam nói chung và TP.Tuy Hòa nói riêng nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực cho công tác xây dựng và PTĐT.

1.5. Các vấn đề, giải pháp, thể chế chính sách phát triển đô thị tại TP.Tuy Hòa đến năm 2015

1.5.1. Các vấn đề của chính sách PTĐT tại TP. Tuy Hòa

Vấn đề chính sách PTĐT biểu hiện ở mâu thuẫn hoặc nhu cầu thay đổi hiện trạng đời sống KT-XH ở đô thị mà đòi hỏi Nhà nước phải giải quyết. Những biểu hiện thường gặp từ cơ cấu nội tại của vấn đề chính sách PTĐT, đó là: Cơ chế chính sách ban hành còn ít và chậm, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế phát triển KT-XH đặt ra. Một số cơ chế, chính sách đã được ban hành nhưng chậm triển khai. Huy động các nguồn lực cho đầu tư PTĐT còn hạn chế; việc sử dụng các nguồn lực tiềm năng như đất còn lãng phí, kém hiệu quả; Quy hoạch PTĐT vẫn còn thiếu đồng bộ, chất lượng quy hoạch chưa cao (tính định hướng lâu dài, dự báo còn hạn chế; tính khả thi chưa cao). Kết cấu hạ tầng KT-XH nói chung và kết cấu hạ tầng giao thông đô thị nói riêng còn nhiều hạn chế, thiếu đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu hội nhập và liên kết vùng; chính quyền Thành phố và tỉnh Phú Yên quan tâm chủ yếu đến khâu lập, thẩm định, phê duyệt đồ án quy hoạch mà chưa có sự chú ý đúng mức đối với quản lý thực hiện quy hoạch.

Như vậy, vấn đề chính sách PTĐT đặt ra yêu cầu PTĐT sao cho có sự hài hòa phù hợp giữa tiêu chí văn minh hiện đại với đặc điểm văn hóa để giải quyết những mâu thuẫn xảy ra nhằm đảm bảo sự phát triển của đô thị đó mang tính bền vững, với mục tiêu cuối cùng là đời sống cư dân đô thị phải khá giả hơn, sống tiện nghi và hạnh phúc hơn. 

1.5.2. Các giải pháp, công cụ chính sách của chính sách phát triển đô thị tại TP. Tuy Hòa

1.5.2.1. Các giải pháp chính sách đã ban hành

– Quyết định số 1284/QĐ-UBND, ngày 20/7/2007 của UBND tỉnh Phú Yên về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng thành phố Tuy Hòa và khu vực phụ cận đến năm 2025 (tỷ lệ 1/10.000).

– Quyết định số 1283/QĐ-UBND, ngày 20/7/2007 của UBND tỉnh Phú Yên về việc phê duyệt chi tiết Đồ án khu đô thị mới thành phố Tuy Hòa (tỷ lệ 1/500); Quyết định số 52/QĐ-UBND, ngày 10/01/2011 của Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt Quy hoạch vùng tỉnh Phú Yên đến năm 2025; Quyết định số 437/QĐ-TTg, ngày 11/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc công nhận thành phố Tuy Hòa là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Phú Yên; Quyết định 1712/QĐ-TTg, ngày 23/10/2009 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên; Quyết định số 1551/QĐ-UBND, ngày 13/10/2010 của UBND tỉnh Phú Yên về việc phê duyệt dự án Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội thành phố Tuy Hòa đến năm 2020; Quyết định số 61/2008/QĐ-TTg, ngày 09/5/2008 của Thủ tướng Chính phủ Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội dải ven biển Miền trung Việt Nam đến năm 2020.

– Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên khóa XVI về lãnh đạo xây dựng, phát triển thành phố Tuy Hòa thành đô thị văn minh, xanh, sạch, đẹp, thân thiện và từng bước hiện đại.

1.5.2.2. Các giải pháp, công cụ chính sách của chính sách phát triển đô thị tại TP. Tuy Hòa: Tập trung vào các nhóm giải pháp chính sau:

– Giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức.

  • Giải pháp về phát triển đô thị.
  • Giải pháp về quản lý đô thị.
  • Giải pháp về nguồn nhân lực.

– Giải pháp về cải cách hành chính.

– Giải pháp về thể chế.

  • Giải pháp về huy động các nguồn lực tài chính.
  • Chính sách phát triển đô thị từ thực tiễn thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
    Chính sách phát triển đô thị từ thực tiễn thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
  1. Chương 2
  2. THỰC TRẠNG THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ TẠI THÀNH PHỐ TUY HÒA
    1. 2.1. Những nhân tố ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách phát triển đô thị ở thành phố Tuy Hòa
      1. 2.1.1. Vị trí và vị thế

TP.Tuy Hòa là trung tâm hành chính, kinh tế thương mại du lịch, VH-XH, khoa học kỹ thuật của tỉnh Phú Yên; là đô thị ven biển Miền trung, là cửa ngõ ra hướng đông để phát triển vùng Tây Nguyên.

2.1.2. Điều kiện tự nhiên

Địa hình Thành phố chủ yếu là vùng đồng bằng do hạ lưu sông Ba bồi đắp với lượng phù sa dồi dào hằng năm.

2.1.3. Về quy mô đất đai, đơn vị hành chính

Tổng diện tích đất tự nhiên toàn TP.Tuy Hòa là 10.703,6 ha. Thành phố có 16 đơn vị hành chính, gồm 12 phường và 04 xã.

2.1.4. Về đặc điểm kinh tế – xã hội

– Về cơ cấu kinh tế: Năm 2015: công nghiệp xây dựng chiếm 44.7%, thương mại dịch vụ chiếm 51.1%, nông lâm thủy sản chiếm 4.2%, GDP bình quân đầu người 61,1 triệu đồng.

– Về Quy mô dân số: Tổng dân số toàn TP. Tuy Hòa là 202.030 người. Tỷ lệ tăng dân số trung bình của TP.Tuy Hòa từ (năm 2013) là 2,968%. Tăng tự nhiên 1,03%, tăng cơ học 1,9%.

– Cơ cấu lao động: Tổng số người trong độ tuổi lao động (năm 2013) là 76.950 người, chiếm khoảng 38% dân số.

2.1.5. Về tầm nhìn chiến lược của các cấp lãnh đạo và năng lực triển khai thực hiện các chính sách phát triển đô thị của các cấp chính quyền thành phố Tuy Hòa

Việc tổ chức triển khai thực hiện chính sách phát triển đô thị ở thành phố Tuy Hòa phụ thuộc rất lớn vào tầm nhìn, định hướng phát triển của các cá nhân người đứng đầu, của Trung ương, cũng như tập thể Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, UBND Tỉnh, các sở, ban ngành của Tỉnh Phú Yên, của thành phố Tuy Hòa và năng lực tổ chức triển khai thực hiện chính sách phát triển đô thị thành phố Tuy Hòa của các cấp chính quyền Thành phố là yếu tố rất quan trọng, quyết định đến việc chính sách phát triển đô thị được thực hiện thành công kịp thời, nhanh chóng, hiệu quả.

2.2. Lịch sử phát triển đô thị thành phố Tuy Hòa

Đô thị Tuy Hòa là trung tâm tỉnh lỵ của tỉnh Phú Yên, được hình thành từ năm 1611 khi Chúa Nguyễn Hoàng mở mang bờ cõi về phía Nam. Qua nhiều lần chia tách, sáp nhập, đến nay TP Tuy Hòa đã trải qua hơn 404 năm hình thành, xây dựng và phát triển. Tháng 3/2015 được công nhận là đô thị loại II. Cho đến nay, hình ảnh đô thị TP Tuy Hòa gắn liền với biểu tượng núi Nhạn-Sông Đà đã trở thành một đô thị tiêu biểu, có bản sắc lịch sử, văn hóa đặc thù xứng đáng với vị thế là một đô thị trung tâm quan trọng của Khu vực Duyên hải miền trung và Tây nguyên.

    1. 2.3. Thực trạng thực hiện chính sách phát triển đô thị ở thành phố Tuy Hòa
      1. 2.3.1. Tổ chức thực hiện chính sách phát triển đô thị ở thành phố Tuy Hòa

2.3.1.1. Cơ sở pháp lý

– Quá trình phát triển của đô thị Tuy Hòa đã được quy hoạch xây dựng từ những năm 1960 dưới thời chế độ cũ, đến năm 1973 được điều chỉnh lại. Sau ngày giải phóng và tái lập tỉnh, ngày 10/6/1992, UBND tỉnh Phú Yên đã ban hành Quyết định số 553/QĐ-QHXD về việc Duyệt Đồ án quy hoạch xây dựng tổng thể nội thị, Thị xã Tuy Hòa đến năm 1995 và 2010. Ngày 20/7/2007, UBND tỉnh Phú Yên ban hành Quyết định số 1284/QĐ-UBND Phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Đồ án điều chỉnh thành phố Tuy Hòa và Vùng phụ cận đến năm 2025;

– Luật Quy hoạch đô thị số 30/2009/QH12, ngày 17/6/2009 của Quốc Hội khoá XII; Nghị định số 37/2010/NĐ-CP, ngày 07/4/2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị; Nghị định số 38/2010/NĐ-CP, ngày 07/4/2010 của Chính phủ về quản lý không gian kiến trúc cảnh quan đô thị, có hiệu lực từ ngày 25/5/2010; Nghị định số 70/2012/NĐ-CP, ngày 18/9/2012 của Chính phủ về quy định thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập, phê duyệt quy hoạch, dự báo bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích lịch sử-văn hóa, danh lam thắng cảnh; Thông tư số 10/2010/TT-BXD, ngày 11/8/2010 của Bộ Xây dựng về Quy định hồ sơ của từng loại quy hoạch đô thị;

– Quyết định số 445/QĐ-TTg, ngày 07/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh Định hướng quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống đô thị Việt Nam đến năm 2025 và tầm nhìn đến 2050; Quyết định 1659/QĐ-TTg, ngày 07/11/2012 phê duyệt Chương trình phát triển đô thị quốc gia giai đoạn 2012-2020; Quyết định số 1109/QĐ-BXD, ngày 28/8/2002 của Bộ Xây Dựng về việc công nhận thị xã Tuy Hòa là đô thị loại III; Nghị định số 03/2005/NĐ-CP, ngày 05/01/2005 của Chính phủ về việc thành lập TP.Tuy Hòa thuộc tỉnh Phú Yên; Quyết định 437/QĐ-TTg, ngày 11/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ công nhận thành phố Tuy Hòa là đô thị loại II trực thuộc tỉnh Phú Yên. Quyết định số 1284/QĐ-UBND, ngày 20/7/2007 của UBND tỉnh Phú Yên về việc phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng thành phố Tuy Hòa và khu vực phụ cận đến năm 2025; Quyết định 1551/QĐ-UBND, ngày 13/10/2010 của UBND tỉnh Phú Yên về việc duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội thành phố Tuy Hòa đến năm 2020; Quyết định của UBND tỉnh Phú Yên về việc phê duyệt Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 và ban hành Quy định quản lý kiến trúc Khu đô thị mới thành phố; Quyết định số 52/QĐ-UBND, ngày 10/01/2011 của Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên phê duyệt Quy hoạch vùng tỉnh Phú Yên;

– Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Tuy Hòa lần thứ XV, nhiệm kỳ 2015-2020 xác định mục tiêu phát triển đô thị “phấn đấu đến năm 2020 xây dựng thành phố Tuy Hòa thành đô thị văn minh, xanh, sạch, đẹp, hướng đến đô thị loại I vào năm 2025”; Nghị quyết của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên khóa XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 về “lãnh đạo xây dựng, phát triển thành phố Tuy Hòa thành đô thị xanh, sạch, đẹp, thân thiện và từng bước hiện đại”.

– Các văn bản pháp lý khác.

2.3.1.2. Các lĩnh vực chính sách đã thực hiện

Về kiến trúc cảnh quan đô thị:

Công tác quản lý quy hoạch: Đã hoàn thành các quy hoạch tổng thể như: Quy hoạch phát triển KT-XH đến năm 2020, Quy hoạch Khu đô thị mới Nam TP. Tuy Hòa và điều chỉnh quy hoạch chung thành phố tỉ lệ 1/10.000; Quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết các khu dân dụng tỷ lệ 1/2000; xây dựng Quy chế quản lý kiến trúc các tuyến đường chính, các đồ án quy hoạch cảnh quan, khép kín khu dân cư tỷ lệ 1/500, làm cơ sở định hướng cho việc đầu tư phát triển các khu chức năng của đô thị và triển khai các dự án theo quy hoạch xây dựng.

– Thành phố đã thu hút được một số dự án đầu tư hoàn thành các khu đô thị mới như FBS, Hưng Phú, Khu đô thị Nam TP Tuy Hòa, Lê Thành Phương, Ô phố PL, Khu dân cư Nguyễn Thái Học, Xóm chiếu, Nghị Trần, Cây Muồng,…; các công trình có giá trị văn hóa lịch sử kiến trúc tiêu biểu trên địa bàn như: Tháp Nhạn; núi Nhạn; núi Chóp Chài…

Phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị:

Trong những năm qua, thực hiện chương trình nâng cấp đô thị, TP.Tuy Hòa đã được Tỉnh quan tâm đầu tư hệ thống kết cấu HTKTĐT, từng bước đáp ứng được yêu cầu đô thị hóa và phát triển kinh tế. Bước đầu hệ thống cơ sở HTKTĐT được hình thành và từng bước hoàn chỉnh.

Phát triển hạ tầng xã hội đô thị:

Nhà ở, các công trình giáo dục và đào tạo, y tế, thương mại dịch vụ, văn hoá – thể thao và nhiều dự án của Tỉnh, Trung ương được đầu tư xây dựng như: Khu dân dụng Cảng hàng không Tuy Hòa, mở rộng quốc lộ 1A, các tuyến đường xung quanh sân bay Tuy Hòa, Kè chống xói lở bờ Nam sông Đà Rằng, dự án PTĐT vừa và nhỏ miền Trung, Cầu Hùng Vương, đường dẫn phía Nam cầu Hùng Vương…; nhiều công trình, khu du lịch sinh thái, khách sạn, nhà hàng cao cấp do tư nhân đầu tư ngày càng đáp ứng nhu cầu của nhân dân địa phương, du khách như: Khách sạn Cendeluxe, Kaya, Sài Gòn- Phú Yên, Sao Việt đã tạo điểm nhấn kiến trúc đô thị Tuy Hòa.

Phát triển kinh tế – xã hội:

Được UBND tỉnh Phú Yên ban hành Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội thành phố Tuy Hòa đến năm 2020”. UBND Thành phố Tuy Hòa đã xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh 5 năm (2016-2020) (Báo cáo 356/BC-UBND, ngày 22/10/2015). Tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình giai đoạn 2011-2015 là 14,57%. Tổng thu ngân sách tăng bình quân hàng năm 9,8%; tổng chi ngân sách Nhà nước tăng bình quân hàng năm là 6,82%, trong đó chi cho xây dựng cơ bản chiếm 20% tổng chi.

Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội thực hiện trong 5 năm 2011-2015 là 14.362 tỷ đồng, tăng bình quân 14,7%/năm, chiếm 24% tổng vốn đầu tư toàn Tỉnh. Tỷ lệ nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ bản trong tổng vốn đầu tư chiếm bình quân 50-60%/năm, tập trung vào việc xây dựng kết cấu hạ tầng, mở rộng đô thị; có 03/04 xã trên địa bàn Thành phố được UBND Tỉnh công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (xã Bình Kiến, xã Hòa Kiến, xã An Phú); xã Bình Ngọc đạt 16/19 tiêu chí; có 71,2% dân số vùng nông thôn tham gia Bảo hiểm Y tế; tỷ lệ hộ nghèo từ 5,7% (năm 2010) xuống còn 3,1% (năm 2015).

Quản lý đô thị:

Thành phố đã thiết lập quy chế quản lý quy hoạch kiến trúc và xây dựng một số tuyến đường trong nội thành; hoàn thành quy hoạch và tổ chức triển khai trên 12 tuyến đường, bố trí 49 cụm đậu, đỗ xe ô tô có sử dụng tạm thời một phần lòng đường đô thị. Ban hành và triển khai Quy định về quản lý sử dụng tạm thời vỉa hè, góp phần tạo thuận lợi trong quản lý trật tự, đảm bảo mỹ quan đô thị…

2.3.2. Đánh giá việc thực hiện chính sách phát triển đô thị ở thành phố Tuy Hòa

2.3.2.1. Đánh giá chung

– Những mặt được của quá trình triển khai thực hiện chính sách phát triển đô thị tại TP.Tuy Hòa

Kể từ khi được công nhận là đô thị loại III trực thuộc Tỉnh (2002); đặc biệt thực hiện Quy hoạch chung xây dựng TP.Tuy Hòa và khu vực phụ cận đến năm 2025 (Quyết định số 1284/QĐ-UBND của UBND tỉnh Phú Yên), TP.Tuy Hòa có những bước chuyển biến rất tích cực mang tính đột phá trên các lĩnh vực PTĐT. Thành phố từng bước ưu tiên đầu tư phát triển xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nâng cao năng lực quản lý đô thị, góp phần tạo bộ mặt Thành phố ngày càng khang trang sạch đẹp.

Quy hoạch chi tiết các khu vực trong đô thị đảm bảo cơ bản theo điều chỉnh quy hoạch chung. Hệ thống giao thông đô thị được phát triển và thực hiện đúng quy hoạch. Hệ thống hạ tầng và dịch vụ từng bước được đầu tư. Đặc biệt là hệ thống đường giao thông nội thành từng bước được xây dựng đồng bộ.

Các công trình do Thành phố làm chủ đầu tư, đưa vào sử dụng đạt hiệu quả. Việc huy động nhân dân đóng góp cùng với ngân sách địa phương xây dựng và đưa vào sử dụng các tuyến vỉa hè, hẻm phố, điện chiếu sáng, bê tông hóa giao thông nông thôn, tạo thuận lợi cho việc đi lại của nhân dân góp phần làm cho bộ mặt đô thị, nông thôn ngày càng khang trang, sạch, đẹp. Hiện nay một số dự án lớn đang đầu tư xây dựng.

– Những tồn tại, hạn chế trong quá trình triển khai thực hiện chính sách PTĐT tại TP.Tuy Hòa

Việc xây dựng cơ chế, chính sách: Cơ chế chính sách ban hành còn ít và chậm, chưa đáp ứng yêu cầu thực tế phát triển KT-XH đặt ra của Thành phố. Một số cơ chế, chính sách đã được ban hành nhưng chậm triển khai hoặc chưa đủ hấp dẫn để thu hút nguồn vốn đầu tư của cộng đồng doanh nghiệp và người dân. Một số cơ chế chính sách ở một số lĩnh vực còn thiếu, một số không phù hợp cần phải bổ sung.

Về huy động và đầu tư nguồn lực cho PTĐT còn hạn chế, nhất là các nguồn có tiềm năng như đất, kiều hối và thu hút vốn của các doanh nghiệp trong nước và quốc tế vào Thành phố…

Về công tác lập và quản lý quy hoạch: Tỷ lệ phủ kín đạt khoảng 47% so với diện tích quy hoạch chung Thành phố được duyệt. Công tác quy hoạch PTĐT vẫn còn thiếu đồng bộ, chất lượng quy hoạch chưa cao (tính định hướng lâu dài, dự báo còn hạn chế; tính khả thi chưa cao). Quy hoạch luôn phải điều chỉnh gây khó khăn cho công việc quản lý quy hoạch.

Về quản lý quy hoạch: Điều lệ quản lý kiến trúc, quy hoạch, quy chế quản lý trật tự xây dựng đô thị còn chậm ban hành, chưa thực hiện việc cắm mốc các khu chức năng đô thị, lộ giới xây dựng đô thị theo quy hoạch được duyệt.

Về quản lý và phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị: Sự đồng bộ của các công trình HTKTĐT còn kém, không có sự kết nối, nhất là tại các tuyến phố cũ. Chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu về hiện trạng hệ thống HTKTĐT để có thông tin phục vụ quản lý, đánh giá hiệu quả và định hướng phát triển.

Công tác vệ sinh môi trường: Lượng rác thải thành phố ước đạt 115 tấn rác thải/ngày.đêm, trong đó tỷ lệ thu gom là khoảng 90%.

Công tác quản lý và xây dựng nhà ở trong các khu tái định cư chưa đảm bảo theo quy hoạch. Một số khu tái định cư chưa được đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, thiếu điện, nước, gây khó khăn cho việc xây dựng nhà ở của các hộ tái định cư.

Về quản lý đất đai: Việc lập quy hoạch và kế hoạch sử đụng đất chưa hợp lý, thiếu sự phối họp để đảm bảo thống nhất chung của việc sử dụng đất trên toàn Thành phố, chưa khớp nối giữa phát triển KT-XH với quy hoạch phát triển không gian đô thị, quy hoạch sử dung đất, quy hoạch giao thông và quy hoạch du lịch.

2.3.2.2. Nguyên nhân của những tồn tại

Cơ chế chính sách ban hành còn chậm, chưa đồng bộ, chưa có cơ chế chính sách mang tính đột phá, chưa đủ hấp dẫn thu hút mạnh đầu tư.

Quản lý nhà nước còn bất cập, hệ thống pháp luật thiếu đồng bộ, nhiều quy đinh thiếu phù hợp, chưa có kế hoạch phân bổ vốn trung và dài hạn, chưa có chính sách thích hơp để huy động tiềm năng và nguồn đầu tư.

Công tác giải phóng mặt bằng còn nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa đảm bảo thời gian giao mặt bằng sạch cho nhà đầu tư ở một số dự án, công trình. Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật và các cơ chế về quản lý và PTĐT chưa thường xuyên và sâu rộng.

Tổ chức và bộ máy làm công tác quản lý đô thị chưa đồng bộ. Kiến thức và trình độ quản lý đô thị của công chức cấp Thành phố và phường, xã chưa theo kịp tốc độ phát triển của đô thị hiện đại. Công tác kiểm tra, kiểm soát trong quá trình thực hiện các quy hoạch còn buông lỏng.

2.3.2.3 Bài học rút ra từ thực tiễn thực hiện chính sách

Quá trình triển khai thực hiện các chính sách PTĐT phải được thực hiện đồng bộ, toàn diện, thường xuyên. Chỉ đạo phải tập trung cương quyết, biết chọn những nội dung trọng tâm, trọng điểm mang tính đột phá có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của Thành phố.

Tăng cường công tác tuyên truyền sâu rộng ở các cấp, các ngành, trong mọi tầng lớp nhân dân, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức của toàn xã hội đối với việc PTĐT theo hướng bền vững.

Tranh thủ tối đa sự ủng hộ của các cơ quan Trung ương và Tỉnh về chủ trương, chính sách, cơ chế; đặc biệt là nguồn tài chính đầu tư cho phát triển đô thị Thành phố.

Chính sách phát triển đô thị từ thực tiễn thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
Chính sách phát triển đô thị từ thực tiễn thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên
  1. Chương 3
  2. HOÀN THIỆN CHÍNH SÁCH PHÁT TRIỂN ĐÔ THỊ TẠI THÀNH PHỐ TUY HÒA

3.1. Quan điểm và định hướng hoàn hiện chính sách phát triển đô thị tại thành phố Tuy Hòa.

3.1.1. Quan điểm hoàn thiện chính sách phát triển đô thị tại thành phố Tuy Hòa

Chính sách PTĐT TP Tuy Hòa phải phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế, Chiến lược phát triển đô thị cả nước và Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH của tỉnh đến năm 2030; đảm bảo sự phát triển đô thị Thành phố theo hướng phát triển bền vững (PTBV).

Chính sách PTĐT thành phố Tuy Hòa cần phát huy vai trò đặc biệt của Thành phố trong mối quan hệ với các vùng lân cận để mở rộng liên kết, hợp tác với các tỉnh trong khu vực và cả nước.

Chính sách PTĐT thành phố Tuy Hòa hài hòa, đồng bộ giữa xây dựng mới và cải tạo chỉnh trang đô thị; giữa phát triển không gian đô thị và hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, bảo vệ môi trường; đảm bảo kết hợp hài hòa và cân đối giữa trung tâm với ngoại ô, giữa đô thị với nông thôn.

Chính sách PTĐT TP Tuy Hòa phải phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, hệ thống kết cấu hạ tầng, tăng cường đầu tư chiều sâu về KH-CN, lực lượng lao động và huy động hiệu quả các nguồn lực để thực hiện CNH, HĐH tạo ra bước đột phá mới.

3.1.2. Định hướng hoàn thiện chính sách phát triển đô thị tại TP. Tuy Hòa trong thời gian tới

Chính sách PTĐT hướng đến mục tiêu phát triển nhanh và bền vững; phấn đấu đến năm 2020 xây dựng TP. Tuy Hòa thành đô thị văn minh, xanh, sạch, đẹp, thân thiện và từng bước hiện đại, hướng đến đô thị loại I vào năm 2025.

Từng bước đáp ứng vai trò vị trí trung tâm du lịch, dịch vụ trong khu vực, là điểm nhấn quan trọng trong liên kết phát triển vùng giữa các tỉnh Tây nguyên và Duyên hải Nam Trung bộ, tạo nhiều bước đột phá mới làm thay đổi diện mạo thành phố Tuy Hòa, là tiền đề để đảm bảo an ninh quốc phòng và hòa nhịp phát triển cùng với các đô thị trên cả nước.

Chính sách phát triển đô thị theo hướng phân bổ cơ cấu chức năng hợp lý, tạo diện mạo kiến trúc cảnh quan đô thị theo hướng văn minh hiện đại, bền vững và bảo vệ các vùng cảnh quan thiên nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái, giữ gìn những giá trị tinh hoa, bản sắc văn hóa độc đáo của đô thị, tạo điểm nhấn cho TP Tuy Hòa.

Chính sách PTĐT TP.Tuy Hòa góp phần làm cho Thành phố có điều kiện sống tốt, có sức cạnh tranh cao, đáp ứng yêu cầu dịch chuyển cơ cấu lao động, phân bố dân cư giữa các khu vực Thành phố.

Chính sách phát triển đô thị TP.Tuy Hòa phải đi đôi với việc nâng cao năng lực, hiệu quả quản lý đô thị của chính quyền các cấp; kết hợp PTĐT với đảm bảo an ninh, quốc phòng và an toàn xã hội.

3.2. Các giải pháp hoàn thiện chính sách phát triển đô thị tại thành phố Tuy Hòa: Triển khai đồng bộ các nhóm giải pháp

3.2.1. Giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức về phát triển và quản lý đô thị

Tăng cường tuyên truyền về nếp sống văn minh đô thị, phát động các phong trào thi đua xây dựng đô thị “văn minh, xanh, sạch, đẹp, thân thiện và từng bước hiện đại”; nâng cao ý thức của người dân trong việc tổ chức việc cưới, việc tang, giữ gìn vệ sinh công cộng, đặc biệt là Đề án “Rác không tiếp đất” của Thành phố. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả cao các mô hình Tổ dân phố tự quản, các tuyến đường tự quản, sạch đẹp, an toàn, kiểu mẫu …

3.2.2. Giải pháp về Quy hoạch, xây dựng và PTĐT

Tập trung rà soát, điều chỉnh, bổ sung và hoàn chỉnh đồng bộ các đề án quy hoạch tổng thể, quy hoạch ngành, lĩnh vực, nhất là quy hoạch chung, quy hoạch chi tiết xây dựng TP.Tuy Hòa đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 theo hướng mở rộng và kiểm soát tốt không gian phát triển đô thị; trước mắt cần triển khai đầu tư và khai thác hiệu quả khu đô thị Nam TP Tuy Hòa theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên đất. Nâng cao chất lượng hoạt động thương mại dịch vụ; phát triển du lịch, các sản phẩm du lịch, bảo đảm gắn kết ổn định, đa dạng, hình thành các vùng sản xuất rau, hoa có chất lượng, giá trị kinh tế cao, xây dựng vành đai xanh ven đô kết hợp du lịch nhà vườn, nông trại, nhất là hình thành phát triển làng du lịch Ngọc Lãng. Khuyến khích, tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư xây mới các trung tâm thương mại.

3.2.3. Giải pháp về công tác quản lý đô thị

Chấn chỉnh và tăng cường công tác quản lý xây dựng, trật tự đô thị. Nâng cao năng lực, trách nhiệm, tinh thần phục vụ của lực lượng cán bộ quản lý đô thị. Hoàn thiện các qui định về quản lý trật tự đô thị, vệ sinh môi trường theo hướng cụ thể hóa trách nhiệm, nghĩa vụ của cơ quan, tổ chức, cá nhân để triển khai thực hiện. Triển khai các biện pháp quản lý, khai thác có hiệu quả các khu vui chơi giải trí ngoài trời, địa điểm công cộng, khu vực bờ biển Tuy Hòa.

Quy hoạch một số tuyến phố chính tại khu vực trung tâm trở Thành phố chuyên doanh văn minh thương mại: phố hàng may mặc, hàng nội thất, hàng lưu niệm, tư liệu sản xuất, phố mua sắm, phố ẩm thực, phố đi bộ …

3.2.4. Giải pháp về xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị

Tập trung triển khai đầu tư các công trình trọng điểm đã có chủ trương, nhất là các công trình hạ tầng khu dân cư thuộc các dự án quy hoạch, các công trình có sử dụng nguồn vốn của Tỉnh, vốn ngân sách Thành phố, vốn trái phiếu Chính phủ. Chú trọng công tác bồi thường giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp triển khai các dự án đã đăng ký đầu tư trên địa bàn.

Phân công, phân nhiệm rõ ràng về thẩm quyền, trách nhiệm và sự phối hợp đồng bộ giữa các ngành, các cấp trong quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, Trong đó, vai trò của chính quyền đô thị phải được thể hiện và phát huy hiệu quả.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, khai thác công trình HTKTĐT. Hiện nay, việc ứng dụng Hệ thống thông tin địa lý (GIS) vào quản lý các công trình HTKTĐT.

3.2.5. Giải pháp phát triển và sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực

Thường xuyên tổ chức các chương trình đào tạo, tập huấn nâng cao năng lực quản lý đô thị, quy hoạch cho cán bộ trực tiếp tham gia hoạt động quản lý xây dựng, quy hoạch từ cấp phường, xã đến Thành phố. Đối với công tác tuyển dụng cán bộ làm việc: ưu tiên tuyển dụng các cán bộ trẻ, được đào tạo chính quy theo đúng chuyên môn, nghiệp vụ trong lĩnh vực quy hoạch, xây dựng. Tăng cường luân chuyển, bổ sung cán bộ có kinh nghiệm, chuyên môn nghiệp vụ trong lĩnh vực quản lý quy hoạch, xây dựng, đất đai, môi trường … từ các phòng chuyên môn của Thành phố xuống các phường, xã và hoán đổi cán bộ phụ trách địa chính giữa các phường, xã. Có các chính sách thu hút, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, công nhân lành nghề, chuyên gia giỏi trong nước, Việt Kiều và nước ngoài để tham gia xây dựng và phát triển TP.Tuy Hòa.

3.2.6. Giải pháp huy động các nguồn lực tài chính

Tham mưu cho Tỉnh tiếp tục tạo thêm nguồn vốn từ quỹ đất để bổ sung vào nguồn vốn ngân sách, thực hiện cơ chế đấu giá quyền sử dụng đất, sử dụng quỹ đất để tạo vốn xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết; rà soát thu hồi các khu đất chưa sử dụng, sử dụng không đúng mục đích. Đẩy mạnh đấu giá quyền sử dụng đất, đấu giá tài sản công sử dụng kém hiệu quả tạo nguồn vốn để PTĐT.

Nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp: Khuyến khích thu hút doanh nghiệp trong và ngoài nước tham gia đầu tư cơ sở hạ tầng, phát triển kinh doanh, thương mại dịch vụ, đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất. Nghiên cứu, lập đề án báo cáo Tỉnh ban hành các chính sách khuyến kích đầu tư trong lĩnh vực phát triển hạ tầng đô thị như: xử lý rác thải, công viên cây xanh, bãi đỗ xe tỉnh… Phát triển hạ tầng xã hội như: các khu trung tâm vui chơi giải trí, dịch vụ, y tế, giáo dục…; đẩy mạnh các hình thức xã hội hóa “Nhà nước và nhân dân cùng làm” trong lĩnh vực bê tông hóa đường giao thông nông thôn, hè phố, công trình thể thao, văn hóa…

Kiến nghị với Tỉnh, các sở ngành cho phép ngân sách Thành phố được hưởng một tỷ lệ nhất định trong tổng số thu của các doanh nghiệp trên địa bàn, thu một số phí, lệ phí đặc thù để tái đầu tư nâng cấp các công trình công cộng.

3.2.7. Giải pháp về tổ chức bộ máy và cải cách hành chính

Rà soát, sắp xếp lại bộ máy của Thành phố theo hướng tinh gọn, năng động, hiệu quả, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý, nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu. Tập trung cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính trong lĩnh vực quản lý đô thị gắn với thực hiện cơ chế một cửa; Phân cấp về thẩm quyền, trách nhiệm của UBND phường, xã trong các lĩnh vực quản lý quy hoạch, xây dựng, trật tự an toàn giao thông, vỉa hè đô thị; áp dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực quản lý đô thị chất lượng dịch vụ hành chính công; tích cực phòng chống tham nhũng trong lĩnh vực xây dựng, quy hoạch.

3.2.8. Giải pháp về thể chế

Kiến nghị Tỉnh ban hành các quy chuẩn kỹ thuật, tiêu chí và hướng dẫn quản lý quy hoạch, xây dựng và đầu tư PTĐT Thành phố theo hướng bền vững.

Xây dựng các chế tài, cơ chế nhằm kiểm soát công tác thực hiện quy hoạch, quản lý kiến trúc đô thị, quản lý trật tự xây dựng… đặc biệt cơ chế xử lý trách nhiệm người đứng đầu các cấp buông lỏng quản lý trong lĩnh vực quy hoạch và xây dựng.

Phối hợp với các sở, ban, ngành của Tỉnh triển khai xây dựng một số cơ chế chính sách trình UBND tỉnh, Trung ương cho phép áp dụng nhằm tạo bước đột phá; đơn giản các thủ tục có liên quan đến thuê đất, cấp phép xây dựng, vay vốn, thế chấp tài sản… để thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước; khuyến khích đầu tư phát triển các xã thuộc Thành phố.

  1. KẾT LUẬN

PTBV đô thị trong xu hướng đô thị hóa hiện nay đối với thành phố Tuy Hòa là con đường tất yếu, quyết định đến sự phát triển chung của Thành phố. Tất nhiên, phát triển hài hòa giữa khu vực đô thị và nông thôn. Trên cơ sở những vấn đề lý luận và chính sách về PTĐT, kinh nghiệm của các nước về chính sách PTĐT, luận văn đã xác định các vấn đề, giải pháp, thể chính sách phát triển đô thị tại TP. Tuy Hòa. Quá trình triển khai thực hiện chính sách PTĐT tại TP.Tuy Hòa có những bước chuyển biến rất tích cực mang tính đột phá trên các lĩnh vực. Tuy nhiên vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, từ đó ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển chung của Thành phố.

Qua việc đánh giá thực trạng và chỉ ra nguyên nhân chủ yếu, xác định quan điểm và định hướng, luận văn đưa ra các nhóm giải pháp hoàn thiện chính sách PTĐT tại TP. Tuy Hòa. Từ đó đề xuất một số kiến nghị cần quan tâm:

Tỉnh Phú Yên cần ban hành chính sách đặc thù cho Thành phố, tạo điều kiện cho Tuy Hòa phát triển nhanh hơn; phân công, phân cấp, giao quyền chủ động cho Thành phố về thu hút, sử dụng các nguồn tài chính, ngân sách; về đầu tư và xây dựng, phát triển phúc lợi công cộng; những gì Thành phố làm tốt, có hiệu quả thì giao cho thành phố thực hiện, nhưng không tạo ra một thiết chế độc lập riêng mà có sự kết hợp giữa Tỉnh và các địa phương khác.

Tỉnh cần bố trí các nguồn vốn từ ngân sách Nhà nước, cũng như tạo điều kiện cho TP.Tuy Hòa thu hút các nguồn vốn ODA, các tổ chức và các nhà đầu tư trong và ngoài nước để đầu tư phát triển HTKTĐT Tuy Hòa; khuyến khích, cho phép TP.Tuy Hòa kêu gọi nhà đầu tư thực hiện các dự án phát triển HTKTĐT Tuy Hòa theo hình thức đối tác công tư, chú trọng lĩnh vực chiếu sáng đô thị theo công nghệ mới tiết kiệm điện.

Nghiên cứu, ban hành cơ chế đặc thù cho Tuy Hòa: Về vấn đề khai thác, tạo nguồn thu và sử dụng các nguồn thu ổn định đảm bảo hoàn chỉnh tiêu chí đô thị theo quy định hiện hành của Nhà nước;

Tăng thẩm quyền cho chính quyền đô thị về quyền lập quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị, tổ chức bộ máy, tài chính.

Mặc dù tác giả cố gắng vận dụng kiến thức chuyên ngành chính sách công và liên hệ thực tiễn để hoàn thành kết quả luận văn này. Song chính sách PTĐT nói chung và trường hợp TP.Tuy Hòa là vấn đề mới mẻ và phải bàn thêm nhiều. Do đó, sản phẩm luận văn không tránh khỏi thiếu sót. Rất mong sự đóng góp quý báu của các thầy cô và Hội đồng Khoa học của Học viện Khoa học xã hội để luận văn được hoàn thiện./.

LIỆN HỆ:

SĐT+ZALO: 0935568275

E:\DỮ LIỆU COP CỦA CHỊ YẾN\LUAN VAN VIEN HAN LAM\VIEN HAN LAM DOT 3\CHINH SACH CONG\NGUYEN THI LE QUYEN\SAU BAO VE

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *